Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 3 năm 2021

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

* Bnews.vn (29/3): Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi ranh giới quy hoạch có tổng diện tích tự nhiên là 9.541,25 km2.
Mục tiêu lập quy hoạch phấn đấu đến năm 2030, 
Điện Biên trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; với lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; là một trong những tỉnh dẫn đầu về phát triển lâm nghiệp của cả nước, điển hình về giảm nghèo bền vững với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Nội dung Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ, trong đó có phân tích, đánh giá thực trạng, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Điện Biên và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng quan điểm, mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

* Vietnamplus.vn (29/3): Thủ tướng chấp thuận đầu tư mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên với tổng vốn đầu tư hơn 1.547 tỷ đồng, công suất 0,5 triệu hành khách/năm, bảo đảm khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.

Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên do nhà đầu tư Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên công suất 0,5 triệu hành khách/năm, bảo đảm khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả vùng Tây Bắc nói chung.

Quy mô dự án gồm công trình khu bay đáp ứng khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; cải tạo nhà ga hiện hữu đáp ứng công suất 0,5 triệu hành khách/năm; cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ. Tổng vốn đầu tư thực hiện Dự án là hơn 1.547 tỷ đồng, trong đó sử dụng vốn chủ sở hữu 100%. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm. Tiến độ thực hiện 34 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư.

 

* Baodienbienphu.com.vn (30/3): Chậm nhất đến 30/8 phải bàn giao mặt bằng sạch cho ACV

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên có công suất 0,5 triệu hành khách/năm, bảo đảm khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung. Vốn đầu tư thực hiện dự án hơn 1.547 tỷ  đồng, trong đó sử dụng vốn chủ sở hữu 100%; thời gian hoạt động dự án 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án 34 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông – Vận tải phối hợp Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện, tham mưu cho UBND tỉnh về thủ tục đầu tư dự án, đánh giá tác động môi trường dự án; tham mưu để tỉnh ra văn bản chính thức triển khai dự án khu quản lý bay theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường trong tuần này chủ động xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; trường hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến mới, cần sớm tham mưu để tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đối với kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất, TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên cần rà soát toàn bộ nhu cầu sử dụng đất để phục vụ dự án sân bay Điện Biên Phủ, cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất năm 2021 và giai đoạn tiếp theo trình UBND tỉnh xem xét.

 

* Qdnd.vn (29/3): Hiệu ứng tích cực từ Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021 ở Điện Biên

Với thông điệp “Hãy thay đổi hành vi tiêu dùng vì một hệ sinh thái khỏe mạnh”, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021 do Công ty Ðiện lực Ðiện Biên triển khai đã tiết kiệm được hơn 6.500kWh điện, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân.

Nhờ triển khai chiến dịch bằng nhiều hoạt động phong phú, thiết thực nên nhiều cá nhân và hộ gia đình trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng tiết kiệm điện bằng nhiều hình thức. Dọc hai bên trục chính đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Điện Biên Phủ, các hộ gia đình tắt các thiết bị điện trong thời gian diễn ra chiến dịch. Ðối với doanh nghiệp, ngoài những giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên các thiết bị điện, còn khuyến khích nhân viên giảm in ấn và photocopy, sử dụng văn phòng điện tử, rút phích cắm máy in, máy tính hoặc khi không sử dụng trong một thời gian dài.

 

* Baodienbienphu.com.vn (27/3): Sớm tháo gỡ vướng mắc trong giao đất, giao rừng

Theo kế hoạch đề ra, đến hết năm 2023, toàn tỉnh phải triển khai thực hiện rà soát, hoàn chỉnh giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp đối với hơn 366.626ha, nhưng đến hết năm 2020 (số liệu mới nhất) mới chỉ thực hiện giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDÐ cho 633 tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích hơn 27.017ha. Trong đó, chỉ có 3 huyện Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé và Tuần Giáo đã triển khai giao đất, giao rừng (được một phần) cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình với hơn 12.307ha. Diện tích đất lâm nghiệp còn lại chưa giao đất, cấp GCNQSDÐ hơn 339.609ha. Trong đó, huyện Ðiện Biên Ðông hơn 52.372ha; Mường Nhé hơn 36.050ha; Nậm Pồ hơn 68.683ha; Tuần Giáo hơn 47.805ha...

Nguyên nhân được xác định, do công tác chỉ đạo triển khai thực hiện của một số đơn vị cấp huyện còn chậm; việc phê duyệt phương án kỹ thuật, dự toán kinh phí rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 chưa thực hiện. Về định mức kinh phí đo đạc, lập hồ sơ không vượt quá 200 nghìn đồng/ha là thấp, trong khi đó diện tích thực hiện giao đất lâm nghiệp chưa có rừng (chủ yếu đất nương trồng cây hàng năm quy hoạch phát triển lâm nghiệp) nhiều thửa đất và chủ sử dụng đất không tập trung. Ðối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng chủ yếu đất luân canh nên người dân mong muốn không chuyển thành đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, tập huấn...

 

* Laodong.vn (29/3): Làm cố cho xong dự án 341 tỉ đồng dù không đạt mục tiêu nào đề ra

Dự án hồ chứa nước Ẳng Cang được khởi công năm 2009 với số vốn ban đầu 355 tỉ đồng nhằm phục vụ 3 mục tiêu chính: Cấp nước tưới ẩm chủ động cho khoảng 1.000 ha cà phê; cấp nước tưới chủ động cho 400 ha lúa của xã Ẳng Cang và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 10.000 người thuộc khu vực xã Ẳng Nưa, thị trấn Mường Ảng và xã Ẳng Cang.

Để thực hiện dự án, gần 300 hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất, trong đó sắp xếp tái định cư cho 62 hộ. Thế nhưng từ nhiều năm nay các hộ dân tái định cư phải đối diện với một thực tế: Đất ruộng không còn, đất nương cằn cỗi và thiếu nước sản xuất…

Sau nhiều lần điều chỉnh tiến độ, đến ngày 25.10.2016, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 1298/QĐ-UBND về việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình Hồ chứa nước Ẳng Cang. Theo đó, thời gian hoàn thành dự án được điều chỉnh đến năm 2020, rồi lại điều chỉnh đến năm 2021. Tại quyết định này tổng mức đầu tư từ hơn 355 tỉ đồng cũng được điều chỉnh giảm xuống 341 tỉ đồng. Đồng thời, cắt giảm tuyến kênh tả và tuyến kênh hữu cùng với các công trình trên 2 tuyến kênh này.

Giải thích về sự bất hợp lý này, ông Nguyễn Trung Chính - Trưởng ban QLDA các công trình huyện Mường Ảng cho biết, giai đoạn 2 của dự án sẽ thực hiện xây dựng các tuyến kênh như đã được phê duyệt ban đầu là hơn 24 km để phát huy hiệu quả của dự án. Như vậy, sau khi dự án có tổng mức đầu tư 341 tỉ đồng này kết thúc thì mục tiêu ban đầu vẫn chưa đạt được mà phải chờ một dự án khác để xậy dựng hơn 24 km kênh và các công trình trên kênh. Cùng với đó, mục tiêu cấp nước sinh hoạt cho khoảng 10.000 người dân cũng vẫn phải chờ một dự án khác.

Trả lời câu hỏi: "Khi hoàn thành, dự án này sẽ đem lại hiệu quả gì cho địa phương?"; Ông Nguyễn Trung Chính cho biết, trước mắt, cụm công trình đập đầu mới có chức năng điều tiết lũ và tạo nguồn cho "giai đoạn 2".Còn ông Tạ Mạnh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng thì cho biết, dự án này hoàn thành còn có chức năng “tạo cảnh quan, phục vụ du lịch“. Ông Cường cho biết thêm: “Hiện nay huyện đã giao Phòng Kinh tế hạ tầng và các đơn vị liên quan, khảo sát, lập hồ sơ dự án phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa của người dân địa phương...

 

* Baodienbienphu.com.vn (27/3): Tiếp nhận trên 8.300 hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân

Thống kê của Công an huyện Tuần Giáo, tính đến ngày 29/3, trên địa bàn huyện đã tiếp nhận hơn 8.300 hồ sơ làm căn cước công dân (CCCD). Trung bình 1 ngày Công an huyện Tuần Giáo thu nhận trên 700 hồ sơ cấp thẻ CCCD (vượt chỉ tiêu giao 1 ngày trên 300 hồ sơ/1 tổ máy). Phấn đấu đết hết ngày 2/5 Công an huyện sẽ hoàn thành việc tiếp nhận hồ sơ, cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho trên 62.000 dân trên địa bàn toàn huyện.

Với phương châm: “Làm hết việc chứ không hết giờ”, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Công an huyện Tuần Giáo đã phối hợp với chính quyền địa phương, thành lập 3 tổ cấp thẻ CCCD lưu động tại các xã: Quài Tở, Chiềng Đông, Mùn Chung; mỗi tổ chia thành 3 ca luân phiên, thực hiện thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật).

Các tổ cấp thẻ CCCD làm việc theo hình thức cuốn chiếu để tránh trường hợp bà con nhân dân tập trung đông người, mất thời gian chờ đợi; tăng ca, tăng kíp, làm hết sức, không để máy trống ngày nào. Đồng thời, vừa thực hiện nhiệm vụ vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Được biết, ngày 29/3, Công an huyện Tuần Giáo tiếp tục được trang bị thêm 1 tổ máy làm thẻ CCCD đặt tại xã Mùn Chung.

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

 

TIÊU ĐIỂM

* Phunutoday.vn (27/3): Từ 1/7, thu hồi sổ hộ khẩu khi người dân thay đổi thông tin nơi cư trú: Thêm nhiều điểm mới cần chú ý

Theo Bộ Công an, từ ngày 1/7 sẽ bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục cấp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu. Những sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp vẫn được sử dụng và có giá trị cho đến hết ngày 31/12.2022. Nếu thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu cư trú.

Khi người dân đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì công an có trách nhiệm cập nhật vào cơ sở dữ liệu, đồng thời thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và không cấp mới các loại sổ này.

Theo đó, cảnh sát quản lý cư trú sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân (số căn cước công dân) để truy cặp, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

 

* Chinhphu.vn (29/3): GDP quý I tăng 4,48%

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020. Thông tin vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 55,96%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,70%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá, đồng thời thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng.

Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,19%, chỉ thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021, làm tăng 0,29 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,78% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,90%, cao hơn mức tăng 2,79% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

 

* Laodong.vn (29/3): Thử nghiệm nộp phạt vi phạm giao thông qua mã số định danh

Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đang thử nghiệm việc xử phạt vi phạm giao thông qua mã số định danh, qua đó cho thấy tính việc này rất tiện ích, thể hiện sự minh bạch trong công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nhận được sự đồng tình của người dân.

Bất ngờ vì tiện ích khi nộp phạt trực tuyến

Thượng uý Hoàng Tùng, thông tin, nhờ sự kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư quốc gia, khi xử lý vi phạm giao thông, CSGT chỉ cần nhập số căn cước công dân của người vi phạm vào hệ thống. Hệ thống sẽ hiển thị tất cả thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở hiện tại của người vi phạm để CSGT lập biên bản và quyết định xử phạt online rất nhanh chóng.

Sau đó, người vi phạm có thể nộp phạt qua Cổng thông tin Quốc gia một cách thuận tiện, chính xác từ đường link hướng dẫn nộp phạt được gửi qua tin nhắn đến điện thoại cá nhân.

“Việc xử phạt qua dữ liệu căn cước công dân rõ ràng, minh bạch, chính xác, nhanh gọn và thuận tiện cho cả CSGT lẫn người vi phạm” - Thượng uý Hoàng Tùng cho biết.

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

* Luatvietnam.vn (29/3): Sửa quy định về bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước

Ngày 26/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Theo Nghị định này, quy định về bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước được quy định như sau:

Trường hợp nhà ở cũ do cơ quan, đơn vị có quỹ nhà ở tự quản chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà ở tiếp nhận, quản lý nhưng tại thời điểm tiếp nhận, nhà ở này đã bị phá dỡ, xây dựng lại thì cơ quan quản lý nhà ở vẫn tiếp nhận và căn cứ theo từng trường hợp cụ thể để thực hiện bán cho người đang thuê theo giá bán quy định tại Điều 65 hoặc Điều 70 của Nghị định này mà không phải lập thủ tục ký hợp đồng thuê nhà ở.

- Về giá bán nhà ở cũ áp dụng cho các trường hợp được bố trí sử dụng trước ngày 05/7/1994 (kể cả nhà ở thuộc diện xác lập sở hữu toàn dân quy định tại điểm c khoản 3 Điều 63 của Nghị định này) được bổ sung như sau:

Đối với nhà ở cấp I, cấp II, cấp III mà người thuê đã phá dỡ, xây dựng lại trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì xác định giá trị còn lại của nhà ở này theo hiện trạng của nhà ở tại thời điểm bố trí ghi trong quyết định, văn bản phân phối, bố trí hoặc trong hợp đồng thuê nhà ở hoặc theo thời điểm sử dụng nhà ở được xác định theo các giấy tờ quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 57 của Nghị định này.

- Bổ sung quy định về tiền sử dụng đất khi chuyển quyền sử dụng đất cùng với việc bán nhà ở cũ được tính theo bảng giá đất ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký hợp đồng mua bán và căn cứ vào vị trí của đất ở, tầng nhà như sau:

+ Trường hợp đã được cơ quan, đơn vị giao đất để tự xây dựng nhà ở mà kinh phí xây dựng nhà ở này không phải từ ngân sách nhà nước thì thực hiện giải quyết theo quy định của pháp luật về đất đai;

+ Trường hợp đã được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở theo quy định về chính sách thanh lý, hóa giá nhà ở trước đây nhưng Nhà nước mới chỉ thu tiền nhà, chưa thu tiền sử dụng đất thì thực hiện thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 65 của Nghị định này.

- Trường hợp nhà ở một tầng có nhiều hộ ở và nhà ở nhiều tầng có nhiều hộ ở mà có diện tích nhà ở, đất ở sử dụng chung thì chỉ thực hiện bán phần diện tích sử dụng chung này cho các hộ đang sử dụng nếu được tất cả các hộ đồng ý bằng văn bản và xác định rõ việc phân bổ diện tích cho từng hộ; việc tính tiền nhà, tiền sử dụng đất đối với phần diện tích sử dụng chung trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này (Điều 65).

Trường hợp các hộ không đồng ý phân bổ diện tích sử dụng chung thì cơ quan quản lý nhà ở không bán phần diện tích này và có trách nhiệm quản lý theo quy định của Nghị định này và pháp luật về nhà ở.

Nghị định 30 có hiệu lực từ ngày 26/3/2021.

* Thuvienphapluat.vn(29/3): Sắp tới, không cần bản sao CMND/CCCD vẫn làm được thủ tục về nhà ở

Theo Nghị định 30/2021/NĐ-CP, trường hợp công dân đã được cấp số định danh cá nhân và CSDL quốc gia về dân cư, CSDL về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành thì được sử dụng số định danh cá nhân thay cho bản sao CMND, CCCD,… khi làm thủ tục lĩnh vực nhà ở kinh doanh, bất động sản.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 30/2021/NĐ-CP, trường hợp công dân đã được cấp số định danh cá nhân và CSDL quốc gia về dân cư, CSDL về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành thì:

Được sử dụng số định danh cá nhân thay cho các giấy tờ liên quan đến nhân thân (bản sao Giấy CMND, thẻ CCCD, Hộ chiếu và các giấy tờ chứng thực cá nhân khác) khi thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, Nghị định 30/2021/NĐ-CP cũng sửa đổi, bãi bỏ một số quy định liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản.

- Bãi bỏ Điều 10, Điều 11, khoản 4 Điều 13, các quy định liên quan đến đầu tư theo hình thức BT tại Điều 14, khoản 2 Điều 26, điểm c khoản 2, điểm c, đ khoản 4 Điều 27, khoản 3 Điều 29 Nghị định 99/2015/NĐ-CP.

- Đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kinh doanh bất động sản quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 1 Điều 13 Nghị định 76/2015/NĐ-CP thì khi nộp hồ sơ đề nghị chuyển nhượng, chủ đầu tư được lựa chọn nộp bản sao và xuất trình bản gốc để đối chiếu hoặc nộp bản sao có công chứng hoặc chứng thực khi nộp hồ sơ thực hiện các thủ tục này.

Nghị định 30/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/3/2021.

 

* Thuvienphapluat.vn(27/3): Nghị định 29/2021/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Trong đó, Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư, giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư và giám sát đầu tư của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; chi phí giám sát, đánh giá đầu tư;...

Quy định về chuyển tiếp trong giám sát, đánh giá đầu tư

- Các Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư đối với các kỳ thực hiện năm 2020 được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 84/2015/NĐ-CP và Nghị định 01/2020/NĐ-CP.

- Các chương trình, dự án đã xác định và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chi phí giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Nghị định 84/2015/NĐ-CP và Nghị định 01/2020/NĐ-CP được tiếp tục thực hiện hoặc xác định lại chi phí giám sát, đánh giá theo quy định tại Nghị định 29/2021/NĐ-CP.

Nghị định 29/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/3/2021 và thay thế các Nghị định:

Nghị định 131/2015/NĐ-CP hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia;

Nghị định 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư;

Nghị định 02/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 131/2015/NĐ-CP hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia;

Nghị định 01/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư.

 

* Laodong.vn (30/3): Chính sách mới về giáo dục, y tế có hiệu lực từ tháng 4.2021

Sửa Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (sau đây gọi là Quy chế) ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 27.4.2021.

Theo đó, sửa đổi một số nội dung về điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 như sau:

- Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Quy chế phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém; riêng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thuộc chương trình GDTX thì không yêu cầu xếp loại loại li kiểu,

- Đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Quy chế phải có bằng tốt nghiệp THCS và phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém;

Trường hợp không đủ điều kiện dự thị trong các năm trước do xếp loại học lực kém ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học đối với một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 (năm) điểm (tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc trường phổ thông nơi ĐKDT), bảo đảm khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện dự thi về xếp loại học lực theo quy định;

Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận việc chấp hành chính sách pháp luật và các quy định của địa phương để được trường phổ thông nơi học lớp 12 xác nhận đủ điều kiện dự thi về xếp loại hạnh kiểm theo quy định;...

Chính sách với giáo viên trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao

Thông tư 07/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao (TDTT), trong đó, quy định chính sách đối với viên chức quản lý, giáo viên như sau:

- Viên chức quản lý, giáo viên trường phổ thông năng khiếu TDTT được hưởng các chế độ, chính sách như viên chức quản lý, giáo viên các trường phổ thông cùng cấp học, ngoài ra còn được hưởng các chế độ ưu đãi đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định.

(Hiện hành, thực hiện theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

- Giáo viên trực tiếp dạy, huấn luyện môn năng khiếu TDTT trong trường phổ thông năng khiếu TDTT được hưởng các chế độ ưu đãi khác theo quy định.

Về tổ chức trường phổ thông năng khiếu TDTT, đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên dạy môn năng khiếu TDTT đạt chuẩn về trình độ chuyên môn huấn luyện các môn thể thao theo quy định của ngành TDTT, có trình độ từ đại học TDTT trở lên và có chứng chỉ huấn luyện viên TDTT được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.

Thông tư 07/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 27.4.2021.

Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị xâm hại tình dục: Từ ngày 1.4.2021, Quyết định 5609/QĐ-BYT ngày 31.12.2020 ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục và Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập chính thức có hiệu lực.

Theo đó, ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp ý đối với:

+ Trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục.

+ Trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập.

Các bước khám giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục gồm: 3 phần.

1 - Tiếp nhận hồ sơ, phân công giám định.

2 -Các bước khám giám định.

3 - Hoàn thành trả kết quả giám định.

 

CHỈ THỊ MỚI

* Chinhphu.vn (27/3): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

Thủ tướng chỉ đạo ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước tại ĐBSCL: Thủ tướng Chính phủ có Công điện chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh ven biển: Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt, trong trường hợp cần thiết chủ động huy động các lực lượng quân đội, công an nhằm bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân…

Bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống: Bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống và một phần cho xuất khẩu; nâng cao thu nhập cho người dân để bảo đảm tiếp cận được lương thực chất lượng, an toàn thực phẩm; từng bước nâng cao tầm vóc, thể lực, trí lực người dân Việt Nam. Đó là mục tiêu chung của Nghị quyết 34/NQ-CP về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 vừa được Chính phủ ban hành.

Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết là sử dụng linh hoạt quỹ đất lúa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, hàng năm sản xuất ít nhất 35 triệu tấn lúa, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu.

Điều kiện hoạt động của trung tâm, doanh nghiệp Dịch vụ việc làm: Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2021/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

Theo quy định, Trung tâm dịch vụ việc làm muốn thành lập phải đảm bảo các điều kiện sau: - Có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm; - Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; - Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới); - Có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành; - Có ít nhất 15 người làm việc là viên chức; - Cơ quan có thẩm quyền thành lập đảm bảo kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật.

Quản lý trong cơ sở giáo dục: Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2021/NĐ-CP quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập (cơ sở giáo dục). Nghị định trên quy định về: Quản lý các hoạt động giáo dục; thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý các hoạt động giáo dục; trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm việc tham gia của học sinh, gia đình và xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục.

Quy định mới về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự: Chính phủ ban hành Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Nghị định này quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bao gồm tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (biện pháp bảo đảm) và xử lý tài sản.

Quy hoạch hệ thống giáo dục chuyên biệt: Đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người khuyết tật: Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng cho tất cả người khuyết tật; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030.

Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là tổ chức phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi và xây dựng thành công các vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Đến 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD: Đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD; trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2020.

Đó là một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án cũng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 thu hút đầu tư mới 50-60 cơ cở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

 

TIN QUỐC HỘI

* Chinhphu.vn (28/3):  Quốc hội xem xét, quyết định nhân sự Nhà nước

Đầu tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành cả ngày 29/3 và sáng 30/3 thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Quốc hội sẽ tiến hành quy trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, một số Phó Chủ tịch Quốc hội; miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ; miễn nhiệm Chủ tịch nước.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội.

Trong tuần, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước; về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.

 

* Vietnamnet.vn (29/3): 33 Ủy viên Trung ương giữ chức bộ trưởng và tương đương trong nhiệm kỳ XII

Tại hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII chiều 27/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính quán triệt chuyên đề về báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.

Trong đó đáng chú ý là việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển.

Tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy giảm chi hơn 5.000 tỷ đồng

Ông Phạm Minh Chính dẫn chứng số liệu của Bộ Tài chính cho thấy dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã giảm trên 5.000 tỉ đồng gắn với thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, con số này vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở 7%/năm và thấp hơn kế hoạch 2016 - 2020 (dưới 64%).

Về công tác cán bộ, tính từ đầu nhiệm kỳ đến ngày 30/9/2020, Trung ương đã luân chuyển, điều động 33 ủy viên Trung ương Đảng và 6 ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng giữ chức bí thư các tỉnh ủy, thành ủy; 2 ủy viên Trung ương Đảng và 3 ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng giữ chức phó bí thư các tỉnh ủy, thành ủy.

Trong nhiệm kỳ có 30 ủy viên Trung ương Đảng và 3 ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng giữ chức bộ trưởng và tương đương; 11 ủy viên Trung ương Đảng và 2 ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng giữ chức thứ trưởng và tương đương.

Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã luân chuyển 1.003 cán bộ từ cấp tỉnh về cấp huyện và 888 cán bộ từ cấp huyện lên cấp tỉnh; 5.202 cán bộ từ cấp huyện về cấp xã và 2.753 cán bộ từ cấp xã lên cấp huyện.

 

* Vneconomy.vn (30/3): Thực hiện quy trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Ngày 30/3, sau khi thảo luận tại hội trường về các Báo cáo nhiệm kỳ của Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân, Quốc hội bắt đầu tiến hành quy trình miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số chức danh Nhà nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Theo chương trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Trong buổi sáng 30/3, các đoàn thảo luận tổ về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Sau khi thảo luận tại Đoàn, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu được công bố vào chiều nay, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm. 

Theo chương trình, trong chiều 30/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình và các đoàn thảo luận về danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia mới. Tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ tuyên thệ nhậm chức vào sáng ngày 31/3.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

* Chinhphu.vn (28/3): Phấn đấu vươn lên thứ 2 ASEAN về quy mô GDP, sớm có thu nhập trung bình cao

Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng đến mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao với sự thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Việt Nam có thể đứng thứ 2 ASEAN về quy mô kinh tế

Thủ tướng vui mừng cho biết quy mô nền kinh tế Việt Nam trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 3.500 USD, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế gới, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Độ mở của nền kinh tế đạt khoảng 200% GDP và Việt Nam là một trong những nước có độ mở kinh tế cao nhất thế giới. Như vậy Việt Nam đã có thứ hạng nhất định trên thế giới. Việt Nam thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với trên 224 nước, vùng lãnh thổ.

Tăng trưởng kinh tế bình quân 10 năm 2011-2021 đạt 5,95%. Nhiều công trình, nhà máy được đầu tư từ các nguồn lực khác nhau. Trong 5 năm qua, chúng ta đầu tư xây dựng 62 nhà máy chế biến, khắc phục cơ bản tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, chúng ta không chỉ quan tâm phát triển đô thị, nơi tập trung người giàu, người khá giả, nhà đầu tư mà phát triển cả vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa

 

* Chinhphu.vn (28/3): FDI vào Việt Nam tăng mạnh, đạt trên 10 tỷ USD

3 tháng đầu năm, vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đều tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/3/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng khá mạnh, sau hai tháng đầu năm liên tiếp sụt giảm.

Trong số này, vốn đăng ký mới đạt 7,2 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng giá trị đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 908 triệu USD, giảm 58,5% so với cùng kỳ.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, nhờ tình hình sản xuất - kinh doanh đã dần hồi phục, mà kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm.

Cụ thể, xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt 58,59 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ, chiếm 76,4% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 58,21 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ, chiếm 75,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 49,8 tỷ USD, tăng 30,3% so cùng kỳ và chiếm 66,8% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2021, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 8,8 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 8,4 tỷ USD không kể dầu thô. Xuất siêu khu vực đầu tư nước ngoài đã bù đắp phần nhập siêu gần 6,7 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD.

 

* Chinhphu.vn (29/3): Thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia. Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng tiền lương quốc gia thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hoạt động theo quy định tại Điều 49, Điều 50, Điều 53 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, trong đó, Hội đồng tiền lương quốc gia có nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, phân tích và đánh giá tình hình tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan hệ cung cầu lao động, việc làm, thất nghiệp trong nền kinh tế và các yếu tố liên quan khác làm cơ sở xác định mức lương tối thiểu.

 

* Tienphong.vn (29/3): Xăng vượt 19.000 đồng/lít, giá dầu giảm

Liên bộ Công Thương – Tài chính quyết định điều chỉnh tăng nhẹ giá bán lẻ các mặt hàng xăng và giảm giá bán lẻ các mặt hàng dầu từ 15h ngày hôm nay.

Trong kỳ điều hành giá lần này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục chi Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với tất cả các loại xăng dầu.

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Qũy BOG giá xăng dầu, giá bán lẻ xăng E5RON92 không cao hơn 17.851 đồng/lít (tăng 129 đồng/lít); xăng RON95-III không cao hơn 19.046 đồng/lít (tăng 165 đồng/lít).

Cùng với tăng giá bán lẻ mặt hàng xăng, cơ quan quản lý thông báo giá bán lẻ mặt hàng dầu diesel 0.05S không cao hơn 14.243 đồng/lít (giảm 158 đồng/lít); dầu hỏa không cao hơn 13.004 đồng/lít (giảm 169 đồng/lít); dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.757 đồng/kg (giảm 12 đồng/kg).

Theo Bộ Công Thương nếu không tiếp tục chi Quỹ BOG, giá các loại xăng dầu sẽ tăng so với giá hiện hành khoảng 331-2.029 đồng/lít/kg.

 

* Cafef.vn (30/3): Bắc Ninh được Chính phủ phê duyệt thêm dự án khu công nghiệp 2.800 tỷ

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 451/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Quế Võ III - phân khu 2.

Theo đó, Chính phủ đầu tư 2.779,486 tỷ đồng cho Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Quế Võ III - phân khu 2, trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư là 430 tỷ đồng. Quy mô sử dụng đất của Dự án là 208,54 ha tại xã Việt Hùng, xã Phù Lương và xã Quế Tân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm triển khai Dự án phù hợp với các quy định của pháp luật. Mặt khác, UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo Ban quản lý khu công nghiệp Bắc Ninh và các cơ quan liên quan giám sát, đánh giá việc triển khai Dự án; cũng như phối hợp cùng Nhà đầu tư triển khai việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 347/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gia Bình II, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Theo đó, Chính phủ dự kiến đầu tư 3.956,8 tỷ đồng cho Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gia Bình II, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh; trong đó có 1.201,2 tỷ đồng là vốn góp của Nhà đầu tư. Dự án sẽ được thực hiện trên 250ha đất tại xã Nhân Thắng, xã Thái Bảo, xã Bình Dương, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh và được thực hiện trong vòng 50 năm, kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư.

 

* Cafef.vn (30/3): Bán nhà, vay nợ để “lướt sóng” lan đột biến

Gần đây, nhiều thương vụ bạc tỷ về lan đột biến tràn lan trên mạng xã hội, từ đây nhen lên cơ hội làm giàu cho nhiều người, dù sự kiểm chứng về độ thực hư chưa có cơ sở.

Nếu 2 năm trước, thị trấn Đại Đình có khoảng 200 hộ trồng lan, tập trung nhiều ở khu chân núi Tam Đảo và khu danh thắng Tây Thiên, thì từ giữa năm 2020 đến nay, số lượng nhà vườn tăng lên khoảng 400 hộ trồng lan chuyên nghiệp. Số lượng người tham gia kinh doanh lan cũng chiếm đến khoảng 60% dân số vùng

Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, việc người dân ồ ạt kinh doanh lan đột biến đứng trước nhiều rủi ro.

Mặc dù công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phát đi những khuyến cáo, cán bộ địa phương cũng đã gửi cảnh báo đến từng hộ dân, nhưng nhiều người dân vẫn ôm giấc mộng đổi đời, với tư duy đầu tư cao sẽ cho lợi nhuận lớn, từ những cuộc chơi tao nhã đến những cuộc chơi may rủi.

 

* 24h.com.vn (30/3): BIDV tiên phong kết nối thành công dịch vụ thanh toán QR Code với Thái Lan

Ngày 26/3/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức công bố việc kết nối thanh toán bán lẻ sử dụng mã QR giữa Việt Nam và Thái Lan. Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trở thành một trong những ngân hàng đi đầu sở hữu công nghệ tài chính kết nối dịch vụ chấp nhận thanh toán qua mã QR, cung cấp dịch vụ thanh toán xuyên biên giới cho khách hàng Thái Lan tại Việt Nam.

Theo đó, khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại hơn 2000 điểm chấp nhận thanh toán, du khách Thái Lan có thể sử dụng điện thoại di động và thanh toán bằng cách quét mã QR qua ứng dụng ngân hàng của Thái Lan mà không cần dùng đến thẻ hay tiền mặt.

Việc kết nối dịch vụ chấp nhận thanh toán QR BIDV thành công cho khách hàng Thái Lan một lần nữa khẳng định bước đi mạnh mẽ của BIDV trên nỗ lực chuyển đổi số, sẵn sàng cho việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đem đến những trải nghiệm ưu việt cho khách hàng trong và ngoài nước.

NGÂN SÁCH

* Vneconomy.vn (29/3): Ngân sách ước bội thu 55,9 nghìn tỷ đồng trong quý 1

Tổng thu ngân sách ước đạt 320,1 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng chi ước đạt 264,2 nghìn tỷ đồng...

Dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước trở lại bình thường như thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu đã tác động tích cực đến thu, chi ngân sách Nhà nước.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2021 ước tính đạt 320,1 nghìn tỷ đồng, bằng 23,8% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt 269 nghìn tỷ đồng, bằng 23,7%; thu từ dầu thô 6,5 nghìn tỷ đồng, bằng 28%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 44,1 nghìn tỷ đồng, bằng 24,7%.

Được biết, mặc dù xác định nguồn thu ngân sách Nhà nước năm 2021 sẽ gặp khó khăn nhưng Bộ Tài chính vẫn dự kiến duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn, miễn giảm các mức thu của nhiều khoản thuế, phí, lệ phí...

Quay lại báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2021 ước tính đạt 264,2 nghìn tỷ đồng, bằng 15,7% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên đạt 196,8 nghìn tỷ đồng, bằng 19%; chi đầu tư phát triển 39,1 nghìn tỷ đồng, bằng 8,2%; chi trả nợ lãi 27,9 nghìn tỷ đồng, bằng 25,4%.

Như vậy, tính từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2021, ngân sách Nhà nước ước bội thu 55,9 nghìn tỷ đồng.

 

* Tienphong.vn (29/3): Hà Nội chi 522 tỷ đồng ngân sách phục vụ bầu cử

Chiều 29/3, tại kỳ họp thứ 19 HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua quyết nghị về nội dung, mức chi và thời gian hỗ trợ kinh phí phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Nguồn kinh phí thực hiện là ngân sách Nhà nước, với mức dự kiến là 522 tỷ đồng.

Theo Thường trực HĐND thành phố, đây là nội dung quan trọng và cấp thiết, thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND để đảm bảo kịp thời phục vụ tốt nhất công tác bầu cử.

Nội dung chi, mức chi được xây dựng trên cơ sở nội dung chi, mức chi của Trung ương quy định tại Thông tư số 102 của Bộ Tài chính; đối với các nội dung chi đã được quy định mức chi tại các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương như tổ chức hội nghị, xây dựng văn bản thì thực hiện theo các thủ tục chi đã được quy định tại các văn bản của Trung ương và Nghị quyết của HĐND thành phố.

 

* Bnews.vn (28/3): Điều chỉnh dự toán phải trước ngày 15/11

Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về thực hiện điều chỉnh dự toán đơn vị sử dụng ngân sách. 

Thời gian điều chỉnh dự toán phải hoàn thành trước ngày 15/11 năm hiện hành, đồng thời gửi cơ quan tài chính cùng cấp để kiểm tra và điều chỉnh trên hệ thống Tabmis theo quy định.

Theo đó, trường hợp đơn vị dự toán cấp I được cấp có thẩm quyền giao bổ sung dự toán để thực hiện nhiệm vụ phát sinh, chậm nhất 10 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được quyết định giao bổ sung dự toán), đơn vị dự toán cấp I phải hoàn thành việc phân bổ và giao dự toán theo quy định tại Điều 49, Điều 50 Luật Ngân sách nhà nước.

Trường hợp có yêu cầu điều chỉnh dự toán giữa các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc mà không làm thay đổi tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi được giao, đơn vị dự toán cấp I có trách nhiệm xem xét sự cần thiết, căn cứ điều chỉnh, kiểm tra số dư dự toán của các đơn vị sử dụng ngân sách có liên quan, quyết định điều chỉnh dự toán.

Đồng thời gửi cơ quan tài chính cùng cấp để kiểm tra theo quy định và thực hiện điều chỉnh dự toán trên hệ thống Tabmis, đồng gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch làm căn cứ kiểm soát chi, thanh toán.

Trường hợp cơ quan tài chính kiểm tra, không thống nhất với việc điều chỉnh của đơn vị dự toán cấp I hoặc kiểm tra không còn đủ số dư dự toán để điều chỉnh, thì thông báo cho đơn vị dự toán cấp I để điều chỉnh lại.
Trong trường hợp các bộ, cơ quan trung ương điều chỉnh dự toán từ kinh phí không thực hiện chế độ tự chủ sang kinh phí thực hiện chế độ tự chủ, kinh phí không thường xuyên sang kinh phí thường xuyên, kinh phí chi bằng nội tệ sang chi bằng ngoại tệ..., cần phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan tài chính cùng cấp.

Quy định này để đảm bảo việc phân bổ kinh phí thực hiện được các nhiệm vụ được giao trước khi ban hành quyết định điều chỉnh dự toán. Thời hạn đơn vị gửi cơ quan tài chính đề nghị điều chỉnh dự toán chậm nhất trước ngày 30/10 năm hiện hành.

 

QUY HOẠCH

* Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống

Ông Vương Đình Huệ cũng nêu 3 việc lớn của Hà Nội và mong muốn Đảng, nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Trong đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thỏa thuận quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống để phê duyệt trong tháng 6.2021. Qua đó giúp Thủ đô đạt 100% tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị.

 

* Vneconomy.vn (29/3): Thủ tướng duyệt quy hoạch phát triển Hải Dương thành tỉnh công nghiệp hiện đại

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Quy hoạch tỉnh Hải Dương được thiết kế nhằm phát huy tối đa các tiềm năng riêng có, thế mạnh khác biệt và nổi trội để phát triển tỉnh Hải Dương thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế lớn, hướng tới trực thuộc trung ương.

Quy hoạch đặt mục tiêu Hải Dương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao; công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được đảm bảo và quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Nội dung quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ. 

 

 

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

* Dantri.com.vn (29/3): Tắc kênh đào Suez có thể gây áp lực lên lạm phát của Việt Nam?

Giá dầu tăng khi kênh đào Suez huyết mạch bị tắc nghẽn do sự cố, sự phục hồi kinh tế toàn cầu là một trong những nguyên nhân khách quan gây áp lực lạm phát của Việt Nam năm 2021.

Tổng cục Thống kê chỉ ra hàng loạt yếu tố có thể xem là áp lực dẫn đến lạm phát cao năm 2021, trong đó có giá dầu, sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, các gói kích thích kinh tế của các cường quốc.

Ngày 29/3, Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng trong 3 tháng đầu năm 2021 tăng 0,29%, là mức thấp nhất trong 20 năm qua. Tuy nhiên, áp lực lạm phát năm 2021 vẫn rất lớn, tiềm ẩn rủi ro do cầu kéo và lực đẩy đang có sẵn.

Cụ thể, lực đẩy lạm phát do nền kinh tế bắt đầu phục hồi hậu Covid-19 do Việt Nam cùng nhiều nước có vắc xin. Giá xăng dầu đang tăng cao, bình quân quý I/2021 giá xăng tăng 11% so với tháng 12/2020.

Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới đang biến động tăng do các nước OPEC vẫn chưa điều chỉnh sản lượng, các kế hoạch khai thác, sản xuất dầu thô trong điều kiện nền kinh tế hồi phục hậu Covid-19.

Đáng quan ngại hơn, việc tàu chở container mắc kẹt tại kênh đào Suez đe dọa gây giá dầu thế giới tăng cao cùng với hàng loạt chuyến hàng xuất, nhập khẩu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam bị đình hoãn, tăng chi phí, đền bù hợp đồng.

Ngoài giá dầu, đại diện Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, việc Mỹ triển khai gói cứu trợ lên tới 1.900 tỷ USD là đợt bơm tiền kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này. Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bên cạnh giữ nguyên lãi suất cơ bản cũng tranh thủ mua trái phiếu kích thích tăng trưởng. Đây là nguy cơ khiến lạm phát có thể phát sinh.

Trong khi đó, để hồi phục kinh tế hậu Covid-19, các cường quốc đã và đang lên kế hoạch thực hiện biện pháp nới lỏng tiền tệ, gây áp lực đến lạm phát, hoặc xuất khẩu lạm phát sang nước thứ 3 qua tài trợ vốn, đầu tư tư bản sang các nước nhận vốn đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê cho biết, gói kích cầu 1.900 tỷ USD của Mỹ gây áp lực rất lớn không chỉ giá xăng dầu, chi phí đi lại, vận chuyển mà còn tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu của kinh tế toàn cầu. "Tại Việt Nam, áp lực lạm phát lớn nhất là giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới", bà nói.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng vì đời sống người dân, các cơ quan chức năng cần cân đối xem xét hài hòa việc tăng giá thế nào cho hợp lý để tránh tác động đến lạm phát, đồng thời đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, tránh tác động lớn đến đời sống người dân, doanh nghiệp.

 

* Laodong.vn (29/3): Dân xin ra khỏi hộ nghèo, địa phương vẫn phải “dựa hơi” ngân sách

Trong khi nhiều người dân đã tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo thì vẫn còn đến gần 50 địa phương vẫn chưa cân đối được thu-chi và phải trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến năm 2020, đã có 30/63 địa phương có quy mô thu ngân sách nhà nước trên 10 nghìn tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2016 (15 địa phương). Đồng thời, số địa phương có quy mô thu dưới 5 nghìn tỉ đồng giảm hơn 1 nửa, từ 37 địa phương năm 2016 xuống còn 16 địa phương năm 2020.

Nỗ lực cải thiện ấy chưa đủ, bởi nhu cầu đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội trong những lĩnh vực nhà nước phải gánh đòi hỏi những khoản tiền lớn từ ngân sách. Luôn có những thách thức lớn từ thiên tai, môi trường, dịch bệnh cần sự ra tay của nhà nước. Khi ví von về những thách thức nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng nói: “Đầu nhiệm kỳ là Formosa và cuối nhiệm kỳ là Corona”.

Các địa phương phải chung khát vọng vươn lên, không những tự trang trải mà còn phải điều tiết về ngân sách để giảm gánh nặng cho nhà nước, để nhà nước có thêm nguồn lực để phát triển.

Đã đến lúc cần có những “lá đơn xin thoát nghèo” từ các địa phương. Nó là câu chuyện phát triển doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư hay chuyển hướng chiến lược kinh tế địa phương.

Câu chuyện Quảng Ninh, Đà Nẵng… đang tìm cách chuyển hướng để không còn quá phụ thuộc vào du lịch mà tạo cơ chế đón sóng công nghệ cao, phát triển chế biến, chế tạo là những ví dụ tích cực về sự chuyển đổi để vượt qua khó khăn từ dịch COVID-19.

Không lẽ địa phương cứ mãi “dựa hơi”, trông chờ để “xin” những khoản hỗ trợ từ ngân sách, trong khi đã có rất nhiều người dân như cụ Mơ sẵn sàng làm đơn xin thoát nghèo!

 

QUẢN LÝ

* Vietnamnet.vn (28/3): Đề nghị đổi tên Bộ Xây dựng thành Bộ Xây dựng phát triển đô thị và nhà ở

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vừa qua Chính phủ đề nghị Văn phòng Trung ương nên đổi tên Bộ Xây dựng thành Bộ Xây dựng phát triển đô thị và nhà ở. 

Thông tin này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào sáng 28/3.

Tiếp tục nghiên cứu Luật Đặc khu

Cụ thể, về kết cấu hạ tầng, người đứng đầu Chính phủ cho biết, kế hoạch trung hạn 2021- 2025, tổng mức đầu tư công là 2,75 triệu tỉ. Chúng ta có 336 dự án PPP (đối tác công tư) ký hợp đồng, huy động trên 1,8 triệu tỉ và tiếp tục thúc đẩy PPP.

Ngoài ra, Chính phủ tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, nhất là giao thông, năng lượng và hạ tầng số. Phấn đấu 2030 có 5.000 km cao tốc, các sân bay trọng điểm lớn đều đầu tư hiện đại.

Người đứng đầu Chính phủ cũng thông tin thêm, trong làm việc giữa Quốc hội và Thủ tướng đã thống nhất làm tuyến ven biển từ Nam - Bắc bao gồm cả miền Đông, miền Tây Nam Bộ.

Về phát triển kinh tế vùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, cần xây dựng quy hoạch tổ chức không gian hợp lý, phát huy lợi thế mỗi vùng, địa phương. "Chúng ta mỗi vùng, mỗi địa phương mỗi vẻ 10 phân vẹn mười. Đều có lợi thế, đều có đặc sản", Thủ tướng chia sẻ.

 

* Daidoanket.vn (29/3): TP Hồ Chí Minh: Gần 2.000 người được hỗ trợ việc làm

Chiều 28/3, Trung tâm Giới thiệu việc làm TP HCM cho biết, tổng kết phiên giao dịch việc làm tháng 3/2021 đã có 1.512 người được hỗ trợ tìm việc làm.

Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều bao gồm: Bán hàng - nhân viên kinh doanh, dệt may - da giày, quản lý nhân sự, quản trị kinh doanh, Marketting, nhân viên văn phòng, tư vấn - dịch vụ khách hàng, tài chính - kế toán, điện tử - điện công nghiệp - cơ điện, cơ khí, bảo vệ, lao động phổ thông,…

Phiên giao dịch việc làm Thành phố lần này có sự tham gia tuyển dụng của 48 doanh nghiệp, thu hút 3.937 lượt người tìm việc. Trong đó có 2.744 lượt người có nhu cầu đến đăng ký tìm việc làm trực tiếp tài sản giao dịch, số còn lại đăng ký tìm việc trên các trang thông tin tìm kiếm việc làm của Thành phố. Bên cạnh tìm việc làm, người lao động còn được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, hướng dẫn thủ tục đăng ký hồ sơ xin việc, tư vấn pháp luật lao động miễn phí.

 

* Laodong.vn (29/3): Quảng Bình chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 cho hơn 20.500 người

Ngày 29.3 UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, dự kiến thời gian triển khai tiêm vaccine COVID-19 đợt 1 cho 20.520 người vào quý 1 và quý 2 năm 2021.

Theo quyết định phê duyệt kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022, sẽ triển khai tiêm trên phạm vi toàn tỉnh.

Kế hoạch tiêm đợt 1 sẽ ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng cần tiêm vaccine phòng COVID-19 là các lực lượng tuyến đầu chống dịch gồm 20.520 người, thời gian vào quý 1 và quý 2 năm 2021; các đợt tiêm chủng tiếp theo sẽ triển khai căn cứ theo tiến độ cung ứng vắc xin thực tế và hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

* Congly.vn (29/3): Hải Dương kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 từ 0 giờ ngày 1/4

Sáng 29/3, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương quyết định, từ 0h ngày 1/4, toàn tỉnh kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới, vừa tích cực, chủ động phòng chống dịch, vừa khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép...

Tỉnh ủy Hải Dương quyết định sẽ kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 để khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”. Tuy nhiên, các dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh như quán bar, vũ trường, karaoke, massage, gym, rạp chiếu phim, quán game tiếp tục tạm dừng hoạt động cho đến ngày 15/4.

Đối với nhà hàng, quán ăn, quán cà phê được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Các quán bia vỉa hè tạm thời chưa được phép hoạt động.

Cũng từ 1/4, học sinh tất cả các cấp học tại các địa phương của tỉnh Hải Dương sẽ trở lại trường học trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh.

 

* Thoibaotaichinhvietnam.vn (30/3): Hưng Yên: Bêu tên hơn 700 doanh nghiệp nợ thuế

Cục Thuế Hưng Yên vừa thực hiện công khai thông tin 721 doanh nghiệp còn nợ đọng thuế, với tổng số tiền nợ trên 619,9 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp nợ thuế nêu trên đã được khoanh nợ thuế.

Đại diện Cục Thuế Hưng Yên cho biết, ngoài việc thường xuyên công khai thông tin các DN chây ỳ, không chấp hành pháp luật thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, cục thuế còn chuyển danh sách các DN chây ỳ tiền thuế để kiến nghị đưa vào kế hoạch thanh tra của năm 2021; đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi dự án đối với những đơn vị nợ đọng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất kéo dài./.

 

* Congly.vn (28/3): Bộ Công an bổ nhiệm 2 Cục trưởng mới

Thiếu tướng Tô Văn Huệ và Đại tá Phạm Công Nguyên vừa nhận quyết định bổ nhiệm Cục trưởng tại 2 Cục: Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quý Vương chúc mừng, ghi nhận quá trình công tác, cống hiến, phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân của Thiếu tướng Tô Văn Huệ và Đại tá Phạm Công Nguyên đồng thời mong muốn trên cương vị mới, 2 đồng chí tiếp tục phát huy năng lực, sở trường và kinh nghiệm công tác, cùng Đảng ủy, lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

* Vietnamnet.vn (29/3): Đà Nẵng giảm giá đất, tạo điều kiện cho nhà đầu tư

Sáng nay (29/3), UBND TP Đà Nẵng đã công bố quyết định điều chỉnh bảng giá đất chu kỳ 2020-2024.

Theo đó, quyết định điều chỉnh tỉ lệ % giá đất thương mại dịch vụ (TMDV) và sản xuất kinh doanh (SXD) so với giá đất ở cùng vị trí.

Cụ thể, giá đất TMDV điều chỉnh từ 80% thành 70% ; giá đất SXKD điều chỉnh từ 60% thành 50% (cùng giảm 10% so với hiện nay).

Việc quy định giá đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh (chỉ áp dụng cho bãi giữ xe) thời hạn 70 năm bằng 35% so với giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là giá đất TMDV cùng vị trí sẽ tạo điều kiện thu hút được các nhà đầu tư quan tâm, tham gia đầu tư vào các công trình công cộng (bãi xe), đồng thời đảm bảo hài hòa giữa lợi ích nhà nước và quyền lợi các nhà đầu tư.

 

* Vnexpress.net: (30/3): Cho phép dùng số định danh cá nhân khi làm thủ tục nhà đất

Số định danh cá nhân được sử dụng thay thế cho các giấy tờ liên quan đến nhân thân khi thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Nội dung này được nêu trong nghị định 30/2021 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở, có hiệu lực từ ngày 26/3.

Theo đó, người dân đã được cấp số định danh cá nhân sẽ không cần sử dụng bản sao giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu và các giấy tờ chứng thực cá nhân khác, khi làm thủ tục liên quan đến nhà đất.

Tuy nhiên, việc sử dụng số định danh cá nhân như trên chỉ thực hiện được khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành.

Theo đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được khai trương cuối tháng 2, bước đầu đã kết nối với một số bộ, ban ngành, địa phương. Tuy nhiên đến 1/7, cơ sở dữ liệu này mới hoàn thiện ở giai đoạn hai, kết nối với dự án căn cước công dân và một số dữ liệu chuyên ngành khác.

 

* Chinhphu.vn (30/3): Quảng Ninh kỳ vọng đón 6 triệu lượt du khách trong mùa hè

Sau khi du lịch nội địa trong tỉnh được mở cửa trở lại từ ngày 11/3, các khu nghỉ dưỡng, địa điểm vui chơi đã khởi động việc đón khách trong dịp hè này.

Theo thường lệ, khoảng thời gian trong quý II và quý III hằng năm là dịp cao điểm du lịch mùa hè, vì vậy, các địa phương, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Quảng Ninh đã chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn cùng với việc thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo tiêu chí du lịch an toàn.

Báo Quảng Ninh cho hay hiện tại, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là các cơ sở lưu trú trên địa bàn các huyện Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, TP. Móng Cái, TP. Hạ Long… đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

* Chinhphu.vn (26/3): Hỗ trợ các địa phương chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh

Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) đang hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa, sắp tới là Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An trong chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh.

Theo Tổng cục Du lịch, chuyển đổi số ngành du lịch vừa là yêu cầu vừa là giải pháp đột phá để tạo thuận lợi thu hút du khách và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang có kế hoạch triển khai dự án Trung tâm điều hành du lịch thông minh với nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại, dễ dàng kết nối với du khách.

Tại buổi làm việc, đại diện Tổng Công ty Viễn thông Mobifone - nhà cung cấp sản phẩm du lịch thông minh, đã giới thiệu tổng quan về nền tảng du lịch thông minh với công nghệ Smart travel platform làm chủ đạo.

Cụ thể, tính năng quan trọng nhất của Smart travel platform là tạo dựng và đưa vào ứng dụng sản phẩm du lịch AR - trải nghiệm thực tế tăng cường và du lịch VR 360 - du lịch qua màn ảnh.

Các sản phẩm này sẽ hỗ trợ tối đa cho khách du lịch trong việc thu thập thông tin, tìm địa điểm du lịch, chỉ dẫn thông tin điểm du lịch (thông qua tour du lịch ảo và thực tế tăng cường, bình luận và đánh giá địa điểm, gợi ý điểm đến du lịch), tham quan điểm du lịch bằng AR (hotspot xung quanh, dẫn đường), tham quan điểm du lịch bằng AR (nhận diện và chỉ dẫn hiện vật), tour tham quan bằng VR 360, điểm cung cấp dịch vụ.

 

* Luatvietnam.cn (29/3): Năm 2022, chỉ phải chờ đến 30 phút/lần giao dịch tại Một cửa

Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021.

Theo đó, mục tiêu tổng quát đặt ra tại Quyết định này là đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc địa giới hành chính, gắn với số hóa… nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số, nền kinh tế số, xã hội số…

Đến 2025, thời gian người dân, doanh nghiệp phải chờ đợi giảm xuống trung bình còn tối đa 15 phút/lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/hồ sơ thông qua các biện pháp:

- Cắt giảm các thủ tục hoặc các bước kiểm tra, xác nhận thông tin khi đã có thông tin, dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công;

- Đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ phải nộp và tiếp nhận trên cơ sở tái sử dụng các hồ sơ, giấy tờ đã được số hóa trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công.

Đồng thời, tối thiểu 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó. Đến năm 2023-2025, mục tiêu này tăng lên 80%.

Đặc biệt, đến năm 2025, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95%.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

* Bnews.vn (28/3): Lâm Đồng xử phạt doanh nghiệp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai

Tại Quyết định số 598/QĐ-XPVPHC ngày 22/3/2021, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt hành chính số tiền 28 triệu đồng đối với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (trụ sở chính tại số 5, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) do có vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh.

Theo quyết định trên, đơn vị này đã vi phạm trong việc thực hiện chuyển trên 700m2 đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại số 103, đường Lê Hồng Phong, thành phố Bảo Lộc và tại số 1 đường Lê Đại Hành, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) sang đất thương mại, dịch vụ. Hành vi này quy định tại điểm a, khoản 3 và khoản 4, Điều 12 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời, doanh nghiệp đã sử dụng 1.330m2 đất tại lô C, đường Hồ Tùng Mậu, Phường 1, thành phố Bảo Lộc khi chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, thuê đất.

Ngoài bị phạt tiền, đơn vị bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, gồm: buộc sử dụng đất đúng mục đích được giao, thuê; buộc tiếp tục thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất đối với 1.330m2 đất tại lô C, đường Hồ Tùng Mậu, Phường 1, thành phố Bảo Lộc. Cũng theo Quyết định số 598, trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định xử phạt, doanh nghiệp vi phạm phải nộp số tiền phạt trên; nếu không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật./.

 

* Vov.vn (29/3): Thanh Hoá kiến nghị “hình sự hoá" vấn đề nợ đọng bảo hiểm

Tính đến hết tháng 2/2021, tỉnh Thanh Hoá có 1.609 đơn vị nợ bảo hiểm với tổng số tiền 349 tỷ đồng.

Trong số 1.609 đơn vị nợ bảo hiểm (chiếm 16% số đơn vị tham gia bảo hiểm) có 337 doanh nghiệp nợ khó thu (mất tích, phá sản, giải thể, ngừng hoạt động…). Một số doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường hoạt động kém hiệu quả dẫn đến nợ kéo dài như Công ty HanCorp.2 nợ 34 tỷ đồng; công ty cổ phần Lilama5 nợ 13 tỷ đồng; công ty cổ phần Licogi nợ 9,9 tỷ đồng; công ty cổ phần xây dựng số 5 nợ 12 tỷ đồng

Về nguyên nhân nợ bảo hiểm xã hội, ông Lê Bá Hội, Trưởng phòng thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hoá cho biết, có trường hợp doanh nghiệp khó khăn thật sự, nhưng cũng không ít doanh nghiệp chây ì. Cơ quan bảo hiểm đã chuyển 41 hồ sơ các đơn vị nợ bảo hiểm sang Liên đoàn lao động tỉnh và Cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm, nhưng chưa xử lý được đơn vị nào.

 

* Tienphong.vn (29/3): Dùng bằng giả, phó chủ tịch xã bị cho thôi việc

Sáng 29/3, thông tin từ Huyện ủy Quảng Điền (tỉnh TT-Huế) cho biết, 2 cán bộ lãnh đạo chính quyền và đoàn thể tại xã Quảng Thành vừa bị xử lý kỷ luật do hành vi dùng bằng giả gồm: ông Đào Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND xã và ông Ngô Hợp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thành.

Trước đó, cơ quan chức năng huyện Quảng Điền nhận được phản ánh về việc một số cán bộ xã Quảng Thành có hành vi sử dụng bằng giả trong quá trình công tác tại địa phương.

Sau khi nhận thông tin phản ánh, Huyện ủy Quảng Điền đã chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ. Kết quả xác minh cho thấy, hai ông Cường và Hợp đã dùng bằng trung học phổ thông được làm giả khi làm việc tại địa phương.

Sau khi có kết quả xác minh, hai cán bộ này đã bị kỷ luật, bị cách hết các chức vụ về mặt Đảng và chính quyền, cũng như bị cho thôi việc.

 

* Laodong.vn (28/3): Bắt giữ gần 3 tấn gỗ trắc không rõ nguồn gốc

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa bắt giữ gần 3 tấn gỗ trắc và 2 tấm phản gỗ không rõ nguồn gốc.

Sáng 28.3, Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh - Đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát giao thông 6.1 thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vào khoảng 20h30 tối 27.3, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh, đơn vị phát hiện xe ôtô mang biển kiểm soát 29H – 41485 có biểu hiện nghi vấn nên dừng kiểm tra.

Qua kiểm tra, phát hiện trên xe chở gần 3 tấn gỗ trắc và 2 tấm phản gỗ. Khi hỏi về giấy tờ liên quan đến số gỗ nói trên, lái xe Nông Thanh Thân (26 tuổi, trú xã Phương Giao, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) không xuất trình được giấy tờ gì.

Theo tài xế Thân, số gỗ trên anh nhận vận chuyển thuê với số tiền 18 triệu đồng cho một chủ hàng quen biết qua mạng từ Gia Lai ra Hà Nội.

Vụ việc, tổ công tác đã lập biên bản, tạm giữ tang vật cùng phương tiện bàn giao cho Phòng Cảnh sát kinh tế điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 * Zingnews.vn (30/3): Phú Quốc sẽ cưỡng chế hàng loạt nhà xây trái phép

Ngày 29/3, UBND xã Gành Dầu, TP Phú Quốc (Kiên Giang) lập các thủ tục cần thiết để trình cấp trên phê duyệt kế hoạch cưỡng chế 7 hộ có công trình xây dựng và cây trồng trên đất ranh rừng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc. Đây là đất được các hộ dân bao chiếm trái phép hoặc mua “đất chỉ” (không giấy tờ) thuộc Nhà nước quản lý rồi xây nhà ở tại ấp Chuồng Vích và ấp Gành Dầu của xã Gành Dầu.

Ông Huỳnh Văn Định, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Gành Dầu cho biết quyết định cưỡng chế các hộ dân đã có nhưng chưa có lịch để thực hiện vì phải chờ UBND tỉnh Kiên Giang đồng ý. Theo ông Định, khu vực này có khoảng 40-50 căn nhà xây dựng trái phép sẽ được cưỡng chế hết nhằm lập lại kỷ cương trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng

Trong một năm qua, cơ quan chức năng đã phát hiện 565 vụ vi phạm về lấn chiếm đất đai và xây dựng trái phép. Trong đó, vi phạm về lấn chiếm đất đai là 308 vụ (trên diện tích 1,1 triệu m2). UBND huyện Phú Quốc đã ký 143 quyết định xử lý vi phạm.

Về xây dựng, huyện đảo phát hiện 257 vụ vi phạm (63.000 m2), xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả 197 trường hợp.

 

* Dantri.com.vn (27/3): Dính nhiều sai phạm, Bí thư Đảng ủy xã bị cách hết chức vụ trong Đảng

Ngày 27/3, tin từ UBND huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa xác nhận, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lộc vừa ra quyết định thi hành kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Vũ Đình Viên, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Quang.

Ngoài ông Viên còn có 6 cán bộ có liên quan tới sai phạm trong công tác quản lý, lãnh đạo điều hành xảy ra tại xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc) cũng bị kỷ luật.

Theo quyết định của Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lộc, trong thời gian đương chức Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long (nhiệm kỳ 2015-2020), ông Viên đã liên quan, chịu trách nhiệm trực tiếp tới 10 vấn đề sai phạm của địa phương này.

Cụ thể, ông Viên đã tự ý họp các hộ trúng đấu giá đất trong năm 2018, yêu cầu đóng góp xây dựng nông thôn mới nhưng không đưa vào ngân sách Nhà nước mà chi vào việc khác; tự ý quyết định chi hỗ trợ cho các hộ có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi ở thôn Đông Môn (năm 2017 - 2018) trái quy định; vi phạm trong mua sắm tài sản công (bàn ghế, tăng âm…); sử dụng kinh phí hỗ trợ dự án phát triển rau má không đúng; lập hồ sơ khống để nghiệm thu... gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

 

THẾ GIỚI

* Bnews.vn (29/3): Nhật Bản sẽ thu hồi đất hiếm từ nước ngoài để tái chế trong nước

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định chủ trương xây dựng cơ sở tái chế đất hiếm được thu hồi từ nước ngoài với mục tiêu cấu trúc chuỗi cung ứng bền vững trước dự báo nguồn cung đất hiếm ngày càng khó khăn khi xu hướng xe điện (EV) trở nên phổ biến trên thế giới.

Theo kế hoạch này, Chính phủ Nhật Bản sẽ khuyến khích các công ty đang triển khai hoạt động trong lĩnh vực phi kim loại như JX Nippon Mining & Metals Corporation, Mitsubishi Materials, Sumitomo Metal Mining Sumitomo… thu hồi đất hiếm từ nước ngoài để tái chế và sử dụng trong nước.

Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ kinh phí nghiên cứu phát triển kỹ thuật tái chế trong trong giai đoạn thử nghiệm kiểm chứng, ngoài ra, đối với những công nghệ được xác định là có triển vọng, Chính phủ Nhật Bản cũng hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất để chính thức đưa kỹ thuật triển khai trên thực tế.
Nguồn đất hiếm được thu hồi từ nước ngoài chủ yếu được lấy từ pin tích điện hết hạn sử dụng. Sau quá trình tái chế, đất hiếm có thể được xuất khẩu sang các nước phát triển như châu Âu.

Các quốc gia sản xuất đất hiếm chủ yếu tập trung tại khu vực châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Nguồn đất hiếm tại Nhật Bản chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, trong đó, khoảng 60% là từ Trung Quốc./.

 

* Bnews.vn (29/3): Các tổ chức quốc tế kêu gọi đảm bảo lưu thông thương mại toàn cầu

Các tổ chức quốc tế cho rằng cộng đồng thương mại toàn cầu phải nhanh chóng hành động để giảm thiểu tác động của khủng hoảng COVID-19 đối với các nước đang phát triển và các nước kém phát triển.

Trong Phiên thảo luận cấp cao khai mạc Sự kiện Hỗ trợ thương mại 2021 mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cùng với lãnh đạo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ cho chu chuyển thương mại toàn cầu lưu thông để đảm bảo rằng các nước đang phát triển và kém phát triển nhất được tiếp cận với các mặt hàng y tế thiết yếu để kiểm soát sự lây lan của COVID-19 và có thể tận dụng thương mại để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế bền vững. 

Lãnh đạo các tổ chức quốc tế nói trên cho rằng cộng đồng thương mại toàn cầu phải nhanh chóng hành động để giảm thiểu tác động nghiêm trọng của khủng hoảng COVID-19 đối với các nước đang phát triển và đặc biệt là các nước kém phát triển nhất (LDC) do các nước này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự gián đoạn thương mại và kinh tế phát sinh từ đại dịch.

Từ việc cung cấp các sản phẩm y tế như khẩu trang cho đến việc phê duyệt và sản xuất vaccine, hệ thống thương mại đa phương đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phục hồi kinh tế và thương mại sau đại dịch.

 

* Laodong.vn (29/3): Venezuela đổi dầu mỏ lấy vaccine COVID-19

Sputnik đưa tin, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đồng ý dùng dầu mỏ để thanh toán với các nước sản xuất vaccine COVID-19, trong khi các nhà ngoại giao của nước này đang cố gắng đảm bảo thanh toán số vaccine được cung cấp theo chương trình COVAX bằng tiền lấy từ các tài khoản đang bị phong tỏa của chính phủ Venezuela.

Theo ông Maduro, Venezuela đang thực hiện các biện pháp pháp lý và tư pháp để giải tỏa các khoản tiền bị đóng băng trong các tài khoản công mở tại các quốc gia khác do bị áp đặt trừng phạt, để thanh toán tiền vaccine được cung cấp theo cơ chế quốc tế COVAX, mặc dù theo cơ chế này Venezuela có thể chỉ nhận được 20% số lượng vaccine cần thiết.

Tổng thống Maduro gọi kế hoạch thanh toán bằng dầu mỏ là biện pháp thứ hai để cung cấp vaccine cho toàn dân, nhấn mạnh rằng Venezuela đã sẵn sàng tiến hành phương thức thanh toán này, nhưng sẽ không yêu cầu bất kỳ ai.

 

* Baotintuc.vn (30/3): Lãnh đạo 23 nước kêu gọi lập hiệp ước toàn cầu về ngăn chặn đại dịch

Lãnh đạo 23 quốc gia cùng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 29/3 đã nhất trí ủng hộ thiết lập một hiệp ước toàn cầu giúp thế giới giải quyết các tình huống y tế khẩn cấp, ví dụ như đại dịch COVID-19 hiện nay.

Ý tưởng về một hiệp ước như vậy từng được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11 năm ngoái. Một thỏa thuận kiểu này sẽ giúp bảo đảm quyền tiếp cận toàn diện và công bằng đối với vaccine, thuốc chữa bệnh, chẩn đoán bệnh khi thế giới đối diện với đại dịch. 

Đến ngày 29/3, ý tưởng này chính thức nhận được sự ủng hộ của WHO cùng lãnh đạo 23 quốc gia, gồm: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha, Fiji, Rwanda, Kenya, Hy Lạp, Chile, Costa Rica, Albania, Nam Phi, Trinidad và Tobago, Tunisia, Senegal, Na Uy, Serbia, Indonesia, Ukraine. 

Trong bài viết đứng tên chung được đăng tải trên nhiều tờ báo lớn, 23 nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi sự ủng hộ quốc tế đối với hiệp ước đề xuất, một văn bản hướng đến việc kêu gọi các thành viên trong cộng đồng quốc tế chung tay hợp tác để giải quyết các trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu có thể xảy ra trong tương lai. 

 

* Baotintuc.vn (30/3): Mỹ tuyên bố sẽ thúc đẩy các chiến dịch tiêm vaccine trên toàn cầu

Ngày 29/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ sẽ dẫn dắt và thúc đẩy nỗ lực tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu sau khi đạt được tiến độ tiêm chủng nhanh chóng ở trong nước. 

Phát biểu họp báo trực tuyến sau khi tham dự các cuộc thảo luận tại Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ đang tiếp tục triển khai tiêm chủng cho toàn bộ dân số và sẽ có khả năng "làm nhiều hơn" trên thế giới. Ông bày tỏ tin tưởng trong những tháng tới và theo thời gian, Mỹ sẽ đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy khả năng tiếp cận vaccine trên toàn cầu.

Mỹ đã đạt được một thỏa thuận hợp tác với các công ty Ấn Độ để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, với mục tiêu thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng tại các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng dự định chia sẻ hàng triệu liều vaccine AstraZeneca sang hai nước láng giềng Canada và Mexico và đã đóng góp hoặc cam kết dành 4 tỷ USD cho cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX để hỗ trợ tiêm chủng tại các nước đang phát triển.

 

* 24h.com.vn (30/3): Tổng thống Ai Cập tuyên bố giải tỏa giao thông trên kênh đào Suez

Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi ngày 29/3 tuyên bố rằng Ai Cập đã hoàn thành hoạt động cứu hộ tàu container Ever Given trong Kênh đào Suez và giải tỏa giao thông trên kênh này.

Báo Sputnik của Nga dẫn một nguồn tin trong công ty điều hành kênh Gulf Agency Company (GAC) nói rằng việc dẫn đường giao thông trên kênh đào Suez dự kiến ​​sẽ tiếp tục trong những giờ tới.

Theo GAC, ít nhất 44 tàu đang xếp hàng chờ ở Hồ Great Bitter ở giữa kênh, và ít nhất 300 tàu đang xếp hàng ở các lối vào kênh Suez.

Kênh đào Suez có chiều dài 163 km nối Địa Trung Hải và Biển Đỏ và là tuyến đường thủy nhân tạo lớn nhất thế giới, với khoảng 10-12% lưu lượng vận tải đường biển thế giới.

 

* Thoibaotaichinhvietnam.vn (28/3): Australia dừng trợ cấp lương bất chấp nguy cơ tăng tỷ lệ thất nghiệp

Chính phủ Australia ngày 28/3 đã quyết định chấm dứt chương trình trợ cấp lương JobKeeper cho người lao động trong đại dịch COVID-19 bất chấp những cảnh báo việc này có thể khiến khoảng 150.000 người bị mất việc làm

Hồi tháng 3/2020, Australia đã triển khai chương trình trợ cấp lương JobKeeper, trong đó cung cấp 1.500 AUD (khoảng 1.150 USD) 2 tuần 1 lần cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc để kiểm soát dịch COVID-19.

Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho biết chương trình này là “phao cứu sinh” cho nền kinh tế và đã thành công trong việc hỗ trợ cho nhiều người dân trong năm qua. Phát biểu với báo giới ở Melbourne, ông nhấn mạnh rằng các khoản trợ cấp chỉ được thiết kế như một giải pháp "tạm thời", dù còn rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Tỷ lệ thất nghiệp của Australia đã giảm từ mức 7,5% trong tháng 7/2020 xuống 5,8% trong tháng 2/2021. Tuy nhiên, theo ước tính của Bộ Tài chính, việc ngừng chương trình JobKeeper có thể làm mất 100.000-150.000 việc làm.

 

* Thoibaotaichinhvietnam.vn (27/3): Quốc hội Đức phê chuẩn quỹ phục hồi kinh tế của EU trị giá 750 tỷ euro

Ngày 26/3, Đức đã phê chuẩn quỹ phục hồi kinh tế giai đoạn hậu dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 750 tỷ euro (885 tỷ USD).

Sau khi Hạ viện Đức thông qua quỹ phục hồi này vào ngày 25/3, Thượng viện đã có quyết định tương tự trong ngày 26/3.

Quỹ phục hồi khổng lồ này là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 với tổng trị giá 1.800 tỷ (2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế - xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra. Gói ngân sách này đã được 27 nước thành viên Liên minh châu Âu nhất trí hồi tháng 12 năm ngoái.

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu hồi tháng 12 năm ngoái tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về ngân sách dài hạn cùng gói phục hồi kinh tế với tổng trị giá 1.800 tỷ euro.

Gói tài chính này bao gồm ngân sách dài hạn cho giai đoạn từ năm 2021 - 2027 trị giá 1.100 tỷ euro và một gói phục hồi trị giá 750 tỷ euro.

Ngoài việc hỗ trợ các nước phục hồi từ hậu quả của đại dịch COVID-19, gói ngân sách trên sẽ giúp các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu thực hiện chuyển đổi thông qua nhiều chính sách lớn, cụ thể là Thỏa thuận Xanh, cách mạng số và phát triển bền vững./.

 

* Vtv.vn (30/3): Cuba đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất vaccine lớn

 

Cuba đang phát triển 5 loại vaccine COVID-19, hai trong số đó đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, với mục tiêu triển khai rộng rãi hơn vào tháng 5 tới đây. Đến tháng 8, Cuba sẽ đặt mục tiêu 60% dân chúng được tiếp cận vaccine, những người còn lại sẽ được tiêm vào cuối năm. Nếu đạt được mục tiêu đầy tham vọng đó, Cuba sẽ nằm trong số các quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng, từ đó trở thành điểm đến về du lịch vaccine.

Vaccine do Cuba phát triển có ưu điểm là rẻ và dễ bảo quản. Chúng có thể được lưu trữ ở nhiệt độ phòng trong nhiều tuần và vẫn duy trì chất lượng trong thời gian dài ở điều kiện nhiệt độ lên tới 46,4 độ C, biến Cuba trở thành lựa chọn khả thi cho các nước thu nhập thấp.

Hiện Iran và Venezuela đã ký hợp đồng mua vaccine của Cuba. Iran cũng đã đồng ý thử nghiệm giai đoạn 3 đối với một trong các loại vaccine mà Cuba đang phát triển - như một phần của thỏa thuận chuyển giao công nghệ.

Để có được thành tựu này, trong nhiều năm qua, bất chấp những khó khăn kinh tế, Cuba đã đầu tư vào công nghệ sinh học với ít nhất 31 công ty nghiên cứu và 62 nhà máy với hơn 20.000 công nhân.

 

* Vtv.vn (30/3): Philippines phong tỏa vùng thủ đô, hơn 24 triệu người phải ở trong nhà

Vùng thủ đô Metro Manila - trung tâm kinh tế của Philippines và 4 tỉnh phụ cận bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo đó, hơn 24 triệu người phải ở trong nhà, ngoại trừ những người làm việc trong các ngành thiết yếu. Các buổi lễ tại nhà thờ và hoạt động tập trung đông người đều bị cấm. Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 18h đến 5h sáng hôm sau. Giao thông công cộng giảm tối đa; chỉ siêu thị, cửa hàng thuốc, cơ sở kinh doanh thiết yếu được mở cửa.

Hoạt động tập thể dục ngoài trời cũng bị cấm. Lực lượng cảnh sát đã triển khai nhiều chốt kiểm tra để đảm bảo người dân thực hiện nghiêm chỉnh lệnh phong tỏa.

 

* Ông Biden đề cử đại sứ Mỹ tại Việt Nam giữ ghế ngoại giao cao nhất ở châu Á

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đề cử ông Daniel Kritenbrink - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, giữ cương vị trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Theo trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, trước khi tới Việt Nam giữ cương vị đại sứ, ông Daniel Kritenbrink từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Cố vấn Cấp cao về Chính sách đối với Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Giám đốc Cấp cao về Các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia (2015-2017), phó Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc (2013-2015).

Tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington D.C., ông từng đảm nhiệm các chức vụ Giám đốc Văn phòng phụ trách các vấn đề Trung Quốc và Mông Cổ (2009 - 2011), và Trợ lý cho Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Cận Đông (1999 - 2000).

Quyết định đề cử đại sứ Daniel Kritenbrink của Tổng thống Joe Biden sẽ còn phải chờ Thượng viện phê chuẩn.

Đề cử nhân sự này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh về nhiều vấn đề, từ nhân quyền, thương mại cho tới các động thái quân sự của Trung Quốc.

Xem chi tiết tại đây