VPUB – Điểm sáng vùng biên

Dienbien.gov.vn - Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung hơn 400 km, trong đó: Đường biên giới tiếp giáp với Lào là 360 km; với Trung Quốc là 40,86 km; có đường giao thông đi các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Những năm qua, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung và xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia nói riêng có bước phát triển mới, đặt ra yêu cầu đòi hỏi cao hơn về nhiều mặt. Việc tuyên truyền giáo dục tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là yêu cầu cấp thiết.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà người dân "vùng biên giới" đã nâng cao ý thức, tăng gia sản xuất và tự nguyện cùng cán bộ Biên phòng tuần tra biên giới.

Điểm sáng tại “vùng đất 3 không”

Nằm ở vị trí chóp cùng của cực Tây Tổ quốc, xã Sín Thầu lâu nay được biết đến như một “ngôi sao” của huyện biên giới Mường Nhé. Trong câu chuyện, đồng chí Pờ Mý Lế, Bí thư Đảng ủy xã và cũng là một người con của Sín Thầu không khỏi tự hào: “Hiếm có vùng đất nào bình yên như Sín Thầu. Ban đêm, nếu không sợ lạnh thì cũng chẳng cần phải chốt cửa, cài then, tài sản của gia đình để đâu sáng mai cứ nguyên vẹn ở đấy. Mỗi người dân Hà Nhì ở đây là một chiến sỹ trên mọi mặt trận, tự ý thức bảo vệ an ninh trật tự, ý thức đánh dấu chủ quyền quốc gia trên mỗi tấc đất biên cương. Đó là lý do nhiều năm liền, Sín Thầu chúng tôi nổi tiếng với danh xưng “vùng đất 3 không”: Không tệ nạn, không di cư tự do và không sinh con thứ 3”.

Lý giải cho kết quả đầy tự hào ấy, theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, trong đó có đóng góp rất lớn của Đồn Biên phòng A Pa Chải, với vai trò là tham mưu về chủ trương, định hướng và trực tiếp phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự, và đặc biệt là giữ vững chủ quyền biên giới. Các chương trình phối hợp, giao lưu văn nghệ, thể thao giữa BĐBP với đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các thôn bản thường xuyên được tổ chức đã góp phần gắn chặt thêm tình đoàn kết giữa quân – dân. Người dân đã tự ý thức được vai trò, nhiệm vụ và cả trách nhiệm của bản thân đối với vùng đất mình đang sống. Hàng năm, 100% các hộ dân ở Sín Thầu đều tự nguyện đăng ký tham gia phong trào tự quản an ninh trật tự; đã có hàng trăm đợt tuần tra biên giới được thực hiện. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2017 có 15 đợt tuần tra biên giới và khu vực trọng điểm được tổ chức, với sự góp mặt của 68 lượt người.

Chạy dọc theo chiều dài của dòng Mo Phí quanh năm róc rách chảy, giờ đây là hình ảnh hơn 300 nếp nhà của gần 1.400 đồng bào Hà Nhì quần tụ bên nhau đầm ấm. Con đường nhựa nối liền trung tâm xã Sín Thầu, thẳng hướng lối mở A Pa Chải đi qua các bản A Pa Chải, Tá Miếu như minh chứng: Con đường nông thôn mới, đường của no ấm đã chạm đến từng ngõ bản.

Tự tin làm theo Bộ đôi Biên phòng

Không có vị trí “đắc đạo” như Sín Thầu (Mường Nhé), nhưng bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) cũng được đánh giá là địa bàn có nhiều thuận lợi khi nằm ngay trên tuyến quốc lộ 12. Trước đây, vùng đất này là một trong những địa bàn “nóng” về tệ nạn xã hội và vi phạm trật tự an ninh. Với đa phần số hộ thuộc diện thiếu đói, trong khi đó bà con lại có tâm lý ỷ lại vào các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền mà chưa chịu khó lao động sản xuất. Ông Lò Văn Tiến, Phó trưởng bản cho biết: “Cuộc sống của người dân bản Mường Pồn 1 xưa nay chủ yếu phát triển kinh tế từ trồng lúa, trồng ngô và nuôi trồng thủy sản. Trước đây dù có lao động quanh năm ngày tháng cũng không đủ ăn. Thế nhưng từ khi được cán bộ biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn, người dân trong bản đã có ý thức tích cực lao động, và biết cách sản xuất, cuộc sống vì thế thay đổi từng ngày”.

Đứng chân trên địa bàn xã Mường Pồn, huyện Điện Biên từ năm 2007, Đồn Biên phòng Mường Pồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 31 km đường biên giới, với 15 cột mốc chủ quyền trên tuyến biên giới Việt – Lào, thuộc địa phận 2 xã Mường Pồn và Hua Thanh. Nhằm phát huy tốt vai trò của nhân dân trong tham gia tuần tra, bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự trên khu vực biên giới, Đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Pồn luôn xác định công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng là nhiệm vụ xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Cùng với việc cử cán bộ tăng cường cho 2 xã trên địa bàn, hàng năm, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Pồn còn thường xuyên tham mưu và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tốt các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Toàn xã Mường Pồn hiện có hơn 1.000 hộ dân, với hơn 4.800 nhân khẩu sinh sống ở 12 thôn, bản. Mặc dù nằm ở vị trí thuận tiện về giao thông và thông thương, giao lưu buôn bán hàng hóa, song người dân lại thiếu kiến thức và các phương thức sản xuất. Xác định điều này, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Pồn đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã tổ chức xuống bản để vận động bà con bỏ lối canh tác cũ thiếu hiệu quả; chú trọng sản xuất, canh tác theo tiến bộ khoa học kỹ thuật. Để tạo sự tin tưởng đối với nhân dân, cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã trực tiếp “bắt tay” cùng làm; đồng thời phát huy tối đa vai trò của các già làng, trưởng dòng họ và người có uy tín ở cơ sở.

 “Từ tin, làm theo BĐBP, cuộc sống người dân Mường Pồn đã dần ổn định và ngày một phát triển hơn. Song thay đổi lớn nhất chính là việc người dân trên địa bàn đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế. Cũng nhờ công tác tham mưu của BĐBP, hiện xã đang xây dựng nội quy để phát triển kinh tế ổn định và phấn đấu xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu trong năm 2017 của xã là lương thực bình quân đầu người đạt 433kg/người/năm; tổng thu ngân sách ước thực hiện hơn 5 tỷ đồng; thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa...” – ông Lù Văn Mấng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Pồn nhận định.

Đến Mường Pồn hôm nay sẽ bắt gặp khung cảnh bản làng ấm no, trù phú. Những cánh đồng lúa xanh ngắt đang độ lên đòng, những nếp nhà sàn khang trang nằm hai bên đường, dưới chân đèo Cò Chạy hay bên những sườn đồi thấp thoáng. Trong những ngôi nhà sàn được tô điểm bằng màu vàng đậm của ngô vụ mới treo khắp lan can, góc bếp và trần nhà. Những quả đồi được phủ bởi rừng cây cao su...

Cũng giống như Mường Pồn (Điện Biên), hay Sín Thầu (Mường Nhé), nhiều xã, bản khác khắp các miền biên viễn Điện Biên hôm nay đã và đang phát triển từng ngày. Những “ngôi sao” sáng về văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh biên giời ấy đã và đang góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc hơn từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

Tuyết Anh