VPUB - Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh năm 2017 sẽ diễn ra từ 10/11 - 10/12

VPUB - Ban Chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 3036/KH-BCĐ ngày 16/10/2017 về triển khai Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh năm 2017 với chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020” sẽ diễn ra từ ngày 10/11 - 10/12/2017 .

Tháng Hành động nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, hướng tới các mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nói chung và lợi ích của xét nghiệm HIV sớm nói riêng. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động  phòng, chống HIV/AIDS. Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn để tổ chức các hoạt động: hội nghị, hội thảo về các chủ đề Xét nghiệm HIV tại cộng đồng; đánh giá việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90 để hướng tới kết thúc AIDS; huy động và đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh Quy định định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế và chi phí cùng chi trả sử dụng thuốc kháng vi rút HIV đối với người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Điện Biên; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; chống kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng, tại trường học, cơ sở y tế và nơi làm việc; chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2012 – 2020. Tổ chức gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng; lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm; lợi ích điều trị sớm HIV/AIDS; lợi ích của bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV, vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh. Các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả như: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng do cán bộ y tế và nhân viên cộng đồng thực hiện, mô hình trong dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và chống kỳ thị phân biệt đối xử, các mô hình mà người nhiễm HIV chủ động vươn lên làm chủ trong phòng, chống HIV/AIDS và giúp nhau trong cuộc sống.

Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 tại địa phương (thực hiện trước hoặc trong ngày 10/11/2017). Các huyện, thị xã, thành phố và xã/phường/thị trấn tổ chức Lễ mít tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2017 vào ngày cuối tuần (ngày 25-26/11) hoặc Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12/2017). Ngoài Lễ mít tinh, căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương có thể tổ chức các sự kiện phối hợp như diễu hành hoặc quần chúng đi bộ, đạp xe, chạy, trưng bày, triển lãm, ca nhạc, biểu diễn kịch, truyền thông lưu động hoặc các sự kiện gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS tập trung vào các nội dung: Lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm và xét nghiệm định kỳ với nhóm có hành vi nguy cơ cao; Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV: Lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV, sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Điều trị bằng thuốc ARV: Lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV, Lợi ích tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; quảng bá các dịch vụ điều trị ARV tại địa phương...; Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS: Sự cần thiết, quyền lợi, mức đóng, mức hưởng và thủ tục tham gia cũng như cách sử dụng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS; Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; Giới thiệu, quảng bá rộng rãi các dịch vụ xét nghiệm HIV; dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương, đơn vị.

Cần linh hoạt và triển khai đa dạng phong phú các hình thức truyền thông phù hợp với nguồn lực sẵn có của từng địa phương, như: Truyền thông trực tiếp (Truyền thông với cá nhân, truyền thông nhóm, thăm gia đình người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao; tư vấn tại các cơ sở y tế; tổ chức sinh hoạt của các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm tự lực, các nhóm giáo dục đồng đẳng); Truyền thông đại chúng: (Ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo điện tử trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường truyền thông qua các chương trình giải trí trên truyền hình, các phóng sự, các chương trình quảng cáo, các chương trình toạ đàm... Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải tin, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương như Đài Phát thanh và Truyền hình, báo in, báo điện tử); Tăng cường truyền thông trên hệ thống mạng xã hội và các trang thông tin điện tử; Truyền thông lưu động, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức các đêm giao lưu văn nghệ truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, nhất là ở xã, phường, thôn/bản; Tổ chức các sự kiện truyền thông có sự tham gia của người nhiễm HIV và gia đình; của các nhà lãnh đạo, người nổi tiếng và lãnh đạo cộng đồng; Phát triển và phổ biến các phương tiện và tài liệu truyền thông; treo băng rôn tại các địa điểm công cộng có đông người qua lại như các trục đường giao thông chính, các bến xe, công viên; cửa ngõ thành phố, xã phường, thôn/bản và cổng các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện; phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS./.

Thanh Tâm