VPUB - Chuyển biến tích cực sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Dienbien.gov.vn - 10 năm qua, phát huy những giá trị Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Điện Biên, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh đã phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới về công nghệ và quản lý để cung cấp những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao; cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân cũng đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyền lợi của mình đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; coi đó là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Siêu thị Hoa Ba - một trong những điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh được người tiêu dùng tin cậy.

Ngay sau khi có Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức quán triệt, triển khai nội dung thông báo kết luận đến cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh; đồng thời ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban vận động. Hàng năm, căn cứ chương trình, kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng kế hoạch thực hiện Cuộc vận động làm cơ sở cho các thành viên Ban vận động tổ chức thực hiện các các nội dung của Cuộc vận động gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Để cuộc vận động thực sự đi vào đời sống, các cấp, ngành trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Cuộc vận động nhằm vận động các các đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng Cuộc vận động tại 30 cụm điểm khu dân cư; tuyên truyền lồng ghép tại các buổi họp khu dân cư, sinh hoạt các hội, nhóm, câu lạc bộ nhằm vận động các tầng lớp nhân dân thay đổi nhận thức và hành vi trong tiêu dùng theo hướng ưu tiên sử dụng các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam. Đã phát sóng trên 3.630 tin, bài trên sóng phát thanh, truyền hình bằng tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Mông… góp phần nâng cao nhận thức của người dân về hàng Việt Nam, nhận thức đúng về chất lượng, giá thành sản phẩm; tuyên truyền trên cả 4 ấn phẩm báo in và Báo Điện tử đưa thông tin về các chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa…

Song song với việc tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cũng thường xuyên phối hợp, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại trên địa bàn tích cực hưởng ứng Cuộc vận động, sản xuất các loại hàng hóa chất lượng, phát triển mạng lưới phân phối, hướng về thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp để người tiêu dùng biết, lựa chọn, mua sắm thông qua việc tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, quảng bá giới thiệu sản phẩm địa phương; triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389 về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. 

Đặc biệt, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng hàng hóa nội địa trong mua sắm công, trang thiết bị văn phòng và thi công các hạng mục công trình từ nguồn vốn ngân sách cấp; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe, thương mại để hỗ trợ Nhân dân lựa chọn, tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ đạt hiệu quả; tổ chức tuyên truyền, vận động giới nữ hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động gắn với phong trào “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”; phát động đăng ký thi đua thực hiện Cuộc vận động gắn với Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng; mở hàng trăm lớp tập huấn hướng dẫn phát triển kinh tế, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cho Nhân dân, đồng thời tạo điều kiều kiện giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Tại các địa phương trong tỉnh cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung cuộc vận động tới cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc với nhiều hình thức như thông qua phương tiện thông tin, các cuộc họp, hội nghị, Hội thảo, sinh hoạt Chi, Đảng bộ, kết hợp tuyên truyền qua các lớp tập huấn, các cuộc đối thoại với người dân…; tổ chức phát động hưởng ứng cuộc vận động và định hướng mua sắm tài sản, sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất, có thương hiệu Việt, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển. Thông qua công tác tuyên truyền, người tiêu dùng đã dần hình thành thói quen quan tâm lựa chọn, mua sắm hàng Việt, tạo động lực cho người sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong nước nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đối với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó chú trọng cải cách hành chính; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn. Tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường. Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao bước đầu được hình thành; tăng cường công tác khảo nghiệm, sản xuất thử các giống cây trồng nông nghiệp mới để lựa chọn những giống thích nghi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh để nhân rộng. Tổ chức triển khai thực hiện 62 đề án hỗ trợ đào tạo nghề với 3.995 lao động được đào tạo, truyền nghề đồng thời hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất.

Hàng năm, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh đã xây dựng các chương trình hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường. Điển hình như các chương trình xúc tiến thương mại hàng năm; tổ chức các lớp tập huấn thương mại điện tử cho cán bộ quản lý doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; xây dựng 02 điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh mở rộng giao thương, trao đổi mua bán hàng hóa với các vùng miền khác nhau trên cả nước… Bên cạnh đó, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ngày càng được nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện; hàng Việt dần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân và người tiêu dùng mua sắm và hưởng các dịch vụ chăm sóc khách hàng có chất lượng, giá cả hợp lý.

Theo đánh giá, 10 năm qua hoạt động Thương mại dịch vụ phát triển ổn định, hệ thống phân phối hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi lưu thông hàng hóa và mua sắm của người dân. Thị trường được kiểm soát ổn định, hệ thống hạ tầng thương mại có bước phát triển, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm tra, quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được đẩy mạnh. Các lực lượng chức năng như Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Kiểm dịch động thực vật, Thanh tra chuyên ngành...  tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn việc buôn bán hàng cấm, kinh doanh nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả… nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, nâng cao sức mạnh của hàng hóa nội địa.

Kết quả qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã tích cực xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động; chỉ đạo, hướng dẫn các cấp triển khai thực hiện Cuộc vận động tại các địa phương. Các thành viên Ban chỉ đạo căn cứ chức năng nhiệm vụ đã chủ động tổ chức thực hiên Cuộc vận động bằng những hoạt động cụ thể. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tiềm năng, thế mạnh và vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện Cuộc vận động. Thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, chú trọng đổi mới công nghệ và quản lý nhằm cung cấp ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chiếm lĩnh thị trường nội địa, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Nhận thức của người tiêu dùng, cơ quan, tổ chức, đơn vị về trách nhiệm và quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa có chất lượng thương hiệu Việt, đặc biệt các sản phẩm, hàng hóa có chất lượng sản xuất tại tỉnh, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng trên địa bàn.

Song bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế, như việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Cuộc vận động của cấp ủy, chính quyền tại một số địa phương chưa thường xuyên, sâu sát; công tác tuyên truyền Cuộc vận động chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… vẫn còn diễn ra trên thị trường; gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, làm giảm uy tín chất lượng của hàng Việt.

Theo ông Lò Văn Mừng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động lý giải, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng và ý nghĩa của Cuộc vận động. Công tác quản lý nhà nước về thương mại dịch vụ trong điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay còn nhiều bất cập. Do chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, hàng hóa nước ngoài dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam với chất lượng cao, đa dạng hình thức, mẫu mã, giá cả hợp lý. Hơn nữa Điện Biên là tỉnh nghèo, địa bàn chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống còn nhiều khó khăn... nên việc triển khai, thực hiện và hưởng ứng Cuộc vận động có lúc, có nơi còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Để phát huy những kết quả trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã đề ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, quản lý nhà nước về thương mại và dịch vụ trên địa bàn. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra thực hiện Cuộc vận động ở các cấp, các ngành và ở địa phương, cơ sở, doanh nghiệp. Gắn nội dung Cuộc vận động với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, của cán bộ, đảng viên trong thực hiện Cuộc vận động, gương mẫu đi đầu trong mua sắm, ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt. Bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá đối với một số mặt hàng thiết yếu để hàng Việt Nam đến được với người tiêu dùng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới…/.

Lan Phương