Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 8 năm 2023

Update 09 - 08 - 2023
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

 

*Baodienbienphu.com.vn (9/8): Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả

Những năm qua, một số huyện đã xác định cây ăn quả là cây trồng chủ lực, từ đó tập trung phát triển thành các vùng sản xuất chuyên canh, bền vững. Ðến nay nhiều diện tích đã cho thu hoạch, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Trước năm 2018, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh chủ yếu trồng phân tán, nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu của gia đình và bán quả tươi cho thị trường trong tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, tại địa bàn một số huyện đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả tập trung như: Dứa, xoài, bưởi, chanh leo, cam. Ðặc biệt, ngày 31/12/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3417/QÐ-UBND Phê duyệt “Ðề án phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Ðây là cơ sở, điều kiện để các địa phương trong tỉnh tập trung phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, chất lượng cao. Ðến nay, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 3.982ha; trong đó có hơn 1.400ha trồng tập trung, chiếm khoảng 35% tổng diện tích, có sự liên kết giữa người dân với hợp tác xã, người dân với doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp, chủ trang trại tự đầu tư nên đã quan tâm nhiều hơn về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác.  6 tháng đầu năm 2023, sản lượng cây ăn quả đạt 9.365,3 tấn (tăng 15,38 tấn so với cùng kỳ năm 2022). 

Ông Phạm Ðình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá: Việc phát triển cây ăn quả trong thời gian qua đã có chuyển biến tích cực. Một số huyện, xã đã và đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển cây ăn quả, bước đầu thu được kết quả khả quan. Ðến nay đã hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung cho năng suất cao, bước đầu hình thành một số liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Nhiều giống chất lượng tốt được sử dụng đã nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác kéo theo đó thu nhập, đời sống nông dân cũng nâng lên so với trước đây.

Thực hiện Ðề án Phát triển cây ăn quả, 10/10 huyện, thị, thành phố đã xây dựng kế hoạch, trong đó 7/10 địa phương đã ban hành Kế hoạch phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; 3/7 huyện (Ðiện Biên Ðông, Mường Chà, Nậm Pồ) ban hành Kế hoạch giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030. Hiện nay, các huyện: Tuần Giáo, Ðiện Biên và Mường Ảng đã có nhiều diện tích cây ăn quả cho thu hoạch, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Ðơn cử như 6 tháng đầu năm 2023, huyện Tuần Giáo đã xuất bán trên 100 tấn xoài cho Công ty rau quả Trung ương, với giá bán 7.500 - 10.500 đồng/kg.

Khi diện tích cây ăn quả đã phát triển ổn định, nhiều địa phương đã điều chỉnh kế hoạch đến năm 2025, thay vì thực hiện mục tiêu mở rộng diện tích bằng việc tập trung chăm sóc, phát triển bền vững diện tích cây ăn quả hiện có.

Huyện Tuần Giáo xác định phát triển cây ăn quả chất lượng cao là một trong những hướng phát triển kinh tế chính của ngành nông nghiệp. Theo đó, huyện đã chỉ đạo tổ chức thực hiện 56 dự án trồng cây ăn quả theo hướng liên kết chuỗi giá trị với tổng diện tích 484,2ha; gồm: 248,1ha xoài; 52,9ha mít; 22ha nhãn chín muộn; 80,9ha lê; 66,9ha bưởi; 13,4ha chanh leo tím. Diện tích trồng cây ăn quả tập trung tại các xã: Quài Nưa, Quài Cang, Pú Nhung, Rạng Ðông, Mùn Chung, Nà Tòng. Ðến nay, tổng diện tích cây ăn quả của huyện Tuần Giáo đạt 620ha, nhiều diện tích cho thu hoạch, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Ðặc biệt, có 3ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng.

Mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Tuần Giáo đến năm 2025, toàn huyện có 1.000ha cây ăn quả. Tuy nhiên, tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðảng bộ huyện Tuần Giáo đã điều chỉnh kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện tập trung chăm sóc, phát triển bền vững 600ha, giảm 400ha so với mục tiêu Nghị quyết. Lý giải về sự điều chỉnh trên, bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc mở rộng diện tích cây ăn quả quá nhanh khiến một số diện tích người dân không đủ nguồn lực để chăm sóc, bảo vệ và phát triển. Do đó, năng suất, sản lượng và chất lượng quả không đảm bảo. Trên cơ sở rà soát, đánh giá chính xác thực trạng phát triển cây ăn quả trên địa bàn, huyện đã điều chỉnh kế hoạch, từ nay đến năm 2025 tập trung nguồn lực duy trì, phát triển ổn định, bền vững diện tích cây ăn quả hiện có; chăm sóc để vườn cây cho năng suất, sản lượng, chất lượng tốt. Ðồng thời, chú trọng công tác xúc tiến thương mại, xây dựng liên kết sản xuất tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

 

*Dienbientv.vn (8/8): Điện Biên tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ

Trong 6 ngày (từ ngày 2-7/8), những trận mưa lớn kéo dài kèm theo gió lốc đã liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên gây úng ngập cục bộ, sạt lở đất đá, gây thiệt hại nhiều nhà cửa, công trình thủy lợi, diện tích sản xuất nông nghiệp và làm ách tắc giao thông tại nhiều địa phương. Để kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp, khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện nhằm khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.

Mưa lớn trong những ngày qua đã khiến các tuyến đường giao thông tại huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà, thị xã Mường Lay,... xuất hiện hàng chục điểm sạt lở; gây ách tắc giao thông cục bộ.

Tại các tuyến Quốc lộ 6, 4H, Quốc lộ 12 và Quốc lộ 279 tổng khối lượng đất đá là gần 98.000m3 từ taluy dương tràn xuống che kín mặt đường; nhiều vị trí đứt gãy mặt đường, sụt, sạt taluy âm. Đặc biệt, ngày 4/8 tuyến Quốc lộ 279 đoạn thành phố Điện Biên Phủ đi Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang từ Km108+900 đến Km110 xảy ra nhiều điểm sạt lở lớn khiến người và phương tiện không thể lưu thông.

Trước tình hình trên, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị quản lý trên tuyến thực hiện ứng trực 24/24h; kịp thời phát hiện các vị trí xung yếu có nguy cơ sụt sạt để tập trung khắc phục đảm bảo thông đường phục vụ người dân, phương tiện lưu thông thông suốt, an toàn.

Không chỉ thiệt hại trên các tuyến giao thông, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, trong 6 ngày từ 2-7/8, mưa lũ đã làm ảnh hưởng, hư hỏng hơn 80 ngôi nhà của người dân; gây thiệt hại hơn 160ha lúa và hoa màu; làm hư hỏng nhiều công trình thủy lợi tại các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, mưa lớn gây sạt lở đất đã làm hư hỏng hệ thống tường bao và cơ sở vật chất một số trường học trên địa bàn huyện Điện Biên, Điện Biên Đông và huyện Mường Nhé. Tổng thiệt hại ước tính hơn 31 tỷ đồng.

Để kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương huy động lực lượng phòng chống, khắc phục hậu quả theo phương châm "4 tại chỗ"; hỗ trợ nhân dân phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Đồng thời, ngay trong chiều 7/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan thường trực Ban chỉ huy cấp tỉnh đã đi kiểm tra thực tế một số khu vực có nguy cơ gây sạt lở cao tại các bản Na Ư, Ca Hâu tại xã Na Ư, huyện Điện Biên. Qua đó, yêu cầu địa phương khẩn trương rà soát và di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm. 

Theo dự báo, trong 2 ngày 7-8/8, trên địa bàn tỉnh Điện Biên tiếp tục có mưa rào rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to, tiếp tục có khả năng cao gây lũ quét và sạt lở đất. Vì vậy, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện ứng trực 24/24h; tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về diễn biến tình hình mưa lũ để kịp thời sơ tán, di dời người và tài sản đến nơi an toàn; chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu người, tài sản tại các khu vực khi có thiên tai xảy ra...

 

*Laodong.vn (9/8): Cận cảnh dự án đường trăm tỉ như lòng suối cạn ở Điện Biên

Như Lao Động đã có loạt bài phản ánh, dự án đường trăm tỉ (Bệnh viện - Tà Lèng) tại TP Điện Biên Phủ vừa làm xong đã xuống cấp nghiêm trọng. Đến nay, mỗi khi trời mưa người dân vẫn phải vất vả di chuyển như đi dưới lòng suối cạn...

Trước đó, như Lao Động đã có nhiều bài phản ánh về Dự án đường trăm tỉ Bệnh viện - Tà Lèng thuộc TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên dài hơn 2km được triển khai từ năm 2011 với tổng mức lên đến hơn 140 tỉ đồng.

Sau gần 10 năm chậm tiến độ, đến cuối năm 2021 dự án này đã được nghiệm thu và bàn giao.

Tuy nhiên, các phương tiện lại không thể di chuyển bình thường vì mặt đường hư hỏng nghiêm trọng, hệ thống thoát nước thì không có tác dụng khiến người dân vô cùng bức xúc.

Trước đó, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện chủ đầu tư cho biết, từ khi dự án được bàn giao đã rất nhiều lần sửa chữa tạm, tuy nhiên do dự án được triển khai trong nhiều năm nên nhiều hạng mục đã xuống cấp.

Để khắc phục tuyến đường này, TP Điện Biên Phủ đã xin thêm dự án 25 tỉ đồng, thế nhưng lại chưa thể thực hiện vì công trình này không còn phù hợp với quy hoạch hiện nay.

Cũng theo đại diện chủ đầu tư, trước đây đường có thiết kế rộng 21,5 m, tuy nhiên hiện nay theo quy hoạch mới thì đường phải rộng trên 30 m, do vậy dự án 25 tỉ đồng không thể triển khai được.

Trong khi TP Điện Biên Phủ loay hoay tìm giải pháp để khắc phục một dự án vừa làm xong đã xuống cấp thì người dân thành phố lại đặt câu hỏi về trách nhiệm của nhà thầu - Công ty Cổ phần Xây dựng Hà Nội (chi nhánh Điện Biên).

 

*Baodienbienphu.com.vn (8/8): Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng trang trại, gia trại

Tỉnh Ðiện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc. Những năm gần đây, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ lĩnh vực chăn nuôi; người dân từng bước thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng trang trại, gia trại. Nhờ đó, ngành chăn nuôi của tỉnh đã có thay đổi tích cực, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Năm 2019, gia đình anh Vàng A Chua, bản Tìa Mùng, xã Noong U (huyện Ðiện Biên Ðông) được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng từ Quỹ Hội Nông dân huyện để phát triển nuôi bò sinh sản. Anh Chua mua 3 con bò giống để thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản theo hướng gia trại. Ðến nay, sau 4 năm tổng đàn bò của gia đình anh đã có 15 con. Từ năm 2022, anh Chua bắt đầu xuất bán bò ra thị trường với số lượng 3 - 4 con/năm; thu nhập từ nuôi bò khoảng 45 - 50 triệu đồng/năm.

Anh Vàng A Chua cho biết: Hội Nông dân tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn và luôn đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn tôi trong quá trình nuôi bò sinh sản. Tôi nuôi tập trung, có chuồng trại; thực hiện đầy đủ các biện pháp tiêm phòng bệnh, phòng chống đói rét cho đàn gia súc. Ðể đủ lượng thức ăn cho gia súc, ngoài việc tích trữ rơm rạ, cỏ khô, tôi đã trồng thêm 1.000m2 cỏ voi trên nương. Nhờ đó, đàn bò ít bị bệnh, sinh trưởng phát triển tốt. Ðến nay, tôi duy trì ổn định 10 con bò sinh sản, số còn lại xuất bán ra thị trường tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Hướng tới phát triển chăn nuôi đại gia súc thành lĩnh vực “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện Ðiện Biên Ðông đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê. UBND huyện đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nhằm giúp người dân phát triển, mở rộng đàn vật nuôi như: Hỗ trợ con giống, làm chuồng trại, tiêm phòng, giống cỏ... Trong 5 năm qua, huyện đã triển khai được 120 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhiều dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng số gia súc hỗ trợ là hơn 3.080 con cho 3.778 hộ thụ hưởng; hỗ trợ trồng 146ha cỏ ghine. Huyện cũng thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thú y xã, thú y thôn bản; bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi gia súc; chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên và các phòng chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề chăn nuôi để lao động nông thôn có kiến thức áp dụng vào chăm sóc đàn gia súc của gia đình. Nhờ đó ngành chăn nuôi của huyện Ðiện Biên Ðông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ðến hết tháng 6/2023, tổng đàn gia súc toàn huyện đạt 70.243 con.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh có trên 300 trang trại chăn nuôi hỗn hợp trâu, bò, lợn, dê; trong đó có gần 290 trang trại quy mô nhỏ, 18 trang trại quy mô vừa và hàng nghìn mô hình chăn nuôi gia trại hiệu quả. Tổng đàn gia súc toàn tỉnh đạt 545.533 con, trong đó: Ðàn trâu 136.663 con; đàn bò 98.447 con; đàn lợn 310.423 con. Xác định phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng trang trại, gia trại là bước đột phá, là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Ðiện Biên đã phê duyệt Ðề án “Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ người dân đầu tư mở rộng quy mô đàn. Ðồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bảo tồn nguồn gen trâu, bò để lựa chọn con giống tốt; tăng cường hướng dẫn nông dân tham gia các mô hình phát triển chăn nuôi hiệu quả; chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh.

 

*Baodienbienphu.com.vn (7/8): Lay Nưa đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao

Chiều nay (7/8), Hội đồng thẩm định xét, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), xã đạt NTM nâng cao, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Điện Biên họp xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022.

Theo báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ và mức độ đạt tiêu chí NTM nâng cao của xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay) năm 2022, hồ sơ đề nghị xét, công nhận đúng trình tự, thủ tục theo Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Về kết quả thẩm định: Tổng số tiêu chí của xã Lay Nưa đã được các sở, ban ngành thẩm định đạt chuẩn 14/19 tiêu chí; 5/19 tiêu chí cơ bản đạt (quy hoạch, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, chất lượng môi trường sống). Tổng số chỉ tiêu xã Lay Nưa đạt 62/76 chỉ tiêu, cơ bản đạt 9/76 chỉ tiêu, chưa đạt 3/76 chỉ tiêu, 2/76 chỉ tiêu không đánh giá. Đối chiếu quy định về xã NTM nâng cao, xã Lay Nưa cơ bản đạt các tiêu chí, chỉ tiêu.

Thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí cao với nội dung tổng hợp kết quả thẩm định hồ sơ và mức độ đạt tiêu chí NTM nâng cao xã Lay Nưa năm 2022; sau đó tiến hành bỏ phiếu theo quy trình. Kết quả kiểm phiếu, có 24/24 phiếu đồng ý công nhận xã Lay Nưa đạt chuẩn NTM nâng cao.  

 

*Giaoduc.net.vn (6/8): Điện Biên đề nghị giao bổ sung 2.008 biên chế để khắc phục thiếu giáo viên

Trước khi vào năm học mới, Điện Biên đang thiếu 2.008 giáo viên, dù ngành giáo dục tích cực khắc phục nhưng khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn tuyển.

Dù đã chủ động thông báo chỉ tiêu, kế hoạch tuyển dụng hằng năm, thậm chí người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo tỉnh kêu gọi sinh viên mới ra trường liên hệ ứng tuyển, nhưng tình trạng thiếu giáo viên tại tỉnh Điện Biên vẫn chưa được khắc phục.

5 năm liên tục thiếu giáo viên

Trước thềm năm học mới 2023 – 2024, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên về tình hình thiếu giáo viên và giải pháp khắc phục của địa phương.

Nói về tình trạng thiếu giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết: “Tính trong khoảng 5 năm trở lại đây thì năm nào cũng thiếu giáo viên so với nhu cầu thực tế và định biên theo quy định ngành. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh thiếu gần 1.800 giáo viên, trong đó, bậc mầm non thiếu nhiều giáo viên nhất, sau đến các môn chuyên biệt (Tiếng Anh, Tin học).

Trước thềm năm học 2023-2024 theo định mức toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên thiếu 2.008 giáo viên.

Trong đó, cấp học mầm non thiếu 980 giáo viên, 233 tiểu học, 533 trung học cơ sở và thiếu 262 giáo viên trung học phổ thông.

Tình trạng thiếu giáo viên là tình trạng chung của tỉnh. Ở một số môn như Mỹ Thuật, Âm nhạc có thể khắc phục được.

Đối với môn Tiếng Anh và Tin học ở cấp tiểu học là khá khó khăn. Ở cấp trung học cơ sở các thầy cô Toán – Tin có thể dạy song song được, vì ở cấp tiểu học giáo viên đào tạo chung môn Mỹ thuật, Âm nhạc nên có thể khắc phục. Đây có thể là giải pháp trước mắt.

Trong khi thiếu giáo viên bộ môn tiếng Anh, các trường đang phải áp dụng hình thức dạy tăng tiết, hoặc phòng Giáo dục và Đào tạo phân công giáo viên tiếng Anh đảm nhiệm dạy 2 cấp học theo cụm xã.

Bên cạnh đó, các trường cũng có thể tiến hành ghép lớp để học chung. Môn tiếng Anh, môn Tin học trước mắt có thể học ở các hội trường lớn”.

 

*Laodong.vn (8/8): Giá lúa gạo tăng cao, vựa lúa Điện Biên bắt đầu biến động

Theo ghi nhận của PV giá lúa gạo tại TP Điện Biên Phủ bắt đầu có biến động nhẹ, tại một số siêu thị, giá gạo được điều chỉnh tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Tăng theo xu thế chung của các mặt hàng

Ngày 7.8, tại Siêu thị Tâm Đỏ ở trung tâm TP Điện Biên Phủ, giá gạo tẻ Hương Việt đang được niêm yết ở mức giá 26.000 đồng/kg; gạo nếp Hương Việt 39.000 đồng/kg; gạo Séng Cù 33.000 đồng/kg; gạo nếp nương 40.000 đồng/kg.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, quản lý siêu thị cho biết, mức giá này vừa được điều chỉnh vào sáng 7.8. Nguyên nhân của việc điều chỉnh tăng giá này được đại diện siêu thị đưa ra là do thời gian gần đây, giá cả các mặt hàng đều tăng nhẹ trong đó có giá lúa gạo. Do vậy giá gạo đã được điều chỉnh tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, tùy loại gạo.

Tuy nhiên, giá lúa gạo tại các chợ trung tâm TP Điện Biên Phủ lại không có sự biến động nhiều so với tháng 7. Hầu hết giá các loại gạo vẫn được giữ nguyên và thấp hơn giá cùng loại trong siêu thị từ 2.000 - 5.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Bích Thảo - một đại lý lớn tại chợ Trung tâm 3 cho biết, giá gạo chưa tăng bởi nguồn cung của nông dân và các đại lý xay xát gạo vẫn ổn định. Hơn nữa, người dân vùng lòng chảo Điện Biên cũng vừa thu hoạch vụ lúa mới bội thu nên nguồn cung khá dồi dào.

Mặt khác, theo chị Thảo từ tháng 4.2023 đến nay, Sân bay Điện Biên tạm đóng cửa để thực hiện dự án nâng cấp nên nhu cầu về đầu ra cho mặt hàng gạo đặc sản Điện Biên cũng giảm đáng kể.

 

*Phapluatplus.vn (7/8): Cây xanh mới trồng đã chết khô tại Điện Biên: Cần truy trách nhiệm đến từng tổ chức, cá nhân liên quan

Như Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh, cây xanh mới trồng giữa Trung tâm hành chính chính trị huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên bị chết hàng loạt khiến người dân vô cùng tiếc nuối. Vậy ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng cây chết, chủ đầu tư và tư vấn có “vô can” trong việc giám sát quá trình thực hiện của nhà thầu và đơn vị cung ứng?

Theo tìm hiểu của PV Báo Pháp luật Việt Nam được biết, thời gian qua tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã triển khai 2 dự án “khủng” là dự án xây dựng Trụ sở làm việc HĐND - UBND huyện Nậm Pồ và Trụ sở Huyện uỷ Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên với tổng mức đầu tư của 2 dự án gần 200 tỷ đồng.

Trong đó, trụ sở làm việc HĐND - UBND huyện Nậm Pồ là 114 tỷ đồng; còn trụ sở Huyện uỷ Nậm Pồ trên 76 tỷ đồng. Đây là công trình trọng điểm để Kỷ niệm 10 năm thành lập huyện Nậm Pồ.

Cả 2 dự án đều do Ban quản lý Dự án các công trình huyện Nậm Pồ đại diện làm chủ đầu tư.

Và cả 2 dự án cũng đều chung một nhà thầu thẩm tra thiết kế xây dựng là: Liên danh Trung tâm quy hoạch -Tư vấn kiểm định Him Lam (Trung tâm quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn tỉnh Điện Biên; Công ty TNHH tư vấn kiểm định Him Lam). Trồng cây xanh cảnh quan thuộc một trong những hạng mục phụ trợ của 2 dự án này.

Tuy nhiên, khi cây mới được mang về đây trồng trong thời gian ngắn đã xuất hiện tình trạng nhiều cây bị chết, trụi lá, một số cây bị nghiêng đổ, tróc vỏ… cây có đường kính khoảng 10 – 15cm, cao khoảng 2 – 3 mét. Điều khó hiểu là hàng loạt cây bị chết khô trong tình trạng dù đã được giằng chống, rào quanh bảo vệ gốc kỹ càng.

Cây chết nhiều nhất là tại khu vực Quảng trường trung tâm hành chính chính trị và trục đường dẫn vào Trung tâm hành chính chính trị huyện Nậm Pồ.

Ngoài ra, cây trồng dọc các nhánh đường dẫn vào Trường THPT huyện và xung quanh khu vực trung tâm huyện cũng đều xuất hiện tình trạng cây bị chết rất nhiều.

Xác nhận về vấn đề này, đại diện Ban quản lý Dự án các công trình huyện Nậm Pồ cho biết: Tình trạng cây chết chúng tôi đã nắm được.

Số cây chết trước trụ sở Huyện uỷ và trụ sở UBND – HĐND huyện nằm trong các hạng mục của dự án, do nhà thầu thực hiện trồng; còn số cây trồng tại quảng trường là huy động xã hội hoá từ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…

Giải thích về hiện tượng cây chết, đại diện Ban quản lý dự án huyện cho hay: Do cây được trồng vào khoảng tháng 5, tháng 6 đúng vào thời điểm nắng nóng nên ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, khiến nhiều cây bị chết.

Liên quan đến việc trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc cây trồng bị chết, đại diện Ban quản lý dự án huyện cho biết: Công trình trên chưa được nghiệm thu, nên số cây chết sẽ yêu cầu phía nhà thầu trồng lại đến khi nào cây sống mới nghiệm thu, thanh toán.

Điều khó hiểu là trồng cây xanh tạo cảnh quan là một trong những hạng mục thuộc dự án nhưng phía Ban quản lý dự án huyện lại cho rằng: Số cây chết tại khu vực quảng trường không nằm trong hạng mục của dự án, cây trồng ở đây được huy động xã hội hoá từ cán bộ, công chức và người lao động… Thế nhưng khi được hỏi về đơn vị cung cây ứng cây là đơn vị nào? Đại diện Ban quản lý dự án cho biết: “Cái này do UBND huyện phụ trách và bên đó mới nắm được”.

Trước sự việc trên, dự luận có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, đặc biệt là chủ đầu và tư vấn trong việc giám sát quá trình thực hiện của nhà thầu cũng như đơn vị cung ứng cây?

Dư luận thắc mắc, những cây xanh đã huy động xã hội hoá trồng tại quảng trường trước đó có nằm trong hạng mục của dự án hay không? Nếu nằm trong hạng mục của dự án tại sao lại huy động xã hội hoá?

Thêm một điều nữa, hiện nay tại quảng trường có nhiều hạng mục đang thi công như: Cống rãnh, điện chiếu sáng, kè suối… tuy nhiên lại không được căng dây cắm biển cảnh báo, tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi qua.

Nhiều người thắc mắc, 2 công trình cùng một một chủ đầu tư, xây dựng cùng một địa điểm nhưng lại tách thành 2 dự án khác nhau, quá trình triển khai thi công dự án lại không thấy biển bảng thông báo thông tin về dự án?

 

*Qdnd.vn (5/8): Điện Biên: Mong sớm được hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp đường

Lâu nay, tuyến đường từ C10 xã Sam Mứn đến xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được nhiều người ví là “con đường rệu rã” bởi đang ngày càng xuống cấp. Mặc dù chính quyền địa phương rất muốn sửa chữa, nâng cấp để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, nhưng do còn nhiều khó khăn, nguồn lực không đủ nên chưa thể thực hiện...

Đường xuống cấp, người dân gặp khó

Tuyến đường từ C10 xã Sam Mứn đến xã Hẹ Muông là đường liên xã độc đạo, nối từ Quốc lộ 12 tại Km210+200 đến trung tâm xã Hẹ Muông, có chiều dài khoảng 10km, được đưa vào sử dụng từ năm 2003 với nền đường rộng 5m, mặt đường cấp phối rộng 3m. Tuy nhiên, do lưu lượng phương tiện giao thông cao, trong đó nhiều xe tải vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa, nông sản khiến đường bị hư hỏng. Nhiều đoạn trên tuyến đường này chi chít "ổ gà", mặt đường trồi, lún, bong tróc từng mảng. Cùng với đó, do hệ thống thoát nước chưa được đầu tư nên vào những ngày mưa to, đường thường xuyên bị ngập. Mặc dù tuyến đường được định kỳ bảo dưỡng, cấp phối đá dăm, nhưng cũng chỉ như “muối bỏ bể” bởi sau vài đợt mưa là lại trôi hết.

Theo anh Quàng A Sính-một lái xe ở xã Pom Lót (huyện Điện Biên), con đường xuống cấp đã lâu nhưng thời gian gần đây, tình trạng hư hỏng trầm trọng hơn. Nhiều hôm trời mưa, dù có khách quen trong vùng thuê vận chuyển hàng hóa nhưng anh phải lấy lý do để từ chối, bởi có lần chở ngô, xe của anh đã bị mất lái, lao xuống ruộng vì đường quá trơn trượt. Trên đoạn tuyến này còn có cầu treo Co Mỵ dài 90m bắc qua suối Nậm Núa. Đây là công trình giao thông quan trọng với thiết kế cầu treo dây văng, khung sắt, mặt ván gỗ, được xây dựng từ năm 1996. Đến năm 2019, mặt ván gỗ được thay bằng ván thép. Tuy nhiên, hiện cây cầu bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, mỗi khi có xe đi qua, mặt cầu bị rung lắc, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho bà con. Do mặt cầu rộng khoảng 2m nên chỉ xe bán tải hoặc xe tải nhỏ mới có thể lưu thông, còn những xe kích thước lớn phải đi đường tránh tự phát dưới cầu, "đánh liều" vượt suối Nậm Núa để sang bờ bên kia. 

Sớm bố trí vốn nâng cấp tuyến đường

Điện Biên là tỉnh còn rất nhiều khó khăn nên chưa cân đối, bảo đảm được kinh phí để đầu tư các dự án bảo vệ, bố trí ổn định dân cư ở vùng có nguy cơ sạt lở đất, sụt lún, lũ quét... Xuất phát từ tình hình thực tế, ngày 18-7-2023, UBND tỉnh Điện Biên đã có Công văn số 3028/UBND-KTN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem xét từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh thực hiện hai dự án: Dự án kè bảo vệ khu dân cư và đất sản xuất bản Mường Tùng, bản Tin Tốc (xã Mường Tùng, huyện Mường Chà) và Dự án nâng cấp đường từ C10 xã Sam Mứn đến xã Hẹ Muông, với tổng mức đầu tư dự kiến của hai dự án là 180 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Lò Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Sam Mứn cho biết: "Hiện tuyến đường đã xuống cấp khiến việc đi lại, lao động sản xuất của nhân dân gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng rất trăn trở nhưng vì kinh phí xây dựng, duy tu lớn, vượt quá khả năng của tỉnh và huyện nên chưa thể thực hiện. Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, bà con đều kiến nghị, mong muốn tuyến đường nói chung và cầu Co Mỵ nói riêng sẽ sớm được đầu tư sửa chữa, làm mới. Người dân trong khu vực chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, kinh tế kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao. Địa phương rất mong các cơ quan chức năng quan tâm sửa chữa, nâng cấp tuyến đường để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội”. 

 

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

* Ttxvn.vn (8/8): Từ ngày 14/8/2023, người dân nhận lương hưu, trợ cấp mới

Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo mức hưởng mới từ ngày 14/8/2023.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, căn cứ hiệu lực thi hành của Nghị định số 42/2023/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, Thông tư số 06/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tại kỳ chi trả tháng 8/2023, ngành sẽ tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo mức hưởng mới từ ngày 14/8/2023 (ngày Nghị định số 42 có hiệu lực thi hành). 

Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện chi trả đầy đủ phần chênh lệch tăng thêm chưa lĩnh của tháng 7/2023 cho người hưởng, bảo đảm các đối tượng được hưởng chính sách trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, để kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người hưởng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày 12/7/2023, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có Công văn số 2122/BHXH-CSXH gửi xin ý kiến thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để ngành tổ chức thực hiện chi trả chế độ cho các đối tượng theo quy định tại Nghị định số 42 từ ngày 14/8/2023 và chi trả phần chênh lệch tăng thêm của tháng 7/2023. 

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã và đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan, Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, sẵn sàng triển khai công tác chi trả lương hưu, trợ cấp cho người hưởng thuận lợi, đúng quy định như: cập nhật Phần mềm Quản lý chi trả các đối tượng đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng; lập và chuyển danh sách chi trả theo quy định; phối hợp với cơ quan Bưu điện để cấp kinh phí và có kế hoạch tổ chức chi trả lương hưu kịp thời theo mức hưởng mới tới người hưởng từ ngày 14/8 tới.../.

 

* Chinhphu.vn (7/8): Thông tin cần biết về thủ tục cấp, quản lý biển số định danh

Biển số định danh vẫn được cấp giống như cũ, nhưng khác về cách quản lý. Trước đây xe nào biển số đó, còn theo quy định mới thì người nào biển số đó - biển số đi theo người, chứ không đi theo xe.

Quản lý theo mã định danh của chủ xe

Theo Thông tư 24/2023 của Bộ Công an, từ ngày 15/8, đối với chủ xe là công dân Việt Nam, biển số xe được quản lý theo số định danh cá nhân (dãy 12 chữ số trên thẻ CCCD gắn chip).

Biển kiểm soát xe sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe, còn gọi là biển số định danh. Việc quản lý biển số theo mã định danh chỉ thực hiện với biển 5 số, bao gồm cả ô tô và xe máy.

Với chủ xe là người nước ngoài thì biển số xe được quản lý theo số định danh của người nước ngoài, do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập, hoặc số thẻ thường trú, tạm trú.

Còn chủ xe là tổ chức, biển số định danh được cấp và quản lý theo mã định danh điện tử của tổ chức do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập. Trường hợp chưa có mã định danh điện tử của tổ chức thì quản lý theo mã số thuế, hoặc quyết định thành lập.

Trường hợp xe hết niên hạn sử dụng, hư hỏng hoặc chuyển quyền sở hữu xe, thì biển số định danh của chủ xe được cơ quan đăng ký xe thu hồi và cấp lại khi chủ xe đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình.

Số biển số định danh sẽ được giữ lại cho chủ xe trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày thu hồi. Quá thời hạn đó, nếu chủ xe chưa đăng ký thì số biển số định danh đó được chuyển vào kho biển số để đăng ký, cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định.

Trường hợp chủ xe chuyển trụ sở, nơi cư trú từ tỉnh, thành phố này sang tỉnh, thành phố khác thì được giữ lại biển số định danh đó, không phải đổi biển số xe.

Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) cho biết thêm, chiếu theo Thông tư 24, sẽ không giới hạn số lượng biển số định danh của mỗi người. Trường hợp một người có nhiều xe, nhiều biển số thì tất cả đều được gắn với mã định danh của chủ xe đó.

Về thời hạn cấp biển số định danh, theo quy định của Thông tư 24, công an các cấp sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký xe không quá 2 ngày làm việc, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe là 30 ngày.

Trường hợp cấp biển số định danh lần đầu thì sẽ cấp ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe hợp lệ. Cấp đổi, cấp lại hoặc cấp biển số xe trúng đấu giá sẽ không quá 7 ngày làm việc. 

Biển số định danh phải đảm bảo là biển số có ký hiệu số seri, kích thước biển số, số màu biển số theo quy định của Thông tư 24 về đăng ký xe.

Thủ tục cấp biển số định danh

Về thủ tục cấp biển số định danh, Bộ Công an cho biết, chủ xe cư trú (thường trú và tạm trú) tại địa phương nào thì đăng ký biển số định danh tại địa phương đó. Đây là điểm mới, bởi theo quy định hiện hành, người dân chỉ được đăng ký xe tại nơi đăng ký thường trú.

Khi đăng ký xe mới, chủ xe còn có thể đăng ký trực tuyến, sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để làm thủ tục trên Cổng dịch vụ công.

Bước 1: Đăng nhập vào Cổng dịch vụ công và kê khai thông tin trong giấy khai đăng ký xe. Sau đó, chủ xe ký số vào giấy khai đăng ký xe và nhận mã hồ sơ đăng ký xe trực tuyến. Cơ quan đăng ký xe sẽ thông báo lịch hẹn giải quyết hồ sơ thông qua địa chỉ thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại.

Bước 2: Chủ xe đưa xe đến cơ quan đăng ký xe theo quy định. Lúc này chủ xe cung cấp mã hồ sơ đăng ký xe trực tuyến và ký giấy khai đăng ký xe (nếu không sử dụng chữ ký số). Ngoài ra, chủ xe cần nộp các giấy tờ theo quy định như tờ khai nguồn gốc ô tô, xe gắn máy, giấy tờ mua bán, tặng cho...

Bước 3: Cán bộ đăng ký xe tiến hành kiểm tra hồ sơ xe và kiểm tra thực tế xe để đảm bảo tính hợp lệ. Biển số xe sẽ được cấp theo tuỳ trường hợp: Trường hợp chủ xe chưa được cấp biển số định danh hoặc đã có biển số định danh đang đăng ký cho xe khác, cơ quan đăng ký xe sẽ cấp biển số mới cho xe.

Trường hợp biển số định danh đã được thu hồi, chủ xe sẽ được cấp lại biển số định danh đó.

Nếu xe hoặc hồ sơ xe không đáp ứng đúng quy định, chủ xe sẽ được yêu cầu bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo phiếu hướng dẫn hồ sơ do cán bộ đăng ký xe cung cấp.

Bước 4: Chủ xe nhận giấy hẹn trả kết quả đăng ký và tiến hành nộp lệ phí đăng ký xe.

 

* Chinhphu.vn (6/8): Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 6/8/2023 ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án cải cách thủ tục hành chính

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để thực thi phương án cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (QĐKD), thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để các phương án cải cách sớm đi vào cuộc sống, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời nhằm mục đích nêu cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương và từng cán bộ, công chức trong phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả phản ứng chính sách thông qua việc kịp thời xem xét, điều chỉnh quy định, TTHC cho phù hợp.

Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức các bộ, ngành, địa phương.

Những nhiệm vụ trọng tâm

Những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 là: Tập trung thực thi dứt điểm các phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD, TTHC, giấy tờ công dân đã được phê duyệt; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể cắt giảm, đơn giản hóa 13 nhóm quy định, TTHC trọng tâm; rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các nhóm TTHC nội bộ trọng tâm ưu tiên...

Về nhiệm vụ thực thi dứt điểm các phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD, TTHC, giấy tờ công dân đã được phê duyệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, bảo đảm tính tổng thể, kế thừa và liên thông kết quả rà soát văn bản QPPL trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, để tổ chức thực thi phương án đơn giản hóa 126 TTHC, nhóm TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc trách nhiệm của 16 bộ, cơ quan ngang bộ, 402 QĐKD, nhóm QĐKD thuộc trách nhiệm của 09 bộ, cơ quan ngang bộ và 111 TTHC cần phân cấp thẩm quyền giải quyết thuộc trách nhiệm của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về việc rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể cắt giảm, đơn giản hóa 13 nhóm quy định, TTHC trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, TTHC trọng tâm đang là rào cản, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với nhiệm vụ rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các nhóm TTHC nội bộ trọng tâm ưu tiên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 59 nhóm TTHC nội bộ trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của 06 bộ theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

 

* Chinhphu.vn (6/8): Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền núi và trung du Bắc Bộ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 726/CĐ-TTg ngày 6/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền núi và trung du Bắc Bộ.

Công điện gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh.

Công điện nêu rõ: Từ ngày 04 tháng 8 năm 2023, tại khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi gần 400mm, gây lũ cục bộ trên sông suối nhỏ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại một số địa phương, thiệt hại về tính mạng, nhà cửa, tài sản của Nhân dân, nhất là tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Sơn La. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của người dân vùng bị thiên tai.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ nay đến ngày 8 tháng 8 năm 2023, tại khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-120mm, có nơi trên 180mm. Trong bối cảnh những ngày qua đã liên tiếp có mưa, đất ở trạng thái bão hoà nước, nguy cơ rất cao tiếp tục xảy ra lũ cục bộ trên sông suối nhỏ, lũ quét, sạt lở đất, đá, ngập úng tại vùng trũng, thấp.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ", khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ

 

CHỈ THỊ MỚI

Chinhphu.vn (8/8): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 7/8

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 6 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải 

 Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 311/TB-VPCP ngày 7/8/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 6 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Thông báo nêu, sau 03 lần bổ sung danh mục dự án, đến nay có 25 dự án với 75 dự án thành phần thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Khối lượng công việc cần chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai, thực hiện là rất lớn. Việc triển khai nhanh, hiệu quả các dự án sẽ góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đặt biệt trong điều kiện rất khó khăn hiện nay. Điều này đòi hỏi mỗi thành viên Ban chỉ đạo phải nỗ lực, tập trung, quyết liệt, mạnh mẽ và trách nhiệm hơn nữa để góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Các thành viên Ban Chỉ đạo phải gương mẫu thực hiện kỷ luật hành chính, thực hiện theo đúng Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Văn phòng Chính phủ theo dõi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi Ban Chỉ đạo các trường hợp vắng mặt liên tiếp 02 lần trở lên không có lý do chính đáng, đồng thời xem xét trách nhiệm theo quy định của Đảng và Chính quyền.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đạt 86%

Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, địa phương, các Ban Quản lý dự án (QLDA), đơn vị tư vấn, nhà thầu trong quá trình triển khai các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt để triển khai nhiệm vụ được giao, các kết quả nổi bật như sau: đã hoàn thành công tác giải phóng mặt đáp ứng tiến độ khởi công các dự án cao tốc trục Đông - Tây, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đạt 86%; đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhà ga hành khách T3 cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất; việc cấp mỏ vật liệu xây dựng (VLXD) của dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 có tiến triển tốt sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đã hoàn thành thủ tục và khởi công các dự án cao tốc trọng điểm như Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội nâng tổng số km đường cao tốc khởi công từ đầu năm đến nay lên 1.332 km.

Thủ tướng biểu dương các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Thái Bình, Bình Phước đã chủ động trong triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Hoan nghênh Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có tiến bộ trong việc triển khai dự án CHKQT Long Thành, nhưng cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa mới đạt được tiến độ đề ra.

Chưa đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng để thi công

Thông báo nêu rõ, bên cạnh kết quả được nêu trên, còn một số tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ Dự án cần khắc phục như:

- Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Một số địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng để thi công chưa đáp ứng tiến độ theo kế hoạch. Công tác giải phóng mặt bằng là khâu khó khăn, phức tạp, là đường găng, điểm nghẽn ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án. Càng về sau càng khó khăn, phức tạp, do diện tích còn lại chủ yếu là đất ở, di dời mồ, mả và di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện cao thế, cáp viễn thông…).

Để triển khai hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ, cần phải huy động cả hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy (Trưởng Ban chỉ đạo về công tác giải phóng mặt bằng) để triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cần chú trọng việc tuyên truyền, vận động nhân dân, trực tiếp trao đổi, lắng nghe ý kiến nhân dân; ưu tiên tái định cư tại chỗ, các khu tái định cư phải chuẩn bị sớm, đủ hạ tầng với nguyên tắc nơi ở mới phải tốt hơn hoặc ít nhất phải bằng nơi ở cũ.

Vật liệu xây dựng thông thường: Các địa phương triển khai thủ tục cấp mỏ, nâng công suất mỏ vật liệu một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát lại các vấn đề liên quan đến việc cấp mỏ vật liệu, bảo đảm thực hiện theo đúng chỉ đạo, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước các cơ quan thanh tra, kiểm tra và Thủ tướng Chính phủ đối với việc cấp mỏ sai quy định.

Công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư tại một số dự án còn chậm.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện các thủ tục trong công tác chuẩn bị đầu tư phải bảo đảm đơn giản, nhanh nhất, không để ách tắc. Thẩm quyền của bộ, ngành, cơ quan nào thì bộ, ngành, cơ quan đó phải chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không trông chờ, đùn đẩy, né tránh những việc thuộc thẩm quyền trách nhiệm được giao. Việc lấy ý kiến và quyết định theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 20/4/2023 (các bộ, ngành, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng hạn, chính kiến rõ ràng; không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm; trường hợp quá thời hạn quy định mà bộ, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến và đề xuất của cơ quan lấy ý kiến theo đúng quy định, cần thực hiện nghiêm quy định và Quy chế này).

- Nguồn vốn đầu tư: Về chủ trương bố trí vốn cho các dự án đã được thống nhất tuy nhiên việc triển khai còn vướng mắc hoặc nhiều địa phương còn thiếu chủ động, trông chờ, "ỷ lại" trung ương.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động, tích cực và vận dụng linh hoạt để bố trí vốn triển khai các dự án; các địa phương, cơ quan chủ quản đầu tư phải năng động, sáng tạo, không trông chờ, tự vận động, cân đối nguồn lực của mình để tập trung vốn đầu tư các công trình giao thông trọng điểm. Tuyệt đối không được tham ô, tham nhũng, lãng phí trong việc bố trí, phân bổ vốn đầu tư.

- Năng lực quản lý điều hành của một số chủ đầu tư, nhà thầu còn hạn chế. Một số nhà thầu chưa huy động đầy đủ nhân sự, máy móc, nguồn lực tài chính, chưa thực hiện tốt công tác nội nghiệp ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân.

Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư tuyệt đối không chia nhỏ các gói thầu, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, chống tiêu cực, tham ô lãng phí; yêu cầu các nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công: phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai công việc minh bạch, phát huy khả năng sáng tạo, đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, nâng cao năng lực quản lý để triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ - mỹ thuật, an toàn, bảo vệ môi trường; không được "mua thầu", "bán thầu".

Một số nhiệm vụ trọng tâm

Tại Thông báo, Thủ tướng cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm đối với các dự án trong thời gian tới. Cụ thể: 

Đối với nhóm dự án đang thực hiện chuẩn bị đầu tư

- Các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng: Các địa phương (Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Bình Phước) chủ động, cùng Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án được giao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương và đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án, trong đó bao gồm các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

- Các dự án thành phần thuộc Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa phận tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh: hiện nay tiến độ triển khai dự án rất chậm. Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa; khẩn trương lập thiết kế bản vẽ thi công; chủ động, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc thẩm định hồ sơ; tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu để khởi công các dự án thành phần trên địa bàn các tỉnh trong tháng 9 năm 2023.

Đối với nhóm dự án đang thực hiện đầu tư: 

- Các dự án hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023 (03 dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020: QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2 và dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ): Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công "3 ca 4 kíp" để kịp đưa vào khai thác sử dụng đúng tiến độ; kiên quyết không được chậm tiến độ.

- Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025: Hiện tiến độ giải phóng mặt bằng đã chậm so với yêu cầu; các địa phương cần khẩn trương hoàn thành chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đẩy nhanh di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đường điện cao thế; phải xây dựng và hoàn thành các khu tái định cư trong tháng 9 năm 2023 làm cơ sở để hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các bước, trình tự, thủ tục khai thác vật liệu xây dựng bảo đảm tuân thủ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (bao gồm cả các thủ tục về đất đai), tránh phát sinh các thủ tục hành chính.

Đồng thời, thành lập Tổ công tác bao gồm chính quyền địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá; có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, "ép giá", đầu cơ đất khu vực mỏ.

- Các dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa  - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành Đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Vành Đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội: Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm theo tiến độ Chính phủ giao (cơ bản hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 31 tháng 12 năm 2023); chỉ đạo nhà thầu triển khai ngay các thủ tục liên quan đến khai thác các mỏ vật liệu xây dựng; tổ chức làm việc với các địa phương có mỏ vật liệu xây dựng để thống nhất vị trí, trữ lượng, triển khai các thủ tục cấp mỏ cho nhà thầu thi công.

- Dự án CHKQT Long Thành: Thủ tướng yêu cầu các Bộ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, ACV và các cơ quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại các Thông báo số 162/TB-VPCP ngày 28 tháng 4 năm 2023, số 193/TB-VPCP ngày 24 tháng 5 năm 2023, số 215/TB-VPCP ngày 08 tháng 6 năm 2023, trong đó phải hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu nhà ga hành khách để khởi công trong tháng 8 năm 2023.

- Dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh: Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, nỗ lực hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2023 và tuyến Bến Thành - Suối Tiên đầu năm 2024; huy động mọi nguồn lực, khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt còn lại theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của 02 thành phố.

Tổ chức "3 ca 4 kíp" để bảo đảm tiến độ

Kết luận nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai, kiên quyết thực hiện nguyên tắc giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Chủ đầu tư và các cơ quan liên quan quyết liệt, đôn đốc các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công "3 ca 4 kíp" để bảo đảm tiến độ thi công đã cam kết và đáp ứng kế hoạch giải ngân; chú trọng quản lý chất lượng, mỹ thuật, an toàn lao động; kiên quyết xử lý các nhà thầu yếu kém, vi phạm tiến độ hợp đồng theo đúng các quy định.

Quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục khai thác các mỏ VLXD để có thể khai thác cuối tháng 07 và đầu tháng 8/2023 với các mỏ đã trình. Khảo sát, đưa thêm các mỏ đáp ứng trữ lượng, chất lượng và thuận lợi về thủ tục đất đai vào hồ sơ khảo sát VLXD phục vụ dự án (nếu có nhu cầu) và hoàn thành thủ tục với các mỏ còn lại chậm nhất trong tháng 10/2023. Đây là điều kiện tiên quyết và điểm nghẽn lớn nhất để hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đúng kế hoạch.

Xem xét 6 tỉnh được nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tham mưu, trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11 tháng 02 năm 2022, trong đó Ủy ban nhân dân các tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) được phép quyết định nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác như đã áp dụng cho các mỏ cát đang khai thác khu vực đồng bằng sông Cửu Long; quy định được phép sử dụng các mỏ vật liệu nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng (sau khi đã rà soát, bổ sung) phục vụ dự án đường cao tốc để cung cấp phục vụ thi công các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc; quy định các địa phương có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, bảo đảm chỉ sử dụng vật liệu cho việc thi công các khu tái định cư.

Khẩn trương rà soát và nhanh chóng sửa đổi theo thẩm quyền và đề xuất nếu vượt thẩm quyền về quy trình cấp mỏ đất, đá, cát, sỏi vật liệu thông thường cho xây dựng các đường giao thông… theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, không kéo dài thời gian, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực và phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp. Việc cấp phép phải nhanh chóng, thuận lợi, bỏ các khâu trung gian không cần thiết, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, khẩn trương tổng hợp, rà soát kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 của các tỉnh, thành phố, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp điều hòa, xác định cụ thể tiêu chí ưu tiên, phải bảo đảm đủ đất để xây dựng các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông vận tải; hoàn thành trong Quý III năm 2023.../.

 

*Daibieunhandan.vn (6/8): Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu gạo bền vững

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Chị thị nêu rõ, thời gian qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo có xu hướng tăng cao. Tại Việt Nam, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý.

Để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường và uy tín của gạo Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ.

Bảo đảm mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất, bảo đảm mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo.

Khẩn trương triển khai xây dựng, thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng lúa, gạo trong nước và xuất khẩu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Chủ trì theo dõi, đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Kịp thời hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp và các hộ nông dân tuân thủ nghiêm các quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu.

Chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo

Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật; theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu, kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam.

Triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Gạo Việt Nam, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam; khai thác hiệu quả cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta là thành viên nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Hướng dẫn, hỗ trợ các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế, nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao

Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động chỉ đạo, điều hành tổ chức sản xuất lúa, gạo đảm bảo mục tiêu về năng suất, chất lượng, sản lượng theo kế hoạch.

Kịp thời cung cấp thông tin tới các bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ sản xuất trên địa bàn để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của các bộ, ngành liên quan và theo quy định của Chính phủ; chủ động theo dõi tình hình thương mại gạo toàn cầu, trao đổi thông tin cùng Hiệp hội lương thực Việt Nam để kịp thời báo cáo các bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh và đề xuất biện pháp xử lý.

Tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, đặc biệt thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng để tránh bị lừa đảo.

 

TIN QUỐC HỘI

*Dantri.com.vn (7/8): Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp chất vấn hai bộ trưởng

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan là 2 thành viên Chính phủ sẽ lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 25 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành với dự kiến chất vấn 2 thành viên Chính phủ vào ngày 15/8.

Nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn lần này là nhóm vấn đề về lĩnh vực tư pháp với trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về nhóm lĩnh vực liên quan nông nghiệp.

Theo chương trình dự kiến, sáng 15/8, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long sẽ trả lời chất vấn về nhóm vấn về thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội.

Ông cũng sẽ trả lời về giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ. 

Nhóm lĩnh vực này còn có nội dung về thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng sẽ trả lời chất vấn về thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng Viện KSND Tối cao… sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. 

Chiều cùng ngày là phiên đăng đàn của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan.

Ông Hoan sẽ trả lời chất vấn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản như thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...

Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản cũng như việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo… cũng thuộc nhóm vấn đề Tư lệnh ngành Nông nghiệp sẽ trả lời. 

"Chia lửa" cùng Bộ trưởng Lê Minh Hoan có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Hanoimoi.com.vn (8/8): Giá thép rẻ kỷ lục

Giá thép xây dựng trong nước đã giảm liên tiếp 15 lần, giá thép của nhiều thương hiệu đang ở mức thấp nhất từ cuối năm 2020 do nhu cầu tiêu thụ chậm và phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc.

Từ tháng 4 đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã giảm liên tiếp 15 lần với mức giảm khoảng 3 triệu đồng/tấn. Hiện giá thép của nhiều thương hiệu lớn như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức, Kyoei, Pomina… đang dao động ở mức 13-14 triệu đồng/tấn, mức thấp nhất từ cuối năm 2020.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nguyên nhân giá thép liên tục giảm trong thời gian qua là nhu cầu tiêu thụ chậm. Hiện các dự án dân dụng khởi công ít, dự án cao tốc không đủ tạo cú hích cho thị trường. Khối xây dựng tư nhân cũng tạm thời đang chờ đợi thêm những tín hiệu khác trước khi xuống tiền.

Mặt khác, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.

Các hiệp hội đã có kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ tắc nghẽn tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu sử dụng cho các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, bao gồm các sản phẩm thép.

Trước kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan liên quan xử lý kiến nghị của hội, hiệp hội về khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng theo đúng quy định, trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Không những vậy, giá thép trên thế giới cũng có nhiều biến động. Trên sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE, Trung Quốc), cuối tuần qua, giá thép thanh vằn giao tháng 10 tiếp tục giảm xuống mức 3.752 nhân dân tệ/tấn (khoảng 12,4 triệu đồng). Giá thép cuộn cán nóng tăng trở lại, lên mức 4.019 nhân dân tệ/tấn (khoảng 13,2 triệu đồng).

 

*Nld.com.vn (8/8): Apple Pay chính thức có mặt tại Việt Nam

Phương thức thanh toán Apple Pay chính thức có mặt tại Việt Nam từ hôm nay 8-8, từ sáng sớm nhiều chủ thẻ của một số ngân hàng đã bắt đầu trải nghiệm kênh thanh toán không tiền mặt mới này.

Từ sáng sớm 8-8, ghi nhận của Báo Người Lao Động, chủ thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế của một số ngân hàng như Sacombank, VPBank, ACB, Vietcombank, MB… cho biết đã có thể trải nghiệm tính năng thanh toán trên Apple Pay khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ.

Theo đại diện VPBank, việc ứng dụng số hóa tại ngân hàng ngày càng thể hiện rõ qua từng sản phẩm và dịch vụ mới. Khách hàng có thể sử dụng Apple Pay trên iPhone, iPad và Mac để thực hiện các giao dịch mua hàng trong ứng dụng nhanh chóng và thuận tiện hơn, hoặc giao dịch trên web thông qua Safari mà không cần tạo tài khoản hoặc nhập thông tin vận chuyển và thanh toán nhiều lần.

Để sử dụng, người dùng cần nhấn đúp và giữ iPhone hoặc Apple Watch gần cổng thanh toán để thực hiện thanh toán không tiếp xúc. Theo các ngân hàng, mỗi giao dịch bằng Apple Pay đều được bảo mật vì được xác thực bằng Face ID, Touch ID hoặc mật khẩu của thiết bị, cùng với mã bảo mật động dùng một lần. Apple Pay được chấp nhận tại các cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc, hãng taxi, nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng bán lẻ…

Cùng ngày, nhiều đơn vị tại Việt Nam như Thế Giới Di Động, TopZone, Điện máy Xanh, Be... đã thông báo chấp nhận thanh toán bằng Apple Pay.

 

*Vietnamnet.vn (8/8): Việt Nam được chú ý khi lần đầu xuất khẩu vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi (ASF)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 7/8, nhiều tờ báo và trang thông tin của Hàn Quốc như mạng tin Newsis, Nnews đã thông tin về việc Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu vaccine phòng Dịch tả lợn châu Phi (ASF), cho rằng đây là sự kiện thu hút sự chú ý của ngành công nghiệp dược phẩm và sinh học toàn cầu.

Vaccine ASF do Việt Nam nghiên cứu được xuất khẩu đã xóa tan nghi ngờ về độ tin cậy của sản phẩm này. Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục cung cấp 2 triệu liều vaccine ASF cho một số nước trong khu vực vào tháng 10 tới.

Trước đó, vào cuối tháng 7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã phê duyệt việc xuất khẩu vaccine “Navet ASFVAC” và vaccine “AVAC ASF Live” của công ty Navetco và Công ty AVAC Việt Nam. Theo cơ quan chức năng, 650.000 liều vaccine đã được thử nghiệm tại 40 tỉnh thành trong nước và đạt 95% kết quả. Theo tính toán, thị trường vaccine ASF hàng năm ở Trung Quốc, nơi nuôi nhiều lợn nhất thế giới, trị giá 2.500 tỷ won (khoảng 1,9 tỷ USD).

Tại Việt Nam, sau khi dịch ASF đầu tiên bùng phát vào tháng 2/2019, chỉ trong vòng 7 tháng dịch đã lan ra toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hậu quả là khoảng 6 triệu con lợn, tương đương 20% tổng đàn lợn trong nước buộc phải đưa đi tiêu hủy.

Các công ty thuốc thú y như Komipharm và Careside đang phát triển vaccine ASF tại Hàn Quốc.

 

*Nld.com.vn (8/8): Việt Nam nêu đề xuất quan trọng tại AIPA-44

Việt Nam đề xuất 3 dự thảo nghị quyết giúp ASEAN khai thác lợi thế về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ nhất chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề xuất 5 vấn đề quan trọng tới Đại hội đồng AIPA.

Thứ nhất, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy vai trò trung tâm và giá trị chiến lược của ASEAN, tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác và cộng đồng quốc tế trong bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; bảo đảm nguyên tắc độc lập, tự chủ, duy trì đồng thuận; kiên trì lấy hòa bình làm mục tiêu, đối thoại làm công cụ, hợp tác làm phương châm để giải quyết các tranh chấp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, phù hợp với các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung và luật pháp quốc tế.

Thứ hai, tăng cường và mở rộng hợp tác nội khối cả về thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân và chuyển giao công nghệ, hợp tác tài chính và tiền tệ, hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số an toàn và bền vững, chuyển đổi năng lượng công bằng. 

Đồng thời, tăng cường quan hệ ASEAN với các đối tác, ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh phi truyền thống; tăng cường hợp tác tiểu vùng, góp phần bảo đảm tăng trưởng bao trùm, phát triển đồng đều và bền vững…

Thứ ba, nghị viện các nước ASEAN cần tiếp tục nâng cao vai trò xây dựng luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tăng cường giám sát chính phủ các nước ASEAN triển khai thành công các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột: Chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và hướng tới Tầm nhìn sau 2025.

Thứ tư, đề nghị AIPA tiếp tục đổi mới, trở thành kênh hợp tác nghị viện có hiệu quả, phối hợp tốt giữa kênh nghị viện và chính phủ các nước, tiếp tục chú trọng tăng cường quan hệ với các đối tác là quan sát viên của AIPA để tạo ra "sức mạnh tập thể". Việt Nam ủng hộ kết nạp nghị viện Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia làm quan sát viên của AIPA.

Thứ năm, tại Đại hội đồng AIPA-44 lần này, Việt Nam đề xuất 3 dự thảo nghị quyết giúp ASEAN khai thác lợi thế về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng để phát triển nông nghiệp, lương thực và lâm nghiệp.

 

*Vietnamnet.vn (5/8): Thứ trưởng Công Thương giải thích lý do điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần

Thứ trưởng Công thương cho biết, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu 3 tháng một lần nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về điều chỉnh giá theo lộ trình, tránh giật cục.

Chiều 5/8, tại họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của báo chí đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng khi sửa Quyết định 24/2017.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh gia điện tối thiểu 3 tháng một lần nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về điều chỉnh giá theo lộ trình, tránh giật cục. 

Ông Hải chỉ ra thực tế từ điều chỉnh giá điện vừa qua, giá thành sản xuất điện tăng vọt do giá nhiên liệu sản xuất (than, dầu, khí) đi lên trước biến động địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine.

Vì vậy, EVN buộc phải xin tăng giá để đảm bảo dòng tiền thanh toán cho các đối tác mua điện. 

Việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xuống 3 tháng một lần, sẽ phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới trường hợp giá tăng đột biến trong một lần điều chỉnh.

Quy định này cũng phù hợp với quy định hiện nay về việc EVN phải báo cáo cập nhật giá điện hàng quý.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích thêm, giá điện là mặt hàng nhạy cảm, tác động trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, việc điều chỉnh, thời điểm thay đổi giá đều cần báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng để tránh ảnh hưởng điều hành vĩ mô, kinh tế xã hội.

Theo dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 đang được lấy ý kiến, EVN có thẩm quyền điều chỉnh 3% đến dưới 5% khi có biến động các thông số đầu vào. Quy định này sẽ đảm bảo mức độ tự quyết của doanh nghiệp trong khung giá bán lẻ do Chính phủ quy định.

 

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

*Thanhnien.vn (8/8): Tăng hay không tăng lương tối thiểu vùng 2024?

Ngày 9.8, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp phiên đầu tiên để đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp.

NLĐ muốn được tăng lương từ đầu năm 2024

Kết quả sát về đời sống, thu nhập của người lao động (NLĐ) cuối năm 2022 do Viện Công nhân và công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN) thực hiện với hơn 6.200 công nhân tham gia, cho thấy sự sụt giảm đáng kể số giờ làm việc của NLĐ trong khu công nghiệp. Theo đó, thời gian làm việc bình thường của NLĐ giảm từ 8 giờ/ngày xuống còn 7,25 giờ/ngày và không làm thêm giờ. Số giờ làm việc giảm đồng nghĩa với mức thu nhập cũng giảm, chỉ còn 5,9 triệu đồng/người/tháng.

Tổng thu nhập gồm lương và phụ cấp lương khoảng 8,74 triệu đồng/tháng, nhưng mức chi tiêu cho cuộc sống là 10,3 triệu đồng/tháng. Tức là mức thu nhập chỉ bằng 84% của mức chi tiêu, không đủ sống. Khó khăn về việc làm, thu nhập khiến 18% NLĐ đã từng hoặc có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần.

Khảo sát cũng cho thấy có 42% NLĐ không có nhà; 54% không có đất ở; đặc biệt có đến 59% NLĐ không có tích lũy một đồng nào; 11,7% có tích lũy nhưng chỉ duy trì được dưới 1 tháng; 16,7% có tích lũy, duy trì từ 1 - 3 tháng; chỉ 12,7% có tích lũy, có thể cầm cự trên 3 tháng. Điều này phản ánh rằng đời sống của NLĐ cực kỳ khó khăn.

Để có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2024, thời gian qua, Tổng LĐLĐ VN cũng đã khảo sát về đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho biết: "Đại đa số NLĐ muốn được tăng LTT vào đầu năm sau vì đời sống thực tế đang có rất nhiều khó khăn".

Về mức tăng LTT vùng, lãnh đạo Tổng LĐLĐ VN nêu cụ thể là bao nhiêu sẽ thông qua thương lượng, trao đổi trong phiên họp hội đồng tiền lương tới đây. Các bên sẽ bàn thảo trên tinh thần thiện chí. "Công đoàn chia sẻ với doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh thiếu đơn hàng, nhưng cuộc sống của NLĐ cũng rất bí bách khi việc làm bị cắt giảm, chi phí sinh hoạt tăng cao. Chúng tôi tin rằng DN cũng sẽ chia sẻ, thấu hiểu NLĐ, để có tiếng nói chung", ông Hiểu nói.

Doanh nghiệp muốn hoãn tăng lương

Mặc dù phía công đoàn mong muốn tăng LTT cho NLĐ, song nhiều DN, đặc biệt là DN trong các ngành thâm dụng lao động bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, đơn hàng cắt giảm lại bày tỏ nguyện vọng Chính phủ nên giữ nguyên mức lương như hiện tại.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), cho rằng việc DN duy trì được mức lương hiện tại đã là nỗ lực rất lớn. "Sắp tới, hội đồng sẽ trao đổi chi tiết và có khuyến nghị cụ thể để có quyết sách phù hợp để giảm bớt khó khăn cho DN. Trước mắt, duy trì được hoạt động cho DN tức là NLĐ có việc làm. NLĐ có việc làm dù thu nhập ở mức tối thiểu còn hơn là không có việc làm", ông Phòng nói.

 

*Daibieunhandan.vn (7/8): An ninh lương thực cần chính sách thiết thực

Các báo cáo gần đây cho thấy thế giới đang phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn về an ninh lương thực.

Trong khi hầu hết các lĩnh vực đã phục hồi ở mức độ khác nhau sau đại dịch, tình trạng mất an ninh lương thực tiếp tục là vấn đề nan giải ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là các khu vực có xung đột. Tình hình có vẻ nghiêm trọng đến mức Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 3.8 phải tổ chức phiên thảo luận về "Nạn đói và mất an ninh lương thực do ảnh hưởng của xung đột" với sự tham dự của đại diện hơn 80 nước. Đại diện Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp tích cực cho an ninh lương thực toàn cầu thông qua duy trì xuất khẩu gạo và các nông sản khác một cách ổn định, sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực do tác động của xung đột.

Hơn thế nữa, văn hóa của người Việt gắn liền với văn minh lúa nước. Dân tộc Việt Nam chuyên nghề trồng lúa, có lịch sử hàng nghìn năm chuyên cần, chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm. Người Việt sống bằng cách nương nhờ, tận dụng ưu thế tự nhiên dành cho mình. Môi trường tự nhiên tươi đẹp, phồn thịnh của một xứ nóng ẩm, mưa nhiều, đậm đặc yếu tố sông nước tự nhiên đã khiến người dân Việt lựa chọn nghề trồng lúa để sinh sống. Biết bao lần dân tộc trải qua phong ba bão táp của thiên tai, địch họa thì cây lúa đều là cứu cánh của dân tộc. Nhưng khi xã hội có vẻ phồn thịnh, người ta thường có thái độ “xem nhẹ” ngành nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng. Trong các báo cáo từ Trung ương đến địa phương, cơ cấu nhóm ngành nông nghiệp càng nhỏ và nền công nghiệp gia công càng lớn càng được coi là thành tích về chuyển đổi cơ cấu kinh tế! Biết bao cánh đồng lúa phì nhiêu nay đã thành sân golf, thành các khu công nghiệp, khu chế xuất - cơ bản làm gia công và các nhà cao tầng.

Nghiên cứu sử dụng bảng cân đối liên ngành nhằm nhìn lại một cách tổng quát vai trò của cây lúa trong nền kinh tế Việt Nam; vai trò của một ngành trong nền kinh tế không phải tỷ trọng giá trị tăng thêm của ngành đó trong GDP mà là mức độ lan tỏa của ngành đó đến các ngành khác của nền kinh tế trong mối quan hệ liên ngành. Một ngành được xem là ngành mũi nhọn là ngành có mức độ lan tỏa đến giá trị tăng thêm cao và lan tỏa đến nhập khẩu thấp, nghiên cứu chỉ ra thóc là ngành có chỉ số lan tỏa về giá trị tăng thêm cao hơn mức bình quân của nền kinh tế (1,15) và có mức lan tỏa đến nhập khẩu thấp hơn mức bình quân chung của nền kinh tế (0,76 < 1). Trong khi đó, hầu hết các tiểu ngành trong nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp hơn mức bình quân chung nhưng lại lan tỏa mạnh đến nhập khẩu.

Trước tình hình rất đáng báo động về an ninh lương thực toàn cầu thì báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho biết, diện tích lúa năm 2022 ước đạt 7,1 triệu héc ta, giảm 127,7 nghìn héc ta so với năm trước do ngành trồng trọt tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu ngành… Cùng với đó năng suất lúa ước đạt 60,2 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha so với năm trước; sản lượng lúa đạt 42,66 triệu tấn, giảm 1,19 triệu tấn; trong đó, giảm 0,89 triệu tấn do giảm diện tích đất trồng lúa và giảm 0,3 triệu tấn do giảm năng suất.

Giữa lúc giá lúa gạo tăng cao dẫn đến tình trạng thu gom ồ ạt những ngày gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững; trong đó, đáng chú ý là Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa và bảo đảm mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo.

An ninh lương thực cần những chính sách cụ thể, thiết thực thật sự giữ vững sản lượng và diện tích đất cho lúa, không thể vẽ ra các dự án vì mục đích nào đó để thu hẹp đất cho trồng trọt.

 

*Daibieunhandan.vn (5/8): Bảo vệ tấm căn cước của vùng trồng

Những ngày này, ngành rau quả đón tin vui khi kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đã vượt qua thành tích của cả năm 2022. Có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong số các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, rau quả đã mang về cho đất nước 3,25 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ và vượt con số 3,16 tỷ USD của năm trước.

“Trái ngọt” này do nhiều yếu tố tạo nên, đáng kể nhất là việc thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và tăng lượng thu mua; đặc biệt, các Nghị định thư kiểm dịch thực vật đã ký kết giữa hai nước, giúp mở cánh cửa xuất khẩu chính ngạch cho nhiều loại trái cây đã góp phần quan trọng tạo nên kỷ lục của xuất khẩu rau quả.

Trung Quốc hiện đứng ở vị trí số 1 trong tốp 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của nước ta với kim ngạch 1,76 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 121,9% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 65,8% thị phần. Trong đó, sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất; và ngoại trừ chuối đang trong tiến trình đàm phán, còn lại sầu riêng, thanh long, và xoài đều là những mặt hàng đã được Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch.

Với tiến trình này, nửa cuối năm nay, xuất khẩu rau quả sẽ sớm cán đích 4 tỷ USD, thậm chí có thể đạt 5 tỷ USD. Vậy nhưng, cảnh báo rủi ro cũng bắt đầu xuất hiện khi mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thông báo một số lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật.

Trung Quốc ngày càng nâng cao rào cản kỹ thuật, chỉ nhập khẩu chính ngạch trái cây từ vùng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì thế, công tác đàm phán, ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực tiếp là Cục Bảo vệ thực vật, tập trung làm tốt trong thời gian qua. Công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cũng đã được phân cấp về cho địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý. Vậy nhưng, cảnh báo của Hải quan Trung Quốc cho thấy nhiều địa phương, tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung mở rộng số lượng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu. 

Sự buông lỏng này sẽ dẫn đến tình trạng kiểm soát không hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm và làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc. Kéo theo đó, phía Trung Quốc và nước nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, thậm chí tạm ngừng nhập khẩu một hoặc toàn bộ mặt hàng nông sản Việt Nam; hậu quả lúc này không thể đong đếm hết!

Để tránh xảy ra tình huống này, các tỉnh, thành phố cần bố trí đủ nguồn lực để kiểm tra và giám sát các vùng trồng, các cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Bởi lẽ, nông sản từ vùng trồng không đáp ứng được tiêu chí chất lượng và kỹ thuật nhưng vẫn được xuất đi và chỉ được phát hiện bởi cơ quan kiểm dịch thực vật nước nhập khẩu cho thấy khâu này chưa “tới nơi tới chốn”. Cùng với đó, tuyên truyền và phổ biến rộng rãi quy định của Trung Quốc, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật từ Cục Bảo vệ thực vật để tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc biết và tuân thủ. Các tỉnh, thành phố có cửa khẩu xuất khẩu cũng cần chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu kiểm tra chặt chẽ hàng hóa theo quy định của Trung Quốc và các nước nhập khẩu.

Có thể nói, mỗi mã số được cấp chính là tấm căn cước của vùng trồng và cơ sở đóng gói; bảo vệ, gìn giữ tấm căn cước này là việc buộc phải làm, nếu không sẽ xảy ra tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” - vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sẽ liên lụy đến hàng triệu nông dân cả nước.

 

QUẢN LÝ

*Tienphong.vn (8/8): Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội: 'Chưa có quy định bỏ thi thăng hạng giáo viên'

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng đến thời điểm này chưa có quy định bỏ thi thăng hạng giáo viên, trong khi việc xét tuyển khó khả thi trong bối cảnh thực tế của Thủ đô.

Câu chuyện hàng nghìn giáo viên Hà Nội viết tâm thư mong bỏ xét thăng hạng giáo viên làm nóng dư luận những ngày gần đây.

Trao đổi với phóng viên sáng 8/8, ông Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, cho hay theo Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức quy định ngạch công chức đối với công chức, hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) đối với viên chức để xác định trình độ, năng lực, khả năng thực thi nhiệm vụ được giao theo vị trí việc làm.

Theo đó, đối với công chức để bổ nhiệm ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp cơ bản đều phải thi.

Đối với viên chức, để làm cơ sở thăng hạng CDNN từ hạng 3 (tương đương chuyên viên) lên hạng 2 và hạng 1 (lần lượt tương đương chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp) có 2 hình thức thi hoặc xét.

Về thẩm quyền, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và phê duyệt đề án, xin ý kiến Bộ Nội vụ trước khi tổ chức thi hoặc xét. Hiện, UBND TP Hà Nội đã phân cấp nhiệm vụ thi nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức cho Sở Nội vụ chủ trì.

“Do ảnh hưởng dịch Covid-19, những năm qua, Hà Nội không tổ chức các kỳ thi này. Vì vậy, năm 2023, Sở Nội vụ Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị đăng ký, lập danh sách đề nghị nâng ngạch CDNN từ hạng III lên hạng II (Công văn số 1783/SNV-CCVC ngày 21/6/2023), trong đó có giáo viên. Căn cứ vào hồ sơ đăng ký, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ xây dựng đề án, báo cáo UBND TP xin ý kiến Bộ Nội vụ phê duyệt, để thực hiện trong tháng 12/2023”, ông Cảnh nói.

Như vậy, theo ông Cảnh, căn cứ vào số lượng viên chức, giáo viên đăng ký, lúc đó, mới quyết được việc thi hay xét tuyển. Hiện nay, chưa chốt việc thi hay xét tuyển năm nay.

Tuy nhiên, ông Cảnh cho biết thêm 3 năm vừa qua, do phòng chống dịch Covid-19 không tổ chức thi/xét thăng hạng, nên năm nay dự kiến số lượng tham gia sẽ rất lớn.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, số lượng ứng viên đăng ký lớn, nhân lực ở Sở Nội vụ cũng không có đủ để thực hiện nghiên cứu, thẩm định hồ sơ xét tuyển. “Ngoài ra, việc thi tuyển công khai, khách quan, minh bạch cũng nhằm hướng đến nâng cao chất lượng đội ngũ. Đây cũng là một tiêu chí giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ trong giai đoạn hiện nay...”, ông Cảnh nhận định.

Tuy nhiên, ông Cảnh cũng nhấn mạnh, hiện do chưa chốt số liệu chính thức hồ sơ đăng ký, do đó phương án thi hay xét thăng hạng chưa được Sở Nội vụ lên phương án cụ thể. Sau khi có danh sách chính thức, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ xây dựng Đề án cụ thể để tổ chức thực hiện.

 

*Thanhnien.vn (7/8): Sẽ thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng

Dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế. Tuy nhiên, để tránh những bất cập trong thực thi, chuyên gia kiến nghị luật Thuế GTGT thống nhất một mức thuế suất để dễ thực hiện.

Giảm bớt hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế

Dự thảo luật Thuế GTGT thu hẹp một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế như phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và internet phổ cập; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng... 

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính như các khoản phí tại hợp đồng vay vốn giữa Chính phủ Việt Nam với bên cho vay nước ngoài; sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản; hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân... Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật như tài sản di chuyển; hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới; vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh; hàng hóa trung chuyển; kinh doanh chứng khoán; giống cây trồng...

Tại tờ trình dự thảo luật Thuế GTGT, ban soạn thảo nêu lý do thực tiễn phát sinh vướng mắc, một số doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh) mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Đồng thời, quá trình toàn cầu hóa và xã hội hóa đang diễn ra phổ biến và nhiều lĩnh vực dịch vụ công ích đang có xu hướng chuyển sang xã hội hóa ngày càng nhiều. Các DN thuộc các thành phần kinh tế đều đã tham gia cung cấp các nhóm dịch vụ công nêu trên. Việc quy định các dịch vụ công đã được xã hội hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT cho thấy không còn phù hợp vì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên thuế GTGT đầu vào của số vốn đầu tư đưa vào kinh doanh dịch vụ sẽ không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào. Theo đó, để khắc phục bất cập này, cần thiết nghiên cứu, sửa đổi để thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT đối với các dịch vụ công đã được xã hội hóa.

Cần thống nhất một thuế suất

Trước việc thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, ông Trần Xoa - Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang cho rằng: "Nhiều mặt hàng đang không chịu thuế nhưng DN không muốn như vậy vì đầu vào không được khấu trừ làm tăng giá vốn mua vào nên đề nghị bỏ ra". 

Theo phân tích của ông Trần Xoa, về nguyên tắc, những mặt hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích, ưu đãi được không chịu thuế GTGT, hay thuế suất 5% thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, tiếp cận được giá thấp. Thế nhưng, trong trường hợp DN rơi vào tình trạng thuế suất đầu vào và đầu ra GTGT có chênh lệch thì chưa chắc giá thành sản phẩm đã thấp. DN muốn tồn tại phải có lãi, trong khi thuế suất đầu vào 10% mà đầu ra 0% họ cũng phải tính vào giá thành khi chi phí tăng lên. Ở đây, nhà nước không thu được thuế mà người tiêu dùng cũng không hưởng được lợi.

Ông Trần Xoa kiến nghị cần thống nhất một mức thuế suất GTGT, có thể là 7% để dễ thực hiện, đồng thời không gây ra những bất cập trong thực tế. Trong trường hợp những ngành nghề, lĩnh vực cần hỗ trợ thì nguồn ngân sách có thể quay lại đầu tư. Việc thống nhất một mức thuế suất GTGT cũng phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế và nhằm thực hiện mục tiêu tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT theo chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

 

*Daibieunhandan.vn (6/8): Chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho công nhân

"Theo số liệu báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu..."

Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị cho biết tại toạ đàm “Đảm bảo chỗ ở cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách" do báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức sáng ngày 6.8, tại Hà Nội.

Hà Nội mới đáp ứng khoảng 13% nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị cho biết, theo số liệu báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay cả nước có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do hiện mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ. Với tổng diện tích 3.135.000 m2 đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

Tại Hà Nội có gần 170 nghìn công nhân nhưng thực tế mới đáp ứng được hơn 22 nghìn chỗ ở cho công nhân (khoảng 13% nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân).

Thực tế hiện nay cho thấy, với mức lương (trung bình 6-9 triệu đồng/người/tháng), hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà ở xã hội. Do thiếu quỹ nhà ở dành cho công nhân, tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân phải thuê nhà trọ của người dân trong khu vực lân cận, điều kiện sống tạm bợ, diện tích phòng ở chật hẹp, không có không gian vui chơi, giải trí...

Cần có chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở cho công nhân

Theo Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An, thực tế chỗ ở vẫn là nỗi đau đáu của nhiều công nhân; có an cư thì mới lạc nghiệp, có chỗ ở ổn định thì mới tập trung vào công tác. Song, nhà ở cho công nhân vẫn đang rất thiếu. Bên cạnh đó, rất nhiều công nhân chỉ có nhu cầu thuê nhà, thay vì mua nhà.

Để công nhân có nơi ăn ở ổn định, phù hợp điều kiện thu nhập (khoảng 6-8 triệu đồng/tháng, bà Bùi Thị An cho rằng, cần có quỹ để xây dựng nhà cho thuê cho công nhân. Bên cạnh đó, cần có chính sách thực tiễn, khả thi, chính sách tín dụng hợp lý... để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở cho công nhân thuê...

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

*Thanhnien.vn (8/8): Khởi tố một cựu chủ tịch xã làm thất thoát tài sản của nhà nước

Ông Nguyễn Văn Tân, cựu Chủ tịch UBND xã Vũ Lạc (TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) giai đoạn 2015 - 2021, bị bắt để điều tra về hành vi vi phạm quy định về kế toán, làm thất thoát tài sản của nhà nước 350 triệu đồng.

Ngày 7.8, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Công an TP.Thái Bình cho biết, chiều 4.8, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tân (60 tuổi, trú thôn Kìm, xã Vũ Lạc) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về kế toán, làm thất thoát tài sản của nhà nước 350 triệu đồng.

Cùng ngày, lực lượng công an cũng tiến hành khám nhà riêng của ông Nguyễn Văn Tân.

Từ năm 2015 đến tháng 6.2021, ông Nguyễn Văn Tân làm Chủ tịch UBND xã Vũ Lạc. Từ tháng 7.2021 đến 25.10.2022 ông Tân làm Phó bí thư Đảng ủy xã Vũ Lạc. Từ tháng 1.2023, ông Tân nghỉ hưu.

Theo hồ sơ vụ việc, trong thời gian làm Chủ tịch xã Vũ Lạc, ông đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn chi 142 triệu đồng mua khoảng 100 thùng nhựa đựng hóa chất đã qua sử dụng có dung tích 0,3 m3 và 0,1 m3 ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ về phát cho các thôn để đựng rác thải.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các thùng nhựa này không được phép sử dụng.

Ngoài ra, ông Tân cũng chỉ đạo bộ phận chuyên môn mua máy làm phân hữu cơ. Giá đơn vị bán hàng báo giá 150 triệu đồng, nhưng ông Tân chỉ giao số tiền 80 triệu đồng, giữ lại 70 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo định giá của Hội đồng thẩm định giá, chiếc máy này chỉ có giá 91 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng để tu sửa Nghĩa trang liệt sĩ xã Vũ Lạc nhưng ông Tân không thực hiện mà chỉ đạo thuộc cấp hợp thức hóa để chuyển số tiền này sang mục đích khác để chi tiêu.

 

*Tienphong.vn (7/8): Bắt kế toán trưởng trung tâm y tế tham ô hơn 7 tỷ đồng

Ngày 7/8, nguồn tin của phóng viên cho hay, Công an tỉnh Vĩnh Long vừa khởi tố, bắt tạm giam Đoàn Công Minh (SN 1985), Kế toán trưởng Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long để điều tra về hành vi tham ô tài sản.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ ngày 4/2 đến ngày 12/4/2021, Bảo hiểm xã hội thị xã Bình Minh chuyển cấp kinh phí chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho TTYT thị xã Bình Minh tổng số tiền hơn 18,5 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển vào số tài khoản của TTYT thị xã Bình Minh.

Biết được trong tài khoản của TTYT thị xã Bình Minh có khoản tiền trên, Đoàn Công Minh đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Minh chuẩn bị một tài khoản để chuyển tiền vào, đồng thời tìm cách làm chứng từ để chuyển tiền mà không bị phát hiện.

Sau khi đã có được tài khoản, Minh tẩy xóa, sửa chữa chứng từ giao dịch ủy nhiệm chi để chuyển tiền từ tài khoản của TTYT thị xã Bình Minh vào tài khoản cá nhân do Minh lập ra, với số tiền hơn 7,7 tỷ đồng.

Số tiền chiếm đoạt, Minh dùng để mua đất, sửa chữa nhà và tiêu xài cá nhân. Vụ việc đang được Công an tỉnh Vĩnh Long tiếp tục điều tra, làm rõ.

 

*Thanhnien.vn (6/8): Khởi tố nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Tư Sơn (62 tuổi), nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, ông Nguyễn Tư Sơn, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, bị khởi tố liên quan đến các sai phạm trong quá trình thực hiện các dự án mua sắm một số phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ việc dạy và học, hoạt động tài chính của sở này giai đoạn 2015-2021.

Trước đó, qua công tác thanh tra, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã phát hiện nhiều sai phạm trong số 14 dự án được thực hiện tại Sở GD-ĐT Gia Lai như: phần mềm quản lý trường học - nghiệp vụ quản lý các khoản thu và hóa đơn điện tử, phần mềm hỗ trợ soạn giảng E-learning, phần mềm tuyển sinh đầu cấp năm 2018… với tổng số tiền hơn 33 tỉ đồng.

Tổng số sai phạm trong những dự án trên là 2,3 tỉ đồng. Vụ việc sau đó đã được chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra và Công an tỉnh Gia Lai đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng ông Trương Quý Sửu, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính của sở này, về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trong giai đoạn từ tháng 4.2018 đến tháng 10.2020, ông Nguyễn Tư Sơn với vai trò là Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai, đã để xảy ra nhiều sai phạm trong việc đầu tư, mua sắm tại 8/14 dự án. Là người đứng đầu, ông Sơn đã thiếu kiểm tra, giám sát và chỉ đạo sâu sát nên đã để xảy ra những sai phạm trên.

 

THẾ GIỚI

*Baotintuc.vn (8/8): Nga tụt xuống vị trí thứ 5 thế giới về dự trữ quốc tế

Trung Quốc vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong thời gian dài về dự trữ quốc tế - vào cuối tháng 5 năm nay, tài sản của nước này lên tới 3,371 nghìn tỷ USD.

Theo hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) ngày 7/8, dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đã giảm 11,6 tỷ USD trong tháng 5 xuống còn 584,2 tỷ USD, xếp vị trí thứ năm, trong khi Ấn Độ leo lên vị trí thứ tư trong số các nền kinh tế có dự trữ quốc tế lớn nhất.

Nga và Ấn Độ đã cạnh tranh nhau về chỉ số này kể từ năm 2015. Vào mùa hè năm 2021, Ấn Độ leo lên đứng ở vị trí thứ tư và duy trì nguyên vị trí đó cho đến cuối năm.

Năm ngoái, Nga lại leo lên vị trí thứ 4, khi đó tài sản của Nga (có tính đến những tài sản bị phương Tây đóng bang) lên tới 540 tỷ USD so với 532 tỷ USD của Ấn Độ. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm nay, Ấn Độ quay trở lại vị trí thứ 4 với khối tài sản 590,7 tỷ USD.

Trung Quốc vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong thời gian dài về dự trữ quốc tế - vào cuối tháng 5 năm nay, tài sản của nước này lên tới 3,371 nghìn tỷ USD. Vị trí thứ hai thuộc về Nhật Bản với dự trữ 1,254 nghìn tỷ USD. Thụy Sĩ đứng thứ 3 với khối tài sản trị giá 886 tỷ USD.

Trong số top 10 còn có Saudi Arabia (442,2 tỷ USD), Hàn Quốc (420,98 tỷ USD) và Brazil (343,5 tỷ USD). Top 10 chủ sở hữu dự trữ quốc tế lớn nhất trong tháng 5 có trường hợp Singapore (325,7 tỷ USD) vượt Đức, đẩy nước này xuống vị trí thứ 11.

Mỹ tiếp tục đứng ở vị trí thứ 12, tiếp theo là Italy, Pháp và Thái Lan. Mexico củng cố vị trí của mình, vươn lên vị trí thứ 16 và đẩy Anh xuống vị trí thứ 17. Israel, Ba Lan và Indonesia lọt vào top 20.

Trong G20, Canada (thứ 22), Thổ Nhĩ Kỳ (thứ 26), Nam Phi (thứ 32), Australia (thứ 34) và Argentina (thứ 49) cũng nằm trong top 50 về dự trữ quốc tế.

Kết quả trên được rút ra từ nghiên cứu được thực hiện bởi RIA Novosti trên cơ sở thông tin từ các ngân hàng trung ương quốc gia của 100 nền kinh tế trên thế giới vào đầu tháng 8, với dữ liệu được tiết lộ cho tháng 5 năm nay.

 

*Tienphong.vn (8/8): Ấn Độ cấm nhập thiết bị Trung Quốc để sản xuất máy bay không người lái

Ấn Độ gần đây cấm các nhà sản xuất máy bay không người lái quân sự trong nước sử dụng linh kiện sản xuất tại Trung Quốc vì lo ngại lỗ hổng bảo mật, Reuters dẫn tài liệu và thông tin từ các quan chức trong ngành cho biết.

Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia hạt nhân láng giềng gia tăng. New Delhi đang đẩy mạnh nỗ lực hiện đại hóa quân sự, tập trung vào nhiều loại thiết bị không người lái.

Trong khi ngành công nghiệp non trẻ nỗ lực đáp ứng nhu cầu của quân đội, những người trong ngành cho biết giới lãnh đạo an ninh của Ấn Độ lo ngại những bộ phận do Trung Quốc sản xuất, như thiết bị liên lạc, camera, truyền dẫn vô tuyến và phần mềm vận hành, có thể hỗ trợ hoạt động do thám âm thầm của nước ngoài.

Từ năm 2020, Ấn Độ chủ trương hạn chế nhập khẩu các thiết bị và linh kiện cho máy bay không người lái, và hoạt động này đang được thực hiện thông qua đấu thầu quân sự.

 

*Plo.vn (8/8): Trung Quốc dồn sức khắc phục hậu quả lũ lụt

Giới chức Trung Quốc nỗ lực khắc phục hậu quả do bão Doksuri gây ra, sau khi lũ lụt tàn phá nhiều khu vực ở miền Bắc nước này.

Ngày 28-7, bão Doksuri đổ bộ vào Trung Quốc (TQ). Mưa lớn và những tác động tàn dư của cơn bão này vẫn tiếp diễn. Tính đến ngày 7-8, nhiều tỉnh ở phía Bắc TQ đang chật vật khắc phục hậu quả lũ do bão Doksuri gây ra.

Thiệt hại lớn

Tính đến ngày 6-8, hơn 30 người thiệt mạng vì lũ do ảnh hưởng của bão Doksuri, trong đó có 11 người ở thủ đô Bắc Kinh, 10 người ở TP Thư Lan (tỉnh Cát Lâm), còn lại ở tỉnh Hà Bắc. Gần 100 huyện ở tỉnh Hà Bắc bị ngập lụt, ảnh hưởng đến 2,2 triệu người. Tại TP Bảo Định (tỉnh Hồ Bắc), lũ lụt đã khiến 10 người thiệt mạng, 18 người mất tích vào ngày 5-8. Hơn 600.000 trong số 11,5 triệu dân của TP Bảo Định đã được sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm.

Bắc Kinh hứng lượng mưa kỷ lục (744,8 mm) trong 140 năm, vẫn tiếp tục báo động đỏ nguy cơ đối mặt với các rủi ro địa chất như sạt lở đất. TP Lâm Thành ở tỉnh Hà Bắc lân cận hứng lượng mưa hơn 1.000 mm trong tuần rồi, tương đương lượng mưa hai năm trong khu vực.

 

*Vtv.vn (7/8): Ấn Độ đưa ra lộ trình trở thành nền kinh tế nghìn tỷ USD

 Ấn Độ thể hiện nỗ lực trong việc đưa nền kinh tế quốc gia lên nghìn tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ, ông Pankaj Chaudhary, cho hay, lộ trình của Chính phủ Ấn Độ nhằm đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 5 nghìn tỷ USD sẽ tập trung vào tăng trưởng ở cấp độ vĩ mô và "phúc lợi toàn diện" ở cấp độ vi mô.

Trong một văn bản trả lời tại Rajya Sabha, ông Pankaj Chaudhary cho biết, lộ trình này cũng dựa trên một "chu kỳ đầu tư và tăng trưởng tốt". Nó cũng thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và fintech, phát triển dựa trên công nghệ, chuyển đổi năng lượng và hành động cho khí hậu, ông nói thêm.

Bộ trưởng Ấn Độ tuyên bố rằng, những cải cách lớn bao gồm Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), Bộ luật về phá sản và nguy cơ phá sản (IBC), giảm đáng kể thuế suất doanh nghiệp, chiến lược Make in India (Hàng hoá Ấn Độ) và Start-up India (Hỗ trợ công ty khởi nghiệp Ấn Độ), các chương trình khuyến khích liên kết sản xuất, cùng các hoạt động khác, đã được thực hiện.

Bộ trưởng Ấn Độ cũng cho biết thêm, Chính phủ cũng đã tập trung vào chiến lược tăng trưởng dựa trên vốn đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, tăng đáng kể tổng chi đầu tư vốn trong ba năm qua. Giải ngân đầu tư của Chính phủ Trung ương đã tăng từ 2,15% GDP trong năm 2020 - 2021 lên 2,7% GDP trong năm 2022 - 2023.

Ông cho biết thêm rằng, Ngân sách Liên minh 2023 - 2024 đã thực hiện các bước tiếp theo để duy trì tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế Ấn Độ. Đó là bao gồm sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu đầu tư vốn trong năm thứ ba liên tiếp thêm 33% lên 10 lakh crore (1 nghìn tỷ) tương đương với 3,3% GDP. Đầu tư vốn trực tiếp của Trung ương cũng được bổ sung bởi các khoản viện trợ không hoàn lại cho các quốc gia để tạo ra các tài sản vốn. 'Chi tiêu vốn hiệu quả' của Trung ương theo đó được lập ngân sách ở mức 13,7 lakh crore (4,5% GDP) cho năm 2023 - 2024.

Bộ trưởng nêu rõ, cú hích mạnh mẽ này của Chính phủ Ấn cũng được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

*Vtv.vn (7/8): Chưa có ngày cụ thể xả nước thải nhiễm phóng xạ

Nhật Bản vẫn chưa quyết định ngày cụ thể bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị sóng thần tàn phá ra biển.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno hôm nay cho biết, thời điểm xả nước dự kiến vào khoảng mùa xuân và mùa hè năm nay vẫn không có gì thay đổi, tuy nhiên, các chi tiết cụ thể về ngày và quy trình xả nước vẫn chưa được quyết định.

Trước đó, truyền thông Nhật Bản đưa tin, việc xả thải có thể bắt đầu ngay sau cuối tháng 8 và thời điểm chính xác của kế hoạch này sẽ được Thủ tướng Nhật Bản quyết định sau chuyến đi tới Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản tại Trại David, Mỹ vào tuần tới.

Cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản tháng trước đã phê duyệt cho nhà điều hành nhà máy Điện lực Tokyo bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho là an toàn. Tuy nhiên, động thái trên đã vấp phải sự phản đổi của các nước lân cận do lo ngại về độ an toàn của nguồn nước.

 

*Thanhnien.vn (7/8): Mỹ đạt bước tiến mới về năng lượng hạt nhân

Giới khoa học Mỹ vừa tiến hành thêm thử nghiệm thành công, thu năng lượng lớn từ phản ứng tổng hợp hạt nhân.

Tờ The Guardian ngày 7.8 đưa tin các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (bang California, Mỹ) vừa thu được năng lượng lớn từ phản ứng tổng hợp hạt nhân, hay còn gọi là phản ứng hợp hạch.

Trong khi các lò phản ứng hạt nhân trên thế giới sử dụng phản ứng phân hạch uranium, giới khoa học trên thế giới lâu nay vẫn theo đuổi tham vọng tiến hành phản ứng hợp hạch vốn khó thực hiện hơn.

Phản ứng hợp hạch hứa hẹn cung cấp nguồn năng lượng sạch, an toàn và gần như không có giới hạn.

Theo một phát ngôn viên Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, các nhà khoa học vừa thử nghiệm phản ứng hợp hạch lần 2 hôm 30.7 và thu được năng lượng còn cao hơn thử nghiệm lần đầu vào tháng 12.2022. Kết quả sau cùng sẽ được phân tích cụ thể.

Trong thử nghiệm, các nhà khoa học đã bắn chùm nhiều tia laser năng lượng cao vào một mục tiêu nhỏ, đốt nóng các đồng vị hydro là deuteri và triti lên nhiệt độ hơn 3 triệu độ C và mô phỏng điều kiện của một ngôi sao.

Quy trình này giúp phóng thích nguồn năng lượng khổng lồ, hứa hẹn cung cấp sự thay thế bền vững và ít carbon so với năng lượng hóa thạch hoặc phản ứng phân hạch.

Theo Bộ Năng lượng, phòng thí nghiệm trên đã thu năng lượng lớn từ thử nghiệm hồi tháng 12, tạo năng lượng 3,15 megajun sau khi chùm tia laser 2,05 megajun phóng vào mục tiêu.

Nói một cách khác, thử nghiệm hợp hạch giúp sản sinh năng lượng nhiều hơn năng lượng được cung cấp. Bộ Năng lượng Mỹ gọi đây là "đột phá khoa học lớn trong nhiều thập niên, giúp mở đường cho những tiến bộ về quốc phòng và tương lai năng lượng sạch".

 

*Thanhnien.vn (7/8): Bộ Thương mại Thái Lan: Không có lý do gì ngừng xuất khẩu gạo

Bộ trưởng Bộ thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit được Reuters dẫn lời: Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ giúp gạo Thái Lan được hưởng lợi nên không có lý do gì ngừng xuất khẩu.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Jurin Laksanawisit cho biết: Không có lý do gì ngừng xuất khẩu gạo. Chính phủ sẽ đảm bảo đủ sản lượng gạo cho cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời đảm bảo giá gạo trong nước không quá cao.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, Thái Lan đã xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo. Mục tiêu xuất khẩu của Thái Lan năm nay là trên 8 triệu tấn, tăng so với mức 7,7 triệu tấn của năm trước.

Trước khi có lệnh cấm xuất khẩu gạo từ Ấn Độ, giá gạo 5% tấm của Thái Lan 520 USD/tấn một tuần sau lệnh cấm tăng vọt lên trên 573 USD/tấn và đến đầu tháng 8 là 623 USD/tấn. 

Theo một số nguồn tin của Thanh Niên, cũng giống như Việt Nam, giá gạo tăng cao đột ngột khiến nhiều doanh nghiệp Thái Lan rơi vào thế khó khi các nhà cung ứng nội địa yêu cầu tăng giá theo thị trường mới giao hàng. Các nhà xuất khẩu phải chấp nhận lỗ hoặc thương lượng lại với khách hàng để kéo dài thời gian giao hàng. Hiện tại, thị trường khá bất ổn và để tránh thiệt hại nhiều doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. 

 

*Dantri.com.vn (6/8): 4 quan chức địa phương Trung Quốc thiệt mạng khi thị sát lũ

Tính chung, hơn 30 người đã thiệt mạng trong đợt mưa lũ những ngày qua ở Trung Quốc.

Xinhua đưa tin ngày 6/8, Trung Quốc đã triển khai hơn 2.000 binh sĩ và hơn 5.000 sĩ quan cảnh sát tham gia vào nỗ lực ngăn lũ, sửa chữa các tuyến đường, cứu trợ cho các vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ ở tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm. Khoảng 3.000 người dân được sơ tán.

Trong quá trình thị sát vùng lũ, Luo Xudong, Phó thị trưởng thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm và 3 thành viên khác trong đoàn đã thiệt mạng hôm 4/8, nâng tổng số người chết do lũ lụt ở Cát Lâm những ngày qua lên 10 người. Thi thể của các quan chức này đã được tìm thấy vào trưa 5/8.

Mưa bão những ngày qua đã dẫn đến tình trạng ngập lụt tại nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc, gây thiệt hại nặng nề. Tính chung, hơn 30 người đã thiệt mạng trong đợt mưa lũ này trên toàn Trung Quốc, trong đó có 11 nạn nhân ở Bắc Kinh.

Giới chức Trung Quốc ngày 6/8 phân bổ thêm 350 triệu nhân dân tệ (49 triệu USD) để hỗ trợ Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc cũng như vùng đông bắc Trung Quốc chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Đến nay, chính phủ nước này đã chi 520 triệu nhân dân tệ (72,5 triệu USD) trong quỹ cứu trợ thiên tai cho các vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

 

*Thanhnien.vn (7/8): Quốc vương Campuchia bổ nhiệm ông Hun Manet làm thủ tướng

Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni ban sắc lệnh hoàng gia, phong ông Hun Manet là thủ tướng nhiệm kỳ mới.

Ngày 7.8, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni ban sắc lệnh hoàng gia, bổ nhiệm ông Hun Manet làm thủ tướng nhiệm kỳ mới để tổ chức chính phủ sau cuộc bầu cử quốc hội khóa 7. Theo tờ Khmer Times dẫn nội dung sắc lệnh, thủ tướng vừa được bổ nhiệm sẽ chuẩn bị thành phần của chính phủ để bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội.

Trong ngày 7.8, tờ Khmer Times dẫn thông tin ông Hun Manet viết trên Telegram cho hay chính phủ nhiệm kỳ mới hoạch định 5 mục tiêu chiến lược để tiếp tục sứ mệnh phụng sự đất nước và nhân dân.

Chiến lược thứ nhất là duy trì hòa bình, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững mọi thành tựu xã hội. Thứ hai là đảm bảo Campuchia là một nền dân chủ thịnh vượng, mạnh mẽ, tự do, đa đảng dựa trên luật pháp, với nền kinh tế bền vững và công bằng. Chiến lược này nhằm đảm bảo người dân có cuộc sống thịnh vượng và hòa thuận, có danh dự, nhân phẩm và tôn trọng quyền con người. Thứ ba là tiếp tục nỗ lực hơn để xây dựng một hệ thống bảo vệ xã hội mang tính hiệu quả về môi trường và bền vững về tài chính. Chiến lược này nhằm đảm bảo người dân được bảo vệ khi ứng phó những rủi ro kinh tế, sức khỏe và khả năng bị ảnh hưởng từ những thay đổi trong môi trường sống và làm việc.

Ngoài ra, chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục thúc đẩy việc triển khai chiến lược nhằm giảm thiểu số lượng bom mìn và các vật liệu chưa nổ. Một chiến lược quan trọng khác là việc tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, dựa trên nguyên tắc xây dựng tình hữu nghị tốt đẹp và hợp tác giữa Campuchia với tất cả các nước trên thế giới, cũng như tham gia các tổ chức quốc tế. Chính phủ cũng sẽ có vai trò tích cực vì hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

 

*Dantri.com.vn (7/8): Ông Trump cảnh báo truy tố ông Biden nếu tái đắc cử tổng thống

Ứng viên tổng thống hàng đầu đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố sẽ lập tức tiến hành truy tố ông Joe Biden nếu tái đắc ghế lãnh đạo Nhà Trắng vào năm 2024.

Phát biểu trước đám đông ủng hộ tại Alabama hôm 5/8, cựu Tổng thống Donald Trump cho biết, nếu tái đắc cử, vào ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử năm 2024, ông sẽ bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra hành vi phạm pháp tiềm ẩn của gia đình Tổng thống Joe Biden.

Theo ông Trump, nếu trở lại Nhà Trắng, một công tố viên đặc biệt sẽ được bổ nhiệm vào ngày đầu tiên ông nhậm chức. Công tố viên này sẽ "nghiên cứu từng cáo buộc mà Quốc hội đưa ra liên quan đến tất cả các hành vi gian trá, bao gồm các khoản tiền từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác chảy vào túi gia đình Biden".

Ông Trump cũng nói với đám đông ủng hộ rằng "những cáo buộc giả mạo" nhằm vào ông tương tự hành vi "can thiệp bầu cử".

Theo hãng tin RT (Nga), mặc dù ông Trump không giải thích chi tiết về cáo buộc của ông nhưng chúng được cho là liên quan tới con trai của Tổng thống Biden, Hunter Biden.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

    << < 1 2 3 4 5  ... > >> 
    °
    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    410 người đã bình chọn