VPUB - Thành phố Điện Biên Phủ đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS

Dienbien.gov.vn - Theo thống kê của Trung tâm Y tế Thành phố Điện Biên Phủ, Tính đến 20/11/2017, toàn TP. Điện Biên Phủ đã có 838 người nhiễm HIV, nguyên nhân chủ yếu do tiêm chích ma túy dùng chung bơm kim tiêm, lây nhiễm qua đường tình dục không an toàn. Trước tình trạng trên, TP. Điện Biên Phủ đã triển khai nhiều giải pháp, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chủ động phòng tránh HIV/AIDS.

TP. Điện Biên Phủ tổ chức diễu hành cổ động hưởng ứng “Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS”.

Ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND TP.Điện Biên Phủ, Trưởng BCĐ Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TP. Điện Biên Phủ,  cho biết: “Hiện tại, TP. Điện Biên Phủ có 838 trường hợp nhiễm HIV, đến thời điểm này còn sống và quản lý là 334 người, 684 người chuyển sang giai đoạn AIDS, trong đó số bệnh nhân AIDS còn sống là 180 người và 504 người tử vong. Hiện nay tại 9/9 xã, phường trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ có người nhiễm HIV, rải rác ở 105/165 phố bản, cụm dân cư”. Hiện nay, đối tượng lây nhiễm HIV tại Thành phố đang có xu hướng trẻ hóa, với gần 60% tổng số người nhiễm HIV còn sống nằm trong độ tưổi 20 - 39; đang có sự chuyển đổi về mô hình lây nhiễm HIV, trong đó nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy có chiều hướng giảm rõ rệt và lây nhiễm qua đường tình dục không an toàn đang chiếm ưu thế. Những số liệu thống kê nêu trên cho thấy dịch HIV/AIDS tại thành phố vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu  giảm số ca nhiễm mới, đường lây trường có xu hướng tăng ở nhóm người tình dục không an toàn ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó kiến thức về phòng, chống lây nhiễm HIV ở một bộ phận người dân còn rất hạn chế. 

Đứng trước tình hình đó, để giảm thiểu số trường hợp lây nhiễm, hàng năm, TP. Điện Biên Phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường phối hợp với ngành Y tế tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV; hệ thống phòng chống HIV/AIDS không ngừng được kiện toàn, tăng cường về số lượng và chất lượng; công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được đẩy mạnh; các hoạt động dự phòng chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm HIV như uống Methadone, ARV cũng đã được triển khai mở rộng với sự tài trợ của các tổ chức Quốc tế như Dự án FHI, Quỹ toàn cầu, Dự án CCRD, PATH…

Thực tế cho thấy, hiện nay tình hình nghiện ma túy và sự lây lan của đại dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Các địa phương trong tỉnh nói chung và TP. Điện Biên  Phủ nói riêng vẫn còn nhiều nguy cơ đáng lo ngại. Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm y tế thành phố phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tiếp tục mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Đặc biệt mở rộng xét nghiệm HIV sớm để phát hiện người nhiễm HIV nhằm đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Người nhiễm HIV và gia đình cần tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tự cởi bỏ sự tự kỳ thị với bản thân, cùng toàn xã hội phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử./.

Thanh Tâm