Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 08 đến ngày 09 tháng 9 năm 2017

PHẦN I- TIN ĐIỆN BIÊN

* Tiền Phong (8/9): Nâng cấp sân bay Điện Biên

Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa vừa ký phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không (CHK, sân bay) Điện Biên.

Theo đó, CHK Điện Biên được quy hoạch là CHK nội địa có hoạt động bay quốc tế, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Giai đoạn đến năm 2020, cảng có công suất 300.000 hành khách/năm và 500 tấn hàng hóa/năm, với 3 vị trí đỗ tàu bay phục vụ các loại tàu bay A320, A321 và tương đương.

Với hạ tầng hiện có, sân bay Điện Biên này chỉ có thể khai thác được tàu bay ATR72 và tương đương trở xuống, không lắp đặt được đèn đêm và các trang thiết bị dẫn đường hiện đại. Trong khi đó, tàu bay ATR72 ngày càng ít sử dụng, số lượng tàu bay hạn chế, khó khăn trong cất hạ cánh khi thời tiết.

 

* Báo Điện Biên Phủ (8/9): Giải ngân hơn 242,4 tỷ đồng Dự án Hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TP. Điện Biên Phủ

Dự án Hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TP. Điện Biên Phủ triển khai thực hiện từ tháng 5/2015 với tổng mức đầu tư hơn 274,3 tỷ đồng. Với mục tiêu cải tạo hệ thống thoát nước chung hiện có nhằm hạn chế tình trạng ngập úng tại khu vực nội thành của TP. Điện Biên Phủ. Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cho khu vực nhằm từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt gây ra. Đến nay, dự án đã giải ngân được hơn 242,4 tỷ đồng (trong đó, trên 222,4 tỷ đồng là vốn ODA và 22,1 tỷ đồng là vốn đối ứng).

Hiện dự án đang điều chỉnh mạng cấp điện nội bộ nhà máy và bổ sung hệ thống quan trắc nước thải. Dự kiến từ quý III/2017 bắt đầu đấu nối cho các hộ dân vào trong hệ thống mạng lưới thoát nước thải của dự án; đồng thời tiến hành chạy thử, đào tạo và chuyển giao công nghệ, bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2017 (thời gian thực hiện dự án đến 31/12/2017). Tuy nhiên đến nay công tác giải phóng mặt bằng khu vực nhà máy xử lý nước thải vẫn chưa hoàn thành theo kế hoạch do vướng 1 hộ dân bị thu hồi đất phục vụ thi công đường vào nhà máy xử lý nước thải nhưng chưa bàn giao mặt bằng.

 

* Báo Điện Biên Phủ (8/9): Khi người nghèo không muốn thoát nghèo

Với nhiều giải pháp và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh, chính sách giảm nghèo thực sự đã đi vào cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh giảm đáng kể, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí có đời sống khấm khá. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa thực sự muốn thoát nghèo hoặc đã thoát nghèo nhưng vẫn muốn được là hộ nghèo để hưởng lợi…

Trong một lần thâm nhập cơ sở, tôi tình cờ phát hiện một mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng khá quy mô, nằm sâu trong chân núi tại một bản. Bên sườn đồi là hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, với khoảng 50 con lợn thịt đã đến độ xuất chuồng và hàng nghìn con gà thịt, vịt siêu trứng. Phía dưới là khe suối được cải tạo ngăn lại thành hệ thống ao khá bài bản và bốn bề ao cá là hàng trăm gốc chuối tây đang trổ buồng sai trái…

Chủ trang trại phấn khởi cung cấp thông tin và nhiệt tình hướng dẫn tôi tham quan mô hình VAC của gia đình. Trong lúc vui vẻ cung cấp thông tin và trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi với phóng viên thì chị vợ bỗng ngây người, như sực nhớ ra điều gì đó bất lợi. Nỗi lo lắng chợt ùa về, và chị đã đổi ý, kiên quyết không đồng ý cho phóng viên viết bài tuyên truyền trên báo. Sau cả hồi gặng hỏi lý do, chị rụt rè, nói: “Nếu chị đăng lên báo mô hình làm kinh tế của nhà em, chính quyền xã mà biết thì gia đình em sẽ bị mất hộ nghèo!”. Và theo chị nếu mất hộ nghèo thì gia đình sẽ mất rất nhiều thứ, như: không được cấp thẻ bảo hiểm y tế, không được miễn giảm học phí cho con, không được vay vốn với lãi suất ưu đãi… Dù hơi bất ngờ và có phần tiếc nuối cho tình huống phát sinh này; nhưng qua đó, lại khiến tôi thấu hiểu sự trăn trở của một đồng chí lãnh đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tại hội nghị UBND tỉnh tổ chức giao ban khối Văn hóa - Xã hội 6 tháng đầu năm 2017, về vấn đề rà soát, đánh giá hộ nghèo. Bởi tiêu chí đánh giá hộ nghèo thì đã có quy định, nhưng phần đánh giá thu nhập trên đầu người của mỗi gia đình là rất khó. Vì không phải hộ nào cũng khai thật về mức thu nhập của họ.

Nhìn con số thống kê toàn tỉnh còn 54.723 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 44,82% (cuối năm 2016), tôi tự hỏi, trong số ấy có bao nhiêu hộ là thực sự nghèo và bao nhiêu hộ nghèo vì muốn mang danh “hộ nghèo” để hưởng lợi từ  các chính sách của Đảng, Nhà nước. Và trong số ấy, có bao nhiêu phần trăm hộ có đời sống kinh tế khá giả? Phải chăng, khi một bộ phận người dân coi chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người nghèo như một “đặc ân” thì họ sẵn sàng khoác lên mình chiếc áo “hộ nghèo” để tiếp tục được hưởng lợi… Và khi người nghèo còn tư tưởng “thích nghèo” thì hiển nhiên họ cũng không muốn nỗ lực để thoát nghèo. Chính vì thế, câu chuyện giảm nghèo cũng còn lắm gian nan.

Được biết, Nghị quyết số 32 của HĐND tỉnh về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đưa ra nhiều con số thể hiện quyết tâm giảm nghèo. Đáng chú ý là mục tiêu phấn đấu bình quân mỗi năm toàn tỉnh giảm 3 - 4% số hộ nghèo. Tuy nhiên, nếu tư tưởng thích nghèo và muốn hộ nghèo thành “thương hiệu” để trục lợi, tuy rằng không phổ biến nhưng sẽ là rào cản trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tư tưởng ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, không chí thú làm ăn, mà vẫn muốn dựa vào “danh hiệu” hộ nghèo để hưởng lợi sẽ là những “con sâu” cần phải có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh. Để chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước là ưu việt, nhưng không thể cào bằng, cần thực hiện hỗ trợ đúng, trúng đối tượng. Từ đó hộ nghèo mới có thể nhận thức được nghèo khó là một sự thiệt thòi cần phải nỗ lực, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, chứ không phải một “danh hiệu” mà không chịu buông bỏ!

 

* TN&MT (8/9): Điện Biên: Quy hoạch trên 776.000 ha đất lâm nghiệp

Chiều 7/9, đoàn công tác của Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do đồng chí Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Điện Biên về tình hình thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2016; góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

Thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2016, tỉnh Điện Biên đã thực hiện quy hoạch trên 776 nghìn ha lâm nghiệp, cho 3 loại: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất; thành lập Ban chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng 3 cấp: tỉnh, huyện và xã.

Đặc biệt, khi UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch số 388/KH-UBND ngày 20/2/2013 về rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, giao rừng, cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp, giai đoạn 2013 – 2015, đến nay đã thực hiện giao được trên 316 nghìn ha rừng cho các tổ chức, hộ gia đình cá nhân và cộng đồng dân cư thôn bản quản lý và bảo vệ; thực hiện thu hồi, chuyển mục đích sử dụng trên 511 ha rừng phục vụ mục đích xây dựng các công trình công cộng, phát triển kinh tế; đồng thời thực hiện trồng được trên 451 ha rừng thay thế và cấp 1.458 Giấy CNQSDĐ, cho 635 đối tượng với diện tích trên 84.532 ha rừng các loại.

Ngoài ra, công tác bảo tồn, nghiên cứu các hệ sinh thái rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu về rừng, thống kê, kiểm kê rừng theo dõi diễn biến tài nguyên rừng được tỉnh Điện Biên chú trọng thực hiện. Tỉnh Điện Biên đã nghiên cứu và cho ý kiến góp ý vào dự thảo Luật bảo vệ Phát triển rừng (sửa đổi).

Tại buổi làm việc đoàn công tác đề nghị phía tỉnh Điện Biên làm rõ một số vấn đề còn tồn tại, những bất cập về: tình trạng phá rừng, lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trái pháp; việc quy hoạch 3 loại rừng còn chậm, công tác trồng rừng, giao đất rừng, cấp giấy CNQSDĐ đạt thấp. Công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn: gia tăng số vụ cháy rừng và vi phạm pháp luật về bảo vệ phát triển rừng.

Tại hội nghị, đồng chí Phùng Đức Tiến biểu dương những kết quả tỉnh Điện Biên đã đạt được trong thực thi Luật Bảo vệ phát triển rừng, chia sẻ những khó khăn của tỉnh trong công tác bảo vệ rừng, định mức chi trả dịch vụ môi trường rừng còn thấp… Thay mặt đoàn công tác, đồng chí tiếp thu những ý kiến góp ý của tỉnh để nghiên cứu hoàn thiện vào Luật bảo vệ Phát triển rừng (sửa đổi).

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM 

* An Ninh Thủ Đô (7/9): Các vụ quan chức xây "biệt phủ" gây nhức nhối thường ở tỉnh nghèo

Trong năm 2016, cả nước có 1,1 triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ có 3 người bị xử lý, đáng chú ý các vụ quan chức có vấn đề, xây biệt phủ chủ yếu xảy ra ở những tỉnh nghèo.

Đây là những thông tin được Thanh tra Chính phủ đưa ra khi báo cáo tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, chiều 5-9. Ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, tỷ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%.

Tuy nhiên, trong số này chỉ có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập, gồm các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công Thương, Thành phố Hà Nội, Yên Bái, Đồng Nai. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao.

Cũng theo ông Đặng Công Huẩn, trong năm qua đã có 4 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật, đều tập trung ở các tỉnh nghèo (gồm Quảng Nam 1 người, Kiên Giang 3 người…).

Thảo luận về báo cáo phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi đề cập đến việc kê khai tài sản là nguồn gốc tài sản hình thành của cán bộ quan chức, đặc biệt khi gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc nóng được dư luận quan tâm như vụ biệt phủ của quan chức ở Yên Bái…

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho biết, cử tri nói rằng cứ ở nơi nào có biệt phủ của quan chức, cán bộ có vấn đề, thì thường đó là những tỉnh nghèo, phải viện trợ ngân sách.

“Đáng chú ý là cứ khi có dư luận thì những cán bộ nơi đó lại giải thích như tài sản họ có được là từ bán chổi đót, đi buôn gà, như là một sự khinh nhờn pháp luật, coi thường dư luận, nhân dân, coi thường Đảng, Nhà nước” – ông Nguyễn Bá Sơn nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, không chống được tham nhũng không phải do trình độ yếu kém mà chính là do trách nhiệm, ý thức của cơ quan, của người làm công tác phòng chống tham nhũng chưa quyết liệt, vẫn còn tình trạng thanh tra giám sát nhưng chưa chỉ rõ sai phạm của bộ ngành, cá nhân nào.

 

* Thanh Niên (6/9): Chánh Văn phòng TƯ Đảng bác bỏ thông tin Tổng Bí thư “có ý kiến” vụ VN Pharma

Sáng 5.9, trao đổi với Thanh Niên về việc có thông tin cho rằng Tổng Bí thư đã có ý kiến với vụ việc thuốc ung thư giả của Công ty VN Pharma, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên đã bác bỏ thông tin này.

“Anh em có điện hỏi thì tôi chỉ nói tinh thần chỉ đạo chung của Tổng Bí thư trong việc chống tham nhũng tiêu cực nói chung là làm cho rõ ràng đến nơi đến chốn, chứ riêng vụ việc cụ thể này thì Tổng Bí thư chưa có ý kiến", ông Nên nói.

Ông Nên giải thích thêm, riêng với vụ việc VN Pharma, do Chính phủ đang vào cuộc rất tích cực, mà mới nhất là chỉ đạo thanh tra, nên Chính phủ đang làm việc theo thẩm quyền. Thứ 2 là nội dung này phần nào dính đến cơ quan điều tra thì họ mở rộng điều tra theo quy định.

 

* Pháp Luật TPHCM (7/9): Ai kiểm tra dấu hiệu tham nhũng của cán bộ cấp cao?

Câu hỏi này được trả lời cụ thể trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đang được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra.

Đây là quy định hoàn toàn mới trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Điều 72 dự thảo luật quy định rõ: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng của người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng của người thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương.

Căn cứ tiến hành kiểm tra, theo Điều 71 dự luật, là khi có dấu hiệu hành vi tham nhũng quy định tại Điều 3 luật này; theo yêu cầu hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền; khi có thông tin, phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng mà nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để kiểm tra, xác minh.

Điều 74 dự thảo cũng quy định cụ thể về việc xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra của Đảng. Trong đó, trường hợp kết luận hành vi tham nhũng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ra quyết định kiểm tra yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý kỷ luật người có hành vi tham nhũng.

Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng nhưng Ủy ban Kiểm tra của Đảng không đủ điều kiện xác minh, làm rõ, kết luận thì người ra quyết định kiểm tra phải chủ động phối hợp và chuyển tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết…

 

* Pháp Luật TPHCM (7/9): “Anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng...”

"Cơ quan nào cũng nói phòng, chống tham nhũng, nhưng anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật, anh nào chống giả". Đại biểu Vũ Trọng Kim, uỷ viên Uỷ ban Tư pháp đã đặt vấn đề như vậy khi cho ý kiến về báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2017 tại phiên họp sáng 6/9 của Ủy ban Tư pháp.

Ông Kim cho rằng việc báo cáo đưa phụ lục thống kê hàng triệu số đảng viên kê khai tài sản nhưng chỉ phát hiện 3 trường hợp vi phạm là không nói lên được điều gì, cần bỏ phụ lục này.

“Đề nghị rút ra khỏi báo cáo phụ lục số 1 vì không nói lên được cái gì cả. Đảng viên thì phải kê khai tài sản, hơn 99% kê khai còn những anh còn lại thì sao? Đã chạy đi nước ngoài rồi hay sao mà không kê khai? Nên bỏ phụ lục này, thay vào đó là cập nhật phụ lục về những đại án, về BOT…”- ông Kim nói.

Ông Kim cũng cho rằng con số báo cáo phòng chống tham nhũng đưa năm 2017 chỉ xử lý 25 người đứng đầu là chưa phản ánh đúng tình hình thực tế.

“Tham nhũng tràn lan, dân đếm được cán bộ huyện, cán bộ tỉnh ông nào tham nhũng nhưng xử lý quá ít, chỉ 25 người đứng đầu bị kiểm điểm phê bình vì để cho tình trạng tham nhũng ở cơ quan xảy ra. Nên rút đi vì người dân sẽ nói ông làm hời hợt quá. Đây là con số không thể nào tin được”- ông Kim nói.

Cũng theo ông Kim, hiện nay có quá nhiều cơ quan làm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng  nhưng hiệu quả chưa rõ ràng, nhiều vụ giải quyết nhiều năm trời không xong, chưa thiết lập được mô hình cơ quan chống tham nhũng độc lập.

“Cơ quan nào cũng nói phòng chống tham nhũng, nhưng anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật, anh nào chống giả. Vì vậy phải sớm tổ chức ra đơn vị chống tham nhũng chuyên trách, làm việc có hiệu quả, không để bị níu kéo, trì trệ…” - ông Kim nói.

 

* Pháp Luật TPHCM (7/9): Xử lý tham nhũng cả với cán bộ về hưu

Trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi vừa được Chính phủ hoàn thiện, chuyển sang Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để thẩm tra có nội dung nếu tham nhũng, lãnh đạo sẽ bị xử nặng hơn nhân viên. Theo đó, trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì phải bị tăng nặng trách nhiệm kỷ luật.

Quy định mới này là một bước luật hóa quan điểm của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa X với tinh thần xử lý tiêu cực tham nhũng phải “trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau”, nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Ngoài ra, dự luật rút kinh nghiệm từ hơn 10 năm thi hành luật 2005 là thiếu khả thi, chưa khuyến khích đầu thú, khai báo để được giảm trách nhiệm. Do vậy, trong lần sửa đổi này bổ sung nguyên tắc: Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng thì được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đồng thời để nhấn mạnh nguyên tắc tham nhũng phải bị xử lý nghiêm, không loại trừ ai, dự luật bổ sung điều khoản: Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.

Phòng chống tham nhũng trong hoạt động kinh doanh là một chương mới được đề xuất đưa vào trong lần sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng . Đây là cách tiếp cận rất mới so với trước đây chỉ tập trung phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong khu vực công.

Dự luật có những quy định cụ thể cho các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư. Theo đó, để bảo vệ lợi ích của cổ đông nhỏ, người gửi tiền, ngoài trách nhiệm chung của DN nêu trên, các chủ thể kinh tế lớn này còn phải minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập với chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát, Kế toán trưởng của đơn vị.

 

* Pháp Luật TPHCM (7/9): Tướng Lê Quý Vương nói về 2 vấn đề lớn của các đại án

Ngày 6-9, tại phiên của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho hay: Nếu nhìn lại các vụ án về tham nhũng đang điều tra, xét xử thì đa phần đã xảy ra cách đây gần chục năm như vụ Hà Văn Thắm từ 2009, Trịnh Xuân Thanh cũng thời điểm 2009, Vinashin, Phạm Công Danh cũng ở giai đoạn đó. Tức là các vụ án lớn hiện nay đang giải quyết hậu quả của thời gian trước, quản lý hạn chế, nhất là các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề.

"Ở các vụ này đều có hai vấn đề cần phải tập trung giải quyết là lợi ích nhóm, thành lập sân sau”.

Theo ông Vương, qua các vụ việc này cũng nổi lên một số vấn đề như: Việc thực hiện luật phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả; đạo đức công vụ của cán bộ trong một số lĩnh vực yếu kém, lợi ích nhóm, cầm tiền chia chỗ này, chỗ kia; kiểm toán nội bộ và thanh tra chuyên ngành chưa đạt hiệu quả; thiếu công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan...

“Đơn cử như lĩnh vực ngân hàng cũng cho vay rất dễ dàng, cứ rót vốn nhà nước vào rồi cho vay. Hiện đang xử OceanBank, cho thấy sơ hở rất lớn trong quản lý” - ông Vương nói.

  

CHÍNH SÁCH MỚI

* Pháp Luật TPHCM (7/9): Phạt đến 100 triệu đồng cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm

Đó là nội dung trong dự thảo nghị định thay thế nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (Nghị định 178/2013) đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể như buộc thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y trước khi sản xuất, chế biến thực phẩm; buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa vi phạm.

Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm… cũng nằm trong số các biện pháp khắc phục hậu quả.

 

* Đại Biểu Nhân Dân (7/9): Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, với đối tượng, điều kiện đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, Nghị định quy định: Cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phải có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo.

Về đào tạo sau đại học, cán bộ, công chức phải đáp ứng điều kiện: Có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên và 2 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu.

Điều kiện đào tạo sau đại học đối với viên chức gồm: Đã kết thúc thời gian tập sự; có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ngoài các quy định nêu trên còn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nếu tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết thì phải đền bù chi phí đào tạo. Ngoài quy định đối tượng, điều kiện đào tạo, Nghị định cũng quy định về hình thức, nội dung, chương trình, chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 21.10.2017.

 

CHỈ THỊ MỚI 

* Pháp Luật TPHCM (7/9): Phó Thủ tướng chỉ đạo điều tra vụ cán bộ tráo ngà voi

Liên quan đến vụ một cán bộ của Cục Hải quan Hà Nội đánh tráo 156kg ngà voi, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa có ý kiến chỉ đạo về vụ việc này.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo Công an TP Hà Nội sớm có kết luận điều tra để xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính được giao chỉ đạo Tổng cục Hải quan rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, giám sát kho tang vật, đảm bảo chặt chẽ, an toàn và thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, luân chuyển cán bộ theo đúng quy định.

Trước đó, ngày 4-8, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam ông Phạm Minh Hoàng, công chức thuộc Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm Cục Hải quan Hà Nội về tội tham ô tài sản.

Ông Hoàng được giao nhiệm vụ làm thủ kho hàng tạm giữ đã thực hiện hành vi tự ý phá niêm phong lô hàng tạm giữ và tráo đổi, bán tang vật là 156 kg ngà voi và sản phẩm từ ngà voi đang lưu trữ quản tại kho hàng tạm giữ.

Ngay sau đó, Tổng cục Hải quan đã có công văn yêu cầu Cục Hải quan Hà Nội tạm đình chỉ công tác đối với ông Phạm Minh Hoàng theo thời hạn tạm giam của Cơ quan điều tra Công an Hà Nội.

Trong vụ án này, ngoài ông Hoàng thì Công an còn bắt giữ hai đối tượng liên quan để phục vụ công tác điều tra.

 

* Theo HNM (7/9): Thủ tướng yêu cầu thanh tra cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuốc của Pharma

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc, cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và việc trúng thầu cung cấp thuốc của Công ty cổ phần VN Pharma.

Vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng (Báo Tiền phong, Báo Thanh niên, Báo Tuổi trẻ...) có bài viết về Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma, phản ánh về tình trạng buông lỏng quản lý trong việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc của Bộ Y tế; Bộ Y tế có văn bản số 949/BC-BYT ngày 29-8-2017 báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong vụ việc Công ty cổ phần VN Pharma. 

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với 7 loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada sản xuất và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma trước khi xảy ra vụ án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-12-2017.

 

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

* Báo Long An (7/9): Long An: Hiệu quả từ mô hình Ngày không hẹn

Cùng với việc triển khai hiệu quả mô hình một cửa, một cửa liên thông trong cải cách TTHC, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã và đang triển khai các mô hình Dân vận khéo gắn với công tác cải cách hành chính. Điển hình là mô hình Ngày không hẹn đang được triển khai tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả UBND xã Nhựt Chánh.

Người dân hài lòng khi đến làm các loại thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND xã Nhựt ChánhMô hình được Đảng ủy, UBND và Khối Vận xã Nhựt Chánh đăng ký, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện từ đầu năm 2014. Trên cơ sở chủ trương, kế hoạch của Đảng ủy và Khối Vận, UBND xã kiện toàn tổ chức, sắp xếp 5 cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận một cửa.

Mỗi cán bộ, công chức đều đăng ký thực hiện giải quyết hồ sơ hành chính lĩnh vực mình phụ trách theo phương châm "3 không”: Không trễ hẹn, không gây phiền hà, không bổ sung hồ sơ quá 2 lần. Trong đó, Ngày không hẹn thứ hai hàng tuần, người dân và tổ chức đến làm các loại hồ sơ hành chính tại bộ phận một cửa, nếu mang đầy đủ các loại giấy tờ sẽ được giải quyết xong trong ngày.

Bên cạnh đó, hàng ngày, xã phân công lãnh đạo trực tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả để kiểm tra, giải quyết kịp thời hồ sơ hành chính cho người dân. Vào sáng thứ bảy hàng tuần, UBND xã tổ chức họp Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, từ đó nhắc nhở, chấn chỉnh những lệch lạc, sai sót.

Sau hơn 3 năm triển khai mô hình Ngày không hẹn, công tác cải cách TTHC trên địa bàn xã Nhựt Chánh có nhiều chuyển biến tích cực. Hồ sơ TTHC được giải quyết theo hướng công khai, minh bạch, đúng quy định. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn đạt gần 99%. Số đơn, thư khiếu nại, tố cáo của người dân giảm rõ rệt. Người dân phấn khởi, hài lòng, tin tưởng vào những đổi mới trong công tác cải cách TTHC tại địa phương.

 

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

* Pháp Luật TPHCM (7/9): Sẽ giảm một nửa lệ phí đăng ký doanh nghiệp

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư sửa đổi mức phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 75/NQ-CP, có nội dung giao Bộ Tài chính giảm phí liên quan đến chi phí của doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Tài chính dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 215 ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Cụ thể, dự thảo Thông tư điều chỉnh giảm mức thu lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 200.000 đồng xuống 100.000 đồng/lần.

Mức thu phí cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản giảm từ 125 bản/tháng trở lên từ 5.000.000 đồng xuống 4.500.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, dự thảo này không đề cập đến việc giảm mức phí công bố thông tin doanh nghiệp. Hiện nay, mức phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp đến 300.000 đồng/lần. Các doanh nghiệp sau khi được thành lập, sau khi đăng ký thay đổi thông tin... đều phải công bố nội dung và phải trả loại phí này.

 

* Infonet.vn (7/9): Chậm thông quan, thương mại Việt Nam bị hụt 1,2 tỷ USD mỗi năm

"Cứ mỗi ngày phát sinh một sản phẩm bị chậm trễ trước khi được vận chuyển sẽ làm giảm thương mại hơn 1%. Xét dữ liệu xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2015, điều này tương đương với con số 3,2 triệu USD, tương đương khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm".

Đây là một trong những nội dung báo cáo của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính gửi Thủ tướng về đề xuất áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam. Báo cáo này dựa trên cơ sở đề xuất của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) và Liên minh tạo thuận lợi hoá thương mại toàn cầu (GATF).

Trong báo cáo gửi lên Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng viết, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2016 về chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới thì Việt Nam xếp thứ 93 thế giới (tăng 15 bậc so với năm 2015), giảm thời gian thực hiện từ 138 giờ xuống còn 108 giờ.

Tuy nhiên, chỉ số này của Việt Nam chưa đạt trung bình của nhóm các nước ASEAN 4, các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giao dịch thương mại vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu thông quan, đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành, gây cản trở cho sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh thương mại quốc tế.

Hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan, thuế và các văn bản pháp luật chuyên ngành. Việc thông quan hàng hóa chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành thủ tục hải quan và đối với hàng hóa phải kiểm tra, phân tích, giám định để xác định đủ điều kiện được xuất khẩu, nhập khẩu thì cơ quan hải quan chỉ thực hiện thông quan hàng hóa sau khi có kết luận kiểm tra phân tích giám định hoặc thông báo miễn kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành.

Một thống kê được chỉ ra rằng, số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng hoá, trong khi quá trình thực hiện của cơ quan kiểm tra chuyên ngành chiếm hơn 70% tổng thời gian thông quan hàng hoá.

Theo báo cáo, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-201/NQ-CP là đến năm 2020 giảm thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu từ 108 giờ xuống 60 giờ, giảm thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu từ 138 giờ xuống 80 giờ. Đây là thách thức rất lớn và để đạt mục tiêu này, đòi hỏi Việt Nam phải có sự cải cách, thay đổi mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo đánh giá của nhóm tư vấn, cứ mỗi ngày phát sinh một sản phẩm bị chậm trễ trước khi được vận chuyển sẽ làm giảm thương mại hơn 1%. Xét dữ liệu xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2015, điều này tương đương với con số 3,2 triệu USD, tương đương khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm.

Và việc thực hiện một hệ thống bảo lãnh thông quan có thể khắc phục được việc chậm trễ trong giải phóng hàng hoá và giúp tiết kiệm được ít nhất 3,2 triệu USD mỗi ngày trong hoạt động xuất nhập khẩu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn thu về thuế có thể gia tăng từ việc mở rộng hoạt động thương mại do giảm các rào cản, gánh nặng về chi phí…

 

* Pháp Luật TPHCM (7/9): Bộ Tài chính ra quy định mới, doanh nghiệp kêu trời

Nhiều doanh nghiệp (DN) đang đứng ngồi không yên vì nội dung mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016 và Nghị định số 12/2015 của Chính phủ (gọi tắt là dự thảo).

Cụ thể, trong dự thảo, Bộ Tài chính bổ sung quy định khống chế mức chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động chỉ còn 3 triệu đồng/người/tháng. Trong khi trước đó khoản chi phí này không bị khống chế, DN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN.

Ông Hứa Viết Minh, Giám đốc Công ty Tư vấn MTP, cho biết hiện DN đang mua bảo hiểm nhân thọ cho một số người lao động trình độ cao với mức chi 10-20 triệu đồng/người/tháng. Đây là một trong những chính sách giữ chân người tài của công ty. Nếu quy định siết chi khoản bảo hiểm nhân thọ được áp dụng sẽ thiệt thòi cho DN do phần chi vượt trội không được tính vào chi phí khấu trừ, DN phải đóng thuế. Chính người lao động cũng thiệt thòi bởi DN sẽ cân nhắc cắt hoặc giảm khoản chi bảo hiểm nhân thọ này.

“Mức giới hạn 3 triệu đồng/tháng là quá thấp, không phù hợp thực tế. Xét về tổng thể, khi DN chi mua bảo hiểm nhân thọ thì chính người lao động được hưởng nhiều lợi ích, do đó điều này cần khuyến khích. Những lợi ích cho người lao động cần được ưu tiên miễn giảm thuế” - ông Minh nói.

Đại diện một DN xuất nhập khẩu cũng cho rằng việc gộp khoản chi bảo hiểm nhân thọ vào chung với khoản chi bảo hiểm hưu trí, đồng thời khống chế chỉ 3 triệu đồng/người/tháng đã đẩy DN vào thế kẹt. DN đang ký hợp đồng với một số lao động bậc cao, trong đó có điều khoản mỗi tháng DN mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động với mức 10 triệu đồng/người/tháng. Nếu siết mức chi chỉ 3 triệu đồng/tháng, khoản còn lại 7 triệu đồng DN buộc phải đóng thuế trong khi trước đây được tính vào chi phí khấu trừ.

“Quy định mới này chẳng khác nào làm khó DN. Chúng tôi vẫn phải thực hiện hợp đồng với người lao động, vẫn phải chi khoản bảo hiểm nhân thọ như đã thỏa thuận nhưng thiệt hại vì phải đóng thêm thuế thu nhập DN cho khoản chi vượt mức khống chế” - đại diện DN này chia sẻ.

Ông Hứa Viết Minh, Giám đốc Công ty Tư vấn MTP, cho rằng một quy định khi ban hành phải áp dụng chung cho toàn bộ đối tượng DN, trong đó DNNN cũng chỉ là một phần nhỏ trong nền kinh tế. Vì thế không thể lấy lý do vì DNNN chi khoản bảo hiểm nhân thọ cao hơn mức lương của người lao động nên siết lại khoản chi này xuống mức thấp.

“DNNN, DN tư nhân, DN nước ngoài cần phải được đối xử bình đẳng chứ không thể quy định đánh đồng. DNNN chiếm thiểu số, số lượng người lao động DN tư nhân là rất lớn, vì vậy quy định phải phục vụ cho lợi ích đa số” - ông Minh nói.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích, tạo động lực cho mọi DN áp dụng chế độ chi bảo hiểm nhân thọ cho tất cả người lao động. Nếu áp dụng cho DN tư nhân thì DNNN cũng cần áp dụng như vậy để người lao động làm việc ở bất cứ DN nào cũng được đối xử công bằng như nhau.

“Không nên khống chế khoản chi này. DN nào có khả năng tài chính tốt, lao động của DN làm việc hiệu quả thì họ đáng được hưởng chế độ ưu đãi tốt hơn. DNNN cũng vậy, nếu muốn giữ chân nhân tài thì phải tăng quyền lợi để họ an tâm làm việc. Do đó, chỉ nên quy định mức tối thiểu về khoản chi bảo hiểm nhân thọ chứ không nên khống chế mức trần” - ông Hiếu góp ý.

 

* Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 12h ngày  (7/9): Thu hút đầu tư vào nông nghiệp bằng cơ chế

Nghị định 210 sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích lớn đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển trong thời kỳ mới.

Lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp hiện chỉ khoảng 4.500 đơn vị, chiếm chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp (DN) trên cả nước. Không những thế, có tới 55% trong số các DN này là nhỏ và siêu nhỏ với quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng và 75% DN đang sử dụng máy móc đã hết khấu hao.

Hầu hết DN đều yếu kém trong liên kết với nông dân và thị trường, làm thế nào để tạo bước đột phá trong thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp đang là vấn đề lớn được đặt ra vào lúc này.

Theo khảo sát của Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, 63,5% DN gặp khó khăn khi tiếp cận đất đai, 70,1% khó tiếp cận tín dụng, 80,9% khó tiếp cận khoa học công nghệ, 65,4% khó về thương mại và thị trường.

Tại Hội nghị tham vấn chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, sau 4 năm thực hiện, Nghị định 210 về khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp đang bộc lộ nhiều hạn chế như yêu cầu sản phẩm chế biến phải tăng giá trị 2 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu; quy định sử dụng tối thiểu 60% nguyên liệu và 30% lao động địa phương. Điều này khiến hầu hết DN không được hưởng lợi từ chính sách.

Một vấn đề lớn nữa là những bất cập về thủ tục hành chính và thuế phí. Để đầu tư một dự án nông nghiệp, DN phải thực hiện khoảng 16 bước với 40 văn bản liên quan.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn khẳng định, việc sửa đổi Nghị định 210 lần này sẽ theo hướng tạo môi trường khuyến khích DN, chứ không phải dùng tiền ngân sách để hỗ trợ dự án.

Ngoài ra, những cơ chế về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, ưu đãi thuế cũng sẽ được tính đến. Nghị định 210 sửa đổi đang được kỳ vọng sẽ như khoán 10, khoán 100 của những năm 1986 nhằm tạo ra một cú huých lớn đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển trong thời kỳ mới.

 

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH

* Đại Biểu Nhân Dân (6/9): Sau phê bình là gì?

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa công khai phê bình một số sở, ngành báo cáo sai số liệu. Ông dẫn chứng: “Trong 6 tháng đầu năm, tôi yêu cầu ngành công thương cố gắng tăng trưởng 7,5% và sau đó được báo cáo là tăng trưởng đúng 7,5%. Tuy nhiên con số 7,5% không đúng sự thật vì số liệu chính thức mà tôi nhận được chỉ là 7,19%”.

Tương tự, ở lĩnh vực nông nghiệp, 6 tháng đầu năm đề ra nhiệm vụ tăng trưởng 6,5%, nhưng con số thực không đạt được. “Thế mà các anh cũng cố báo cáo cho được”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong bức xúc.

Số liệu báo cáo chưa chính xác, mỗi nơi một kiểu là chuyện không mới. Nhưng có lẽ đã khá lâu, mới có một vị lãnh đạo địa phương thẳng thắn phê bình cấp dưới cố ý báo cáo sai. Bệnh thành tích, hội chứng “làm đẹp số” hay còn lý do gì nữa khiến các sở, ngành “dám” đưa ra những con số không có thật? Nhưng dù lý do gì đi chăng nữa thì đó cũng là điều khó chấp nhận. Bởi số liệu báo cáo sẽ tác động đến công tác chỉ đạo, điều hành, đến việc lập kế hoạch cho cả năm. Chưa kể, đó còn là kỷ cương. Báo cáo đúng không được khích lệ, báo cáo sai không ai trách, thì TP đầu tàu kinh tế cả nước sẽ vận hành ra sao?

Chưa biết sau phê bình của người đứng đầu chính quyền TP, mọi việc sẽ chuyển biến ra sao. Nhưng chí ít, đó là thông điệp cảnh tỉnh trước thực trạng “số liệu tăng trưởng ảo” mà nhiều lúc, nhiều nơi đã thành chuyện thường ngày. Điều đáng mừng là lãnh đạo TP đã muốn nghe lời nói thẳng, muốn nhận diện chính xác thực trạng phát triển kinh tế - xã hội để có giải pháp khả thi, thay vì vui vẻ, hài lòng với những “con số đẹp”.

Nhận diện các số liệu báo cáo là chuyện không dễ. Nhưng nắm bắt con số dẫu sao cũng vẫn dễ hơn nhìn nhận bản chất vấn đề ẩn chứa phía sau. Nếu không chuẩn xác ngay từ số liệu ban đầu, công tác điều hành, quản lý làm sao đạt hiệu quả? Có lẽ, để khắc phục triệt để tình trạng này phải có chế tài rõ ràng chứ không thể chỉ dừng lại ở việc phê bình, dù đã rất trực diện và thẳng thắn.

 

* Đại Biểu Nhân Dân (6/9): Khách quan trong đánh giá

Xây dựng các cơ chế độc lập để người dân giám sát và phản hồi về chất lượng dịch vụ hành chính công sẽ là động lực mạnh mẽ tạo ra thay đổi trong suy nghĩ và ứng xử của cán bộ, công chức. Đó là khẳng định của các chuyên gia tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính do Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức tại Hà Nội. Song, đánh giá như thế nào cho khách quan, cơ chế nào để người dân thực hiện quyền này, vẫn cần phải bàn thêm.

Mặc dù theo thống kê, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, các cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận gần 82 triệu hồ sơ thủ tục hành chính và giải quyết trước hạn và đúng hạn trên 81.211.900 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,17%. Thế nhưng, việc giải quyết thủ tục hành chính này vẫn chỉ được giám sát trên cơ sở báo cáo là chính và kết quả này khách quan, minh bạch hay không, chưa thể khẳng định.

Trên thực tế, người dân cũng tham gia đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tuy nhiên nội dung đánh giá lại phân tán trên cơ sở các chỉ số khác nhau như PAPI, PCI, PAR-INDEX, ICT và một phần hoạt động đánh giá của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực cụ thể theo từng năm. Do vậy, việc tổ chức triển khai chưa thống nhất, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm và việc xử lý kết quả đánh giá đôi khi không chính xác, gây ra sự thiếu tin tưởng của công dân.

Đáng nói là cho tới nay, việc đánh giá sự hài lòng của người dân vẫn đang là những chỉ đạo hành chính mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh vấn đề này. Vì thế mà không ít người khấp khởi mừng vui khi vai trò và tiếng nói của người dân trong việc giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công, được thể hiện rõ nét trong dự thảo Nghị định này.

Quy định là một chuyện, làm sao để người dân nắm vững và sử dụng hiệu quả công cụ này mới quan trọng. Đơn cử như việc xây dựng kênh phản hồi, chấm điểm. Kinh nghiệm từ dự án M - Score (người dân chấm điểm chất lượng dịch vụ công) được triển khai tại Quảng Bình và Quảng Trị trong 2 năm qua cho thấy, bằng nhiều phương thức đánh giá khác nhau như thông qua đường dây nóng, gọi điện thoại phỏng vấn, chấm điểm dịch vụ thông qua máy tính bảng đặt tại văn phòng một cửa cấp huyện, người dân đã bước đầu thực hiện quyền của chính mình.

Tuy nhiên, có thực tế mà Ban quản lý dự án cũng thừa nhận là đôi khi người dân chấm điểm nhưng chưa đánh giá đúng gốc rễ của vấn đề, hay còn e ngại nên không muốn chấm điểm thấp. Người dân chỉ đánh giá chính xác được cán bộ tiếp nhận hồ sơ, còn cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ chỉ được đánh giá chung chung. Chưa kể, có trường hợp người dân chưa hiểu rõ quy định của pháp luật cũng như quy trình, nhận và trả kết quả của bộ phận “một cửa”, nên chấm điểm theo cảm tính.

Để tránh đi vào “vết xe đổ” ấy, dự thảo Nghị định cần quy định cơ chế khách quan, độc lập, với các phương pháp và tiêu chí rõ ràng, giúp người dân dễ dàng tham gia giám sát dịch vụ hành chính công; trong đó có tính đến điều kiện phù hợp để các nhóm yếu thế tham gia phản hồi.

Xử lý thông tin sau đánh giá ra sao cũng cần được chú trọng, bởi nếu khâu này không được thực hiện công khai, minh bạch thì những phản ánh của người dân sẽ trở thành vô nghĩa. Nếu dự thảo Nghị định không quy định rõ, rất dễ dẫn tới tình trạng làm theo kiểu đối phó, hình thức; khi đó đánh giá của người dân sẽ không được ghi nhận chính xác; lề lối “hành là chính” trong cách ứng xử của cán bộ hành chính công cũng chẳng thể xóa bỏ.

Vẫn biết, sự đo lường này là một việc khó, nhạy cảm và còn mới lạ đối với không ít người. Song, nếu mỗi người dân nhận thức được rằng, đánh giá sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ thì hãy thử một lần chấm điểm nghiêm túc, có thể mất công, mất lòng nhưng sẽ “được lòng sau”.

 

QUẢN LÝ 

* Pháp Luật TPHCM (7/9): “Nói thẳng sự thật mới chống tham nhũng được!”

“Đội quân chống tham nhũng không bằng 1 phóng viên” - ông Nguyễn Mai Bộ, ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh, đã so sánh như vậy khi cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp diễn ra chiều 5-9.

Ông Bộ đặt vấn đề: “Chúng ta đi thanh tra, kiểm tra ở đâu cũng quân hùng tướng mạnh, có ô tô, còi hú nhưng có hiệu quả bằng một bài báo, một phóng viên không? Ta phải so sánh như thế về tính hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN)”.

Lấy ví dụ trong báo cáo giám sát các công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT của Ủy ban Kinh tế công bố vừa qua, ông Bộ nói Báo cáo này không chỉ ra trách nhiệm của Bộ ngành nào cả. Như vậy là mất thế trận lòng dân. "Nguy hiểm ở chỗ giờ có cán bộ nào bị phát hiện tham nhũng là dân mừng vui. Giờ phải nhìn rõ vào sự thật, nói thẳng sự thật, không né tránh thì mới chống được tham nhũng”- ông Bộ nói.

Góp ý kiến, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cũng đề nghị nên công khai các kết luận thanh tra, đấu thầu để người dân, cộng đồng tham gia vào giám sát việc PCTN.

“Việc công khai kết luận thanh tra rất cần thiết để đấu tranh PCTN. Nhưng nhiều ý kiến lại e ngai công khai kết luận thanh tra sẽ làm tình hình phức tạp. Không công khai sao người dân, cộng đồng giám sát được? Cái này luật đã quy định rồi, cần phải cần phải có chỉ đạo mạnh hơn trong thời gian tới”, ông Thực nói.

Báo cáo PCTN năm 2017 của Thanh tra Chính phủ cho hay qua kiểm tra tại 3.622 cơ quan tổ chức đơn vị, đã phát hiện 22 đơn vị có vi phạm về tham nhũng như còn tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung cần phải công khai, minh bạch hoặc thu hẹp đối tượng, hình thức công khai, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dân và doanh nghiệp.

Về minh bạch tài sản, thu nhập, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, tỷ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%. Trong đó có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập, bao gồm Bộ NN&PTNT, Quốc phòng, Công Thương, Thành phố Hà Nội, Yên Bái, Đồng Nai.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền thì đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Trường hợp cụ thể đó là những ai thì không được chỉ rõ.

Báo cáo cũng cho biết năm 2017, có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang với 9 người, hay An Giang 4 người, Hậu Giang 3 người, Bộ Tài chính 2 người…

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong PCTN. Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình triển khai vẫn còn lúng túng việc xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu, hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, bộ phận.

Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện 76 vụ, 141 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2017 gây thiệt hại trên 1.351 tỷ đồng. Đã thu hồi, kê biên 158,8 tỷ đồng, 314 nghìn USD, 4 căn nhà, 1 căn hộ chung cư. Tổng Cục thi hành án dân sự đã thụ lý mới 128 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương đương với số tiền hơn 5.110 tỷ đồng; đã giải quyết xong 86 vụ việc, tương đương với số tiền hơn 1 nghìn tỷ đồng.

 

* Pháp Luật TPHCM (7/9): Nếu tham nhũng, lãnh đạo bị xử nặng hơn nhân viên

Đây là điểm mới trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, vừa được Chính phủ hoàn thiện chuyển sang Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để thẩm định. Theo đó, trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì phải bị tăng nặng trách nhiệm kỷ luật.

Quy định này là một bước luật hóa quan điểm của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, với tinh thần xử lý tiêu cực tham nhũng phải “trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau”, nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Ngoài ra, dự luật rút kinh nghiệm từ hơn 10 năm thi hành Luật 2005 là thiếu khả thi, chưa khuyến khích đầu thú, khai báo để được giảm trách nhiệm. Do vậy, trong lần sửa đổi này bổ sung nguyên tắc: Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng thì được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, để nhấn mạnh nguyên tắc tham nhũng phải bị xử lý nghiêm, không loại trừ ai, dự luật bổ sung điều khoản: Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.

 

* An Ninh Thủ Đô (7/9): Nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn muốn thêm biên chế

Trong bối cảnh tích cực thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, một số bộ, ngành, địa phương lại tiếp tục đề nghị được bổ sung biên chế.

Theo ghi nhận của cơ quan giám sát thuộc Quốc hội, giai đoạn 2011-2016, biên chế công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được quản lý chặt chẽ hơn.

Tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện trong giai đoạn 2011-2016 có xu hướng giảm, đặc biệt là trong giai đoạn 2014-2016 với số lượng giảm trung bình mỗi năm khoảng hơn 4.000 biên chế và tiếp tục giảm trong năm 2017.

Tuy nhiên, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương tăng nhanh (năm 2016 là 2.093.313 người, tăng so với năm 2011 là 121.736 người (5,8%). Giai đoạn từ năm 2015 đến ngày 31-12-2016, dù đã thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị nhưng số biên chế sự nghiệp vẫn tăng 5.401 người (tăng 0,24%), trong đó tăng mạnh ở các đơn vị sự nghiệp thuộc các bộ, ngành Trung ương. Cụ thể, tổng số viên chức thực tế có mặt vượt biên chế là 9.164 người (ở Trung ương sử dụng quá 24.443 người/201.901 biên chế (vượt 12,10%); ở địa phương là 15.279 người/1.891.412 biên chế.

Đáng chú ý, trong khi các văn bản của Đảng, Nhà nước đã xác định rõ yêu cầu kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, bảo đảm không làm tăng biên chế của cả hệ thống chính trị, một số bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế như: Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam...

Tình trạng sử dụng lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn không đúng quy định tại các bộ, ngành, địa phương vẫn diễn ra khá phổ biến với số lượng tính đến 30-11-2016 là 144.914 người. Như vậy, số lượng người làm việc theo hợp đồng lao động ký theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ở các bộ, ngành, địa phương vượt chỉ tiêu được giao đến 45.152 người (tăng 56,75% so với năm 2015).

Đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, mặc dù quy định là “mỗi thôn, tổ dân phố có một số chức danh (không quá 3 người) được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước”, nhưng trên thực tế có rất ít địa phương thực hiện đúng (thường bố trí từ 5-7 người, có địa phương bố trí tối đa đến 13 người). Do số lượng nhiều nên mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở một số địa phương rất thấp, chỉ 0,2-0,3 mức lương cơ sở.

Cơ quan giám sát nhận định, việc tinh giản biên chế thực hiện đến hết năm 2016 vẫn còn rất hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra, gây áp lực rất lớn cho các năm còn lại (từ nay đến năm 2021, mỗi năm phải tinh giản gần 2% biên chế mới đạt được yêu cầu được Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đề ra).

Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm. Đối tượng tinh giản được thống kê tập trung vào nhóm người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 90%), người hưởng chính sách thôi việc ngay hoặc hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước, hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học; chưa tinh giản được đúng đối tượng là người người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém.

 

* Sài Gòn Giải Phóng (7/9): TPHCM bỏ điều kiện hộ khẩu khi tuyển công chức, viên chức

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng vừa ký quyết định bãi bỏ một số quy định trong tuyển dụng viên chức, công chức tại cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Theo văn bản trên, từ ngày 1-11-2017, TPHCM bỏ yêu cầu “bản sao hộ khẩu thường trú” trong hồ sơ dự tuyển viên chức. Ngoài ra, người lao động không có học hàm giáo sư, phó giáo sư, bằng tiến sĩ, thạc sĩ hay tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc vẫn có thể ứng tuyển nếu đáp ứng đủ tiêu chí nhà tuyển dụng đưa ra.

Ngoài ra, UBND TPHCM hủy điều kiện “có hộ khẩu thường trú tại TPHCM” khi tuyển dụng công chức. Hồ sơ ứng viên không cần có bản sao giấy khai sinh và hộ khẩu thường trú tại TPHCM.

Trước đây, UBND TPHCM quy định ứng viên dưới 35 tuổi đăng ký dự tuyển công chức vào những vị trí thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, nếu không có hộ khẩu thường trú tại TP thì phải đáp ứng một trong những tiêu chuẩn: tốt nghiệp thủ khoa tại cơ sở đào tạo đại học trong nước; tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài hoặc có bằng tiến sĩ. Tương tự, người dưới 30 tuổi phải có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi. Văn bản trên nêu rõ TPHCM bãi bỏ những điều kiện trên từ tháng 11 - 2017. UBND TPHCM giao Chánh Văn phòng UBND TPHCM, Sở Nội vụ TPHCM cùng sở, ban, ngành liên quan, các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định.

 

* Thanh Niên (7/9): Quảng Ninh tạm dừng tuyển công chức, viên chức

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP tạm dừng tiếp nhận, tuyển dụng công chức, viên chức và lao động hợp đồng để rà soát, đánh giá bộ máy, biên chế, chất lượng cán bộ.

Để đảm bảo công việc, các đơn vị phải tự bố trí, sắp xếp cán bộ đã có, các đơn vị đã có đề xuất tuyển cán bộ sẽ được xem xét sau. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ năm 2014, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu thực hiện Đề án 25 về đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản tổ chức, biên chế và đã đạt được một số kết quả nhất định. Sau gần 4 năm, tỉnh đã giảm 4 đơn vị sự nghiệp; 107 phòng, ban; 686 biên chế công chức, viên chức.

 

* Pháp Luật TPHCM (7/9): Vĩnh Long xử lý 86 đảng viên liên quan đến tham nhũng

Ngày 6-9,  ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ kiêm Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cùng đoàn công tác số 7 của Ban chỉ đạo Trung ương có buổi làm việc với Tỉnh ủy Vĩnh Long. Nội dung làm việc liên quan tới công tác kiểm tra, giám sát thanh tra các vụ án tham nhũng, kinh tế giai đoạn từ 1-1-2011 đến 31-12-2016 và quý I-2017.

 Theo báo cáo của Tỉnh ủy Vĩnh Long, thời gian qua đã xử lý kỷ luật 86 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, trong đó khai trừ đảng 29 trường hợp; xem xét xử lý kỷ luật sáu cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến sai phạm kinh tế.

 Thanh tra tỉnh đã thanh tra 590 cuộc, qua đó kiến nghị thu hồi nộp ngân sách 28,4 tỉ đồng; kiến nghị xử lý hành chính hình thức kiểm điểm trách nhiệm 453 cá nhân và 27 tập thể. Đồng thời phát hiện bốn vụ với năm đối tượng có dấu hiệu tham nhũng với số tiền trên 21,6 tỉ đồng; tiếp nhận và xử lý 6/8 đơn tố cáo sai phạm về kinh tế có dấu hiệu tham nhũng.

 Các cơ quan đã điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án 16 vụ án tham nhũng, kinh tế với 36 người.

 

* Tuổi Trẻ (7/9): Ông Đoàn Ngọc Hải bị dọa giết do xử lý mạnh vỉa hè

Sau khi nhận nhiều cuộc gọi và tin nhắn dọa giết cả gia đình vì xử lý mạnh tay trong việc lập lại trật tự vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch quận 1 đã có đơn trình lên các lực lượng chức năng.

Theo đó, lãnh đạo Công an quận 1 đã gặp để làm việc, ghi nhận số điện thoại liên tục nhắn tin, gọi điện dọa giết ông Đoàn Ngọc Hải và gia đình. Trong đó số điện thoại 0017202472813 và 0931699301 thường xuyên gọi điện dọa "xử đẹp" gia đình Phó Chủ tịch UBND Quận 1.

Ngoài việc bị đe dọa bằng điện thoại, ông Hải cho biết thường xuyên bị nhiều người lạ bám đuôi từ trụ sở UBND quận về đến nhà. Hiện vụ việc đang được lực lược chức năng tiếp nhận và điều tra.

Mặc dù tính mạng của bản thân và gia đình đang bị đe dọa nhưng ông Đoàn Ngọc Hải vẫn khẳng định sẽ tiếp tục mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm trật tự vỉa hè, lòng lề đường để lập lại mỹ quan đô thị cho TP.HCM.

Trong một diễn biến khác về công tác chấn chỉnh vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải đã có văn bản đề nghị Thường trực Quận ủy quận 1, Ban Thường vụ Quận ủy quận 1, Chủ tịch UBND quận 1 điều chuyển công tác Phó Chủ tịch hiện tại của phường Tân Định về làm chuyên viên tại Phòng quản lý đô thị Quận 1.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự việc này là do trong những lần ra quân chấn chỉnh trật tự vỉa hè lòng, lề đường gần đây, ông Hải thấy tình trạng vỉa hè tại phường Tân Định vẫn còn bị lấn chiếm nhiều. Ngoài ra một số nơi đã từng bị xử phạt nay bị tái chiếm trở lại. Theo ông Hải việc này xảy ra do người phụ trách tại phường còn làm việc chưa hiệu quả, quyết liệt.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

* TTXVN/Tin Tức (7/9): Bộ Công Thương chủ động triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), nhất là Quyết định 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) giai đoạn 2016-2020. Điều này đã giúp Bộ Công Thương gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ: Đến nay, Bộ đã thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với 5 thủ tục hành chính gồm: Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O) mẫu D; cấp phép nhập khẩu tự động xe mô tô phân khối lớn; cấp phép nhập khẩu chất làm suy giảm tầng ozon; cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp và cấp giấy chứng nhận quy trình Kimberley đối với kim cương thô.

Đáng chú ý, đối với thủ tục cấp C/O, Bộ Công Thương nâng cấp hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (eCoSys) theo đúng tiêu chuẩn của Cơ chế một cửa ASEAN, phục vụ kết nối, trao đổi thông tin C/O với Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Tổng cục Hải quan kết nối kỹ thuật thành công C/O mẫu D điện tử với Cơ chế một cửa ASEAN với 4 nước: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore.  Ngoài ra, 4 thủ tục hành chính còn lại, Bộ Công Thương quản lý, vận hành, nâng cấp hệ thống kỹ thuật các thủ tục khác của Bộ, bảo đảm việc 100% hồ sơ được thực hiện trên môi trường điện tử.

Cũng theo Cục Xuất Nhập khẩu, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ được phân công tại Quyết định 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1989/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2017-2020.

Cụ thể, Bộ sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan triển khai trong năm 2017 thêm 6 thủ tục: Cấp giấy phép xuất nhập khẩu tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp; cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; khai báo hóa chất nhập khẩu; thủ tục nhập khẩu thuốc lá nhằm mục đích phi thương mại; thủ tục đề nghị cấp văn bản chấp thuận tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN và thủ tục thông báo chỉ tiêu nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đặt ra 3 mục tiêu cho giai đoạn 2017-2020 như toàn bộ thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa của Bộ thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia sẽ được triển khai ít nhất ở mức độ 3, hướng tới hoàn tất thực hiện mức độ 4. Hơn nữa, sẽ hoàn thành triển khai mở rộng ra phạm vi toàn quốc thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa của Bộ thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; bảo đảm các chứng từ cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia được sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính khác liên quan.

 

* TTXVN/Tin Tức (7/9): Hà Nội thực hiện hoàn thuế điện tử, hạn chế phiền hà

Trước thực tế, một số doanh nghiệp tại địa bàn Thủ đô phàn nàn về việc tốn thời gian, thậm chí có hiện tượng sách nhiễu trong việc hoàn thuế đối với doanh nghiệp, để khắc phục tình trạng trên, Cục Thuế Hà Nội thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để doanh nghiệp Thủ đô có thể hoàn thuế điện tử.

Cụ thể, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng và tổ chức hệ thống khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử, giải quyết cơ bản tình trạng người nộp thuế gặp khó khăn về thời gian, không gian cho việc thực hiện khai và nộp thuế. Đồng thời, cơ quan này xây dựng hệ thống thông tin đến người nộp thuế qua đường thư điện tử, giúp người nộp thuế dễ dàng thực hiện các quy định không giới hạn về không gian, thời gian.

Cùng với đó, Cục Thuế Hà Nội tổ chức nhiều buổi đối thoại, tập huấn để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp phản hồi vướng mắc, kịp thời giải đáp thông tin cho các doanh nghiệp. Tại các buổi đối thoại, tập huấn, cộng đồng doanh nghiệp được các phòng chức năng Cục Thuế thành phố Hà Nội giới thiệu chung về quy trình hoàn thuế điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin về hoàn thuế điện tử...

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoàn thuế điện tử, tính đến nay, Cục Thuế Hà Nội thực hiện thành công hoàn thuế điện tử đối với 102 doanh nghiệp trên địa bàn. Việc hoàn thuế điện tử thực hiện thành công thể hiện quyết tâm cải cách hành chính của Cục Thuế Hà Nội đối với doanh nghiệp, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ lấy năm 2017 là năm giảm chi phí đối với doanh nghiệp.

Đại diện Công ty cổ phần bất động sản Hải Hà Cầu Giấy cho biết, việc hoàn thuế điện tử giúp giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp rất nhiều trong việc thực hiện các quy định về thuế nói riêng và các thủ tục hành chính nói chung. Việc hoàn thuế điện tử còn tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, thuận lợi và công bằng với mọi doanh nghiệp.

Việc Cục Thuế thành phố Hà Nội triển khai mạnh mẽ hoàn thuế điện tử, nhằm thực hiện dịch vụ công mức 4. Khi đó, người nộp thuế gửi hồ sơ tài liệu hoàn thuế và nhận thông tin phản hồi và tiền hoàn trên hệ thống điện tử mà không phải đến cơ quan thuế.

 

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH 

* Vneconomy.vn (7/9): 160 nghìn tỷ tiền Kho bạc đang "kê cao" tại ngân hàng

Theo báo cáo cập nhật của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, một lượng vốn lớn của Kho bạc Nhà nước đang gửi tại các ngân hàng thương mại, góp phần cải thiện chỉ báo tiền gửi và thanh khoản hệ thống.

Báo cáo cho biết, ước tính đến hết tháng 8/2017, tín dụng đã tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,2%).

Trong đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia lưu ý, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Cụ thể, ước tính đến cuối tháng 8/2017, tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng tới khoảng 11,5%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2016 (chỉ tăng 1,7%). Tín dụng ngoại tệ tập trung ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Trước tốc độ tăng tín dụng khá cao nói trên, huy động vốn của các tổ chức tín dụng cũng có mức tăng trưởng khá; đến cuối tháng 8/2017 ước tăng 9,1% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 11,4%).

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng. Tính đến cuối tháng 8/2017, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước là khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm.

 

* Pháp Luật TPHCM (7/9): Chi thường xuyên vẫn tiếp tục tăng

Ngày 6-9, Bộ Tài chính đã công bố tình hình thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 8. Theo đó, tổng thu cân đối NSNN tháng 8 ước đạt 78.200 tỉ đồng, lũy kế tám tháng đạt 762.000 tỉ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó thu nội địa gần 60.000 tỉ đồng, giảm khoảng 30.000 tỉ đồng so với tháng 7.

Đặc biệt vẫn còn 20 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán năm (dưới 63%); sáu địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ do nguyên nhân khách quan.

Trong đó, một số địa phương như Quảng Ngãi không còn áp dụng cơ chế thu điều tiết đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Vĩnh Phúc do giảm thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô; Thái Bình chủ yếu do giảm thu thuế bảo vệ môi trường từ mặt hàng xăng dầu; Thanh Hóa giảm thu từ thuế nhà thầu của tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu giảm thu từ các công ty thủy điện.

Thu ngân sách có xu hướng giảm rõ rệt thì chi ngân sách vẫn tiếp tục tăng. Tổng chi NSNN tháng 8 ước 98.000 tỉ đồng, lũy kế chi tám tháng gần 800.000 tỉ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó chi trả nợ lãi tám tháng 68.000 tỉ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ; chi thường xuyên 585.000 tỉ đồng, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2016. Điều này khiến bội chi NSNN tám tháng ước 97.000 tỉ đồng.

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 9, cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi NSNN. Quản lý chặt việc ứng trước và chuyển nguồn chi thường xuyên, các khoản thu chi NSNN phải được thực hiện theo dự toán.

Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển giá; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế để giảm số nợ thuế xuống dưới 5% so với số thực thu NSNN; phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu NSNN năm 2017 được cấp có thẩm quyền giao ở mức cao nhất, để có nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý các nhiệm vụ phát sinh.

 

THẾ GIỚI

* Kênh VTV1 – Thế giới kết nối lúc 17h ngày (7/9): Khởi nghiệp với công nghệ thực tế ảo ở Myanmar

Nhiều doanh nghiệp trẻ ở Myanmar đã mạnh dạn khởi nghiệp với công nghệ thực tế ảo nhằm giúp bảo tồn các di sản văn hóa đã có từ ngàn đời, cũng như hỗ trợ đắc lực cho việc học tập và nghiên cứu của giới trẻ Myanmar.

Những ngôi đền và chùa cổ ở Bagan là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Myanmar. Tuy nhiên, hàng trăm ngôi chùa đã bị hư hại, thậm chí bị đổ nát trong trận động đất xảy ra hồi năm 2016.

Nhưng trên đống tàn tích của ngôi đền có tuổi đời nghìn năm này, công nghệ của thế kỷ 21 đã giúp tái hiện sinh động cho người xem về ngôi đền và cảnh quan của nó trước khi nó bị đổ nát. Đó chính là nhờ vào công nghệ thực tế ảo do một doanh nghiệp khởi nghiệp đang ứng dụng. Người xem có thể xoay, lật, phóng to, thu nhỏ các hình ảnh và cảm thấy như được trực tiếp ngắm các hiện vật ở ngoài đời thực.

Doanh nghiệp khởi nghiệp đã sử dụng máy bay không người lái ghi lại cảnh quan của các ngôi đền chùa, cũng như chụp ảnh bên trong đền chùa và dùng công nghệ 3D để phục dựng các đồ thờ và hiện vật bên trong.

Không chỉ hỗ trợ việc bảo tồn các di sản, công nghệ thực tế ảo còn được các doanh nghiệp khởi nghiệp của Myanmar ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục.

Nhà khởi nghiệp Hla Hla Win đang dùng công nghệ thực tế ảo để phá vỡ rào cản trong các lớp học ở Myanmar. Chỉ cần có kính thực tế ảo, điện thoại di động, các em học sinh có thể thăm thú bất cứ nước nào.

Sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới viễn thông của Myanmar trong những năm gần đây đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Những doanh nghiệp này đang đưa công nghệ vào cuộc sống, để giúp cải thiện cuộc sống của người dân Myanmar./.