VPUB – Đổi thay từ Nghị quyết “Tam nông” ở huyện Điện Biên

Dienbien.gov.vn - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hay còn gọi là Nghị quyết "Tam nông", bằng nhiều nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nông dân, khu vực nông thôn ở huyện Điện Biên đã có sự đổi thay toàn diện. Điều đáng mừng và có thể dễ dàng nhận thấy là: Quy mô, năng lực cũng như giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được đầu tư xây dựng và đời sống người dân không ngừng cải thiện.

Nông dân huyện Điện Biên thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và Nghị quyết số 14, ngày 12/11/2008 về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn của huyện Điện Biên đã thực sự đi vào cuộc sống. Nông dân đã tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi; xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của từng vùng và địa phương nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông, lâm, thủy sản của huyện Điện Biên, giai đoạn 2008 – 2018 đạt  trên 7%/năm;  giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác tăng từ 60 triệu đồng năm 2008 lên 95,5 triệu đồng năm 2018. Trong sản xuất nông nghiệp bước đầu đã hình thành 1 số vùng sản xuất hàng hóa, như: Vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại 12 xã vùng lòng chảo; vùng sản xuất ngô hàng hóa tại 3 xã Mường Nhà, Na Tông và Núa Ngam; vùng sản xuất rau mầu tại 2 xã Pom Lót và Noong Luống; vùng trông cây ăn quả và cây công nghiệp tại 4 xã Nà Nhạn, Nà Tấu, Pá Khoang và Mường Phăng. Toàn huyện có 19 trang trại được cấp giấy chứng nhận, trong đó có 7 trang trại chăn nuôi, 11 trang trại tổng hợp; 1 trang trại nuôi trồng thủy sản, với tổng vốn đầu tư phát triển trên 17 tỷ 400 triệu đồng. Bình quân tốc độ phát triển chăn nuôi, giai đoạn 2008 – 2018 đạt 5,7%/năm.

Ông Chu Văn Bách - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Thực hiện Nghị quyết TW7, khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ngành nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Điện Biên tập trung vào công tác phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân đến nay đã có bước phát triển mạnh mẽ theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi nội đồng được ưu tiên đầu tư đến nay đã đảm bảo được việc chủ động tưới tiêu 100% diện tích sản xuất lúa nước. Sản xuất lương thực đã có nhiều chuyển biến tăng cả quy mô diện tích, năng suất và sản lượng.

Cùng với thúc đẩy sản xuất, huyện Điện Biên thường xuyên quan tâm chỉ đạo đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; thực hiện lồng ghép các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; triển khai và thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở 25/25 xã; huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp các công trình điện, đường, trường, trạm. Kết quả, trong giai đoạn 2008 – 2018, tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM là 896 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của nhân dân là 95 tỷ đồng. Bằng sự đầu tư đúng hướng có trọng tâm trọng điểm, đến nay toàn huyện có 96% tuyến đường từ huyện đến trung tâm các xã được nhựa hóa, bê tông hóa. Đến hết năm 2018, huyện Điện Biên đã có 13 xã về đích nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 19,7 triệu đồng/năm. Tỷ lê hộ nghèo đa chiều giảm từ hơn 34,7% năm 2010 xuống còn 17,08% hiện nay.

Trên cơ sở kết quả đạt được, huyện Điện Biên đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp tăng khoảng 5%/năm; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn tăng 7%/năm; tổng sản lượng lương thực đến năm 2020 đạt trên 98 nghìn tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 900 kg/ người/ năm. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có 16/25 xã đạt chuẩn xã NTM; giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 2-3%, đến 2025 giảm hộ nghèo xuống dưới 10%, hộ có kinh tế khá giàu đạt 15%/tổng số hộ làm nông nghiệp. Tiếp tục củng cố phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững giá trị cao và an toàn thực phẩm. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, huyện Điện Biên tiếp tục tổ chức thực hiện các dự án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho các loại cây trồng, vật nuôi mà huyện có thế mạnh. Cùng với đó là tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng NTM giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn năm 2025. Xây dựng xã hội nông thôn có tình hình an ninh trật tự ổn định, đời sống văn hoá phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc/.

Ngọc Thủy