Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 7 năm 2023

Update 26 - 07 - 2023
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

 

*Dienbientv.vn (25/7): Cầu Thanh Bình hoàn thành đổ bê tông mặt cầu để sớm "về đích"

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ số 6, đơn vị thi công công trình trọng điểm cầu Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ đã tiến hành đổ những khối bê tông cuối cùng hoàn thiện mặt cầu sau hơn 4 tháng thi công.

Cầu Thanh Bình mới được xây dựng theo quy mô dài 93m, chiều rộng 4 làn cho xe chạy 20m và chiều rộng cho người đi bộ là 10m, dải phân cách giữa 2m, kết cấu dầm Super-T dự ứng lực, mặt cầu bê tông nhựa dày 7cm; bố trí tạo hình kiến trúc trên cầu thành 3 vòm, chiều dài mỗi vòm 30m.

Kết cấu mố cầu chữ U bê tông cốt thép, trụ cầu hộp thân hẹp, mỗi trụ gồm 3 cột chữ V, móng cọc khoan nhồi, chiếu sáng dùng đèn hắt ánh sáng lập trình chuyển màu theo ý muốn; tuyến nối đi bộ ven sông Nậm Rốm được bố trí thông suốt qua gầm cầu đồng bộ với tuyến kè sông về quy mô và giải pháp kết cấu.

Tổng mức đầu tư của Dự án cầu Thanh Bình là 100 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 86 tỷ đồng. Đến nay, sau hơn 4 tháng thi công, cầu Thanh Bình đã đổ những khối bê tông cuối cùng để hoàn thiện mặt cầu.

Đây là một trong những công trình trọng điểm, với tiến độ thi công theo cam kết chỉ 6 tháng, khối lượng công việc lớn. Do vậy, để đảm bảo tiến độ, Ban Quản lý dự án TP. Điện Biên Phủ thường xuyên đôn đốc nhà thầu thi công đảm bảo chất lượng và tiến độ như đã cam kết. “Ban Quản lý dự án thành phố kế hợp với đơn vị tư vấn Thăng Long giám sát về chất lượng, tiến độ. Quá trình thi công của nhà thầu cơ bản đạt theo quy chuẩn công tác nghiệm thu.” - ông Lê Đức Tuấn, Ban QLDA TP. Điện Biên Phủ, cho hay.

Công trình cầu Thanh Bình là công trình trọng điểm và còn có ý nghĩa quan trọng hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 2024. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, tạo cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Điện Biên Phủ nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung./.

 

*Baodienbienphu.com.vn (25/7): Bảo vệ rừng ở xã Mường Nhé

Trước đây, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé luôn là điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương. Tuy nhiên thời gian gần đây, các cấp, ngành đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng; đồng thời, tuyên truyền sâu rộng đến người dân ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ rừng cũng như thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cấp ủy, chính quyền xã cũng đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ, tạo sinh kế giữ rừng, nên công tác bảo vệ rừng tại xã Mường Nhé đã có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích rừng trên địa bàn luôn được người dân bảo vệ nghiêm ngặt.

Xã Mường Nhé có gần 22.000ha tự nhiên, trong đó đất có rừng trên 11.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 51%. Do địa bàn rộng, dân số đông, đời sống kinh tế của người dân còn ở mức thấp, công tác bảo vệ rừng ở xã Mường Nhé trước đây gặp nhiều khó khăn. Chừng 2 - 3 năm về trước, khi Ðề án 79 của Chính phủ vẫn còn đang trong quá trình triển khai, áp lực thiếu lương thực khiến mỗi năm trên địa bàn xã xảy ra hàng chục vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương. Tuy nhiên đến nay hầu hết người dân các bản đã được sắp xếp, ổn định nơi ở, cuộc sống mới nên việc giữ rừng đã từng bước đi vào nền nếp. Cùng với việc quan tâm các chính sách hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư, các chương trình dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, công tác bảo về rừng hàng năm luôn được cấp ủy, chính quyền xã Mường Nhé đặc biệt chú trọng.

Ông Vi Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé cho biết: Ðể làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, hàng năm xã xây dựng đề án, kế hoạch hoạt động cụ thể. Ðồng thời, tiến hành thành lập ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng và các tổ tự quản tại các bản; giao nhiệm vụ cho kiểm lâm địa bàn theo dõi, giám sát việc làm nương của bà con, nắm bắt và xử lý kịp thời khi xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng hay tình huống cháy rừng trên địa bàn. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng chỉ đạo kiểm lâm địa bàn, cùng các trưởng bản tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Bảo vệ, phát triển rừng và công tác phòng cháy chữa cháy đến tất cả các bản… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức để người dân hiểu và có ý thức giữ rừng. Hàng tháng, xã cử tổ đội công tác phối hợp với đội tự quản ở các bản, tuần tra bảo vệ rừng, ngăn chặn kịp thời các hộ dân lấn chiếm đất rừng làm nương trái phép, đặc biệt là phát hiện ngăn chặn các hộ dân di cư vào địa bàn…

Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, xã Mường Nhé cũng thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng của Nhà nước. Cụ thể như đẩy mạnh việc giao đất giao rừng, thực hiện đầy đủ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NÐ-CP của Chính phủ. Ðến nay, 100% diện tích rừng được giao khoán cho 3 hộ gia đình, cá nhân và 11 cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ. Căn cứ vào kết quả nghiệm thu diện tích rừng hàng năm, UBND xã phối hợp với huyện và ngành chức năng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tới từng bản. Với diện tích rừng được giao khoán, người dân có thêm thu nhập từ việc bảo vệ rừng nên nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng đã và đang từng bước được nâng cao. Khi người dân thấy được lợi ích thiết thực từ rừng mang lại, họ có ý thức hơn, bởi bảo vệ rừng không những là bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn nước mà còn là bảo vệ tài sản nguồn thu nhập của chính mình. Ông Sùng A Hua, Trưởng bản Nậm Là, xã Mường Nhé chia sẻ: “Từ khi rừng được giao khoán cho bản, người dân tham gia bảo vệ rừng hàng năm được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng nên bà con rất phấn khởi vì có thêm khoản thu nhập. Do đó, diện tích rừng được giao khoán cho bản luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, người dân trong bản tích cực tham gia tuần tra bảo vệ rừng…”.

Nhờ tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy đồng thời thực hiện tốt chính sách của của Ðảng, Nhà nước đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, đến nay xã Mường Nhé luôn duy trì, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Ðồng thời, để khai thác có hiệu quả lợi ích từ rừng, người dân xã Mường Nhé đã và đang nỗ lực giúp những cánh rừng ở nơi đây được bảo vệ và hồi sinh từng ngày. Theo ghi nhận, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn xã Mường Nhé hiện nay đã giảm đáng kể so với thời điểm trước…

 

*Dienbientv.vn (25/7): Điện Biên: Chuyển đổi số để phát triển du lịch

Chuyển đổi số được xác định là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Với chủ trương tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch lịch sử, văn hóa nhằm đưa Điện Biên trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn... chuyển đổi số cũng được xem là một trong những giải pháp tiên quyết nhằm mang lại cơ hội cho ngành du lịch Điện Biên nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.

Có thể nói, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 trong một thời gian dài đã tác động trực tiếp đến thói quen, hành vi của du khách trên toàn cầu. Khách hàng e dè với những tiếp xúc trực tiếp và ưu tiên tìm hiểu, đặt mua tour du lịch qua các kênh điện tử. Đó cũng là lý do mà khách sạn Pharma Hotel, TP. Điện Biên Phủ đã tăng cường đầu tư quảng bá, tiếp cận du khách trên các nền tảng số trong gần 2 năm gần đây

Thành phố Điện Biên Phủ là một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách gần xa với các di tích quốc gia đặc biệt nằm trong Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Đến nay, các di tích, điểm đến cũng đang từng bước được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan trong mỗi chuyến đi.

Tại đây, với các bảng gắn mã QR đã được lắp đặt, người dân và khách du lịch khi đến tham quan có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR, dẫn đường link đến website: https://www.dulichdienbien.vn để tìm hiểu thêm về hoạt động du lịch của tỉnh.

 

* Laodong.vn (24/7): Tiếp tục hoãn phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án sân bay Điện Biên

Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên vừa có thông báo về việc thay đổi thời gian mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 9 bị cáo trong vụ án sân bay Điện Biên.

Trước đó, theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Điện Biên, vụ án sân bay Điện Biên (vụ án Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ) phải hoàn thành xét xử trong tháng 6.

Tuy nhiên sau đó, phiên xét xử sơ thẩm vụ án sân bay Điện Biên đã được lùi sang tháng 7 và dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 27.7.2023. Đến ngày 21.7, Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên lại ban hành thông báo số 94/TP-TA về việc thay đổi thời gian mở phiên tòa.

Theo đó, thay vì mở phiên tòa vào 7h30' ngày 27.7.2023 thì phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sân bay Điện Biên sẽ được mở vào 7h30' ngày 2.8.2023.

Các bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Tuấn Anh (SN 1977) - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ; Trần Thị Vân (SN 1978) - cựu Giám đốc Trung tâm quản lý đất đai; Phạm Trung Kiên (SN 1984) - cựu Phó Trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch; Trần Xuân Mạnh (SN 1984), Nguyễn Đình Hiệp (SN 1976) - cựu Phó Trưởng Phòng TNMT TP Điện Biên Phủ.

Bùi Thị Ánh (SN 1967); Bùi Mạnh Cường (SN 1990) - nhân viên phòng TNMT; Trần Thị Hoà (SN 1985) - viên chức Trung tâm quản lý đất đai và Nguyễn Thị Khương (SN 1965) - nhân viên hợp đồng Trung tâm quản lý đất đai TP Điện Biên Phủ.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Điện Biên, liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư Dự án sân bay Điện Biên, từ tháng 4 - 12.2021, Khương, Vân và Tuấn Anh đã có hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, gây thiệt hại của Nhà nước hơn 13 tỉ đồng.

Các bị can Kiên, Mạnh, Hiệp, Ánh gây thiệt hại của Nhà nước gần 7 tỉ đồng. Ngoài ra, Khương, Vân và Hòa còn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 267 triệu đồng.

Do đó, Viện KSND tỉnh Điện Biên truy tố Khương và Vân về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các đối tượng: Kiên, Mạnh, Hiệp, Ánh, Cường, Tuấn Anh bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”. Bị can Hòa bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

 

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

*Chinhphu.vn (24/7): Từ 1/8/2028: Cán bộ, công chức cấp xã chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì nghỉ hưu hoặc tinh giản biên chế

Theo Nghị định 33/2023/NĐ-CP, đến 1/8/2028, cán bộ cấp xã, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì sẽ thực hiện chế độ nghỉ hưu hoặc tinh giản biên chế.

Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày 1/8/2023 phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định

Theo Nghị định 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, về điều khoản chuyển tiếp, Nghị định nêu rõ, cán bộ cấp xã đang giữ chức vụ bầu cử mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định; công chức cấp xã đang giữ chức danh quy định  mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã)  mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định  thì trong thời hạn 05 năm kể từ ngày 1/8/2023 phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định. 

Hết thời hạn này mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định thì thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.

*Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định cụ thể tiêu chuẩn của cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Tiêu chuẩn chung của cán bộ, công chức cấp xã

Tiêu chuẩn chung đối với cán bộ, công chức cấp xã thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về cán bộ, công chức, điều lệ tổ chức và quy định của Đảng, của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương (*).

Đối với công chức là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, ngoài các tiêu chuẩn quy định tại (*) nêu trên còn phải có khả năng phối hợp với các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự; giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, tài sản của Nhà nước và bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Tiêu chuẩn của từng chức vụ cán bộ cấp xã

 Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy:

+ Độ tuổi: Khi tham gia giữ chức vụ lần đầu phải đủ tuổi công tác ít nhất trọn 01 nhiệm kỳ (60 tháng), trường hợp đặc biệt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ;

+ Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

+ Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên. Trường hợp Điều lệ Đảng có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng;

+  Trình độ lý luận chính trị: Tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên. Trường hợp Điều lệ Đảng có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng;

+ Các tiêu chuẩn khác theo quy định của Đảng và cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.

 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp xã:

+  Độ tuổi: Theo quy định của luật, điều lệ tổ chức và quy định của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.

+ Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

+ Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên. Trường hợp luật, điều lệ tổ chức có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của luật, điều lệ đó;

+ Trình độ lý luận chính trị: Tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên. Trường hợp luật, điều lệ tổ chức có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của luật, điều lệ đó;

+ Các tiêu chuẩn khác theo quy định của Đảng, của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.

 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân:

+ Độ tuổi: Khi tham gia giữ chức vụ lần đầu phải đủ tuổi công tác ít nhất trọn 01 nhiệm kỳ (60 tháng), trường hợp đặc biệt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ;

+ Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

+ Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên. Trường hợp luật có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của luật đó;

+ Trình độ lý luận chính trị: Tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên;

+ Các tiêu chuẩn khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, của pháp luật có liên quan, quy định của Đảng và cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.

 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với cán bộ cấp xã làm việc tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

 Căn cứ tiêu chuẩn của từng chức vụ cán bộ cấp xã quy định nêu trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tiêu chuẩn cụ thể của từng chức vụ cán bộ cấp xã cho phù hợp với đặc điểm và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng cấp xã nhưng phải bảo đảm không thấp hơn tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này.

Tiêu chuẩn của từng chức danh công chức cấp xã

Tiêu chuẩn của công chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quân sự.

Tiêu chuẩn của công chức Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội như sau:

+  Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên;

+ Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã. Trường hợp luật có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của luật đó.

 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức cấp xã làm việc tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Căn cứ tiêu chuẩn của từng chức danh công chức cấp xã và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định:

+ Tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh công chức cấp xã cho phù hợp với đặc điểm và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng cấp xã nhưng phải bảo đảm không thấp hơn tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này;

+ Ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã trong từng kỳ tuyển dụng;

+ Xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh công chức cấp xã về quản lý nhà nước, lý luận chính trị; ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc thiểu số (đối với địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ), thực hiện các chế độ, chính sách và tinh giản biên chế.

 Tiêu chuẩn với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

+ Là công dân Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên; có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ được giao;

+ Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổ chức thực hiện và vận động Nhân dân ở địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

+ Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục;

+ Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp Trung học phổ thông;

+ Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp Trung cấp trở lên.

 

*Chinhphu.vn (24/7): Nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công

Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Nghị định số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. 

Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng.

Nghị định nêu rõ mức chuẩn quy định ở trên làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. 

Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh và làm tròn đến hàng nghìn đồng.

Thay đổi mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi

Nghị định số 55/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.

Cụ thể, mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh loại B được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP. 

Trường hợp mức trợ cấp một lần tính theo thâm niên thì sau khi đã tính tròn số năm tham gia kháng chiến mà còn có tháng lẻ thì số tháng lẻ được tính tròn số theo nguyên tắc: từ đủ 06 tháng đến dưới 12 tháng được tính là 01 năm, dưới 06 tháng được tính là 06 tháng. 

Trường hợp không xác định được ngày, tháng bắt đầu hoạt động kháng chiến thì được tính từ ngày 01 tháng 7 của năm đó.

Nghị định số 55/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2023. 

Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III, Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP được thực hiện kể từ ngày 1/7/2023.

* Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định hiện hành, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng được thực hiện từ ngày 1/7/2019 theo quy định tại Nghị định số 58/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Từ năm 2020, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế và xã hội của đất nước, thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, mức lương cơ sở, trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công chưa được điều chỉnh tăng. 

Ngày 24/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2021/NĐ-CP nhưng mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng vẫn giữ nguyên là 1.624.000 đồng.

Căn cứ Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, từ ngày 1/7/2023, tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị.

Theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị là 2.000.000 đồng/ người/ tháng. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

 

*Chinhphu.vn (20/7): Phân cấp cho địa phương thực hiện thủ tục giao biển, giao đất

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 286/TB-VPCP ngày 24/7/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định lấn biển.

Thông báo nêu rõ: Việc xây dựng Nghị định lấn biển là nhiệm vụ cấp thiết đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020. Nghị định sẽ là khung khổ pháp lý cho khuyến khích thực hiện khai hoang, phục hóa, lấn biển theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và thực hiện mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở dự thảo Nghị định đã được các thành viên Chính phủ cho ý kiến; căn cứ vào Điều 9 của Luật Đất đai về khuyến khích khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW và yêu cầu từ thực tiễn của các địa phương có biển để làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn của việc ban hành Nghị định. Thực hiện phân cấp cho các địa phương thực hiện thủ tục giao khu vực biển để lấn biển và giao đất, cho thuê đất để đảm bảo thống nhất, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát các quy định chuyển tiếp theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đảm bảo chặt chẽ, không hợp thức hóa các trường hợp vi phạm pháp luật trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định; hoàn chỉnh hồ sơ, tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 26/7/2023.

 

*Chinhphu.vn (20/7): Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Trong những tháng còn lại của năm 2023, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, cơ quan và địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc chỉ đạo, thực hiện theo thẩm quyền, tham mưu, đề xuất kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắt và trong trung, dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế, tận dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Mục tiêu của Nghị quyết là tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất kết quả tăng trưởng kinh tế, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 đã đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Quyết liệt cải cách đồng bộ, hiệu quả, thực chất thủ tục hành chính; đạt và vượt các chỉ tiêu về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; xử lý cơ bản khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, dự án đầu tư, người dân, nhất là những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm.

Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của hệ thống hành chính, các cấp, các ngành, các địa phương.

5 nhiệm vụ, giải pháp

Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm:

1- Thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

2- Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

3- Hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.

4- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

5- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.

Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả để tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi phù hợp với tình hình thị trường, nhất là thời điểm cuối năm khi các khoản huy động vốn với lãi suất cao trong các tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến thời hạn thanh toán; thực hiện các giải pháp điều hành phù hợp và chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng thực hiện tiết kiệm chi phí hoạt động, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.

Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13-15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.

Tiếp tục quyết liệt theo thẩm quyền các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ; theo dõi sát tình hình thực hiện, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề vượt thẩm quyền để thúc đẩy việc tổ chức thực hiện; yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn và giải thích cho khách hàng, đối tượng thụ hưởng chính sách rõ ràng, minh bạch.

Tiếp tục rà soát gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vay theo Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn.

Triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp các lĩnh vực cần thiết khác.

Trong tháng 7 năm 2023, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia gắn với sử dụng vốn có hiệu quả.

Khẩn trương vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 7 năm 2023; theo dõi chặt chẽ tình hình đáo hạn, việc trả nợ, đàm phán gia hạn thời gian trả nợ của từng doanh nghiệp, có giải pháp kịp thời, phù hợp; tăng cường thông tin, truyền thông kịp thời để giữ vững tâm lý thị trường, nhà đầu tư.

Trong tháng 10 năm 2023, chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan, báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2022 và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ (nếu cần thiết) để phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tiễn.

Khẩn trương rà soát các quy định pháp luật để sửa đổi, hướng dẫn trong trường hợp cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục nhanh, gọn cho doanh nghiệp, bảo đảm thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất cho doanh nghiệp.

Tính toán mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vốn, phát hành trái phiếu chính phủ phù hợp theo tiến độ thu, chi, giải ngân vốn đầu tư công để kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ vay và ổn định, an toàn, bền vững tài chính quốc gia.

Trong tháng 7 năm 2023, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023 cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.

Bộ Công Thương tập trung rà soát, hướng dẫn, sớm cấp phép hoạt động điện lực cho các dự án điện năng lượng tái tạo đủ điều kiện để sớm đưa các dự án này vào vận hành; rà soát, hoàn thiện các quy định về mua, bán điện, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, thống nhất giá điện tạm thời với các dự án năng lượng tái tạo.

Nghiên cứu, giảm mức phí công đoàn từ 2% xuống 1% 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 8 năm 2023, khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hướng dẫn Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa rà soát lãi suất cho vay theo quy định về hoạt động của Quỹ và áp dụng giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nguồn vốn của Quỹ.

Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do bộ, cơ quan, địa phương quản lý.

Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, giảm mức phí công đoàn từ 2% xuống 1% và giãn thời hạn nộp kinh phí trong năm 2023; nghiên cứu để tiếp tục triển khai thực hiện đến hết năm 2023 chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT ngày 16/1/2023, Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ ngày 16/1/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; có biện pháp xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức còn e dè, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Các bộ, cơ quan, địa phương:

- Quán triệt, thực hiện nghiêm Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao; không trình lên cấp trên và chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật.

- Chấp hành, thực hiện nghiêm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không đùn đẩy, để kéo dài công việc, làm lỡ thời cơ, cơ hội để tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, gây lãng phí nguồn lực.

- Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.

- Biểu dương, khen thưởng kịp thời và thích đáng đối với các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

 

CHỈ THỊ MỚI

*Chinhphu.vn (25/7): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/7/2023

Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, trừ các loại khoáng sản dầu khí, than đá, than bùn, quặng phóng xạ (urani, thori, ...) khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Ranh giới quy hoạch là khu vực phân bố khoáng sản và chế biến khoáng sản trên diện tích đất liền của cả nước.

Tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.

Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bô-xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, đồng, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.

Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.

Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới để tái chế bùn đỏ

Quy hoạch cũng đặt mục tiêu đối với một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng trong giai đoạn 2021 - 2030.

Cụ thể, với khoáng sản bô-xít, việc thăm dò, khai thác phải gắn với chế biến sâu (tối thiểu ra đến sản phẩm alumin); lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án thăm dò và khai thác phải đủ năng lực thực hiện đồng bộ các dự án từ khâu thăm dò đến chế biến sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường, đặc biệt cần lưu ý phương án thải và xử lý bùn đỏ bền vững, hiệu quả. Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới để tái chế bùn đỏ. Các dự án sản xuất nhôm mới bằng công nghệ điện phân phải thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, trong đó khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

Với khoáng sản titan, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản titan với lộ trình và quy mô hợp lý phù hợp với từng giai đoạn, từng bước hình thành các tổ hợp công nghệ mỏ - tuyển, cụm công nghiệp chế biến khoáng sản titan đồng bộ với hạ tầng. Các dự án titan ven biển có giải pháp đảm bảo cân đối nguồn nước cho sản xuất và nhu cầu dân sinh, phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tập trung đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư khai thác, chế biến titan đồng bộ với các sản phẩm chế biến sâu (pigment, dioxit titan, titan kim loại, zircon cao cấp, monazit...).

Phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả

Phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Đối với các doanh nghiệp được cấp phép mới khai thác khoáng sản đất hiếm phải gắn với dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95%, khuyến khích sản suất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO), công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, thu hồi tối đa các khoáng sản có ích đi kèm, đảm bảo môi trường, an toàn về phóng xạ.

Khai thác quặng niken, đồng, vàng phải đi kèm dự án đầu tư chế biến một cách đồng bộ, hiệu quả, bền vững và thu hồi tối đa các khoáng sản đi kèm và đảm bảo môi trường.

Khai thác crômit phải có dự án khai thác, chế biến thu hồi tối đa các khoáng sản đi kèm niken, coban, bentonit.

Nghiên cứu cấp phép thăm dò, khai thác quặng sắt cho các đơn vị có kinh nghiệm, năng lực về chế biến, khai thác quặng sắt để chế biến khoáng sản limolit, hematit, sắt nghèo, khoáng sản sắt laterit vùng Tây Nguyên, quặng sắt trong cả nước tạo ra sản phẩm quặng sắt chất lượng để sử dụng cho lò cao của các cơ sở gang thép trong nước.

Phát huy tối đa nội lực, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ứng dụng tuyển apatit loại II, loại IV và nghèo, sản xuất thuốc tuyển. Tập trung đẩy mạnh đầu tư khai thác, tuyển, chế biến apatit loại II, loại IV nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên.

Đối với những khoáng sản khác như đồng, vàng, chì, kẽm...: Quản lý tốt tài nguyên, khai thác, khâu chế biến phải sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, đảm bảo an toàn và môi trường, thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản để đáp ứng nhu cầu trong nước, cấp phép thăm dò, khai thác gắn với địa chỉ chế biến sâu. Để đồng bộ công tác quản lý nhà nước, các dự án khai thác mỏ, dự án đầu tư chế biến bô-xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, đồng, vàng, chì, kẽm, sắt phải được cơ quan quản lý nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản cho ý kiến trước khi cấp phép.

Các dự án khai thác được quy hoạch cung cấp nguyên liệu cho các dự án chế biến theo cân đối của nhu cầu thị trường

Về quy hoạch sử dụng các loại khoáng sản, các dự án Quy hoạch thăm dò gắn với dự án quy hoạch khai thác, các dự án khai thác được quy hoạch cung cấp nguyên liệu cho các dự án chế biến theo cân đối của nhu cầu thị trường.

Đối với khoáng sản kim loại: Khoáng sản nguyên khai sau khai thác, qua tuyển để làm giàu, tách thành phần (nếu khoáng sản đa kim) thành quặng tinh đạt tiêu chuẩn quy định theo yêu cầu đối với từng công nghệ chế biến để cung cấp cho các dự án/nhà máy chế biến để sản xuất thành các sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc sản phẩm trung gian cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Với khoáng sản bô-xít gipxit khu vực Tây Nguyên, khai thác, tuyển quặng tinh để cung cấp cho các nhà máy sản xuất alumin. Sản phẩm alumin và hydroxit cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy điện phân nhôm, các nhu cầu khác trong nước và xuất khẩu. Khoáng sản bô-xít diaspo khu vực các tỉnh phía Bắc khai thác, tuyển thành quặng tinh cung cấp cho các nhà máy sản xuất đá mài... và giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xem xét việc xuất khẩu theo đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi có mỏ trên cơ sở cân đối cung cầu trong nước.

Đối với sản phẩm chế biến từ quặng đất hiếm: Tổng các (ôxit, hydroxit, muối) đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95% và ôxit đất hiếm riêng rẽ (REO) cung cấp cho nhu cầu trong nước và xem xét xuất khẩu.

Đối với khoáng sản phi kim loại, khoáng sản nguyên khai sau khai thác, qua một hoặc nhiều công đoạn như phân loại, nghiền, sàng, tuyển rửa, tuyển hóa... thành các sản phẩm đã được phân loại, làm giàu đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu sử dụng hoặc làm nguyên liệu cho công đoạn chế biến sâu hơn hoặc nguyên liệu, phụ gia cho các ngành công nghiệp khác trong nước và xuất khẩu.

Đối với khoáng sản là nước khoáng và nước nóng thiên nhiên, khai thác để sản xuất nước khoáng đóng chai, phục vụ cho các cơ sở điều dưỡng, chữa bệnh và du lịch trong nước và nguồn địa nhiệt để sản xuất điện (nếu có) và các lĩnh vực khác.

Khoáng sản khai thác và chế biến đáp ứng chủ yếu cho nhu cầu trong nước. Việc xuất khẩu một số khoáng sản/sản phẩm khoáng sản sau chế biến chưa thành kim loại, hợp kim thực hiện theo chủ trương, chính sách pháp luật từng giai đoạn cụ thể và thực hiện chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án cụ thể triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 phù hợp với điều kiện của các Bộ, ngành, địa phương; xác định rõ phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện.

Đồng thời, định hướng cho các bộ, ban ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc xây dựng kế hoạch, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn.

Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giá, phí tại cảng biển

Quyết định đưa ra 3 nhiệm vụ thực hiện Quy hoạch gồm: 1- Nhiệm vụ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch;  2- Nhiệm vụ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về hàng hải; 3- Nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng.

Trong đó, thực hiện nghiên cứu đề xuất sửa đổi Bộ Luật Hàng hải 2015 theo lộ trình và theo trình tự, thủ tục quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, sửa đổi các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan tạo thuận lợi cho phát triển, quản lý, sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng hàng hải; tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giá, phí tại cảng biển để nâng cao hiệu quả đầu tư cảng biển, tăng tính hấp dẫn đối với các hãng tàu, thu hút hàng container trung chuyển quốc tế, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và các bên liên quan.

Rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế chính sách để thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch cảng biển, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng địa phương.

Cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển để triển khai phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển

Đồng thời, tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Triển khai lập các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành hàng hải, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển để triển khai phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và kết cấu hạ tầng hàng hải liên quan khác trong thực tiễn...

Chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch gồm: Thu hút nguồn vốn cho phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm quốc phòng - an ninh; cơ chế, chính sách đột phá trong huy động nguồn lực tổ chức thực hiện các quy hoạch./.

 

*Chinhphu.vn (22/7): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Mục tiêu của Nghị quyết là tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất kết quả tăng trưởng kinh tế, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 đã đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Phấn đấu đến năm 2025, có từ 60% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động tốt, khá trở lên

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. 

Theo Nghị quyết, mục tiêu đến năm 2025 là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển HTX NN gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa HTX NN trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tăng thu nhập cho người nông dân; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Sửa đổi quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2023/NĐ-CP ngày 17/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP quy định tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỉ lệ đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng. 

Nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng

Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. 

Nghị định số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng.

Nghị định nêu rõ mức chuẩn quy định ở trên làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh và làm tròn đến hàng nghìn đồng.

Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia bao gồm dự trữ chiến lược (dự trữ quốc gia); dự trữ sản xuất, dự trữ thương mại, vận tải, lưu thông phân phối, đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường, đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng. Đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75 - 80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp./.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Vtv.vn (25/7): Việt Nam hướng đến phát triển kinh tế dược liệu

Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu; lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên.

Đây là nội dung trong Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều ý kiến đã được các địa phương cùng các doanh nghiệp, HTX thảo luận tại Diễn đàn dược liệu Việt Nam diễn ra sáng 25/7.

Với sự đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng - đất đai, Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh. Việt Nam cũng xuất khẩu nhiều loại dược liệu như quế, hồi, thảo quả... nhưng đến nay vẫn riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể.

Để phát triển kinh tế dược liệu, các đại biểu chỉ ra, rất cần sự liên kết của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nhân; đồng thời, phát huy khu vực kinh tế tập thể như HTX, Tổ hợp tác thu hút, tập hợp được đông đảo người dân, nhất là người dân khu vực miền núi, dân tộc thiểu số tham gia trồng, bảo tồn, khai thác, chế biến... cây dược liệu trên phạm vi cả nước.

 

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

*Daibieunhandan.vn (25/7): Hiệu quả thực chất của bộ máy

Tại Phiên họp thứ 24 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội. Điều cử tri và Nhân dân kỳ vọng, trong quá trình triển khai nghị quyết này, việc sắp xếp vừa tinh gọn, vừa bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nói chung, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nói riêng là yêu cầu đặt ra để bảo đảm sắp xếp tinh gọn cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Trước đó, để triển khai chủ trương, yêu cầu này, trong giai đoạn 2019 - 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tính đến hết năm 2021, qua việc sắp xếp, ở cấp xã đã giảm được 3.595 người, ở cấp huyện giảm 141 người, giảm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 đạt khoảng 2.008,63 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, qua sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn này đã góp phần cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị hành chính sau khi sắp xếp.

Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, quá trình triển khai việc sắp xếp cũng bộc lộ những tồn tại, vướng mắc, trong đó công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều. Tồn tại này cần được khắc phục trong lần triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này.

Một trong những yêu cầu đặt ra là, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, trừ trường hợp nhập từ 3 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên. Trong quá trình sắp xếp, hiệu quả hoạt động của bộ máy phải đặt lên hàng đầu. Nghị quyết cũng nêu rõ, một trong những nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp.

Do đó, việc sắp xếp phải tính toán, cân nhắc đến nhiều yếu tố, tránh sự sáp nhập cơ học, đơn thuần. Muốn vậy, trong quá trình sắp xếp phải chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Việc tinh giản biên chế phải đúng người, bảo đảm tinh lọc chất lượng cán bộ, công chức sau sắp xếp.

Tinh gọn bộ máy là cần thiết, nhưng điều quan trọng là sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, người dân phải được hưởng lợi từ nền công vụ vì dân. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hiệu quả không chỉ đo lường đơn thuần bằng việc cắt giảm được bao nhiêu đơn vị hành chính, tinh giản được bao nhiêu biên chế. Quan trọng nhất cuối cùng là hiệu quả thực chất của bộ máy chính quyền và chất lượng các dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội trên các địa bàn được sắp xếp.

Với những kết quả tích cực trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã đạt được trong giai đoạn 2019 - 2021 sẽ là tiền đề quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết này trên thực tế. 

 

* Qdnd.vn (24/7): Loại bỏ vấn nạn “phong bì”

Trong phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”, bên cạnh một số bị cáo thừa nhận cố tình gợi ý để doanh nghiệp chi tiền thì cũng có bị cáo cho rằng, hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp cảm ơn sau khi thực hiện thành công chuyến bay.

Tuy nhiên, bản luận tội của viện kiểm sát nhân dân xác định, đây thực chất là hành vi nhận hối lộ bởi các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách, nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, số tiền các bị cáo nhận rất lớn, lên đến hàng tỷ đồng, bằng cả gia tài của nhiều người. “Cần nhận thức đúng để loại bỏ vấn nạn “phong bì” ra khỏi đời sống xã hội”, đại diện Viện kiểm sát nhân dân nêu quan điểm.

Từ hành vi nhận tiền của các bị cáo nói trên và những vụ việc tương tự xảy ra thời gian qua cho thấy, vấn nạn “phong bì” vẫn đang tồn tại phổ biến. Đối với một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, việc nhận “phong bì” của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ dường như đã trở thành thói quen, khiến điều không bình thường này đã trở thành bình thường trong đời sống xã hội. Nhận “phong bì” trước hoặc trong quá trình làm việc rồi hứa hẹn giải quyết thủ tục nhanh chóng; nhận sau khi hoàn thành công việc với danh nghĩa “cảm ơn”- cho dù hình thức, bối cảnh nào thì xét đến cùng cũng đều là hành vi tiêu cực, cần nhận diện rõ và đấu tranh ngăn chặn.

Vậy nhưng, nhiều cán bộ, công chức không hiểu hoặc cố tình không hiểu điều này dẫn đến đánh tráo khái niệm giữa tiêu cực, nhận hối lộ và sự cảm ơn chân thành. Rõ ràng, không thể nói người dân, doanh nghiệp “cảm ơn chân thành” khi phải chi tiền, quà với giá trị lớn cho cán bộ, công chức có trách nhiệm, thẩm quyền nếu muốn công việc, thủ tục, dự án... của mình được triển khai thuận lợi!

Thái độ, hành vi nhũng nhiễu, gây khó dễ của cán bộ, công chức khiến người dân, doanh nghiệp phải “bôi trơn” là nguyên nhân chính đẻ ra vấn nạn “phong bì”. Cùng với đó, mặc dù không gợi ý, ép buộc, giải quyết công việc theo đúng quy định, nhưng có những cán bộ, công chức không vượt qua được sự cám dỗ để rồi thản nhiên nhận tiền “cảm ơn” càng khiến vấn nạn này lan tràn, phổ biến. Hậu quả là làm cho quá trình thực hiện nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước bị méo mó, niềm tin của người dân suy giảm, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh, sự phát triển kinh tế-xã hội... Trong nhiều trường hợp, còn đẩy cả cán bộ và người dân, doanh nghiệp vào vòng lao lý, như ở vụ án “chuyến bay giải cứu” nói trên.

Để loại bỏ vấn nạn “phong bì”, cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ hoàn thiện thể chế, pháp luật, phát huy dân chủ và sự giám sát của xã hội đến cải cách tiền lương... Nhưng có lẽ, trước hết và quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, giáo dục, việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh để mỗi cán bộ, công chức luôn biết trọng danh dự, liêm sỉ, vượt qua mọi cám dỗ. Nhiều bị cáo khi đứng trước tòa mới cay đắng thừa nhận, sống trên đống tiền, tài sản có được do làm ăn phi pháp, tiêu cực, tham nhũng tưởng đủ đầy, sung sướng, nhưng không, đó là những tháng ngày lo lắng, bất an vì sợ pháp luật trừng trị, là sự khinh bỉ, coi thường của cộng đồng, dư luận... nhưng đã quá muộn để sửa chữa. Đó là bài học nhãn tiền cho những ai coi đồng tiền cao hơn danh dự-điều thiêng liêng, cao quý nhất!  

 

* Laodong.vn (24/7): Để dân không phải đến tận nhà Bí thư, gọi điện cho Chủ tịch tỉnh

Việc người dân phải đến tận nhà Bí thư Tỉnh uỷ hay gọi điện trực tiếp tới số máy di động của Chủ tịch tỉnh nhằm khiếu nại, tố cáo không phải là điều tích cực. Mà ngược lại, đã thể hiện việc bộ máy, cán bộ cấp cơ sở quan liêu, chưa làm tròn trách nhiệm.

Đúng dịp kỷ niệm ngày Thương binh- liệt sĩ 27.7, phóng viên Lao Động đã tìm đến người thương binh đã phải đến tận nhà Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng để cầu cứu, tố cáo cán bộ quan liêu trong xử lý hồ sơ đất đai.

Người thương binh gần 80 tuổi ấy, với bên mắt bị hỏng khi chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị cách đây hơn 50 năm dường như đã để giọt lệ “chảy ngược vào trong” khi kể lại hành trình dài tới 4 năm vất vả để làm thủ tục hồ sơ đất nhưng bị cán bộ địa phương làm khó.

Báo cáo kết quả khảo sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa năm ngoái cho biết: Giai đoạn 2018-2021 cơ quan chức năng giải quyết chậm 7.416 hồ sơ về đất đai, có hồ sơ trả lại đến 3 lần. Thế nhưng, nguyên nhân chủ quan chỉ vẻn vẹn 1 dòng: “Một số công chức, viên chức có biểu hiện phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực”.

Còn báo cáo tại Hội đồng nhân dân Thanh Hoá giữa tháng 7, vừa qua, Sở Tài Nguyên và Môi trường thông tin: Văn phòng đăng ký đất đai Thanh Hoá đã thụ lý, ban hành 46 thông báo kết luận, 28 văn bản chấn chỉnh, 45 văn bản phê bình tập thể, giám đốc các chi nhánh, trưởng các phòng chuyên môn, viên chức, người lao động liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và tổ chức; thi hành kỷ luật bằng hình thức “buộc thôi việc” 1 viên chức, “cảnh cáo” 2 viên chức, “khiển trách” 4 viên chức; yêu cầu nhiều tập thể, cá nhân tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc. Con số ấy hẳn chưa phản ánh đúng thực tế.

Còn tại Hà Tĩnh, câu chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh công bố số điện thoại cá nhân để người dân liên lạc, phản ánh được nhắc đến nhiều. Thực tế quan sát và qua ý kiến người dân thì khi có số Chủ tịch tỉnh gắn ở ngay nơi làm thủ tục thì “Cán bộ có chuyển biến tích cực hơn, người dân đến làm thủ tục thấy cán bộ niềm nở hơn, không còn sách nhiễu, găm hồ sơ, vòi vĩnh, không thu tiền bất hợp pháp”. Mô hình “công bố số điện thoại” sẽ được nhân rộng, đặc biệt lĩnh vực nhạy cảm như đất đai thì số của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì sẽ công bố từ xã đến tỉnh".

Những câu chuyện ở Thanh Hoá hay Hà Tĩnh cho thấy: Nếu cán bộ cơ sở làm đúng chức trách nhiệm vụ, không nhũng nhiễu thì Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh đã không phải mất thời gian, công sức xử lý những công việc cụ thể, những vấn đề của cơ sở hàng ngày. Quan trọng là cần một cơ chế đủ khuyến khích cán bộ làm việc công nhưng cũng đủ nghiêm minh răn đe hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, vòi vĩnh người dân. Đảm bảo các thủ tục hành chính nhanh, minh bạch, kịp thời cho dân phải là chuyện rất bình thường. Để dân yên tâm, không phải đến tận nhà Bí thư hay gọi điện cho Chủ tịch tỉnh để phản ánh, khiếu nại mới là việc cần làm sớm, làm ngay.

 

* Công an TPHCM (24/7): Đường dây nóng và "đường dây lạnh"...

Sau ít ngày Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải công khai số điện thoại cá nhân làm đường dây nóng để sẵn sàng tiếp nhận phản ánh những vấn đề bức xúc của người dân, đã có cả ngàn cuộc gọi, tin nhắn gửi đến ông.

Theo ông Võ Trọng Hải, thời gian qua, khi tiếp xúc cử tri hoặc tiếp công dân thường kỳ, ông nhận được rất nhiều phản ánh của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai, như làm sổ đỏ rất chậm, thậm chí thay đổi giấy tờ đất nhưng bị "ngâm" đòi tiền "bôi trơn", có khi phải mất đến 2 năm và nhiều hành vi nhũng nhiễu của cán bộ khi thực thi trách nhiệm công vụ.

Để giải quyết bức xúc của người dân, chấn chỉnh cán bộ cơ sở và để nghe được tiếng nói trực tiếp từ người dân, ông Hải và Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực đất đai đã công khai số điện thoại của mình làm đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh trực tiếp từ người dân.

Theo ông Hải, nhiều ý kiến phản ánh của người dân đã được ông giải quyết nhanh hoặc chuyển các Chủ tịch UBND huyện để cấp này chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết ngay. Nhờ vậy các vấn đề mà người dân phản ánh đã được giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Hàng ngàn cú điện thoại, tin nhắn chỉ trong một thời gian ngắn gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho thấy nhiều vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý liên quan đến hành chính công; sự quan liêu, thiếu sâu sát của cán bộ công chức trên nhiều lĩnh vực.

Đây là kết quả tích cực, khi người dân phản ánh với Chủ tịch tỉnh rằng, qua đường dây nóng của chính Chủ tịch tỉnh, người dân đến làm các thủ tục hành chính được đón tiếp niềm nở, không còn tình trạng "găm" hồ sơ, không "vòi vĩnh", không thu tiền bất hợp pháp.

Theo ông Võ Trọng Hải, sắp tới đây Trung tâm hành chính công của tỉnh Hà Tĩnh cũng sẽ công khai số điện thoại làm đường dây nóng của Chủ tịch, ba Phó chủ tịch tỉnh và số điện thoại của Giám đốc các sở thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường, kế hoạch, nông nghiệp, xây dựng...

Việc công khai số điện thoại của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và cách giải quyết tức thời của người đứng đầu chính quyền tỉnh có hiệu quả, cho thấy vấn đề là các lãnh đạo địa phương phải có phương pháp giải quyết rốt ráo vấn đề cho người dân. Không thể để tiếp diễn tình trạng bộ máy công quyền khi thực hiện các hoạt động hành chính công theo kiểu quan liêu, nhiều nơi làm theo kiểu "được chăng hay chớ", thiếu trách nhiệm khi thực thi công vụ.

Có thể hình dung, không chỉ ở Hà Tĩnh, nhiều địa phương khác cũng có thể tồn tại nhiều vấn đề tương tự, làm cho những bức xúc của người dân ngày càng dồn nén, dẫn đến những kiện cáo vượt cấp gia tăng, gây áp lực xã hội không đáng có. Hiện nay lãnh đạo một số địa phương, một số cơ quan công quyền cũng công bố đường dây nóng nhưng vấn đề là cách giải quyết, phương pháp giải quyết mới là điều quan trọng. Nhiều đường dây nóng đã trở thành "đường dây lạnh", thậm chí khi người dân gọi điện thoại đến cũng không có ai nghe máy.

Phương pháp xử lý thông tin từ người dân của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải tỏ ra hiệu quả vì phương pháp đúng, giải quyết tận gốc vấn đề và có kiểm tra, đôn đốc, nhưng về lâu về dài phải làm sao xây dựng các đường dây nóng của các cơ quan công quyền, đặc biệt các cơ quan thực hiện hành chính công trở thành đường dây nóng đích thực, để giải quyết các vấn đề của công dân. Trên hết là phải giáo dục cán bộ công chức hiểu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm công bộc của mình với dân...

 

*Daibieunhandan.vn (24/7): Làm sao để nhà đầu tư "xuống tiền"?

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), có hiệu lực từ đầu năm 2021, được kỳ vọng mở ra giai đoạn khởi sắc hơn trong thu hút tư nhân đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội. Hai năm trôi qua, mong muốn đó vẫn chưa thành hiện thực khi mà số lượng dự án mới rất ít ỏi.

Theo số liệu được đưa ra trong một hội thảo gần đây về PPP, từ khi Luật PPP có hiệu lực, chỉ có 10 dự án mới được phê duyệt và 14 dự án đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, các ngân hàng chủ yếu giải ngân và thu nợ đối với các dự án PPP đã cam kết cấp tín dụng và rất ít phát sinh các dự án mới.

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này; một mặt, việc thu hút đầu tư tư nhân chắc chắn khó khăn hơn rất nhiều khi đại dịch Covid-19 qua đi. Kinh tế khó khăn sẽ làm cho nhà đầu tư tư nhân cẩn trọng hơn khi ra quyết định. Riêng trong lĩnh vực điện, theo xu thế toàn cầu hiện nay, hầu hết tổ chức tài chính quốc tế đã không tiếp tục tài trợ vốn cho các dự án nhiệt điện than. Vì vậy, các nhà đầu tư rất khó thu xếp vốn cho dự án.

Mặt khác, 8 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí hoặc không thể thu do mất an ninh trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ - đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Trong phương án mới nhất, Chính phủ đề xuất chi hơn 10.300 tỷ đồng để mua lại toàn bộ 5 dự án rồi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí vốn mua một phần của 3 dự án còn lại. Tuy nhiên, phương án này còn đợi các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thời gian càng kéo dài, gánh nặng thua lỗ của các nhà đầu tư những dự án này càng lớn và niềm tin của các nhà đầu tư khác càng bị bào mòn.

Nhìn vào số phận 8 dự án bất cập này, nhiều nhà đầu tư nhanh chóng “lắc đầu” khi được hỏi tương lai có rót vốn vào các dự án PPP nữa hay không… bởi vì rủi ro của dự án không được Nhà nước chia sẻ kịp thời. PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa của trường Đại học Fullbright cho rằng, vốn mồi của Nhà nước trong dự án PPP không phải là vấn đề lớn. Điều quan trọng là Nhà nước phải hiểu các rủi ro của một dự án PPP và sẵn sàng chia sẻ rủi ro đó với nhà đầu tư. Đáng tiếc, có 12 tình huống có thể phát sinh rủi ro khi nhà đầu tư tham gia dự án PPP nhưng 10 tình huống chưa có phương án xử lý hoặc cách giải quyết chưa triệt để.

Chẳng hạn, Luật PPP quy định cơ chế chia sẻ doanh thu với doanh nghiệp PPP. Theo đó, nếu doanh thu trên 125% so với dự tính, doanh nghiệp phải chia sẻ với Nhà nước; ngược lại doanh thu giảm xuống dưới 75%, Nhà nước sẽ thanh toán phần chênh lệch để bảo đảm doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, Luật PPP quy định sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách để xử lý cơ chế chia sẻ doanh thu giảm là chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, chưa phù hợp với mục đích sử dụng nguồn ngân sách dự phòng… Quan điểm của Bộ Tài chính như vậy thì làm cách nào nhà đầu tư “lấy” được khoản tiền Nhà nước chia sẻ rủi ro? Đó là chưa kể, để được bù đắp doanh thu, nhà đầu tư phải đáp ứng một số điều kiện vô cùng khó và không dễ chứng minh. Ví dụ, phải chứng minh quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm giảm doanh thu, hay đã được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu trong khi Kiểm toán Nhà nước làm việc có kế hoạch và chỉ kiểm toán bất thường khi có vấn đề.

Nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP. Trong khi đó, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nên không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội. Vì thế, việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư đóng vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt, khu vực tư nhân không chỉ có tiền, mà với đặc tính năng động của mình chắc chắn có khả năng thích ứng nhanh hơn với mức chi phí tiết kiệm hơn khu vực công. Do đó, làm thế nào để thu hút được các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư tổ chức (các công ty bảo hiểm, các quỹ lương hưu và các quỹ đầu tư tài sản…) "xuống tiền", tham gia các dự án PPP vẫn là câu hỏi quan trọng đặt ra lúc này.

 

QUẢN LÝ

* Chinhphu.vn (25/7): Đề xuất 3 hình thức khai thác nhà, đất công không sử dụng để ở

Bộ Tài chính đề xuất 3 hình thức quản lý, khai thác nhà, đất công không sử dụng vào mục đích để ở gồm: Cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất); Bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tạm thời; Quản lý theo nguyên trạng trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.

Cho thuê nhà, đất công không sử dụng để ở

Theo dự thảo, việc cho thuê nhà (gắn liền với quyền sử dụng đất) của Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà phải thực hiện theo phương thức đấu giá; trừ các trường hợp được áp dụng theo phương thức niêm yết giá: (i) Cho các tổ chức hội có tính chất đặc thù theo quy định của pháp luật về hội thuê trong trường hợp chưa có trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, (ii) trường hợp cho thuê nhà có số tiền thuê nhà xác định tại thời điểm xác định giá để cho thuê dưới 50 triệu đồng/năm, (iii) cho thuê nhà đối với nhà, đất tạm quản lý trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà quyết định phương thức cho thuê đối với từng trường hợp cụ thể.

Cho thuê nhà theo phương thức niêm yết giá: Sau khi được UBND cấp tỉnh quyết định giao nhà, đất để quản lý, khai thác, đối với quỹ nhà, đất được giao để sử dụng vào mục đích cho thuê, Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà có trách nhiệm thuê doanh nghiệp thẩm định giá để xác định giá cho thuê nhà đối với từng cơ sở nhà, đất được giao quản lý, khai thác; trên cơ sở đó, trình Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác có liên quan, cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) của Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà thẩm định, trình UBND cấp tỉnh quyết định ban hành Bảng giá cho thuê nhà đối với toàn bộ quỹ nhà được sử dụng để cho thuê. Trong cơ cấu đơn giá cho thuê nhà phải xác định cụ thể mức tiền thuê đất (tương ứng với loại đất thương mại, dịch vụ) và tỷ lệ (%) tiền thuê đất của 01m2 nhà (sàn sử dụng) cho thuê được công bố.

Cho thuê nhà theo phương thức đấu giá: Trường hợp UBND cấp tỉnh đã ban hành Bảng giá cho thuê nhà, giá khởi điểm được xác định theo giá cho thuê nhà trong Bảng giá (bao gồm cả trường hợp điều chỉnh). Trường hợp cho thuê nhà chưa có trong Bảng giá, việc xác định giá khởi điểm được thực hiện tương tự việc xác định giá cho thuê theo hình thức niêm yết giá trong trường hợp nhà cho thuê nhà chưa có trong Bảng giá.

Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà thuê tổ chức đấu giá tài sản để tổ chức đấu giá. Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Trường hợp không thuê được tổ chức đấu giá tài sản thì thành lập Hội đồng để đấu giá.

Giá cho thuê nhà là giá trúng đấu giá. Trong đó, mức tiền thuê đất trong đơn giá cho thuê nhà trúng đấu giá được xác định theo mức tiền thuê đất trong giá khởi điểm nhân (x) với tỷ lệ (%) giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm.

Thời hạn cho thuê: Tối đa là 05 năm. Trường hợp cho thuê đối với nhà, đất tạm quản lý trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật, thời hạn tối đa là 01 năm.

Bố trí nhà, đất cho cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tạm thời 

Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, trong khi Nhà nước có quỹ nhà, đất tạm thời nhàn rỗi nhưng các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước có nhu cầu sử dụng tạm thời trong thời gian chờ thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc chờ tiếp nhận trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp để quản lý, sử dụng lại phải đi thuê trụ sở bên ngoài, vừa phát sinh thêm chi phí, vừa ảnh hưởng tới hoạt động.

Để giải quyết vấn đề này, Dự thảo quy định trường hợp Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà có quỹ nhà chưa cho thuê thì được bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước sử dụng tạm thời. Sau khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm bàn giao lại tài sản cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà để quản lý, khai thác theo quy định tại Nghị định này. Trong thời gian được bố trí sử dụng tạm thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm sử dụng nhà, đất đúng mục đích được bố trí; thực hiện chi trả chi phí điện, nước, nhân công phục vụ, chi phí sửa chữa (nếu có) và các chi phí khác có liên quan.

Quản lý theo nguyên trạng trong thời gian chờ thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật

Để chuyên nghiệp hóa việc quản lý quỹ nhà, đất trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật, dự thảo giao Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà có trách nhiệm quản lý theo nguyên trạng (tổ chức thực hiện trông coi, bảo vệ tài sản, không được để lấn chiếm) đối với quỹ nhà, đất này. Trường hợp có nhu cầu cho thuê trong thời gian chưa thực hiện xử lý, Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà tổng hợp vào Kế hoạch quản lý, khai thác nhà, đất để báo cáo UBND cấp tỉnh phê duyệt. Việc cho thuê chỉ được thực hiện ngắn hạn và khi có quyết định xử lý tài sản của cấp có thẩm quyền thì phải chấm dứt hợp đồng, thu hồi lại nhà, đất để xử lý theo quy định.

 

*Vtv.vn (24/7): Kiến nghị không đưa các phương pháp định giá đất trong Luật Đất đai

Thay vì các phương pháp định giá đất, sẽ căn cứ vào các trường hợp cụ thể để áp dụng phương pháp phù hợp bảo đảm xác định giá trị đất đai sát với thực tiễn.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà một lần nữa nhấn mạnh Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, thể chế hoá các chủ trương lớn của Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Phó Thủ tướng cho rằng trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có những vấn đề chưa đưa vào luật, nhưng thực tiễn đặt ra thấy cần thiết thì mạnh dạn nghiên cứu, báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị.

"Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một đạo luật có tính thực tiễn, sức sống và tầm nhìn", Phó Thủ tướng khẳng định.

Đi vào cụ thể, về vấn đề quy hoạch, Phó Thủ tướng cho rằng cần xác định một số chỉ tiêu cần thiết phải đưa vào quy hoạch sử dụng đất cần ổn định như đất lúa, bảo vệ ừng, bảo tồn thiên nhiên, văn hoá, di sản, còn những chỉ tiêu do thị trường, phân cấp cho địa phương thực hiện hiệu quả hơn. Điều này sẽ bảo đảm quy hoạch vừa động vừa tĩnh, vừa bảo đảm định hướng thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhấn mạnh hoạt động thu hồi đất đai, tái định cư có ảnh hưởng lớn về mặt xã hội cũng như nguồn lực thực hiện, Phó Thủ tướng cho rằng phải có quy trình, thủ tục chặt chẽ để bảo đảm tính khả thi trên cơ sở xây dựng kế hoạch sử dụng đất hằng năm ở cấp huyện được điều chỉnh linh hoạt.

 

* Tienphong.vn (24/7): Lương tối thiểu vùng năm 2024: Sẽ đề xuất mức tăng phù hợp

Khảo sát của tổ chức công đoàn ghi nhận phần lớn người lao động đều mong muốn tăng lương tối thiểu ngay từ đầu năm 2024. Mức đề xuất tăng hiện chưa được các bên tiết lộ, song phía công đoàn cho biết sẽ đưa ra mức phù hợp trong bối cảnh hiện nay, để vừa chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp…

Số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội một lần trong nửa đầu năm 2023 đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái phần nào phản ánh những khó khăn trong đời sống của người lao động, khiến việc xem xét tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2024 được cho là rất cấp thiết.

Nửa đầu năm 2023 đã trôi qua, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá thị trường lao động vẫn ẩn chứa nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mà sức cầu của các thị trường đối với các mặt hàng chính của Việt Nam suy giảm, khiến các doanh nghiệp thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, làm gia tăng số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm việc làm khiến cho số lao động bị mất việc làm, giãn việc tiếp tục tăng, quý 1/2023 là 443 nghìn lao động (trong đó 149 nghìn lao động mất việc, tăng 31 nghìn người so với quý trước), quý 2/2023 là 459,3 nghìn lao động (riêng số lao động mất việc là 217,8 nghìn người, tăng 68,8 nghìn người so với quý trước).

Lao động mất việc tăng phần nào khiến số người nhận trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần cũng có xu hướng tăng lên. Theo báo cáo từ các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2023, số người đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là hơn 562.600 người, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là trên 518.500 người, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng giải quyết cho hơn 668.000 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần.

Những khó khăn về việc làm, đời sống của người lao động khiến việc tăng lương tối thiểu được cho là cần thiết xem xét trong bối cảnh hiện nay. Ở góc độ tổ chức đại diện người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, để nắm tâm tư của người lao động, thời gian qua, công đoàn đã tiến hành khảo sát về tiền lương, đời sống và nhu cầu, nguyện vọng của người lao động thì hiện đại đa số đều mong muốn được tăng lương tối thiểu.

“Qua những chuyến khảo sát, hầu hết ý kiến chúng tôi nhận được là người lao động đều mong muốn được tăng lương tối thiểu vì cuộc sống của họ rất khó khăn, hơn nữa đây cũng là quy định đưa vào luật”, ông Hiểu thông tin.  

 

* Tienphong.vn (24/7): Chi mỗi bác sĩ gần nửa tỷ đồng đi học: “Chim đủ lông lại bỏ tổ”

Để thu hút nhân lực ngành y tế, tỉnh Bình Dương đã có chính sách “bao trọn gói”, chi hàng trăm triệu đồng cho mỗi bác sĩ đi học nâng cao trình độ. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp, hầu hết bác sĩ không thực hiện theo cam kết, tự ý rời bỏ đơn vị cũ, tìm bến đỗ mới.

Ngày 23/7, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng cho biết, kết quả thực hiện các chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương từ năm 2019-2022, có 83 trường hợp nghỉ việc khi chưa phục vụ đủ thời gian quy định sau đào tạo. Trong đó, ngành y tế Bình Dương có 73 người, chiếm gần 88%.

Mới đây, Sở Y tế tỉnh Bình Dương phải ban hành văn bản đề nghị ngành y tế toàn quốc không thu nhận 6 bác sĩ với lý do tự ý nghỉ việc, chưa bồi thường chi phí đã nhận hỗ trợ và cam kết thời gian phục vụ.

“Đối với cán bộ viên chức là y, bác sĩ (không thuộc diện hưởng chế độ thu hút nhân lực) khi muốn nghỉ việc cũng phải tuân thủ quy định pháp luật và sự sắp xếp nhân sự thay thế của đơn vị. Trong khi các bác sĩ đã nhận chế độ thu hút nhân lực hàng trăm triệu đồng, có cam kết thời gian phục vụ, dù chưa thực hiện nghĩa vụ nhưng tự ý nghỉ việc là sai cả về lý và tình”, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín nói.

Theo ông Chín, trình tự giải quyết đối với một bác sĩ thuộc diện thu hút nhân lực như sau: một bác sĩ nhận hỗ trợ chính sách một lần 400 triệu đồng, cam kết phục vụ 10 năm (hưởng lương bình thường). Sau khi làm việc được 5 năm, bác sĩ này có nguyện vọng được nghỉ việc, phải thực hiện các nghĩa vụ gồm: Làm việc trong thời gian chờ bố trí người thay thế, bồi thường số tiền 200 triệu đồng, tương ứng với một nửa thời gian còn lại. Sau đó, đơn vị sẽ tạo điều kiện giải quyết theo nguyện vọng. Tuy nhiên, cần lưu ý, đây là hướng giải quyết linh động, có tình, có nghĩa của địa phương với bác sĩ chứ không áp dụng đại trà, tránh tình trạng lợi dụng chính sách.

Cũng theo ông Chín, 6 bác sĩ tự ý nghỉ việc, chưa thực hiện việc bồi thường, bất đắc dĩ địa phương phải ra văn bản nhưng chỉ trên tinh thần khuyến cáo. Văn bản đề nghị của tỉnh Bình Dương gửi đến các cơ sở y tế trên toàn quốc về việc không tiếp nhận bác sĩ, thế nhưng nếu đơn vị nào tiếp nhận, phía Bình Dương cũng không can thiệp. Với các trường hợp bác sĩ vi phạm cam kết, tự ý bỏ việc, theo quy định sẽ lập hội đồng để tiến hành kỷ luật, thu hồi giấy phép hành nghề tạm thời.

 

* Vietnamnet.vn (24/7): TP.HCM: Không để công chức có doanh nghiệp “sân sau”, “thân hữu”

UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch "Cải thiện, khắc phục và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố năm 2023".

Theo kế hoạch, UBND thành phố yêu cầu khắc phục ngay các điểm yếu kém, cải thiện và nâng cao các chỉ số thành phần của PCI trong năm 2023, tạo thay đổi tích cực, rõ nét hơn về môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của địa phương, và đồng hành cùng doanh nghiệp theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Phấn đấu đưa TP.HCM vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế ở nhóm tốt.

UBND TP.HCM bàn giải pháp thực hiện cải cách ở 10 chỉ số: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động và vai trò người đứng đầu, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Trong đó, UBND thành phố giao thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận/ huyện, thường xuyên rà soát các quy định, thủ tục nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị.

Đồng thời, tăng cường đối thoại để khảo sát sự hài lòng của người dân, có giải pháp khắc phục kịp thời, xem đây là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Đảm bảo 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền được giải quyết đúng hẹn, không có hồ sơ trễ hạn. Không để tổ chức, cá nhân đi lại quá một lần để bổ sung hồ sơ; 100% trường hợp hồ sơ trễ hẹn đều có văn bản nêu rõ lý do, xin lỗi tổ chức, cá nhân và hẹn lại ngày trả kết quả theo quy định.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc, quán triệt trách nhiệm của công chức, viên chức trong xử lý, giải quyết công việc, không đùn đẩy, né tránh công việc, không để xảy ra tình trạng hồ sơ giải quyết trễ hạn theo quy định.

Đáng chú ý, đối với chỉ số cạnh tranh bình đẳng, UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giám sát công chức trong thực thi công vụ, không để xảy ra hiện tượng công chức có doanh nghiệp “sân sau” hoặc doanh nghiệp “thân hữu”, gây bất bình đẳng trong giải quyết công việc.

Các đơn vị phải tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật; công bố kịp thời các thông tin về các đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.  

 

* Vietnamnet.vn (24/7): Chủ tịch Cần Thơ đốc thúc tiến độ cao điểm “50 ngày, đêm” cài đặt VneID

Yêu cầu trên được Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường nêu trong văn bản gửi các Sở, ban ngành, địa phương, đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện cao điểm "50 ngày, đêm” đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID).

Hôm 15/6, ông Trần Việt Trường ký ban hành kế hoạch về việc thực hiện cao điểm "50 ngày, đêm” đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, trong văn bản mới nhất, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, qua 25 ngày (đến ngày 20/7) việc triển khai kế hoạch nói trên, toàn thành phố chỉ thu nhận 303.219 hồ sơ và kích hoạt hơn 212.000 tài khoản, tỷ lệ chỉ đạt 30,3% so với chỉ tiêu đề ra.

Trong đó, hai quận đạt tỷ lệ thấp nhất là Ô Môn 16,6% và Ninh Kiều 19,6%, chỉ duy nhất có huyện Cờ Đỏ đảm bảo chỉ tiêu được giao, các quận, huyện còn lại theo ông Trần Việt Tường đánh giá "tiến độ thực hiện rất chậm”.

Người đứng đầu chính quyền thành phố Cần Thơ nhận định, nguyên nhân các quận, huyện chậm tiến độ thực hiện đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân là do "phương pháp thực hiện chưa phù hợp, chưa triển khai đúng nhiệm vụ của từng lực lượng theo kế hoạch của UBND thành phố".

Theo đó, kế hoạch của UBND thành phố Cần Thơ là lực lượng công an có trách nhiệm thu nhận hồ sơ, các tổ công tác đề án 06, tổ công nghệ số cộng đồng các ấp, khu vực và đoàn thanh niên, hội phụ nữ cơ sở thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công dân kích hoạt tài khoản.

Ông Trần Việt Trường đánh giá vẫn còn tình trạng giao khoán cho lực lượng công an thực hiện đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Trong văn bản mới nhất, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu Giám đốc Sở, thủ trưởng cơ quan ban, ngành; Chủ tịch UBND quận, huyện phải “tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những tiện ích của ứng dụng VNeID và “cao điểm 50 ngày đêm” cấp tài khoản định danh điện tử trên toàn thành phố cho người dân biết, tham gia đăng ký, kích hoạt.

 

*Vtv.vn (24/7): Tổng cục Thuế cảnh báo tình trạng lừa đảo trực tuyến tăng mạnh

Tổng Cục Thuế vừa cảnh báo về tình trạng lừa đảo qua tin nhắn, các trang web và ứng dụng mạo danh cơ quan thuế đang có chiều hướng gia tăng mức độ, tần suất.

Các hình thức lừa đảo phổ biến là giả mạo cán bộ thuế để gọi điện thoại cung cấp, hướng dẫn người nộp thuế cài đặt các phần mềm, ứng dụng. Đặc biệt, các đối tượng còn dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI như deepfake, deep voice... để tạo ra các video giả mạo cán bộ thuế, người thân, bạn bè để lừa đảo.

Tổng cục Thuế cảnh báo khi gặp trường hợp nghi vấn, người nộp thuế nên liên hệ các đầu mối của Cục Thuế, Chi cục Thuế trên địa bàn để được hỗ trợ.

Trường hợp nhận được các tin nhắn trên các nền tảng mạng xã hội và cuộc gọi bất thường hay có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến lĩnh vực thuế, người nộp thuế cần lưu lại các bằng chứng như tin nhắn, số điện thoại hoặc ghi âm cuộc gọi. Đồng thời cung cấp các bằng chứng tới các cơ quan chức năng đề nghị xem xét xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật.

Các thông tin liên quan đến công tác của cơ quan thuế với người nộp thuế đều được công khai tại địa chỉ website (gdt.gov.vn).

 

* Dantri.com.vn (24/7): Thanh tra việc thực hiện quy hoạch xây dựng tại nhiều bộ, địa phương

Thanh tra Chính phủ sẽ lập các đoàn thanh tra trực tiếp việc quy hoạch, thực hiện quy hoạch xây dựng tại Bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, GTVT và Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Hải Phòng.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy vừa ký văn bản hướng dẫn thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng gửi các địa phương trên cả nước.

Việc này được Thanh tra Chính phủ thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo ông Lê Sỹ Bảy, mục đích của thanh tra nhằm phát hiện những sơ hở, bất cập, khuyết điểm, vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) để có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm.

Về tổ chức thực hiện, Thanh tra Chính phủ sẽ thành lập các đoàn thanh tra để thanh tra trực tiếp việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng tại các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải; các thành phố: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Hải Phòng; các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Định, Long An và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối với các địa phương, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đề nghị khảo sát, nắm tình hình để xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng phù hợp với thực tế.

Sau khi kết thúc thanh tra, các địa phương gửi báo cáo tổng hợp kết quả về Thanh tra Chính phủ theo đề cương để cơ quan này tổng hợp kết quả trên phạm vi toàn quốc.

Với các địa phương có đoàn thanh tra do Thanh tra Chính phủ thực hiện, thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phối hợp và báo cáo với Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để đảm bảo không chồng chéo về phạm vi, nội dung thanh tra.

Thanh tra các địa phương kết thúc thanh tra trực tiếp, tổng hợp kết quả trình cấp có thẩm quyền ban hành kết luận và gửi Thanh tra Chính phủ trước ngày 30/1/2024 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ (trước ngày 30/3/2024) và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Từ ngày 30/8 đến hết ngày 15/9, thanh tra các địa phương báo cáo Thanh tra Chính phủ tình hình triển khai các cuộc thanh tra, nội dung gồm: Số lượng các đoàn thanh tra, thời gian tiến hành thanh tra, kết thúc thanh tra; số lượng các cơ quan, đơn vị được thanh tra.

 

* Dantri.com.vn (24/7): Tiến độ di dời trụ sở 14 bộ, ngành ra khỏi trung tâm Hà Nội

Thủ tướng đã đồng ý chủ trương bố trí trụ sở bộ, ngành theo đề xuất của Bộ Xây dựng. Hai phương án di dời gồm: nhóm 23 cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và nhóm 12-14 cơ quan đề xuất di dời.

Nội dung này được đề cập trong báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liên quan việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Đề xuất di dời 12-14 cơ quan ra khỏi nội thành

Báo cáo về việc xác định danh mục trụ sở, cơ sở cần phải di dời cũng như lộ trình, chính sách hỗ trợ di dời khỏi nội đô Hà Nội, Chính phủ cho biết Bộ Xây dựng đã rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch, để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.

Trong đó gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan Trung ương các đoàn thể.

Từ năm 2019, Bộ Xây dựng đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Thường trực Chính phủ về các phương án quy hoạch, xác định số lượng cơ quan cần di dời, địa điểm và phương án quy hoạch chi tiết, tổ chức thực hiện quy hoạch.

Thủ tướng sau đó đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở bộ, ngành theo đề xuất của Bộ Xây dựng, trong đó chỉ đạo tập trung phát triển tại khu Tây Hồ Tây (khoảng 35ha) và một phần tại khu vực Mễ Trì.

Theo báo cáo của Chính phủ, phương án di dời gồm 2 nhóm.

Một là nhóm cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ. Nhóm này bao gồm 23 cơ quan, trong đó 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất và thực hiện đầu tư xây mới; 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ.

Nhóm thứ hai gồm 12-14 cơ quan đề xuất di dời.

Ngày 20/4, Thủ tướng đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Ngoài ra, Chính phủ cho biết kế hoạch di dời các cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế chủ trì đề xuất, trình Thủ tướng. Các cơ quan có liên quan và địa phương trong vùng Thủ đô hiện đang tích cực triển khai nhiệm vụ này.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố đồ án quy hoạch trụ sở bộ ngành, các cơ quan Trung ương tại khu Tây Hồ Tây và Mễ Trì.

Theo đó, khu Tây Hồ Tây (quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ) có diện tích 35ha, bố trí tối đa 14 cơ quan. Các trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất, cao 12-25 tầng; các khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-24 tầng về phía bắc và phía nam gắn với hai trục đường đô thị.

Khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) diện tích khoảng 55ha, không gian tổng thể là các cụm công trình cao từ 17 đến 25 tầng bao quanh khu đất, tiếp giáp với đại lộ Thăng Long.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

* Giaoducthoidai.vn (24/7): Cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh: Yêu cầu cấp bách!

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa là 92 tại 8 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay lên 2.234 tại 179 văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, chỉ có 2 bộ, cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh. Một số bộ, ngành, cơ quan chưa trình phương án; chưa cập nhật chưa đầy đủ, còn nhiều quy định cập nhật chưa chính xác, chậm công khai so với thời gian có hiệu lực của quy định.

Bên cạnh đó, chưa thực hiện nghiêm việc tính toán chi phí tuân thủ nên chưa bảo đảm xác định chính xác tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa số quy định và chi phí tuân thủ theo yêu cầu của Chính phủ.

Cần nhấn mạnh rằng, Nghị quyết 68/NQ-CP đã yêu cầu không chỉ cắt giảm những quy định đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn nâng cao chất lượng thể chế, hạn chế tình trạng ban hành quá nhiều văn bản, không để “cắt” quy định này lại “mọc” quy định khác.

Mặt khác, theo Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, phải có ít nhất 20% số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; phát triển công cụ kỹ thuật số hỗ trợ cải cách, đánh giá nỗ lực cải cách quy định của các bộ, ngành phải được cắt giảm... Vậy nhưng thực tế, như đánh giá của đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thì chưa bảo đảm tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa theo yêu cầu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do các yếu tố chủ quan. Đó là thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát trong tổ chức thực hiện; thiếu chủ động trong công tác phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan, đơn vị.

Chưa đề cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gắn kết, hỗ trợ, tương tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các hiệp hội, doanh nghiệp trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.

Thực tế, những rào cản về điều kiện, môi trường kinh doanh không chỉ cản trở sự phát triển của doanh nghiệp mà còn gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực thi.

Dẫn chứng cho nhận định này, tại Hội thảo Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp diễn ra mới đây, đại diện nhiều hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng, về mặt số lượng, ngành nghề kinh doanh có điều kiện có giảm trong những năm qua nhưng lại dẫn chiếu đến các quy định khác nên việc cắt giảm chưa khẳng định được là thực chất.

Có những điều kiện kinh doanh cắt giảm ở nơi này, nhưng lại dẫn chiếu đến nơi khác, phức tạp hơn, ví dụ như với ngành nghề kinh doanh bất động sản, đây chỉ một ngành nghề nhưng lại có 9 ngành nghề bên trong.

Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, theo đại diện Bộ KH&ĐT, dù số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện giảm nhưng nội hàm của ngành nghề lại mở rộng hơn, bao trùm hơn - cùng với các quy định về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kèm theo.

Một số bộ, ngành tiếp tục ban hành và thực thi các điều kiện kinh doanh với mức độ chặt chẽ hơn. Nếu tình trạng này không được khắc phục có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia của nền kinh tế.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn là yêu cầu cấp bách, thậm chí được coi là “gói” hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp. Và để thực hiện được và thực hiện hiệu quả, điều quan trọng là cần có cơ chế, chính sách cụ thể.

Bên cạnh đó, cần phân cấp, phân quyền rõ ràng, tránh tình trạng bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào cũng có quyền đưa ra quy định và có quyền thanh tra, kiểm tra, gây khó cho doanh nghiệp.

 

* Vietnamnet.vn (24/7): Đà Nẵng: Mô hình nhanh, gọn “khám sức khỏe hỗ trợ thủ tục cấp đổi bằng lái xe”

Mô hình đột phá trong chuyển đổi số "đến trung tâm y tế để được cấp đổi giấy phép lái xe" ở Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) được triển khai từ tháng 2/2023. Đây là một trong những cách làm hay được báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính diễn ra ngày 19/7.

Chị Trần Thị Ái Quỳnh - Tổ công nghệ thông tin Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết, toàn bộ quá trình hoàn thành việc làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe mất khoảng một giờ. Cụ thể, người dân đến trung tâm y tế sau hơn 30 phút sẽ khám xong sức khỏe, thêm 10-20 phút để làm thủ tục đăng ký cấp đổi bằng lái xe.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết, theo quy định người dân có nhu cầu cấp đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp, sẽ phải cung cấp giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp. Đồng thời cung cấp các giấy tờ liên quan như giấy phép lái xe cũ, giấy CMND/CCCD/hộ chiếu.

Sau khi hoàn thành các hồ sơ, cá nhân sẽ nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận Sở Giao thông vận tải hoặc Cục Đường bộ Việt Nam. Trường hợp nộp trực tuyến, người lái xe phải có giấy khám sức khỏe điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh hoặc bản sao chứng thực giấy khám sức khỏe điện tử.

Theo ông Hưng, tại đơn vị có tổ công nghệ thông tin và đã thực hiện nhanh việc liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe phục vụ Đề án 06. Từ đầu tháng 2/2023, trung tâm chính thức triển khai tiện ích tích hợp việc khám sức khỏe và đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe theo hình thức trực tuyến mức độ 4 từ hạng B2 trở lên trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Khi người dân có nhu cầu cấp đổi, trung tâm sẽ thực hiện các thủ tục khám sức khỏe cho công dân, dữ liệu khám sức khỏe sẽ được tích hợp lên Cổng giám định Bảo hiểm Y tế và được đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia, phục vụ cho việc cấp đổi giấy phép lái xe.

Theo ông Hưng, từ khi triển khai đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ hơn 1.700 lượt hồ sơ đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe. Nhiều người ở các địa phương lân cận như Quảng Nam cũng đến đây làm thủ tục vì sự thuận tiện và nhanh chóng.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

*Vtv.vn (25/7): Nghệ An: Khởi tố nhiều đối tượng trục lợi từ bảo hiểm

Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, với nhiều đối tượng, để điều tra hành vi gian lận bảo hiểm y tế để trục lợi bảo hiểm....

Ngày 24/7/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo trong công tác, gian lận bảo hiểm y tế để trục lợi tiền bảo hiểm nhân thọ, gây thiệt hại ngành bảo hiểm xảy ra ở một số bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, bắt giữ 5 đối tượng liên quan.

Qua đấu tranh chuyên án, Cơ quan Công an xác định: Lê Thị Hà An (SN 1989), trú tại khối 2, phường Quán Bàu, Tp.Vinh và một số đối tượng khác đã móc nối với Nguyễn Quốc Việt (SN 1984) trú tại khối 3, thị trấn Tân Kỳ, là Kỹ thuật viên chụp X-Quang của Trung tâm y tế huyện Tân Kỳ (Nghệ An) làm giả các hồ sơ bệnh án bị gãy xương cho những người có nhu cầu làm hồ sơ bệnh án để đề nghị chi trả quyền lợi bảo hiểm nhân thọ. Sau khi có được hồ sơ bệnh án giả, các đối tượng chuyển cho những người có nhu cầu làm hồ sơ để thanh toán bảo hiểm với số tiền từ 300 triệu đến 400 triệu/01 bộ hồ sơ bệnh án. Mỗi trường hợp được chi trả, các đối tượng hưởng lợi từ 100 triệu đến 200 triệu đồng.

Mở rộng điều tra, Cơ quan Công an phát hiện Lê Thị Hà An còn móc nối với Trần Đức Lượng (SN 1982), trú tại khối Trung Hòa, Phường Hà Huy Tập, Tp. Vinh là bác sỹ Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện trường Đại học y khoa Vinh để lập khống hồ sơ bệnh án, thanh toán trục tiền bảo hiểm.

Bước đầu làm rõ, các đối tượng đã lập khống hàng trăm bộ hồ sơ bệnh án để chiếm đoạt tiền bảo hiểm nhân thọ và trục lợi bảo hiểm y tế tổng số tiền rất lớn khoảng 10 tỷ đồng. Hành vi của các đối tượng trên đã gây thất thoát ngân sách Nhà nước, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến uy tín của các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.

 

* Tuoitre.vn (24/7): Quảng Nam: Làm giấy chứng nhận kết hôn “giả” cho dân, Chủ tịch xã bị khởi tố

Công an tỉnh Quảng Nam vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên - để điều tra về hành vi giả mạo trong công tác liên quan việc làm giấy chứng nhận kết hôn không đúng để cấp cho người dân.

Theo điều tra, ông Thống đã làm giấy chứng nhận kết hôn "giả" cho 2 người dân ở địa phương này. Sau khi được cấp giấy chứng nhận kết hôn, họ đã dùng giấy này hợp thức hóa để được cấp đất khi Nhà nước thực hiện đền bù, giải tỏa, tái định cư trong quá trình thực hiện dự án.

Thượng tá Hà Kế Xuyên - Trưởng Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam cho biết thêm mặc dù hai người này chưa đăng ký kết hôn, chưa kết hôn nhưng vẫn được vị Chủ tịch xã này làm, cấp giấy chứng nhận kết hôn. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đề nghị đình chỉ chức vụ đối với ông Thống, hiện đang được cho tại ngoại.

Thời gian qua trên địa bàn xã Duy Hải phát sinh nhiều đơn thư, khiếu nại liên quan đến đất đai. Đây cũng là địa bàn phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến đền bù giải tỏa, tái định cư đối với một số dự án trọng điểm.  

 

* Plo.vn (24/7): 1 viên chức Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Ngãi bị bắt

Ngày 24-7, Công an thị xã Đức Phổ cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Lê Ninh (36 tuổi, ngụ xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi).

Nguyễn Lê Ninh là viên chức Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Ngãi - Chi nhánh thị xã Đức Phổ, bị khởi tố để điều tra về tội giả mạo trong công tác.

Qua điều tra, công an xác định trong quá trình công tác tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Ngãi - Chi nhánh thị xã Đức Phổ, Ninh đã thỏa thuận với người dân hoặc qua người môi giới (cò đất) nhận làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định.

Cụ thể, Ninh đã thoả thuận làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lấy phôi giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân khác nên làm sai lệch, thay đổi thông tin và lập khống hồ sơ để làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hiện Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã thu hồi một số giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định. Công an thị xã Đức Phổ đề nghị người dân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn phản ánh, tố giác, cung cấp thông tin, tài liệu về các trường hợp có sai phạm trong hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm rõ hành vi sai phạm liên quan.

Liên quan vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Đức Phổ đã phối hợp với Viện KSND cùng cấp khám xét nơi ở và nơi làm việc của bị can Ninh để thu thập tài liệu liên quan vụ án.

 

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

* Thoibaotaichinhvietnam.vn (24/7): Thái Bình giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 51% kế hoạch Thủ tướng giao

Luôn coi công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, là động lực giúp địa phương phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Thái Bình đã đề ra nhiều giải pháp và thực hiện hiệu quả. Do đó, tỉnh Thái Bình luôn nằm trong top đầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao nhất cả nước.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Thái Bình trong năm 2023 là trên 5.397 tỷ đồng, bao gồm trên 4.909 tỷ đồng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và trên 487 tỷ đồng địa phương giao thêm.

Để giải ngân hết nguồn vốn được giao, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Thái Bình đã chủ động giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, vốn đầu tư công nguồn ngân sách tỉnh và vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 cho các dự án đủ thủ tục đầu tư.

Đồng thời, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, trong đó, yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh dự án và kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh; rà soát phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn hỗ trợ bổ sung giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn hỗ trợ thực hiện các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước Thái Bình, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải ngân được trên 2.500 tỷ đồng, đạt trên 51% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 31% tổng kế hoạch vốn. Hiện tỉnh Thái Bình đang nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.

Để giữ vững vị trí trong top đầu về giải ngân, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch khi hết năm ngân sách, UBND tỉnh Thái Bình đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện đồng bộ các giải pháp ở từng dự án cụ thể.

UBND tỉnh Thái Bình cũng chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân của từng dự án, rà soát, cắt giảm và điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của các công trình, dự án tiến độ chậm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án lớn, trọng điểm, hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án giao thông kết nối trên địa bàn tỉnh cũng như tập trung tháo gỡ các vướng mắc của các dự án BOT của tỉnh…

 

THẾ GIỚI

*Vtv.vn (25/7): Ấn Độ đối mặt với nguy cơ tấn công mạng về dữ liệu y tế ngày càng cao

Theo một nghiên cứu, các tổ chức y tế trên thế giới ngày càng trở thành nạn nhân của các vụ tấn công mạng.

Các chuyên gia công nghệ thông tin cảnh báo việc Ấn Độ đẩy nhanh tốc độ số hóa dữ liệu y tế mà thiếu các biện pháp bảo vệ phù hợp đã làm tăng nguy cơ tấn công mạng và rò rỉ thông tin cá nhân.

Tháng 6 vừa qua, cổng thông tin về tiêm chủng của Ấn Độ CoWin đã bị rò rỉ dữ liệu, trong đó có thông tin của hàng triệu người dân liên quan đến tên, số định danh, số điện thoại di động, mã số cử tri, hộ chiếu và tình trạng tiêm chủng COVID-19. Đây là một trong những vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất tại nước này. Các chuyên gia công nghệ đánh giá, vụ rò rỉ dữ liệu y tế này đặc biệt đáng lo ngại vì khiến các cá nhân dễ bị lừa đảo, quấy rối và phân biệt đối xử. Trong khi đó, luật pháp Ấn Độ chưa có quy định về bảo vệ dữ liệu.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, tình trạng trên làm suy yếu mục tiêu của Ấn Độ trong việc phát triển và xuất khẩu sang các nước châu Á và châu Phi các mô hình cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số như ứng dụng quản lý dữ liệu dân cư Aadhaar, hệ thống thanh toán di động UPI và nền tảng dữ liệu về y tế quốc gia. Giới chức Ấn Độ tin tưởng đây là những mô hình sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận và hiệu quả của dịch vụ công.

Theo một nghiên cứu của công ty an ninh mạng CloudSEK, các tổ chức y tế trên thế giới ngày càng trở thành nạn nhân của các vụ tấn công mạng, trong đó hồ sơ tiêm chủng và thông tin cá nhân của bệnh nhân cũng như nhân viên y tế thường xuyên bị nhắm tới. Bên cạnh đó, Ấn Độ là mục tiêu lớn nhất của các cuộc tấn công mạng sau Mỹ vào năm 2021 và 2022, với gần 500 cuộc tấn công vào năm ngoái, tăng gần 25%. Một nghiên cứu của nhà cung cấp dịch vụ mạng riêng ảo NordVPN vào năm ngoái cho thấy Ấn Độ là quốc gia bị rò rỉ dữ liệu nặng nề nhất, với khoảng 600.000 người đã bị tin tặc đánh cắp dữ liệu và rao bán trên không gian mạng.

Giám đốc chính sách châu Á Raman Jit Singh Chima của nhóm Access Now cho rằng việc đẩy nhanh số hóa hạ tầng công khiến người dân Ấn Độ đối mặt với nguy cơ bị thu thập và xâm phạm dữ liệu. Trong khi đó, Giám đốc chính sách của tổ chức phi chính phủ Internet Freedom Foundation, Prateek Waghre cho hay chính sách an ninh mạng của Ấn Độ đã không được cập nhật kể từ năm 2013, khiến cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đang mở rộng của nước này dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa mới.

Vào tháng 11 năm ngoái, Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn Độ (AIIMS) đã bị tấn công mạng khiến các máy chủ của viện bị đóng cửa và làm gián đoạn việc chăm sóc bệnh nhân trong nhiều tuần. Nhà chức trách Ấn Độ cho hay cuộc tấn công được thực hiện từ nước ngoài và đã làm rò rỉ hồ sơ của 40 triệu bệnh nhân. Ông Amulya Nidhi, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Jan Swasthya Abhiyan đánh giá bất kỳ vụ rò rỉ dữ liệu nào cũng gây tác động tiêu cực. Đặc biệt, việc rò rỉ các dữ liệu liên quan đến thông tin nhạy cảm như mang thai, điều trị HIV hoặc tiêm chủng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân cũng như toàn xã hội.

 

*Vtv.vn (25/7): Liên hợp quốc kêu gọi Nga trở lại đàm phán thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm qua đã kêu gọi Nga trở lại đàm phán thỏa thuận cho phép vận chuyển an toàn ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen.

Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hệ thống Lương thực Liên hợp quốc tại Italy, Tổng Thư ký Guterres đã hối thúc Nga nhanh chóng nối lại Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Ông cũng hối thúc cộng đồng quốc tế đoàn kết để tìm kiếm các giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy nỗ lực của Liên hợp quốc.  

Kể từ khi Nga dừng tham gia thỏa thuận trên, giá lúa mì và ngô giao sau đã tăng mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia dễ bị tổn thương.

Trước đó, hôm 11/7 vừa qua, Tổng thư ký Guterres đã gửi thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất Nga gia hạn văn kiện này - với lượng tàu thuyền giới hạn ra và vào Ukraine - đổi lại việc Liên hợp quốc hỗ trợ kết nối Ngân hàng Nông nghiệp Nga với hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

 

*Nhandan.com.vn (25/7): Áp lực từ bài toán suy giảm dân số

Hàng loạt quốc gia từ châu Á đến châu Âu đang loay hoay giải bài toán dân số hóc búa, khi tỷ lệ sinh giảm mạnh dẫn đến nguy cơ dân số giảm, thiếu lực lượng lao động và chi phí phúc lợi xã hội tăng cao. Tăng tỷ lệ sinh trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của các nước này nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững.

Bài toán nhân khẩu học nan giải với tỷ lệ sinh sụt giảm nghiêm trọng là một thách thức không thể xem nhẹ đối với nhiều quốc gia, bởi dân số và sự phát triển xã hội có mối quan hệ khăng khít.

Ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều đang chứng kiến tỷ lệ sinh giảm mạnh. Năm 2022, tỷ lệ sinh ở Xứ sở Mặt trời mọc đã xuống tới mức thấp kỷ lục là 1,26 từ mức 1,57 vào năm 1990, bất chấp các biện pháp của chính phủ nhằm đảo ngược tình trạng này.

Ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều đang chứng kiến tỷ lệ sinh giảm mạnh.

Trong khi đó, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết, dân số Hàn Quốc được dự báo sẽ giảm từ 52 triệu người hiện nay xuống còn 38 triệu người vào năm 2070. Tổng tỷ suất sinh, phản ánh số con trung bình mà một phụ nữ sinh trong đời, ở Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 0,78 vào năm 2022.

Nếu suy giảm dân số không còn là vấn đề mới đối với Hàn Quốc, Nhật Bản thì việc một quốc gia đông dân như Trung Quốc cũng phải đối mặt với xu hướng này đã cho thấy nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở châu Á.

Năm 2022, Trung Quốc ghi nhận dân số giảm lần đầu kể từ năm 1961. Năm 2022 còn là năm ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất từ trước đến nay tại quốc gia châu Á này.

Ở châu Âu, các quốc gia cũng đau đầu tìm cách tăng tỷ lệ sinh. Theo báo cáo mới nhất, tỷ lệ sinh ở Thụy Sĩ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 20 năm qua, với tỷ lệ 1,39 trẻ trên một phụ nữ. Tại Liên minh châu Âu (EU), tỷ lệ người từ 15-29 tuổi đã thay đổi, từ chiếm 18,1% dân số vào năm 2011 xuống còn 16,3% vào năm 2021.

Tỷ lệ sinh giảm và dân số già chắc chắn kéo theo những hệ lụy nặng nề cả về phương diện kinh tế và xã hội, như gia tăng áp lực lên quỹ lương hưu và chi phí chăm sóc y tế; lực lượng lao động thiếu hụt dẫn đến cản trở đà tăng trưởng kinh tế... Viện nghiên cứu Recruit Works dự báo, Nhật Bản có thể thiếu 11 triệu lao động vào năm 2040.

Đức cũng đang thúc đẩy kế hoạch cải tổ sâu rộng chính sách nhập cư để bổ sung lực lượng lao động đang thiếu hụt nghiêm trọng. Hiệp hội Các phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cho biết, hơn 50% số công ty của Đức phải vật lộn để lấp đầy các vị trí lao động. Dân số trong độ tuổi lao động suy giảm gây áp lực nặng nề lên thị trường lao động và hệ thống phúc lợi của nhà nước. Ngoài chi phí lương hưu tăng lên, dân số già hơn sẽ có nhiều nhu cầu về chăm sóc y tế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, toàn cầu có thể thiếu tới 10 triệu nhân viên y tế vào năm 2030.

 

*Vtv.vn (25/7): Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Thị trường lương thực thế giới tiếp tục đón cú sốc

Lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường của Ấn Độ đã khiến người dân và cộng đồng các nước châu Á khác tại Mỹ xếp hàng dài để mua gạo dự trữ.

Vốn đang phải đối mặt với ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, tác động của El Nino, thị trường lương thực thế giới lại tiếp tục đón cú sốc khi Ấn Độ cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo trắng - chiếm 25% lượng gạo xuất khẩu của nước này.

Ấn Độ là nhà cung cấp gạo lớn nhất cho thị trường thế giới. Vì thế, một lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức khiến các thương nhân vô cùng lo lắng, chưa thể tìm giải pháp thay thế. Và tác động ngay lập tức là hàng dài khách hàng ở khắp Mỹ hay Canada xếp hàng để mua gạo dự trữ.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Canada. Việc không có đủ dự trữ đáp ứng nhu cầu gia tăng cũng khiến một số cửa hàng phải tăng giá bán gạo.

Lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng và gạo tấm không phải basmati có hiệu lực ngay lập tức từ ngày 20/7 của Ấn Độ được dự báo sẽ đẩy giá gạo vốn đang ở mức cao tiếp tục tăng thêm. Các dự báo về hiện tượng thời tiết El Nino vốn gây lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Trong tuần trước, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 515-525 USD/tấn, mức giá cao nhất kể từ năm 2011. Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đã tăng lên 545 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 2/2021. Hiện giá gạo thế giới đang dao động quanh mức cao nhất trong 11 năm qua.

 

*Sggp.com.vn (24/7): Đảng Nhân dân Campuchia chiến thắng

Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen ngày 23-7 đã tuyên bố giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII.

Ông Sok Eysan, người phát ngôn của CPP, cho biết: “Chúng tôi đã giành được chiến thắng áp đảo nhưng đến nay vẫn chưa có số liệu rõ ràng về số ghế giành được”.

Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC), cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia đã có tỷ lệ đi bầu đạt 84%, cao hơn tỷ lệ trong các kỳ bầu cử năm 2018 và năm 2022. Trong số 18 chính đảng tham gia tranh cử tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII ở Campuchia lần này, 17 chính đảng cạnh tranh với CPP cầm quyền.

Theo NEC, hơn 90.000 quan sát viên theo dõi, giám sát cuộc bầu cử lần này - bao gồm hơn 89.500 quan sát viên đến từ 135 tổ chức trong nước và 586 quan sát viên quốc tế. Gần 1.300 phóng viên, trong đó có 137 phóng viên quốc tế, đưa tin về cuộc bầu cử.

Theo báo Khmer Times, cuộc bầu cử là một phép thử quan trọng đối với khả năng phục hồi ổn định của Campuchia. Đó là bước chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình có thể diễn ra trong khoảng thời gian từ 2023 đến 2028. Thủ tướng Hun Sen đã cố gắng hết sức để đảm bảo rằng quá trình chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra trong hòa bình, trật tự và êm đềm.

Trước đó, chia sẻ với kênh truyền hình Phoenix TV của Trung Quốc, Thủ tướng Hun Sen cho biết, con trai cả của ông, Đại tướng Hun Manet, có thể trở thành Thủ tướng của Campuchia trong vòng 4 tuần sau bầu cử.

 

*Dantri.com.vn (24/7): Hơn 40 quốc gia muốn gia nhập BRICS

Nhà ngoại giao Nam Phi cho biết hơn 40 quốc gia bày tỏ mong muốn gia nhập khối BRICS.

Ông Anil Sooklal, nhà ngoại giao Nam Phi phụ trách mối quan hệ với khối BRICS và các nước châu Á, ngày 20/7 cho biết 22 quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập khối, trong khi "một số lượng tương đương" các quốc gia khác "đã đề cập một cách không chính thức về việc trở thành thành viên BRICS".

Trao đổi với hãng tin RT hôm 23/7, ông Sooklal mô tả BRICS là một tổ chức luôn sẵn sàng đối thoại với cộng đồng toàn cầu rộng lớn hơn. BRICS hiện bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và gần 1/4 GDP của thế giới.

Ông Sooklal khẳng định BRICS không phân biệt giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu, đồng thời sẵn sàng đối thoại với bất kỳ quốc gia nào "có cùng tầm nhìn về một trật tự toàn cầu bao trùm và công bằng hơn, nơi chúng tôi không gạt bỏ phần lớn thế giới ra ngoài lề", bao gồm nhiều quốc gia đang phát triển.

Nhà ngoại giao Nam Phi chỉ ra rằng, trong khi Liên hợp quốc vẫn chưa bắt đầu việc cải cách toàn diện để mang lại cho các nước mới nổi tiếng nói lớn hơn, BRICS đã vạch ra con đường riêng của mình để khắc phục tình hình.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng BRICS "không tìm cách trở thành một lực lượng kinh tế thống trị", mà muốn có "ảnh hưởng lớn theo cách bao trùm để hành động vì sự thay đổi".

"Chúng tôi không muốn một thế giới có một hoặc hai bá chủ toàn cầu", ông Sooklal nói, đồng thời giải thích rằng sự phân bổ quyền lực như vậy sẽ gieo rắc sự chia rẽ trong cộng đồng toàn cầu.

Ông Sooklal trước đó nói rằng Argentina, Iran, Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nằm trong số những quốc gia đang tìm cách gia nhập khối.

Nam Phi sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên BRICS năm nay, diễn ra tại Johannesburg từ ngày 22/8 đến ngày 24/8. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã gửi lời mời tham dự thượng đỉnh BRICS tới gần 70 nhà lãnh đạo toàn cầu.

 

*Vtv.vn (24/5): Trung Quốc thử nghiệm động cơ chính của tên lửa phục vụ các sứ mệnh lên mặt trăng

Các nhà khoa học Trung Quốc vào cuối tuần qua đã hoàn thành một cuộc thử nghiệm mới cho động cơ chính của tên lửa.

Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) cho biết, động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu phản lực oxy lỏng lớp 130 tấn là phiên bản nâng cấp của động cơ lực đẩy cao hiện đang được sử dụng trong thế hệ tên lửa đẩy mới như Trường Chinh-5. Động cơ tên lửa sẽ được sử dụng cho tên lửa đẩy Trường Chinh-10 trong các sứ mệnh đưa người lên mặt trăng.

Theo các nhà nghiên cứu của CASC, cuộc thử nghiệm đã đáp ứng các yêu cầu liên quan. Một số thử nghiệm mô phỏng độ cao sẽ được tiến hành vào nửa cuối năm nay để hoàn thiện hiệu suất và các thông số liên quan.

Hiện Trung Quốc đang phát triển một tên lửa đẩy và một tàu vũ trụ có người lái mới hướng tới mục tiêu đưa các phi hành gia lên mặt trăng trước năm 2030 và nước này dự kiến sẽ chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên vào năm 2027.

Tên lửa đẩy Trường Chinh-10 chủ yếu được phát triển để đưa tàu vũ trụ và tàu đổ bộ lên mặt trăng, sử dụng các nhiên liệu gồm hydro lỏng, oxy lỏng và dầu hỏa. Tên lửa này có tổng chiều dài khoảng 92 mét, trọng tải cất cánh khoảng 2.187 tấn và khả năng chuyên chở khoảng 27 tấn vào quỹ đạo giữa Trái đất và mặt trăng.

Trong khi đó, tàu vũ trụ có người lái mới áp dụng thiết kế module, bao gồm một tháp thoát hiểm, một khoang trở về (Trái đất) và một module dịch vụ. Con tàu này có thể đáp ứng nhu cầu của các nhiệm vụ gần Trái đất cũng như các nhiệm vụ thám hiểm không gian sâu. Theo CASC, tàu vũ trụ có thể chở 3 phi hành gia. Tàu chủ yếu được sử dụng để đưa các phi hành gia vào quỹ đạo gần mặt trăng và trở lại Trái đất.

Trên cơ sở tàu vũ trụ mới, Trung Quốc cũng đang phát triển tàu vũ trụ gần Trái đất với sức chứa từ 4 đến 7 nhà du hành, chuẩn bị cho lĩnh vực du lịch vũ trụ của nước này trong tương lai.

 

*Dantri.com.vn (24/7): Trung Quốc lo ngại về lối sống DINK của giới trẻ

Các cặp vợ chồng có lối sống DINK (gấp đôi thu nhập, không con cái) đang khiến chính phủ Trung Quốc đau đầu khi càng đẩy đất nước vào tình trạng khủng hoảng nhân khẩu học kéo dài.

Mặc dù Bắc Kinh đã chấm dứt gần 3 năm áp dụng các biện pháp hạn chế Covid-19 vào tháng 12/2022, nhưng chúng đã có tác động lâu dài đến sức khỏe kinh tế và tinh thần của người dân.

Đối với nhiều người, áp lực tài chính và sự lo lắng khiến họ có cái nhìn đáng lo ngại về tương lai và có xu hướng từ chối kế hoạch làm cha mẹ.

Thuật ngữ DINK đã có từ năm 1987, khi báo Los Angeles Times lần đầu đưa tin về lối sống này. Cho đến những năm gần đây lối sống DINK đã trở lại và thu hút sự quan tâm của nhiều người sử dụng mạng xã hội.

Tại Trung Quốc, đây là một xu hướng đã nổi lên trong những năm trước khi không có Covid-19, nhưng khủng hoảng đại dịch gây dừng các hoạt động trên toàn quốc, đình công và bất ổn kinh tế lan rộng dường như đã làm trầm trọng thêm vấn đề này.

Giờ đây, nhiều cặp vợ chồng đã theo đuổi lối sống này cho biết, họ cảm thấy hài lòng vì không có con cái nên có nhiều thời gian và tiền bạc hơn, và hơn hết, họ có thể làm điều mình muốn mà không gặp áp lực trở ngại về nuôi dưỡng con cái. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2022 khi lần đầu tiên số ca tử vong vượt quá số ca sinh ở nước này sau hơn 6 thập niên.

Giáo sư Ren Yuan tại Viện Nghiên cứu Dân số thuộc Đại học Phúc Đán cho biết, lối sống này sẽ gây tác động lâu dài đối với đất nước. "Xét đến tỷ lệ kết hôn giảm và tỷ lệ người chưa bao giờ kết hôn ngày càng tăng, Trung Quốc rất có thể sẽ chứng kiến tỷ lệ sinh vẫn ở mức thấp trong những thập kỷ tới", giáo sư Ren nói.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tổng dân số vào năm 2022 giảm 850.000 người so với năm 2021, đánh dấu lần giảm dân số đầu tiên sau 61 năm. Tỷ suất sinh của những người sinh con đầu lòng cũng giảm xuống 0,5%.

Trong khi đó, theo giáo sư Chen Weimin tại Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển tại Đại học Nam Khai, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc bản thân trải nghiệm sinh con có thể thúc đẩy mọi người sẵn sàng có con, vì vậy mối quan tâm lớn nhất ở Trung Quốc hiện nay là tỷ lệ sinh thấp của các gia đình một con.

 

*Dantri.com.vn (24/7): Ông Trump muốn châu Âu viện trợ thêm cho Ukraine 100 tỷ USD

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng châu Âu hỗ trợ cho Ukraine số tiền quá ít so với Washington và mong muốn các đồng minh ở EU sẽ chuyển thêm cho Kiev 100 tỷ USD.

Trả lời Fox News hôm 23/7, ông Trump nói rằng Ukraine nên nhận được thêm hơn 100 tỷ USD viện trợ từ các nước châu Âu để tương xứng với những gì Mỹ đã hỗ trợ Kiev từ trước tới nay.

Trong những tháng gần đây, ông Trump đã nhiều lần nói rằng chiến sự Nga - Ukraine sẽ không xảy ra nếu ông vẫn còn là tổng thống và rằng ông sẽ chấm dứt xung đột trong một ngày nếu tái đắc cử vào năm 2024.

Trên Fox News, ông Trump đã được hỏi rằng liệu ông có dừng dòng viện trợ chảy tới Ukraine nếu ông trở lại ghế nóng Nhà Trắng vào năm sau hay không. Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 113 tỷ USD hỗ trợ cho Ukraine và các quốc gia đồng minh kể từ khi xung đột bùng phát vào tháng 2/2022.

 

* Dantri.com.vn (24/7): Tổng thống Putin: Nga sẽ cung cấp ngũ cốc cho châu Phi thay Ukraine

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga sẽ thay thế Ukraine cung cấp ngũ cốc tới châu Phi, sau khi Moscow rút khỏi một thỏa thuận vốn cho phép vận chuyển ngũ cốc an toàn qua Biển Đen.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định thêm: "Tôi muốn đảm bảo rằng đất nước chúng tôi có thể thay thế ngũ cốc của Ukraine cả về mặt thương mại và miễn phí, nhất là khi chúng tôi sẽ có một vụ thu hoạch kỷ lục trong năm nay".

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine đã khiến cảng ở Biển Đen bị phong tỏa đến khi một thỏa thuận do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian được ký kết vào tháng 7/2022 cho phép các chuyến hàng ngũ cốc quan trọng được thông qua.

Thỏa thuận ngũ cốc đã cho phép xuất khẩu hơn 32 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine trong năm 2022.

Tuy nhiên, đầu tháng này, Nga đã rút khỏi thỏa thuận này sau khi phàn nàn rằng một thỏa thuận liên quan về việc cho phép xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga đã "không được tôn trọng".

Moscow sau đó cho biết sẽ xem xét các tàu chở hàng tới Ukraine qua Biển Đen có thể là mục tiêu quân sự và sẽ kiểm tra các tàu trước khi có bất kỳ quyết định nào.

Nói về động thái này, Tổng thống Putin nhắc lại, thỏa thuận ngũ cốc ban đầu nhằm mục đích đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, giảm thiểu nguy cơ xảy ra nạn đói và giúp đỡ các nước nghèo nhất ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã dần mất đi ý nghĩa đó và Nga quyết định rút khỏi.

Cựu Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ dàn xếp cuộc chiến, nhưng nhấn mạnh các quốc gia châu Âu đã không đóng góp nhiều như Mỹ. Ông tuyên bố sẽ gây áp lực để châu Âu tăng cường hỗ trợ cho Kiev.

 

* Vietnamnet.vn (24/7): Chống lệnh cảnh sát sau vụ đâm xe, nữ Bộ trưởng Tư pháp New Zealand mất chức

Bộ trưởng Tư pháp New Zealand Kiri Allan vừa từ chức ngày 24/7 sau khi cảnh sát buộc tội lái xe liều lĩnh và chống lại lệnh bắt giữ sau một vụ va chạm xe hơi.

Thủ tướng Chris Hipkins cho biết, bà Allan liên quan đến một vụ đâm xe hơi lúc hơn 21h tối 23/7 ở Wellington. Cảnh sát đã bắt giữ nữ Bộ trưởng này trước khi trả tự do cho bà 4 tiếng sau đó.

Cảnh sát cáo buộc bà Allan điều khiển xe cơ giới một cách bất cẩn và từ chối hợp tác với lực lượng chức năng sau khi gây tai nạn. Bà Allan đã nhận giấy thông báo vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông và sẽ phải hầu tòa 1 ngày sau đó.

Từng được coi là ngôi sao đang lên của Công đảng, bà Allan gần đây đã nghỉ việc để điều trị sức khỏe tâm thần sau khi công khai chia tay bạn đời và đối mặt với các cáo buộc có quan hệ công việc không tốt với nhân viên.

Thủ tướng Hipkins tiết lộ, ông đã trao đổi với bà Allan sáng 24/7, đồng thời bày tỏ nữ chính khách này hiện không phù hợp để tiếp tục làm bộ trưởng vì việc lãnh đạo Bộ Tư pháp bị buộc tội hình sự là không thể chấp nhận được.

Bà Allan đã đồng ý với quan điểm trên và xin từ chức. Song, bà hiện vẫn là thành viên Quốc hội.

Theo báo Guardian, vụ việc của bà Allan là sự cố mới nhất trong loạt bê bối liên quan đến các bộ trưởng trong Chính phủ New Zealand, khi chưa đầy 3 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc gia. Kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, phe bảo thủ đối lập đã vươn lên hoặc vượt đảng tự do cầm quyền về tỉ lệ ủng hộ của cử tri, hứa hẹn các cuộc bỏ phiếu đầy kịch tính.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

    << < 1 2 3 4 5  ... > >> 
    °
    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    410 người đã bình chọn