Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 03 năm 2023

Update 29 - 03 - 2023
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

 

*Baodienbienphu.info.vn (28/3): Phát triển du lịch trải nghiệm để “hút” khách

Cùng với hệ thống quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên còn là nơi sinh sống tập trung của 19 dân tộc anh em, với những nét văn hóa riêng biệt. Tận dụng những nét văn hóa riêng có ấy để phát triển thành sản phẩm du lịch trải nghiệm đã và đang được coi là nhân tố tích cực tạo nên sự hấp dẫn đối với khách du lịch khi đến với Điện Biên.

Không khó để nhận ra, tại hầu hết các ngày hội văn hóa - thể thao, lễ hội của các dân tộc diễn ra trên địa bàn tỉnh đều có những trò chơi dân gian, thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia. Các trò chơi thường được sáng tạo và xuất phát từ cuộc sống lao động, sản xuất của chính người dân, như: Tung còn, đánh tù lu, đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo, giã bánh dày, tó mák lẹ… Qua đó, không chỉ thể hiện được sức khỏe dẻo dai, bền bỉ và khéo léo của người chơi, mang lại niềm vui, tính đoàn kết, cộng đồng dân tộc, mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá nét đặc trưng văn hóa truyền thống của địa phương.

Đến du lịch Điện Biên vào đúng dịp tổ chức Lễ hội Hoa Ban, chị Nguyễn Ngọc Nhung, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh rất hào hứng khi được tham gia trải nghiệm các trò chơi dân gian tại lễ hội. Trong đó, ấn tượng nhất với chị là trò chơi tung còn. Chị Nhung chia sẻ: “Không chỉ được trực tiếp cầm và ném những quả còn, tôi còn được người dân địa phương giới thiệu về ý nghĩa của trò chơi rất tỉ mỉ, nhất là mỗi vật dụng trong trò chơi đều mang ý nghĩa riêng. Như vòng tròn trên cây nêu tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, ngày và đêm, âm và dương, thể hiện sức mạnh của tự nhiên. Bên trong quả còn là những nguyên liệu như: cát, thóc, ngô tượng trưng cho vật chất, quả còn được ném qua vòng tròn mang theo mong ước của bà con về một vụ mùa mới bội thu, đời sống no ấm, con cái sinh sôi. Qua đó giúp tôi hiểu phần nào đời sống văn hóa của người dân nơi đây”.

Không chỉ là các trò chơi dân gian, du khách còn được hòa mình vào đời sống sinh hoạt, lao động của đồng bào dân tộc bằng việc tự mình trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động truyền thống sinh hoạt hàng ngày. Điều này được thể hiện rất rõ ở các điểm bản du lịch cộng đồng với những hoạt động trải nghiệm độc đáo, mang đến sự thú vị, hấp dẫn cho du khách.

Đơn cử như tại nhà hàng Ẩm thực suối Phiêng Lơi, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, để thu hút và tạo ấn tượng cho du khách, nhà hàng không chỉ tạo cảnh quan, không gian gần gũi với thiên nhiên, chế biến những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Thái, mà du khách đến đây còn được giao lưu văn nghệ, hòa mình vào những điệu hát Thái, vòng xòe Thái hay điệu sạp….

 Trong hành trình đến với Điện Biên, thông qua các hoạt động du lịch trải nghiệm, giờ đây, du khách không chỉ là người “cưỡi ngựa xem hoa”, đứng bên ngoài chiêm ngưỡng, quan sát, mà họ sẽ được đắm chìm vào đời sống văn hóa, những phong tục, lễ nghi của địa danh đó, được trò chuyện, sinh hoạt cùng với người dân bản địa… Từ đó sẽ hiểu hơn về văn hóa, con người, cảnh vật của mỗi địa danh mà họ được sống, được tìm hiểu và khám phá. Những hoạt động trên không chỉ góp phần giới thiệu, quảng bá nét đặc trưng văn hóa truyền thống của địa phương, mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, mang đến trải nghiệm ấn tượng, hấp dẫn cho du khách.

 

*Dienbientv.vn (28/3): Doanh thu dịch vụ của Cảng hàng không Điện Biên tăng hơn 37%

Chủ động triển khai các giải pháp thu hút hành khách, nâng cao chất lượng dịch vụ, nhờ đó trong quí I năm 2023, doanh thu từ các dịch vụ của Cảng hàng không Điện Biên tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, doanh thu dịch vụ của Cảng hàng không Điện Biên quý I năm 2023 ước đạt trên 3,2 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm trước. Số lượt khách thông qua Cảng hàng không ước tính đạt gần 40.000 hành khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hàng hóa bốc xếp qua Cảng hàng không ước đạt gần 2 tấn. Công tác an ninh, an toàn bay được đảm bảo tuyệt đối, không xảy ra trường hợp gây uy hiếp an toàn bay, cháy nổ, tai nạn lao động.

Để nâng cao chất lượng các dịch vụ, đến ngày 15/4/2023 tạm thời đóng Cảng hàng không Điện Biên, thực hiện Dự án nâng cấp sân bay, để hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến.

 

*Vnexpress.net (28/3): 'Bài toán' bữa ăn bán trú ở Điện Biên Phủ

Không thể nộp suất ăn bán trú cho con đang học mẫu giáo, chị Trá Thị Ong đến điểm trường để nấu ăn, góp công sức thay vì tiền.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ, cho biết Nà Nhạn cùng với Nà Tấu, Mường Phăng thuộc huyện Điện Biên trước đây, là xã khu vực III, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Từ năm 2020, ba xã này được sáp nhập vào thành phố Điện Biên Phủ, đạt chuẩn nông thôn mới.

Vì vậy, từ năm học 2021-2022, học sinh ba xã nói trên đều không còn chế độ trợ cấp bán trú theo quy định của Chính phủ. Ông Hưng nói điều này ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh, nhất là các em hộ nghèo, cận nghèo thuộc dân tộc Khơ mú và dân tộc Mông.

Theo cô Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng trường mầm non số 2 xã Nà Nhạn, mặc dù xã đã cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới nhưng đời sống của bà con còn nhiều thiếu thốn. Phụ huynh của trường 100% là người dân tộc Mông, kinh tế eo hẹp, nhận thức chưa cao và không có tiền đóng suất ăn cho con.

Thời điểm đầu không còn hỗ trợ, bữa ăn của học sinh thường bị gián đoạn, bập bõm. Phụ huynh đành góp rau, góp gạo, góp ngày công đến trường luân phiên nấu cơm.

Nữ hiệu trưởng và các giáo viên sau đó kêu gọi sự hỗ trợ của các trường kết nghĩa, các mạnh thường quân. Trường Mầm non 7/5 ở thành phố Điện Biên Phủ lập tức tiếp tế cho trường một tạ gạo.

Đến cuối tháng 9/2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố kết nối với dự án "Nuôi em", hỗ trợ 6.800 đồng mỗi ngày với một trẻ mầm non và 8.500 đồng với học sinh tiểu học không thuộc diện hưởng chế độ bán trú của nhà nước.

Theo cô Bình, trong 6.800 đồng cho trẻ mầm non, 6.000 đồng được dùng mua thực phẩm (trứng, thịt gà, thịt lợn, đậu) cho bữa chính; số còn lại mua bánh quy, bánh gạo, bánh xốp hoặc nấu chè bí, chè đỗ làm bữa phụ. Nguồn hỗ trợ này đã giúp thầy cô giảm bớt khó khăn để tổ chức bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng.

Từ khi có bữa ăn bán trú, tỷ lệ chuyên cần của học sinh tăng trở lại. Tháng 9/2022, trường Mầm non số 2 Nà Nhạn có 236 học sinh đi học thì nay tăng thêm 25 học sinh.

Thầy Nguyễn Đình Vang, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 1 xã Nà Nhạn, cũng cho biết tỷ lệ học sinh của trường đi học chuyên cần đạt 100%. Các em có sự phát triển nhất định về thể chất, tinh thần, đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

 

*Suckhoedoisong.vn (28/3): Nhiều tỉnh Tây Bắc có chất lượng không khí rất xấu

Theo số liệu quan trắc, những ngày gần đây các tỉnh phía Tây Bắc như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu... có chỉ số chất lượng không khí rất xấu, nguy hại cho sức khỏe.

Ngày 28/3, theo số liệu từ ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố) thì tại TP Điện Biên Phủ, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức rất có hại, thậm chí nguy hiểm (AQI trên 300). Cụ thể, điểm đo được đặt tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Him Lam, TP Điện Biên Phủ có chỉ số AQI là 419 (mức nguy hiểm), tại xã Thanh Minh có chỉ số AQI là 270; Trường mầm non Nam Thanh có chỉ số AQI là 296.

Cũng theo PAM Air, nhiều khu vực của Tây Bắc như Lai Châu, Sơn La có chung tình trạng không khí ô nhiễm nghiêm trọng những ngày gần đây, nhiều điểm ô nhiễm ở mức cảnh báo màu nâu – mức rất nguy hại cho sức khỏe. Tại điểm đo thuộc Bản Lướt, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, chỉ số AQI đo được ở mức 196 (có hại cho sức khỏe), tất cả người dân bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn.

Theo PAM Air, chỉ số AQI này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Người dân tại các khu vực trên nên chủ động bảo vệ sức khỏe của mình trước khi có các giải pháp hữu hiệu. Người dân cần phải thường xuyên cập nhật thông tin Chất lượng không khí từ các nguồn đáng tin cậy để chủ động bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm gia tăng. Đeo khẩu trang đạt chuẩn chống bụi mịn, ôm khít tối ưu, có gọng mũi và van thở lọc một chiều khi ra đường.

 

*Baodienbienphu.info.vn (28/3): Bắt Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Phình Giàng về tội “Tham ô tài sản”

Ngày 27/3, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Điện Biên Đông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Thu Hoàn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Phình Giàng (xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông) về tội “Tham ô tài sản” quy định tại Khoản 2, Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Cùng ngày, cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét nơi làm việc của bà Nguyễn Thị Thu Hoàn tại Trường PTDTBT Tiểu học Phình Giàng và nơi ở tại bản Sa Vua B, xã Phình Giàng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoàn, sinh năm 1970, thường trú tại số nhà 46, tổ 1, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ; nơi ở hiện tại bản Sa Vua B, xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông. Bà Hoàn được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Phình Giàng từ 1/7/2020.

 

*Baodienbienphu.info.vn (28/3): Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Xác định, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn là một trong những yếu tố tiên quyết để xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra mục tiêu: Bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 8.700 lao động…

Từ mục tiêu đó, những năm gần đây, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhất là tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút lao động tham gia các lớp đào tạo nghề cũng như tìm kiếm việc làm thường xuyên tại các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mặc dù còn dư âm của dịch bệnh Covid-19, nhưng năm 2022 đã có 10.638 lao động được giải quyết việc làm, tăng 17,73% so với năm 2021, đạt 114,53% mục tiêu Nghị quyết. Kết quả đó góp phần rất tích cực vào công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Phát huy kết quả đạt được, Điện Biên tiếp tục đặt mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm ổn định đạt khoảng 80%. Chú trọng đào tạo và đào tạo lại nghề nông nghiệp cho 17.624 lượt lao động nông thôn; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đến năm 2025 đạt trên 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt từ 20% trở lên. Qua đó, giúp người lao động có thể tiếp cận được với các công việc đòi hỏi tay nghề cao để có thu nhập ổn định hơn.

Là tỉnh nông nghiệp, số lao động trong độ tuổi khu vực nông thôn cần được đào tạo, giải quyết việc làm hàng năm khá lớn. Giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống sẽ góp phần tích cực trong Đề án Xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Một số xã chậm “cán đích” hoặc “rớt hạng” nông thôn mới thời gian qua, có nguyên nhân của việc thiếu tiêu chí thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều gia đình chưa có nhà kiên cố ở, cuộc sống du canh du cư… có nguyên nhân của việc lao động nông thôn không có việc làm ổn định, thu nhập thấp.

Do vậy, trước mắt cũng như lâu dài, cần phải xác định, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho người lao động là rất cần thiết. Việc đào tạo và nâng cao chất lượng nghề nông thôn cho lao động phải gắn với nhu cầu thị trường. Đào tạo nghề phải đúng đối tượng, đúng mục đích mới đạt hiệu quả cao. Thời gian, địa điểm mở lớp học nghề, giáo viên dạy nghề phải phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hoá bản địa; cần có định hướng, khảo sát nhu cầu lao động, gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả làm việc sau đào tạo.

Thời gian qua, có lúc, có nơi, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nói chung, lao động nông thôn nói riêng chưa sát thực tế, hiệu quả không như mong muốn. Việc người dân “điểm chỉ ghi tên” trong các lớp học nghề mà không tham gia học tập đầy đủ không phải là không có. Lý do là bà con bị “ép học nghề” mình không mong muốn, không tâm huyết, không có năng khiếu.

Giải quyết tận gốc tình trạng này, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động nông nghiệp cần gắn với nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, của từng địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, sản phẩm nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, may thêu, mây, tre, đan…); đào tạo nghề trồng trọt, chăn nuôi có tiềm năng, lợi thế địa phương. Tỉnh đang mở rộng diện tích trồng cây mắc ca, cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán rừng, trồng rừng kinh tế… Đây là những nghề giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nghề nông nghiệp, nếu biết khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.

Một mặt, cần thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân theo hướng ổn định, bền vững. Bên cạnh đào tạo sơ cấp nghề, cần chú trọng nâng cao trình độ tay nghề, cơ giới hoá, tự động hoá, hiện đại hoá các khâu sản xuất, chế biến. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho lao động nông thôn để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn một cách hiệu quả.

 

*Baodienbienphu.info.vn (27/3): Đảm bảo trật tự, mỹ quan khu vực cầu Mường Thanh

Nhằm đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị khu vực Di tích cầu Mường Thanh (thuộc khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ), từ đầu năm đến nay các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền sở tại đã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, buôn bán tháo dỡ vật kiến trúc và di dời điểm kinh doanh. Đến nay phần lớn hộ kinh doanh đã di dời, trả lại mặt bằng cho khu di tích.

Hàng chục năm nay, khu vực di tích cầu Mường Thanh đã trở thành chợ tạm, nơi kinh doanh buôn bán của trên 200 tiểu thương trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và các huyện lân cận. Tại đây, nhiều công trình lắp ghép, lều lán tạm được dựng lên. Tình trạng trên gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng hoạt động du lịch. Những năm trước đây, Ban Quản lý di tích (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và UBND phường Mường Thanh đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh di dời, trả lại mặt bằng cho khu di tích nhưng đều thất bại. Nguyên nhân là do trên địa bàn phường chưa được đầu tư xây dựng chợ để hộ kinh doanh chuyển địa điểm. Cuối năm 2022, sau khi công trình Chợ Mường Thanh được đầu tư, bàn giao và đưa vào sử dụng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND TP. Điện Biên Phủ xây dựng kế hoạch quyết tâm đảm bảo trật tự đô thị tại khu vực di tích cầu Mường Thanh.

Những tháng cuối năm 2022, các lực lượng đồng loạt ra quân triển khai nhiệm vụ, tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tháo dỡ công trình và di dời địa điểm bán hàng vào chợ mới Mường Thanh. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn và sự phản đối của các hộ kinh doanh. Sau nhiều cuộc đối thoại, các bên đã thống nhất sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ hoàn trả mặt bằng cho khu di tích.

Đến ngày 22/3 vẫn còn 7 hộ kinh doanh với 11 ki ốt chậm hoặc chưa tháo dỡ vật kiến trúc, di chuyển hàng hóa, trả lại mặt bằng cho khu di tích. Ông Nguyễn Anh Đạo, Giám đốc Ban Quản lý Di tích cho biết: Ngày 16/3, Ban đã ban hành thông báo lần 3 để các hộ trên chủ động tháo dỡ và di chuyển. Ngày 22/3, Ban đã phối hợp với các lực lượng, UBND phường Mường Thanh tổ chức gặp mặt, đối thoại với các hộ kinh doanh chưa chấp hành việc tháo dỡ vật kiến trúc tại khu vực cầu Mường Thanh. Đến ngày 25/3, các hộ kinh doanh đã cơ bản hoàn thành việc di dời. Ban quản lý sẵn sàng cử lực lượng hỗ trợ người dân tháo dỡ tài sản, cùng với đó Đội Quản lí trật tự TP. Điện Biên Phủ giúp về phương tiện vận chuyển. Bên cạnh đó, Ban phối hợp với các lực lượng triển khai đồng bộ các phương án không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm; lắp đặt các biển thông tin, xây dựng hàng rào và cử cán bộ thường xuyên giám sát; phối hợp với các lực lượng xử lý bất cứ trường hợp nào đưa hàng ra buôn bán tại khu vực này.

Bà Từ Thị Hạnh, người kinh doanh tại khu vực cầu Mường Thanh cho biết: Tôi đồng thuận với phương án của Ban Quản lý di tích đề ra và sẽ triển khai tháo dỡ đảm bảo thời gian quy định. Tuy nhiên, đây là nơi kinh doanh nhiều năm và là nguồn thu nhập chính của gia đình, tôi mong muốn chính quyền phường, ban quản lý chợ tạo điều kiện hỗ trợ vị trí kinh doanh trong chợ mới.

 

*Baodienbienphu.info.vn (26/3): Triển vọng cây dược liệu ở Mường Nhé

Là huyện vùng cao, biên giới, diện tích quy hoạch cho đất lâm nghiệp lớn, Mường Nhé được đánh giá là địa bàn có tiềm năng phát triển cây dược liệu.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Hiện nay, huyện Mường Nhé có 86.100,86ha rừng; trong đó 58.084,22ha rừng tự nhiên, 1.016,64ha rừng trồng với tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,87%. Diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp 125.797,3ha (chiếm 80% diện tích tự nhiên toàn huyện). Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên các đặc điểm như: Nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm không khí; thổ nhưỡng, đất đai trên địa bàn huyện tương đối tốt, tính chất đất rừng phù hợp với nhiều loại cây trồng ngắn ngày (sả) và cây dài ngày (quế, ba kích). Trong khi đó, diện tích đất trống quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp khá nhiều, nguồn lao động dồi dào với 22.505 người trong độ tuổi lao động (chiếm 47,2% dân số); hầu hết lao động sống ở nông thôn. Đây là điều kiện tốt để phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với các loài cây dược liệu dưới tán rừng. Đặc biệt là phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo chuỗi giá trị gắn với nhà máy chế biến lâm sản. Trên tuyến biên giới có lối mở A Pa Chải, đây cũng là điều kiện thuận lợi của huyện trong việc giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế đối ngoại trong tương lai.

Nhằm phát triển kinh tế hộ, từ năm 2016 đến nay, nhiều người dân trên địa bàn Mường Nhé đã tự gây trồng 159,27ha sả Java trên đất trồng cây hàng năm của gia đình. Ngoài ra, nhiều hộ dân đã trồng tổng diện tích 113,99ha cây quế, 260ha cây sa nhân dưới tán rừng. Trong đó, đối với sả Java sản lượng khai thác bình quân 1.477 tấn/năm, năng suất trung bình ước đạt 9 tạ sả tươi/ha/năm. Đối với cây quế (loài cây dược liệu có chu kỳ khai thác lâu), sau 5 năm trồng mới có thể khai thác. Còn với sa nhân, sản lượng khai thác bình quân 40 tấn/năm, năng suất trung bình ước đạt 4 tạ/ha/năm. Tuy nhiên, việc trồng, khai thác, thu hái các loài cây dược liệu còn manh mún. Hiện nay các hộ dân tự chế biến mà không có cơ sở sơ chế và chế biến nguyên vật liệu sả Java và sa nhân. Được biết đã có doanh nghiệp trên địa bàn huyện đăng ký thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Suối Voi (xã Leng Su Sìn) để thu mua tinh dầu sả Java. Những hộ dân sau khi thu hoạch và chế biến thành tinh dầu sả đem bán cho Hợp tác xã thu mua và xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Ma Lù Thàng (tỉnh Lai Châu). Còn cây sa nhân, sau thu hoạch người dân chủ yếu bán lẻ cho các tiểu thương trên địa bàn huyện.

Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Nhằm phát triển cây dược liệu, tạo sinh kế giúp cho người dân xóa đói giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã đề xuất một số chương trình, dự án phát triển cây dược liệu như: Dự án phát triển cây quế; phát triển lâm sản ngoài gỗ thuộc dự án bảo vệ và phát triển rừng bền vững tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; dự án phát triển cây ý dĩ. Tổng vốn đầu tư dự án phát triển cây dược diệu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là 3 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư thực hiện đến năm 2025 là 1,125 tỷ đồng, vốn thực hiện giai đoạn 2026 - 2030 là 1,875 tỷ đồng. Trên cơ sở các chính sách của Trung ương, của tỉnh và tình hình thực tế địa bàn, trước mắt huyện định hướng phát triển dược liệu (cây quế) để thực hiện các mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị liên quan. Tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất và phát triển dược liệu gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tích cực xây dựng cơ chế chính sách xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm; thu hút đầu tư phát triển trong lĩnh vực dược liệu. Nhờ đó thời gian gần đây Mường Nhé đã thu hút một số doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư phát triển cây dược liệu. Mới đây (giữa tháng 3/2023), huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn VIETMASS khảo sát thực địa, nghiên cứu đầu tư phát triển cây dược liệu (nấm, sâm) trên địa bàn.

 

*24h.com.vn (26/3): Hàng loạt chuyến bay đến Điện Biên phải hủy do… khói rơm rạ

Hàng loạt chuyến bay đến Điện Biên đã phải quay đầu hoặc hủy do khói đốt rơm rạ ảnh hưởng đến an toàn hàng không.

Ngày 26/3, đại diện lãnh đạo Cảng hàng không Điện Biên thông tin, trong 2 ngày 24-25/3, đã có 14 chuyến bay đi/đến Sân bay Điện Biên phải hủy chuyến. Trong đó ngày 24/3 hủy 8 chuyến và ngày 25/3 phải hủy 6 chuyến.

"Ngày hôm nay (26/3) có thêm 2 chuyến bay đến Sân bay Điện Biên cũng đều được điều chỉnh lịch bay sang buổi chiều", lãnh đạo Cảng hàng không Điện Biên cho biết thêm.

Theo đó, lý do mà các hãng hàng không đưa ra về việc hủy chuyến và tạm dừng bay liên quan đến các chuyến bay đi/đến Sân bay Điện Biên là do ảnh hưởng của hiện tượng mù khô và khói đốt từ hoạt động đốt nương khiến tầm nhìn thấp hơn mức tiêu chuẩn.

Thực tế, việc đốt rơm rạ ảnh hưởng đến an toàn bay đã xuất hiện nhiều lần tại Việt Nam. Cảng vụ hàng không miền Bắc đã nhiều lần có văn bản đề nghị các địa phương có biện pháp ngăn chặn đốt rơm rạ, gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công...

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

* Chinhphu.vn (28/3): Chính phủ chỉ đạo về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công

Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, báo cáo Chính phủ việc ban hành nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng và việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, phụ cấp

Tại Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm, nhất là tại các khu công nghiệp để có phương án hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

Nghiên cứu, báo cáo Chính phủ việc ban hành nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng và việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách về an sinh xã hội

Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 11/BC-BLĐTBXH ngày 27/01/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng kết thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ.

Đến nay, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ đã cơ bản hoàn thành.

Thời gian kết thúc thực hiện các chính sách đã được xác định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Chính phủ yêu cầu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách về an sinh xã hội, bảo đảm toàn diện, đồng bộ, bền vững.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục rà soát để hoàn thành việc chi trả các chế độ cho các đối tượng theo quy định, hoàn thành trong tháng 3 năm 2023.

Chi trả kịp thời các quyền lợi về bảo hiểm

Chính phủ giao Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đôn đốc thu, giảm nợ bảo hiểm xã hội.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giải quyết, chi trả kịp thời các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. 

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mở rộng hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đẩy nhanh chuyển đổi số, hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội…

 

*Dantri.com.vn (27/3): Thủ tướng: "Không để văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu"

Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật cho ý kiến về nội dung của 5 dự thảo luật, nghị quyết lớn. Thủ tướng nhấn mạnh đây là những vấn đề khó, quan trọng và cấp bách cần giải quyết.

Ngày 27/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2023.

Phiên họp cho ý kiến về 5 nội dung gồm: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông; Một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược và đã được thúc đẩy trong nhiệm kỳ. "Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật này nhằm đề xuất các cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các chính sách mới liên quan một số luật", theo người đứng đầu Chính phủ.

Nhấn mạnh tính quyết liệt trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật trong năm 2022 và đây là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 3 năm 2023.

Theo lãnh đạo Chính phủ, đây là việc lớn, quan trọng, có nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết, nhiều vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, vì thế các thành viên Chính phủ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành thời gian góp ý vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng nêu thực tế ở các bộ, ngành, nếu bộ trưởng, trưởng ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát tình hình, quan tâm công tác xây dựng pháp luật thì công việc trôi chảy, tiến độ và chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được bảo đảm.

Thủ tướng lưu ý công việc ngày càng nhiều khi thực tiễn diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng từ lâu, có những văn bản mới xây dựng nhưng thực tiễn đã vượt qua, nên phải rà soát, bám sát thực tiễn, điều chỉnh kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, nút thắt, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, phù hợp điều kiện đất nước và tình hình từng giai đoạn.

Với những bộ, ngành chưa kiện toàn bộ phận chủ trì nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện và bố trí nguồn lực, con người, thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác này.

Một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ quán triệt các bộ, ngành khi được hỏi ý kiến phải ý bảo đảm tiến độ và chất lượng. "Không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu", Thủ tướng nêu rõ.

Trước mắt, lãnh đạo Chính phủ lưu ý cần tập trung thực hiện xây dựng, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội xem xét thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và các dự án, dự thảo văn bản trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 5.

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

*Chinhphu.vn (28/3): Chính sách mới về vị trí việc làm, xếp lương, đấu thầu,... có hiệu lực từ tháng 4/2023

Hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 về hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/4/2023.

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc các Bộ, ngành và địa phương.

Đối tượng áp dụng: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm cấp cứu 115; Cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm; Cơ sở pháp y, pháp y tâm thần, giám định y khoa; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư này không áp dụng đối với: Các đơn vị nghiên cứu lĩnh vực y tế và các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng thuộc Bộ, ngành khác; Trong việc giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Các cơ sở y tế thuộc Bộ, ngành khác và cơ sở y tế ngoài công lập có thể căn cứ hướng dẫn tại Thông tư để áp dụng thực hiện cho phù hợp với thực tiễn.

 Thi tuyển công chức, đã đạt kiểm định đầu vào thì không phải thi vòng 1 

 Nghị định số 06/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức có hiệu lực từ 10/4/2023.

Theo Nghị định trên, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.

Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền.

Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.

Hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Nội dung kiểm định gồm: hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ… và đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Người dự tuyển trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ.

Việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31/7/2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.

Kể từ ngày 1/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.

 Quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên

Có hiệu lực từ ngày 25/4/2023, Thông tư số 01/2023/TT-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 9/3/2023 quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. 

Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên theo quy định tại Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Về xác định chuyên gia, nhà chuyên môn khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Điều 3 Thông tư nêu rõ: Chuyên gia, nhà chuyên môn khác là người được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng thực hành công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định, xác định người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

Người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào trong phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa

Thông tư 02/2023/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.

Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng 3 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP)

Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Thông tư 11/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/9/2022 quy định về bảo lãnh ngân hàng, trong đó quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Cụ thể, Thông tư quy định, ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng; không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Ngân hàng Nhà nước công bố công khai danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng thương mại xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định (trừ trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng); dự án của chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định của pháp luật có liên quan.

Số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản và các khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2023.

Hướng dẫn hoàn thuế giá trị gia tăng đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BTC ngày 28/2/2023 hướng dẫn thi hành Nghị định số 49/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP và sửa đổi bổ sung Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

Thông tư 13 sửa đổi, bổ sung quy định về "Hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT, các tài liệu có liên quan theo trường hợp hoàn thuế dự án đầu tư" (điểm a.4 khoản 2 Điều 28 Thông tư số 80/2021/TT-BTC).

Thông tư có hiệu lực từ ngày 14/4/2023.

Quy định điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng

Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/2023/TT-BXD ngày 3/3/2023 hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng xây dựng. Trong đó, Thông tư quy định việc điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng. Theo đó, việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 50/2021/NĐ-CP.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2023.

Quy định mới về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập 

Thông tư 06/2023/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 12/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 27/4/2023./.

 

CHỈ THỊ MỚI

*Chinhphu.vn (25/3): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường công tác truyền thông chính sách

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách; xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông chính sách tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.

Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển KTXH

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành là xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành, thực hiện điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Bám sát, nhận diện và đánh giá đúng tình hình, tăng cường năng lực dự báo, phản ứng chính sách, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách…

Triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15.

Theo Kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Y tế rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính và các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh theo lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công và gửi về Bộ Y tế trong tháng 3/2023.

Khẩn trương tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Công điện số 164/CĐ-TTg ngày 18/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Để bảo đảm việc tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến của Nhân dân bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (đồng thời gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội) theo đúng thời gian đã nêu trong Kế hoạch của Chính phủ.

Công nhận Khu phức hợp văn phòng FPT là khu công nghệ thông tin tập trung

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 261/QĐ-TTg ngày 19/3/2023 công nhận Khu phức hợp văn phòng FPT là khu công nghệ thông tin tập trung.

Khu công nghệ thông tin tập trung - Khu phức hợp văn phòng FPT có tổng diện tích đất là 59.302,6 m²; có vị trí: lô đất A4-1, thuộc Khu đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Khu công nghệ thông tin tập trung - Khu phức hợp văn phòng FPT hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 4 Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung; được áp dụng các chính sách ưu đãi quy định tại Nghị định số 154/2013/NĐ-CP và các chính sách ưu đãi khác áp dụng đối với khu công nghệ thông tin tập trung theo quy định của pháp luật.

 

TIN QUỐC HỘI

*Vtv.vn (27/3):  Đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp thứ 21, tháng 3/2023.

Về vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo luật.

Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ, có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn cho việc sử dụng.

Việc này nhằm mục đích bảo đảm sức khỏe, an toàn tài sản, tính mạng cho người dân, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhà chung cư phải di dời để phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, đây là vấn đề nhạy cảm, hệ trọng, có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội. Do đó, trong trường hợp Chính phủ thấy cần thiết tiếp tục trình Quốc hội phương án khác với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đề nghị xây dựng 2 phương án, bao gồm phương án của Chính phủ đề xuất và phương án theo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất của cơ quan thẩm tra để đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Tờ trình của Chính phủ cũng cần phân tích, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, phân tích ưu điểm, hạn chế, hoàn thiện quy định của từng phương án. Từ đó làm cơ sở để đại biểu Quốc hội thảo luận dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn được phương án tốt nhất, khả thi nhất.

Đồng thời, khắc phục được bất cập, vướng mắc của Luật Nhà ở hiện hành, đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của người dân trong xã hội, phục vụ hiệu quả quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất

Về các nội dung lớn của dự thảo luật gồm quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam; chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại; thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở... đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng.

Đồng thời, việc này cần đảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan, các dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…

Đối với một số nhóm vấn đề cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước để tránh sơ hở, lợi dụng gồm bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội... đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các quy định trong dự thảo luật để hoàn thiện, bảo đảm chặt chẽ, có cơ chế kiểm soát phù hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, tờ trình và hồ sơ dự án luật trình Quốc hội, đồng thời gửi Ủy ban Pháp luật chậm nhất là ngày 10/4/2023 để thẩm tra chính thức và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy định.

 

* Vtv.vn (27/3): Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

 Hội nghị sẽ thảo luận về 7 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 như dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Hội nghị sẽ diễn ra từ 5/4 đến 7/4 theo hình thức họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng để thảo luận, góp ý kiến về 7 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 gồm:

- Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

- Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

- Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

- Dự án Luật Giá (sửa đổi)

- Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

- Dự án Luật Phòng thủ dân sự.

- Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại các phiên thảo luận, Cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án luật. Sau đó, các đại biểu thảo luận về dự án và cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Hanoimoi.vn (28/3): Đa dạng cách hỗ trợ quyết toán thuế năm 2022

Tháng 3 và 4 hằng năm, cơ quan thuế tổ chức “Tháng đồng hành cùng người nộp thuế” nhằm hỗ trợ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Năm nay, ngành Thuế đa dạng cách hỗ trợ, bảo đảm người nộp thuế có thể tiếp cận thông tin và được hỗ trợ một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất.

Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, việc hỗ trợ theo hình thức trực tuyến vẫn được ngành Thuế coi là phương thức chủ yếu, vì khả năng truyền tin nhanh và độ bao phủ rộng. Theo đó, Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và của 63 cục thuế là các kênh chính thức để người nộp thuế tra cứu thông tin, tham vấn các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, từng cơ quan thuế sẽ có các tài khoản, fanpage riêng mở trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube... để cung cấp thông tin chi tiết cho từng nhóm người nộp thuế.

Tại Tổng cục Thuế, tháng 3 hằng năm, chương trình hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế đều được tổ chức trên Cổng thông tin điện tử. Chương trình hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế năm nay được tổ chức dưới hai hình thức. Thứ nhất, người nộp thuế sẽ vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (www.gdt.gov.vn) đặt câu hỏi, các chuyên gia của Tổng cục Thuế trả lời trực tiếp và nội dung trả lời được đăng tải lên cổng. Thứ hai, việc giới thiệu điểm mới và giải đáp vướng mắc người nộp thuế thường gặp khi quyết toán thuế được phát trực tiếp trên trang mạng xã hội Facebook của Tổng cục Thuế.

Qua hai chương trình hỗ trợ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân năm 2022 trên Cổng thông tin điện tử ngành Thuế diễn ra ngày 21 và 23-3, gần 1.500 câu hỏi được gửi đến và trên 422.000 lượt người truy cập theo dõi. Các vấn đề liên quan đến thời hạn quyết toán thuế; giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc; quyết toán thuế đối với cá nhân cư trú là người nước ngoài… được người nộp thuế quan tâm nhiều nhất.

Tại cơ quan thuế địa phương, các cục thuế cũng vừa tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với người nộp thuế, vừa đăng tải các câu hỏi - đáp hướng dẫn người nộp thuế quyết toán thuế trên website của các cục thuế. Hội nghị trực tuyến hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người nộp thuế quyết toán thuế năm 2022 do Cục Thuế thành phố Hà Nội tổ chức mới đây đã tiếp nhận, giải đáp hơn 200 vướng mắc của người nộp thuế gửi đến. Cục Thuế cũng hỗ trợ người nộp thuế thông qua website và các kênh tương tác khác của Cục. Các chuyên mục “Hướng dẫn quyết toán thuế”, “Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật”, “Tin tức”, “Thông báo”... trên website của Cục Thuế thành phố Hà Nội tại địa chỉ http://hanoi.gdt.gov.vn đăng tải thường xuyên, đầy đủ, chi tiết, dễ hiểu các nội dung phục vụ quyết toán thuế, các thông tin triển khai quyết toán thuế dưới nhiều hình thức (tin bài, slide, video hướng dẫn…) để các tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế quan tâm dễ dàng truy cập và thực hiện đúng quy định…

Cục Thuế thành phố Hà Nội phấn đấu số lượng hồ sơ quyết toán thuế của cá nhân gửi đến cơ quan thuế theo phương thức điện tử đạt trên 90%. Các cá nhân nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân qua phương thức điện tử (sử dụng tài khoản giao dịch điện tử) sẽ không cần nộp bản giấy đến cơ quan thuế, vừa giảm thủ tục hành chính, vừa tiết kiệm chi phí cho người nộp thuế và cơ quan thuế. Bà Nguyễn Thị Dung, kế toán Công ty cổ phần Thiết bị kỹ thuật và công nghệ AVCO (quận Hoàng Mai) chia sẻ, việc cơ quan thuế thực hiện đa dạng cách hỗ trợ đã giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc làm thủ tục quyết toán thuế.

Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất đối với doanh nghiệp là ngày cuối cùng của tháng 3-2023; với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế, chậm nhất là ngày 30-4-2023 (sẽ được tính bù thành ngày 4-5-2023). Tổng cục Thuế khuyến khích người nộp thuế sử dụng phương thức giao dịch điện tử để làm thủ tục quyết toán thuế. Sau khi nộp hồ sơ quyết toán thuế, cơ quan thuế sẽ thông báo kết quả, người nộp thuế nên sử dụng công cụ tra cứu trên các ứng dụng do cơ quan thuế cung cấp để biết đã hoàn thành nghĩa vụ quyết toán thuế hay chưa, tránh các sai sót do không theo dõi thông tin cơ quan thuế đã thông báo.

 

* Vtv.vn (28/3): Xử phạt hơn 3.700 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông

 Trong 3 tháng đầu năm 2023, thanh tra giao thông đã lập biên bản xử phạt hành chính hơn 12,5 tỷ đồng đối với 3.742 trường hợp vi phạm các quy định về giao thông vận tải.

Trong lĩnh vực vận tải hành khách, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đã lập biên bản vi phạm hành chính 1.299 trường hợp, tương đương số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,7 tỷ đồng, tạm giữ 11 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 172 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ lập biên bản vi phạm hành chính tăng 674 vụ (tương đương 107,84%), số tiền xử phạt tăng hơn 2,09 tỷ đồng (tương đương 315,73%).

Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính 1.484 trường hợp, tương đương số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 7,2 tỷ đồng; Tạm giữ 14 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 196 trường hợp, tước tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 7 xe ô tô tải. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ lập biên bản vi phạm hành chính giảm 107 vụ (tương đương 6,73%), số tiền xử phạt tăng hơn 1,5 tỷ đồng (tương đương 26,14%).

Về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã lập biên bản vi phạm hành chính 39 trường hợp, tương đương số tiền xử phạt vi phạm hành chính 268.600.000 đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ lập biên bản vi phạm hành chính tăng 4 vụ (tương đương 11,43%), số tiền xử phạt tăng 141.850.000 đồng (tương đương 111,91%).

Đối với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị, lực lượng chức năng cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính 920 trường hợp, tương đương số tiền xử phạt vi phạm hành chính 2.269.090.000 đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ lập biên bản vi phạm hành chính tăng 119 vụ (tương đương 14,86%), số tiền xử phạt tăng 794.900.000 đồng (tương đương 53,92%).

 

*Chinhphu.vn (28/3): Đề xuất cơ chế dự trù thuốc hiếm và chấp nhận hủy bỏ khi thuốc hết hạn

Bộ Y tế đề xuất cơ chế để mua sắm, dự trù một số thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung… đồng thời chấp nhận hủy bỏ nếu thuốc hết hạn do không có bệnh nhân cần dùng đến.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin y tế ngày 24/3, ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, nhiều năm nay Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành danh mục các thuốc hiếm, thuốc có nguồn cung hạn chế, như thuốc giải độc… và thường xuyên điều chỉnh, cập nhật danh mục này, nhằm giúp các cơ sở khám, chữa bệnh có biện pháp chủ động trong việc đảm bảo đủ thuốc hiếm đáp ứng nhu cầu điều trị của cơ sở. 

"Cục Quản lý dược đang tiếp tục triển khai xây dựng, cập nhật danh mục này. Việc thiếu thuốc hiếm trong thời gian vừa qua chỉ xảy ra ở một số cơ sở y tế, nguyên nhân do công tác dự trù mua sắm. Có những loại thuốc hiếm nhiều năm không sử dụng đến, các cơ sở không dự trù mua sắm, dẫn tới khi có phát sinh thì không kịp mua", ông Lê Việt Dũng cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý dược, mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất, báo cáo Chính phủ về vấn đề này và Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Y tế đang triển khai công tác này và dự kiến đề xuất một số cơ chế đặc thù về tài chính, như bố trí, phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước để các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động dự trù các mặt hàng thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung; có giải pháp và cơ chế để các cơ sở khám, chữa bệnh lưu trữ các mặt hàng thuốc này, đồng thời chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề xuất có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất các mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Bộ Y tế cũng đề xuất theo thẩm quyền một số cơ chế để ưu tiên thẩm định nhanh, cho phép chuyển nhượng thuốc hiếm, thuốc có hạn chế nguồn cung giữa các cơ sở khám, chữa bệnh.

 

*Hanoimoi.vn (28/3): Xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh xăng, dầu giả, kém chất lượng

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa ban hành văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm chất lượng trong kinh doanh xăng, dầu.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, nạn buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng, dầu còn diễn biến phức tạp, trong đó có hiện tượng nhiều đối tượng lợi dụng việc nguồn cung xăng, dầu bị đứt gãy cục bộ tại một số thời điểm, để kinh doanh xăng, dầu giả, kém chất lượng. Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu; tăng cường quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu hoặc vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng, dầu.

Đáng chú ý, Tổng cục yêu cầu các lực lượng chức năng kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng, dầu, như lấy mẫu xăng, dầu để thử nghiệm, giám định về chất lượng; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng tình hình nguồn cung bị đứt gãy cục bộ để sản xuất, kinh doanh xăng, dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.

 

*Cafef.vn (27/3): Việt Nam giữ vị trí thứ 4 về tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử

Lĩnh vực Kinh tế số của Việt Nam có những sự phát triển đáng ghi nhận. Tính từ thời điểm đầu năm đến ngày 31/01/2023, Việt Nam có khoảng hơn 310 triệu lượt tải mới trên thiết bị di động, tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 19% so với tháng trước. Việt Nam đang giữ vị trí thứ 4 về tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử...

Đánh giá sự phát triển lĩnh vực kinh tế số quý I năm 2023, Việt Nam đang giữ vị trí thứ 4 (sau Indonesia, Singapore và Ý) về tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử (Statista; IMF; WEF) với tốc độ tăng trưởng khoảng 40 – 50% trong năm 2020

Xã hội số

Từ thời điểm đầu năm đến ngày 31/01/2023, Việt Nam có khoảng hơn 310 triệu lượt tải mới trên thiết bị di động, tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 19% si với tháng trước.

Công nghệ

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam cso 7 ứng dụng có số lượng người dùng thường xuyên trên 10 triệu người dùng hàng tháng, 12 ứng dụng có từ 5-10 triệu người dùng hàng tháng và 67 ứng dụng có từ 1-5 triệu người dùng hàng tháng.

Mạng xã hội

Mạng xã hội vẫn là lĩnh vực được người dùng điện thoại yêu thích nhất (trong đó ứng dụng chỉnh sửa video và mạng xã hội cung cấp các video ngắn ghi nhận sự gia tăng số lượng người dùng ấn tượng nhất trong tháng 01/2023, tiếp đến là các sàn TMĐT và trò chơi điện tử.

Người dùng

Trải nghiệm của người dùng trên Internet vẫn chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn, các đô thị.

 

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

*Daibieunhandan.vn (28/3): Cuộc đua căng thẳng

Cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta không nhỏ nhưng áp lực cạnh tranh cũng ngày một gay gắt hơn.

Tuần trước, một phái đoàn gồm hơn 50 doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hàng năm do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tổ chức. Trong số đó có nhiều tên tuổi quen thuộc, đều có hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam và có kế hoạch mở rộng, như Apple, Coca Cola và PepsiCo, Netflix... 

Trước đó, ngay những tháng đầu năm, nhiều dự án FDI với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư hay ký biên bản ghi nhớ; thậm chí có cả dự án “tỷ đô” dự kiến sẽ triển khai ở Thái Nguyên.

Đây là một vài trong rất nhiều ví dụ cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang nhìn vào Việt Nam như một điểm đến cho sự phát triển và cơ hội. 

Trong bối cảnh đầu tư toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn do các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và lo ngại về suy thoái toàn cầu, khu vực Đông Nam Á đang được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng đi kèm với dòng vốn đầu tư, dẫn đến sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khối các nước ASEAN khi các doanh nghiệp thành lập nhà máy sản xuất, cơ sở kho bãi, mạng lưới phân phối và các cơ sở khác tại khu vực.

Cơ hội là có thật, nhưng áp lực cạnh tranh cũng có thật và ngày một gay gắt hơn! Một báo cáo vừa được Indonesia công bố cho biết, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã thu hút được 45,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2022, tăng 44,2% so với năm 2021. Đây là mức tăng trưởng đầu tư nước ngoài cao nhất thế giới vào năm ngoái! 

Trong khi đó, Trung Quốc - mặc dù vẫn đóng cửa nền kinh tế - nhưng thu hút được một lượng vốn “khủng”. Chỉ trong 10 tháng năm 2022, Trung Quốc đã thu hút được gần 1.090 tỷ nhân dân tệ, tương đương 140 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021. Thậm chí, nếu tính theo USD, dòng vốn đầu tư này còn tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 168,34 tỷ USD.

Khi Trung Quốc mở cửa trở lại, có thể dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển khỏi nền kinh tế này, nhưng đây cũng sẽ là “thỏi nam châm” hút đầu tư nước ngoài. Ở khu vực châu Á, thậm chí là trên toàn cầu, Trung Quốc vẫn là địa điểm đầu tư và sản xuất hấp dẫn. Indonesia là một đối thủ đáng gờm khác khi những năm gần đây đã tung ra nhiều chính sách mới để cạnh tranh đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển. Chưa kể, trong khu vực, Thái Lan cũng là một địa điểm đầu tư hấp dẫn…

Một thông tin quan trọng khác được đề cập trong Báo cáo thường niên FDI 2022 là Chính phủ các nước phát triển đang có xu hướng hạn chế FDI ra ngoài để tập trung nguồn lực ứng phó với tình trạng suy thoái kinh tế, gia tăng số người thất nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia đối với công nghệ nguồn. Điều này cũng có nghĩa cuộc đua thu hút FDI sẽ ngày một căng thẳng hơn, không chỉ với các đối thủ truyền thống, mà còn cả các “đối thủ nặng ký” mới.

Khi áp lực cạnh tranh lớn, nếu không muốn về sau trong cuộc đua thu hút FDI! Việt Nam buộc phải “nhanh chân” hơn và quyết liệt hơn trong hàng loạt vấn đề như cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng và chất lượng cung cấp dịch vụ công… Chính sách ưu đãi đầu tư cũng cần được sửa đổi, bổ sung để thích ứng với định hướng thu hút FDI mới và cuộc cạnh tranh trong khu vực… Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan đến cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu - một vấn đề cấp bách hiện nay, để ứng phó có hiệu quả, vừa tăng nguồn thu ngân sách, vừa tạo môi trường pháp lý hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế.

 

*Daibieunhandan.vn (25/3): Giải ngân đầu tư công sẽ không còn ì ạch!

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Chỉ thị số 08/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ thị cũng nêu rõ, trong năm 2023, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Giải ngân đầu tư công đúng tiến độ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội, giải quyết việc làm, tăng cường an sinh xã hội. Qua đó, góp phần thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, trong năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 20 nghị quyết, công điện, văn bản và tổ chức 3 hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thành lập 6 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân đầu tư công. Nhờ đó, giải ngân vốn đầu tư công đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực, đạt gần 93,5% kế hoạch. Trong đó, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 100% trở lên kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là những kết quả rất đáng mừng!

Tuy vậy, vẫn còn 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân năm 2022 dưới 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đến nay chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công đồng nghĩa với việc đồng vốn đang bị “đóng băng”, không phát huy được hiệu quả kinh tế, gây nên sự lãng phí rất lớn. Và sâu xa hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, trong khi không ít dự án, công trình đang rất “khát” vốn để triển khai thì lại không được bố trí.

Chính sự chậm trễ kéo dài trong giải ngân vốn đầu tư công đã làm cho người đứng đầu Quốc hội không ít lần “sốt ruột”. Tại cuộc họp giao ban giữa Lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội vào tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gợi mở, có nên tổng rà soát lại các vấn đề liên quan tới đầu tư công hay không, “xem lý do gì mà cứ ì ạch như thế”?

Thực tế cho thấy, một trong những điểm nghẽn dẫn đến giải ngân đầu tư công vẫn chậm có nguyên nhân chủ quan “vẫn là chủ yếu”. Khó khăn hiện nay không phải là “tiền đâu” mà là có tiền nhưng không tiêu được. Nghịch lý này đang là trở ngại rất lớn trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Điều này xuất phát từ người đứng đầu chưa quyết liệt, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án; công tác chuẩn bị đầu tư còn sơ sài, chất lượng chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm trễ nên đã gặp vướng mắc trong triển khai; phân bổ vốn còn dàn trải, thiếu tập trung; công tác kiểm tra, giám sát chưa tốt; chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa nghiêm.

Để đạt được tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao rất cần quyết tâm lớn, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Thủ tướng cũng đã giao đầu việc cụ thể cho tới từng bộ, ngành, địa phương. Theo đó, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao; bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Cùng với đó, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023.

Trong điều kiện ngân sách không phải là “dư giả”, nhưng chúng ta đã dành dụm để có nguồn vốn cho đầu tư công thì nguồn vốn ấy phải thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế. Muốn vậy, ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý “vừa chặt chẽ, vừa thông thoáng”, phải có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Chỉ khi cá thể hóa trách nhiệm đối với từng khâu thì việc giải ngân đầu tư công mới chấm dứt được tình trạng “mãi ì ạch như thế”!

 

QUẢN LÝ

*Dcsvn.vn (28/3): Sẽ cấp phát hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ mẫu mới

So với mẫu cũ, mẫu hộ chiếu mới có nhiều cải tiến về hình thức, quảng bá nhiều hình ảnh tiêu biểu về phong cảnh, chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước như: Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Bến cảng Nhà Rồng, Cột cờ Lũng Cú…, thể hiện truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa của đất nước.

Kể từ ngày 15/4, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam (CQĐD) ở nước ngoài sẽ chính thức cấp phát hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ mẫu mới (loại không gắn chip).

Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ mẫu mới vẫn giữ nguyên tên tiếng Anh là “Diplomatic passport” và “Official passport”, được ban hành cùng với mẫu hộ chiếu phổ thông mới (loại không gắn chip và loại gắn chip điện tử), được quy định trong Thông tư số 69/2022/TT-BCA ngày 31/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 71/2021/TT-BCA.

So với mẫu cũ, mẫu hộ chiếu mới có nhiều cải tiến về hình thức, quảng bá nhiều hình ảnh tiêu biểu về phong cảnh, chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước như: Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Bến cảng Nhà Rồng, Cột cờ Lũng Cú…, thể hiện truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa của đất nước.

Hộ chiếu mẫu mới cũng được trang bị kỹ thuật bảo an tốt hơn, nâng cao khả năng chống làm giả, qua đó gia tăng độ tin cậy của mẫu hộ chiếu mới, góp phần tạo thuận lợi hơn cho công dân Việt Nam thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh, cư trú liên quan.

Bộ Ngoại giao đang triển khai Dự án hộ chiếu điện tử và sẽ thông báo thời điểm cấp phát hộ chiếu mẫu mới loại không gắn chíp tại Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

 

* Vtv.vn (28/3): Hà Nội giải quyết việc làm cho hơn 44.500 lao động

 Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong quý I/2023, thành phố đã giải quyết việc làm cho 44.573 lao động, trợ cấp thất nghiệp cho 14.300 trường hợp.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội cho biết, trong tổng số hơn 44.500 lao động, thành phố đã tạo việc làm cho 10.257 lao động từ xét duyệt hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, ước cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố với số tiền là 499,6 tỷ đồng.

Riêng trong tháng 3, số lao động được giải quyết việc làm là hơn 15.700 lao động, kết quả giải quyết việc làm quý I/2023 tương đương cùng kỳ năm 2022.

Cùng với đó, thành phố đã ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho gần 14.300 trường hợp với số tiền 427 tỷ đồng; tư vấn giải quyết việc làm cho 12.603 người; hỗ trợ học nghề cho 232 người, số tiền hỗ trợ học nghề là 1,03 tỷ đồng.

Để ổn định thị trường lao động trên địa bàn, Hà Nội sẽ khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối, cung ứng lao động, đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án và đang nghiên cứu đầu tư vào thành phố.

Trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ đào tạo nghề miễn phí cho hơn 14.700 người thược 5 nhóm lao động trên địa bàn, gồm phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ, người được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù trở về cộng đồng.

TP. Hà Nội đặt mục tiêu đào tạo cho 14.720 người, trong đó 14.202 lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật từ đủ 15 tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học và có nhu cầu học nghề; 500 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội.

 

* Vtv.vn (27/3): Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về nhiều nội dung quan trọng

Theo chương trình, phiên họp cho ý kiến về 5 nội dung: (1) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông; (2) Một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; (3) Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); (4) Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); (5) Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, đã được chúng ta tích cực thúc đẩy trong nhiệm kỳ này. Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật này nhằm đề xuất các cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các chính sách mới liên quan một số luật.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc, đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã rất quyết liệt trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật trong năm 2022 và đây là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 3 năm 2023.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là việc lớn, quan trọng, có nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết, nhiều vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, các thành viên Chính phủ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành thời gian góp ý vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nếu chưa kiện toàn bộ phận chủ trì nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế thì phải quan tâm kiện toàn, bố trí nguồn lực, con người, thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác này. Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao, bảo đảm chất lượng thẩm định các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội. Các bộ, ngành khi được hỏi ý kiến phải bảo đảm việc góp ý bảo đảm tiến độ và thực sự chất lượng. Nội dung này đã được Chính phủ, Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương; cần quán triệt và chủ động, tích cực hơn nữa.

"Không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu trước mắt, cần tập trung thực hiện xây dựng, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội xem xét thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và các dự án, dự thảo văn bản trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

 

*Daibieunhandan.vn (27/3): Bộ Y tế triển khai xây dựng danh mục thuốc có nguy cơ thiếu hàng năm

Bộ Y tế cho biết đang triển khai xây dựng danh mục thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu hàng năm để có kế hoạch chủ động đảm bảo nguồn cung với các thuốc này.

Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, để giúp các cơ sở khám chữa bệnh có biện pháp chủ động trong việc đảm bảo đủ thuốc hiếm, đáp ứng nhu cầu điều trị của cơ sở, trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có.

Danh mục các thuốc này thường xuyên được điều chỉnh và hiện đang được quy định tại Thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30.8.2019 của Bộ Y tế (Danh mục hiện tại gồm 214 thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có).

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ/ban hành theo thẩm quyền một số cơ chế để đảm bảo nguồn cung đối với thuốc hiếm. Cụ thể, về đăng ký thuốc: Ưu tiên thẩm định theo quy trình thẩm định nhanh; xem xét, chấp nhận hồ sơ dữ liệu trong trường hợp dữ liệu chưa đáp ứng đủ thời gian theo quy định.

Đồng thời, cho phép cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của cơ sở khám chữa bệnh; đồng thời cho phép chuyển nhượng các thuốc này giữa các cơ sở khám chữa bệnh.

Nói về các khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng đối với một số thuốc hiếm, theo Cục Quản lý Dược, hiện nay, việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc.

Ngoài ra, thực tế ghi nhận một số thuốc hiếm được cơ sở y tế mua về không sử dụng hết do không có đủ bệnh nhân, phải hủy bỏ khi thuốc hết hạn”, Cục Quản lý Dược thông tin.

Để tháo gỡ các khó khăn nói trên, Cục Quản lý Dược cho biết Bộ Y tế đang triển khai xây dựng Danh mục thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu hàng năm để có kế hoạch chủ động đảm bảo nguồn cung với các thuốc này.

 

*Vietnamplus.vn (27/3): Đến hết năm 2021, cả nước còn gần 1,2 triệu hécta đất chưa sử dụng

Việc thống kê diện tích đất đai được thực hiện và báo cáo trên phần mềm thống kê, kiểm kê đất đai (TK-Online và TK-Desktop) của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngày 27/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kết quả thống kê diện tích đất đai trên phạm vi toàn quốc (tính đến ngày 31/12/2021).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết tổng diện tích tự nhiên cả nước tính đến hết năm 2021 là 33.134.480 hécta.

Trong số đó, có 1.191.003 hécta thuộc nhóm đất chưa sử dụng, bao gồm: 877.948 hécta đất đồi núi chưa sử dụng; 194.103 hécta đất mặt bằng chưa sử dụng; 118.952 hécta núi đá không có cây rừng.

Phần diện tích 31.943.477 hécta đất còn lại thuộc nhóm đất nông nghiệp (27.994.319 hécta) và đất phi nông nghiệp 3.949.158 hécta.

Đối với nhóm đất phi nông nghiệp, hiện đất ở tại nông thôn có diện tích là 564.451 hécta; đất ở tại đô thị có diện tích là 195.094 hécta.

Để đảm bảo các loại đất trên được quản lý và sử dụng hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc công khai và cung cấp kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2021 của địa phương cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng thống nhất theo quy định.

Số liệu thống kê diện tích đất đai năm 2021 phải được thường xuyên kiểm tra, rà soát để cập nhật, chỉnh lý biến động vào kết quả thống kê đất đai năm 2022.

Việc thống kê diện tích đất đai được thực hiện và báo cáo trên phần mềm thống kê, kiểm kê đất đai (TK-Online và TK-Desktop) của Bộ Tài nguyên và Môi trường./.

 

*Dantri.com.vn (27/3): Hơn 10.000 cán bộ dôi dư sau sáp nhập

Trong tổng số 706 cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư sau sáp nhập, đến nay đã giải quyết được 361 người; 9.705 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư đã giải quyết được 6.657 người.

Giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập trở thành vấn đề "đau đầu" cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ gửi tới Bộ Tư pháp, nhiều địa phương khi trình Đề án sắp xếp đã đề ra kế hoạch phấn đấu đến năm 2022 giải quyết xong số dôi dư (Nghị quyết số 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thời hạn này là 5 năm kể từ ngày nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực).

Tuy nhiên, các địa phương phải thực hiện đồng thời nhiều quy định của pháp luật có liên quan đến công tác tinh giản biên chế, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức như thực hiện chủ trương bố trí công an chính quy về công tác tại địa bàn cấp xã và giảm số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Nghị định 34/2019 của Chính phủ (mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm 2 cán bộ, công chức cấp xã và giảm từ 8-9 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã).

Điều đó dẫn tới số lượng cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã dôi dư sau sắp xếp các đơn vị hành chính rất lớn, thời gian cam kết của nhiều địa phương đến năm 2022 giải quyết xong số dôi dư rất khó khăn.

Cơ quan này đánh giá, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã giảm được chi ngân sách nhà nước, góp phần tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị làm việc của các cơ quan, tổ chức. Người dân có cơ hội tiếp cận các công nghệ hiện đại, tiên tiến, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo báo cáo của các địa phương, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 đạt khoảng trên 2.008 tỷ đồng, trong đó giảm chi của chính quyền cấp huyện, cấp xã trên 1.132 tỷ đồng (gồm giảm chi tiền lương và phụ cấp 787 tỷ đồng; giảm chi hoạt động 345 tỷ đồng) và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng... 

Đề xuất các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp

Đến nay đã giảm được 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị cấp xã. 

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2030 được gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Nội vụ đề xuất các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 gồm:

- Có vị trí biệt lập với các đơn vị hành chính khác (có toàn bộ đường địa giới đơn vị hành chính đi qua núi, sông, suối, hồ, biển và khó tổ chức giao thông thuận lợi kết nối với đơn vị hành chính liền kề);

- Có đường địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định từ trước năm 1945 và đến nay chưa có sự thay đổi, điều chỉnh lần nào;

- Đơn vị hành chính cấp xã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng công nhận là xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc được Bộ trưởng Bộ Công an công nhận là xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.

- Đơn vị hành chính cấp huyện có từ 50% đơn vị hành chính cấp xã trở lên được công nhận là xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự;

- Đơn vị hành chính nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030 (bao gồm cả đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch nhập vào đơn vị hành chính đô thị).

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

*Dantri.com.vn (27/3): Hà Nội xem xét miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Năm 2023, Hà Nội xem xét việc miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Theo kế hoạch, thành phố sẽ tích cực, chủ động triển khai 38 nhiệm vụ trong năm 2023 bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần hoàn thành sớm nhiệm vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện có hiệu quả Đề án 06 với tinh thần năm 2023 là "Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới".

Đồng thời, xác định việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị; nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm phương châm dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống", bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện.

Đẩy mạnh các tiện ích phục vụ phát triển công dân số, tăng cường nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân gắn chip, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong năm 2023, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện.

Hà Nội cũng đề ra nhiệm vụ trong năm 2023 đó là nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của thành phố, bảo đảm 100% người dân có tài khoản trên cổng dịch vụ công và tối thiểu 50% hồ sơ phát sinh được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến; 100% công dân được cấp chữ ký số miễn phí phục vụ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch trên môi trường điện tử.

Tối thiểu 20% thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư được cắt giảm, đơn giản hóa so với thời điểm ban hành Đề án 06; 100% hồ sơ về dân cư được tạo, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; 80% hồ sơ công việc liên quan đến quản lý dân cư tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

 

* Công lý (25/3): Đơn giản hóa 13 thủ tục hành chính, Bình Định tiết kiệm hơn 8 tỷ đồng/năm

Ngày 24/3, UBND tỉnh Bình Định có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh trong quý I năm 2023.

Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngay từ đầu năm 2023, với tinh thần quyết liệt đổi mới, sáng tạo, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị toàn tỉnh triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023, quán triệt các sở, ban, ngành, địa phương đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành và triển khai theo hướng “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”.

Tập trung phát triển kinh tế xã hội, phải gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế.

Theo ông Lâm Hải Giang, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh tỉnh Định năm 2022: chỉ số hài lòng của các sở, ngành 90,38%, tăng 6,62% so với năm 2021(83,76%); chỉ số hài lòng của UBND các huyện, thị xã, thành phố là 86,89%, tăng 5,94% so với năm 2021(80,94%); chỉ số hài lòng của khối các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (thuộc đối tượng đánh giá) là 81,64%, tăng 2,96% so với năm 2021(78,68%).

Năm 2023, UBND tỉnh Bình Định xác định 27 nhiệm vụ trọng tâm trên 6 lĩnh vực của nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh. Đến ngày 14/3, tỉnh đã hoàn thành 9/27 nhiệm vụ đề ra; các quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh ban hành làm cơ sở triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính theo tiến độ đảm bảo mục tiêu chung đề ra.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao, đến nay, tỉnh Bình Định đã hoàn thành và thực hiện đúng thời hạn đối với 2/50 nhiệm vụ. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan tham mưu việc tổ chức triển khai thực hiện theo quy định đối với 48 nhiệm vụ trong hạn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã thông qua phương án đơn giản hóa 13 thủ tục hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số tiền tiết kiệm được sau khi đơn giản hóa 13 thủ tục hành chính hơn 8 tỷ đồng/năm, tỷ lệ chi phí tiết kiệm được từ 3,89 % đến 54%.

Ông Lâm Hải Giang cho hay, tới đây, tỉnh Bình Định triển khai các nhiệm vụ kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023, trong đó tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ thuộc dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng của mô hình chính quyền điện tử tỉnh Bình Định giai đoạn 2021- 2025.

Tiếp tục hoàn thiện, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu, nền tảng ứng dụng dùng chung của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ công cho người dân, tổ chức trên môi trường số...

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

*Vtv.vn (28/3): Ban Bí thư kỷ luật khai trừ Đảng Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca cùng 3 cá nhân

Ban Bí thư vừa quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng các ông: Nguyễn Đồng, Trương Minh Hiến, Vũ Hữu Song, Đỗ Hữu Ca.

Ngày 28/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật các ông: Nguyễn Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh, nguyên Tỉnh Ủy viên, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh Ủy Hoà Bình; Trương Minh Hiến, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam; Vũ Hữu Song, nguyên Tỉnh Ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam; Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy, các ông: Nguyễn Đồng, Trương Minh Hiến, Vũ Hữu Song, Đỗ Hữu Ca đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, gây bức xúc trong xã hội.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo Quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng các ông: Nguyễn Đồng, Trương Minh Hiến, Vũ Hữu Song, Đỗ Hữu Ca.

 

*Vtv.vn (28/3): Bắc Giang: 17/18 điểm kinh doanh F88 vi phạm điều kiện an ninh trật tự

Theo thông tin từ Công an tỉnh Bắc Giang, 17/18 điểm kinh doanh của Chi nhánh Công ty Cổ phần kinh doanh F88 tại tỉnh vi phạm về điều kiện an ninh trật tự.

Trước đó, ngày 23/3, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công an các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đồng loạt kiểm tra hành chính 18 địa điểm kinh doanh của Chi nhánh Công ty Cổ phần kinh doanh F88 bao gồm trụ sở chính và các điểm kinh doanh trên địa bàn 9 huyện, thành phố.

Kết quả bước đầu cho thấy, quá trình hoạt động, 17/18 địa điểm kinh doanh của F88 Bắc Giang có một số tồn tại, vi phạm về điều kiện kinh doanh đối với cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) như: Hoạt động cầm đồ khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT; không lưu giữ bản sao giấy tờ tuỳ thân của người mang tài sản đến cầm cố; không thực hiện đầy đủ các quy định về trách nhiệm đảm bảo ANTT; chưa vào đầy đủ thông tin khách hàng trong sổ quản lý; không bảo quản tài sản cầm cố hoặc bảo quản tài sản cầm cố không đúng nơi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền…

18 điểm kinh doanh của Công ty Cổ phần kinh doanh F88 tại Bắc Giang được đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật với 16 ngành, nghề nhưng đến nay mới hoạt động 4 lĩnh vực chủ yếu là cầm đồ (đối với các khách hàng vay trực tiếp tiền từ F88), ký gửi hàng hóa (đối với khách hàng vay tiền qua Ngân hàng CIMB), tư vấn bán bảo hiểm; thanh toán điện tử (điện, nước…).

Công an tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục xác minh xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

 

*Tienphong.vn (25/3): Phê bình Giám đốc, Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng vì đùn đẩy công việc

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng vừa phê bình ông Vũ Duy Tùng - Giám đốc Sở GTVT và ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT vì không thực hiện nhiệm vụ, đùn đẩy công việc.

Cụ thể, Giám đốc và Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng đã không thực hiện, xin dừng thực hiện nhiệm vụ “nâng cao năng lực trung tâm quản lý điều hành giao thông, đô thị thông minh” và thực hiện Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ về việc "thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình”.

Ông Nguyễn Văn Tùng yêu cầu Sở GTVT TP Hải Phòng tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ nêu trên. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an TP, Sở Tài chính nghiên cứu theo hướng hợp nhất 2 nhiệm vụ “nâng cao năng lực trung tâm quản lý điều hành giao thông, đô thị thông minh” và "đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết bị ghi hình phục vụ phạt nguội để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”.

Theo đó, có thể lựa chọn phương án đầu tư nâng cấp, bổ sung cơ sở hạ tầng sẵn có hoặc đầu tư mới để nâng cao năng lực trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh thuộc Sở GTVT quản lý hoặc thuê hạ tầng, thiết bị, giải pháp thực hiện các chức năng đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra.

 

THẾ GIỚI

*Vtv.vn (28/3): Hungary phê chuẩn kết nạp Phần Lan vào NATO

Quốc hội Hungary hôm qua đã phê chuẩn việc kết nạp Phần Lan vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau nhiều tháng trì hoãn.

Quốc hội Hungary đã chấp thuận với 182 phiếu thuận và 6 phiếu chống. Với kết quả này, hiện 29/30 quốc gia thành viên NATO đã phê chuẩn văn kiện kết nạp Phần Lan.

Quốc gia cuối cùng trong liên minh quân sự là Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ phê chuẩn việc kết nạp Phần Lan vào NATO trong tháng Tư tới.

Việc NATO mở rộng đến Phần Lan - quốc gia có đường biên giới dài 1.340 km với Nga sẽ khiến cho đường biên giới của khối với cường quốc hạt nhân phía Đông dài thêm gần gấp đôi.

 

*Vtv.vn (28/3): Thái Lan siết chặt kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn nạn buôn ma túy

An ninh dọc theo biên giới phía Bắc của Tại Thái Lan đã được siết chặt sau khi có thông tin nhiều loại ma túy với số lượng lớn thâm nhập vào nước này.

Lực lượng chức năng Thái Lan đã triển khai các thiết bị bay không người lái, công nghệ viễn thám và chó nghiệp vụ, đồng thời tăng cường nhân lực để ngăn chặn hoạt động buôn bán ma túy.

Trung tâm kiểm soát ma túy biên giới phía Bắc Thái Lan cho biết, tình hình ma túy ở nước này hiện nay khá phức tạp, đặc biệt là hình thức bán hàng trực tuyến trên web đen. Bên cạnh đó, một số nhóm người tham gia vào các đường dây mua bán ma túy với nhiều loại ma túy được bán cho các khách hàng ở cả Thái Lan và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc).

Trong số 29 huyện thuộc các tỉnh ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan xuất hiện tình trạng buôn bán ma túy gần đây, có 13 huyện thuộc các tỉnh Chiang Mai, Chiang Rai và Loei, được coi là những khu vực có vấn đề nghiêm trọng về ma túy.

Trong khi đó, 9 huyện khác thuộc các tỉnh Chiang Rai, Chiang Mai, Mae Hong Son và Phayao được đánh dấu là có mức độ buôn bán ma túy từ trung bình đến cao.

Thống kê cho thấy, trong năm ngoái, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ gần 363 triệu viên ma túy đá, hơn 5.400kg ma túy đá dạng tinh thể hoặc dạng viên và 252kg heroine dọc biên giới phía Bắc. Chỉ trong 2 vụ án hồi đầu tháng này, Cục Cảnh sát khu vực 5 gồm tám tỉnh phía Bắc Thái Lan cũng đã bắt giữ 4 nghi phạm và thu giữ 3 triệu viên ma túy đá, 297 kg ma túy đá dạng tinh thể và 20kg ma túy tổng hợp.

 

*Vtv.vn (28/3): WB cảnh báo nguy cơ kinh tế toàn cầu giảm tốc

Tiềm năng tăng trưởng trung bình của kinh tế toàn cầu trong giai đoạn từ nay đến 2030 có thể giảm xuống 2,2%/năm - mức thấp nhất trong vòng 3 thập kỷ qua.

Thông tin trên là nhận định được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo mới công bố ngày 27/3. Theo WB, sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, cuộc xung đột tại Ukraine và những rủi ro đang diễn ra đối với lĩnh vực tài chính ở châu Âu và Mỹ, đang dẫn đến sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu. Trước đó, trong dự báo mới nhất, WB nhận định, kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm nay.

Ông Axel Van Trotsenburg - Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: "Các yếu tố bất ổn đối với kinh tế thế giới có thể liên quan đến cách các quốc gia kiềm chế lạm phát, hay gần đây là những xáo trộn trên thị trường tài chính. Điều này đang ảnh hưởng đến các quốc gia và triển vọng tăng trưởng toàn cầu nói chung. Một khía cạnh khác cũng đáng quan tâm và sẽ là thách thức lớn không chỉ trong năm nay, mà còn trong những năm tới là tác động của biến đổi khí hậu. Đó là những điều chúng ta cần lưu ý khi đánh giá triển vọng kinh tế thế giới".

Theo WB, vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, sẽ là động lực quan trọng giúp giữ cho kinh tế toàn cầu không rơi vào suy thoái.

"Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc không chỉ là tin tốt cho Trung Quốc, mà còn là tín hiệu tích cực cho cả thế giới. Chúng tôi ước tính rằng, Trung Quốc sẽ đóng góp 1/3 mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm nay", ông Axel Van Trotsenburg đánh giá.

Tuy nhiên, năng lực giữ cho kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng sẽ suy yếu đáng kể khi nền kinh tế Trung Quốc có xu hướng chậm lại trong những năm tới.

 

*Vietnamplus.vn (28/3): Cảnh báo nguy cơ từ trí tuệ nhân tạo đối với trẻ em

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa có báo cáo cảnh báo những nguy cơ đối với trẻ em liên quan đến trí tuệ nhân tạo, trong đó có quyền riêng tư, vấn đề an toàn, các tác động đối với tâm lý và hành vi.

Mặc dù trí tuệ nhân tạo (AI) là động lực cho sự đổi mới nhưng nó cũng đặt ra rủi ro cho trẻ em và các quyền của chúng, chẳng hạn như quyền riêng tư, an toàn và bảo mật.

Những nguy cơ này có thể xuất phát từ truyền thông xã hội. Các thuật toán dựa trên AI học và lưu trữ những nội dung mà trẻ em hay bất kỳ ai tìm kiếm và tương tác, ngay cả khi nội dung đó có thể gây hại cho trẻ hoặc những người xung quanh trẻ.

Mặc dù các trang mạng xã hội đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn, nhưng vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn những nguy cơ nói trên. Bên cạng đó, hầu hết các chính sách, chiến lược và hướng dẫn về AI chỉ đề cập sơ qua về trẻ em.

AI có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và thiên vị. Chẳng hạn, các trường học sử dụng công nghệ AI và máy học để sắp xếp các đơn dự tuyển sinh của học sinh, sinh viên có thể vô tình loại trừ một số nhóm ứng viên.

Một ví dụ tại Anh cho thấy một thuật toán AI mới đánh giá không chính xác bài kiểm tra "Chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao" của học sinh đã làm tiêu tan hy vọng của nhiều em muốn dự tuyển vào các trường đại học hàng đầu.

Để ngăn chặn cũng như giảm bớt các nguy cơ, giới chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải dạy trẻ em về AI và sử dụng AI một cách an toàn và có trách nhiệm./.

 

* Chinhphu.vn (28/3): Trung Quốc: Taxi tự lái bắt đầu lăn bánh

Những chiếc taxi không người lái của Trung Quốc bắt đầu lăn bánh, đánh dấu giai đoạn mới trong quá trình phát triển hệ thống giao thông thông minh.

Theo Tân Hoa Xã, ngày 27/3, chiếc xe tự lái Didi đầu tiên bắt đầu hoạt động ở quận Huadu, TP. Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Để sử dụng dịch vụ, hành khách có thể đặt xe qua ứng dụng Didi Robotaxi và thanh toán theo quãng đường thực tế.

Theo TTXVN, 2 công ty công nghệ lớn của Trung Quốc là Baidu và Pony.ai được nhà chức trách cho phép triển khai các dịch vụ taxi tự lái (robotaxi). Đây là lần đầu tiên một loại xe hoàn toàn tự hành được cấp phép hoạt động.

Dịch vụ robotaxi của mỗi công ty nói trên cung cấp đội xe gồm 10 phương tiện tự lái trong một khu vực rộng 6.000 ha ở khu vực phát triển kinh tế và công nghệ Yizhuang, phía nam thủ đô Bắc Kinh.

Các chuyên gia đánh giá robotaxi được kỳ vọng mở đường cho sự phát triển các phương tiện tự lái tư nhân, tiềm năng trở thành một công nghệ mang tính cách mạng có thể thay đổi cuộc sống của con người./.

 

*Laodong.vn (27/3): 7,9 triệu số giấy phép lái xe bị trộm dữ liệu tại Australia và New Zealand

Hôm 27.3, công ty công nghệ tài chính Latitude Holdings cho biết 7,9 triệu số giấy phép lái xe tại Australia và New Zealand đã bị đánh cắp trong một vụ trộm cắp dữ liệu quy mô lớn.

Ngoài 7,9 triệu số giấy phép lái xe bị đánh cắp, công ty fintech (công ty tài chính) của Australia còn xác định được khoảng 53.000 số hộ chiếu đã bị đánh cắp và gần 100 khách hàng bị đánh cắp báo cáo tài chính hàng tháng.

Ngoài ra, hơn 6,1 triệu hồ sơ khách hàng từ năm 2005 cũng đã bị đánh cắp.

"Chúng tôi đang khắc phục các nền tảng bị ảnh hưởng trong cuộc tấn công và đã triển khai hệ thống giám sát an ninh bổ sung khi chúng tôi quay trở lại hoạt động trong những ngày tới", Giám đốc điều hành Ahmed Fahour của Latitude Holdings cho biết. Cổ phiếu của Latitude đã giảm 1,7% xuống còn 1,19 dollar Australia trong phiên giao dịch mới nhất.

Trước đó, công ty cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng cho các nhà bán lẻ lớn của Australia là Harvey Norman và JB Hi-Fi, cảnh báo rằng họ đã phát hiện thêm bằng chứng về hành vi trộm cắp thông tin.

Đầu tháng này, công ty có trụ sở tại Melbourne đã ngừng hoạt động nền tảng của mình và cho biết Cảnh sát Liên bang Australia và Trung tâm An ninh mạng Australia đang xem xét vụ tấn công.

Một số công ty tại xứ chuột túi đã báo cáo về các cuộc tấn công mạng trong vài tháng qua và các chuyên gia cho rằng điều này là do ngành an ninh mạng ở nước này thiếu nhân lực.

Năm ngoái, một số công ty lớn nhất của Australia đã báo cáo các vụ vi phạm dữ liệu, khiến các nhà chức trách phải tăng cường nỗ lực tăng cường an ninh mạng và thực hiện các quy tắc chia sẻ dữ liệu chặt chẽ hơn để ngăn chặn các vụ vi phạm trong tương lai.

 

*Vtv.vn (27/3): Nhật Bản chuyển các cơ quan trung ương về địa phương

 Kể từ hôm nay, Cục Văn hóa, thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản sẽ chuyển về tỉnh Kyoto.

Đây là lần đầu tiên một cơ quan trung ương được chuyển tới một địa phương khác, qua đó giảm sức ép tập trung cơ quan trung ương tại thủ đô Tokyo, nơi luôn trong tình trạng quá tải về hạ tầng giao thông và mật độ dân cư.

Việc di dời các cơ quan trung ương về địa phương là một bước đột phá của Chính phủ Nhật Bản và cũng là một quyết định khó khăn do các cơ quan này luôn phải duy trì tương tác với các bộ, ngành khác cũng như các nghị sỹ Quốc hội.

 

*Hanoimoi.vn (27/3): Nhiều địa phương của Lào đối mặt với ô nhiễm không khí

Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào đã phát đi cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, trong bối cảnh mật độ bụi mịn tại nhiều tỉnh, thành phố của Lào đã vượt ngưỡng an toàn. Nguyên nhân được cho là việc người dân đốt gốc rạ và các vụ cháy rừng đang gây ô nhiễm không khí tới mức nguy hiểm tại các tỉnh Oudomxay, Luang Namtha, Xiengkhouang và đặc biệt là tỉnh Luang Prabang.

Giữa tháng 2 vừa qua, giới chức tỉnh Luang Prabang cũng đã thông báo về một đám cháy tại bãi rác, gây khói mù ở thành phố Luang Prabang, cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 220km về phía Bắc, và các khu vực lân cận tỉnh này.

Tại thủ đô Viêng Chăn, dù trời có nắng nhưng toàn địa bàn bị che phủ bởi một lớp khói mù, với chỉ số chất lượng không khí đo vào sáng ngày 26-3 ở mức không tốt cho sức khỏe, trong đó mật độ bụi mịn PM 2.5 ở mức hơn 225 microgam/m3 cao hơn 45 lần so với hướng dẫn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Để ứng phó thực trạng trên, Lào đã nghiêm cấm đốt tất cả các loại chất thải trong mùa khô vì điều này góp phần gây ô nhiễm không khí. Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào khuyến cáo người dân sống tại khu vực chịu ảnh hưởng của ô nhiễm nên đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và tốt nhất là hạn chế ra ngoài trời. Theo các cơ quan chuyên môn, tình trạng ô nhiễm không khí tại Viêng Chăn có thể sẽ giảm bớt khi mưa đổ xuống trong những ngày tới.

 

*Vtv.vn (27/3): Nhật Bản nâng tuổi nghỉ hưu của công chức nhà nước

Kể từ ngày 1/4 tới, tuổi nghỉ hưu đối với công chức nhà nước ở trung ương và địa phương tại Nhật Bản sẽ được nâng từ mức 60 tuổi hiện nay lên 61 tuổi.

Sau đó, cứ hai năm một lần, tuổi nghỉ hưu của công chức nhà nước sẽ được tăng thêm 1 năm cho đến khi chạm ngưỡng 65 tuổi vào tài khóa 2031.

Việc nâng tuổi nghỉ hưu của công chức nhà nước là một phần trong các nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động do dân số giảm. Thông qua đó, chính phủ nước này muốn các công chức lớn tuổi sử dụng kinh nghiệm của mình để hỗ trợ cho các đồng nghiệp trẻ tuổi hơn.

Khi tuổi nghỉ hưu được nâng lên mức 65, bất cứ ai nghỉ hưu ở tuổi 60 sẽ không được nhận lương hưu cho đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Hiện nay, dư luận Nhật Bản hiện đang quan tâm việc liệu khu vực tư nhân có các động thái tương tự hay không.

 

*Baoquocte.vn (26/3): Ấn Độ phóng thành công tên lửa mang theo 36 vệ tinh liên lạc, tham gia 'đường đua' cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao

Ngày 26/3, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ đã phóng tên lửa hạng nặng LVM3 mang theo 36 vệ tinh liên lạc OneWeb nhằm cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao đến mọi nơi trên thế giới.

Tên lửa được phóng vào lúc 9h theo giờ địa phương (10h30 giờ Hà Nội ngày 26/3) từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan, nằm trên đảo Sriharikota ở phía Đông Nam Ấn Độ. Buổi phóng cũng được Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ phát sóng trực tiếp trên kênh YouTube của mình.

Sự kiện đánh dấu việc triển khai chùm hơn 600 vệ tinh OneWeb ở tầm thấp Trái đất được hoàn thành, qua đó cung cấp Internet tốc độ cao đến mọi nơi trên thế giới.

Đây là lần thứ hai OneWeb sử dụng dịch vụ của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ để phóng vệ tinh. Trước đó, vào ngày 23/10/2022, lô đầu tiên gồm 36 vệ tinh OneWeb đã được tên lửa Ấn Độ phóng lên quỹ đạo.

Dự án OneWeb nhằm mục đích cung cấp khả năng truy cập Internet tốc độ cao cho người dùng trên toàn thế giới vào năm 2027. Dự án dự định phóng 684 vệ tinh.

Vào tháng 11/2020, OneWeb đã nộp đơn xin phá sản và được bán cho chính phủ Vương quốc Anh và công ty viễn thông Ấn Độ Bharti Global.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

    << < 1 2 3 4 5  ... > >> 
    °
    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    373 người đã bình chọn