Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 03 năm 2023

Update 17 - 03 - 2023
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

  

*Nhandan.vn (17/3): Nhiều vướng mắc trong triển khai dự án xây dựng trung tâm hành chính tỉnh Điện Biên

Chiều 16/3, Ban chỉ đạo dự án đầu tư xây dựng trung tâm hành chính, chính trị tỉnh Điện Biên tổ chức họp đánh giá tiến độ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Dự án đầu tư xây dựng và di chuyển các cơ quan tỉnh vào Khu trung tâm chính trị hành chính mới tỉnh Điện Biên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đồng ý chủ trương từ tháng 12/2021; phấn đấu năm 2024 hoàn thành xây dựng, di chuyển các cơ quan tỉnh vào hoạt động trong khu hành chính mới. Đây được xác định là dự án trọng điểm tỉnh chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/2024).

Theo quy hoạch tổng thể, dự án được đầu tư xây dựng trên diện tích 130ha tại phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ; bao gồm 15 dự án thành phần. Trong đó, nhóm các dự án về tái định cư và giải phóng mặt bằng gồm 2 dự án; các dự án về kết cấu hạ tầng đô thị gồm 3 dự án; các dự án về xây dựng trụ sở cơ quan gồm 10 dự án. Kinh phí thực hiện các dự án được lấy từ 3 nguồn: Vốn đầu tư công (ngân sách trung ương, địa phương); vốn đầu tư các ngành và vốn chương trình dự án hậu tái định cư Thủy điện Sơn La.

Đến thời điểm hiện tại, mới có 5/15 dự án cơ bản đảm bảo theo tiến độ kế hoạch; 10/15 dự án quan trọng chậm tiến độ so với kế hoạch từ 3 đến 6 tháng.

Thừa nhận tiến độ chậm, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên, đã khẳng định: Tiến độ triển khai thực hiện các nội dung công việc của các chủ đầu tư rất chậm so với tổng tiến độ chung trong kế hoạch mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra. Nguyên nhân của việc chậm trễ này có chủ quan, khách quan, song trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu do cách thức tổ chức triển khai chưa quyết liệt, chưa đưa ra các giải pháp bằng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, chi tiết; công tác phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa chủ động bám sát các nhiệm vụ để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

Thẳng thắn thừa nhận tiến độ các dự án trên địa bàn thành phố và do thành phố làm chủ đầu tư chậm tiến độ, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố lý giải: Các dự án tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, khối lượng công việc rất lớn, thêm vào đó là nhiều biến động trong công tác cán bộ, tinh thần trách nhiệm trong công việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, là do trách nhiệm của một số chủ đầu tư dự án trong việc triển khai thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao chưa thật sự cao...

 

* Baodienbienphu.info.vn (17/3): Khó thu hút chủ thể kinh tế tham gia dự án liên kết sản xuất

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh ta chú trọng triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, đa số các liên kết sản xuất đều thiếu bền vững, dễ đứt gãy; các địa phương và chủ đầu tư đang gặp khó trong việc thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ thể kinh tế triển khai các dự án liên kết.

Huyện Điện Biên Đông có 4 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng được công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm: Bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ và thịt trâu gác bếp. Huyện đã mời gọi Hợp tác xã C.C.O là chủ thể kinh tế triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất 4 sản phẩm OCOP trên. Tuy nhiên đến nay liên kết sản xuất đối với 4 sản phẩm đã bị đứt gãy. Chủ thể kinh tế của sản phẩm là Hợp tác xã C.C.O không còn chịu trách nhiệm hướng dẫn về quy trình sản xuất cũng như bao tiêu sản phẩm. Sau hơn 4 năm được công nhận đạt chuẩn, sản phẩm thịt trâu gác bếp dường như biến mất khỏi thị trường sản phẩm OCOP của tỉnh. Các sản phẩm: Bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son và khoai sọ Phì Nhừ quay lại thời kỳ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự sản tự tiêu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đứt gãy liên kết sản xuất: Do người dân không tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng liên kết; người dân tự ý chuyển đổi đất trồng bí sang trồng các loại cây trồng có giá trị cao hơn; Hợp tác xã chủ trì liên kết có năng lực tài chính, năng lực quản lý yếu; thị trường tiêu thụ sản phẩm nhỏ... Sau hơn 1 năm liên kết bị đứt gãy, đến nay huyện Điện Biên Đông vẫn chưa thu hút thêm được doanh nghiệp, hợp tác xã nào làm chủ thể kinh tế, chủ trì liên kết sản xuất các sản phẩm OCOP trên.

Năm 2022, huyện Điện Biên Đông được phân bổ 4 tỷ đồng từ nguồn vốn của tiểu dự án 2 (thuộc dự án 3, Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số) về hỗ trợ sản xuất theo chuỗi liên kết. Do năm 2022 nguồn vốn phân bổ muộn nên nội dung này được chuyển tiếp sang năm 2023. Huyện Điện Biên Đông dự kiến xây dựng 7 chuỗi liên kết sản xuất về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trong đó có 3 chuỗi liên kết sản phẩm OCOP: Bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son và khoai sọ Phì Nhừ.

Ông Phạm Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông cho biết: Ngay từ đầu năm, huyện đã thông báo, đăng tải thông tin rộng rãi nhằm mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất trên địa bàn. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã nào đăng ký tham gia. Nếu không thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chủ trì các liên kết sản xuất, nguồn vốn của tiểu dự án này sẽ không thể giải ngân.

Trên địa bàn huyện Điện Biên, giai đoạn 2019 - 2022 đã thu hút được 7 doanh nghiệp và 5 hợp tác xã đầu tư vào sản xuất, chế biến, phân phối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Duy trì, thực hiện hiệu quả 11 dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, gồm: 3 chuỗi sản phẩm lúa gạo; 2 chuỗi sản phẩm cá thương phẩm; 1 chuỗi trâu bò vỗ béo; 2 chuỗi sản xuất rau an toàn; 2 chuỗi sản phẩm dược liệu dưới tán rừng và 1 chuỗi sản xuất mật ong. Năm 2023, bên cạnh các dự án tiếp chi, huyện Điện Biên được phân bổ 3 tỷ đồng để triển khai 2 dự án liên kết: Trồng cây ăn quả và dự án trồng dứa ở xã Pa Thơm. Tuy nhiên, việc thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chủ trì liên kết sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Bà Đặng Thị Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Ngay từ đầu tháng 1/2023, UBND huyện đăng tải thông báo tuyển chọn chủ trì liên kết sản xuất trên các trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên sau gần 3 tháng vẫn không có doanh nghiệp, hợp tác xã nào tham gia. Mới đây, sau nhiều nỗ lực, trung tâm đã mời gọi được 2 doanh nghiệp tham gia liên kết, hiện nay đang tiến hành các bước khảo sát, lập dự án. Nếu dự án được hội đồng thẩm định phê duyệt thì doanh nghiệp mới đủ điều kiện thực hiện dự án. Trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện thì huyện Điện Biên phải tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã khác tham gia. Việc tuyển chọn chủ trì liên kết gặp nhiều khó khăn là do hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mới khởi nghiệp, năng lực tài chính, quản lý yếu, thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn chế nên chưa mạnh dạn tham gia các dự án liên kết sản xuất trên địa bàn.

 

*Baotainguyenmoitruong.vn (15/3): Điện Biên: Quan tâm đảm bảo an ninh nguồn nước

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Điện Biên, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 9 hệ thống cấp nước sạch, an toàn, gồm: TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay, huyện Tuần Giáo, huyện Tủa Chùa, huyện Mường Nhé, huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng, huyện Mường Chà và huyện Điện Biên Đông với tổng công xuất thiết kế là 31.100m3/ngày đêm.

Hiện nay, ước tính nhu cầu nước trên địa bàn tỉnh khoảng 225,27tr.m3/năm. Khu vực khai thác nhiều nước tập trung ở vùng lòng chảo Điện Biên gồm thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Trong đó huyện Điện Biên có diện tích trồng lúa nước lớn nhát trong tỉnh nên có lượng nước sử dụng của huyện đạt 77,49tr.m3/năm chiếm 34,4% tổng lượng nước khai thác. Sử dụng nước trong nông nghiệp, ngành nông nghiệp khai thác khoảng 204.45 trm3/năm (chiếm 90,0% tổng nước được sử dụng). Lượng nước dùng trong nuôi trồng thủy sản 9.5%, chăn nuôi 3.5% và lượng nước dùng cho tưới chiếm 177,97 tr.m3/năm (chiếm 87,0% tổng lượng nước dung trong ngành nông nghiệp)

Bà Trần Thị Thanh Phượng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xuất hiện hiện tượng suy giảm nguồn nước mặt, nước ngầm tại một số xã vùng cao thuộc các huyện Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Nậm Pồ…dẫn tới tình trạng thiếu nước, khan hiến nước không đủ cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một trong những yếu tố quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống - xã hội. Qua đây, các sở ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố... các tổ chức và cá nhân có hoạt động kinh doanh, khai thác, sử dụng nước xả thải vào nguồn nước đều có nghĩa vụ tham gia phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước để đảm bảo an toàn nguồn nước sạch trên địa bàn tỉnh.

 

* Baodienbienphu.info.vn (16/3): Thúc đẩy giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Do nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững) năm 2022 phân bổ muộn (cuối tháng 5/2022) nên Chính phủ đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2023.  Sau khi được phân bổ vốn, các cấp, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện, tuy nhiên tiến độ giải ngân vốn các chương trình này (chưa bao gồm nguồn vốn năm 2023) vẫn rất chậm và chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Năm 2022, tỉnh Điện Biên được phân bổ gần 1.152 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 477,8 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững hơn 486,7 tỷ đồng và chương trình xây dựng nông thôn mới hơn 187,4 tỷ đồng. Cùng với đó, kế hoạch đầu tư công vốn chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 được phân bổ hơn 1.176 tỷ đồng. Trong đó, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 632,5 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững gần 436 tỷ đồng và chương trình xây dựng nông thôn mới hơn 108 tỷ đồng.

Huyện Mường Chà là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt cao.

Ông Nguyễn Gia Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình huyện Mường Chà cho biết: Mặc dù nguồn vốn tỉnh phân bổ muộn, nhưng với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, huyện đã tập trung tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Căn cứ mục tiêu của các chương trình để rà soát, đánh giá thực trạng, tiến độ triển khai, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây chậm trễ trong triển khai thực hiện các dự án; lập biểu tiến độ triển khai dự án và kế hoạch thực hiện nhằm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của năm. Nhờ đó, đến hết tháng 1/2023, trong khi một số địa phương chưa thực hiện giải ngân được các nguồn vốn này, thì huyện Mường Chà tỷ lệ giải ngân đạt 39% (trong đó giải ngân chương trình giảm nghèo bền vững đạt 53%; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 21% và chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 81%).

Từ thực tế triển khai tại địa phương, các khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân đã được nhận diện. Cụ thể là một số quy định chưa thống nhất giữa các văn bản của bộ, ngành trung ương gây khó khăn, lúng túng cho địa phương, thậm chí có hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế. Nhiều nội dung công việc quan trọng phải chờ các bộ, ngành có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể. Một số dự án thiếu hướng dẫn, chưa có định mức hỗ trợ; thiếu hướng dẫn với các thôn, xã vùng miền núi dân tộc thiểu số sau khi sáp nhập... Một số trình tự, thủ tục còn rườm rà, làm tăng thời gian triển khai dự án. Vốn được giao năm 2023 và vốn được kéo dài thời gian thực hiện giải ngân từ năm 2022 khá lớn, tạo áp lực đối với việc triển khai và giải ngân.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, quá trình triển khai thực tiễn thì các chủ đầu tư và địa phương đều làm theo kiểu vừa làm vừa đợi hướng dẫn từ các bộ, cơ quan chủ quản từng chương trình. Việc triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, tác động của dịch bệnh, biến động giá nguyên vật liệu tăng, khan hiếm xăng dầu... đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ các dự án. Công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện dự án tại một số chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng; chất lượng hồ sơ dự án do một số đơn vị tư vấn lập còn chưa đảm bảo, chủ đầu tư thiếu kiểm tra, kiểm soát dẫn đến dự án phải điều chỉnh nhiều lần. Cùng với đó, các dự án đầu tư nhỏ lẻ, dàn trải dẫn đến số lượng hồ sơ, thủ tục phải triển khai lớn, trong khi năng lực đội ngũ cán bộ ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và nguồn vốn năm 2023, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành đơn vị trong việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; rà soát danh mục các dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để tập trung thực hiện bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Đối với các dự án đã có khối lượng khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ trong thời gian quy định để làm thủ tục thanh toán. Kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

 

* Baodienbienphu.info.vn (16/3): Giá trâu, bò xuống thấp, người chăn nuôi gặp khó

Nghề chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, khoảng một năm nay, giá trâu, bò liên tục giảm mạnh, có thời điểm đến 50% so với trước đây, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi lại không giảm, khiến cho người chăn nuôi nuôi trâu, bò gặp nhiều khó khăn, thua lỗ.

Gia đình chị Lò Thị Cợi, thôn Huổi Lực, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) vay vốn ngân hàng trăm triệu đồng, mua 10 con trâu, bò và đầu tư hệ thống chuồng, trại khá hoàn chỉnh. Thế nhưng hơn một năm nay, gia đình chị đang phải nuôi cầm chừng đàn gia súc. Nếu như mọi năm, số trâu này đã được bán vì đã đủ trọng lượng và thời gian nuôi, nhưng hiện nay giá trâu bò thương phẩm xuống thấp, khiến gia đình chưa thể bán mà cố gắng nuôi với hy vọng giá cả thời gian tới có thể tăng lên.

Không chỉ mất giá, hiện nay thịt trâu, bò tiêu thụ cũng chậm. Những năm trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc tiêu thụ trâu, bò có chững lại. Từ đầu năm 2022 đến nay, dù dịch bệnh đã được khống chế, nhưng đầu ra của sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhu cầu trong nước rất chậm. Giết thịt bán cũng khó tiêu thụ vì giá thịt tại chợ vẫn giữ nguyên như cũ dù giá trâu bò hơi đã giảm mạnh. Trong khoảng một năm qua, giá trâu, bò hơi giảm mạnh, từ hơn 130.000 đồng/kg xuống còn 70.000 - 90.000 đồng/kg, tương đương giảm từ 60 - 70 triệu đồng/con xuống còn 30 - 50 triệu đồng/con trâu to. Với mức giá như vậy, những hộ chăn nuôi theo phương thức vỗ béo bị lỗ. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều hộ nuôi “treo” chuồng sau khi xuất bán. Như tại các xã Phìn Hồ, Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ), khoảng gần một năm nay chuồng trại chăn nuôi trâu, bò của nhiều hộ dân để trống.

Một thực tế đối nuôi trâu, bò nông hộ trên địa bàn tỉnh là phần lớn đều là những hộ có ít vốn, phải vay ngân hàng. Đến thời kỳ đáo hạn ngân hàng phải bán để trả nợ nhưng giá trâu, bò giảm nên thu nhập so với vốn ban đầu chỉ bằng thậm chí còn thấp hơn. Với mức giá như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế của người dân.

Qua khảo sát, người chăn nuôi trâu, bò vỗ béo hiện nay đều khó xuất bán trong khi vẫn phải tiếp tục duy trì chi phí thức ăn, thuốc thú y. Không chỉ mất giá, hiện nay thịt trâu, bò tiêu thụ trong nước rất chậm. Khoảng một năm qua, người nuôi trâu, bò vỗ béo gần như không thể xuất đàn vì không có người mua. Tính đến hết tháng 2/2023, đàn trâu trên toàn tỉnh gần 137.000 con; đàn bò trên 98.000 con. Trong khi đó, tổng số đàn trâu xuất chuồng đạt 920 con, đàn bò đạt hơn 1.000 con; sản lượng thịt hơi đối với trâu đạt hơn 256 tấn và bò hơn 208 tấn. Với mức tiêu thụ trong nước rất ít, trong khi đó, thị trường Trung Quốc bấp bênh thì người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được dự đoán sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp ổn định sản xuất, tiết giảm chi phí như: Cắt giảm nguồn thức ăn công nghiệp và tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, thân các loại cây ngô, đậu, lạc)… để ủ lên men nhằm giảm chi phí và tạo nguồn thức ăn ổn định trong thời gian dài; phát triển thêm diện tích trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò. Đồng thời có giải pháp giảm đàn phù hợp, không giảm ồ ạt khiến nguồn cung bị “đứt gãy” đến khi thị trường phục hồi lại không có để bán. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp tạm thời để chăn nuôi cầm chừng, về lâu dài cần phát triển chăn nuôi bằng các hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã và gắn với liên kết tiêu thụ.

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

*Luatvietnam.vn (17/3): Chính sách mới có hiệu lực hôm nay

Ngày 17/3/2023, quy định về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tại chính quyền địa phương chính thức có hiệu lực thi hành.

Theo Thông tư 01/2023/TT-BTTTT, công chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông dưới đây phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác:

Lĩnh vực

Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi

Báo chí

Cấp, thu hồi giấy phép xuất bản bản tin cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Kiểm tra điều kiện hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Phát thanh, Truyền

Cấp Giấy chứng nhận việc sử dụng thiết bị thu tín hiệu phát thanh truyền hình trực tiếp từ vệ tinh cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Cấp, thu hồi, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Cấp; sửa đổi, bổ sung; gia hạn; cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cho các tổ chức, cá nhân địa bàn tỉnh, thành phố.

Xuất bản, In và Phát hành

Cấp Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Cấp, cấp lại, cấp đổi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Cấp Giấy phép in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Cấp phép đăng ký hoạt động cơ sở in trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Cấp, cấp lại giấy phép hoạt động in trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Cấp Giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Cấp Giấy phép tổ chức triển lãm hội chợ xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Cấp, cấp lại Giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Đăng ký sử dụng máy in có chức năng phô tô màu; chuyển nhượng máy in có chức năng phô tô màu; đăng ký sử dụng, chuyển nhượng máy phô tô màu, máy in có chức năng phô tô màu trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Bưu chính

Công tác cấp mới: cấp sửa đổi, bổ sung; cấp lại khi hết hết hạn; cấp lại khi bị mất, hư hỏng không sử dụng được; thu hồi giấy phép bưu chính.

Công tác cấp mới; cấp sửa đổi, bổ sung; cấp lại khi bị mất, hư hỏng không sử dụng được văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 03 năm (36 tháng) đến 05 năm (đủ 60 tháng) không bao gồm thời gian tập sự, thử việc.

 

* Chinhphu.vn (16/3): Quy định về công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BCA quy định về công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân.

Thông tư này quy định về đối tượng, hình thức, nội dung, địa điểm, chương trình, thời gian huấn luyện, cán bộ làm công tác huấn luyện, trường hợp miễn, hoãn huấn luyện, tổ chức huấn luyện, kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ), các đơn vị, cơ sở đào tạo, huấn luyện của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trực thuộc Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/3/2023.

 

* Chinhphu.vn (16/3): Sửa quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

 

* Chinhphu.vn (16/3): Rà soát vướng mắc trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 1707/VPCP-CN ngày 16/3/2023 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.

Nghiên cứu giải pháp thu hút nguồn vốn quốc tế tham gia dự án PPP

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan đánh giá tình hình thực hiện Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 và rà soát, tổng hợp vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP (bao gồm loại hợp đồng BT). Trên cơ sở đó, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2023.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp thu hút các Quỹ tài chính quốc tế, nguồn vốn quốc tế tham gia thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2023; chủ trì nghiên cứu nguồn vốn thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP trong trường hợp áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2023.

Rà soát vướng mắc tài chính dự án PPP

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan rà soát, tổng hợp vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 về trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân, Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2023.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT giao thông đang có nguy cơ không thực hiện được phương án tài chính, dẫn đến phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung quy định liên quan đến dự án PPP trong dự án Luật đất đai (sửa đổi) theo chỉ đạo tại Công văn số 921/VPCP-CN ngày 12/2/2022 của Văn phòng Chính phủ.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện dự án PPP trong ngành, lĩnh vực quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021 về việc đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, ban hành chậm nhất trong Quý II năm 2023.

Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021.

 

CHỈ THỊ MỚI

* Chinhphu.vn (16/3): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/3

Giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 215/QĐ-TTg về việc giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Cụ thể, giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các dự án từ số vốn còn lại chưa giao chi tiết trong phạm vi tổng số vốn trong nội bộ của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết nghị, Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm không làm thay đổi tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo ngành, lĩnh vực đã được Quốc hội quyết nghị.

Điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đồng thời điều chỉnh tăng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các dự án trong nội bộ của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, bảo đảm không làm thay đổi tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo ngành, lĩnh vực đã được Quốc hội quyết nghị.

Về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Ttrung ương giai đoạn 2021-2025, danh mục dự án và mức vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao:

Thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công, chi tiết nhiệm vụ, danh mục dự án và mức vốn ngân sách Trung ương bố trí cho từng nhiệm vụ, dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.

Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương điều chỉnh giảm kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách Trung ương của các dự án có trách nhiệm bố trí đủ số vốn còn thiếu từ nguồn ngân sách địa phương hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án, bảo đảm đúng thời gian quy định của Luật Đầu tư công; không đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung vốn ngân sách Trung ương cho các dự án đã điều chỉnh giảm kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra; kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung số liệu báo cáo, danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với đầu tư công chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quyết định, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên bao gồm toàn bộ tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích tự nhiên là 352.196 ha, với 09 đơn vị hành chính gồm: 03 thành phố (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 06 huyện (Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đông Hỷ, Đại Từ, Phú Bình).

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc.

Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Phấn đấu GRDP đạt tới 8,5%/năm

Về kết cấu hạ tầng, tỉnh Thái Nguyên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo bước đột phá góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong đó tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với hệ thống giao thông của vùng, quốc gia. Hệ thống cấp điện, cấp nước, thủy lợi an toàn, hiện đại, đồng bộ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, khu dân cư đảm bảo đồng bộ. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng số hiện đại, an toàn. Phát triển hạ tầng phục vụ các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Hệ thống hạ tầng xã hội được quy hoạch và xây dựng đảm bảo chức năng là trung tâm y tế, giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của vùng.

Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 8% đến 8,5%/năm; quy mô kinh tế đạt khoảng 13,5 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 khoảng 45 tỷ USD.

Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 60,0%; dịch vụ chiếm khoảng 32,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,2%.

GRDP bình quân/người đạt khoảng 8.900 USD (giá hiện hành). Tỉ lệ lao động theo ngành kinh tế: Ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 37%; ngành nông lâm nghiệp-thủy sản chiếm 27%; ngành dịch vụ chiếm 36%.

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050 phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Các đột phá phát triển

Các đột phá phát triển của tỉnh là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.

Chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tập trung nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ.

Quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với tiềm năng, thế mạnh của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, y tế trên địa bàn tỉnh; quan tâm, triển khai thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; phát triển tiềm năng về du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh…/.

 

TIN QUỐC HỘI

*Vtc.vn (15/3): Chủ tịch Quốc hội: Chưa thấy việc mua sắm công nào kỳ quái như vaccine COVID-19

Tiếp tục phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/3, phát biểu thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ tịch Vương Đình Huệ nêu rõ, việc mua sắm vaccine COVID-19 vừa qua là trường hợp rất khác bởi đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ, hoàn toàn khác với những điều kiện thông thường, chưa bao giờ từng xuất hiện trong Luật Đấu thầu.  

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc mua vaccine như vừa qua chưa từng có tiền lệ, quy định ai mua là phải có bảo lãnh Chính phủ và muốn mua là phải đặt cọc rất lớn từ 30 - 50% giá trị lô hàng. Kèm theo một điều kiện nữa là nếu bên bán không giao hàng cho bên mua thì bên mua mất tiền cọc, hoặc vì lý do bất khả kháng không sản xuất kịp hay không đủ vaccine thì cũng mất tiền cọc.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm thể chế trong luật trường hợp đặc biệt của đặc biệt, cần quy định rõ để sau này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vận hành được mà không phải ban hành nghị quyết.

Ông Vương Đình Huệ lưu ý đối với lĩnh vực y tế, cần nghiên cứu thêm một số nội dung để vận hành tốt hơn như trong đàm phán giá thuốc và vấn đề đấu thầu đối với biệt dược, vấn đề hóa chất... cũng cần phải có quy định trong Luật Đấu thầu này. 

Về lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu trong trường hợp đặc biệt tại Điều 31, Điều 32, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng các trường hợp “đặc biệt” và “đặc thù” nhưng thật cần thiết thì quy định vào trường hợp chỉ định thầu.

Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc thù, đặc biệt cũng là chỉ định thầu nên ghi thẳng vào trong Luật, tiến tới là bỏ các quy định về trường hợp đặc biệt để đảm bảo minh bạch. Trong trường hợp cần thiết vẫn cần duy trì trường hợp đặc biệt, đề nghị theo chủ trương phân cấp, phân quyền và một việc là giao một người chịu trách nhiệm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định giao Thủ tướng chịu trách nhiệm xem xét, quyết định, giao cho bộ thì bộ xem xét, quyết định.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Vtv.vn (17/3): Tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã vừa có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng trong ngành Thuế.

Thực hiện Nghị quyết số 31 của Chính phủ về triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu thuế. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã vừa có văn bản chỉ đạo ngành Thuế tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng trong ngành Thuế.

Trong đó, yêu cầu thực hiện công tác hoàn thuế đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI trong quản lý rủi ro nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xác minh, trao đổi thông tin, chống gian lận trong hoàn thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Trường hợp phát hiện vi phạm, sẽ tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật trách nhiệm của người đứng đầu.

Đầu tháng 3, Tổng cục Thuế cho biết, số thu ngân sách 2 tháng năm 2023 ước đạt 325.780 tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó thu nội địa ước đạt 314.986 tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Tổng cục Thuế có 12/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán đạt trên 18%; 8/20 khoản thu đạt dưới mức 18%; 11/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ; 9/20 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ.

Bên cạnh đó, có 36/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán khá (trên 18%); 27/63 địa phương đạt dưới 18% so dự toán, trong đó có 15 địa phương thu đạt thấp dưới 15%.

 

* Vneconomy.vn (17/3): Việt Nam cần chuẩn bị giải pháp trước việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Dù ở vị thế đầu tư hay nhận đầu tư, các quốc gia đều đang có những động thái trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến Thuế tối thiểu toàn cầu. Không hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai Thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế và cả thuế bổ sung nếu phát sinh, đồng thời giảm thiểu khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực...

Cuối tháng 12/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua kế hoạch áp dụng thuế suất tối thiểu 15% từ năm 2024. Trong khu vực, các nước Malaysia, Singapore, hay Hong Kong (TQ) đang ở rất gần việc chính thức áp dụng chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 và 2025. Các quốc gia có nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng ban hành các quy tắc thuế mới hay thông báo Dự thảo cải cách thuế nhằm tiến tới việc áp dụng từ năm tài chính 2024.

Tác động của chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những động thái kịp thời trước khi quá muộn.

Những giải pháp đáng cân nhắc

Trước mắt, Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (Qualified Domestic Minimum Top-up Tax - QDMTT) để giành quyền thu phần Thuế bổ sung trước các quốc gia khác. Nói một cách dễ hiểu, QDMTT là cơ chế nội địa trong đó việc tính toán lợi nhuận thặng dư và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với các quy định tại Trụ cột hai theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đây là biện pháp mà một số quốc gia như Hong Kong (TQ), Singapore, Malaysia đã công bố ý định áp dụng.

Là biện pháp phản ứng nhanh, việc áp dụng QDMTT cũng cần được cân nhắc chỉ nên áp dụng cho các đối tượng là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Trụ cột hai, tức là các doanh nghiệp thuộc tập đoàn đa quốc gia có quy mô doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm trên 750 triệu EUR. Việc áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có thể gây tác động tiêu cực đến các công ty không thuộc phạm vi Trụ cột hai, mà đang được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành tại Việt Nam.

Liên quan đến việc hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thể cân nhắc ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang áp dụng ưu đãi thuế chịu tác động từ Trụ cột hai. Hiện tại, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các ưu đãi theo thu nhập như ưu đãi về thuế suất và miễn giảm thuế, chưa phổ biến các ưu đãi theo chi phí đặc biệt là hình thức ưu đãi trợ cấp bằng tiền.

Ưu đãi bằng tiền có thể thực hiện bằng cách hỗ trợ một phần chi phí của nhà đầu tư vào các cơ sở vật chất máy móc nhà xưởng, nhân lực, hoặc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, sở hữu trí tuệ. Chính phủ một số quốc gia tại châu Á, châu Âu đã và đang cung cấp các khoản ưu đãi bằng tiền mặt cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án trong một số lĩnh vực nhất định. Đây được đánh giá là một biện pháp khá hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực ưu tiên.

 

*Vietnamplus.vn (16/3): Tăng cường kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ôtô

Theo Bộ Giao thông Vận tải, vừa qua, tại một số địa phương có hiện tượng xe kinh doanh vận tải chở hàng hóa, nguyên vật liệu quá khổ quá tải, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng như tôn - thép cuộn...

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam; Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý đảm bảo chấp hành đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, vừa qua, tại một số địa phương có hiện tượng xe kinh doanh vận tải chở hàng hóa, nguyên vật liệu quá khổ quá tải, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng như tôn - thép cuộn, cống hộp, ống cọc bê tông không được chằng buộc và chèn chống theo quy định, gây tai nạn giao thông.

Từ thực tế trên, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn thực hiện đúng quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, các quy định về xếp hàng hóa trên xe ôtô khi tham gia giao thông trên đường bộ tại Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.

Các Sở Giao thông Vận tải phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô đối với đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, kết hợp với cao điểm xử lý vi phạm tải trọng phương tiện.

Tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tải trọng phương tiện; các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển và chủ phương tiện khi vi phạm quy định.

 

*Nld.com.vn (16/3): Bộ GTVT chính thức đề xuất miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo trình tự, thủ tục rút gọn, thời gian ban hành trong tháng 3-2023.

Bộ GTVT cho biết để quy định nhanh chóng đi vào thực tế, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân và doanh nghiệp, việc xây dựng Thông tư nêu trên theo trình tự, thủ tục rút gọn là hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết "Trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn".

 

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

* Chinhphu.vn (17/3): Cải cách tiền lương: Đầu tư cho con người là số một!

Tiền lương thấp, nhiều giáo viên bỏ việc, địa phương không tuyển được người

Tiền lương thấp, người hưởng lương ngân sách chưa lo được cuộc sống. Họ phải "chân trong, chân ngoài", làm thêm đủ kiểu để trang trải cuộc sống. Đặc biệt, với nghề giáo - nghề được coi là cao quý nhất trong những nghề cao quý - các thầy cô giáo đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn do tính chất đặc thù của công việc nhưng chế độ thu nhập chưa tương xứng, nhất là giáo viên mầm non.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho hay, tình trạng thiếu giáo viên ở các tỉnh miền xuôi đã khó, miền núi còn khó khăn hơn nhiều.

Hiện nay, địa phương thiếu nhất là giáo viên mầm non; giáo viên tiếng Anh, Tin học đối với cấp tiểu học; giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT. Lý do là không có nguồn để tuyển dụng. Vừa qua, tỉnh Lai Châu cần tuyển gần 100 giáo viên tiếng Anh nhưng hồ sơ nộp chưa đến 10 người.

Trong khi đó, hàng năm, số giáo viên bỏ việc, chuyển việc nhiều. Ngoài lý do thu nhập thấp, áp lực yêu cầu đổi mới giáo dục ngày càng cao, thì với tỉnh miền núi, điều kiện cuộc sống vùng sâu, vùng xa càng khiến nhiều giáo viên nản chí.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong 2,5 năm qua, hơn 16.000 giáo viên, trong đó 40% là giáo viên mầm non, bỏ việc. Nguyên do chính là áp lực công việc ngày càng lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn của nhà giáo ngày càng cao, nhưng chính sách tiền lương lại chưa tương xứng với công sức của họ.

Nghề đặc biệt, chưa được đãi ngộ đặc biệt

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới khẳng định: nghề y là nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, y đức, cần được tuyển chọn đào tạo, cần có đãi ngộ đặc biệt.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, thời gian qua đã có trên 12.000 cán bộ y tế rời khu vực y tế công lập. Quá tải, thiếu thuốc, kiệt sức… là những điều mà nhân viên y tế phải trải qua, trong khi thu nhập không tương xứng.

Báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam chỉ rõ, cán bộ nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc có nguyên nhân đầu tiên là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế công lập thấp, trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5-6 lần. Các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế nào để giữ chân cán bộ.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định tăng phụ cấp nghề đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng từ 40%, 70% lên 100%. Điều này cũng phần nào "an ủi" lực lượng này. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong rất nhiều giải pháp, cần triển khai để bảo đảm mức lương, phụ cấp thỏa đáng cho nhân viên ngành y tế. Ngoài chính sách lương, Bộ Y tế đang trình Chính phủ ban hành nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu; xây dựng thông tư về cơ chế xã hội hóa trong cơ sở y tế công lập.

Với cơ chế tự chủ này, các bệnh viện sẽ có điều kiện để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân viên y tế. Đặc biệt, Bộ Y tế đề xuất xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng là bác sĩ mới ra trường. Chỉ khi giải quyết được các vấn đề cốt lõi này thì mới bảo đảm chế độ cho y bác sĩ.

Tiền lương phải đủ để tái sản xuất, mở rộng sức lao động và chăm lo cho gia đình

Liên quan đến chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công nhân, viên chức cần theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình.

Mặt khác, theo các chuyên gia, cần phải có chính sách tiền lương phù hợp mới thu hút, giữ được chân những người tài, những người có năng lực, người thực sự có tâm huyết ở khu vực công.

Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, tình trạng số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là vấn đề tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng, đãi ngộ nhân lực khu vực công mà Bộ Nội vụ cần quan tâm tham mưu giải quyết trước mắt và lâu dài.

Tiền lương: Dứt khoát không thể cào bằng

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, tiền lương dứt khoát không thể cào bằng, mà cần "làm theo năng lực, hưởng theo lao động", phải theo vị trí việc làm.

Mỗi vị trí việc làm phải xác định rõ nội dung của việc làm đó bao gồm những gì, từ đó tính ra lượng tiêu hao, sức lao động, đóng góp trên cả sức lao động, tiêu hao; đồng thời cần phải phân biệt rất rõ lương của người tài, người giỏi.

 

* Chinhphu.vn (16/3): Tinh giản biên chế CBCCVC bị kỷ luật: NÊN hay KHÔNG?

Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Nghị định 113/2018/NĐ-CP và Nghị định 143/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đề xuất: Cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý thì sẽ được tinh giản biên chế.

Cán bộ bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo rời vị trí, tinh giản biên chế là cần thiết

Trao đổi về nội dung này trên VOV, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu quan điểm: Cán bộ bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có hai nguyên nhân cơ bản là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực và do năng lực lãnh đạo, quản lý hạn chế, không hoàn thành nhiệm vụ.

Cán bộ đã vi phạm đến mức bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo cũng có nghĩa là đã không đạt chuẩn của một cán bộ, công chức, uy tín cũng giảm sút thì việc rời vị trí, tinh giản biên chế là cần thiết.

Do đó, đề xuất trên của Bộ Nội vụ là hợp lý và phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị tại thông báo số 20 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.

Cụ thể, ngoài việc khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức, còn có nội dung "cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng".

Cần đánh giá thận trọng, công tâm, khách quan, tránh tinh giản biên chế sai đối tượng

Theo TS. Nguyễn Tiến Dĩnh: Trong từng trường hợp cụ thể cần đánh giá một cách thận trọng, công tâm, khách quan để đưa ra quyết định cho phù hợp, nếu không sẽ dẫn đến tinh giản biên chế sai đối tượng.

Vừa rồi, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ đối với cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.

Do đó, nếu cán bộ vì việc chung nhưng xảy ra vi phạm, khuyết điểm do yếu tố khách quan, không vì lợi ích cá nhân thì có thể xem xét, bảo vệ họ theo chủ trương của Đảng.

Ngược lại, nếu cán bộ vì việc riêng, vì tư lợi cá nhân, làm hại đến lợi ích tập thể thì phải cương quyết xử lý.

Trợ cấp cho cán bộ dôi dư để khuyến khích tự nguyện tinh giản biên chế

Cũng trong dự thảo này cơ quan soạn thảo đề nghị hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ngoài hưởng một trong các chính sách theo quy định thì được hưởng thêm mức trợ cấp. Cụ thể với mỗi tháng nghỉ trước, cán bộ, công chức được trợ cấp 1 tháng lương cơ sở hoặc 1/2 tháng lương hiện hưởng.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh bày tỏ: "Tôi nghiêng về phương án thứ 2. Tức là trợ cấp 1/2 tháng lương hiện hưởng cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư".

Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, có như vậy mới khuyến khích họ tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi để họ có một khoản đảm bảo cuộc sống cho đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu theo chế độ. Nguồn lực vẫn là từ ngân sách Nhà nước. Chính phủ sẽ phải cân đối ngân sách, tiết kiệm chi...

Tinh giản biên chế người bị kỷ luật: Tháo gỡ sự trì trệ

Nêu quan điểm về đề xuất tinh giản biên chế đối với người bị kỷ luật, ông Phạm Văn Hòa (Đại biểu Quốc hội khóa XV, đoàn Đồng Tháp) cho rằng: Đề xuất trên của Bộ Nội vụ rất cần thiết, tháo gỡ được sự trì trệ.

Đồng thời, đây cũng là cơ sở để những người bị kỷ luật khiển trách hay cảnh cáo khi xét thấy bản thân không có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút, có nguyện vọng nghỉ công tác, nghỉ hưu sớm.

Tuy nhiên, tinh giản biên chế đòi hỏi một sự tự giác, tự nguyện của những đối tượng này. Trong khi đó, cũng có những người có năng lực, trình độ nhưng vì một phút thiếu tu dưỡng, rèn luyện của bản thân mà bị kỷ luật, đặc biệt là đối với những trường hợp bị kỷ luật về phẩm chất đạo đức.

Theo đại biểu Phan Văn Hòa: "Nếu về phẩm chất đạo đức, cán bộ bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo thì cần phải tinh giản Còn đối với những người bị kỷ luật do các nguyên nhân khác (ví dụ như sinh con thứ ba), cần xem xét các trường hợp cụ thể, có thể xem xét để bố trí những công việc khác phù hợp hơn.

Còn nếu cán bộ đó tự nguyện tinh giản biên chế thì tổ chức nên cho họ rời vị trí theo nguyện vọng.

Những người tự nguyện tinh giản trong trường hợp này còn có lợi hơn, vì theo quy định, họ sẽ được hưởng chế độ ưu tiên, khoản tiền nhất định khi về nghỉ sớm.

Họ sử dụng một khoản được hưởng theo chế độ để tìm công việc khác hoặc hoạt động ở khu vực ngoài nhà nước thì cũng sẽ phù hợp với thực tiễn khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang siết lại trật tự, kỷ cương về trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, tinh thần làm việc, thái độ phục vụ của công chức, viên chức, đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh đã đi vào nề nếp"./.

 

QUẢN LÝ

*Vtv.vn (16/3): Bộ Công an đề xuất quản lý biển số ô tô, xe máy theo mã định danh

Bộ Công an đề xuất sẽ quản lý biển số ô tô, xe máy theo mã định danh cá nhân tại. Dự thảo Thông tư mới về cấp, thu hồi, đăng ký biển số xe cơ giới.

Theo dự thảo Thông tư quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới thay thế Thông tư số 58/2020/TT-BCA., chủ xe là tổ chức, cá nhân có trụ sở, nơi cư trú ở đâu thì đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe thuộc địa phương đó.

Với chủ xe là người Việt Nam, biển số xe được quản lý theo mã định danh cá nhân; đối với người nước ngoài thì biển số xe được quản lý theo mã định danh của người nước ngoài; đối với tổ chức thì biển số xe được quản lý theo mã định danh của tổ chức hoặc mã số thuế.

Mọi thủ tục đăng ký xe đều phải được kê khai trên cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi kê khai thành công, cổng dịch vụ công gửi tin nhắn thông báo mã hồ sơ để chủ xe làm thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe có thẩm quyền.

Trường hợp không thực hiện được trên cổng dịch vụ công quốc gia do không có dữ liệu điện tử hoặc lỗi kỹ thuật, thì chủ xe kê khai làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan đăng ký xe.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định rõ về về thủ tục đăng ký xe. 

 

*Dantri.com.vn (16/3): Thiếu thuốc trầm trọng ở các bệnh viện công vì còn "tâm lý sợ sai"

Chỉ ra hàng loạt nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở bệnh viện công, Bộ trưởng Y tế thừa nhận trong đó có phần nguyên nhân chủ quan do "tâm lý sợ sai".

Số người đi khám tăng vọt, vượt quá khả năng cung ứng thuốc

Đề cập đến hiện tượng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số cơ sở y tế công lập trong thời gian qua, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chỉ ra nguyên nhân khách quan do thời điểm năm 2021, các cơ sở y tế phải tập trung chống dịch, tăng khối lượng công việc do dịch nên việc xây dựng, thực hiện kế hoạch mua sắm, đấu thầu bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu, hàng hóa khan hiếm, giá cả biến động tăng trên quy mô toàn cầu khiến việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm càng trở nên khó khăn hơn.

Sau đại dịch, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh tăng vọt, vượt quá khả năng cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế của các cơ sở y tế. Trong khi đó, các hợp đồng cung ứng đã thực hiện những năm trước hết hạn phải chờ kế hoạch đấu thầu mới.

Về chủ quan, Bộ Y tế nhận định nguồn cung bị hạn chế do việc cấp phép, gia hạn giấy phép lưu hành chậm. Đặc biệt, còn có tâm lý e ngại, sợ sai trong tổ chức thực hiện mua sắm, thiếu nhân lực có chuyên môn tổ chức đấu thầu; tiến độ thực hiện mua sắm thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp địa phương còn chậm; nhiều gói thầu số lượng ít không thu hút nhà cung cấp…

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế cho biết đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó vấn đề hoàn thiện hành lang pháp lý được ưu tiên với việc ban hành hàng loạt văn bản, nghị định để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế.

Cắt giảm thủ tục về gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc

Về công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định những năm qua, Bộ Y tế đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Trong đó, Bộ Y tế tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược; ban hành một số thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; đã tổ chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược.

Bộ cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về đảm bảo cung ứng thuốc, đặc biệt các thuốc hiếm, khó khăn về nguồn cung, giúp cơ sở khám chữa bệnh nắm được thông tin về nguồn cung thuốc, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Cũng theo Tư lệnh ngành Y tế, Bộ đã chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan; phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ.

Song song với đó, Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập thuốc quốc gia, đàm phán giá. Theo Bộ trưởng Y tế, trong năm 2022, Bộ đã tổ chức thành công 3 gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, giảm giá 1.418 tỷ đồng so với giá kế hoạch (giảm gần 18%); đàm phán giá thành công 61/69 mặt hàng thuốc, giảm giá 1.995 tỷ đồng (xấp xỉ 15%).

Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết đã có những giải pháp nhằm ổn định tư tưởng cho cán bộ, công chức và chuyên gia thẩm định hồ sơ. Bộ Y tế đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng công chức và chuyên gia thẩm định xin thôi việc hoặc không tham gia thẩm định hồ sơ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ trực tuyến.

 

*Tienphong.vn (16/3): Dẹp loạn đòi sổ hộ khẩu, xác nhận cư trú

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM và nhiều địa phương đã đồng loạt triển khai thực hiện các quy định liên quan đến thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, không còn đòi giấy xác nhận cư trú, tạo thuận lợi cho người dân đến làm thủ tục hành chính.

Tại tỉnh Bình Dương, ngày 15/3, ông Võ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, chính quyền tỉnh vừa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương không được yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận hoặc nộp sổ khẩu, sổ tạm trú giấy trong thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự khi đã có dữ liệu về dân cư được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. “Sử dụng tài khoản định danh điện tử ứng dụng “VNeID” trên điện thoại di động thông minh có kết nối mạng internet và các phương thức sử dụng thông tin công dân thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú”, ông Tuấn cho hay.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng có văn bản chỉ đạo triển khai Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. UBND tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, các đơn vị kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; nâng cấp các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, đảm bảo việc kết nối tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc tra cứu thông tin về cư trú trong thực hiện thủ tục hành chính.

Theo ghi nhận, sau khi có chỉ đạo từ UBND tỉnh Đồng Nai, các cơ quan đơn vị không còn yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính. Tình hình thực hiện giải quyết thủ tục hành chính liên quan diễn ra thuận lợi hơn.

 

*Dantri.com.vn (15/3): Thứ trưởng Bộ TN&MT: Bảng giá đất 5 năm đổi 1 lần chỉ khỏe cơ quan quản lý

 Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc xây dựng bảng giá đất 5 năm một lần sẽ không đáp ứng được nguyên tắc phù hợp giá thị trường. Nếu giữ nguyên sẽ không có lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Theo điều 154 của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, bảng giá đất sẽ được ban hành hàng năm, công bố công khai để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng giá đất thị trường, gây thất thu ngân sách Nhà nước và khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng, việc ban hành bảng giá đất hàng năm nên cân nhắc tính khả thi và phù hợp từng địa phương cụ thể. Vị luật sư đề nghị các cơ quan cân nhắc phương án cho các địa phương có đặc thù khác nhau, được lựa chọn ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần hoặc điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên.

Ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho biết, còn nhiều ý kiến khác nhau giữa vấn đề bảng giá đất. Việc quy định bảng giá đất hàng năm không phải điều mới, mà đã có trong Luật Đất đai 2003. Sau đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định về việc bảng giá đất có thời hạn 5 năm, dựa trên khung giá đất được Chính phủ quy định.

Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng phân tích, trong công tác xây dựng giá đất, điều khó nhất là làm bảng giá đất lần đầu tiên, cho năm đầu tiên của thời kỳ. Các năm tiếp theo không cần làm lại, mà trên cơ sở bảng giá đất đó, chuyên gia, nhà chuyên môn định giá sẽ bổ sung khu vực còn thiếu, điều chỉnh giá tại khu vực có biến động và giữ nguyên đối với những khu vực không có sự thay đổi.

Điểm khó tiếp theo là xây dựng hệ số điều chỉnh hàng năm. Để làm được điều này, cần có một cơ quan theo dõi biến động và cập nhật biến động theo chu kỳ.

Đối với một số ý kiến về việc cần bổ sung các loại cây trồng lâu năm của người dân vào danh mục tài sản gắn liền với đất, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc bổ sung này cần cân nhắc. Điều này chỉ thực hiện được khi cơ quan quản lý Nhà nước có đủ lực lượng.

 

*Dantri.com.vn (15/3): Bộ Công an điều tra vụ mạo danh giáo viên, lừa báo tin 'con đang cấp cứu'

 Theo thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Bộ Công an đã điều tra và làm rõ thủ đoạn mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện để liên hệ với phụ huynh, lừa báo tin "con nhập viện cấp cứu".

Xử lý 15 vụ lừa đảo núp bóng công ty luật

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình dẫn báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, cho thấy trong tháng 2, việc công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm nhiều so với tháng trước. Tuy nhiên, tình hình khiếu kiện tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc khiếu kiện tập trung đông người, gây phức tạp về an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, báo cáo dân nguyện cũng đề cập việc người dân phản ánh về tình trạng dịch vụ cầm đồ hoạt động theo hình thức doanh nghiệp tài chính tự ban hành lãi suất, phí cao, trái quy định; tình trạng đòi nợ thuê núp bóng Công ty Luật, Công ty mua bán nợ…

Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan xử lý nghiêm minh trường hợp đòi nợ thuê núp bóng công ty luật, công ty mua bán nợ… gây bức xúc, hoang mang trong dư luận và người dân.

Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Công an xử lý tình trạng lập công ty "ma" để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng; tình trạng yêu cầu người dân xuất trình các loại giấy tờ chứng minh thông tin về nơi cư trú… vẫn tiếp diễn.

Cũng theo ông Bình, người dân lo lắng về tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện để liên hệ trực tiếp phụ huynh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn đang được nhập viện cấp cứu, hòng chiếm đoạt tài sản.

Báo cáo thêm tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết tình trạng đòi nợ thuê núp bóng công ty luật và công ty mua bán xuất hiện từ tháng 10/2022. Đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý theo quy định với 15 công ty.

Trước tình trạng thủ đoạn mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện liên hệ trực tiếp phụ huynh báo tin về việc học sinh phải nhập viện cấp cứu để chiếm đoạt tài sản, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết một số trường hợp đã chuyển tiền.

Theo ông Tỏ, đơn vị chức năng của Bộ đã điều tra, phát hiện vi phạm và làm tốt công tác phòng ngừa với thủ đoạn trên.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

*Nld.com.vn (16/3): Thanh tra Chính phủ đề nghị kỷ luật một nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Tối 16-3, theo nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động, trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, xác minh và đề xuất hướng xử lý nội dung phản ánh, kiến nghị của tập thể cán bộ hưu trí tỉnh Cà Mau đề nghị việc cổ phần hoá, chuyển nhượng cổ phần cho người nhà một nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh không đúng quy định của pháp luật tại Công ty Cổ phần Dịch vụ - Thương mại Cà Mau.

Theo Thanh tra Chính phủ, qua kiểm tra, xác minh cho thấy nội dung phản ánh, kiến nghị trên là đúng.

Cụ thể, việc cổ phần hóa Công ty Dịch vụ - Thương mại Cà Mau được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 109/2007/NĐ-CP và Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Sau đó, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (thời điểm đó) phê duyệt phương án xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp chuyển Công ty Dịch vụ - Thương mại Cà Mau thành công ty cổ phần. Theo đó, vốn điều lệ là 25 tỉ đồng, số lượng cổ phần phát hành lần đầu là 2,5 triệu cổ phần (mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng loại cổ phần phổ thông); nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Tập đoàn Intimex, với phương thức bán cổ phần bằng thỏa thuận góp vốn.

 

*Vietnamplus.vn (16/3): Thanh Hóa: Chủ tịch thị trấn Quý Lộc bị cách hết chức vụ trong Đảng

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Yên Định xác định ông Trịnh Đình Khoa là người có liên quan tới việc thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất trái thẩm quyền tại thị trấn Quý Lộc.

Chiều 15/3, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã công bố quyết định kỷ luật tập thể và các cá nhân có liên quan tới những vi phạm về đất đai tại thị trấn Quý Lộc.

Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định thống nhất kỷ luật khiển trách tập thể Đảng ủy xã Quý Lộc (nay là thị trấn Quý Lộc) nhiệm kỳ 2015-2020.

Ông Trịnh Đình Khoa, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Quý Lộc bị kỷ luật với hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng.

Ông Trịnh Đình Thịnh, nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Quý Lộc nhận kỷ luật khiển trách. Cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm một số cán bộ đương chức hoặc đã nghỉ hưu khác.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Nhân dân huyện Yên Định cũng có quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Quý Lộc đối với ông Trịnh Đình Khoa.

Trước đó, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Quý Lộc đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ hành vi của ông Lê Văn Khang, cán bộ địa chính cùng một số lãnh đạo thị trấn Quý Lộc khi thực hiện hành vi nhận tiền mua đất của người dân thông qua "giấy ủy quyền" tại những mặt bằng chưa đấu giá.

Ước tính, số tiền ông Lê Văn Khang - cán bộ địa chính thị trấn Quý Lộc nhận của người dân để thực hiện các giao dịch đất đai lên tới cả tỷ đồng. Số tiền ông Khang thu được từ việc "bán đất trên giấy" không nộp vào ngân sách xã. Ông cũng không hoàn thiện thủ tục trình cấp cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Ông Khang đã bị khai trừ khỏi Đảng.

Vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ./.

 

THẾ GIỚI

*Vtv.vn (16/3): Nga phát hiện hai người nhiễm bệnh than nguy hiểm

Hai người được phát hiện đã bị nhiễm vi khuẩn than nguy hiểm ở Cộng hòa Chuvashia thuộc Nga, cách thủ đô Moscow khoảng 430 dặm (692 km) về phía Đông.

Thống đốc Cộng hòa Chuvashia Oleg Nikolaev đã thông báo trên Telegram rằng các bệnh nhân đã nhập viện với các chẩn đoán đã được xác nhận và hiện đang được điều trị bệnh than.

Theo các bác sĩ, tình trạng của hai người nhiễm bệnh là "trung bình", Thống đốc Nikolaev nói và cho biết thêm rằng tính mạng của họ không gặp nguy hiểm. Tất cả những người đã tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh than đều được giám sát y tế và điều trị dự phòng.

Ông Nikolaev viết trên Telegram: "Dịch vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dịch vụ thú y và Bộ Nội vụ của Chuvashia đang hợp tác để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Mục tiêu chính là đảm bảo an toàn cho cư dân trong khu vực".

Cộng hòa Chuvashia, với dân số 1,2 triệu người, nằm ở trung tâm của nước Nga thuộc châu Âu, bên bờ sông Volga. Khoảng cách giữa thủ phủ khu vực Cheboksary và Moscow là khoảng 700 km (435 dặm).

Trường hợp mắc bệnh than cuối cùng, còn được gọi là "Bệnh dịch Siberia", đã được báo cáo ở Nga vào tháng 6/2022 ở khu vực phía Nam vùng Stavropol. Chính quyền địa phương đã nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Hàng trăm nghìn người đã tử vong vì bệnh than trước những năm của thế kỷ 20. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh đã giảm đi rất nhiều do việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh nhân và tiêm phòng cho động vật.

 

*Vtv.vn (16/3): Singapore lần đầu đăng cai giải vô địch thể dục dụng cụ châu Á lần thứ 10 trong năm 2023

Singapore sẽ chào đón các vận động viên thể dục dụng cụ xuất sắc nhất thế giới tại giải vô địch thể dục dụng cụ châu Á lần thứ 10 trong năm 2023.

Từ ngày 10 - 18/6/2023, giải vô địch thể dục dụng cụ châu Á lần thứ 10 (The 10th Asian Artistic Gymnastic Championships) sẽ diễn ra tại OCBC Arena.

Sự kiện này được xem như vòng loại cho giải vô địch thế giới tại Bỉ từ ngày 30/9 - 8/10/2023. Sau giải vô địch thế giới, 9 đội đủ điều kiện sẽ được quyền tham dự Thế vận hội Paris 2024.

Vào ngày 6/4, danh sách đầy đủ các đội tuyển quốc gia tham dự giải vô địch châu Á sẽ được chốt và đội hình Singapore sẽ được công bố vào cuối tháng 4. Vé xem thi đấu cũng được mở bán trong tháng 4.

 

*SGGP.vn (16/3): Châu Âu gia tăng sản xuất khí hydro

Năm 2023 chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong thị trường đầu tư vào khí hydro tại châu Âu với mức dự báo tăng đáng kinh ngạc 800% trong tổng công suất lắp đặt của các dự án năng lượng hydro. Các nhà phân tích cho rằng, đây sẽ là lần đầu tiên tổng công suất khí hydro ở châu Âu vượt mốc 1GW.

Theo các chuyên gia, Vương quốc Anh và Đức, mỗi nước nắm giữ 400MW dự án khí hydro đang được triển khai. Cả hai quốc gia đều đóng vai trò quan trọng với thị trường khí hydro ở châu Âu. Các dự án đã lên kế hoạch và đang triển khai có thể đưa tổng công suất các dự án hydro trên khắp châu Âu tăng từ khoảng 236MW vào năm 2022, lên hơn 2GW vào năm 2023. Tuy vậy, theo Công ty Tư vấn LCP Delta (Anh), do sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng trong thị trường khí hydro, châu Âu vẫn có nguy cơ tụt hậu về sản lượng khí hydro do các rào cản pháp lý cản trở quyết định đầu tư.

Một trong những dự án khí hydro đáng lưu ý tại châu Âu là của Công ty Năng lượng RWE (Đức) và nhà sản xuất dầu khí Na Uy Equinor. Hai bên đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) để phát triển hệ năng lượng tái tạo, trong đó có khí hydro xanh và khí đốt tự nhiên. Theo kế hoạch, hai công ty sẽ xây dựng các turbin khí ở Đức và các cơ sở sản xuất khí hydro xanh ở Na Uy, triển khai các đường ống dẫn khí hydro giữa hai nước và phát triển các trang trại gió ngoài khơi để sản xuất hydro xanh. Hydro được sản xuất bằng cách dùng năng lượng tái tạo tách nước và điện phân, với khí CO2 thải ra trong quá trình sản xuất được lưu trữ gọi là hydro xanh.

Đầu năm 2022, Đức nhập khẩu phần lớn khí đốt tự nhiên từ Nga (35%), tiếp theo là Na Uy (27%) và Hà Lan (13%). Đến cuối năm 2022, Na Uy trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Đức với 43%, theo sau là Hà Lan (29%), Bỉ (22%). Kế hoạch của Na Uy - Đức trước tiên là thay thế than đá bằng khí đốt tự nhiên từ Equinor, sau đó phát triển sản xuất hydro xanh quy mô lớn. Các công ty đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới khí đốt tự nhiên và hydro xanh vào cuối thập niên này, với khoảng 3GW nhà máy điện chạy bằng khí hydro, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng cho hydro xanh, với công suất điện phân 2GW. Đức hiện là nước tiêu thụ hydro lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) làm nguyên liệu cho công nghiệp, với nhu cầu khoảng 1,7 triệu tấn khí hydro, tương đương 22% tổng sản lượng tiêu thụ khí này của EU.

 

*Nld.com.vn (16/3): Trung Quốc tiết lộ đối thủ của ChatGPT

Baidu, công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm dữ liệu trên mạng lớn nhất Trung Quốc, vừa tiết lộ đối thủ của phần mềm đang làm mưa làm gió ChatGPT.

Đài Al Jazeera cho biết phần mềm được Baidu tiết lộ mang tên Ernie. 

Giám đốc điều hành Baidu Robin Li ngày 16-3 tuyên bố Ernie, được gọi là Weixin trong tiếng Trung, là kết quả của "nhiều thập kỷ làm việc chăm chỉ và nỗ lực của Baidu".

Giám đốc Li nói: "Trong hai vòng trò chuyện, chatbot Ernie đã trình bày khả năng suy luận logic của mình. Nó không chỉ biết liệu bản thân câu hỏi có đúng hay không mà còn cung cấp câu trả lời và các bước cụ thể để tìm ra câu trả lời".

Tại sự kiện tiết lộ Ernie ở Bắc Kinh, Giám đốc Li cho thấy khả năng chatbot này giúp tạo ra áp phích hội nghị và video dựa trên lời nhắc, đưa ra lời khuyên về địa điểm tổ chức sự kiện tốt nhất giữa một số thành phố của Trung Quốc và đọc tài liệu bằng phương ngữ Tứ Xuyên. 

Ernie còn trả lời các câu hỏi về một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nổi tiếng của Trung Quốc và tóm tắt cốt truyện của cuốn sách.

Theo Giám đốc Li, các tính năng trên sẽ được tích hợp vào hệ sinh thái thiết bị thông minh Xiaodu của Baidu.

Tuy nhiên, Ernie hoạt động bằng tiếng Trung tốt hơn so với tiếng Anh và có thể gặp khó khăn với các câu hỏi có lỗi logic.

 

*Vietnamplus.vn (16/3): Italy chưa sẵn sàng phê chuẩn cải cách quỹ cứu trợ Eurozone

Một số chính trị gia Italy, trong đó có Thủ tướng Meloni, đã chỉ trích cải cách quỹ cứu trợ 500 tỷ euro của Eurozone, cho rằng nó sẽ làm tăng nguy cơ tái cơ cấu khoản nợ quốc gia khổng lồ của Italy.

Ngày 15/3, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tuyên bố “cần phải suy nghĩ thêm” trước khi chính phủ nước này có thể phê chuẩn một cải cách quỹ cứu trợ 500 tỷ euro (526,15 tỷ USD) của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cho các quốc gia và ngân hàng bị tách khỏi thị trường.

Thủ tướng Meloni, người thường bày tỏ lo ngại về Cơ chế ổn định châu Âu (ESM), nói với Quốc hội Italy rằng chính phủ sẽ không bao giờ tiếp cận cơ sở này và nói rằng thay vào đó, ESM nên được biến thành một công cụ chính sách công nghiệp.

Bà nói: “Nếu chúng ta tin rằng quy định ESM mới không phục vụ lợi ích quốc gia của Italy… thì đã đến lúc thảo luận về việc sử dụng nó như một công cụ của chính sách công nghiệp châu Âu.”

Italy là thành viên Liên minh châu Âu (EU) duy nhất chần chừ trong việc phê chuẩn cải cách trên.

Trước đây, một số chính trị gia Italy, trong đó có bà Meloni, đã chỉ trích cải cách này, cho rằng nó sẽ làm tăng nguy cơ tái cơ cấu khoản nợ quốc gia khổng lồ của Italy.

 

*Tienphong.vn (16/3): Ngân hàng Trung ương Anh họp khẩn vì khủng hoảng của Credit Suisse

Ngân hàng nhà nước Anh họp khẩn với các đối tác quốc tế trong buổi tối 15/3, khi cuộc khủng hoảng của ngân hàng Thuỵ Sĩ Credit Suisse ngày càng lớn, Telegraph đưa tin.

Thông tin xuất hiện trong bối cảnh hỗn loạn ở Credit Suisse, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng đang định hình lại các điều kiện tài chính quốc tế hằng ngày, thậm chí hằng giờ.

Ngân hàng Trung ương Anh từ chối bình luận về thông tin này.

Cố phiếu của Credit Suisse giảm hơn 20% trong ngày 15/3, sau khi chủ tịch của Saudi Nation Bank – nhà cung cấp tiền lớn nhất của Credit Suisse – thông báo sẽ không hỗ trợ tài chính nữa, dù vẫn đánh giá Credit Suisse là ngân hàng mạnh.

Sau khi các thị trường châu Âu đóng cửa, Ngân hàng quốc gia Thuỵ Sĩ ra thông cáo cho biết sẽ hỗ trợ thêm thanh khoản cho Credit Suisse nếu cần. Thông tin này giúp cổ phiếu của Credit Suisse hồi phục chút ít, kết thúc ngày giao dịch với mức giảm 14%.

 

*Tienphong.vn (15/3): Tổng thống Hàn Quốc muốn tạo nên chương lịch sử mới với Nhật Bản

Ngày 15/3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bày tỏ kỳ vọng quan hệ hợp tác ngày càng phát triển với Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực, từ vấn đề Triều Tiên đến thiết bị bán dẫn, cho rằng đây là một phần trong “chương lịch sử mới” của hai nước.

Ông Yoon ngày 16/3 sẽ thăm Tokyo, sau khi công bố sáng kiến giải quyết khúc mắc lịch sử giữa hai nước liên quan đến vấn đề lao động cưỡng ép.

Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ tin tưởng rằng kế hoạch mới của ông về việc bồi thường cho các nạn nhân sẽ hoạt động tốt. “Chính phủ Nhật sẽ cùng chúng tôi mở ra một chương mới trong quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản”, ông Yoon khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến thăm.

Ông Yoon mong muốn giải quyết xong mâu thuẫn lịch sử để xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Tokyo, một đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực, khi cả ba đều đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn từ Triều Tiên.

Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều tăng chi tiêu quốc phòng và tập trận trong những năm gần đây. Ông Moon cho rằng những việc này cần cho ổn định khu vực và toàn cầu.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

    << < 1 2 3 4 5  ... > >> 
    °
    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    386 người đã bình chọn