Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 9 năm 2021

Update 15 - 09 - 2021
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

  

*Dienbientv.vn (14/9): Người dân chủ động di dời bàn giao mặt bằng

Với mục tiêu sớm bàn giao mặt bằng sạch cho ACV triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, nhiều gia đình thuộc diện di dời của phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ đã chủ động di chuyển tài sản, tháo dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng để phục vụ dự án. Sự đồng thuận của người dân với chủ trương của tỉnh là giải pháp then chốt tháo gỡ nút thắt trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tổ dân phố 1, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ có hơn 200 hộ thuộc diện phải giải toả, di dời phục vụ Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Những ngày gần đây, các hộ gia đình đã chủ động di chuyển tài sản, tháo dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng để phục vụ dự án. Trong đó có nhiều gia đình chưa nhận phương án bồi thường, hỗ trợ, nhưng vẫn chủ động di chuyển trước để bàn giao mặt bằng.  

Điển hình như gia đình bà Phạm Thị Thoa, tổ dân phố 1, phường Thanh Trường, dù gặp nhiều khó khăn trong việc di dời đến nơi ở mới, song gia đình bà đã chủ động đóng gói đồ đạc, tháo đỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng theo đúng chủ trương của chính quyền địa phương.  

Tương tự như tổ dân phố 1, tổ dân phố 2, phường Thanh Trường có không ít những ngôi nhà được xây dựng khang trang, to đẹp, song cũng đã được các hộ gia đình tháo dỡ để bàn giao mặt bằng.

Tính đến thời điểm này, dự án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư thuộc Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đã tiếp nhận bàn giao mặt bằng của hơn 650 hộ dân và 8 tổ chức với tổng diện tích hơn 161ha. Sự đồng thuận của người dân với cấp ủy Đảng, chính quyền lúc này là điều hết sức cần thiết để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng, triển khai khởi công dự án vào quý IV/2021./.

 

*Baodienbienphu.info.vn (14/9): Kỳ vọng các mô hình xóa đói giảm nghèo ở Tủa Chùa

Năm 2021, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, huyện Tủa Chùa được giao hơn 2 tỷ đồng. Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, triển khai các mô hình, dự án nhằm tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo trên địa bàn.

Từ nguồn vốn được phân bổ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa đã triển khai 3 dự án: Dự án liên kết ngô lai 885 (34ha) với kinh phí 371,2 triệu đồng thực hiện tại thị trấn Tủa Chùa, xã Tủa Thàng; dự án liên kết mắc ca (25,5ha) kinh phí 995,1 triệu đồng thực hiện tại xã Xá Nhè; mô hình liên kết lúa TBR225 và Bắc thơm số 7 (52ha) kinh phí 798,5 triệu đồng thực hiện tại thị trấn Tủa Chùa.

Các dự án được thực hiện theo phương thức liên kết hợp tác giữa đơn vị chủ trì liên kết và người dân. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp; trong quá trình sản xuất được hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiểm soát đầu vào, chăm sóc theo quy trình, đầu ra sản phẩm được đảm bảo tiêu thụ ổn định. Qua đó giúp tăng cường năng lực tiếp thu và áp dụng kỹ thuật của người dân trên địa bàn phạm vi dự án. Đồng thời từng bước đưa các sản phẩm lúa TBR 225, Bắc thơm số 7, ngô lai 885 trở sản phẩm hàng hóa; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Sau khi được giao vốn, Phòng đã khảo sát nhu cầu của các chủ thể kinh tế trên địa bàn và tham mưu cho UBND huyện lựa chọn triển khai hỗ trợ theo đúng quy định. Các dự án triển khai năm 2021, khi người dân tham gia vào các dự án với phương thức liên kết hợp tác sẽ được đảm bảo ổn định đầu ra. Sau một thời gian triển khai, các mô hình, dự án bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập (dự ước tăng thêm khoảng 15 triệu đồng/ha), trình độ sản xuất cho người dân, đồng thời hình thành nhiều mối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Dự án trồng thử nghiệm 25,5ha mắc ca được triển khai tại xã Xá Nhè theo phương thức liên kết giữa đơn vị chủ trì và người dân. Những hộ tham gia được hỗ trợ đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, kiểm soát đầu vào và đảm bảo đầu ra của sản phẩm. So với việc trồng luân canh các cây trồng lúa nương, ngô, khoai, sắn thì trồng cây mắc ca có giá thu mua theo giá bảo hiểm là 25.000 đồng/kg. Theo hạch toán kinh tế dự kiến từ năm thứ 5 cây mắc ca bắt đầu cho thu hoạch, năm thứ 6 - 7 trở đi sẽ cho thu hoạch ổn định, mỗi năm (trừ chi phí thuê khoán, công chăm sóc) trung bình mỗi héc ta người dân thu 40 - 70 triệu đồng.

Ông Lờ A Tráng, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè cho biết: Các mô hình, dự án đã và đang được triển khai trên địa bàn xã, đặc biệt là dự án trồng mắc ca được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân. Tham gia vào dự án còn giúp người dân thay đổi tư duy, phương pháp tổ chức sản xuất; được chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, thu nhập.

 

*Dienbientv.vn (13/9): PC Điện Biên thử nghiệm công nghệ mới trong vận hành lưới điện

Xác định tầm quan trọng của hệ thống điện toàn tỉnh, thời gian qua, PC Điện Biên đã và đang từng bước đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý vận hành.

Nổi bật, mới đây PC Điện Biên đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chương trình DMS cho lưới điện trung áp (Distribution Management System- hệ thống quản lý lưới điện phân phối). Với hệ thống SCADA tại Trung tâm điều khiển xa, xây dựng các kịch bản sự cố và phân loại sự cố nhanh chóng cấp điện trở lại cho các khách hàng, giảm thiểu thời gian mất điện.

Theo Điều độ viên Nguyễn Thị Nhung, trước đây, thời gian xử lý, cách ly sự cố phụ thuộc vào khả năng của điều độ viên, thời gian triển khai của lực lượng trực tiếp xử lý tại hiện trường cũng như khoảng cách và địa hình giữa điểm trực thao tác và các thiết bị cần phân vùng sự cố. Sau khi áp dụng DMS việc đưa ra phương án vận hành tối ưu được lựa chọn bởi người vận hành, hỗ trợ điều độ viên nhanh chóng cách ly phân đoạn vùng bị sự cố và tự động cấp điện trở lại cho các phân đoạn không bị sự cố, giảm độ tin cậy cung cấp điện.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên, việc đưa ứng dụng DMS vào vận hành là cần thiết nhằm góp phần hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện trung áp. Ứng dụng lưới điện thông minh làm nền tảng để đạt được những kết quả tốt trong quá trình chuyển đổi số của EVN nói chung PC Điện Biên nói riêng.

 

*Dienbientv.vn (13/9): 31 trạm biến áp của Điện lực Tủa Chùa bị mất trộm dây tiếp địa

Trong thời gian gần đây, tình trạng cắt trộm dây thoát sét tại các trạm biến áp trên địa bàn huyện Tủa Chùa gia tăng đáng kể, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khách hàng sử dụng điện.

Theo thống kê của Điện lực Tủa Chùa trong tháng 9/2020 và tháng 8/2021, 31 trạm biến áp nằm trên địa bàn xã Mường Báng, Mường Đun và thị trấn Tủa Chùa đã bị kẻ gian cắt trộm hệ thống dây thoát sét trạm biến áp, dây đồng đảm bảo an toàn vận hành cho tủ điện, dây trung tính công tơ của khách hàng.

Đây là những thiết bị trọng yếu để tiêu và thoát sét, cân bằng dòng điện giữa các pha nếu thiết bị này không hoạt động khi có sét đánh trực tiếp vào máy biến áp hoặc mất trung tính có thể gây ra cháy, nổ, hỏng thiết bị, nhất là thiết bị của người dân sử dụng điện.

Các thiết bị điện trong dân có thể bị phá hỏng hoàn toàn nếu không có dây thoát sét tại các trạm biến áp. Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng của huyện Tủa Chùa cần sớm điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm./.

 

*Dienbientv.vn (13/9): Điện Biên thiếu trên 1.600 giáo viên trong năm học mới

Năm học 2021 - 2022, tỉnh Điện Biên thiếu trên 1.600 giáo viên, riêng bậc mầm non thiếu khoảng 1.200 giáo viên.

Những năm gần đây, tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi ra lớp, đặc biệt là cấp học mầm non không ngừng tăng lên, thế nhưng, số lượng người làm việc được giao lại giảm trung bình 1,7%/năm.

Năm học 2021- 2022, tính theo định mức thì số người làm việc trong ngành giáo dục còn thiếu khoảng 1.600 người, riêng bậc mầm non thiếu gần 1.200 người.

Điều này gây nhiều khó khăn, áp lực cho việc dạy và học của các trường còn thiếu giáo viên, nhất là những lớp mầm non chỉ bố trí được 1 giáo viên/lớp.

Đối với giáo viên các bộ môn, toàn tỉnh hiện còn thiếu khoảng 170 giáo viên tiếng Anh và Tin học do nguồn tuyển và việc đặt hàng đào tạo gặp nhiều khó khăn.

Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 12% học sinh khối lớp 3,4,5 chưa được học tiếng Anh tự chọn và Đề án ngoại ngữ 2020.

Tỉnh Điện Biên hiện đang đề xuất với Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo giao bổ sung số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là ngành giáo dục ở cấp học mầm non.

Đồng thời, nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn về việc đặt hàng trong đào tạo giáo viên, giúp các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong việc thiếu nguồn tuyển giáo viên Tiếng Anh, Tin học và một số môn chuyên biệt khác./.

 

*Baodienbienphu.info.vn (13/9): Khó tiêu thụ nông sản do dịch Covid-19

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội. Do vậy, việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản giữa các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nông dân tỉnh ta cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Doanh nghiệp chịu lỗ

Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green là một trong những doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm gạo Điện Biên chất lượng cao lớn nhất tỉnh. Hiện nay, Công ty đang là chủ thể của chuỗi liên kết sản xuất gạo an toàn có vùng nguyên liệu trên 100ha tại 2 xã: Thanh An và Thanh Xương (huyện Điện Biên), với 400 hộ dân tham gia. Bình quân mỗi vụ lúa, Công ty thu mua khoảng 500 - 600 tấn thóc, sau đó chế biến và tiêu thụ tại các thị trường: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Đà Nẵng… Thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, sản phẩm gạo của Công ty sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, có những thời điểm “cháy hàng”. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, lượng hàng tồn kho nhiều khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty bị gián đoạn, thua lỗ.

Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green cho biết: Lúa gạo là sản phẩm thiết yếu nên các đại lý, siêu thị vẫn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là không có phương tiện vận chuyển hàng hóa do nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Những phương tiện được phép lưu thông lại nâng phí vận chuyển lên rất cao, khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg gạo thành phẩm. Nếu chấp nhận mức giá vận chuyển đó thì doanh nghiệp không có lợi nhuận, còn bị lỗ. Đầu vụ Công ty thu mua thóc tươi với giá 9.000 đồng/kg. Sau quá trình chế biến, đóng gói, bao bì, dán tem chỉ dẫn địa lý, nhãn mác… 1kg gạo thành phẩm trị giá khoảng 18.000 đồng, thêm cước vận chuyển 5.000 đồng/kg sẽ nâng mức giá gạo lên khoảng 23.000 đồng/kg. Trong khi Công ty ký hợp đồng với khách hàng mức giá 22.500 đồng/kg. Như vậy, Công ty phải chịu lỗ 500 đồng/kg. Đó là chưa tính các chi phí về nhân công, khấu hao máy móc, lãi suất ngân hàng… Hiện nay Công ty chưa đầu tư được hệ thống nhà kho bảo quản đủ tiêu chuẩn nên bắt buộc phải bán thóc với giá rẻ để cắt lỗ trước vụ thu hoạch lúa mới. Năm 2020, Công ty tồn kho 60 tấn thóc. Năm nay, dù lường trước ảnh hưởng dịch Covid-19 và có phương án ứng phó song lượng hàng tồn kho vẫn còn khoảng 30 tấn. Nếu 1 - 2 tháng tới, dịch bệnh chưa được kiểm soát, vụ lúa mùa năm nay, Công ty sẽ không thể bao tiêu 100% diện tích vùng liên kết.

Tương tự, Công ty TNHH Hương Linh cũng đang phải gồng mình chịu lỗ khi doanh thu bán chè từ đầu năm đến nay giảm 60% so với những năm trước.

Nông dân thất thu

Theo thống kê của UBND huyện Tuần Giáo, năm nay sơn tra được mùa, tổng sản lượng sơn tra ước đạt trên 900 tấn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quả sơn tra không có người mua, giá giảm kịch sàn. Những năm trước, sơn tra bán ven quốc lộ có giá 30.000 đồng/kg quả loại 1; bán đổ cũng từ 7.000 - 10.000 đồng/kg đối với quả loại 2 và loại 3. Nhưng nay thì giá bán 1.000 - 2.000 đồng/kg cũng chẳng có người hỏi mua.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Để giúp người dân tháo gỡ phần nào khó khăn trong tiêu thụ quả sơn tra, ngày 20/8 UBND huyện Tuần Giáo đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đoàn thể, trường học trên địa bàn huyện hỗ trợ trong việc kết nối, tiêu thụ sơn tra. UBND huyện đã phối hợp với Bưu điện huyện Tuần Giáo, Bưu điện tỉnh đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đưa sản phẩm sơn tra Tuần Giáo lên sàn thương mại điện tử POSTMART, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí vận chuyển nông sản đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay số lượng sơn tra tiêu thụ rất ít.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, Hội LHPN xã Tỏa Tình đã thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch Tây Bắc xã Tỏa Tình để giới thiệu, bày bán nông sản, trong đó có quả sơn tra, song sức tiêu thụ cũng không mấy cải thiện.

Ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tỏa Tình cho biết: Hợp tác xã đã liên hệ với các cơ sở sản xuất, chế biến quả sơn tra ngoài tỉnh theo đầu mối những năm trước, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên có cơ sở sản xuất dừng hoạt động, có cơ sở giảm công suất đã lựa chọn hàng từ các địa bàn lân cận để giảm giá thành nên từ chối đặt hàng. Thành viên hợp tác xã cũng giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội nhưng hiệu quả không cao. Từ đầu vụ đến nay, tổng sản lượng sơn tra hợp tác xã bán giúp người dân chỉ đạt khoảng 3 tấn.

Dịch Covid-19 là khó khăn chung của cả nước song các chủ thể kinh tế vẫn mong mỏi giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

 

*Baodienbienphu.info.vn (12/9): Dự án cấp điện phải tạm dừng thi công do nhà thầu nợ tiền công

Dự án cấp điện nông thôn cho các thôn: Chế Cu Nhe, Lồng Sử Phình, Mảng Chiềng, Cáng Chua 1, Hấu Chua và Séo Mý Chải của xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa) khởi công từ năm 2019, dự kiến đóng điện trước tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Nhưng hiện nay dự án đang phải tạm dừng thi công do 1 trong 2 nhà thầu thi công không đủ năng lực đã rút khỏi dự án nhưng không thanh toán số tiền hơn 420 triệu đồng công lao động của người dân. Do đó người dân ngăn cản không cho dự án tiếp tục triển khai.

Người lao động bị “quỵt” tiền công

Dự án cấp điện này là gói thầu số 24, thuộc Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014 - 2020. Dự án có tổng mức đầu tư 24,16 tỷ đồng. Quy mô dự án gồm: Xây dựng mới tuyến đường dây trung áp với tổng chiều dài 12,455km; 7 trạm biến áp tại 7 thôn; đường dây hạ áp dài 14,671km; lắp đặt mới 291 công tơ và 14,824km đường dây sau công tơ. Thời gian thi công từ cuối năm 2019 - 31/12/2020. Dự án chia thành 2 gói thầu: Gói thầu số 1 do Công ty Xây lắp điện Tuần Giáo thi công đã hoàn thành đóng điện trước tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 còn gói thầu số 2 do Công ty TNHH số 11 thi công dở dang, chậm tiến độ hơn 8 tháng nay.

Những thôn thuộc vùng dự án cấp điện nông thôn của xã Sín Chải đều thuộc diện đặc biệt khó khăn; có nhóm dân cư sinh sống xa trung tâm, không đường giao thông, không điện và cũng không nước sinh hoạt; mùa mưa gần như tách biệt với bên ngoài. Cuối năm 2019, UBND xã Sín Chải, đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu thi công xuống các thôn để thông báo về việc triển khai dự án cấp điện nông thôn. Người dân rất phấn khởi và nhanh chóng đồng thuận, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà thầu thi công dự án. Khi Công ty TNHH số 11 - đơn vị thi công gói thầu số 2 có nhu cầu thuê nhân công tại địa bàn thì niềm vui nhân đôi, bởi người dân có việc làm, thu nhập.

Tháng 12/2020, trong khi người dân các thôn: Mảng Chiềng, Hấu Chua, Séo Mý Chải, Cáng Chua 1 (bản trên) và Lồng Sử Phình (bản dưới) thuộc gói thầu số 1 được hưởng niềm vui đóng điện thì các hạng mục thuộc gói thầu số 2 vẫn đang thi công dở dang. Tuy vậy, người dân các thôn: Cáng Chua 1 (bản dưới), Lồng Sử Phình (bản trên) và Chế Cu Nhe vẫn kiên nhẫn chờ đợi và động viên nhau rằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp khó khăn nên dự án chậm tiến độ. Đến tháng 5/2021, người dân sững sờ khi nhận thông tin Công ty TNHH số 11 đã nghiệm thu thanh toán và rút khỏi dự án cấp điện trên địa bàn. Nhà thầu “cao chạy xa bay” không chỉ bỏ lại dự án dở dang mà còn “quỵt” luôn số tiền hơn 420 triệu đồng là tiền công lao động của người dân.

Các bên đều kêu khó

Sau nhiều lần điện thoại không liên lạc được, một số người dân bị nợ tiền đã ra TP. Điện Biên Phủ tìm đến địa chỉ Công ty TNHH số 11 đăng ký hoạt động nhưng cũng không thể tìm được ông Đinh Văn Tẹo để đòi tiền. Bức xúc, bất lực trước hành vi quỵt nợ của Giám đốc Công ty TNHH số 11, 17 người bị nợ tiền đã làm đơn kiến nghị lên UBND xã Sín Chải.

Sau đó, UBND xã Sín Chải đã chỉ đạo Công an xã phối hợp với Công an huyện Tủa Chùa vào cuộc điều tra, xác minh. Theo kết luận điều tra của Công an huyện Tủa Chùa: Tổng số người dân trực tiếp ký hợp đồng nhận khoán lao động thời vụ cho Công ty TNHH số 11 là 17 người; tổng số tiền công Công ty này đang nợ người dân là 422,35 triệu đồng.

Ông Vừ A Mù, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Chải cho biết: UBND xã cũng báo cáo và đề nghị UBND huyện có ý kiến với đơn vị chủ đầu tư để đòi quyền lợi chính đáng cho người dân. Tuy nhiên đã hơn 3 tháng trôi qua, chính quyền xã cũng như người dân chưa nhận được phản hồi từ phía Sở Công Thương. Nếu chủ đầu tư cũng không thể giải quyết, tới đây UBND xã sẽ hướng dẫn người dân hoàn thiện các thủ tục cần thiết để khởi kiện Công ty TNHH số 11 ra tòa án.

Trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Tuyết Ban, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Công an huyện tham mưu cho UBND huyện làm văn bản gửi Sở Công Thương về nội dung Công ty TNHH số 11 nợ tiền công lao động của người dân xã Sín Chải. Song đến nay Sở Công Thương vẫn chưa có văn bản trả lời huyện. Vừa qua UBND huyện tiếp tục gửi văn bản đến Sở Công Thương yêu cầu Sở có ý kiến về nội dung trên. Dự án này do Sở Công Thương làm chủ đầu tư, triển khai trực tiếp trên địa bàn xã Sín Chải. Khi có các sự việc phát sinh liên quan đến dự án thì đơn vị chủ đầu tư cũng nên có ý kiến trả lời rõ ràng, đồng thời phối hợp tìm phương án giải quyết thỏa đáng để dự án có thể tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành đóng điện để người dân được sử dụng điện, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Sau nhiều lần liên lạc, gửi phiếu đề nghị làm việc và gần chục ngày chờ đợi, chúng tôi mới gặp được ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương để trao đổi về nội dung Công ty TNHH số 11 nợ tiền công lao động người dân các thôn ở xã Sín Chải. Và quan điểm của ông Vũ Hồng Sơn là: Việc Công TNHH số 11 ký hợp đồng lao động và nợ tiền công người dân đều không liên quan đến Sở và Sở Công Thương cũng không có trách nhiệm để giải quyết vấn đề trên.

 

*Baodienbienphu.info.vn (11/9): Không thỏa mãn với kết quả xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả to lớn, toàn diện. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, thời gian qua phong trào xây dựng NTM ở một số địa phương có xu hướng chững lại, ngay cả ở những xã đã được công nhận đạt chuẩn. Việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí chưa được quan tâm đúng mức. Thậm chí đã có tư tưởng tự thỏa mãn khi được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM.

Đến nay, toàn tỉnh có 21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 28 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu. Bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, từng bước phát triển toàn diện; cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và được giữ vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên. Đặc biệt, nhận thức của người dân thay đổi, xác định được mình là chủ thể chính trong xây dựng NTM.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả nhưng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM mới đạt 18,26% tổng số xã trên địa bàn tỉnh (thấp hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước: tính đến tháng 7/2021 là 64,63%). Cùng với đó, toàn tỉnh chưa có xã đạt chuẩn NTM nâng cao (hiện xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên mới đạt 13/16 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao). Toàn tỉnh còn 4 huyện chưa có xã đạt chuẩn NTM, gồm: Mường Chà, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa. Bên cạnh đó, chất lượng các xã đạt chuẩn còn thấp và chưa bền vững, xin nợ tiêu chí khi xét công nhận. Một số chỉ tiêu đạt thấp, như: Tiêu chí thu nhập có 24/115 xã đạt (chiếm 20,8%); hộ nghèo có 22 xã đạt (19%); tiêu chí môi trường có 47 xã đạt (40,8%)...

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, còn có những nguyên nhân đến từ sự chủ quan. Thời gian qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện; việc ban hành các văn bản chỉ đạo còn chậm và chưa đầy đủ. Việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm của một số huyện còn mang tính hình thức, chưa xác định rõ nội dung công việc đối với các xã đạt chuẩn, xã cơ bản đạt chuẩn và các xã còn lại. Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thiếu chủ động, sáng tạo trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Thậm chí, đã có tư tưởng thỏa mãn khi có xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM nên phong trào có xu hướng chững lại; việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí chưa được quan tâm đúng mức. Việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư chưa được quan tâm nên nhiều công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng; chưa chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí về nhà ở dân cư, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, tổ chức sản xuất, vệ sinh môi trường...

Thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) vẫn còn nợ 2 tiêu chí về: Cơ sở vật chất văn hóa và nhà ở dân cư. Sau gần 4 năm được công nhận đạt chuẩn, đến nay mặc dù địa phương đã dần khắc phục, hoàn thiện nhưng 2 tiêu chí này vẫn là rào cản trong việc hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM trên địa bàn xã và hướng đến xây dựng NTM nâng cao. Cụ thể, tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, toàn xã mới đạt gần 90%. Trong khi đó, để tiêu chí này đạt chuẩn thì phải 100% các thôn, bản và liên thôn bản phải có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng. Đối với tiêu chí về nhà ở dân cư, vẫn còn 37 nhà tạm, dột nát (chiếm 1,76%). Lý do được lãnh đạo UBND xã Thanh Xương cho biết là: Xã không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được nhưng thực tế để hoàn thành và nâng cao các tiêu chí NTM còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó một số hộ nằm trong quy hoạch trung tâm huyện lỵ Pú Tỉu, thời gian quy hoạch đã lâu nhưng một số hạng mục chưa được triển khai hoặc triển khai rất chậm. Do nằm trong khu vực quy hoạch nên người dân không được đầu tư làm đường, nhà văn hóa, nhà ở và đường nước sạch... Bên cạnh đó, một số bản nằm ngoài quy hoạch thì hiện nay thiếu quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa.

Mục tiêu tỉnh đặt ra là đến hết năm 2021, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 48 xã; phấn đấu xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; xét công nhận danh hiệu “thôn, bản NTM kiểu mẫu” từ 1 - 2 thôn, bản/xã tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến năm 2025, toàn tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM; đối với 4 huyện chưa có xã đạt chuẩn NTM phấn đấu có ít nhất 1 xã đạt chuẩn.

Để hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM năm 2021 và những năm tiếp theo, trước hết cần vận dụng tốt bài học kinh nghiệm được đúc kết qua hơn 10 năm triển khai thực hiện. Mỗi địa phương cần xác định rõ xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, là hành trình không có điểm dừng. Vì thế không được thỏa mãn với kết quả đạt được, mà cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa. Xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM phải thực chất, không chạy theo thành tích, nóng vội, chủ quan, duy ý chí; có các kế hoạch, giải pháp cụ thể để duy trì, không ngừng nâng cao các tiêu chí đã đạt được để bảo đảm tính bền vững của từng tiêu chí và đạt chuẩn ngày càng cao trong xây dựng NTM. Cần khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước. Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, có sự điều chỉnh, bổ sung giải pháp phù hợp. Đồng thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên kịp thời các tập thể, tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM.

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

* Dantri.com.vn (13/9): Hà Nội: Sẽ đề xuất nới lỏng sau 21/9 nếu tình hình "tốt như hiện tại"

CDC Hà Nội sẽ đề xuất UBND TP nới lỏng giãn cách xã hội, thu hẹp "vùng đỏ" nếu duy trì "tốt như hiện tại"; tuy nhiên các ổ dịch trên địa bàn vẫn sẽ phải phong tỏa chặt để dập dịch.

Trao đổi với PV Dân trí sáng 13/9, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã thực hiện xét nghiệm diện rộng được khoảng 50% theo kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chỉ còn "lác đác vài trường hợp" ngoài cộng đồng được phát hiện và số lượng ca mắc hàng ngày có dấu hiệu giảm.

Cũng theo ông Tuấn, nếu Hà Nội duy trì tốt tình trạng như hiện tại thì khả năng cao phía CDC sẽ đề xuất nới lỏng giãn cách. Tuy nhiên, các "vùng đỏ" thuộc địa bàn các quận, huyện sẽ tiếp tục phải phong tỏa chặt.

 

* Dantri.com.vn (13/9): Thủ tướng phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em"

Tối nay 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" kêu gọi toàn xã hội hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện học tập trực tuyến.

Chương trình "Sóng và máy tính cho em" kêu gọi toàn xã hội chung tay, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến trong giai đoạn ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Chương trình được thực hiện online tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng 63 điểm cầu tại các địa phương trên toàn quốc.

Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình được Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thực hiện (nhằm triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Chương trình sẽ được lan tỏa thực hiện ở các ngành, các cấp địa phương trên cả nước.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 10/9/2021, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam ban hành công văn số 3961/BGDĐT-CĐN phát động quyên góp, ủng hộ "Máy tính cho em" nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến.

Trước mắt, cuộc vận động "Máy tính cho em" sẽ ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. 

 

* Chinhphu.vn (13/9): Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không ban hành thêm quy trình, thủ tục, giấy phép gây cản trở lưu thông hàng hóa

Sáng 13/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.

Khẳng định vai trò của địa phương là quyết định, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép, gây khó khăn, cản trở lưu thông nhưng phải bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua hệ thống lưu thông hàng hóa.

Vừa giãn cách vừa duy trì sản xuất ở "chừng mực nhất định"

Theo báo cáo do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trình bày, nhìn chung, sản xuất nông nghiệp cơ bản chủ động được nhu cầu lương thực, thực phẩm.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh trọng điểm về nông nghiệp phía nam, đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, thu hoạch, xuất khẩu nhiều nông sản có dấu hiệu sụt giảm.

Tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020. Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt trên 60,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 32,13 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mở đầu Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, trong thời gian thực hiện giãn cách vừa qua, chúng ta đã triển khai nhiều chính sách quyết liệt để phòng chống dịch, do đó, ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, cùng một quy định, nhưng có địa phương triển khai tốt, có nơi còn triển khai máy móc nên sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là nông nghiệp, từ chăn nuôi, gieo trồng, đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhiều nơi thiếu nhân công, thiếu vật tư đầu vào, xuất nhập khẩu gặp khó khăn... Nhiều địa phương còn cứng nhắc, sinh ra nhiều thủ tục cản trở lưu thông hàng hóa.

Chủ tịch Hiệp hội Logistics Lê Duy Hiệp cho rằng, các sàn giao dịch điện tử, kênh phân phối trực tuyến là giải pháp lưu thông hàng hóa trong bối cảnh hiện nay. Ông kiến nghị các tỉnh, thành phố cần tăng cường xuất khẩu chính ngạch với Trung Quốc; thành lập trung tâm xúc tiến nông sản quốc gia để kết nối với Mỹ và EU; tổ chức, quy hoạch trung tâm logistics vùng (nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long) để kết nối lưu thông trong nội vùng thuận lợi...

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị các thương nhân, doanh nghiệp chuyển nhanh sang xuất khẩu chính ngạch để bảo đảm tiêu thụ nông thủy sản cho nông dân. Nhấn mạnh vai trò của địa phương, ông đặt vấn đề, "tại sao Bắc Giang, Hải Dương có thể xuất khẩu suôn sẻ hơn 100.000 tấn vải thiều trong thời gian ngắn trong khi mặt hàng thanh long, dưa hấu thì nay tắc chỗ này mai tắc chỗ khác". Những tỉnh trồng thanh long, dưa hấu mà làm được như Bắc Giang thì "tôi tin rằng việc tiêu thụ nông sản cho nông dân thời gian tới sẽ có sự chuyển biến tích cực", ông Trần Quốc Khánh bày tỏ.

Đồng tình với ý kiến Thứ trưởng Bộ Công Thương về đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh chính ngạch, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh các địa phương chủ động thì giải quyết được vấn đề, nếu không, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Tài chính đang tích cực triển khai Nghị quyết 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Theo Nghị quyết này, bà Vũ Thị Mai đề nghị các tỉnh, thành phố, đặc biệt là TPHCM, cho phép cơ quan hải quan được bố trí theo nhu cầu, yêu cầu công việc để thông quan hàng hóa.

Không thêm văn bản, phải xuống tận nơi để tháo gỡ

Khẳng định mục tiêu dập dịch là quan trọng nhất để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, Phó Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đó là khó khăn trong huy động công nhân vào làm việc; lưu thông hàng hóa, cả đầu vào và đầu ra, gặp trở ngại; thu hoạch, tái đàn, tiêu thụ, sản xuất giảm hiệu quả…

hất trí với các ý kiến cho rằng vai trò của địa phương là quyết định, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép gây khó khăn, cản trở lưu thông hàng hóa. Không quy định việc sang tải mà kiểm tra chặt chẽ điểm đi, điểm đến và có cách quản lý F0 nếu lái xe dương tính. Tuyệt đối bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua hệ thống lưu thông hàng hóa.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần phối hợp với ngành y tế, công thương, các bộ, ngành Trung ương… làm việc cụ thể với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi sản xuất.

Đối với sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch tổng thể về tái sản xuất nông nghiệp, trong đó, lưu ý không để xảy ra nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán.

 

*Hanoimoi.vn (13/9): Tiết học trực tuyến không kéo dài như học trực tiếp

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học ứng phó với dịch Covid-19. 

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc trên truyền hình với thời lượng hợp lý theo hướng dẫn tinh giản của Bộ. 

Đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và không tổ chức dạy học trực tiếp tại trường thì triển khai tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên truyền hình các nội dung lý thuyết, hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả sách giáo khoa để học tập.

Đối với lớp 1, lớp 2, ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không kiểm tra, đánh giá định kỳ trong thời gian này; khi học sinh đi học trở lại phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ. Đối với lớp 3 đến lớp 12 thì tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên cho các lớp cuối cấp. Sở giáo dục và đào tạo cần có hướng dẫn tổ chức tiết học trực tuyến không kéo dài thời gian như học trực tiếp trên lớp để bảo đảm sức khỏe. 

Các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 cần tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tùy điều kiện thực tế mỗi địa phương có thể tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần; chủ động chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến khi cần thiết; bồi dưỡng kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho giáo viên, cán bộ quản lý. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo phối hợp với đài phát thanh và truyền hình địa phương xây dựng video bài giảng các nội dung cốt lõi theo hướng tinh giản bài học, chủ đề các môn học để phát sóng và bổ sung vào kho học liệu số; chủ động có phương án tiếp sóng, phát lại các bài giảng bảo đảm một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày; kết hợp chuyển tài liệu học tập đến tận tay học sinh tại những địa phương mà học sinh không đủ điều kiện, khả năng tiếp cận học trực tuyến. 

Đồng thời, triển khai hiệu quả chương trình "Sóng và máy tính cho em", đặc biệt quan tâm trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên thuộc khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn... 

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

*Luatvietnam.vn (14/9): Người dân sẽ có 1 ứng dụng duy nhất để phòng, chống dịch

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông báo 242/TB-VPCP do Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 13/9/2021 về kết luận tại cuộc họp về giải pháp công nghệ phục vụ phòng chống Covid-19.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.

Trước mắt, chủ trì, thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế để chỉ đạo phát triển một ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để người dân sử dụng thuận tiện (tạm gọi là ứng dụng phòng, chống Covid - PcCovid).

Khi triển khai ứng dụng mới, tất cả người dân đã khai báo thông tin trên các ứng dụng do các Bộ chỉ đạo xây dựng, triển khai trước đây sẽ phải được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không bắt buộc người dân phải khai báo lại từ đầu.

Các thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác

 

* Chinhphu.vn (12/9): Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5, chủ động ứng phó mưa lũ

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 6384/VPCP-NN ngày 12/9/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và chủ động ứng phó mưa lũ.

Văn bản gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nêu rõ:

Ngày 11 và 12 tháng 9 năm 2021, bão số 5 đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung Bộ, gây mưa rất lớn trên diện rộng, nhất là tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi với tổng lượng mưa phổ biến trong 3 ngày qua từ 200-400mm, có nơi 700-800mm, gây ngập cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân ở vùng thấp trũng, sạt lở một số tuyến giao thông.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành biểu dương và đánh giá cao thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo các địa phương đã chủ động, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ kịp thời, hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, ngư dân hoạt động trên biển và bảo đảm an toàn tính mạng người dân.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, thời gian tới có thể tiếp tục xảy ra mưa lớn tại khu vực, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban chỉ đạo yêu cầu:

1. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và các địa phương:

- Khẩn trương chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ, chủ động huy động lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, tốc mái; hỗ trợ các hộ khó khăn ổn định đời sống; khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.

- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của người dân, trong đó cần kiểm tra, rà soát, chủ động di dời dân cư khỏi khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra “lũ chồng lũ”.

- Trong quá trình triển khai công tác ứng phó với mưa lũ và khắc phục hậu quả thiên tai các ngành, các địa phương phải đặc biệt lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi chặt chẽ, dự báo, thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

3. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành, địa phương có liên quan chủ động tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, ứng phó với bão số 5 (đánh giá cụ thể mặt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân từ công tác dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, triển khai ứng phó) để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai trong thời gian tới./.

 

* Chinhphu.vn (11/9): Chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 11/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Nghị quyết nêu rõ hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.

Hồ sơ, thủ tục áp dụng chính sách thuế đối với hàng hóa nêu trên như sau:

1- Giao Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố ban hành văn bản phê duyệt, tiếp nhận hàng hóa nêu trên theo đề nghị của tổ chức, cá nhân, bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để xảy ra việc trục lợi chính sách.

2- Cơ quan hải quan căn cứ văn bản phê duyệt của Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục không thu thuế nhập khẩu theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, không thu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Khoản 19 Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng, Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để xảy ra việc trục lợi chính sách.

3- Giao Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phòng, chống dịch COVID-19.

Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Các trường hợp hàng hóa đã nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực, được Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phê duyệt, tiếp nhận hàng hóa tài trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại (1), được áp dụng chính sách thuế quy định nêu trên. Trường hợp đã nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng thì được xử lý số thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đã nộp theo quy định pháp luật quản lý thuế về xử lý tiền thuế nộp thừa.

Chính sách thuế ưu đãi đối với đối tượng nêu trên được áp dụng cho đến khi có văn bản công bố hết dịch COVID-19 của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Chính phủ giao Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, chịu trách nhiệm về hàng hóa nhập khẩu tài trợ thuộc lĩnh vực y tế đáp ứng điều kiện sử dụng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 để các cơ quan liên quan có cơ sở thực hiện.

Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố có trách nhiệm quản lý, phân bổ và chỉ đạo sử dụng hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đúng đối tượng quy định.

 

CHỈ THỊ MỚI

* Chinhphu.vn (11/9): Hàng loạt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN trong bối cảnh dịch COVID-19

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19: Ngày 9/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Tại Nghị quyết, Chính phủ quyết nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

1. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

2. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.

3. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

4. Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.

Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1118/CĐ-TTg ngày 7/9/2021 yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19.

Trong Công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian dịch bệnh; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức liên quan đến "tín dụng đen", tội phạm chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại các lực lượng chức năng tham gia phòng, chống dịch COVID-19; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách phòng, chống dịch COVID-19 và việc quyên góp, ủng hộ của nhân dân để trục lợi, các vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19... Kịp thời rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tung tin giả, xuyên tạc, không đúng sự thật trên không gian mạng liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đẩy nhanh thử nghiệm và cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19: Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 234/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc gặp mặt với các nhà khoa học ngành y tế diễn ra chiều ngày 1/9/2021.

Tại Thông báo, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sinh phẩm, thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Đặc biệt quan tâm công tác nghiên cứu, phát triển, đẩy nhanh thử nghiệm và cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã xác định quan điểm “sống chung”, thích ứng với dịch bệnh, do đó, vaccine và thuốc điều trị là chiến lược, là công cụ quyết định.

Kiên quyết không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu: Trong Thông báo 237/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến ngày 5/9 với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian giãn cách xã hội phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, kiên quyết không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và tâm lý, tình cảm, đời sống nhân dân.

Hỗ trợ kết nối đầu ra cho nông sản đến vụ thu hoạch: Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc chế biến, tiêu thụ nông sản tại một số địa phương phía nam, nhất là tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai gặp khó khăn, dẫn tới một số mặt hàng nông sản đến vụ bị tồn đọng khối lượng lớn, giá giảm sâu, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung thời gian tới.

Về việc này, tại văn bản 6223/VPCP-KGVX ngày 10/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình tiêu thụ nông sản, kịp thời hỗ trợ kết nối đầu ra cho sản phẩm nông sản đến vụ thu hoạch.

Bảo đảm an sinh xã hội và an toàn phòng, chống dịch: Tại văn bản số 6324/VPCP-KGVX ngày 10/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương rà soát, khắc phục ngay các tồn tại về hỗ trợ y tế, lương thực, thực phẩm cho người dân; bảo đảm yêu cầu giãn cách, cách ly theo quy định.

Thủ tướng chỉ đạo 10 tỉnh thành chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để chủ động phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình chủ động chuẩn bị về nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ cho Hà Nội khi cần thiết trong việc xét nghiệm thần tốc, phân loại F0 để chăm sóc, điều trị hợp lý, truy vết F1 để quản lý, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội điều chỉnh bất cập trong việc cấp giấy đi đường: Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6263/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP. Hà Nội triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Trong văn bản này, Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.

Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất thủy sản do dịch bệnh: Xét kiến nghị của Hội Nghề cá Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kiến nghị của Hội Nghề cá Việt Nam để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn phù hợp, kịp thời; tiếp tục phối hợp thực hiện nghiêm các nhiệm vụ lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản nói chung và thủy sản nói riêng trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Xử lý nghiêm hành vi cố ý thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch: Trong thời gian qua, một số cơ quan báo chí, mạng xã hội đã đưa tin chưa đúng về công tác phòng, chống dịch; sử dụng hình ảnh, thông tin không đúng quy định về phòng, chống dịch, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm hành vi cố ý thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch; cố tình lợi dụng, trục lợi trong thực thi nhiệm vụ.

Quản lý chặt việc cấp phép sản xuất và xuất, nhập khẩu trang thiết bị phòng dịch: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán khẩu trang, găng tay không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc và lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, quản lý chặt chẽ việc cấp phép sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu găng tay, khẩu trang y tế, trang thiết bị phòng dịch.

Xuất cấp lương thực và trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch: Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1470/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 1.847,265 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi để hỗ trợ gạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 năm 2021.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng ký Quyết định số 1465/QĐ-TTg chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 40 bộ nhà bạt và 4 bộ máy phát điện từ nguồn dự trữ quốc gia cho UBND TP. Cần Thơ để phục vụ nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến vận tải, lưu thông hàng hóa: Tại văn bản số 6212/VPCP-CN của Văn phòng Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính nâng cao trách nhiệm, chủ động, linh hoạt giải quyết theo chức năng, thẩm quyền, hoặc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề có tính liên ngành liên quan đến hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa để phục vụ đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, bảo đảm thông suốt và an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Rút kinh nghiệm tránh lặp lại trường hợp tương tự như tại cảng Cát Lái thời gian qua.

Thủ tướng chỉ đạo triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em": Để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc: Văn bản số 6345/VPCP-KGVX cho biết Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.

UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan, đơn vị liên quan, có văn bản lấy ý kiến các tổ chức, đoàn thể xã hội đại diện cho nhân dân Phú Quốc, các hiệp hội, các doanh nghiệp liên quan để xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện vào thời điểm phù hợp.

Phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1460/QĐ-TTg ngày 6/9/2021 phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Theo nguyên tắc, Thủ tướng Chính phủ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ; lãnh đạo toàn diện và điều hành công tác của Chính phủ, các Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp; trực tiếp chỉ đạo, điều hành các công việc lớn, quan trọng, những vấn đề có tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ phân công các Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo, xử lý các công việc thường xuyên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong từng lĩnh vực công tác của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ không xử lý những nhiệm vụ, lĩnh vực, công việc đã phân công cho Phó Thủ tướng.

Theo quyết định, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ làm nhiệm vụ Phó Thủ tướng Thường trực.

Đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại: Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa nói chung, văn hóa đối ngoại nói riêng, các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; tăng cường quảng bá hình ảnh quốc gia ra nước ngoài dưới nhiều hình thức; gìn giữ, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc…

Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 9 tỉnh, thành phố: Tuần qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 7/9/2021 thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai trên cơ sở sử dụng đội ngũ công chức, viên chức hiện có, không làm tăng biên chế. Thời gian thí điểm là 1 năm./.

 

TIN QUỐC HỘI

*Chinhphu.vn (13/9): UBTVQH xem xét, quyết định miễn, giảm thuế; phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự

Tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ: Xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; phê chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định việc thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh,…

Từ ngày 13-22/9, phiên họp thứ 3 của UBTVQH sẽ diễn ra tại Phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Theo chương trình dự kiến, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến về những nội dung sau:

Thứ nhất, về công tác xây dựng pháp luật, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến về các dự án Luật, Nghị quyết và Báo cáo sau: Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Dự án Luật Cảnh sát cơ động; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Thứ hai, về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, UBTVQH sẽ cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội.

Xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch bệnh COVID-19

Đồng thời, UBTVQH sẽ cho ý kiến về Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, về công tác giám sát, UBTVQH sẽ xem xét: Báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tháng 8/2021);

Xem xét 4 Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát của các chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ 1/7/2016-1/7/2021”; “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”;

Xem xét kiến nghị giám sát của các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).

Thứ tư, cũng tại phiên họp này, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến về: Báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước; các báo cáo công tác năm 2021 của TANDTC, VKSNDTC; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; các báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021; về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; về việc ký điều ước quốc tế có nội dung Việt Nam cung cấp văn phòng làm trụ sở làm việc cho Tòa trọng tài thường trực (PCA).

Bên cạnh đó, UBTVQH sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xem xét, quyết định việc thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

 

*Vtv.vn (13/9): Đẩy nhanh chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số

Chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định ý nghĩa quan trọng của Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, bởi chương trình này sẽ tạo động lực và bước đột phá trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên tiến độ của Chương trình chưa đạt yêu cầu đề ra. Quyết định đầu tư chương trình chưa được ban hành, các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện cũng chưa được ban hành.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sơ kết, đánh giá 1 năm triển khai thực hiện để làm rõ trách nhiệm của 19 bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan liên quan, các tỉnh, thành phố trong việc phối hợp, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ bị chậm; tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, quyết liệt đôn đốc và sớm ban hành Quyết định đầu tư, các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình.

Trong quá trình thực hiện, phải bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc mà chương trình đã đề ra, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho vùng khó khăn và ưu tiên sớm giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách. Cùng với đó là phân cấp mạnh cho địa phương để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ trung ương đến địa phương và hệ thống các văn bản cần phải ban hành để thực hiện theo lộ trình, không để kéo dài việc chậm ban hành quyết định đầu tư, vì nếu không sẽ làm chậm cả quá trình tiếp cận nguồn lực để thực hiện Chương trình.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Nhân dân.vn (14/9): SCIC giải ngân gần 6.900 tỷ đồng mua cổ phiếu Vietnam Airlines

Ngày 13/9, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã giải ngân gần 6.900 tỷ đồng mua cổ phiếu để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (VNA). 

Theo đó, trước yêu cầu cấp bách phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho VNA do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại VNA thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngày 13/9, SCIC đã giải ngân 6.894,9 tỷ đồng mua cổ phiếu để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của VNA. 

Việc SCIC đầu tư mua cổ phiếu tại VNA sẽ góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của VNA, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong thời gian tới, VNA sẽ sớm hoàn tất Đề án tái cơ cấu tổng thể để bảo đảm thích nghi tình hình mới, vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững. 

Theo Chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2035, SCIC xác định tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thực hiện tốt vai trò là “nhà đầu tư của Chính phủ” theo định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ.

 

*Vtv.vn (14/9): "Siết" hoạt động xuất nhập khẩu với sắt thép, phân bón, gạo...

Bộ Công Thương mới đây đã ban hành chỉ thị tăng cường quản lý xuất nhập khẩu, đặc biệt với một số mặt hàng quan trọng như sắt thép, phân bón, gạo...

Đây là một trong những giải pháp nhằm góp phần ổn định giá cả hàng hoá và thị trường trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thống kê nửa đầu năm, xuất khẩu sắt thép tăng hơn 60%, phân bón tăng đến 50%. Hàng xuất nhiều, trong khi nhu cầu trong nước cao, khiến giá các mặt hàng này tăng mạnh, gây khó khăn cho sản xuất.

Để góp phần ổn định giá phân bón, Tập đoàn Hoá chất cho biết sẽ dành 80% sản lượng sản xuất cho thị trường nội địa.

Sở dĩ cần siết chặt quản lý vì theo Bộ Công Thương, có tình trạng một số mặt hàng chiến lược trong nước cần thì đang xuất khẩu nhiều, còn mặt hàng sản xuất được trong nước lại đang có tỷ trọng nhập khẩu lớn.

Bộ yêu cầu các doanh nghiệp, tập đoàn tổng công ty rà soát, cân đối sản xuất để đảm bảo cung ứng cho thị trường nội địa.

Bộ Công Thương cũng giao Cục Phòng vệ thương mại rà soát, xem xét đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với quy định pháp luật, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất trong nước.

 

*Vtv.vn (14/9): Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao nhất trong 8 năm

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất 6 tháng đầu năm nay đã tăng gần 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Theo Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, giá trong nước tăng do chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động giá nguyên nhiên vật liệu thế giới. Đặc biệt, khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho biết: "Trong 6 tháng đầu năm, giá nhập khẩu xăng dầu đã tăng 25,11%, theo giá dầu thô thế giới sau khi có các tín hiệu tích cực từ kinh tế Mỹ, Trung Quốc và nền kinh tế của châu Âu mở cửa trở lại. Hay giá nhập khẩu thức ăn gia súc, gia cầm và nguyên liệu để sản xuất sản phẩm này cũng tăng 8,71%.

Ngoài ra, giá nhập khẩu một loạt nguyên liệu sản xuất khác đều tăng cao như sắt thép, cao su, hoá chất. Theo chúng tôi trong thời gian tới, giá nguyên nhiên vật liệu sẽ tiếp tục ở mức cao và tạo áp lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp".

Để ổn định giá đầu vào sản xuất, theo Tổng Cục Thống kê, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Nếu hàng hóa thiếu hụt trong ngắn hạn, doanh nghiệp cần cắt giảm chi phí sản xuất và tìm nguồn nhập khẩu bổ sung.

Tuy nhiên, giải pháp quan trọng hơn là phải tìm cách tối đa hóa nguồn nguyên liệu trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ tích trữ và thao túng giá.

 

*Vtv.vn (14/9): Từ năm 2035, Hyundai sẽ chỉ bán xe điện tại châu Âu

Theo kế hoạch công bố mới đây, Hyundai sẽ dần dừng bán ô tô sử dụng động cơ đốt trong và chuyển sang kinh doanh xe điện tại châu Âu.

Động cơ đốt trong đang dần "tuyệt chủng" trên ô tô khi ngày càng nhiều nhà sản xuất chuyển sang tập trung chế tạo xe điện. Hyundai là hãng xe mới nhất đưa ra lộ trình đầy tham vọng trong ngành này, đặc biệt ở thị trường châu Âu.

Đây là nơi đầu tiên Hyundai loại bỏ hoàn toàn động cơ xăng và Diesel kể từ năm 2035. Đó không phải điều quá ngạc nhiên khi Ủy ban châu Âu đã có đề xuất đang chờ biểu quyết, nếu được thông qua, sẽ cấm các nhà sản xuất kinh doanh ô tô với động cơ đốt trong truyền thống vào giữa thập kỷ tới.

Thông báo của Hyundai đưa ra trong khuôn khổ Triển lãm IAA Munich (Triển lãm ô tô Munich) cũng đề cập đến việc hãng xe Hàn Quốc sẽ bán hoàn toàn xe điện tại các thị trường lớn trên toàn cầu từ năm 2040. Vào thời điểm đó, Hyundai ước tính xe điện chạy pin và xe pin nhiên liệu sẽ chiếm 80% tổng doanh số ô tô hàng năm của hãng sau khi đạt mức 30% vào cuối thập kỷ này.

Đối với công nghệ pin Hydro, mẫu Nexo mới đã được Hyundai xác nhận sẽ ra mắt vào năm 2023 trong khi một mẫu minivan sử dụng cùng hệ thống truyền động cũng dự kiến sẽ ra mắt thị trường. Ngoài ra, trong nửa sau của thập kỷ, một SUV cỡ lớn chạy pin nhiên liệu cũng sẽ được tung ra thị trường.

 

*Baodauthau.vn (13/9): Quảng Ninh gọi đầu tư vào Dự án Bến cảng tổng hợp hơn 2.200 tỷ đồng

Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh vừa công bố kêu gọi đầu tư Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) tại xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) với sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự kiến là 2.248,5 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích đất 827.944 m2.

Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) thuộc cụm cảng Vạn Ninh - Vạn Gia thuộc cảng biển Quảng Ninh. Dự án gồm phần bến và kho bãi, nhà đầu tư trúng thầu sẽ xây dựng 500 m bến cầu chính có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau; xây dựng 180 m bến sà lan ở phía trong, tiếp giáp bờ; xây dựng 3 cầu dẫn; đồng thời nạo vét khu nước trước bến, vũng quay tàu và bố trí hệ thống báo hiệu hàng hải.

Khu kho bãi trong phạm vi Dự án bao gồm: xây dựng kho, bãi hàng tổng hợp và container, kho CFS; nhà điều hành cảng; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước và xử lý môi trường, phòng cháy chữa cháy; xây dựng tuyến đường giao thông kết nối cảng có chiều dài đường từ cổng cảng tới cầu vượt sông Cửa Vườn khoảng 2,5 km.

Thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm, trong đó, thời gian xây dựng là 36 tháng. Hiện nay, toàn bộ diện tích thực hiện Dự án do Nhà nước quản lý nên nhà đầu tư trúng thầu không phải thực hiện giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư quan tâm thực hiện Dự án nộp hồ sơ đăng ký về Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh trước ngày 13/10/2021.

Mục tiêu của Dự án là đầu tư hạ tầng kỹ thuật bến cảng tổng hợp, hình thành đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, là tiền đề để hình thành mạng lưới cơ sở hạ tầng logistics gắn liền với chuỗi dịch vụ hậu cần cảng: vận tải - kho bãi - cảng biển với mô hình vận tải đa phương thức nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, đặc biệt là chủ quyền biển đảo Việt Nam; khớp nối hợp lý hạ tầng kỹ thuật trong Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; góp phần chỉnh trang đô thị, đóng góp ngân sách cho địa phương từ nguồn đầu tư ngoài ngân sách, thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước.

Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh yêu cầu về năng lực tài chính của nhà đầu tư tham gia thực hiện Dự án phải thu xếp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 337,275 tỷ đồng (tương đương 15% tổng vốn đầu tư của Dự án đang xét). Nhà đầu tư tham gia phải có kinh nghiệm thực hiện dự án loại 1 (1 dự án) hoặc loại 2 (2 dự án) hoặc loại 3 (3 dự án) với vai trò là nhà đầu tư đóng góp vốn chủ sở hữu hoặc nhà thầu chính trong vòng 7 năm trở lại đây. 

 

*Vov.vn (13/9): Đề xuất nối lại đường bay trong nước, người tiêm đủ vaccine COVID-19 đi lại không hạn chế

Cục HKVN đề xuất nối lại tất cả đường bay nội địa. Với hành khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, khách khỏi bệnh COVID-19 được đi lại không hạn chế.

Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về Dự thảo Kế hoạch phục hồi hoạt động vận tải hàng không nội địa thích ứng an toàn với tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Thay vì đề xuất phân các sân bay theo vùng xanh, vàng, đỏ tùy thuộc vào tình hình dịch COVID-19 tại mỗi địa phương, Cục HKVN đề xuất nối lại tất cả đường bay nội địa, chỉ phân theo tần suất của từng giai đoạn và điều kiện với khách đi lại. Trong đó, riêng khách đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, khách khỏi bệnh COVID-19 được đi lại không hạn chế.

Không hạn chế với khách có “giấy thông hành vaccine”

Theo đề xuất mới của Cục Hàng không, cho phép nối lại là toàn bộ các đường bay nội địa theo nhu cầu khai thác của các hãng hàng không Việt Nam. Chỉ hạn chế về tần suất khai thác theo từng giai đoạn nối lại.

Với hành khách, tất cả hành khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72h.

Giai đoạn 1: Áp dụng thí điểm trong 2 tuần, sẽ phục vụ khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch COVID-19, khách theo nhu cầu đón về của địa phương;

Khách thông thường cần đạt 1 trong các điều kiện: Hoàn thành cách ly tập trung; hoặc có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (mũi gần nhất tối thiểu 14 ngày và không quá 12 tháng); hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 12 tháng tính đến thời điểm bay.

Giai đoạn 2: Áp dụng 2 tuần ngay sau giai đoạn 1, phục vụ khách công vụ, lực lượng chống dịch COVID-19, khách theo địa phương đón;

Khách thông thường ngoài một trong các điều kiện áp dụng như giai đoạn 1 (hết cách ly, đã tiêm vaccine, đã khỏi bệnh), bổ sung thêm nhóm khách có xác nhận lưu trú tại khu vực không áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tối thiểu 14 ngày trước khi di chuyển.

Giai đoạn 3: Nếu không có thông báo khác của Cục Hàng không sẽ tự động áp dụng ngay sau giai đoạn 2. Giai đoạn này không hạn chế về đối tượng hành khách được vận chuyển. Cục Hàng không sẽ xem xét cấm bay và chuyển cơ quan công an xử lý những trường hợp hành khách sử dụng tài liệu giả mạo để đi máy bay.

Không giới hạn điểm đến

Trong đề xuất trước đó của Cục HKVN đưa ra lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất phân vùng sân bay theo nguy cơ dịch COVID-19 với 3 vùng xanh (không áp dụng Chỉ thị 16), vùng vàng (có 1 số quận/huyện áp dụng Chỉ thị 16), và vùng đỏ (áp dụng Chỉ thị 16 toàn tỉnh). Sau khi phân vùng là phân đường bay và điều kiện khách được đi lại giữa các vùng.

Tuy nhiên, tại đề xuất vừa trình Bộ GTVT, Cục Hàng không đề xuất, cho phép mở lại hoạt động bay chở khách với toàn mạng đường bay nội địa theo nhu cầu khai thác của các hãng hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, tần suất khai thác các đường bay sẽ giới hạn theo từng giai đoạn.

Giai đoạn 1: Các hãng được khai thác tối đa 50% tần suất mỗi đường bay so với thời điểm đầu tháng 4/2021 (chưa bùng phát đợt dịch COVID-19 lần thứ 4),

Giai đoạn 2: Tần suất khai thác từng đường bay được tăng lên tối đa 70%.

Giai đoạn 3: Các hãng được khai thác tần suất các đường bay tối đa bằng thời điểm đầu tháng 4/2021, và được khai thác thêm đường bay mới khi toàn bộ các địa phương trong nước bỏ áp dụng Chỉ thị 16.

Riêng với các đường bay các hãng mới khai thác đầu tháng 4/2021, mỗi đường bay các hãng chỉ được khai thác tối đa 1 chuyến/ngày, chỉ được tăng tần suất các đường bay này khi tất cả địa phương bỏ áp dụng Chỉ thị 16.

Cục Hàng không cũng đưa ra quy định bắt buộc về điều kiện với tổ bay, người phục vụ trong giai đoạn này, gồm: Tổ bay phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19; có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2...

Các hãng hàng không được phép tổ chức mở bán, khai thác các đường bay nội địa với các yêu cầu, điều kiện nêu trên. Trong giai đoạn 1 và 2, hãng hàng không chỉ được bán vé các chuyến bay trong 2 tuần. Nếu các hãng hàng không vi phạm, Cục Hàng không sẽ dừng khai thác toàn bộ đường bay nội địa trong một tuần.

 

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

* Dantri.com.vn (12/9): 1,5 triệu học sinh không có máy tính để học trực tuyến

Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang triển khai học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1.500.000 (1,5 triệu học sinh).

Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, tính đến thời điểm ngày 12/9, trên cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến).

Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7.350.000 (7,35 triệu học sinh các cấp). 

Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1.500.000 (1,5 triệu học sinh).

Nhiều khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến

Sau một tuần học trực tuyến, theo khảo sát nhanh của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập như: TP. Hồ Chính Minh thống kê sơ bộ còn thiếu 77,000 máy tính để học trực tuyến; An Giang có khoảng 50% học sinh tiểu học, 20 - 30% học sinh THCS, THPT thiếu thiết bị học trực tuyến; Sơn La có gần 70% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, 1.635 thôn/bản/khu vực nơi ở của học sinh không có mạng Internet; Ninh Thuận có trên 70% học sinh tiểu học, trên 30% học sinh THCS, THPT chưa có thiết bị học trực tuyến… sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận: "Khó khăn này không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở thành phố lớn. Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này, do đó có một số tỉnh lùi thời gian học đối với cấp tiểu học.

Nhiều giáo viên thiết kế bài giảng trực tuyến theo cách làm cũ, thời gian tiết học dài làm ảnh hưởng đến tâm lý và sự tập trung học tập của học sinh, chưa theo đúng hướng dẫn của Bộ là tinh gọn, chỉ đưa vào bài giảng những kiến thức cốt lõi cho học sinh".

Trước tình hình khó khăn chung của ngành Giáo dục, nhiều địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ học sinh, giáo viên như: Hà Nội huy động được hơn 2000 máy tính, thiết bị dạy học để tặng cho học sinh; Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức quyên góp, huy động ủng hộ máy tính, điện thoại để tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Thừa Thiên Huế trích ngân sách hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh; Hà Tĩnh huy động doanh nghiệp ủng hộ phương tiện học tập cho học sinh; Nghệ An cử cán bộ biên phòng đến các bản làng để hỗ trợ điện thoại và giúp đỡ học sinh học trực tuyến…

Các cơ sở giáo dục, giáo viên có nhiều sáng tạo để khắc phục khó khăn như dạy học và hướng dẫn việc học qua hình thức tin nhắn học đường, qua nhóm trên các mạng xã hội (zalo, facebook…); dạy học và hướng dẫn việc học qua tài liệu do giáo viên chuẩn bị và photo gửi đến gia đình học sinh…

 

QUẢN LÝ

*Vov.vn (13/9):  TP.HCM cơ bản vẫn áp dụng Chỉ thị 16 sau ngày 15/9

Sau ngày 15/9, TP.HCM chưa thể lập tức nới lỏng giãn cách xã hội và dự kiến sẽ chờ thêm một thời gian thì mới áp dụng “thẻ xanh, “thẻ vàng”.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, từ ngày 15/9 đến cuối tháng 9, TP.HCM vẫn sẽ cơ bản thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 16+, ngoại trừ một số địa phương có tình hình dịch bệnh ổn định hơn như Cần Giờ, Củ Chi, quận 7...thì có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết TP.HCM đang nghiên cứu việc áp dụng "thẻ xanh", "thẻ vàng" hoặc hình thức tương tự để nới lỏng điều kiện giãn cách cho một số đối tượng an toàn. Tuy nhiên, hiện dữ liệu tiêm chủng của người dân TP trên các nền tảng công nghệ vẫn chưa được cập nhật đầy đủ, đồng bộ.

Ngoài ra, trong những ngày này TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân và theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì sẽ cần một thời gian để vaccine tạo được kháng thể, phát huy hiệu quả.

Với các lý do đó, TP.HCM cơ bản chưa thể nới lỏng giãn cách vào ngày 15/9 này và sẽ thực hiện theo tiêu chí “an toàn đến đâu thì mở cửa đến đó”./.

 

* Dantri.com.vn (13/9):  Khánh Hòa sẽ đón khách du lịch có "hộ chiếu vắc xin" ngừa Covid-19

Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành kế hoạch thực hiện đón khách du lịch có hộ chiếu vắc xin ngừa Covid-19 về tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, đối với khách quốc tế, Sở đã có dự thảo trình UBND tỉnh. Hiện phải chờ tỉnh xem xét và xin ý kiến của Trung ương sau đó mới thực hiện. Đối với khách nội địa, sẽ thực hiện đón theo lộ trình.

Sau khi tỉnh thống nhất sẽ trình kế hoạch, phương án để Tổng Cục du lịch xem xét và trình lên Chính phủ, nếu đồng ý thì địa phương mới thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, để đón được khách quốc tế, điều kiện quan trọng nhất là phải bao phủ được vắc xin Covid-19 đạt từ 85 - 90% đối tượng thực hiện tiêm vắc (theo quy định của Bộ Y tế) ở Khánh Hòa, khi đó tỉnh mới an tâm thực hiện.

 

*Vtv.vn (14/9): Hà Nội hỗ trợ 500.000 đồng cho người mất việc, không có hộ khẩu trong thời gian giãn cách xã hội

Người lao động bị dừng việc làm, mất việc trong thời gian giãn cách xã hội, gồm cả người không có hộ khẩu Hà Nội, chưa đăng ký tạm trú, sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thành rà soát đối tượng khó khăn đến hết hôm nay (14/9).

Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang thuê trọ, người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn cũng thuộc đối tượng được rà soát.

Trong khi đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có công văn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thống kê lao động, người dân ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian giãn cách xã hội có nhu cầu về quê để Sở báo cáo thành phố trước ngày 15/9. 

Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có khoảng 106.000 lao động tự do ngoại tỉnh cư trú không cố định.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

*Thoibaotaichinhvietnam.vn (12/9): Đã sẵn sàng pháp lý, hạ tầng để xây dựng hệ sinh thái tài chính số

TS. Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay ngành Tài chính đã có sự chuẩn bị về hành lang pháp lý và hạ tầng số cho công cuộc chuyển đổi số của ngành.

Chủ động chuẩn bị về hành lang pháp lý

Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến Tài chính số 2021 do TBTCVN tổ chức, TS. Nguyễn Việt Hùng cho biết những năm vừa qua đã chứng kiến sự chuyển động rất tích cực và tương đối đồng bộ của công cuộc chuyển đổi số.

Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính cũng đã có sự chuẩn bị về hành lang pháp lý và hạ tầng số đối với cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số của ngành.

Thống nhất hạ tầng truyền thông toàn ngành

Không chỉ hành lang pháp lý, theo TS. Nguyễn Việt Hùng, hiện nay hạ tầng cho chuyển đổi số của ngành Tài chính cũng đã tương đối đầy đủ, bao gồm hạ tầng kết nối, hạ tầng thiết bị, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, hạ tầng phát triển công nghệ.

Về hạ tầng kết nối, theo lãnh đạo Cục Tin học và thống kê tài chính, Bộ Tài chính đã xây dựng thành công hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính đảm bảo kết nối trao đổi dữ liệu cho 2.737 đơn vị sử dụng, phục vụ các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của toàn ngành Tài chính.

Hạ tầng thiết bị của ngành Tài chính trong những năm vừa qua cũng đã được triển khai đảm bảo đáp ứng được nhu cầu xây dựng, triển khai công nghệ thông tin của toàn ngành Tài chính.

Việc xây dựng hạ tầng dữ liệu ngành Tài chính được triển khai thông qua đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính” từ năm 2016.

Về hạ tầng ứng dụng, ngành Tài chính đã triển khai được một số hệ thống thông tin tài chính lớn, đóng vai trò nền tảng trong hoạt động tài chính – ngân sách nhà nước như: hệ thống thông tin tích hợp kho bạc (TABMIS), hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS), Hệ thống thông quan hàng hóa tự động/Hệ thống quản lý hải quan thông minh (VNACCS/VCIS), Hệ thống quản lý nợ và phân tích tài chính (DMFAS) v.v. Một số hệ thống cốt lõi của ngành như Tabmis và VNACCS/VCIS đang được trình chủ trương nâng cấp, phát triển lên thế hệ mới, đáp ứng và phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của ngành.

Hiện nay, toàn ngành Tài chính có tổng số 474 cán bộ làm công tác công nghệ thông tin và thống kê tại cấp trung ương. Về cơ bản đội ngũ nhân lực về công nghệ thông tin ngành Tài chính đã, đang đáp ứng được các yêu cầu về phát triển, quản lý, vận hành các hệ thống thông tin ngành.

Về lộ trình chuyển đổi số của ngành Tài chính, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, đến năm 2025, ngành Tài chính sẽ thiết lập hệ sinh thái tài chính số, trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh.

Ngày 26/8/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ấn nút khai trương Cổng công khai ngân sách của Bộ Tài chính. Đây là bước đầu triển khai dữ liệu ngân sách mở theo quy định của Luật Ngân sách.

Đến năm 2030, Bộ Tài chính đặt mục tiêu xây dựng xong hệ sinh thái tài chính số hiện đại với cơ chế kết nối, cơ chế chia sẻ thông minh, từ đó tạo ra những giá trị gia tăng thông minh để hướng tới một nền kinh tế số toàn diện.

 

* Thoibaotaichinhvietnam.vn (13/9): Phú Thọ: Triển khai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bằng hình thức điện tử

 Để khắc phục các hạn chế trong quá trình sử dụng biên lai đặt in, đặc biệt là khâu in biên lai…, giúp tiết kiệm kinh phí so với phương pháp truyền thống, Cục Thuế Phú Thọ triển khai kế hoạch sử dụng biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bằng hình thức điện tử.

Đại diện Cục Thuế Phú Thọ cho hay, trong thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế nhằm tiết giảm thời gian thu, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) luôn được Cục Thuế Phú Thọ đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Để khắc phục các hạn chế trong quá trình sử dụng biên lai đặt in, đặc biệt là khâu in biên lai, khâu kiểm soát, chấm bộ, báo soát và đối chiếu thông tin, tiết kiệm kinh phí in biên lai so với phương pháp truyền thống…, Cục Thuế Phú Thọ triển khai kế hoạch sử dụng biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bằng hình thức điện tử trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Theo lãnh đạo Cục Thuế Phú Thọ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp như hiện nay, việc triển khai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bằng hình thức điện tử là hết sức cần thiết, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được nhanh chóng, đúng quy định.

Về thời gian triển khai Cục Thuế Phú Thọ cho biết, các chi cục thuế lập, duyệt sổ bộ thuế và thu thập, cập nhật số điện thoại của người nộp thuế (NNT) hoàn thành trong tháng 8/2021. Cục Thuế Phú Thọ lựa chọn 3 xã, phường để triển khai thí điểm trong tháng 9/2021. Sau khi kết thúc quá trình triển khai thí điểm, cục thuế sẽ tổ chức triển khai chính thức cho các địa bàn còn lại trong tháng 10/2021.

Theo Cục Thuế Phú Thọ, thay vì nhận được biên lai thu tiền như truyền thống, NNT sẽ nhận được thông báo qua tin nhắn.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

* Dantri.com.vn (13/9): Vụ chen lấn tiêm vắc xin ở Hà Nội: Bí thư, Chủ tịch phường rút kinh nghiệm

Thường trực Quận ủy Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã họp khẩn và yêu cầu Bí thư và Chủ tịch phường Trung Văn nghiêm túc rút kinh nghiệm khi để dân chen lấn tiêm vắc xin…

Theo một lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm, ngay sau khi có chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Thường trực Quận ủy đã họp khẩn và xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến việc để xảy ra tình trạng chen lấn, tập trung đông người tại điểm tiêm vắc xin ở Trường Tiểu học Trung Văn (phường Trung Văn).

Tiếp đó, Thường trực Quận ủy Nam Từ Liêm đã nghiêm túc yêu cầu UBND phường Trung Văn, Bí thư và Chủ tịch phường nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Đồng thời, Thường trực Quận ủy cũng yêu cầu UBND phường Trung Văn tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong quá trình thông báo tiêm vắc xin, dẫn đến tình trạng người dân tập trung đông tại Trường Tiểu học Trung Văn vào tối 11/9.

Quận ủy, UBND quận Nam Từ Liêm cũng quán triệt, chấn chỉnh đến toàn bộ cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc tiếp tục thông tin tuyên truyền để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Trước đó, báo chí phản ánh vào ngày 11/9, tại Trường Tiểu học Trung Văn xảy tình trạng chen lấn, tập trung đông người tiêm vắc xin và xét nghiệm diện rộng, có dấu hiệu vi phạm nhiều quy định phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.

Để tình trạng này diễn ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có chỉ đạo Ban Thường vụ Quận ủy Nam Từ Liêm kiểm tra làm rõ trách nhiệm lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phường trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và để xảy ra việc mất an toàn nêu trên. 

 

* Tuoitre.vn (13/9):  Truy tố ông Tất Thành Cang và đồng phạm vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO

Viện KSND TP.HCM vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Tất Thành Cang và 19 bị can vụ sai phạm bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO.

Theo đó, ông Tề Trí Dũng (cựu tổng giám đốc IPC, chủ tịch HĐQT SADECO), bà Hồ Thị Thanh Phúc (cựu tổng giám đốc SADECO), ông Phạm Xuân Trung (cựu phó tổng giám đốc IPC), ông Trần Đăng Linh (cựu phó tổng giám đốc SADECO), ông Trần Công Thiện (cựu tổng giám đốc IPC), ông Huỳnh Phước Long (cựu chuyên viên Văn phòng Thành ủy), ông Đỗ Công Hiệp (cựu kế toán trưởng SADECO) bị truy tố tội tham ô tài sản và tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. 

Ông Nguyễn Văn Minh (cựu trưởng ban kiểm soát Công ty SADECO) bị truy tố tội tham ô tài sản, còn ông Tất Thành Cang và 13 bị can còn lại bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo nội dung vụ án, SADECO là công ty con của Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), với tỉ lệ góp vốn của IPC là 74,8%.

Ngày 26-3-2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại SADECO. Công ty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của SADECO), với giá 26.100 đồng/cổ phần.

Tháng 9-2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại SADECO với giá 55.000 đồng/cổ phần. 

Vốn điều lệ của SADECO tại thời điểm tháng 10-2016 là 170 tỉ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.

Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO thì phải đấu giá.

Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, IPC và SADECO đã đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá, gây thất thoát cho SADECO 1.103 tỉ đồng.

Ngoài ra, 7 bị can trong nhóm tội tham ô còn có hành vi tham ô 4,7 tỉ đồng qua việc chi tiền thù lao, quỹ khen thưởng.

 

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

*Vnexpress.net (12/9): Ngân sách năm 2022 sẽ ưu tiên nguồn lực tăng lương

Ngân sách nhà nước năm 2022 sẽ ưu tiên dành nguồn để tăng lương cơ sở vào năm 2022, theo nghị quyết vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Đây là một trong những nội dung tại Nghị quyết 01 về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách 2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký, ban hành.

Nghị quyết nêu rõ nguyên tắc, tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm (2022-2024) và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm (2021-2025).

Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ dành nguồn lực để cải cách tiền lương vào tháng 7/2022. Trước đó, theo Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, lương cơ sở điều chỉnh từ 1/7/2020 lên 1,6 triệu đồng một tháng, nhưng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Chính phủ đã xin hoãn, không tăng theo lộ trình.

Tuy nhiên, Nghị quyết kế hoạch tài chính và vay trả nợ 5 năm (2021-2025) được thông qua ngày 28/7, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để tăng lương hưu, lương cơ sở từ 1/7/2022. Hiện mức lương cơ sở áp dụng là 1,49 triệu đồng một tháng.

Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hồi giữa tháng 8, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nguồn để dành tăng lương vào tháng 7 năm sau đã sẵn sàng. Ông cho hay, hiện các địa phương có khoảng 252.000 tỷ đồng còn dư cho tăng lương.

Cũng theo Nghị quyết 01, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên và cơ cấu lại ngân sách...;"triệt để tiết kiệm" để đưa tối đa các khoản chi thường xuyên vào định mức chi quản lý hành chính của các Bộ, cơ quan trung ương; giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, các đoàn đi công tác nước ngoài. Khối tư pháp, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ được đề nghị ưu tiên phân bổ kinh phí.

Ngoài ra, cơ quan thường trực của Quốc hội yêu cầu tiêu chí phân bổ ngân sách phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ kiểm tra và giám sát; bảo đảm công bằng, công khai và minh bạch; từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chính phủ có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết này theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp bổ sung hoặc sửa các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022, Chính phủ phải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

*Antt.vn (14/9): Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính gần 53.000 tỷ đồng

Mặc dù nhiều cuộc kiểm toán quan trọng, có quy mô ngân sách lớn, tác động lớn đến tình hình kinh tế xã hội chưa triển khai hoặc dừng hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19...

Song kết quả kiểm toán 8 tháng đầu năm cũng đã đạt được một số kết quả nhất định.

Theo báo cáo, năm 2021, hoạt động kiểm toán tiếp tục có những đổi mới từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán năm đến nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán nên hiệu lực, hiệu quả, chất lượng kiểm toán được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến 31/8/2021 đối với 91 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng (tăng thu NSNN 6.676 tỷ đồng, giảm chi NSNN 6.103 tỷ đồng và kiến nghị khác 39.316 tỷ đồng); kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật không phù hợp (gồm 1 luật, 04 nghị định, 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 10 Thông tư và 49 văn bản khác), kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với từng sai phạm.

Cũng trong 8 tháng đầu năm 2021, Kiểm toán nhà nước đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 151 Báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương tình công tác.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, trong năm 2022, KTNN sẽ tập trung kiểm toán đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn, tiềm ẩn rủi ro để chấn chỉnh, phòng ngừa và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 phục vụ cho việc phê chuẩn của HĐND tỉnh, thành phố và Quốc hội; các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia; đồng thời tập trung kiểm toán các vấn đề dư luận xã hội quan tâm gắn với kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của UBTVQH.

Cụ thể là công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ TN&MT và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021; việc thực hiện chính sách xã hội hóa theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề; việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp một số dịch vụ công ích giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Đồng thời, KTNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hoạt động kiểm toán, nhất là trong xây dựng KHKT hàng năm nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm toán; kiên quyết kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp không thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của KTNN.

 

QUY HOẠCH

*Bnews.vn (14/9): Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quy hoạch và liên kết vùng tốt sẽ tận dụng được tiềm năng, lợi thế sẵn có

Yêu cầu các địa phương nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 đảm bảo triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát...

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến "Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du và miền núi Bắc Bộ" tổ chức sáng 14/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tưNguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề liên kết vùng, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương. Nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù trong điều kiện còn rất khó khăn, đặc biệt diễn biến của dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng của vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du - miền núi Bắc Bộ đã đạt được những kết quả khả quan: các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế, các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng của 2 vùng đều cao hơn mức bình quân chung cả nước; trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng trưởng nằm ở nhóm cao nhất cả nước (như Hòa Bình 16,1%, Vĩnh Phúc 14,21%, Hải Phòng 13,52%, Sơn La 10,67%, Hà Nam 10,41%, Bắc Giang 10,2%, Lai Châu 10,08%,...).
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tháng của 2 vùng đạt 406,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,25% số thu cả nước; kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 108,62 tỷ USD, chiếm trên 50% cả nước; tổng vốn FDI đăng ký trong 8 tháng đạt 6,9 tỷ USD, chiếm 36,1% cả nước; số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 30.360 doanh nghiệp, chiếm 37,2% cả nước.

Một số địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang,… đã kiểm soát tốt dịch bệnh góp phần khôi phục đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,… đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Để các địa phương tập trung tham luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu một số vấn đề mang tính gợi mở như: đề nghị các địa phương đánh giá toàn diện, phân tích các mặt được, chưa được và làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan và các giải pháp đối với tình hình triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư 8 tháng năm và ước thực hiện cả năm 2021; trong đó, đánh giá rõ việc dự kiến kết quả thực hiện chỉ tiêu GRDP của các địa phương trong năm 2021.

Bên cạnh đó, các địa phương kiến nghị các giải pháp đúng, chia sẻ cách làm hay để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và triển khai kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, đặc biệt là việc giải ngân trong 9 tháng và những tháng cuối năm 2021 trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị về công tác giải ngân vừa qua; đồng thời, tập trung vào việc khả năng thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng phải đạt tối thiểu 60% kế hoạch đã được giao từ đầu năm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng yêu cầu các địa phương dự kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022; trong đó, cần tập trung về công tác dự báo, đánh giá, phân tích tình hình, bối cảnh “bình thường mới”, nêu bật những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, giải đáp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.

 

*Bbaotintuc.vn (14/9): Quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định số 1508/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, quy hoạch sử dụng đất an ninh phải đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, kỷ cương; bảo đảm an ninh kinh tế, xã hội, an ninh mạng, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương trên cả nước, từng vùng và từng địa phương.

Quy hoạch hướng tới phát triển tổng thể các khu vực, điểm đất an ninh phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước. Quy hoạch đảm bảo tính kế thừa các nghiên cứu, định hướng sử dụng đất an ninh đã được xác định, sát với thực tiễn, có tính khả thi...  

Về mục tiêu, quy hoạch đất an ninh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn từng địa phương, từng vùng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; giải quyết hài hòa mối quan hệ với các quy hoạch ngành quốc gia khác có liên quan; đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trưởng sinh thái và phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguyên tắc quy hoạch tuân thủ theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ quy hoạch sử dụng đất an ninh với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương và quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; đồng thời cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và phù hợp với chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia đối với những vị trí đất an ninh trọng điểm.

Nội dung Quy hoạch bao gồm: Phân tích, đánh giá thực trạng và các yếu tố tác động đến việc sử dụng đất an ninh; dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất an ninh; xác định quan điểm và mục tiêu sử dụng đất an ninh trong kỳ quy hoạch; định hướng sử dụng đất an ninh trong thời kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn từ 30 đến 50 năm; xác định chỉ tiêu sử dụng đất an ninh trong kỳ quy hoạch và phân bố đến từng đơn vị hành chính cấp tỉnh...

Quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai theo phương pháp tiếp cận hai chiều (vĩ mô và vi mô) với tham gia của các bộ, ngành, địa phương. Các đối tượng của quy hoạch sử dụng đất an ninh được đặt trong mối quan hệ tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; phương pháp lập quy hoạch đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.

 

THẾ GIỚI

* Dantri.com.vn (13/9): Trung Quốc cấp tập ngăn chặn các ca lây nhiễm mới do biến thể Delta

Các nhà chức trách Trung Quốc đã đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng cho thanh thiếu niên sau khi các ca Covid-19 được phát hiện tại tỉnh Phúc Kiến.

Theo thông báo của chính quyền địa phương, thành phố Phủ Điền thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, nơi tập trung chủ yếu các ca nhiễm mới, đã ghi nhận tổng cộng 32 ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng tính đến chiều 12/9.

Các trường hợp nhiễm bệnh gồm 15 học sinh tại một trường tiểu học và 8 người trưởng thành tại một nhà máy giày. Ngoài ra, cơ quan y tế Phủ Điền cũng xác nhận tổng cộng 32 trường hợp không có triệu chứng.

Số ca nhiễm hôm 12/9 đã đánh dấu sự gia tăng đáng kể so với 2 ngày trước đó. Ngày 11/9, Phủ Điền mới báo cáo một ca nhiễm được xác nhận và 4 trường hợp không có triệu chứng. Ngày 12/9, số ca nhiễm đã tăng lên 19 trường hợp được xác nhận và 17 trường hợp không có triệu chứng.

Chính quyền địa phương cho biết, một số mẫu bệnh đã được gửi để giải trình tự gen và kết quả ban đầu cho thấy chuỗi lây nhiễm do biến chủng Delta, bắt nguồn từ một bệnh nhân trưởng thành trở về từ Singapore vào ngày 4/8. Người này đã được cách ly ở Hạ Môn 14 ngày sau khi về nước và xét nghiệm âm tính 3 lần sau khi trở về Phủ Điền.

Các ca lây nhiễm mới xuất hiện sau khi Trung Quốc nỗ lực kiểm soát sự bùng phát của làn sóng Covid-19 do biến chủng Delta vào tháng trước. Đây cũng là đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ đợt bùng phát dịch đầu tiên ở Vũ Hán vào năm ngoái.

 

*Dantri.com.vn (13/9): Trung Quốc khuyến khích sản xuất ô tô điện

Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Xiao Yaqing vừa cho biết, Trung Quốc đang có quá nhiều hãng sản xuất xe điện và chính phủ nước này đang khuyến khích hợp nhất.

Theo ông Xiao, Trung Quốc sẽ nâng cấp mạng lưới sạc điện và thúc đẩy doanh số bán xe điện ở các thị trường nông thôn.

Việc Trung Quốc khuyến khích các phương tiện xanh như ô tô điện nhằm cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường đã thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô điện như Nio, Xpeng và BYD mở rộng công suất sản xuất ở nước này.

Ông Xiao cho biết, Trung Quốc đang đẩy nhanh các giải pháp thay thế để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip ô tô hiện nay.

 

*Dantri.com.vn (13/9): Trung Quốc cam kết viện trợ 272 triệu USD cho Campuchia

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, Trung Quốc đã cam kết viện trợ 272 triệu USD cho nước này.

Hãng tin AP dẫn phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen trên truyền hình quốc gia ngày 12/9 cho biết, Trung Quốc đã nhất trí cấp khoản viện trợ lên tới 272 triệu USD cho Campuchia và khoản viện trợ này đã được công bố nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Tuy nhiên, ông Hun Sen không nêu chi tiết các khoản viện trợ.

Ngoài ra, ông Hun Sen cũng cho biết, nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị, phía Trung Quốc đã tặng và bàn giao cho Campuchia một sân vận động trị giá khoảng 160 triệu USD. Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon cho biết, sân vận động này là khoản tài trợ cơ sở hạ tầng lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc dành cho Campuchia.

Đến nay, Campuchia đã nhận hàng tỷ USD các khoản vay và đầu tư từ Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã cung cấp cho Campuchia gần 28 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó có 4,3 triệu liều là viện trợ.

*Vov.vn (13/7): Nhật Bản và Hàn Quốc phê phán Triều Tiên phóng tên lửa hành trình

Trước thông tin Triều Tiên đã phóng thử nghiệm thành công tên lửa hành trình tầm xa kiểu mới, chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc ngày hôm nay (13/9) đã lấy làm tiếc về việc này.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato trong buổi họp báo cho rằng, nếu việc phóng tên lửa tầm xa 1.500 km là sự thật, thì đây là hành vi đe dọa tới hòa bình, an ninh của khu vực trong đó có Nhật Bản. Nhật Bản cùng với Mỹ, Hàn Quốc sẽ thu thập thêm thông tin, phân tích, tăng cường giám sát. Ông Kato cũng xác nhận hiện chưa có xác nhận nào về việc tên lửa này rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Trong sáng nay, truyền thông Hàn Quốc đã trích dẫn thông tin của Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Viện khoa học quốc phòng miền Triều Tiên ngày 11 và 12/9 đã phóng thử nghiệm thành công tên lửa hành trình tầm xa kiểu mới, được phát triển gần đây.

Động thái phóng tên lửa hành trình lần này của Triều Tiên được phân tích là nhằm đối phó với việc liên quân Hàn-Mỹ tập trận chung, và việc quân đội Hàn Quốc phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM).

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết quân đội vẫn đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan tình báo của Mỹ để phân tích vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ ra tuyên bố chỉ trích vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đe dọa tới các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế./.

 

*Nld.com.vn (14/9): Đông Nam Á đổi chiến lược chống Covid-19

Ngay cả Singapore, quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng hàng đầu thế giới, cũng chật vật vì đợt bùng phát Covid-19 hiện tại

Với tỉ lệ tiêm phòng thấp, Đông Nam Á hiện là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất vì biến thể Delta và đang chịu đựng những đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất thế giới. Dù vậy, với nguồn lực tài chính và sức mạnh của các chính sách tiền tệ đang cạn dần, lệnh phong tỏa không còn là giải pháp phù hợp.

Tỉ lệ tử vong hằng ngày tại nhiều nước Đông Nam Á đã vượt mức trung bình toàn cầu song nhiều quan chức trong khu vực lo ngại nền kinh tế có thể sụp đổ nếu các biện pháp hạn chế bị kéo dài quá lâu. Malaysia đã cắt giảm 50% dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021, xuống còn 3%-4% giữa lúc số ca nhiễm hằng ngày tăng kỷ lục. Hy vọng hồi sinh ngành du lịch mũi nhọn của Thái Lan cũng bấp bênh.

Theo chuyên gia kinh tế Wellian Wiranto của Ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp (Singapore), nền kinh tế của các nước Đông Nam Á suy yếu bởi những đợt phong tỏa liên tiếp trong khi người dân ngày càng kiệt quệ. "Mọi hy vọng về việc tái mở cửa biên giới sâu rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại và du lịch trên khắp Đông Nam Á hiện là giấc mơ xa vời" - ông Wiranto khẳng định.

Đó là lý do ngày càng nhiều quốc gia Đông Nam Á thay đổi chiến lược, chuyển sang xem Covid-19 là một "căn bệnh đặc hữu". Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã học tập hướng tiếp cận của Singapore để "chung sống với virus" thay vì "loại bỏ tận gốc Covid-19" như Trung Quốc.

Trái với Đông Nam Á, châu Âu đã đi được những bước dài trong hành trình tái mở cửa kinh tế. Trong buổi phỏng vấn với đài BBC vào cuối tuần rồi, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết chính phủ nước này sẽ dừng kế hoạch triển khai "thẻ xanh vắc-xin Covid-19" và có thể sớm hủy bỏ quy định xét nghiệm bắt buộc đối với hành khách quay lại từ nước ngoài.

Đây là một phần trong kế hoạch mới nhằm nới lỏng phong tỏa hơn nữa giữa lúc số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 vẫn ở mức thấp - dù số ca nhiễm hằng ngày ở mức cao. Cũng theo Bộ trưởng Javid, quốc gia của ông đang trên đà khởi động chương trình tiêm bổ trợ vào tháng này. Đến thời điểm này, hơn 80% dân số trên 16 tuổi ở Anh đã được tiêm đầy đủ. 

 

*Vtv.vn (14/9): Xét nghiệm máu giúp phát hiện sớm 50 bệnh ung thư

Một phương pháp xét nghiệm máu có khả năng phát hiện sớm hơn 50 bệnh ung thư đã được cơ quan dịch vụ y tế công của Anh tiến hành thử nghiệm.

Phương pháp xét nghiệm có tên Galleri của Công ty Grail, phương pháp này dựa trên cấu trúc ADN trong máu của bệnh nhân để phát hiện dấu hiệu bất thường từ các tế bào ung thư.

Cơ quan dịch vụ y tế Anh đang tìm kiếm 140 nghìn tình nguyện viên để theo dõi hiệu quả thử nghiệm.

Các chuyên gia y tế cho rằng phương pháp xét nghiệm này có thể là nhân tố "thay đổi cuộc chơi" trong phát hiện sớm bệnh ung thư.

 

*Vtv.vn (14/9): Nhiều nước châu Âu buộc người dân sử dụng chứng chỉ COVID-19

Nước Anh đã tạm dừng ý tưởng triển khai hộ chiếu vaccine trong nước, trong khi nhiều nước châu Âu khác vẫn buộc người dân phải có chứng chỉ này.

Nhiều nước châu Âu sử dụng chứng chỉ COVID-19 như một cách để ép người dân phải đi tiêm chủng. Không có chứng chỉ thì không được vào một số nơi, mất thêm thời gian, chịu nhiều phiền toái, thậm chí mỗi khi cần lại tốn tiền làm xét nghiệm.

Nhiều người phản đối hộ chiếu vaccine, vì không thích bị ép buộc phải đi tiêm chủng. Những người đã tiêm chủng thì không thích cảm giác cứ phải để lại vết tích của mình mỗi khi vào hộp đêm, quán bar, hoặc những nơi không muốn mọi người biết là mình lui tới.

Các doanh nghiệp dịch vụ cũng không mặn mà với việc phải kiểm tra chứng chỉ COVID của khách hàng. Tại một số nước như Pháp, doanh nghiệp chỉ được cho nhân viên có chứng chỉ COVID-19 đi làm, đó cũng là cách để buộc mọi người phải tiêm chủng.

Chứng chỉ COVID-19 hay hộ chiếu vaccine vậy là chủ yếu liên quan tới tỷ lệ tiêm chủng. Nước Anh đã tiêm đủ 2 liều vaccine cho hơn 80% người dân trên 16 tuổi, cho rằng có thể chấm dứt biện pháp gây phiền nhiễu này.

Tại các nước châu Âu, áp đặt hay bãi bỏ chứng chỉ COVID-19 ít liên quan tới tỷ lệ lây nhiễm hay tử vong, nước nào còn áp đặt biện pháp này cho công dân nước mình, tức là tỷ lệ tiêm chủng ở nước đó chưa đủ cao. Đa số người châu Âu cho rằng chỉ nên áp đặt chứng chỉ COVID-19 cho khách du lịch nước ngoài mà thôi.

Xem chi tiết tại đây

Tin mới nhất

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

<< < 1 2 3 4 5  ... > >> 
°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
358 người đã bình chọn