Dienbien.gov.vn - Ngày 28/3, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia hoàn thiện vào Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các đồng chí: Mùa A Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Văn Tiến - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị.
Triển khai nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 301/QĐ-TTg ngày 5/3/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan lập quy hoạch tỉnh) đơn vị tư vấn đã tập trung rà soát, hoàn thiện hoàn thiện quy hoạch báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh tại 5 phiên họp (từ tháng 3/2021, đến tháng 10/2022), cùng với việc tổ chức lấy ý kiến của các sở ngành, các địa phương trong tỉnh; các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương lân cận; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các chuyên gia, các nhà khoa học; các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đến nay, Báo cáo thuyết minh tổng hợp và 34 nội dung đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh (24 phương án tích hợp quy hoạch ngành lĩnh vực, 10 phương án tích hợp quy hoạch các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) đã cơ bản được hoàn thiện.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh; sau khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh; là cơ sở để tỉnh Điện Biên phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV đã đề ra.

Đ/c Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.
Để hội nghị đảm bảo tính hiệu quả, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn cần tập trung báo cáo, phân tích làm rõ các vấn đề trọng tâm của quy hoạch tỉnh (Định hướng chiến lược, phương án phát triển các ngành quan trọng và các chỉ tiêu chính về phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn; Phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, phân bổ đất đai và bảo vệ môi trường; Phương án số 24 - Phương án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các nội dung tích hợp trong quy hoạch tỉnh Điện Biên theo yêu cầu chung của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch). Các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ cần rà soát số liệu, phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các huyện, liên huyện để đảm bảo tính thống nhất, logic, khoa học; xác định rõ các mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đối với những nội dung tích hợp ngành, lĩnh vực lãnh thổ quản lý. Các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị sẽ là cơ sở để quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục được hoàn thiện, trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Hội đồng); báo cáo HĐND tỉnh thông qua, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Tiếp đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn đã trình bày tóm tắt về tình hình kết quả tổ chức lập quy hoạch và nội dung cơ bản của dự thảo Quy hoạch tỉnh gồm: định hướng chiến lược, phương án phát triển các ngành quan trọng và các chỉ tiêu chính về phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn; phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, phân bổ đất đai và bảo vệ môi trường; phương án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các nội dung tích hợp trong quy hoạch tỉnh theo yêu cầu chung của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương rà soát số liệu, phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các huyện, liên huyện để đảm bảo tính thống nhất, logic, khoa học; xác định rõ các mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đối với những nội dung tích hợp ngành, lĩnh vực, lãnh thổ quản lý.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tóm tắt về tình hình kết quả tổ chức lập Quy hoạch.

Đơn vị tư vấn khái quát về nội dung cơ bản của dự thảo báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hội nghị nhận được nhiều ý kiến thảo luận, phát biểu của các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức và nhận diện những vấn đề cần giải quyết trong nhiệm vụ quy hoạch. Đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn rà soát, điều chỉnh và làm rõ một số nội dung, như: Cần bổ sung phụ lục làm rõ nhu cầu đầu tư trong kỳ quy hoạch bao gồm dự án và thứ tự ưu tiên đầu tư; rà soát đưa toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi đất hành lang an toàn giao thông ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp (quy hoạch 3 loại rừng) của tỉnh, tránh gây mâu thuẫn, xung đột, chồng chéo giữa các quy hoạch chuyên ngành. Cần hoàn thiện bản đồ về phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải để thể hiện đầy đủ, chính xác nội về đường bộ, đường thủy nội địa phục vụ cho công tác quản lý, thực hiện phương án phát triển giao thông và thuận lợi cho công tác tích hợp các quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn cần đánh giá trọng tâm theo từng lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản; khó khăn, vướng mắc còn tồn tại; đánh giá thêm tình hình diễn biến dịch bệnh xảy ra trên các loại cây trồng, vật nuôi; dự báo việc tăng giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp cần sát thực tế hơn. Đối với nội dung quy hoạch phát triển du lịch nông thôn, cần đánh giá cụ thể hơn về hiện trạng, tiềm năng du lịch nông thôn; vai trò đóng góp của du lịch nông thôn trong phát triển đời sống kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân. Việc bố trí dân cư cần phải gắn liền với các tiêu chí nông thôn mới. Bổ sung nội dung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích… Một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung, làm rõ nội dung liên quan đến lĩnh vực năng lượng, giáo dục, tài nguyên môi trường, thông tin truyền thông, tỷ lệ che phủ rừng, phát triển cây dược liệu, phát triển đô thị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn cần tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện báo cáo thuyết minh tổng hợp và các phương án tích hợp. Liên quan đến lỗi địa danh, chính tả, thực trạng có thiếu sót đề nghị các sở, ngành, địa phương ngay sau cuộc họp rà soát lại nội dung để tham gia ý kiến bằng văn bản đến ngày 4/4 gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư.../.
Trần Ngọc