VPUB – Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về chuyển đổi số tại Điện Biên
Dienbien.gov.vn - Thực hiện chương trình công tác, ngày 17/11, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm Trưởng đoàn công tác đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về chuyển đổi số tại tỉnh Điện Biên. Làm việc với đoàn có các đồng chí: Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Page Content
Đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
Trước khi làm việc, đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại 3 đơn vị: VNPT Điện Biên, Bưu điện tỉnh Điện Biên và Viettel Điện Biên. Tại các địa điểm đến khảo sát, Đoàn công tác đã được lãnh đạo các đơn vị báo cáo cụ thể việc thực hiện chính sách pháp luật về Chuyển đổi số, đồng thời đề cập những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số, như: Triển khai các dự án về công nghệ thông tin cho khối chính quyền (giáo dục, y tế, SME trong tỉnh) còn gặp nhiều khó khăn; một số ngành trên địa bàn tỉnh còn chưa có lộ trình chuyển đổi số. Hiện tỉnh Điện Biên chưa có Trung tâm hành chính công dẫn đến khó khăn về bố trí lao động. Tại các đơn vị đến khảo sát, các thành viên đoàn công tác cũng đã trao đổi, đề nghị các đơn vị làm rõ một số nội dung thực hiện liên thông về hạ tầng số; tỷ lệ phủ sóng điện thoại tại địa bàn vùng sâu, vùng xa; xây dựng, lắp đặt trạm thu phát sóng và chia sẻ phát triển hạ tầng viễn thông.

Trước đó đoàn giám sát làm việc tại Bưu điện tỉnh.
Thực hiện chính sách, pháp luật về chuyển đổi số, hàng năm, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số và tổ chức thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Giai đoạn 2020 đến 2023, tỉnh đã bố trí kinh phí thực hiện cho các dự án, nhiệm vụ lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, khoảng 433 tỷ đồng. Kết quả thực hiện 03 trụ cột chuyển đổi số đạt được như: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được nâng cấp; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đang cung cấp 627 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình so với dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức toàn trình đạt 100%); năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 53%, vượt chỉ tiêu đề ra (50%) trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 82%; tỷ lệ TTHC được triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống của tỉnh đạt 100%; tỷ lệ TTHC có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt hơn 27%. Trong quý I/2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đạt trên 60%.

Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan, thành viên đoàn công tác đã trao đổi, thảo luận và làm rõ nội dung khó khăn vướng mắc trong chuyển đổi số như: Việc kết nối chia sẻ với các sở ngành còn hạn chế; vấn đề kéo điện lưới về vùng sâu vùng xa để phục vụ chuyển đổi số… Đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận những kết quả mà các đơn vị đã đạt được trong thực hiện chính sách pháp luật về chuyển đổi số; đồng thời giải đáp những đề xuất kiến nghị thuộc thẩm quyền, đối với những kiến nghị không thuộc thẩm quyền, đoàn công tác tiếp thu và đưa vào báo cáo trình Quốc hội trong thời gian tới./.
Thanh Tâm