VPUB - Thành phố Điện Biên Phủ xây dựng thư viện chuẩn, thư viện thân thiện ở cấp tiểu học

Dienbien.gov.vn - Trong những năm qua, bên cạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng học sinh và đầu tư các cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trên địa bàn, việc việc đầu tư xây dựng thư viện chuẩn, thư viện thân thiện tại các trường Tiểu học đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.Điện Biên Phủ quan tâm, chú trọng. Hoạt động trên không chỉ góp phần hình thành môi trường văn hóa học đường, khơi nguồn và thỏa mãn những nhu cầu về thông tin, tri thức và còn nâng cao chất lượng giảng dạy và học, xây dựng niềm đam mê đọc sách, khả năng tự học, tự tìm hiểu khám phá kiến thức cho học sinh.

Thư viện thân thiện tại trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ.

Để làm được điều đó, trong những năm qua, Phòng GD&ĐT TP.Điện Biên Phủ đã đề ra và thực hiện một số giải pháp trọng tâm cụ thể như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; tích cực bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhất là công tác truyền thông, xã hội hóa thư viện… Qua đó đã tập trung chú trọng việc đầu tư xây dựng thư viện theo các tiêu chuẩn thư viện chuẩn quốc gia; tu sửa nâng cấp, tôn tạo cảnh quan xây dựng thư viện, thư viện thân thiện cho 9/9 đơn vị trường tiểu học; cung ứng đầy đủ, kịp thời các trang thiết bị cho hoạt động của thư viện. Hàng năm bổ sung các đầu sách báo, tài liệu tham khảo, tủ sách pháp luật, sách Bác Hồ... cho thư viện các trường; nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý các trường về vai trò của thư viện trường học và văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, phòng GD&ĐT TP.Điện Biên Phủ đã thường xuyên tạo điều kiện tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ thư viện về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nắm bắt đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, thuyết phục và định hướng đọc, kể chuyện, kỹ năng hướng dẫn, tuyên truyền, khơi dậy trí tò mò và sự sáng tạo của học sinh giúp cho quá trình hình thành và phát triển hứng thú đọc, kỹ năng đọc và nhu cầu đọc của học sinh; đồng thời cán bộ thư viện phải không ngừng đổi mới phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của thư viện nhà trường.

Để việc xây dựng thư viện đạt hiệu quả và thu hút đối với các em học sinh, nhất là học sinh cấp Tiểu học, phòng GD&ĐT đã linh hoạt trong việc bố trí sắp xếp các góc đọc, tránh cho học sinh bị nhàm chán: thư viện góc lớp, thư viện cây xanh, thư viện đa năng, thư viện tự quản, giờ kể chuyện tại thư viện. Sân khấu hóa các hình thức đọc sách: tổ chức thi kể chuyện, thi đọc sách, xây dựng hoạt cảnh, kể theo phân vai nhân vật… để xây dựng mô hình thư viện thân thiện. Đối với thư viện đạt chuẩn thì cần thiết phải chọn vị trí đặt thư viện ở nơi thuận tiện trong nhà trường, thư viện đảm bảo diện tích tối thiểu là 50m2 để làm phòng đọc và kho sách đảm bảo đủ điều kiện cho thư viện hoạt động. Thư viện được trang trí thân thiện, đẹp mắt, đủ ánh sáng, có thể trang trí theo các chủ đề khác nhau theo từng thời điểm trong năm học để tạo cho các em học sinh niềm hứng khởi mỗi khi bước vào thư viện.

Bên cạnh đó, các thư viện đều có lịch hoạt động chi tiết, cụ thể, có lịch mượn trả sách cho tất cả các khối lớp, có thời khóa biểu tiết đọc thư viện của tất cả các lớp. Tiết đọc thư viện được triển khai đúng thời khóa biểu, tiết đọc thư viện được tổ chức hàng tuần giúp học sinh có thời gian được nghe thầy cô giáo đọc sách và từ đó tạo sự yêu thích, niềm đam mê đọc sách cho các em. Đồng thời, tất cả các loại ấn phẩm trong thư viện đều được đăng ký, mô tả, phân loại, tổ chức phụ lục, sắp xếp theo đúng nghiệp vụ thư viện; lên đầy đủ danh mục sách, truyện để cán bộ, giáo viên, học sinh tiện theo dõi và mượn đọc; có kệ riêng để sách truyện thiếu nhi, sách được phân loại theo trình độ đọc, học sinh dễ dàng tìm sách phù hợp với trình độ đọc của mình và tự lấy được sách để đọc.

Ngoài ra, đơn vị đã làm tốt công tác phối hợp với các trường thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, xã hội hóa thư viện, qua đó đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm đến các cấp quản lý, giáo viên, cán bộ thư viện, phụ huynh học sinh và cộng đồng về mục tiêu, ý nghĩa của việc xây dựng văn hóa đọc thông qua hình thành thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học; tuyên truyền và xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường cũng như trong cộng đồng; lồng ghép các nội dung và tích hợp trong chương trình giáo dục các nội dung kiến thức theo định hướng đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới. Tranh thủ sự hỗ trợ của các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức, chương trình thiện nguyện đã tặng, tài trợ sách, học bổng cho học sinh và phối hợp chặt chẽ với Hội cha mẹ học sinh, các đoàn thể, cán bộ giáo viên trong nhà trường trong công tác xã hội hóa thư viện. Tổ chức liên kết, trao đổi sách, truyện giữa các trường trên cùng địa bàn để làm phong phú nguồn sách, truyện trong thư viện trường.

Để bảo đảm các mô hình thư viện hoạt động hiệu quả, hàng năm Phòng GD&ĐT đã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động thư viện của các đơn vị trường. Nội dung kiểm tra đề cập đến công tác quản lý thư viện, tổ chức hoạt động của thư viện, nghiệp vụ công tác thư viện, cơ sở vật chất của thư viện, các loại sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa có trong thư viện cũng như hiệu quả sử dụng các thiết bị đã được trang cấp. Kiểm tra, tư vấn cho các trường về các giải pháp xây dựng thư viện thân thiện phù hợp điều kiện thực tế từng đơn vị trường.

Kết quả, năm học 2017 - 2018, công tác xây dựng thư viện thân thiện, thư viện chuẩn của giáo dục tiểu học TP. Điện Biên Phủ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: nhiều thư viện truyền thống đã thay đổi hình thức và phương thức hoạt động, trở thành điểm đến mong chờ của học sinh. Thư viện thân thiện được triển khai thực hiện tại 9/9 trường tiểu học với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, và sự tham gia của phụ huynh học sinh như “thư viện lớp học”; “thư viện di động”; “thư viện xanh” và “thư viện đa năng”. Qua các hình thức trên đã tạo ra một không gian mở tối đa, giúp học sinh tiếp cận và đọc sách với tâm lý nhẹ nhàng, tự nhiên, thú vị và đầy hứng khởi.

Đặc biệt trong năm học 2017 - 2018, thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT về hướng dẫn hoạt động thư viện trong trường phổ thông, thí điểm xây dựng thư viện đạt chuẩn đối với trường tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ, phòng GD&ĐT TP. Điện Biên Phủ đã triển khai thực hiện xây dựng 2 thư viện tại trường Tiểu học Hà Nội - ĐBP và thư viện trường Tiểu học Him Lam đạt các tiêu chuẩn của thư viện chuẩn theo quy định. Trong đó đã rà soát, đối chiếu theo quy định để cấp bổ sung đầy đủ các loại sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa; đầu tư về cơ sở vật chất… Cụ thể, đã xây dựng phòng thư viện trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ có diện tích 80m2 với 523 đầu sách với 5.269 cuốn sách truyện các loại; xây dựng thư viện trường Tiểu học Him Lam có diện tích 59m2 với 675 đầu sách với 8.653 cuốn sách truyện các loại. Bên cạnh đó các thư viện còn được trang cấp các thiết bị như bàn ghế, máy tính, đài catset, Tivi… nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả thư viện trong các hoạt động dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh trong thời gian tới./.

Lan Phương