VPUB - Só Nặm Phạ Phốn nghi lễ đặc sắc của dân tộc Lào

Dienbien.gov.vn - Một trong những nét đặc trưng trong quá trình sinh sống đã phát triển hình thành nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Lào đó chính là lễ “sò nặm phạ phồn” hay còn gọi là “Lễ cầu mưa” được lưu giữ và bảo tồn tổ chức trong Tết té nước hay còn gọi là Bun Huột Nặm của dân tộc Lào. Bởi người Lào rất quý trọng nước mưa.

Lễ cầu mưa được bà con giao cho một đoàn người gồm những phụ nữ trong bản có tài ăn nói, khéo léo, biết đối đáp đi tới một số gia đình có uy tín, năm trước làm ăn gặp may mắn may mắn xin chủ nhà cho nước mưa và thức ăn

Lễ “Sò nặm phạ phồn” được dân tộc Lào bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên phục dựng từ năm 2013. Nghi lễ Sò năm phạ phồn có nghĩa là cầu xin trời mưa xuống để cây cối sinh trồi nảy lộc, bà con có nước sinh hoạt, sản xuất mùa mang bội thu. Trong lễ cầu mưa, mỗi gia đình cử 1 đến 2 nữ giới mặc trang phục truyền thống của dân tộc Lào tham gia, trong đó có một người chủ chòm có tài ăn nói, hát giỏi, biết đối đáp khéo léo. Theo phong tục của dân tộc Lào, những người tham gia nghi lễ “sò nặm phạ phồn” phải nhịn đói, mang theo một chiếc lồng gà đan bằng tre buộc vào một đòn cho 2 người có sức khỏe khiêng đến 1 số hộ gia đình trong bản khá giả làm ăn kinh doanh giỏi để xin nước, xin lộc.

Dọc đường đi đoàn phụ nữ thực hiện việc xin ăn từ những chủ hộ làm ăn khá giả, có uy tín trong cộng đồng (hay còn gọi là nhà trời) để lấy phúc và giáo dục con cháu về truyền thống dân tộc. Cũng là dịp để giới thiệu những tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi cho bà con dân bản học hỏi làm theo. Đến chân cầu thang của những gia đình làm ăn khấm khá, đoàn người dừng lại chỉnh đốn trang phục người chủ chòm thực hiện nghi lễ xin chủ nhà bằng câu “Hỡi then ông, then bà nhà có con trâu cái.v.v. cho đến câu cuối Hoa thơm mọc trên cát, hoa gửi người chia ly” sau đó chủ nhà té nước vào đoàn người ở dưới bằng những chậu nước đã được chuẩn bị sẵn ở đầu cầu thang với ý nghĩa là cho lộc. Trong lúc chủ nhà té nước, mọi người trong đoàn không được ai né tránh, phải vui vẻ hứng chịu, vì nước thấm càng nhiều sẽ càng được nhiều may mắn. Sau đó chủ nhà đại diện cho nhà trời sẽ ban lộc cho đoàn người xin nước là mân lễ gồm: hoa quả, bánh kẹo, xôi, bánh trưng, vôi, nến... Cứ thế đoàn sẽ đi hết nhà này sang nhà khác. Bà Lường Thị Sao May - Bản Na Sang I, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên nói: Nghi lễ sò nặm phạ phồn đã được lưu giữ từ thời cha ông để lại, tức là cứ đến tháng 4 dương lịch hàng năm, bà con nhân dân vào vụ làm ruộng, sợ trời không mưa vào ruộng nương không có nước, sợ năm ấy mất mùa không có gạo ăn, vì thế những người già làng trong bản tiến hành nghi lễ xin nước mưa, xin lúc nào là được lúc nấy, nên đến thời nay mỗi khi tổ chức lễ hội dù kết quả như thế nào thì chúng tôi vẫn cảm thấy rất yên tâm và vui vẻ đợi chờ những cơn mưa xuống bản làng, phong tục này vẫn đang được lưu giữ và bảo tồn qua các thế hệ và được thể hiện phong phú qua mỗi lần tổ chức lễ hội

Khi kết thúc buổi xin nước mưa từ các nhà khá giả, đoàn sẽ khiêng lồng gà, các lễ vật xin được ra suối, tìm một mỏm đá bằng phẳng để đặt đồ lễ, bà mo bắt đầu khấn mời thần sông, suối về hưởng lễ cùng bản. Đồ lễ xin được tuyệt đối không được mang về bản mà phải ăn hết ở suối, nếu ăn không hết phải ném xuống suối. Khi ăn uống xong, mọi người xuống suối té nước vào nhau thỏa thích rồi cùng nhau về nhà thay bộ váy áo đẹp để vào hội, ăn uống và chúc phúc cho nhau.

Lễ “Sò nặm phạ phồn” là một nghi lễ bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Lào. Đây là nghi lễ gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, mang đậm triết lý nhân sinh, không chỉ là lễ tạ ơn các thần linh, tổ tiên mà còn là lễ cầu mùa, cầu phúc để đồng bào dân tộc Lào gắn kết cùng nhau lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn./.

Ngọc Thủy