Huyện Tuần Giáo

Giới thiệu về lịch sử hình thành và điều kiện tự nhiên của huyện

I. Huyện Tuần Giáo qua các thời kỳ lịch sử :

Huyện Tuần Giáo nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh Điện Biên, cách thủ đô Hà Nội 405 km. Phía Đông giáp huyện  Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La); phía Tây giáp huyện Điện Biên và huyện Mường Chà; phía Nam giáp huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) và huyện Điện Biên Đông; phía Bắc giáp huyện Mường Chà,  huyện Tủa Chùa.
Huyện Tuần Giáo là địa bàn có con người đến cư trú từ rất sớm. Tại các di chỉ khảo cổ học ở hang Thẩm Púa, Thẩm Khương (xã Chiềng Sinh) đã tìm thấy các công cụ bằng đá, qua thẩm định cho biết đồ đá này thuộc thời đại đá mới, với những đặc trưng của văn hoá Hoà Bình, mang phong cách của khu vực Tây Bắc.
Tại xã Mường Đăng đã phát hiện được một chiếc trống đồng được xác định thuộc loại chuyển tiếp từ Heger II sang Heger IV. Tại bản Chá, xã Quài Nưa còn phát hiện được 7 cục đồng, mặt trên phẳng, mặt dưới cong theo hình lòng bát. Đây là nguyên liệu phục vụ cho việc giao lưu buôn bán có liên quan đến sự phát triển của nghề đúc đồng thời xưa. 
Thời Hùng Vương, nước Văn Lang được chia làm 15 bộ thì Tuần Giáo thuộc bộ Tân Hưng. Thời Lý thuộc châu Lâm Tây; thời Trần thuộc châu Ninh Viễn, lộ Đà Giang; thời Lê thuộc trấn Gia Hưng. Năm 1463, trấn Hưng Hoá được thành lập gồm 3 phủ: Gia Hưng, Quy Hoá, An Tây. Phủ Gia Hưng có 1 huyện và 11 châu, Tuần Giáo là 1 châu của phủ Gia Hưng. "châu Tuần Giáo, thổ âm là Mường Quài, phía trên giáp châu Quỳnh Nhai và châu Luân, phía dưới giáp châu Thuận, phía Đông giáp sông Mã, phía Tây giáp sông Đà... Ngày trước là động Tuần Giáo, thuộc châu Thuận, sau cho biệt lập làm châu...".  Thời Lê Cảnh Hưng, châu Tuần Giáo có tên là Tuân Giáo, có nghĩa là "tuân theo giáo hoá của triều đình", vốn là một động của châu Thuận.
Theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quí Đôn, năm 1777 nhà Trịnh tách động Tuân Giáo khỏi châu Thuận, lập châu Tuần Giáo.
Dưới thời Lê, Mường Quài (Tuần Giáo) được chia làm 6 vùng (địa danh trong ngoặc là khu vực tương đương ngày nay).
- Chiềng Cún, chiềng Khoang (vùng ba Quài: Quài Cang, Quài Tở, Quài Nưa và thị trấn Tuần Giáo).
- Chiềng On (Búng Lao, Lịch Lạn, Chiềng Sinh, Nà Sáy).
- Chiềng Ban (khu vực ba  ẳng: ẳng Nưa, ẳng Cang, ẳng Tở).
- Chiềng Sôm (Mường Đăng).
- Luân Châu (Mường Mùn, Mùn Chung, Mường Báng, Mường Đun, Mường Thín).
- Các xã vùng cao, trung tâm là Pú Nhung.
Năm 1841, nhà Nguyễn lấy đất các châu Ninh Biên, Tuần Giáo và châu Lai lập thành phủ Điện Biên. Châu Tuần Giáo thuộc phủ Điện Biên.
Trong tác phẩm "người Thái ở Tây Bắc Việt Nam", tác giả Cầm Trọng cho rằng: "Mường Quài, lúc đầu rõ ràng không phải tên của châu Mường Quài hay huyện Tuần Giáo ngày nay mà là tên chỉ một vùng thung lũng liên hoàn, trong đó có vùng trung tâm gọi là Tông Quài (Đồng Quài). Một nhánh thung lũng khác chạy theo suối Nậm Hon gọi là Kha Hon và một nhánh khác chạy theo suối Nậm Ca gọi là Kha Ca. Do đó có thể hình dung Mường Quài lúc đầu như Quắm tố mường (kể chuyện Mường), bản Mường Muổi đã tả:"Đất mường hình thế ba nhánh xếp thành ba ngả".
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta xong mãi đến tháng 4 -1890 chúng mới chiếm được Lai Châu trong đó có Tuần Giáo. Ngày 20-8-1891 toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Đạo quan binh thứ 4, châu Tuần Giáo nằm trong địa bàn của đạo quan binh thứ 4. Khi đạo quan binh này tách thành Tiểu quân khu Vạn Bú, Tiểu quân khu Lai Châu thì châu Tuần Giáo cùng các châu Sơn La, Châu Yên, Mai Sơn, Châu Thuận, Điện Biên (phủ Sơn La) và châu Mộc, châu Phù Yên (phủ Vạn Yên) nằm trong Tiểu quân khu Vạn Bú. Ngày 10-10-1895, hai Tiểu quân khu trên sáp nhập thành tỉnh Vạn Bú. Ngày 23-8-1904 tỉnh Vạn Bú đổi thành tỉnh Sơn La.
Ngày 28-6-1909 toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu gồm: Đạo Lai (châu Lai, châu Quỳnh Nhai và phủ Luân Châu), châu Điện Biên với phủ Tuần Giáo.  
Ngày 27-3-1916 thực dân Pháp thành lập Đạo quan binh thứ 4 Lai Châu   gồm: Châu Lai, châu Quỳnh Nhai, Sở Đại lý và châu Điện Biên; các khu biên giới phía bắc gồm: Mường Tè, Mường Nhé, Mường Bum và Mao Xà Phình (Sình Hồ).   Sở Đại lý và châu Điện Biên có hai tổng: Tuần Giáo và Sốp Cộp.  Tổng Tuần Giáo có 3 xã: Mường Khoai (45 bản), Mường Húa (23 bản), Mường ẳng (15 bản).  Chế độ quân quản tồn tại ở tỉnh Lai Châu nói chung, châu Tuần Giáo nói riêng rất lâu, mãi tới ngày 4-9-1943 chế độ quân quản ở Lai Châu mới bị bãi bỏ, chuyển sang chế độ cai trị hành chính.
Năm 1945 Cách mạng Tháng Tám thành công trong cả nước, song Tuần Giáo cũng như các huyện khác của tỉnh Lai Châu đều không có khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân vì chưa có tổ chức Đảng lãnh đạo tại địa phương.
Ngày 10-10-1949, Ban cán sự Đảng tỉnh Lai Châu ra đời. Từ đây phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo. Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, ngày 1-8-1950 chi bộ Đảng huyện Tuần Giáo được thành lập do đồng chí Hoàng Hồng Dương làm Bí thư. Chi bộ Tuần Giáo là tiền thân của Đảng bộ huyện Tuần Giáo ngày nay.
Ngày 1-8-1951, liên Ban cán sự Đảng huyện Tuần Giáo - Châu Lai (Tuần - Lai) được thành lập, Tuần Giáo do liên Ban cán sự Đảng Tuần - Lai trực tiếp lãnh đạo.
Ngày 20-11-1952, huyện Tuần Giáo được bộ đội chủ lực giải phóng trong chiến dịch Tây Bắc, đồng bào các dân tộc của huyện thực sự được hưởng tự do hoà bình. Huyện Tuần Giáo lúc này gồm có 8 xã: Phiêng Ta Ma, Phình Sáng, Xá Nhè, Pú Nhung, Toả Tình, Mường Quài, Mường ẳng, Mường Húa.
Ngày 29-4-1955, Khu tự trị Thái- Mèo được thành lập gồm 16 châu,  châu Tuần Giáo trực thuộc khu tự trị Thái- Mèo vì không có cấp hành chính tỉnh.
Từ ngày 24 đến 27-10-1962, tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa II nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra Nghị quyết đổi tên khu tự trị Thái- Mèo thành khu tự trị Tây Bắc,  thành lập lại hai tỉnh Sơn La, Lai Châu và một tỉnh mới Nghĩa Lộ. Tỉnh Lai Châu lúc tái thành lập gồm 7 huyện và 1 thị trấn, trong đó có huyện Tuần Giáo. Tuần Giáo lúc này có 20 xã gồm 14 xã vùng thấp (Nà Sáy, Mường Đăng, Mường ẳng, Búng Lao, Lịch Lạn, Mường Báng, Mường Đun, Quài Tở, Quài Nưa, Mường Thín, quài Cang, Chiềng Sinh, Mường Mùn, Mùn Chung) và 6 xã vùng cao (Pú Nhung, Toả Tình, Phiêng Ta Ma, Phình Sáng, Xá Nhè, Liên Hiệp).
Ngày 30-3-1967 Bộ Nội vụ ra quyết định số 122/NV về việc chia xã Mường ẳng thành 3 xã: ẳng Cang, ẳng Tở, ẳng Nưa.
Ngày 2-11-1967 Bộ Nội vụ ra Quyết định số 424/NV về việc đổi tên xã Liên Hiệp   thành xã Tênh Phông.
Đến năm 1968, huyện Tuần Giáo có 22 xã và một thị trấn gồm: ẳng Cang, ẳng Nưa, ẳng Tở, Búng Lao, Mường Lạn, Chiềng Sinh, Mường Thín, Quài Tở, Quài Nưa, Quài Cang, Mùn Chung, Toả Tình, Mường Mùn, Xá Nhè, Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng, Nà Sáy, Mường Đăng, Mường Báng, Mường Đun, Tênh Phông và thị trấn Tuần Giáo.
Ngày 19-3-1969, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 143/NV về việc phê chuẩn thành lập trị trấn nông trường Mường ẳng. Huyện Tuần Giáo có 22 xã và 2 thị trấn: Thị trấn Tuần Giáo và thị trấn nông trường Mường ẳng.
Theo quyết định số 328/CP ngày 15-12-1977 của Hội đồng Chính phủ, ba xã: Mường Báng, Xá Nhè, Mường Đun của huyện Tuần Giáo được sáp nhập vào huyện Tủa Chùa.  Huyện Tuần Giáo còn lại 19 xã và 2 thị trấn.
Ngày 26-5-1997, Chính phủ ra Nghị định số 52- CP về giải thể thị trấn Nông trường Mường ẳng, thành lập thị trấn Mường ẳng trên cơ sở 502 ha diện tích tự nhiên và 2.900 nhân khẩu của xã ẳng Nưa.
Từ ngày 21 đến 26-10-2003, kỳ họp thứ 11 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết số 22 "về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh"  trong đó có Lai Châu. Tỉnh Lai Châu (cũ) được chia thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên. Tuần Giáo là một trong 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên.  Huyện Tuần Giáo có 19 xã và 2 thị trấn, đó là: ẳng Nưa, ẳng Cang, ẳng Tở, Búng Lao, Mường Lạn, Chiềng Sinh, Mường Thín, Quài Tở, Quài Cang, Quài Nưa, mùn Chung, Toả Tình, Mường Mùn, Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng, Nà Sáy, Mường Đăng, Tênh Phông, thị trấn Tuần Giáo và thị trấn Mường ẳng.
Ngày 14-11-2006 Chính phủ ra Nghị định số 135/2006/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, huyện; thành lập xã; mở rộng và đổi tên thị trấn Mường ẳng thuộc huyện Tuần Giáo; thành lập huyện Mường ảng, tỉnh Điện Biên.  Theo Nghị định này huyện Tuần Giáo thành lập thêm 3 xã: Xuân Lao, Nặm Lịch, Ngối Cáy; thị trấn Mường ẳng được đổi tên thành thị trấn Mường ảng,  nâng số đơn vị hành chính của huyện Tuần Giáo lên 24 xã và thị trấn gồm: ẳng Nưa, ẳng Cang, ẳng Tở, Búng Lao, Xuân Lao, Mường Đăng, Ngối Cáy, Mường Lạn, Nặm Lịch, Toả Tình, Mường Thín, Ta Ma, Quài Cang, Chiềng Sinh, Mường Mùn, Phình Sáng, Pú Nhung, Quài Nưa, Quài Tở, Tênh Phông, Nà Sáy, Mùn Chung, thị trấn Mường ảng và thị trấn Tuần Giáo.
 Cũng theo Nghị định 135/2006/NĐ-CP, ngày 14-11-2006 huyện Mường ảng được thành lập trên cơ sở điều chỉnh 44.320,35 ha diện tích tự nhiên và 37.077 nhân khẩu của huyện Tuần Giáo, có 10 đơn vị hành chính bao gồm các xã: ẳng Cang, ẳng Tở, ẳng Nưa, Búng Lao, Mường Lạn, Mường Đăng, Xuân Lao, Nặm Lịch, Ngối Cáy và thị trấn Mường ảng.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Tuần Giáo còn 113.629,45 ha diện tích tự nhiên và 71.423 nhân khẩu, có 14 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã: Toả Tình, Mường Thín, Ta Ma, Quài Cang, Chiềng Sinh, Mường Mùn, Phình Sáng, Pú Nhung, Quài Nưa, Quài Tở, Tênh Phông, Mùn Chung, Nà Sáy và thị trấn Tuần Giáo.
Một quá trình dài thay đổi địa giới và tên gọi nhưng địa danh Mường Quài - Tuần Giáo vẫn mãi trường tồn với lịch sử.

II - Điều kiện tự nhiên :

Huyện Tuần Giáo có diện tích tự nhiên 157.949,80 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 93.836,96 ha (đất sản xuất nông nghiệp 38.460,08 ha; đất lâm nghiệp 55.126,65 ha; đất nuôi trồng thuỷ sản 250,23 ha); đất phi nông nghiệp 2.410,58 ha; còn lại là đất chưa sử dụng 19.181,02 ha.
Địa hình huyện Tuần Giáo hiểm trở và đa dạng. Khu vực núi non của huyện chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, sườn vách sừng sững như toà thành thiên nhiên với 70% diện tích là các dãy núi cao từ 800 m trở lên, còn lại là các dãy có độ cao 500 - 700 m, độ dốc trung bình 120-200. Dãy Pú Huổi Luông (xã Nà Sáy) cao 2.179m so với mặt nước biển, dãy Pơ Mu (xã Tênh Phông) cao 1.848 m. Núi non của Tuần Giáo đã ghi nhiều dấu ấn của những trang sử hào hùng: Pú Nhung là căn cứ chống thực dân Pháp với tên tuổi của anh hùng lực lượng vũ trang Vừ A Dính, Sùng Phái Sinh, hang Thẩm Púa (xã Chiềng Sinh) là đại bản doanh của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trước khi chuyển vào xã Mường Phăng (huyện Điện Biên).
Vùng thung lũng hẹp Tuần Giáo chiếm 10% diện tích tự nhiên, địa hình bị chia cắt, nằm rải rác ở các xã nhưng tập trung vào 4 khu vực chính: Khu Ba ẳng, khu Búng Lao - Chiềng Sinh, khu Ba Quài - thị trấn, khu Phình Sáng - Pú Nhung. Đất ở đây màu mỡ, thích hợp cho cây trồng và vật nuôi. Đặc biệt vùng Phình Sáng - Pú Nhung, Ba ẳng và Toả Tình có khả năng thích ứng với sự sinh trưởng của hoa màu (ngô, đậu tương) và phát triển cây công nghiệp (chè, cà phê).
 Vùng đồi thoải chiếm 25 - 27% diện tích toàn huyện.
Đất lâm nghiệp Tuần Giáo có 55.126,65 ha (trong đó đất có rừng tự nhiên phòng hộ 51.186,17ha; đất có rừng trồng phòng hộ 3.940,48 ha). Trong rừng có nhiều gỗ quí như (nghiến, lát, dổi, pơ mu), nhiều dược liệu, cây có dầu, cây lấy nhựa, cây ăn quả và động vật quí hiếm. Đất rừng ở đây thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp có giá trị cao (quế, hồi, trẩu, thảo quả, bông, lạc). Nhiều đồi cỏ, bãi bằng thích hợp cho phát triển chăn nuôi đại gia súc( trâu, bò, ngựa, dê) góp phần đáp ứng nhu cầu về thực phẩm và sức kéo của địa phương. Nghề trồng rừng, khai thác lâm sản từng bước được thực hiện có hiệu quả.
Hệ thống sông suối của Tuần Giáo khá dầy đặc nhưng lưu lượng và khối lượng dòng chảy không lớn. Suối Tông Ma bắt nguồn từ đèo Pha Đin (xã Toả Tình) qua Quài Nưa nhập thành suối Nậm Mu (xã Mùn Chung) hoà vào suối Nậm Mùn đổ ra sông Nậm Mức giáp Mường Chà là một trong những nhánh hữu ngạn sông Đà ở phía đông bắc Tuần Giáo. Ba con suối: bản Phủ (xã Quài Cang), Toả Tình và Tênh Phông qua Quài Tở gặp nhau ở thị trấn cùng với suối Nậm Pùa, Nậm Cô hình thành một trong những nhánh chính của thượng nguồn sông Mã. Sông suối Tuần Giáo đã tưới tiêu cho hàng ngàn héc ta lúa, màu; phục vụ sinh hoạt, là nguồn thuỷ năng dồi dào với các trạm thuỷ điện vừa và nhỏ ở thị trấn Tuần Giáo, Ta Cơn, Nậm Mức (Mường Mùn), Nậm Pay (Mùn Chung)...
Khí hậu Tuần Giáo thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa miền Bắc Việt Nam. Mùa hè chịu ảnh hưởng của gió phơn tây nam (gió Lào) khô và nóng, không có bão lớn. Hàng năm có hai mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình 18,20c, cao nhất là 36-370c, thấp nhất xuống đến 00c. Độ ẩm không khí trung bình trong năm 87%, độ ẩm thấp nhất trong năm 22%, lượng bốc hơi cả năm 514 mm. Lượng mưa phân phối không đều trong năm, mùa mưa nhiều từ tháng 5 đến tháng 7. Lượng mưa trung bình cả năm là 1.805 mm, có ngày lượng mưa lớn nhất 272 mm.
Giông là hiện tượng tương đối phổ biến ở Tuần Giáo, thường tập trung nhiều từ tháng 4 đến tháng 8, nhất là các tháng đầu mùa mưa. Mưa giông có cường độ khá lớn, là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho cây trồng. Mưa giông đầu mùa mang một lượng Amoniac và Nitơrat cung cấp nguồn phân bón cho cây trồng song mưa giông cũng có những mặt bất lợi, cường độ mưa giông lớn làm tăng độ xói mòn, sạt lở đất tại các đồi núi, cuốn trôi những lớp phù sa màu mỡ, hơn nữa trong cơn giông thường đi kèm theo lốc xoáy, có tốc độ mạnh làm đổ cây cối, nhà cửa, gây thiệt hại nặng nề cho tài sản của nhân dân trong khu vực xảy ra giông.
ở Tuần Giáo sương muối xuất hiện không nhiều song đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là gây tác hại cho các loại cây nhiệt đới ưa nóng và khó khăn cho sản xuất vụ đông xuân. ở những nơi có độ cao 1.500 m tần suất xuất hiện sương muối lớn, trung bình từ 9-10 ngày/năm. ở những nơi thấp hơn, tần suất xuất hiện sương muối nhỏ, khoảng từ 1-2 ngày/ năm.
Tuần Giáo là một trong những huyện của tỉnh Điện Biên thường có nhiều ngày sương mù, trung bình từ 80 -110 ngày/năm. Sương mù ở Tuần Giáo chủ yếu là dạng sương mù bức xạ, thường xảy ra trong các tháng thu đông (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau). Tháng có mật độ sương mù dày nhất là tháng 1 hoặc tháng 12, trung bình 10-19 ngày/tháng. Tháng có mật độ thấp nhất là tháng 5 hoặc tháng 6 (khoảng 3,5 ngày).
Thổ nhưỡng: Tuần Giáo có các loại đất chủ yếu sau: Đất pheralit vàng đỏ và đỏ vàng phát triển trên nền phiến thạch, đá vôi thuộc nhóm đá mẹ Macma a xít; đất đen là sản phẩm phong hoá của đá vôi hoặc tích đọng ở địa hình bằng, trũng, đất có độ phì, tập trung ở những xã vùng thấp của huyện. Loại đất này rất thích hợp với nhóm cây lương thực, thực phẩm, đặc biệt là ngô, đậu, đỗ...và các cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, ngô, bông, gai...
 Khoáng sản: So với toàn tỉnh, huyện Tuần Giáo có tiềm năng khoáng sản ít hơn về trữ lượng và thành phần, bao gồm chủ yếu là khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng kim loại, nước khoáng và nước nóng.
Về vật liệu xây dựng: Tại Tuần Giáo có một số điểm đá vôi đáp ứng cho yêu cầu sản xuất xi măng song chưa được điều tra thăm dò.
Về khoáng sản kim loại: Chủ yếu là quặng sắt và bô xít. Quặng sắt có ở Nậm Din, Đề Sấu, Háng Chua, Phàng Củ; quặng bô xít có ở Nậm Din (xã Phình Sáng). Ngoài ra còn có chì, kẽm ở Phình Sáng, Mùn Chung.
Về nước khoáng: Nhóm nước khoáng bicacbonat có ở bản Mu (xã Quài Cang); nhóm nước khoáng hỗn hợp có ở bản Sáng (xã Quài Cang); nước khoáng nóng có ở Ta Pao (xã Mường Mùn).
Hệ thống giao thông của Tuần Giáo khá thuận lợi. Đường quốc lộ số 6 ( trước là đường số 41) là trục giao thông chính của huyện đã cùng nhiều đường liên tỉnh, liên huyện nối địa phương với Sơn La - Hà Nội, thị xã Mường Lay. Quốc lộ 279 (trước là đường số 42) nối từ Tuần Giáo đi Điện Biên. Hệ thống đường dân sinh liên bản, liên xã từ trung tâm huyện đi các xã Mường Đăng, Pú Nhung, Phình Sáng... giữ một vị trí trọng yếu trong đời sống kinh tế - xã hội của Tuần Giáo. Đến hết năm 2006 đã có 17 xã có đường nhựa, 4 xã có đường cấp phối đến trung tâm. Một số tuyến đường liên huyện, liên xã được khởi công, mạng lưới giao thông của huyện phát triển mạnh.