Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 3 năm 2021

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

 * Baotintuc.vn (21/3): Báo động thực trạng 'khai tử' rừng tái sinh ở huyện Nậm Pồ (Điện Biên)

Những năm qua, do việc quản lý, bảo vệ rừng của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn buông lỏng; công tác quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn còn tồn tại nhiều bất cập; đặc biệt do nhu cầu về diện tích đất làm nương rẫy với phương thức canh tác luân canh lạc hậu, nhu cầu về nguồn chất đốt của người dân nên nhiều diện tích rừng tái sinh có độ tuổi nhiều năm trên địa bàn đã bị người dân tàn phá đến mức báo động, dẫn đến nhiều diện tích rừng tái sinh bị “trọc hóa”.

Thực tế những năm qua, việc triển khai quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 1208 của UBND tỉnh Điện Biên trên địa bàn huyện Nậm Pồ là bài toán chưa có lời giải vì còn nhiều bất cập, khó khăn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ phá rừng, xâm hại rừng xảy ra trên địa bàn này. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2019, 2020, trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã xảy ra gần 60 vụ phá rừng, xâm hại rừng... Nhiều vụ việc liên quan phá rừng, xâm hại rừng đã bị khởi tố, nhiều diện tích rừng bị thiệt hại.

Bất cập trong công tác quy hoạch 3 loại rừng; nhu cầu về đất canh tác ngày càng tăng; nhu cầu về gỗ để làm nhà ở, dựng chuồng trại chăn nuôi, nguồn chất đốt đã dẫn đến tình trạng rừng tái sinh ở Nậm Pồ bị xâm hại, tàn phá. Nếu chính quyền địa phương, ngành kiểm lâm, cơ quan chức năng huyện Nậm Pồ và tỉnh Điện Biên không có giải pháp hữu hiệu trong công tác bảo vệ, quản lý, phát triển rừng thì nhiều cánh rừng tái sinh ở huyện biên giới Nậm Pồ bị “khai tử”, kéo theo những hệ lụy khôn lường là điều khó tránh khỏi.

 

* Vov.vn (22/3): Mưa đá lớn tại Điện Biên gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu

Chiều tối 21/3, trên địa bàn xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên xảy ra một trận mưa đá lớn khiến nhiều nhà dân bị hư hỏng, thiệt hại về hoa màu.

Ông Thùng Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết, trận giông lốc kèm theo mưa đá lớn xảy ra trên địa bàn xã vào khoảng 18h và kéo dài trong hơn 20 phút.

Lượng đá rất dầy, nhiều hạt đá to ghi nhận cỡ 2-3cm gây thủng mái nhà của một số hộ dân khu vực bản Nà Ín, nhiều diện tích hoa màu cũng bị hư hại. Do thời điểm xảy ra mưa đá vào chiều tối nên chính quyền địa phương vẫn chưa thống kê hết thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

* Laodong.vn (20/3): Điện Biên tạm dừng 4 chốt kiểm dịch COVID-19

Sau hơn 40 ngày không ghi nhận ca mắc mới, tỉnh Điện Biên đã quyết định tạm dừng hoạt động 4 chốt kiểm dịch COVID-19 trên toàn địa bàn từ 0h ngày 20.3, để tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

Đây là các chốt được thành lập theo Quyết định số 128/QĐ-UBND, của UBND tỉnh Điện Biên, bao gồm: Chốt số 1 được đặt tại đèo Pha Đin, huyện Tuần Giáo; chốt số 2 đặt theo hướng tiếp giáp từ cầu Pá Uôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La về huyện Tuần Giáo theo Quốc lộ 279; chốt số 3 theo hướng từ huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La về huyện Điện Biên Đông trên Quốc lộ 12 và chốt số 4 đặt tại cầu Hang Tôm, thị xã Mường Lay tiếp giáp với tỉnh Lai Châu.

Được biết, 4 chốt kiểm dịch COVID-19 nêu trên có sự tham gia của 76 thành viên liên ngành (bao gồm các lực lượng: Công an 38 người; y tế 19 người; quân sự 9 người và thanh tra giao thông 10 người). Các chốt hoạt động 24/24 trong suốt 50 ngày.

 

* Baodienbienphu.com.vn (20/3): Điện Biên thành lập 21 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa

Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2021-2022, tỉnh Điện Biên đã thành lập 21 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT làm Chủ tịch hội đồng.

Theo đó, cấp tiểu học có 9 hội đồng với 153 thành viên sẽ chọn SGK ở 9 môn học; cấp THCS có 12 hội đồng với 204 thành viên sẽ chọn SGK ở 12 môn học. Sáng nay, Sở GD&ĐT đã tổ chức khai mạc Hội đồng lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông năm học 2021-2022.

Sau lễ khai mạc, Hội đồng lựa chọn SGK tổ chức họp, thảo luận, đánh giá trên cơ sở danh mục các trường đã lựa chọn, tiến hành bỏ phiếu lựa chọn 9 cuốn SGK lớp 2, 12 cuốn SGK lớp 6. Trên cơ sở kết quả lựa chọn SGK của 21 hội đồng, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp kết quả trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng cho năm học 2021-2022 và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dự kiến, trong đầu tháng 4/2021 UBND tỉnh sẽ công bố danh mục SGK sử dụng cho năm học 2021-2022.

 

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

* Chinhphu.vn (23/3): Sáng 24/3: Khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Sáng 23/3, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo về chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết theo dự kiến về chương trình làm việc kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ họp tập trung trong 12 ngày; khai mạc vào sáng mai (24/3) và bế mạc vào ngày 8/4.

Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.

 

* Datviet.trithuccuocsong.vn (22/3): Đề xuất tăng lương cho 8 nhóm đối tượng từ 1/1/2022

Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến cho nội dung dự thảo Nghị định Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Theo dự thảo này, từ ngày 1/1/2022 điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với 8 nhóm đối tượng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đề xuất mức điều chỉnh là 15% nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát và chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của ba năm 2019, 2020 và năm 2021 do trong năm 2020 và năm 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; đồng thời, mức điều chỉnh trên thấp hơn mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội trong ba năm 2019, 2020 và năm 2021 (khoảng gần 17%), như vậy phù hợp với tốc độ tăng trưởng đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội. 

Thực hiện theo phương án này thì: (i) số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách nhà nước chi trả ước là 896.823 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế); (ii) số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội chi trả ước là 2.283.819 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 168.045 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế).

 

* Vtv.vn (20/3): Chấp nhận "hộ chiếu vaccine" thông qua mã QR-code

Việt Nam hiện đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận "hộ chiếu vaccine" thông qua mã QR-code.

Theo đó, khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm. Tới đây, khi đi tiêm chủng, người dân phải tải ứng dụng hồ sơ điện tử trên hệ thống của Apple Store hoặc Google Play, khai báo lại thông tin cần thiết. Cơ sở y tế quét mã QR-code thay vì thực hiện thao tác trên giấy.

 

* Vnexpress. net (23/3): Việt Nam không để doanh nghiệp tự nhập vaccine Covid-19

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, không có chủ trương để các công ty, doanh nghiệp tự nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 để tiêm.

Vì vậy, thông tin nhiều người hiểu rằng các công ty được nhập vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam để tiêm, là không phù hợp với chủ trương tại nghị quyết 21.

Hiện các công ty sản xuất vaccine Covid-19 đã được cấp phép trên thế giới đều liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế. Những vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam thì chỉ các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vaccine mới được nhập, nhưng việc tiêm vaccine hiện nay phải theo sự điều phối chung của Bộ Y tế. Quá trình này thực hiện theo đúng với tinh thần những người có rủi ro cao được tiêm trước; việc tiêm chủng do các cơ sở của ngành y tế thực hiện.

Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 60 triệu liều vaccine Astra Zeneca, bao gồm 30 triệu liều do chương trình Covax hỗ trợ; 30 triệu liều đặt mua. VNVC là một trong 3 tổ chức được AstraZeneca đồng ý cung cấp vaccine tại Việt Nam, cùng với Covax Facility và UNICEF.

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

*Luatvietnam.vn (20/3): Từ (20/3/2021), thay đổi cách xếp lương giáo viên

Ngày 20/3/2021 là ngày 04 Thông tư quy định về bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông (THPT), trung học cơ sở (THCS), tiểu học và mầm non công lập có hiệu lực.

04 Thông tư này bao gồm: Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT.

Từ 20/3/2021, cách xếp lương cho giáo viên các cấp theo chức danh nghề nghiệp mới tương ứng như sau:

 Giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38 (trước đây áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 - 4,98).

- Giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (trước đây hệ số lương của đối tượng này đang dao động từ 1,86 - 4,98).

- Giáo viên THCS áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (trước đây đang hưởng lương theo hệ số lương từ 2,1 - 6,38).

Ngoài ra, từ 20/3/2021, giáo viên không cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Cụ thể, trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên chỉ yêu cầu: 

Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.

Trước đây, theo các quy định cũ, yêu cầu với giáo viên như sau:

- Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

- Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 hoặc bậc 2, 3 (tùy hạng giáo viên, cấp dạy) hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.

Như vậy, từ ngày 04 Thông tư trên có hiệu lực, người thi tuyển viên chức để được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hoặc nâng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ không bắt buộc có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

 

* Chính sách mới nổi bật có hiệu lực cuối tháng 03/2021

Từ ngày 21 – 31/3/2021, nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực thi hành, đơn cử như sau:

1. Rút ngắn thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 01/2021/TT-BTP hướng dẫn thi hành Luật Công chứng, ban hành ngày 03/2/2021.

Theo đó, thời gian tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ tối thiểu là 02 ngày làm việc/năm (16 giờ/năm).

(Hiện hành, tại Thông tư 06/2015/TT-BTP quy định thời gian tham gia là 03 ngày làm việc/năm (24 giờ/năm).

Đồng thời, bổ sung thêm các trường hợp được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ trong năm:

+ Công chứng viên nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi;

+ Công chứng viên phải điều trị dài ngày tại cơ sở KCB đối với những bệnh thuộc danh mục bệnh chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế từ 03 tháng trở lên, có giấy chứng nhận của cơ quan y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên.

Thông tư 01/2021/TT-BTP có hiệu lực thi hành ngày 26/3/2021.

2. Quy định về quản lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô

Theo Thông tư 02/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2020/TT-BGTVT thì đơn vị kinh doanh vận tải phải lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP và đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

- Dữ liệu lưu trữ tại camera lắp trên xe dưới định dạng video theo chuẩn (MP4 hoặc H.264 hoặc H.265) và kèm theo các thông tin tối thiểu gồm:

+ Biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), vị trí (tọa độ), thời gian; video lưu trữ tại thẻ nhớ hoặc ổ cứng của camera với khung hình tối thiểu 10 hình/giây và có độ phân giải tối thiểu là 720p;

+ Hình ảnh tại camera phải đảm bảo nhìn rõ trong mọi điều kiện ánh sáng (bao gồm cả vào ban đêm).

- Dữ liệu từ camera truyền về máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải, máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam dưới định dạng ảnh theo chuẩn JPG và phải có độ phân giải tối thiểu là 640x480 pixel.

Trường hợp mất tín hiệu truyền dẫn, dữ liệu từ camera phải được gửi lại đầy đủ, chính xác theo quy định về máy chủ ngay sau khi đường truyền hoạt động trở lại.

- Các dữ liệu được ghi và lưu trữ tại camera lắp trên xe và tại máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải phải đảm bảo không bị xóa, không bị thay đổi trong suốt thời gian lưu trữ theo quy định.

Thông tư 02/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ 25/3/2021.

3. Trường hợp thu hồi khu vực biển giao cho tổ chức, cá nhân

Chính phủ ban hành Nghị định 11/2021/NĐ-CP về giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển.

Theo đó, tổ chức, cá nhân đã được giao khu vực biển (KVB) để khai thác sử dụng tài nguyên biển sẽ bị thu hồi nếu thuộc các trường hợp sau:

- Tổ chức, cá nhân được giao KVB lợi dụng việc sử dụng KVB gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển …;

- Tổ chức, cá nhân sử dụng KVB trái mục đích sử dụng quy định trong Quyết định giao KVB;

- Văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi;

- Sau 24 tháng liên tục kể từ ngày Quyết định giao KVB có hiệu lực mà tổ chức, cá nhân không sử dụng một phần hoặc; (hiện hành quy định sau 12 tháng)

Toàn bộ khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có lý do chính đáng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức, cá nhân sử dụng KVB để nuôi trồng thủy sản thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, d, đ, e và g khoản 1 Điều 45 Luật Thủy sản (quy định mới);

- KVB đã giao được sử dụng để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật.

Nghị định 11/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 30/3/2021.

 

* Vov.vn (22/3): Đề xuất người lao động thất nghiệp được hỗ trợ 4,5 triệu đồng để học nghề lại

Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, những lao động tham gia BHTN mất việc sẽ được hỗ trợ học nghề với kinh phí tối đa là 4,5 triệu đồng/khóa.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất quy định mới về mức hỗ trợ học nghề đối với lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đề xuất, người tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng mất việc làm được hỗ trợ 2 gói gồm:

Gói thứ nhất, nếu tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ được tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế; nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

Gói thứ 2 là đối với người lao động tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế; nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là một tháng.

Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, việc quy định mức hỗ trợ trên là mức trần, vì vậy việc hỗ trợ học nghề vẫn dựa trên thực tế, tùy theo từng ngành nghề mà có mức hỗ trợ cụ thể.

Hơn nữa, quy định mức hỗ trợ học nghề theo hai hình thức (theo gói và theo tháng) như trên sẽ đáp ứng được tất cả đối tượng người thất nghiệp có nhu cầu học nghề. Bởi đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông nên mong muốn học một nghề với thời gian ngắn (từ 3 tháng trở xuống) để nhanh chóng tìm việc làm ngay. Do đó, quy định này tạo điều kiện cho người thất nghiệp tham gia khóa học nghề ngắn hạn, kể cả đối với những ngành, nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Hiện nay, mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề./.

 

CHỈ THỊ MỚI

* Chinhphu.vn (27/2): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần

Tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng từ 1/7/2021

Theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng áp dụng từ ngày 1/7/2021 (mức cũ là 270.000 đồng/tháng).

Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác.

Miễn thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu theo điều ước quốc tế

Chính phủ ban hành Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trong đó, bổ sung Điều 29a miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế.

Khơi dậy niềm tự hào hàng Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là trong giai đoạn năm 2021 đến năm 2025, phát triển thị trường trong nước nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi: “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, đồng thời lồng ghép vào Chương trình hành động hàng năm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị về phát triển kinh tế - xã hội để tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.

Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 với trọng tâm là tổ chức các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” nhằm đạt mục tiêu giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa, ...); giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.

Đến 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng

Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu cụ thể đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020.

Xây dựng được 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên. Xây dựng được 2-5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, mỗi vùng khai thác hoặc vùng trồng có 1-2 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).

Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD.

Tiêu chí xác định DN công nghệ cao mới áp dụng từ 30/4/2021

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao.

Theo đó, doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 18 của Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và khoản 3 Điều 76 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, đồng thời đáp ứng 3 tiêu chí, trong đó có tiêu chí doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.

 

TIN QUỐC HỘI

* Chinhphu.vn (21/3): Đại biểu Quốc hội chuyên trách phải là những chuyên gia thật giỏi

Các đại biểu Quốc hội chuyên trách phải là nòng cốt trong công tác xây dựng pháp luật cũng như việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong các ủy ban của Quốc hội phải có những chuyên gia thật giỏi làm nòng cốt, chính những chuyên gia đó là những người chuyên trách, chuyên nghiệp về những lĩnh vực mà họ được đảm nhiệm.

Tại vòng hiệp thương lần hai, vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn của những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội được đặc biệt quan tâm. Các ý kiến trong Đoàn Chủ tịch đều bày tỏ sự đồng tình rất cao là cần tăng đại biểu chuyên trách để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cao nhất đối với đại biểu chuyên trách là phải có đủ tâm, đủ tầm.

Đây cũng là ý nguyện chung của nhiều vị trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tuy nhiên quan trọng nhất là tăng chất lượng của đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội chuyên trách phải là người có bề dày hoạt động thực tiễn, vì chính quá trình này cho người đại biểu có những kinh nghiệm để thấy được những vấn đề nào cần được phản ánh./.

 

* Vov.vn (22/3): Hội đồng Bầu cử quốc gia nhận được 1.136 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Cho đến thời điểm này, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã nhận được 1.136 hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 7.495 hồ sơ của người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh.

Theo báo cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia do Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, thống kê sơ bộ, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã nhận được 1.136 hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 7.495 hồ sơ của người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Tính đến hết ngày 19/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã hoàn thành việc tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.084 người, trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử, đạt tỉ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu.

Trên cơ sở chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đã được triển khai rộng khắp trong cả nước với nhiều hoạt động, nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Ở Trung ương Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã chỉ đạo xây dựng Trang thông tin điện tử của Hội đồng Bầu cử Quốc gia; tổ chức Trung tâm Báo chí tại Nhà Quốc hội. Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông bám sát nội dung.

Trong thời gian tới, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; phân bổ ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở Trung ương về ứng cử tại các địa phương; tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn; công bố danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; rà soát danh sách cử tri, niêm yết danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; tiếp tục công tác kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử…

 

* Thanhnien.vn (21/3): Cử tri nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị sửa đổi luật Đất đai

Gửi kiến nghị đến Quốc hội sau kỳ họp thứ 10, cử tri nhiều tỉnh, thành trên cả nước đều đề nghị sửa luật Đất đai, đặc biệt các điều khoản liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng...

 Cụ thể, cử tri huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) đề nghị sửa một số điều “không phù hợp”, “ triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc” trong luật Đất đai hiện hành. Đơn cử, điều 53 của luật quy định, quy hoạch cấp dưới phải căn cứ vào quy hoạch cấp trên và căn cứ vào chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất cấp tỉnh cho huyện.

 Cử tri tỉnh Phú Thọ đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung luật Đất đai, vì hiện nay thi hành luật "có rất nhiều vướng mắc bất cập", người dân đi xin cấp đất, cấp bìa đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), tách thửa… thủ tục còn phức tạp, khó khăn và còn tình trạng sách nhiễu.

Cử tri tỉnh Thái Bình tiếp tục đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung luật Đất đai để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang diễn ra trong thực tế hiện nay như: mức giá thu hồi đất nông nghiệp, giá đền bù giải phóng mặt bằng chưa phù hợp với thực tế, bảo đảm an sinh cho các hộ thuộc diện thu hồi đất.

 Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị xem xét sửa luật Đất đai cho phù hợp với thực tiễn, bởi luật hiện hành có một số điểm bất cập, đặc biệt là quy định về công tác bồi thường, giải tỏa.

 Cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ TN-MT quan tâm, chỉ đạo công tác định giá đất theo giá thị trường, tránh khiếu kiện phức tạp cũng như gây thất thoát tài sản nhà nước…

 Nhiều địa phương khác cũng có các kiến nghị tương tự.

 Trả lời các kiến nghị trên, Bộ TN-MT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1188/QĐ-TTg ngày 4.8.2020 về việc thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành luật Đất đai năm 2013 và xây dựng Dự án luật Đất đai (sửa đổi). Do đó, vấn đề cử tri kiến nghị sẽ được xem xét trong quá trình sửa đổi luật.

 

* Vnexpress.net (23/3): Quốc hội sẽ kiện toàn 25 chức danh lãnh đạo

Khoảng 25 chức danh lãnh đạo sẽ được Quốc hội kiện toàn tại kỳ họp khai mạc vào sáng mai (24/3), theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Trả lời phóng viên tại cuộc họp báo sáng 23/2, Nguyễn Hạnh Phúc nói trong số các chức danh sẽ được kiện toàn tại kỳ họp lần này có Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng; một số Phó thủ tướng, thành viên Chính phủ; một số Phó chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội...

Theo ông Phúc, quy trình nhân sự sẽ được làm "từng bước, chặt chẽ". Đầu tiên, Quốc hội phải miễn nhiệm người đang giữ chức danh lãnh đạo, sau đó bỏ phiếu giới thiệu người nhận nhiệm vụ mới. Các vấn đề liên quan đều được thảo luận tại mỗi đoàn đại biểu, sau đó Thường vụ họp, tiếp thu các ý kiến và giải trình trước Quốc hội.

Với quy trình nêu trên, công tác nhân sự tại kỳ họp lần này "có thể dài hơn", trong khi "cũng nội dung nhân sự nhưng đầu nhiệm kỳ sẽ làm rất nhanh, do Quốc có thể bầu 18 Ủy viên Thường vụ cùng một lúc".

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng nêu rõ, việc kiện toàn nhân sự không phải bầu lãnh đạo cho khóa mới mà cho khóa hiện tại, lý do là sau Đại hội XIII, một số cán bộ không tham gia Ban chấp hành Trung ương nên những vị trí họ đang giữ phải được kiện toàn.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

* Vov.vn (20/3): Việt Nam đã xuất siêu 1,81 tỷ USD

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam nửa đầu tháng 3 (từ ngày 1-15/3) đạt 26,36 tỷ USD, tăng 22% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2021.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 3 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3 đạt 122,21 tỷ USD, tăng 24,2%, tương ứng tăng 23,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Tính từ đầu năm đến hết 15/3, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,01 tỷ USD, tăng 22,7% tương ứng tăng 11,47 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (tăng 3,22 tỷ USD, tương ứng tăng 81,1%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 2,44 tỷ USD, tương ứng tăng 34,9%); điện thoại các loại và linh kiện (tăng 1,47 tỷ USD, tương ứng tăng 14,4%)... so với cùng kỳ năm 2020.

Về nhập khẩu, Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá của Việt Nam trong nửa đầu tháng 3 đạt 13,06 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 1,69 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2021. Đáng chú ý, hạt điều nhập khẩu tăng mạnh tới 103 triệu USD, tương đương 76,4%.

Các nhóm hàng có mức tăng mạnh khác như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 283 triệu USD, tương ứng tăng 11,1%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (tăng 239 triệu USD, tương ứng tăng 14,9%).

 

* Thoibaotaichinhvietnam (22/3): Chính sách thuế, phí, tiền thuê đất góp phần tái khởi động nền kinh tế

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.

Chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

Nhiều chính sách đã được triển khai, cụ thể như: gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) qua đó giảm nghĩa vụ thuế của cá nhân; giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020; giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các bộ rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 21 thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí đang được quy định tại 31 thông tư thu phí, lệ phí hiện hành, qua đó giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí với mức giảm cao. Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành ước thực hiện cả năm đạt khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 87,2 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng. 

Các giải pháp trong thời gian tới

Thứ nhất, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để hỗ trợ ngành hàng không, ước tính số tiền thuế được giảm để hỗ trợ DN khoảng 900 tỷ đồng.

 

 

Thứ hai, tiếp tục rà soát, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19 từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/6/2021 (trên cơ sở kế thừa các mức thu khoản phí, lệ phí đã quy định tại các thông tư giảm phí, lệ phí hỗ trợ Covid-19 đã ban hành năm 2020) với số tiền phí, lệ phí ước giảm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Thứ ba, trình Chính phủ hướng dẫn việc cho phép được tính vào chi phí được trừ của DN, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 8 điều 3 Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2021, ước tính số tiền thuế DN được giảm nghĩa vụ khoảng 170 tỷ đồng.

Thứ tư, trình Chính phủ ban hành nghị định tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ước tính số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thực tế về tình hình dịch bệnh Covid-19, về hoạt động của DN cũng như thị trường và các định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước để xem xét, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí phù hợp.

 

* Vov.vn (21/3): Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đón “sóng” đầu tư

Trong khi Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư lí tưởng, việc sẵn sàng một nguồn nhân lực có trình độ cao là một trong những yếu tố tiên quyết để thu hút dòng vốn đầu tư.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, đây là cơ hội lớn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là vấn đề thách thức của Việt Nam để sẵn sàng cho một giai đoạn mới. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là động lực quan trọng để các doanh nghiệp Việt nâng cao khả năng cạnh tranh và bứt phá trong bối cảnh mới.

Hiện phần lớn nguồn nhân lực về công nghệ thông tin đang phụ thuộc nhiều vào các trường đại học. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra, hàng năm, số lượng cử nhân trong lĩnh vực này ra trường là trên 50.000 người. Trong đó, hơn 70% số này phải qua đào tạo bổ sung để đủ trình độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Mặc dù chúng ta đang có nhiều lợi thế trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như cơ cấu dân số trẻ, có nhiều sự sáng tạo, thích nghi và học hỏi nhanh chóng… Song hiện tại, những ưu thế này chưa được phát huy đúng mức khiến thị trường lao động luôn trong tình trạng thiếu hụt nguồn lao động có trình độ công nghệ cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng chương trình đào tạo của nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới để có thể phát triển năng lực của đội ngũ nhân lực. Bên cạnh đó, có thể áp dụng các chính sách như cử đi đào tạo ở nước ngoài, luân chuyển qua nhiều phòng ban để tạo kinh nghiệm. Đồng thời, điều quan trọng là tạo môi trường văn hóa doanh nghiệp cổ vũ sự tìm tòi, sáng tạo và tinh thần học hỏi, vươn lên của người lao động.

Trong bối cảnh mới khi Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư lí tưởng của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, việc sẵn sàng một nguồn nhân lực có trình độ cao là một trong những yếu tố tiên quyết để thu hút dòng vốn đầu tư. Chính vì vậy, chất lượng nguồn nhân lực chính là động lực để Việt Nam bứt phá trong thời gian tới. Tuy nhiên, để làm được điều này cần sự đầu tư của nhà nước, các ban, ngành, cũng như từng lĩnh vực cụ thể./.

 

 * Vietnamnet.vn (22/3): Lan đột biến náo loạn trăm tỷ, Tổng cục Thuế yêu cầu vào cuộc xác minh

“Cơn sốt bất thường” của lan đột biến tràn từ Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình vào đến tận Tây Nguyên. Những vụ “đấu giá” hàng chục, hàng trăm tỷ đồng lần lượt xuất hiện, gây rúng động dư luận.

Tối 21/3, tại thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, một buổi mua bán lan var rầm rộ được tổ chức. Những người có mặt tại buổi giao dịch không khỏi choáng váng khi có loại lan được bán với giá hơn 5 tỷ đồng, ngang bằng một căn biệt thự 1.000m2 tại khu nghỉ dưỡng sinh thái Măng Đen ở Kon Tum. Tổng giá trị được đem ra giao dịch trong buổi tối ngày 21/3 lên tới gần 10 tỷ đồng.

Cho đến nay, các giao dịch lan đột biến đang thực sự gây choáng váng với những người ngoài cuộc. Mức giá 250 tỷ trong cuộc giao dịch mới đây ở Quảng Ninh đã gây chấn động.

Chưa rõ cơ quan thuế có thu được đồng nào từ những giao dịch lan kiểu này hay chưa, song khi trả lời báo chí, đại diện Cục Thuế tỉnh Hà Nam cho hay qua xác minh ban đầu, cơ quan thuế xác định 99% các đối tượng buôn bán hoa lan trên là giả.

Còn Tổng cục Thuế cho biết đã chỉ đạo Cục Thuế các địa phương kiểm soát, giám sát việc này xem là doanh nghiệp hay cá nhân, có giao dịch thật không? Nếu là doanh nghiệp kinh doanh mua bán thì phải kê khai thuế.

Trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế, qua kiểm tra, phát hiện có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gen sẽ  bị truy thu và xử phạt theo pháp luật thuế hiện hành.

 

* Bizlive.vn (21/3): Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6-8% năm 2021

Ngân hàng Standard Chartered vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến chuyên sâu về đầu tư với chủ đề "Tổng quan đầu tư tại Việt Nam năm 2021".

 Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại mức 6-8% trong năm nay và những năm tới.

 Trong khi đó, trong một báo cáo mới công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, bất chấp đại dịch, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 và dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 nhờ thực hiện những bước đi quyết liệt trong các lĩnh vực kinh tế và y tế. 

 Việt Nam cũng đạt được tiến bộ đáng kể trong việc củng cố tài chính công trước dịch Covid-19. Việc xây dựng các vùng đệm về tài khóa và tài chính trước đại dịch đã giúp nền kinh tế đương đầu tốt hơn với cú sốc. Tuy nhiên, theo IMF, vẫn còn khoảng trống lớn để Việt Nam thúc đẩy năng suất và cải thiện khả năng phục hồi kinh tế.

 Trước đó, các tổ chức quốc tế như ADB đánh giá mức tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,1%, hay HSBC với dự báo kinh tế tăng trưởng 7,6%.

 Hiện Chính phủ đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021. 

 

* Vtv.vn (21/3): Thủ tướng: Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” để thu hút đầu tư

Sáng 21/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh, cùng Lãnh đạo Tập đoàn năng lượng GS của Hàn Quốc và Alibaba của Trung Quốc đang đầu tư tại Long An.

  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ trong thúc đẩy, xúc tiến các hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới bị tác động nặng nề bởi đại dịch.

 Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Tập đoàn năng lượng GS và Alibaba với tiềm lực tài chính vững mạnh đang triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

 Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ kiên trì thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để thu hút đầu tư. Cùng với đó, môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ không ngừng cải thiện, để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp.

 

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

* Daibieunhandan.vn (21/3): Xóa bỏ gánh nặng chứng chỉ

Ngày 19.3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản về việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến về đề nghị của Bộ Nội vụ về hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 101/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

 Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Các bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.2021. Có thể thấy, đây là sự lắng nghe cầu thị từ dư luận của Thủ tướng về những gánh nặng mang tên chứng chỉ.

 Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp; đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua.

 Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là cần thiết đối với mỗi vị trí việc làm. Đơn cử, đối với người không tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng muốn tham gia giảng dạy thì phải qua lớp bồi dưỡng về kỹ năng sư phạm thì mới được giảng dạy. Và trong trường hợp này, chứng chỉ bồi dưỡng sẽ giúp cho người ở vị trí việc làm đó có thêm kinh nghiệm, kiến thức mà bản thân người đó chưa được đào tạo. Tuy vậy, vẫn có những chứng chỉ có tính chất làm “đẹp” hồ sơ.

 Dù là cần thiết song có những vị trí quy định về chứng chỉ đã trở thành “gánh nặng”. Nói là “gánh nặng”, bởi thực tế, có những vị trí việc làm, những chứng chỉ lại không hoàn toàn phục vụ cho công việc mà người đó đảm nhiệm. Đơn cử theo quy định Thông tư liên tịch số 11 giữa Bộ TT-TT và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các chức danh biên tập viên, phóng viên có không ít bất cập.

 Nỗi khổ “chứng chỉ” đã nhiều lần nóng ở diễn đàn Quốc hội. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) đã nêu lại vấn đề này đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Có rất nhiều cử tri theo dõi những kỳ họp trước, Bộ trưởng cho rằng sẽ sớm bỏ những chứng chỉ không cần thiết. Cử tri quan tâm, đến bao giờ thì việc này sẽ được bỏ, để cử tri không phải "thi nhau" đi học chứng chỉ?"

 Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, trong quá trình triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, các nghị định của Chính phủ đều tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ. Đối với thi nâng ngạch, mà những đối tượng được miễn tin học, ngoại ngữ, thì không cần phải nộp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

 Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, trong nghị định vẫn giao các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm. Để tiến tới bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ sửa đổi các tiêu chí về ngạch công chức, viên chức. 

Cần phải nhấn mạnh, chứng chỉ không có lỗi. Nhưng tùy vị trí việc làm để xem chứng chỉ ấy có thực sự cần thiết hay không. Yêu cầu của Thủ tướng đã có, các bộ cần khẩn trương rà soát, kiên quyết loại bỏ những chứng chỉ là gánh nặng thủ tục. Bởi xét đến cùng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là ở năng lực, chuyên môn thực tế, không chỉ nằm ở tờ chứng chỉ. 

 

QUẢN LÝ

* Daidoanket.vn (22/3): Thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dự kiến vào các ngày 7 và 8/7

Đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho hay, dự kiến, ngày 6/7, các thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Các thí sinh sẽ thi trong hai ngày 7 và 8/7; ngày thi dự phòng là 9/7.

Thứ tự thi các môn được giữ nguyên như năm trước, tức môn Ngữ văn vào sáng 7/7, buổi chiều thi môn Toán. Ngày 8/7, buổi sáng, các thí sinh thi một trong 2 bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) theo lựa chọn; buổi chiều thi môn Ngoại ngữ.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (xây dựng ma trận đề thi, ngân hàng câu hỏi, đề thi tham khảo) đã được tiến hành đúng tiến độ. Hiện nay, đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT đang được Bộ GDĐT rà soát để công bố trong tháng 3.

 

* Vtc.vn (20/3): Gần 60 tỷ đồng đóng góp tại lễ phát động xây nhà cho người nghèo Hà Giang

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban chỉ đạo chương trình 1953, các tổ chức, cá nhân đóng góp gần 60 tỷ đồng với kỳ vọng xây hơn 2.400 căn nhà tình nghĩa ở Hà Giang.

Giai đoạn II của chương trình hỗ trợ xây nhà mới cho hộ có công, cựu chiến binh và hộ nghèo của tỉnh Hà Giang tiếp tục nhận được gần 60 tỷ đồng đóng góp từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Số tiền này dự kiến sẽ giúp xây mới được hơn 2.400 căn nhà cho cựu chiến binh, gia đình có công cách mạng, hộ nghèo, phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách của dân tộc, thấm đậm tình quân – dân nơi địa đầu cực Bắc.

Trong giai đoạn I, chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo đã thành công vượt mong đợi so với mục tiêu đặt ra. Đến ngày 10/3, toàn tỉnh Hà Giang đã triển khai xây dựng nhà ở mới cho 230 hộ người có công, 493 hộ cựu chiến binh, 1.526 hộ dân nghèo xã biên giới và 1.553 hộ nghèo xã nội địa. 

Hiện, đã có 3.748 căn nhà mới được hoàn thành. Trong đó, 3.336 căn nhà đã hoàn thành trong giai đoạn 1, vượt mục tiêu đề ra 1.336 nhà. Bắt đầu từ giai đoạn 2 (tháng 9/2020 đến nay) có 412 hộ hoàn thành và 54 hộ đang triển khai xây dựng nhà ở mới.

 

* Chinhphu.vn (20/3): Thủ tướng yêu cầu sửa quy định về chứng chỉ thăng hạng giáo viên

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan đến các loại chứng chỉ dùng để xếp hạng giáo viên cho phù hợp nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.

Bộ GD&ĐT đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2021.

 

* Chinhphu.vn (21/3): Nhanh chóng hoàn thành 600 căn nhà “Ba Nhất” để bàn giao cho hộ nghèo

Ngày 21/3, tại xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa, Bộ Công an và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ trao tặng nhà mẫu và hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện Mường Lát.

Theo đó, Bộ Công an, tỉnh Thanh Hóa và nhà tài trợ sẽ hỗ trợ huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa 30 tỉ đồng để xây dựng 600 căn nhà cho các hộ nghèo (mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng) đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng: “Nền cứng, mái cứng, vách cứng” theo mẫu thiết kế của Bộ Công an.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa lãnh đạo xây dựng Đề án chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhanh chóng vào cuộc để hiện thực hóa chủ trương trên một cách “Sớm nhất, nhanh nhất, chất lượng nhất”, tham gia hỗ trợ nhân dân xây dựng nhà mới, phấn đấu hoàn thành 600 căn nhà bàn giao cho nhân dân trước khi diễn ra Cuộc Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

 

* Giaoducthoidai.vn (22/3): Hà Nội: Phát hiện 1 vườn cây anh túc trong nhà dân

Qua kiểm đếm tại vườn của một nhà dân ở Hà Nội có 365 cây anh túc. Tại thời điểm phát hiện, cây cao gần 1m, nở hoa và có một số cây đã có quả.

Trước đó, qua công tác trinh sát, nắm tình hình địa bàn, tổ công tác Công an phường Tây Tựu phát hiện tại vườn của gia đình ông Đặng Trần Th (SN: 1969, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) có trồng cây anh túc.

Qua kiểm đếm tại vườn có 365 cây anh túc. Tại thời điểm phát hiện, cây cao gần 1m, nở hoa và có một số cây đã có quả.

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản phá dỡ cây anh túc trồng tại vườn, thu giữ, niêm phong tang vật.

 

* Giaoducthoidai.vn (22/3): Chuẩn bị tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 thứ 2 của Việt Nam cho 30 người

Theo kế hoạch, dự kiến trong hai ngày 23/3 và 25/3 sẽ có 30 tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 Covivac.

Theo thông tin từ TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC- Bộ Y tế) cho biết, ngày 3/3 bắt đầu những hoạt động đầu tiên của quá trình thử nghiệm vắc xin COVIVAC tại Việt Nam, họp nhóm nghiên cứu để rà soát các quy trình, tuyển chọn đối tượng, sàng lọc làm các xét nghiệm xem ai đạt và ai không đạt tiêu chuẩn thử nghiệm.

Sau khi hoàn tất những công đoạn trên, dự kiến, mũi tiêm đầu tiên trên người tình nguyện diễn ra vào ngày 23/3 tới đây.

 

* Vtv.vn (21/3): Việt Nam tăng 4 bậc trong xếp hạng các nước hạnh phúc nhất thế giới

Đại dịch COVID-19 đã không làm thay đổi bảng xếp hạng các nước hạnh phúc nhất thế giới. Phần Lan tiếp tục là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong năm thứ 4 liên tiếp.

 Trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới thường niên do Liên Hợp Quốc tài trợ được công bố vào ngày 19/3, các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu của Gallup, khảo sát ý kiến của người dân tại 149 quốc gia để xếp hạng mức độ hạnh phúc của họ, đồng thời có tính đến các dữ liệu khác như tổng thu nhập quốc nội (GDP), hỗ trợ xã hội, tự do cá nhân và mức độ tham nhũng... để đưa ra một điểm số về sự hạnh phúc của từng nước.

 Một lần nữa, những cái tên ở đầu bảng xếp hạng chủ yếu là các nước châu Âu với Đan Mạch đứng thứ 2, sau đó là Thụy Điển, Iceland và Hà Lan. New Zealand rớt một bậc, xuống vị trí thứ 9 và cũng là quốc gia duy nhất ngoài châu Âu đứng trong Top 10.

 Việt Nam đã thăng hạng từ vị trí thứ 83 lên 79, vị trí cao hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, trên nước láng giềng Trung Quốc (thứ 84) hay các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia (81), Myanmar (126).

 

* Thanhtra.com.vn (21/3): Thủ tướng yêu cầu sửa quy định về chứng chỉ thăng hạng giáo viên

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa ký văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT về việc báo cáo nội dung liên quan đến các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức.

 Theo đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến việc thời gian vừa qua, một số cơ quan báo chí phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở  đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

 

  * Vtv.vn (21/3): Bộ Nội vụ thông tin việc Vĩnh Phúc bổ nhiệm nữ Phó Giám đốc Sở 31 tuổi

 Liên quan đến việc bà Trần Huyền Trang làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc được bổ nhiệm khi mới 31 tuổi, gây xôn xao dư luận thời gian qua, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, theo quy định hiện hành về công tác cán bộ, chức danh Phó Giám đốc Sở thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND cấp tỉnh và việc bổ nhiệm phải bảo đảm đúng các quy định của Đảng, Chính phủ và quy định của địa phương về công tác cán bộ.

 Về trường hợp cụ thể của tỉnh Vĩnh Phúc, theo ông Trương Hải Long, đến nay Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền của Đảng (Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương) liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ thuộc trường hợp Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong đó, có báo cáo liên quan đến trường hợp bà Trần Huyền Trang. Thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo Bộ giao, Vụ Công chức, viên chức đã làm việc với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, đề nghị rà soát, báo cáo các trường hợp tương tự ở Vĩnh Phúc. Bộ Nội vụ sẽ kiểm tra, đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền và thông tin cho báo chí sau.

 Làm rõ hơn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin, Quy định 89 của Bộ Chính trị quy định về tiêu chuẩn chung để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo và giao cho tỉnh ủy, cấp quản lý cán bộ quy định cụ thể; trên tinh thần Quy định 89 của Bộ Chính trị và quy định cụ thể của địa phương để xác định chức danh Phó Giám đốc sở cần những tiêu chuẩn, yêu cầu gì. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành quy định về vị trí việc làm các cơ quan hành chính của các tỉnh. Nghị định số 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ (về vị trí việc làm và biên chế công chức) đã phân cấp lại cho các địa phương có thể điều chỉnh tiêu chuẩn đó.

 Cũng theo ông Thăng, Quy định 105 năm 2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Nghị định 138/2020/NĐ-CP (về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức) không quy định tuổi tối thiểu khi bổ nhiệm, chỉ quy định độ tuổi tối đa; đồng thời không quy định cụ thể về thời gian công tác. 

 

* Daibieunhandan.com.vn (21/3): Gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi để xảy ra “sốt đất”

Trước tình hình sốt đất đang diễn ra tại nhiều địa phương, ngày 20.3, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị, trong đó, đề cập đến việc cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất trên địa bàn.

 Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nêu khuyến nghị, chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai,.. đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luât; cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi xảy ra hiện tượng sốt đất…

 Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam kiến nghị điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch, sản phẩm bất động sản người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin; đồng thời, quản lý Sàn giao dịch và môi giới bất động sản chặt chẽ, hiệu quả hơn.

 Nhu cầu về chỗ ở vẫn rất cao trên toàn thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án bất động sản, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Do đó, nguồn cung chưa được cải thiện nhiều mà vẫn thiếu, nhất là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội, đất nền.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

* Vietnamnet.vn (20/3): Bộ Tài chính số: Năm 2030 sẽ số hoá hoàn toàn

Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số đã được ban hành với mục đích: "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Tài chính và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở hướng tới Tài chính số với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Tạo nền tảng cho ngành Tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo trong việc chuyển đổi sang nền tài chính số hiện đại tại Việt Nam".

Kiến trúc tổng thể này sẽ là căn cứ để xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT ngành Tài chính, nhằm hướng tới thiết lập Bộ Tài chính số, với lộ trình cụ thể cho 2 chặng đường.

Xây dựng Tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở

Giai đoạn 2021 – 2025, ngành Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử của ngành hướng tới Bộ Tài chính số, Bộ Tài chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua Chính phủ số và các công cụ số hóa. Mục tiêu của giai đoạn này là xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở.

Đồng thời, xây dựng hệ thống hiện đại hóa báo cáo tích hợp ngành tài chính; hoàn thiện hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính; xây dựng và hoàn thiện một loạt hệ thống thông tin lớn của ngành.

Thiết lập hệ thống Tài chính số hóa hoàn toàn vào năm 2030

Với giai đoạn 2026 - 2030, ngành Tài chính hướng tới việc tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng văn phòng không giấy tờ; xây dựng nền tảng Tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở.

Để thực hiện các mục tiêu trong giai đoạn này, ngành Tài chính sẽ phát triển hệ thống điều hành thông minh, xây dựng các ứng dụng thông minh hỗ trợ nghiệp vụ. 100% các dịch vụ cung cấp cho người dân, doanh nghiệp được “cung cấp chủ động” do nhiều bên theo mô hình cá nhân hóa.

 

* Thoibaotaichinhvietnam.vn (20/3): Công nghệ thông tin giúp người dân dễ dàng quyết toán thuế

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, Tổng cục Thuế đã phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai và nộp thuế cho cá nhân. Với các ứng dụng hiện nay, người nộp thuế có thể khai quyết toán thuế bằng hình thức trực tuyến.

Đưa ứng dụng điện tử vào việc khai, nộp thuế với cá nhân

Để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, thời gian qua Tổng cục Thuế đã từng bước nâng cấp, hoàn thiện, phát triển nhiều ứng dụng mới trong việc kê khai và nộp thuế đối với cá nhân.

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để triển khai dịch vụ khai nộp thuế điện tử dành cho cá nhân, Tổng cục Thuế đã kết nối dữ liệu thành công với 7 ngân hàng thương mại (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, MBBank, VPBank, TPBank) để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân thông qua hình thức internet Banking.

Qua tổng hợp cho thấy, hiện đã có hàng trăm nghìn tài khoản cá nhân, cùng hàng trăm nghìn tờ khai đã được người nộp thuế gửi đến cơ quan thuế các cấp. Điều này cho thấy, việc ngành Thuế triển khai các ứng dụng khai và nộp thuế điện tử đối với cá nhân đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc khai và nộp thuế đối với cá nhân người nộp thuế, mới đây Tổng cục Thuế cũng đã kết nối thành công dịch vụ nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngoài khai và nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy điện tử, ngành Thuế cũng đã triển khai dịch vụ khai điện tử đối với hoạt động cho thuê tài sản, trong đó có hoạt động cho thuê nhà.

Qua tìm hiểu được biết, hiện Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai khai thuế điện tử tờ khai đối với hoạt động cho thuê tài sản tại 63 cục thuế và 415 chi cục thuế. Điều này đã giúp cho các cá nhân có nhà cho thuê có thể dễ dàng kê khai và làm các thủ tục về thuế ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào.

Cá nhân có thể khai hồ sơ quyết toán thuế qua mạng

Không chỉ phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin cho việc khai, nộp thuế đối với cá nhân, hiện nay các ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Thuế còn cho phép cá nhân có thể kê khai và làm thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân qua mạng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cần phải hạn chế tối đa tập trung đông người, thì việc cho phép người nộp thuế có thể làm thủ tục quyết toán thuế qua mạng không chỉ đáp ứng được yêu cầu của người nộp thuế, mà còn đảm bảo các biện pháp giãn cách theo chỉ đạo của Chính phủ.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

* Thanhnien.vn (22/3): Thủy điện 750 tỉ đình đốn, dân mất đất sản xuất

Trong quá trình triển khai dự án, giám đốc cùng nhiều thuộc cấp bị truy tố khiến thủy điện Nước Chè có vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng đành 'đứng bánh' và người dân cũng mất luôn đất sản xuất.

Vướng án hình sự

Triển khai được hơn 2 năm, đến ngày 19.8.2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam bắt quả tang một nhóm người là nhân viên Công ty TNHH Hoàng Nhi, Công ty TNHH MTV Hoàn Thiện có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ ngay tại công trình thi công thủy điện (địa bàn xã Phước Năng).

Mở rộng vụ án, ngày 30.8.2020, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp Công an tỉnh Gia Lai thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Hồ Sỹ Thái (48 tuổi, ở TP.Pleiku), Giám đốc Công ty CP thủy điện Nước Chè, để điều tra về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ.

Lấn chiếm rừng phòng hộ

Sau khi xảy ra vụ án, dự án thủy điện Nước Chè đã dừng thi công và bỏ không nhiều tháng nay. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên vào ngày 19.3, bờ đập chính của dự án được xây dựng kiên cố. Đập dài gần 200 m, cao hàng chục mét cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, nhiều hạng mục khác vẫn đang bỏ dở khi đang thi công, sắt, thép, máy móc… ngổn ngang trên công trường. Đặc biệt, bên vai phải và trái của bờ đập về phía thượng nguồn bị sạt lở nghiêm trọng do đợt mưa lũ cuối năm 2020.

Ông Hồ Văn Phương (42 tuổi, thôn 1, xã Phước Năng) cho biết gia đình ông có mảnh đất rẫy khá lớn, chuyên trồng chuối và cây keo, bị san ủi để làm đường dẫn ống trong quá trình thi công thủy điện Nước Chè, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, đền bù. “Chủ đầu tư nói chờ, mà chờ mãi mấy năm nay vẫn chưa thấy, đi đòi miết vẫn không được. Công trình giờ dừng thi công, gia đình mình mất luôn đất sản xuất. Hàng chục gia đình khác cũng lâm cảnh tương tự”, ông Phương buồn bã nói.

Nợ dân tiền tỉ

Ông Hồ Văn Khu, Chủ tịch UBND xã Phước Năng, cho hay hiện vẫn còn 43 hộ dân của địa phương bị ảnh hưởng của dự án chưa được chủ đầu tư thủy điện Nước Chè đền bù, dù chủ đầu tư đã san lấp đất rẫy. “Hiện tổng số tiền chủ đầu tư nợ của 43 hộ dân hơn 1 tỉ đồng. Ba năm qua, người dân đi đòi nhưng nhận lại chỉ là lời hứa suông. Chúng tôi cũng đã làm nhiều văn bản kiến nghị lên huyện yêu cầu chủ đầu tư sớm giải quyết cho dân nhưng vẫn không đâu vào đâu”, ông Khu nói.

 

* Tienphong.vn (21/3): Diễn biến mới vụ chi 20 tỷ để “điều chuyển” Giám đốc Công an An Giang

Ngày 20/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can đối với các đối tượng trong vụ án lừa đảo “chạy điều chuyển” Giám đốc Công an tỉnh này.

 Theo đó, cơ quan công an quyết định khởi tố bị can đối với Vũ Văn Quý (30 tuổi, ngụ quận 3, TP Hồ Chí Minh), Hoàng Thị Tâm (54 tuổi, ngụ xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) và Ngô Văn Trọng (48 tuổi, phường Khuê Trung, Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Riêng đối tượng Đào Ngọc Cảnh (74 tuổi, ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Huê, TP Đà Nẵng) có liên quan trong vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra vẫn đang tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lí theo quy định của pháp luật.

 Vào ngày 11/3, Công an tỉnh An Giang cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Mãnh về hành vi “Sản xuất buôn bán hàng giả”. Trong Quá trình điều tra, Mãnh đã khai nhận vụ việc kể trên. 

 

* Vtv.vn (21/3): An Giang: Cảnh cáo cán bộ biên phòng chứa hàng lậu trong nhà

Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã họp và thống nhất ra quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với Thượng tá Hoàng Văn Nam.

 Liên quan đến vụ việc, lực lượng Công an phát hiện, thu giữ nhiều hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ, trong nhà của Thượng tá Hoàng Văn Nam (Phó Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) và người thân, chiều 19/3, Thượng tá Lê Hoàng Việt, Phó Chính ủy, Người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã họp và thống nhất ra quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với Thượng tá Hoàng Văn Nam.

 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đang làm văn bản đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xem xét, ra quyết định kỷ luật về mặt nhà nước theo đúng quy định của Quân đội.

 Theo Thượng tá Lê Hoàng Việt, ngay sau khi xảy ra sự việc, mặc dù Thượng tá Nam đang đi học tại Đà Lạt nhưng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã yêu cầu Thượng tá Nam xin phép nhà trường nghỉ học, khẩn trương trở về đơn vị để làm tường trình, giải thích rõ vụ việc.

 Qua bản kiểm điểm gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, Thượng tá Nam thừa nhận bản thân thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục, dẫn đến việc vợ, con cho người khác gửi hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong nhà mình, để lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ; đồng thời tạo ra dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân, gia đình, đơn vị và lực lượng Bộ đội Biên phòng. 

 

* Thanhnien.vn (21/3): Cà Mau: Xin chỉ đạo vụ Phó Giám đốc Sở Y tế có vợ Giám đốc doanh nghiệp bán vật tư y tế

Vụ Phó Giám đốc Sở Y tế Cà Mau có vợ là Giám đốc doanh nghiệp có chức năng khám chữa bệnh, đấu thầu cung ứng vật tư y tế... sẽ được báo cáo lãnh đạo tỉnh Cà Mau xin ý kiến chỉ đạo.

 Liên quan đến thông tin, ông Nguyễn Hoàng Sa, Phó Giám đốc Sở Y tế Cà Mau có vợ làm Giám đốc doanh nghiệp có chức năng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), đấu thầu cung ứng vật tư y tế, ngày 21.3, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Cà Mau thông tin: "Chúng tôi đã nắm bắt thông tin sau khi Báo Thanh Niên cung cấp. Nhưng do bận họp HĐND nên chúng tôi chưa xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Thứ hai (ngày 22.3), chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo tỉnh xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo. Rồi sau đó sẽ thông tin đến báo chí sau", ông Thánh nói.

  Mới đây, trong văn bản trả lời PV Thanh Niên, Sở Y tế Cà Mau cho biết theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công CP Vạn Phúc được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp (ngày 3.11.2016) thì người đại diện pháp luật là Tạ Như Ý, không phải là Tạ Thị Diệu Liên - vợ ông Nguyễn Hoàng Sa, Phó Giám đốc Sở Y tế Cà Mau.

 Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, từ năm 2005, Công ty CP Vạn Phúc đăng ký chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu với người đại diện pháp luật là Tạ Thị Diệu Liên. Đến tháng 11.2016, công ty thay đổi người người đại diện pháp luật trên giấy đăng ký kinh doanh là Tạ Như Ý.

 Cụ thể, ở văn bản ngày 10.9.2020, Công ty CP Vạn Phúc bổ sung danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở KCB, người ký văn bản là Tạ Thị Diệu Liên với chức danh là Giám đốc.

Còn ở tờ trình ngày 24.2.2020 của Công ty CP Văn Phúc gửi BHXH tỉnh Cà Mau (về nội dung phê duyệt danh mục bổ sung của Công ty CP Vạn Phúc, kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua thuốc năm 2019 của Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia và của Sở Y tế Cà Mau) cũng do bà Tạ Thị Diệu Liên ký với chức danh Giám đốc.

 Được biết, trong các năm qua, Công ty CP Vạn Phúc của vợ ông Nguyễn Hoàng Sa - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã trúng nhiều gói thầu mua sắm vật tư y tế trong tỉnh Cà Mau.

 

QUY HOẠCH

 

* Tienphong.vn (22/3): Hà Nội sẽ di dời 215.000 người khỏi 4 quận nội đô

Thành phố Hà Nội đặt quyết tâm không xây dựng nhà cao tầng và từ nay đến năm 2030 sẽ giảm 215.000 người (dân số hiện tại gần 900.000 người) trong 4 quận nội đô lịch sử Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình.

Sáng 22/3, thành phố Hà Nội đã công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị trong bốn quận nội đô lịch sử gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Tổng diện tích bốn quận nội đô này là 2.709 ha, với dân số hiện tại gần 900.000 người.

 Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết: Với việc quy hoạch được thông qua, Hà Nội đặt quyết tâm không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô và từ nay đến năm 2030 sẽ giảm 215.000 người xuống còn 672.000 người (dân số hiện tại gần 900.000 người).

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, các quận nội thành sẽ phát triển theo hướng hạn chế nhà cao tầng, không tăng dân số. Theo đó, nhà ở khu phố cổ được phép cao từ 3 - 4 tầng (12-16m); khu vực Hồ Gươm và phụ cận được xây công trình cao không quá 16 m. Khu phố cũ, nhà được phép xây từ 4-6 tầng (16-22m); các khu vực hạn chế phát triển, nhà được xây từ 5-7 tầng (20-25m).

 Không gian đô thị ở phố cổ, phố cũ của Hà Nội được xác định chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị. Khu vực có công trình cao tầng, Thành phố Hà Nội ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích như cây xanh, bãi đỗ xe.

 Về quan điểm bảo tồn tại khu vực Hồ Gươm và phụ cận, Hà Nội bảo tồn hình ảnh đặc trưng với không gian mặt nước và cây xanh quanh hồ; bảo tồn, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan các công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng; bổ sung các công trình phục vụ tiện ích công cộng.

 Trong khu vực phố cổ, Hà Nội bảo tồn kiến trúc các tuyến phố hiện có, bảo tồn trục trung tâm thương mại kết hợp nhà ở truyền thống; cải tạo lõi bên trong các ô phố; bảo tồn các công trình công cộng quan trọng, không gian, kiến trúc truyền thống…

 

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

* Dantri.com.vn (23/3): Tắc giải ngân hơn 2.000 tỷ cho metro, Chủ tịch TPHCM "cầu cứu" Chính phủ

Năm 2020, dự án metro số 1 của TPHCM đã được phân bổ số vốn 2.185 tỷ đồng nhưng không được giải ngân. Năm 2021, dự án được phân bổ số vốn gần 2.500 tỷ đồng và hiện cũng chưa có cơ sở để giải ngân.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản khẩn kiến nghị Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh xem xét, chấp thuận chủ trì một buổi làm việc với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị vốn vay cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại của dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Theo UBND TPHCM, tổng khối lượng thực hiện của toàn dự án metro số 1 đạt 82,5%. Chủ đầu tư đang phối hợp với các tư vấn, nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu mục tiêu năm 2021 hoàn thành công tác thi công, lắp đặt thiết bị để chuẩn bị vận hành khai thác.

Những năm trước đây, do vướng mắc trong việc điều chỉnh dự án nên vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương không được bố trí đủ cho tuyến metro số 1. Do đó, UBND TP phải nhiều lần tạm ứng vốn từ ngân sách với số tiền hơn 4.100 tỷ đồng để thanh toán cho nhà thầu, tránh bị khiếu kiện.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Dự kiến, thời điểm hoàn thành công trình đưa vào khai thác là quý IV/2021.

Tuyến metro đầu tiên của TPHCM dài 19,7km (gồm 2,6km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao), với 14 nhà ga, trong đó có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.

 

* Thoibaotaichinhvietnam.vn (22/3): Cấp phát, thanh toán kinh phí đối với đơn vị sử dụng ngân sách

Bộ Tài chính cũng hướng dẫn, chi phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức ngân sách đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiến độ, khối lượng thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, phải đảm bảo nguyên tắc: Các khoản chi thanh toán cá nhân (lương, phụ cấp lương, trợ cấp xã hội,...) đảm bảo thanh toán chi trả từng tháng cho các đối tượng hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc chi trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương theo quy định tại Thông tư số 136/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Kho bạc Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đồng thời, chi các nguồn này phải đảm bảo trích nộp các khoản đóng góp (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn) kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật. Những khoản chi có tính chất thời vụ hoặc chỉ phát sinh vào một số thời điểm, thực hiện thanh toán theo tiến độ, khối lượng.

Trường hợp ngân sách địa phương đã được ứng trước dự toán bổ sung có mục tiêu vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, cần phải thu hồi trong dự toán bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương năm 2021, Bộ Tài chính thông báo cho Kho bạc Nhà nước trừ số ứng trước vào dự toán đầu năm đã giao cho địa phương. Phần dự toán còn lại thực hiện rút dự toán theo quy định đối với các khoản bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

Số đã ứng trước cho ngân sách địa phương được thu hồi như sau: Đối với số ứng trước theo hình thức lệnh chi tiền thì việc thu hồi số ứng trước cũng được thực hiện bằng hình thức lệnh chi tiền từ ngân sách trung ương. Đối với số ứng trước theo hình thức rút dự toán thì Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện điều chỉnh hạch toán từ ứng trước sang thực chi ngân sách trung ương và thực thu ngân sách địa phương cấp bổ sung từ ngân sách trung ương./.

 

* Laodong.vn (22/3): Mạnh tay xử lý trây ỳ nợ thuế để tránh hụt thu ngân sách

Khó khăn của doanh nghiệp khi kinh doanh trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp là điều không thể phủ nhận. Thế nhưng, điều đáng nói, đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế để trây ỳ, không nộp thuế vào ngân sách nhà nước.

 “Bêu” tên doanh nghiệp trây ỳ nợ thuế

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tổng số tiền nợ thuế do ngành Thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 28.2.2021 là 97.460 tỉ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2020; tăng 2,5% so với thời điểm ngày 31.12.2020. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình các cấp có thẩm quyền xử lý xóa nợ, miễn giảm, gia hạn, nộp dần tiền thuế) và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 28.2.2021 là 86.367 tỉ đồng (giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,8% so với thời điểm ngày 31.12.2020).

Nếu nhìn vào con số nợ thuế do ngành Thuế quản lý, đó là khoản tiền không hề nhỏ chút nào. Thực tế, thời gian gần đây, báo cáo của nhiều Cục Thuế cho thấy, tình trạng doanh nghiệp nợ thuế vẫn tồn tại lớn. Điển hình, Cục Thuế Đồng Nai vừa công bố danh sách 54 doanh nghiệp tư nhân và 13 doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhưng nợ thuế trây ỳ, với tổng số tiền thuế nợ gần 496 tỉ đồng.

Chặn tình trạng cố tình trây ỳ nợ thuế

Phân tích cụ thể về cơ cấu nợ thuế, Tổng cục Thuế chỉ ra, nợ tiền thuế có khả năng thu là 43.679 tỉ đồng (tăng 8,7% so với năm 2020); tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (người nộp thuế đã chết, tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh) là 24.900 tỉ đồng (giảm 44,4% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 4,3% so với tháng 1.2021).

Ngành Thuế cũng đang thực hiện rà soát, phân loại nợ, chuẩn hóa nợ thuế, phản ánh đúng tình trạng, bản chất của khoản tiền nợ thuế, phân tích nguyên nhân của từng đối tượng nợ thuế, đặc biệt rà soát, phân loại những người nộp thuế bị ảnh hưởng và những người nộp thuế không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trên cơ sở đó, ngành đề ra các giải pháp thu nợ phù hợp.

Đối với người nộp thuế không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng trây ỳ để nợ thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế chỉ đạo áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng để thu nợ thuế.

 

THẾ GIỚI

* Vov.vn (21/3): Nga cho phép sinh viên của 25 quốc gia, bao gồm Việt Nam được nhập cảnh

Bộ Giáo dục và Khoa học Nga cho biết, sinh viên, nghiên cứu sinh, sinh viên thuộc các khoa dự bị từ các nước có tình hình dịch tễ thuận lợi có thể trở lại học tập tại Nga. Trong danh sách này có 25 nước, bao gồm Việt Nam.

Danh sách các quốc gia có sinh viên có thể quay lại học tập được Cơ quan Kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng Nga tổng hợp và cập nhật, hiện tại bao gồm: Abkhazia, Azerbaijan, Armenia, Belarus, Việt Nam, Hy Lạp, Ai Cập, Ấn Độ, Kazakhstan, Qatar, Kyrgyzstan, Cuba, Maldives, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Seychelles , Serbia, Singapore, Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Thụy Sĩ, Ethiopia, Hàn Quốc, Nam Ossetia và Nhật Bản.

Vì vậy, sinh viên nước ngoài phải thông báo cho trường đại học ít nhất mười ngày trước ngày họ trở lại Nga. Ba ngày trước khi đến, họ cần phải xét nghiệm PCR và nếu kết quả âm tính thì phải nhận được giấy xác nhận bằng tiếng Nga hoặc tiếng Anh.

Trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh vào Nga, sinh viên nước ngoài phải xét nghiệm PCR lần thứ hai. Họ phải tự cách ly và học trực tuyến cho đến khi có kết quả. Sinh viên không thể quay trở lại việc học toàn thời gian mà không có xét nghiệm lần thứ hai. Nếu trong quá trình tự cách ly, các triệu chứng của Covid-19 xuất hiện, cần báo ngay cho trường đại học và gọi bác sĩ.

Hướng dẫn chi tiết từng bước những việc cần làm cho sinh viên nước ngoài, nghiên cứu sinh, sinh viên các khoa dự bị trước khi đến Nga và trong những tuần đầu tiên sau đó, sẽ được đăng trên trang web của các trường đại học và trên mạng xã hội của họ

 

* Vtv.vn (20/3): Thái Lan rút ngắn thời gian người nhập cảnh cách ly

Thái Lan vừa quyết định rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuống còn 10 ngày thay vì 2 tuần như hiện nay.

 Quy định này áp dụng từ 1/4, đối với những người nhập cảnh không có giấy chứng nhận tiêm chủng và giấy chứng nhận không mắc COVID-19. Còn những người có hai loại giấy trên thì sẽ cách ly 7 ngày.

 Thời gian cách ly 14 ngày sẽ được duy trì đối với những người đến từ các khu vực xuất hiện biến thể của virus SARS-CoV-2.

 Từ tháng 10 tới, biện pháp cách ly sẽ chỉ áp dụng đối với những người đến từ các khu vực cụ thể. Việc cách ly sẽ được thay thế bằng các thiết bị theo dõi và các biện pháp giám sát chặt chẽ.

 

* Vnexpress.net (23/3): Mỹ cân nhắc kế hoạch kinh tế 3.000 tỷ USD

Nguồn tin của Bloomberg cho biết chính quyền Biden đang cân nhắc các chính sách có quy mô lên tới 3.000 tỷ USD, sau gói 1.900 tỷ USD đầu tháng.

Đề xuất sẽ được trình lên Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này. Nguồn tin trên cho biết chương trình sẽ bao gồm các nỗ lực về cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu. Chính quyền Biden cũng đang nhắm đến việc chi khoảng 400 tỷ USD cho môi trường.

Kế hoạch còn đề cập đến đầu tư vào vốn nhân lực, với việc giảm học phí và các sáng kiến chăm sóc y tế cho nhóm thiểu số. Nguồn tin khác khẳng định với Bloomberg rằng sẽ còn có khoản dành cho chăm sóc người già, trẻ nhỏ.

Không như chương trình cứu trợ khẩn cấp trong Covid-19, kế hoạch này dài hạn hơn và sẽ bao gồm nỗ lực tăng nguồn thu cho chính phủ. Trong đó, chính sách nâng thuế với doanh nghiệp và người giàu sẽ là trọng tâm. Đây có thể là đợt tăng thuế lớn nhất kể từ thập niên 90.

Trước đó, Washington Post và New York Times đã đưa tin về chương trình 3.000 tỷ USD này. Gói này có khả năng chia làm 2 gói nhỏ để giảm rào cản tại Quốc hội. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa lâu nay vẫn khẳng định sẽ không ủng hộ nâng thuế và chi mạnh tay cho năng lượng tái tạo.

 

* Vtv.vn (21/3): Chính phủ Italy đã thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 32 tỷ euro (khoảng 38 tỷ USD) nhằm giảm thiểu tác động đại dịch COVID-19.

Các khoản hỗ trợ sẽ dành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng, cho an sinh xã hội và ngành y tế với chương trình tiêm chủng. Chính phủ nước này cũng gia hạn lệnh đình chỉ sa thải lao động tới cuối tháng 6.

Theo Thủ tướng Draghi, gói cứu trợ này chỉ hỗ trợ phần nào cho những doanh nghiệp đang chật vật vì đại dịch, song là điều tốt nhất mà chính phủ có thể thực hiện do ngân sách hạn hẹp.

Chính phủ Italy cũng quyết định gia hạn đến tháng 6 tới đối với việc đình chỉ sa thải lao động, dự kiến hết hiệu lực vào cuối tháng 3; một số lĩnh vực được gia hạn đến cuối tháng 10.

Các lao động thời vụ, nhân viên rạp hát và rạp chiếu phim cũng như ngành du lịch trượt tuyết cũng được nhận hỗ trợ.

Thủ tướng Draghi cho hay, chính phủ sẽ vay thêm tiền trong năm nay để cấp tài chính cho nhiều biện pháp kích thích kinh tế khác.

Xem chi tiết tại đây