Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 8 năm 2021

Update 21 - 08 - 2021
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

  

*Dienbientv.vn (18/8): Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án thủy điện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nội tỉnh, phấn đấu đạt kế hoạch tăng trưởng GRDP đề ra, một trong những giải pháp được tỉnh Điện Biên đặt lên hàng đầu là đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án thủy điện đã được phê duyệt.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 53 dự án thủy điện đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ, với tổng công suất lắp máy dự kiến trên 557MW.

Cụ thể, ngoài 11 dự án thủy điện hiện đang vận hành khai thác, có công suất lắp máy hơn 137MW thì toàn tỉnh có 22 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất lắp máy dự kiến hơn 307MW, trong đó có 6 dự án thủy điện đang thi công xây dựng với tổng công suất lắp máy 123MW và 16 dự án hoàn thiện thủ tục để khởi công, công suất dự kiến hơn 184MW. Bên cạnh đó, 13 dự án thủy điện đã được tỉnh cho chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư với công suất dự kiến 106MW.

Các dự án thủy điện sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia./.

 

*Dienbientv.vn (18/8): Mường Ảng: Trên 750 ha lúa mùa nhiễm sinh vật gây hại

Hiện nay trên 1.400ha lúa mùa của huyện Mường Ảng đang vào thời kỳ phân hóa đòng, trong đó có trên 50% diện tích bị nhiễm các sinh vật gây hại. Các cơ quan chức năng và nông dân trên địa bàn huyện đang tích cực phòng chống sâu bệnh hại lúa.

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Ảng, hiện nay toàn huyện có trên 750ha lúa mùa bị nhiễm các loại sinh vật gây hại, chủ yếu là tập đoàn rầy trên 500ha, sâu cuốn lá nhỏ trên 100ha, cùng các đối tượng như bệnh đốm nâu, bạc lá, chuột cắn phá...

Để giảm thiệt hại do sinh vật gây hại lúa, các cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân chủ động chăm sóc, quản lý sinh vật gây hại; đồng thời làm cỏ, điều tiết nước, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa…

Theo dự báo, thời gian tới, tập đoàn rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, đạo ôn, đốm nâu lá… sẽ tăng nhẹ về mật độ và tỷ lệ gây hại. Do vậy, người dân cần thường xuyên thăm đồng, chủ động phun thuốc phòng trừ sinh vật gây hại, tập trung chăm sóc tốt diện tích lúa  đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch./.

 

*Vov.vn (18/8): HĐND tỉnh Điện Biên thông qua mức giá dịch vụ xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2

Riêng đối với Nghị quyết quy định cụ thể về mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, việc xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime - PCR đối với trường hợp mẫu đơn có mức giá 734.000 đồng/mẫu.

Sau 2 ngày diễn ra kỳ họp thứ 2 (17-18/8), Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên khoá XV đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế địa phương. Trong đó có quy định cụ thể về mức giá dịch vụ xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên địa bàn khi diễn biến của dịch COVID-19 đang có nhiều phức tạp.

Tại kỳ họp thứ 2 này, Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên đã xem xét thông qua 24 dự thảo Nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng như: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021; quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; mức giá dịch vụ xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; quy định các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn; điều chỉnh phương án trả nợ vay chương trình đô thị miền núi phía Bắc, vay WB...

Riêng đối với Nghị quyết quy định cụ thể về mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, việc xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime - PCR đối với trường hợp mẫu đơn có mức giá 734.000 đồng/mẫu (trong đó giá dịch vụ lấy và bảo quản bệnh phẩm 117.800 đồng; giá xét nghiệm 616.200 đồng); đối với trường hợp gộp mẫu giá dịch vụ lấy và bảo quản bệnh phẩm là 100.000 đồng/mẫu, giá xét nghiệm là 634.000 đồng chia cho số mẫu gộp. Trường hợp mẫu gộp phát hiện dương tính, phải tiếp tục làm các xét nghiệm mẫu đơn thì chi phí thực hiện xét nghiệm được tính tiếp theo trường hợp mẫu đơn. 

Để có kết quả này, trước kỳ họp, các tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên đã tiếp xúc cử tri với sự tham gia của khoảng 1.400 cử tri là nhân dân các xã, phường, thị trấn, thôn, bản; cán bộ, công chức, viên chức. Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã tổng hợp hơn 200 ý kiến, kiến nghị của cử tri; các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền đã được Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã trao đổi, giải trình, làm rõ và tiếp thu để giải quyết theo quy định./.

 

*Baodienbienphu.info.vn (19/8): Bamboo Airways bay thử nghiệm thành công chặng Hà Nội - Điện Biên

 Ngày 19/8, Hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt) đã tổ chức thành công chuyến bay thử nghiệm từ Hà Nội lên Điện Biên. Đây cũng là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng và được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông kết nối Điện Biên với thủ đô Hà Nội. Tạo tiền đề để thực hiện các đường bay thẳng kết nối Điện Biên với các tỉnh thành khác trong cả nước.

Đúng 12 giờ 20 phút, chuyến bay thử nghiệm mang số hiệu QH018 của Hãng hàng không Bamboo Airways chặng Hà Nội – Điện Biên đã hạ cánh thành công tại Cảng hàng không Điện Biên Phủ. Được biết máy bay QH018 thuộc loại máy bay phản lực Embraer 190; đang thịnh hành khai thác các đường bay bay thẳng tới các địa điểm du lịch nổi tiếng như: Côn Đảo - Vũng Tàu và Rạch Giá - Kiên Giang… Việc Bamboo Airways chuẩn bị khai thác đường bay tới Điện Biên từ tháng 9/2021 được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông kết nối Điện Biên với Thủ đô Hà Nội.

Trao đổi với đại diện Hãng hàng không Bamboo Airway tại sự kiện, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Việc Bamboo Airway khai thác đường bay từ Hà Nội - Điện Biên sẽ giúp Điện Biên thu hút, kêu gọi được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến nghiên cứu, khảo sát để đầu tư trên nhiều lĩnh vực với sự cam kết, tạo điều kiện tốt nhất của tỉnh. Cùng với thành công chuyến bay thử nghiệm của Hãng hàng không Bamboo Airways và tới đây là khởi công Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên sẽ là cơ hội để tỉnh Điện Biên thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, cất cánh bay lên trong giai đoạn mới.

 

*Baodienbienphu.info.vn (19/8): Tuần Giáo: Tạm ngừng hoạt động họp chợ phiên

Các hoạt động họp chợ phiên hàng tuần tại các xã: Quài Nưa, Rạng Đông và Mùn Chung sẽ bắt đầu tạm ngừng từ ngày 19/8 theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo ngày 18/8.

Qua khảo sát thực tế, các buổi họp chợ phiên hàng tuần trên địa bàn 3 xã: Quài Nưa, Rạng Đông và Mùn Chung đã giúp nhân dân và các tiểu thương trên địa bàn huyện và các huyện lân cận thuộc tỉnh Sơn La và Lai Châu tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa, góp phần tăng cường phát triển thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên để kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tối đa an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ lây nhiễm từ các hoạt động kinh tế - xã hội; đặc biệt là các buổi chợ phiên hàng tuần nên Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo quyết định chỉ đạo các xã thực hiện tạm ngừng các hoạt động họp chợ phiên hàng tuần trên địa bàn, kể từ ngày 19/8/2021 cho đến khi có thông báo cho phép họp chợ trở lại.

Cùng với việc yêu cầu tạm ngừng các hoạt động họp chợ phiên hàng tuần, huyện Tuần Giáo cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các xã: Quài Nưa, Rạng Đông và Mùn Chung tổ chức triển khai thông báo cho nhân dân trên địa bàn, các tiểu thương tham gia phiên chợ biết để thực hiện; đồng thời thành lập tổ kiểm tra, giám sát thường xuyên việc họp chợ trên địa bàn quản lý.

 

*Baodienbienphu.info.vn (19/8): Trồng rừng phòng hộ cần quyết liệt

Năm 2021, UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch trồng mới rừng phòng hộ với tổng diện tích 150ha, trong đó: Huyện Điện Biên 20ha; Tuần Giáo 45ha; Mường Chà 35ha và Mường Ảng 50ha. Đến thời điểm này, trừ huyện Điện Biên không thực hiện các địa phương đã hoàn thành công tác trồng rừng phòng hộ. Nhờ chủ động trong công tác chuẩn bị, toàn tỉnh đã trồng được 130ha rừng phòng hộ, đạt 80,3% kế hoạch giao.

Bà Mai Hương, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Năm nay huyện Tuần Giáo đạt kết quả trồng rừng phòng hộ tốt nhất với 63ha (vượt 18ha so với kế hoạch); huyện Mường Ảng đạt chỉ tiêu và huyện Mường Chà 50%. Kết quả trồng rừng phòng hộ phản ánh sự nỗ lực của chính quyền cấp huyện, xã đã sát sao đôn đốc thực hiện các dự án trồng rừng năm 2021. Riêng huyện Điện Biên đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ chối việc thực hiện kế hoạch trồng rừng với lý do người dân không hợp tác. Song thực tế ngoài nguyên nhân người dân không mặn mà với dự án trồng rừng thì UBND huyện chưa quan tâm, chủ động xây dựng phương án trồng rừng ngay từ đầu năm. Đến khi thời gian trồng rừng cận kề, UBND huyện mới có văn bản báo cáo về những khó khăn, vướng mắc do đó không kịp có phương án thay thế, tháo gỡ.

Lý giải nguyên nhân không thực hiện kế hoạch trồng rừng phòng hộ, ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Qua rà soát, hiện nay diện tích đất nương có thể triển khai trồng rừng tập trung chủ yếu các xã: Mường Pồn, Núa Ngam, Mường Nhà, Phu Luông, Mường Lói… Phòng đã phối hợp với UBND các xã tổ chức nhiều cuộc họp dân, họp bản để vận động người dân đăng ký trồng rừng. Tuy nhiên, tại các địa bàn dự kiến triển khai thì không có hộ dân nào đăng ký trồng rừng.

Trao đổi về vấn đề vì sao huyện không giao nhiệm vụ trồng rừng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ ngay từ đầu năm? Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Theo quyết định thành lập và chức năng nhiệm vụ của các ban quản lý rừng phòng hộ, hiện nay UBND huyện không đủ thẩm quyền để giao nhiệm vụ cho ban quản lý rừng phòng hộ. UBND huyện chỉ có thể đề nghị Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên phối hợp, hỗ trợ UBND các xã về trình tự, thủ tục hoặc hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn, kỹ thuật khi các xã triển khai các dự án trồng rừng.

Hiện tỉnh ta có 3 ban quản lý rừng phòng hộ cấp huyện: Điện Biên, Mường Chà và Tuần Giáo. Thực hiện kế hoạch trồng rừng, nhiều năm nay 2 huyện: Mường Chà và Tuần Giáo đều giao cho ban quản lý rừng phòng hộ huyện thực hiện, còn huyện Điện Biên lại không. Rõ ràng cách thức, phương pháp triển khai thực hiện các dự án trồng rừng của các địa phương đang trái ngược nhau.

Bà Mai Hương, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho biết: Kế hoạch trồng rừng phòng hộ UBND tỉnh giao cho UBND huyện. Còn việc UBND huyện giao cho đơn vị nào triển khai thực hiện là thẩm quyền của huyện. UBND huyện có thể giao chỉ tiêu cho UBND các xã hoặc cũng có thể giao cho các cơ quan chuyên môn thực hiện giúp huyện. Điển hình như 2 huyện Tuần Giáo và Mường Chà, kế hoạch trồng rừng phòng hộ UBND huyện đều giao cho ban quản lý rừng phòng hộ thực hiện và đều hiệu quả. Còn lý do huyện Điện Biên đưa ra do người dân không đăng ký trồng rừng là chưa thật xác đáng. Năm nay huyện Mường Ảng cũng được giao kế hoạch trồng 50ha rừng phòng hộ và huyện Mường Ảng không có ban quản lý rừng phòng hộ, phải giao trực tiếp cho UBND các xã thực hiện và đã hoàn thành kế hoạch giao.

 

*Baodienbienphu.info.vn (19/8): Khơi thông vốn đầu tư công

Báo cáo KT - XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp phát triển những tháng cuối năm, phần tồn tại, hạn chế đánh giá: tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,65% so với mục tiêu tăng trưởng 7%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn chỉ đạt 43,37% dự toán... Những con số này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của cả năm 2021; đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm là rất khó khăn, nặng nề. Bên cạnh đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 chưa được phân bổ chi tiết cho các dự án còn lớn, số vốn đã giao chi tiết mới đạt 67,35% số vốn Thủ tướng Chính phủ giao; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp 29,54% so với kế hoạch vốn đã phân bổ...

Cụ thể, kế hoạch vốn NSNN năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Điện Biên là 2.589.428 triệu đồng. Tính đến 10/6/2021, tổng số vốn NSNN đã được phân bổ chi tiết là 1.743.983 triệu đồng, bằng 67,35% số vốn giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 845.445 triệu đồng, bằng 32,65% số vốn giao, do các dự án khởi công mới năm 2021 chưa đảm bảo điều kiện để phân bổ. Dự ước thực hiện giải ngân đến 30/6/2021 là 765.029/2.589.428 triệu đồng, đạt 29,54% kế hoạch vốn Trung ương giao và đạt 43,87% so với kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết của tỉnh (765.029/1.743.983 triệu đồng).

Nghịch lý ở chỗ, là tỉnh nghèo, phần lớn ngân sách đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN... do Nhà nước cấp. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp 2 năm nay, việc cân đối ngân sách của Trung ương cấp cho các địa phương rất hạn chế, do phải dồn lực cho phòng, chống dịch bệnh. Lẽ ra, với số vốn Trung ương cấp, chúng ta phải tận dụng tốt "thiên thời, địa lợi" để giải ngân, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, phục vụ lợi ích nhân dân. Đằng này, do nhiều nguyên ngân khác nhau, trong đó có nguyên nhân cán bộ thiếu sâu sát, chưa tâm huyết với công việc, chuyên môn còn hạn chế... dẫn tới "tồn đọng" một lượng rất lớn vốn đầu tư công.

Vốn đầu tư công chiếm phần lớn nguồn lực đầu tư cho phát triển KT - XH của tỉnh. Khơi thông dòng vốn này sẽ góp phần "phá điểm nghẽn" trong chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Do vậy, chúng ta cần thực hiện quyết liệt, dứt khoát, có trọng tâm, trọng điểm việc giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm.

Mới đây (ngày 16.8.2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 1082/CĐ-TTg, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Thủ tướng đưa ra "tối hậu thư" mạnh hơn, quyết liệt hơn. Đó là yêu cầu "thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công... Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền"...

Bám "cái gậy" này, tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng nguồn vốn đầu tư công lớn như: Dự án đường 60m; Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung; Dự án Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ; Dự án Cải tạo, sửa chữa Khu thờ tự Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng; Dự án Giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư theo quy hoạch, các điểm tái định cư thực hiện Dự án Nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên; Các dự án thực hiện theo hình thức BT...

Một mặt, yêu cầu người đứng đầu các cấp, ngành nghiêm túc quán triệt tinh thần chịu trách nhiệm và trực tiếp phụ trách chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... Kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng đảm bảo thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Cùng với đó là nghiêm túc xử lý các trường hợp cán bộ năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án. Vấn đề "năng lực cán bộ" đã được báo chí, đảng viên, lão thành cách mạng đề cập, phản ánh nhiều lần nhưng mấy năm qua, chưa một "đồng chí nào", hay chủ đầu tư nào bị xử lý trách nhiệm khi để "khê" vốn đầu tư công.

Trong khi người dân đang cần từng đồng để "an sinh", vượt qua cơn "bĩ cực" do dịch bệnh Covid-19, thì tình trạng hàng trăm tỷ đồng lại tồn đọng trong kho quỹ Nhà nước một cách rất vô duyên. Việc có tiền mà không tiêu được trong đầu tư công trên địa bàn tỉnh 6 tháng qua là một nghịch lý không thể chấp nhận được, như thế là chúng ta rất có lỗi với dân.

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

*Vtv.vn (18/8): Bộ Y tế xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19

Đây là lô thuốc trong số 500.000 lọ Remdesivir được Tập đoàn Vingroup nhập khẩu, tặng cho Bộ Y tế sử dụng điều trị bệnh nhân COVID-19.

Ngày 17/8, Bộ Y tế đã xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19. Đây là lần thứ 2 thuốc này được Bộ Y tế xuất cấp để phục vụ nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế.

Theo quyết định của Bộ Y tế, có 17 bệnh viện (các Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19) và Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ; Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cần Thơ được cấp xuất thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 trong đợt này. Trước đó, lô thuốc đầu tiên 10.000 lọ Remdesivir đã được đưa vào điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự kiến, từ ngày 19/8 đến hết tháng 8/2021, sẽ có thêm khoảng 330.000 lọ Remdesivir về Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là các lô Remdesivir trong số 500.000 lọ Remdesivir được Tập đoàn Vingroup nhập khẩu, tặng Bộ Y tế sử dụng điều trị bệnh nhân COVID-19.

 

*Chinhphu.vn (19/8): Đã xuất quỹ 197 tỷ đồng để mua vaccine phòng, chống COVID-19

Ban Quản lý Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 cho biết, ngày 18/8, Quỹ tiếp tục xuất 9 tỷ đồng để mua vaccine. Như vậy, tính đến thời điểm này, Quỹ đã xuất tất cả là 3 đợt với tổng số tiền là 197 tỷ đồng.

Tính đến ngày 18/8, Quỹ đã xuất 197 tỷ đồng để thanh toán tiền mua vaccine. Hiện số dư của Quỹ là 8.429 tỷ đồng. Cũng theo Ban Quản lý Quỹ, dự kiến trong quý III/2021, Quỹ sẽ xuất 450 tỷ đồng để mua vaccine.

Cũng theo báo cáo từ Ban Quản lý Quỹ, tính đến 17h ngày 18/8, Quỹ đã tiếp nhận được 8.626 tỷ đồng (bao gồm cả ngoại tệ đã quy đổi sang VND) từ 519.155 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ.

Hiện còn 13 đơn vị đã cam kết tài trợ nhưng chưa chuyển tiền hoặc mới chuyển tiền một phần với số tiền gần 36 tỷ đồng. Ban Quản lý Quỹ đang tiếp tục đôn đốc các nhà tài trợ sớm chuyển tiền vào Quỹ.

Theo Ban Quản lý Quỹ, số vốn nhàn rỗi chưa sử dụng đến của Quỹ được gửi tại các ngân hàng thương mại có uy tín, có năng lực theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh lãi suất. Toàn bộ số tiền thu được nhập Quỹ để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất trong nước và triển khai sử dụng vaccine phòng COVID-19 theo quy định. 

 

*Vnexpress.net (19/8): Hơn 40 địa phương công bố lịch tựu trường

Đến sáng 19/8, 43 tỉnh, thành đã ban hành khung kế hoạch năm học 2021-2022, trong đó Sơn La, Hà Tĩnh phải lùi thời điểm thực hiện do dịch lan rộng.

Tỉnh Sơn La cho học sinh tựu trường từ 16/8, sớm hơn mốc thời gian trong khung kế hoạch năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo 1-2 tuần. Riêng khối mầm non đón trẻ từ 1/9. Học sinh đi học được 2 ngày thì huyện Phù Yên xuất hiện 2 ca Covid-19 là kế toán trường học và học sinh. Vì thế tỉnh quyết định cho học sinh dừng đến trường đến khi có thông báo mới.

Tỉnh Hà Tĩnh công bố học sinh lớp 1 tựu trường ngày 23/8, các lớp còn lại ngày 1/9. Tuy nhiên, với sự xuất hiện chùm ca Covid-19 ở thị xã Hồng Lĩnh, hai huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên trong một tuần gần đây, ngày 19/8 tỉnh quyết định lùi thời điểm tựu trường đến khi có thông báo mới.

Nhiều địa phương khác đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 cũng cho học sinh tựu trường sớm nhất vào tháng 8, chẳng hạn Lào Cai, Nam Định, Hải Phòng. Bắc Ninh, Bắc Giang, hai tỉnh từng là tâm dịch của cả nước hồi tháng 5 với hàng nghìn ca cũng quyết định cho học sinh tựu trường sớm nhằm tranh thủ thời gian dịch ổn định để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, đặc biệt là với lớp 1, như hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một số nơi như Nghệ An, Điện Biên không chia mốc thời gian theo khối, lớp mà ấn định một ngày tựu trường chung cho học sinh các cấp là 1/9. Ngược lại, nhiều tỉnh, thành đang giãn cách theo Chỉ thị 16 chưa đưa ra mốc tựu trường. TP HCM dự kiến giữa tháng 9. Hà Nội cũng tương tự nhưng khả năng cao phải tổ chức khai giảng, tựu trường và dạy học theo hình thức trực tuyến.

Trong nhóm địa phương có số ca mắc Covid-19 lớn nhất lúc này, chỉ Bình Dương chốt ngày tựu trường là 1/9 và cho học sinh học trực tuyến hai tháng đầu do vẫn còn nhiều trường học được sử dụng làm khu cách ly tập trung.

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

*Nhân Dân.vn (18/8): Việt Nam hướng tới nhóm 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định ban hành “Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu là tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. 

Đây là chương trình hành động đã được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và những người hoạt động du lịch, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng được nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong lĩnh vực du lịch được nêu tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Chương trình đã xác định bảy nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên: tổng kết, đánh giá, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành du lịch; tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch.

Các nhiệm vụ trên được cụ thể hóa bởi 17 đề án, nhiệm vụ trọng tâm đã được lên kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có những nhiệm vụ, đề án góp phần khắc phục các “điểm nghẽn” của du lịch Việt Nam thời gian qua về hạ tầng du lịch (gắn liền Chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại một số tỉnh biên giới phía bắc, miền trung - Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long), về sản phẩm du lịch (thông qua các Đề án phát triển du lịch biển, đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án tổng thể phát triển du lịch tại 7 khu vực động lực phát triển du lịch đến năm 2030; Đề án phát triển sản phẩm du lịch về đêm: thí điểm tại một số trung tâm du lịch lớn)…

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ cũng góp phần giải quyết những khó khăn, tồn đọng trước mắt của du lịch trong bối cảnh dịch Covid như: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch khắc phục khó khăn bởi dịch gắn liền các biện pháp hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi…; đẩy mạnh số hóa, ứng dụng các công nghệ hiện đại để tạo hệ sinh thái du lịch thông minh…

Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương cũng được đề cập cụ thể nhằm giúp du lịch vượt khó, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

 

*Luatvietnam.vn (20/8): Chính sách mới có hiệu lực hôm nay (20/8/2021)

 ngày 20/8/2021 là ngày chính thức có hiệu lực của Nghị định 66/2021/NĐ-CP, quy định chi tiết Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định này đó là chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích được huy động tập huấn, huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

Cụ thể, Điều 33 Nghị định số 66 quy định về chế độ tiền lương, tiền công với đối tượng này như sau:

Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) trong thời gian được huy động làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tham gia tập huấn, huấn luyện, diễn tập:

+ Đối với người được huy động tập huấn, huấn luyện, diễn tập: Mức trợ cấp theo ngày được huy động ít nhất là 59.600 đồng;

+ Đối với người được huy động làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai: Mức trợ cấp ngày công lao động ít nhất là 119.200 đồng/người/ngày;

Lưu ý:

Nếu huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai vào ban đêm (từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau) được tính gấp đôi mức trợ cấp nêu trên;

Các lực lượng này còn được bố trí nơi ăn, nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi và về như cán bộ, công chức cấp xã; được hỗ trợ tiền ăn nhưng không thấp hơn 57.000 đồng.

Người được hưởng lương từ NSNN trong thời gian được huy động làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tham gia tập huấn, huấn luyện, diễn tập:

+ Được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trả nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe;

+ Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng thì được tạm hoãn thực hiện hợp đồng và được hưởng các chế độ tiền lương, phụ cấp theo quy định.

Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, công an xã được huy động huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.

 

CHỈ THỊ MỚI

*Chinhphu.vn (18/8): Chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng KCN số 5 Hưng Yên

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1411/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp số 05, tỉnh Hưng Yên.

Dự án có quy mô 192,64 ha được thực hiện tại xã Xuân Trúc, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi và xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên với tổng vốn đầu tư 2.385 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư khu công nghiệp Yên Mỹ làm nhà đầu tư. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được cấp văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Vnexpress.net (19/8): Đề xuất cấp hơn 130.000 tấn gạo hỗ trợ 8,6 triệu người

Bộ Lao động Thương binh Xã hội đề xuất Chính phủ cấp 130.000 tấn gạo để hỗ trợ cho 8,6 triệu người nguy cơ thiếu đói tại 24 tỉnh, thành.

Ngày 19/8, theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, mỗi nhân khẩu sẽ được hỗ trợ 15 kg gạo trong một tháng. Trước đó 24 tỉnh, thành đề nghị được hỗ trợ gạo cứu đói, tổng cộng hơn 216.000 tấn. Số đề xuất cấp phát đáp ứng được hơn 60% nhu cầu cấp gạo của các tỉnh trên.

Các tỉnh, thành trong danh sách đề xuất của Bộ gồm: TP HCM 71.000 tấn (địa phương đề xuất 142.000 tấn); Bình Dương 11.325 tấn; Đồng Tháp 5.883 tấn; Cần Thơ 5.015 tấn; Bình Thuận 4.018 tấn; An Giang 3.362 tấn; Đồng Nai hơn 3.100 tấn; Tiền Giang 3.000 tấn; Cà Mau 2.862 tấn; Bến Tre 2.408 tấn; Bà Rịa – Vũng Tàu 2.283 tấn; Kiên Giang 2.278 tấn; Vĩnh Long 2.103 tấn; Phú Yên 1.852 tấn; Khánh Hòa 2.000 tấn; Trà Vinh gần 1.739 tấn; Đà Nẵng 1.630 tấn; Bình Định 1.000 tấn; Long An 807 tấn; Ninh Thuận 577 tấn; Đắk Nông 577 tấn; Đăk Lăk 534 tấn; Nghệ An 341 tấn; Tây Ninh 336 tấn.

Sau một tháng, các tỉnh nếu còn khó khăn thì gửi văn bản tiếp để Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét trình Chính phủ hỗ trợ thêm. Trước đó, ngày 16/8, Chính phủ đã cấp hơn 4.100 tấn gạo cho ba tỉnh Bình Phước, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Hai ngày trước, TP HCM đã kiến nghị Chính phủ và hai bộ Tài chính, Lao động hỗ trợ 28.000 tỷ đồng và 142.000 tấn gạo để hỗ trợ cho 4,7 triệu lao động khó khăn do dịch của thành phố. Số tiền, gạo trên chi cho 1,5 triệu hộ lao động nghèo mức tiền ăn 50.000 đồng một ngày; 1,5 triệu đồng tiền phòng trọ một tháng và 15 kg gạo mỗi người.

 

*Vtv.vn (19/8): Đã giải ngân gần 170 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương người lao động

Tính đến ngày 17/8, đã có 51 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho 267 người sử dụng lao động với số tiền gần 170 tỷ đồng để trả lương.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư tái cấp vốn để cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tiếp nhận được 308 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với tổng số tiền 174,6 tỷ đồng để trả lương cho 50.175 lượt người lao động. 

Trong đó, phê duyệt cho vay 276 lượt người sử dụng lao động với số tiền gần 170,7 tỷ đồng để trả lương cho 49.043 lượt người lao động.

Đến ngày 17/8, đã có 51 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho 267 người sử dụng lao động với số tiền gần 170 tỷ đồng để trả lương cho 48.737 lượt người lao động.

Bắc Giang là địa phương có doanh số giải ngân cao nhất với 90,2 tỷ đồng cho 48 người sử dụng lao động để trả lương cho 26.592 lượt người lao động. 

Khách hàng vay cao nhất là Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc với số tiền 16,3 tỷ đồng để trả lương cho 4.762 người lao động. 

 

*Vtv.vn (19/8): Hà Nội thúc giục việc xóa sổ, thu hồi dự án "ôm đất" rồi bỏ hoang

Hà Nội vừa tiếp tục có văn bản yêu cầu các sở ngành kiên quyết thực hiện chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi đất do không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng theo quy định.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi các cơ quan có liên quan khác về việc quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, Xây dựng, Cục Thuế Hà Nội xây dựng Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2021 - 2023 việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn Thành phố với các nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả.

UBND TP yêu cầu phải báo cáo ngay trong tháng 8 này để xem xét, chỉ đạo.

Trước đó, theo đánh giá của Thường trực HĐND TP Hà Nội, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của HĐND thành phố, gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND thành phố và kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố, kết quả đạt rất thấp mặc dù UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các tồn tại, hạn chế trong xử lý vi phạm dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Tổng hợp danh mục các dự án vẫn chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai còn tồn tại vi phạm từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay cần tiếp tục được các cơ quan, đơn vị theo dõi, đôn đốc, giám sát việc triển khai dự án theo quy định, bao gồm:

Nhóm 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt. Trong đó có 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND thành phố chấm dứt dự án theo quy định; 31 dự án chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các Luật; 8 dự án chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ; 6 dự án thành phố đã có chỉ đạo giao các sở chuyên ngành kiểm tra, thanh tra, chờ thực hiện theo kết luận.

Ngoài ra, có nhóm 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật đến thời điểm tháng 5. Trong đó có: 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác; 39 dự án dừng thanh tra (do các cơ quan khác thanh tra hoặc dự án chưa được phê duyệt, chưa được giao đất...).

17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND năm 2018 đến tháng 3, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.

 

*Vtv.vn (18/8): Đề nghị ngân hàng thương mại cam kết giảm lãi suất cho vay

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành công văn số 5901/NHNN-TD về thực hiện giảm lãi suất và miễn phí dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc ngân hàng nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, vào cuộc cùng với hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương để chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn thông qua giải pháp hỗ trợ hữu hiệu, thiết thực như giảm lãi suất, phí... theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Mới đây nhất dưới sự định hướng và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức họp 16 tổ chức tín dụng và tự nguyện thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, với nguồn lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, tùy quy mô ngân hàng.

Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phát huy vai trò tiên phong, ngoài gói hỗ trợ chung, mỗi ngân hàng còn cam kết bỏ thêm khoảng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch COVID-19 đang phải thực hiện giãn cách, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Bốn ngân hàng này cũng sẽ triển khai miễn phí 100% tất cả các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết, để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Bên cạnh giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho doanh nghiệp. Ước tính tổng số phí mà các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng.

 

*Vtv.vn (20/8): TP Hồ Chí Minh hỗ trợ toàn bộ 2,5 triệu người khó khăn, không phân biệt hộ khẩu

Trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 lên mọi mặt đời sống, một chính sách chưa từng có tiền lệ đã được TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch triển khai. 2,5 triệu người dân đang sinh sống trên địa TP Hồ Chí Minh, gặp khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền và gạo. Cán bộ địa phương sẽ mang đến tận nhà trao tận tay cho bà con, với tiêu chí không để người dân cơ cực, thà chi nhiều còn hơn bỏ sót.

Theo Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh, thống kê nhanh có 2,5 triệu người dân khó khăn cần được hỗ trợ. TP đang huy động mọi nguồn lực từ ngân sách Trung ương, địa phương cho đến nguồn xã hội hoá để có kinh phí thực hiện. Việc hỗ trợ là vô điều kiện, không phân biệt hộ khẩu. Dự kiến, mỗi người sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng và 10 kg gạo.

Chương trình 1 triệu túi an sinh cũng được triển khai ngay trong tuần sau. Mỗi túi gồm lương thực, thực phẩm, thuốc men thông dụng. Tuỳ từng điều kiện, hoàn cảnh hỗ trợ, các túi an sinh sẽ được trao cho người dân đủ dùng trong 1 tuần, 2 tuần, thậm chí kéo dài đến hết thời gian giãn cách xã hội. Tất cả người dân nghèo, lao động gặp khó khăn đều được nhận hỗ trợ

Không chỉ triển khai gấp rút các gói hỗ trợ, các địa phương đều liên tục cử người đi vận động bà con yên tâm ở lại, cùng TP Hồ Chí Minh chống dịch.

Về tiến độ chi trả của các gói hỗ trợ, Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay gói một đã cơ bản hoàn thành. Gói hỗ trợ số 2 do còn cập nhật, bổ sung đối tượng nên mới chỉ giải ngân được khoảng 40%. TP vừa chấp thuận bổ sung kinh phí cho UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện gần 1.100 tỷ đồng để triển khai chi phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

 

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

*Tienphong.vn (19/8): Đề xuất gói hỗ trợ toàn diện cứu doanh nghiệp: Cần thực chất

Dịch COVID-19 qua 4 lần bùng phát đã “vắt kiệt” nguồn lực dự trữ của doanh nghiệp. Trước thực trạng nguy cấp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu được thông qua, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp được tiếp cận hỗ trợ toàn diện, quy mô lớn nhất.

Hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp trong năm nay

Tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo Bộ KH&ĐT, với mục tiêu sớm khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất, dự thảo do Bộ thực hiện, đặt chỉ tiêu hết năm 2021 có hàng triệu lượt doanh nghiệp được hỗ trợ.

Cụ thể, đến hết năm 2021, luỹ kế khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ; khoảng 160 nghìn doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; khoảng 50 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động...

Trong các nhóm nhiệm vụ của dự thảo Nghị quyết, Bộ KH&ĐT chú trọng đến 4 phần việc: Thực hiện linh hoạt hiệu quả biện pháp phòng dịch, tạo điều kiện ổn định, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; lưu thông hàng hoá thông suốt, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.

Những bất cập doanh nghiệp phản ánh thời gian qua như tình trạng ùn ứ, ách tắc lưu thông hàng hóa tại một số cảng biển, đường bộ, đường thủy; vướng mắc mô hình tổ chức sản xuất an toàn “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”; khó khăn về dòng tiền… cũng được đưa vào dự thảo.

Kỳ vọng sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi

Nhận xét dự thảo Nghị quyết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng , trong điều kiện cực kỳ khó khăn hiện nay, Nghị quyết nếu được thông qua, sẽ phát huy vai trò hỗ trợ, phục hồi sản xuất kinh doanh rất lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Thịnh lưu ý giải pháp nêu trong dự thảo cần được xem xét kỹ, có gì khác với các gói đang thực hiện; nguồn lực, cách thức hỗ trợ từ đâu; khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước, và khả năng tiếp nhận của doanh nghiệp đến mức nào. “Hỗ trợ đưa ra nhưng không thực hiện được thì rất mất uy tín. Vừa qua, một số ngân hàng cam kết hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được, đã có trường hợp từ chối vì điều kiện phức tạp. Hỗ trợ liên quan đến lãi suất cần có mức hưởng cụ thể, không cào bằng, xem xét trên cơ sở khó khăn của mỗi doanh nghiệp”, ông Thịnh nói.

Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, hơn 1 năm chịu tác động dịch bệnh, doanh nghiệp đang trong tình trạng kiệt quệ. “Chẳng hạn một công ty có 150 lái xe, hiện hằng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại. Đây là một chi phí khủng khiếp. Không có cơ quan nào đứng ra làm đầu mối, thống nhất các biện pháp phòng dịch dẫn tới khó khăn khắp nơi cho doanh nghiệp, ông Nghĩa nói.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam ước tính, tình trạng trên gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày cho các doanh nghiệp thành viên.

 

QUẢN LÝ

*Chinhphu.vn (18/8): 4 tỉnh ĐBSCL tạo thuận lợi tối đa cho tiêu thụ lúa gạo

Tổng công ty Lương thực miền Bắc cùng với UBND các tỉnh, thành: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ họp bàn tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo. Hiện nay, cơ bản các nhà máy đã làm việc và thống nhất với địa phương về triển khai phương án 3 tại chỗ để tiếp tục đẩy mạnh thu mua lúa cho nông dân.

VINAFOOD 1 cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không để dân thiếu ăn, thiếu mặc, Tổng công ty đã dự trữ gần 120.000 tấn sẵn sàng đưa vào lưu thông với giá bình ổn.

Đến hết tháng 7/2021, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã ký hợp đồng xuất khẩu trên 530.000 tấn gạo. Lượng gạo thực xuất đạt trên 357.000 tấn. Tồn trữ lúa gạo toàn Tổng công ty đạt 118.000 tấn đang được bảo quản tại các kho của Tổng công ty và đơn vị thành viên tại ĐBSCL và một số tỉnh phía bắc.

Từ đầu tháng 7 đến nay, hoạt động thu mua lúa gạo của Tổng công ty gặp khó khăn do các tỉnh ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội; hoạt động thu hoạch, vận chuyển, lưu thông, sản xuất chế biến của các nhà máy hầu hết đều rất khó khăn. Tổng công ty đang tổ chức giao hàng cho 2 tàu và đóng container tại cảng TPHCM (khoảng 50.000 tấn gạo) nhưng lại bị ách tắc tại cảng. Việc xuất hàng tại các cảng Thốt Nốt-Cần Thơ và Mỹ Thới-An Giang cũng đang bị ngưng trệ do thiếu lực lượng bốc xếp.

Trong tháng 8, theo kế hoạch Tổng công ty sẽ giao khoảng 80.000 tấn gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, do dịch bệnh khiến chuỗi logistic trong thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nên người mua chưa thuê được tàu/container vào cảng lấy hàng. Vì vậy, việc giải phóng hàng tồn, mở rộng tích lượng để tiếp tục thu mua tạm trữ với số lượng lớn là khó khả thi. Tổng công ty đã có chỉ đạo các kho triển khai đặt hàng thu mua nguyên liệu để duy trì sản xuất trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch và sẽ đẩy mạnh từ giữa tháng 8 trở đi khi giãn cách xã hội được nới lỏng tại các địa phương.

Để tháo gỡ khó khăn, ngày 9/8, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã cùng với UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP. Cần Thơ họp trực tuyến để tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo.

Theo VINAFOOD 1, tại cuộc họp, các địa phương đã thống nhất phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, lực lượng tham gia chuỗi cung ứng nhằm tiêu thụ hết lúa gạo vụ hè thu và thu đông sắp tới cho bà con nông dân. Hiện nay cơ bản các nhà máy đã làm việc và thống nhất với địa phương về triển khai phương án 3 tại chỗ để tiếp tục đẩy mạnh thu mua lúa cho nông dân.

Đại diện VINAFOOD 1 cũng cho biết bên cạnh những thuận lợi, Tổng công ty cũng đang gặp một số vướng mắc, chủ yếu ở cơ chế, chính sách nên đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai các phương án sản xuất kinh doanh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, với tinh thần gỡ vướng tối đa cho doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp thu những đề xuất của VINAFOOD 1 và cùng doanh nghiệp tìm hướng tháo gỡ khó khăn trước mắt, tạo thuận lợi tối đa trong việc thu mua lúa gạo, đảm bảo giá trị sản xuất cho người nông dân.

 

*Tienphong.vn (19/8): Vận tải còn điểm nghẽn dù có 'luồng xanh', Tổng cục Đường bộ công bố đường dây nóng

Dù luồng xanh đã mang đến sự đột phá khơi thông vận tải hàng hóa, nhưng đến thời điểm này, một số nơi vẫn xuất hiện những điểm nghẽn. Trước tình trạng này, Tổng cục Đường bộ VN phải vào cuộc công bố đường dây nóng để gỡ khó cho doanh nghiệp.

COVID-19 đã và đang gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề cho các DN vận tải nói chung và vận tải hàng hóa nói riêng. Các doanh nghiệp vận tải gặp khó khi nhiều tỉnh quy định một kiểu về xét nghiệm COVID-19, có những nơi yêu cầu tài xế xét nghiệm PCR thay vì test nhanh khiến chi phí đội lên.

Mới đây, Tổng cục Đường bộ VN vừa có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố công bố 2 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin về vận tải đường bộ.

Theo đó, số điện thoại tiếp nhận thông tin và hướng dẫn, giải đáp các nội dung liên quan đến hoạt động vận tải bằng xe ô tô phản ánh theo số: 0886016640.

Số điện thoại tiếp nhận thông tin và hướng dẫn giải đáp về an toàn giao thông, điều tiết, phân luồng giao thông: 0916608085.

Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố công bố đường dây nóng của Sở GTVT để tiếp nhận thông tin và hướng dẫn, giải đáp kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

 

*Tienphong.vn (19/8): Bình Dương không thu học phí kỳ I, đề xuất ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’ 2 điểm nóng

Qua đánh giá tình hình, Bình Dương xác định TP Thuận An và TX Tân Uyên là hai khu vực thuộc “điểm nóng” dịch bệnh. Từ đó, ngành y tế đề xuất “nội bất xuất, ngoại bất nhập” hai địa phương này trên tinh thần nhà ai ở nhà đó. Đồng thời cung ứng thực phẩm đến từng khu trọ, bán hàng thực phẩm thiết yếu trực tiếp tại ổ dịch để người dân hạn chế ra khỏi nhà.

Liên quan đến việc học trong bối cảnh địa phương đang diễn biến phức tạp bởi dịch bệnh, Bình Dương thống nhất thực hiện “Ngày tựu trường”, “Ngày khai giảng” bằng hình thức trực tuyến. Thống nhất, hình thức dạy - học trực tuyến 2 tháng đầu nhưng phải thường xuyên để tăng thời lượng cho học sinh được ôn luyện xuyên suốt năm học.

Ngoài ra, Bình Dương thống nhất không thu học phí học kỳ I năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục công lập; không tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

 

*Tienphong.vn (18/8): Ông Nguyễn Đức Chung nhận trách nhiệm, 'xin' không xử lý cán bộ dưới quyền

Theo kết luận của Cơ quan CSĐT – Bộ Công an, trong vụ án vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan, bị can Nguyễn Đức Chung xin chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo các đơn vị và các cá nhân thực hiện mua chế phẩm Redoxy 3C để phục vụ công tác thử nghiệm đối với 2 hợp đồng đầu (với trị giá khoảng 6,9 tỷ đồng).

Còn các hợp đồng sau, ông Chung không nhận trách nhiệm với lý do đã được Thường trực Thành ủy Hà Nội nhất trí cho mua Redoxy 3C và giao cho Ban cán sự Đảng UBND TP thực hiện.

Tuy nhiên, khi CQĐT xác định rõ phần thiệt hại, ông Chung xin chịu trách nhiệm và xin được liên hệ với gia đình thu xếp nộp số tiền này để khắc phục hậu quả và khẳng định, đây là việc làm vì cái chung, ông không chỉ đạo cấp dưới phải làm sai.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Đức Chung cũng tha thiết đề nghị CQĐT xem xét không xử lý tiếp các cán bộ sở ngành và Công ty Thoát nước (cả cán bộ đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu); tạo điều kiện cho họ một cơ hội để công tác, gia đình yên ổn.

Vì sao vợ ông Nguyễn Đức Chung thoát tội

Vẫn theo kết luận điều tra, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) có hành vi giả chữ ký của con trai trong hồ sơ thành lập Công ty Arktic và làm giả hồ sơ chuyển nhượng cổ phần sang tên người khác. Nhưng thực tế bà Hoa không điều hành hoạt động của công ty, việc chuyển nhượng cổ phần do ông Chung chỉ đạo, vì thế, hành vi của bà Hoa chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

*Baodongnai.com.vn (18/8): Đảm bảo an toàn cho người dân khi giải quyết thủ tục hành chính

Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo tuyên truyền đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích, hạn chế hình thức tiếp nhận và trả kết quả trực tiếp trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (chỉ tiếp nhận trực tiếp đối với các TTHC có tính chất cấp bách, trong ngày) nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

* Thay đổi hình thức tiếp nhận hồ sơ

Theo Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn, từ đầu năm đến nay, công tác cải cách hành chính, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Huyện chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT; đơn giản hóa các quy định trong giải quyết, xử lý TTHC; tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích, hạn chế tụ tập đông người và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Trưởng phòng Nội vụ TP.Biên Hòa Nguyễn Thanh Nhã cho hay, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC chính, thành phố tích cực triển khai thực hiện các thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã. Từ chỉ đạo của UBND thành phố, các đơn vị, địa phương đã thường xuyên theo dõi, cập nhật danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo thẩm quyền giải quyết trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh; tăng cường tuyên truyền và tiếp nhận, xử lý kịp thời hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của người dân, nhất là trong giai đoạn triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại bộ phận một cửa các cấp.

Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, các sở, ngành trong tỉnh cũng như bộ phận một cửa các huyện, thành phố cũng đều ban hành các văn bản hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thay đổi hình thức nhận hồ sơ trong phòng, chống dịch Covid-19 như: hướng dẫn, tư vấn cho người dân, doanh nghiệp qua điện thoại, Zalo, email; hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại địa chỉ: dichvucong.gov.vn hoặc dichvucong.dongnai.gov.vn, hệ thống bưu điện…, giúp người dân giải quyết TTHC an toàn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

UBND tỉnh tiếp tục nâng cấp phần mềm Một cửa điện tử eGov, Cổng dịch vụ công trực tuyến cho các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã đáp ứng các quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ; cấu hình các quy trình nội bộ điện tử của các TTHC mới được ban hành. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các sự cố liên quan đến phần mềm Một cửa eGov, đảm bảo việc tiếp nhận, luân chuyển, xử lý hồ sơ được thông suốt hiệu quả.

* Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân

Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Nguyễn Thị Thanh Thảo cho hay, thời gian qua, trung tâm đã sắp xếp bố trí, các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo cho các hoạt động tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân được an toàn, hiệu quả trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, trung tâm cùng với các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Theo UBND tỉnh, tính trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã cung cấp 619 TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, tích hợp 544 TTHC trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đáng ghi nhận, nhiều đơn vị có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 hiện đạt trên 60% như: Sở TT-TT, Sở KH-CN, Sở LĐ-TBXH… Bên cạnh đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tại cấp huyện, cấp xã cải thiện so với cùng kỳ năm 2020.

UBND tỉnh cũng đã thành lập được Tổ công tác xây dựng và triển khai kế hoạch cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 của các cơ quan nhà nước tỉnh Đồng Nai.

Tổng đài 1022 đã phát huy hiệu quả hoạt động hỗ trợ giải đáp vướng mắc, tiếp nhận và xử lý phản ảnh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.

 

*Saigondautu.com.vn (18/8): TP.HCM: Phấn đấu gia tăng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

Trong 4 tháng còn lại của năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu tiêu cực, phấn đấu cải thiện điểm đối với 8 chỉ số PAPI so với năm 2020.

Cả hệ thống chính trị Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng không vì thế mà thành phố lơ là, gián đoạn hoạt động của nền hành chính công.

Đáng chú ý, song song với phòng, chống dịch, thành phố tiếp tục cải thiện các chỉ số cải cách hành chính trong đó có Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như để thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2021 là năm “Thực hiện chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.”

Theo đó, trong 4 tháng còn lại của năm 2021, thành phố phấn đấu cải thiện điểm đối với 8 chỉ số PAPI so với năm 2020.

Cụ thể, thành phố phấn đấu chỉ số “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt trên 6 điểm (năm 2020 đạt 4,45 điểm), chỉ số “công khai, minh bạch” đạt trên 6,5 điểm (năm 2020 đạt 5,35 điểm), chỉ số “trách nhiệm giải trình với người dân” đạt trên 6 điểm (năm 2020 đạt 4,8 điểm), chỉ số "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt trên 6,5 điểm (năm 2020 đạt 6,36 điểm).

Trong khi đó chỉ số “cung ứng dịch vụ công” phấn đấu đạt trên 7,8 điểm (năm 2020 đạt 7,37 điểm), chỉ số “quản trị môi trường” đạt trên 6 điểm (năm 2020 đạt 2,82 điểm) và chỉ số “quản trị điện tử” đạt trên 6 điểm (năm 2020 đạt 3,46 điểm)...

Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố thông tin minh bạch về các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, khoản đóng góp của người dân khi thực hiện các dự án “Nhà nước và nhân dân cùng làm;” công khai và thực hiện đúng quy định về chính sách hỗ trợ xã hội cho hộ nghèo, nhất là đối với khoản hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Thành phố tiếp tục ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo đúng quy định đối với vi phạm về quản lý tài chính, tài sản công; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khung giá đất hiện hành, mức giá đền bù khi thu hồi đất. Bên cạnh đó, thành phố tổ chức đối thoại với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư khi phát sinh nội dung, vấn đề bức xức trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Đối với việc kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, chính quyền các cấp phối hợp, tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó là chống lãng phí, tham nhũng trong mọi lĩnh vực quản lý, đặc biệt liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng, thủ tục hành chính, tài chính.

Về giải quyết thủ tục hành chính, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng, không để tình trạng người dân, tổ chức đi lại nhiều lần để giải quyết hồ sơ, nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn, ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giải quyết thủ tục hành chính.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức rà soát những hạn chế, yếu kém trong công tác cải cách hành chính theo phạm vi lĩnh vực phụ trách, đề ra giải pháp khắc phục; thực hiện nghiêm kết luận thanh tra và khắc phục hạn chế đã được chỉ ra về các kiến nghị xử lý tài chính, về công tác quản lý tài chính kế toán của Kiểm toán Nhà nước.

Để cải thiện chỉ số “quản trị môi trường,” “quản trị điện tử,” thành phố thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, giảm thiểu tiếng ồn tại cộng đồng dân cư; đảm bảo tiến độ đề án xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Không chỉ cải thiện chỉ số PAPI, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính năm 2021 trên địa bàn thành phố nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế để kịp thời chấn chỉnh; tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp nhận và xử lý triệt để phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức cũng như biểu dương nhân rộng cách làm hay, hiệu quả.

Các nội dung kiểm tra tập trung vào cấp phép xây dựng, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện Thư xin lỗi, áp dụng quy trình nội bộ đã được phê duyệt…

Thời gian kiểm tra sẽ được quyết định cụ thể căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

*Dantri.com.vn (19/8): Bộ Tài chính vào cuộc vụ "phù phép" hàng tỷ đồng xe biếu tặng

Theo nguồn tin giấu tên từ Thanh tra Bộ Tài chính, cơ quan này đang yêu cầu Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TPHCM báo cáo vụ việc xe nhập diện biếu tặng được doanh nghiệp khai báo giá tính thuế chỉ vài trăm triệu đồng, sau đó cơ quan hải quan rà soát, áp giá vài tỷ đồng mỗi chiếc.

Đáng chú ý, nếu vụ việc này cơ quan hải quan bị qua mặt, có thể ngân sách Nhà nước sẽ thất thu số thuế rất lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng do có đến hàng chục xe được nhập dạng này đều có giá khai rất thấp.

Đại diện Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, Bộ yêu cầu Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan TPHCM báo cáo rõ vụ việc này, làm rõ việc có hay không doanh nghiệp cố tình khai báo giá xe nhập biếu tặng mức quá thấp để trốn thuế. Và việc xử lý tránh tạo tiền lệ xấu.

Đồng thời, yêu cầu làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi lợi dụng kẽ hở pháp luật để vụ lợi và trốn tránh nghĩa vụ thuế.

 

*Dantri.com.vn (19/8): Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đang làm việc vụ cán bộ đi chơi golf giữa dịch

Liên quan vụ cán bộ Sở Du lịch và Cục Thuế đi đánh golf giữa mùa dịch, tối 18/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đang làm việc.

Trước đó, chiều 18/8, Tổng cục Thuế tiếp tục ban hành quyết định 1204/QĐ-TCT về việc kéo dài thời hạn tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Công Thành thêm 15 ngày, kể từ ngày 19/8.

Lý do Tổng cục Thuế quyết định kéo dài thời hạn tạm đình chỉ công tác đối với ông Thành là để xem xét, kiểm điểm trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

 

*Vtv.vn (18/8): Giám đốc trung tâm công tác xã hội bị tạm đình chỉ vì thiếu trách nhiệm chống dịch

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh do thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch.

Theo TTXVN, chiều 18/8, Ban Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xà hội tỉnh Tiền Giang cho biết đã triển khai quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Lê Văn Bé Chín để thực hiện quy trình xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị quản lý.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tiền Giang Lý Văn Cẩm cho biết, từ việc phát hiện nhân viên dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 8/8, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã báo với cơ quan chức năng tiến hành tầm soát người tiếp xúc gần với ca nhiễm và phát hiện 67 trường hợp mắc COVID-19.

Cơ quan chức năng đã phong tỏa trung tâm, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho toàn bộ trên 357 người hưởng chính sách bảo trợ xã hội và hơn 88 cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh; kết quả ghi nhận thêm 19 trường hợp dương tính khác, nâng tổng số F0 tại ổ dịch này lên 86 người. Trong đó, có 81 đối tượng xã hội được chăm sóc tại trung tâm và 5 viên chức.

Về xử lý ổ dịch, 5 trường hợp F0 là viên chức của trung tâm đã được chuyển đến điều trị tại bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh. Tại Trung tâm đã thiết lập bệnh viện dã chiến để điều trị cho 81 trường hợp F0 là người được hưởng bảo trợ xã hội. Chọn phương án này là do phần lớn các ca dương tính với SARS-CoV-2 là người cao tuổi không có thân nhân; người bị bệnh tâm thần cần có người hỗ trợ trong sinh hoạt hằng ngày nên không thể chuyển đến các bệnh viện dã chiến.

Cơ quan chuyên môn cũng đã xác định được 212 trường hợp F1 của ổ dịch này và tiến hành cách ly tại 3 khu vực tại trung tâm.

 

*Tienphong.vn (19/8): Đất công 'biến' thành dự án nhà ở không qua đấu giá

Nhiều dự án vốn là đất công, sau nhiều giai đoạn lại được “biến hóa” thành các dự án nhà ở thương mại không qua đấu giá đang diễn ra tại Hà Nội.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building tại số 216 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội do Cty CP Veracity làm chủ đầu tư. Ngày 27/1/2003, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định cho Cty TNHH Hoa Phượng Thăng Long (Cty Hoa Phượng Thăng Long) thuê 4.741m2 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Mục đích thuê đất là xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm. Thời gian thuê đất 45 năm kể từ ngày ký quyết định trên (đến năm 2048).

Theo quyết định trên, trong tổng diện tích 4.741m2 có 2.438m2 đất do UBND quận Cầu Giấy quản lý; 38m2 đất là diện tích làm đường nội bộ thuộc khu di dân Tràng Hào do Ban Quản lý dự án Thăng Long quản lý; 2.265m2 đất do UBND phường Trung Hòa quản lý và một số hộ dân đang sử dụng.

Đến năm 2014, một pháp nhân mới là Cty TNHH Hoa phượng Thăng Long Hà Nội (Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội) ra đời, cũng có địa chỉ tại 216 Trần Duy Hưng. Chưa đầy 4 tháng sau, Hoa Phượng Thăng Long đã chuyển nhượng một phần dự án cho Hoa phượng Thăng Long Hà Nội.

Ngày 15/2/2017, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định 1147/QĐ-UBND cho phép Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội chuyển mục đích sử dụng 2.373m2 đất tại thửa B khu 216 Trần Duy Hưng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building. Quyết định này dựa trên các Nghị định của Chính phủ về thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố và đề nghị của Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội.

Như vậy, sau gần 3 năm được cho thuê đất nhưng không triển khai theo mục tiêu ban đầu là thực hiện một phần dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm, Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội lại được chấp thuận hợp tác cùng một doanh nghiệp tư nhân khác, để đầu tư xây dựng chung cư thương mại mà không thông qua đấu giá.

Tương tự, dự án Tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại (Phương Đông Green Park), số 1 Trần Thủ Độ, Hoàng Mai do Cty TNHH MTV đầu tư Phương Đông làm chủ đầu tư. Tiền thân của dự án là Tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại do Tổng Cty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn - Cty TNHH MTV (100% vốn nhà nước) làm chủ đầu tư, được thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2011.

Sau thời gian bỏ bẵng, tháng 8/2017, UBND thành phố Hà Nội Quyết định thu hồi toàn bộ 4.346,6 m2 đất tại dự án này giao cho Cty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông thuê để làm trụ sở, văn phòng làm việc với lý do, Tổng Cty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam (lúc này đã cổ phần hoá) đã góp vốn bằng toàn bộ tài sản để xây dựng trụ sở, văn phòng làm việc.

Hơn 1 năm sau (tháng 10/2018), thành phố Hà nội lại ban hành Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, giao Cty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông làm nhà đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại với 936 căn chung cư, 13 căn nhà ở thấp tầng, 312 căn cho thuê ngắn hạn.

Để hiện thực hoá chủ trương trên, tháng 7/2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký ban hành Quyết định cho phép Cty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông chuyển toàn bộ mục đích sử dụng đất trên sang thực hiện dự án Tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại.

 

QUY HOẠCH

*Chinhphu.vn (18/8): Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, tránh phải điều chỉnh, bổ sung

Bộ Giao thông vận tải thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, tránh phải điều chỉnh, bổ sung; có chế tài để quản lý quy hoạch hiệu lực, hiệu quả, trong đó gắn trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong triển khai thực hiện quy hoạch.

Đó là nội dung Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới đường bộ và Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thông báo nêu rõ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì, cùng với các bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương xây dựng đồng thời 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch mạng lưới đường bộ, Quy hoạch mạng lưới đường sắt, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa), bảo đảm tiến độ, chất lượng, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.

Để sớm phê duyệt 5 bộ quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải nói chung, Quy hoạch mạng lưới đường bộ, hệ thống cảng biển nói riêng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc xây dựng các quy hoạch phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ; cập nhật các nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết về đầu tư công để bảo đảm tính khả thi về bố trí nguồn lực. Quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, có tính kế thừa, có đổi mới, có tính liên thông, liên kết và bổ sung cho nhau về các loại hình giao thông để sao cho tiết kiệm, hiệu quả; quy hoạch có tính chiến lược và phân kỳ đầu tư, tập trung giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế.

Xác định rõ phương thức vận tải trung tâm để ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu dự họp để hoàn thiện các quy hoạch trên quan điểm phải bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh và an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, cân đối hài hòa giữa các phương thức vận tải, xác định rõ phương thức vận tải trung tâm để ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, trên cơ sở bảo đảm tính đồng bộ, kết nối liên thông trong từng phương thức vận tải cũng như trong hệ thống các phương thức vận tải; làm rõ cơ sở lựa chọn quy mô cao tốc, xác định hướng tuyến bảo đảm tối ưu việc lựa chọn ngắn nhất có thể không đi qua khu đô thị, bám sát đường cũ mà phải gắn phát triển không gian đô thị mới với các tuyến cao tốc. Rà soát lại các thuật ngữ chuyên ngành sử dụng trong các quy hoạch, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đối với quy hoạch cảng biển, bảo đảm nguyên tắc phát huy tối đa lợi thế của quốc gia có biển, lấy cảng biển là trung tâm, đầu mối tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa, hành khách được kết nối đồng bộ với các phương thức khác. Ưu tiên phát triển các cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng, Cái Mép Thị Vải - Bà Rịa Vũng Tàu. Nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng Vân Phong - Khánh Hòa để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý. Nghiên cứu Quy hoạch định hướng phát triển cảng Trần Đề phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao rà soát việc quy hoạch cảng biển tại các đảo nhằm phục vụ phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh - quốc phòng, phù hợp với pháp luật quốc tế.

Quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải phải bảo đảm tính mở, dễ thực hiện, có sự gắn kết với các quy hoạch chuyên ngành khác tạo thành hệ thống tổng thể, thống nhất, tránh manh mún chia cắt; bảo đảm tầm nhìn xa, có chiến lược lâu dài, khả thi, chống tiêu cực trong xây dựng và thực hiện quy hoạch.
Nghiên cứu đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông như vốn Nhà nước, doanh nghiệp, phát hành trái phiếu, ODA, quỹ đầu tư phát triển và các nguồn vốn hợp pháp khác; sắp xếp thứ tự ưu tiên nghiên cứu đầu tư phù hợp với khả năng cân đối và bố trí nguồn lực.

Có chế tài để quản lý quy hoạch hiệu lực, hiệu quả

Bộ Giao thông vận tải thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, tránh phải điều chỉnh, bổ sung; có chế tài để quản lý quy hoạch hiệu lực, hiệu quả, trong đó gắn trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong triển khai thực hiện quy hoạch. Trong đó, thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý đầu tư xây dựng nhằm huy động tối đa nguồn lực của các địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Nghiên cứu đề xuất nhu cầu sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả, quản lý chặt chẽ đất quy hoạch, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc cập nhật các nội dung liên quan đến quy hoạch trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, rà soát lại các quy định của pháp luật có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai quy hoạch; nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển trong việc lập quy hoạch. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện quy hoạch, trong đó có các quy hoạch vùng, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ.

 

THẾ GIỚI

*Vtv.vn (18/8): Anh cấp phép dùng vaccine của Moderna cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi

Ngày 17/8, Cơ quan Quản lý dược phẩm Anh đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi.

Động thái này diễn ra hơn 2 tháng sau khi vaccine của hãng Pfizer-BioNTech cũng đã được giới chức y tế Anh phê duyệt để sử dụng cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Anh đang xem xét để cấp phép tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech cho nhóm đối tượng là thanh thiếu niên từ 16 - 17 tuổi.

Tháng 7, Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu đã khuyến nghị sử dụng vaccine của Moderna cho nhóm đối tượng là thanh thiếu niên và Mỹ cũng đang xem xét vấn đề này. Hiện Anh đang tiến hành tiêm chủng vaccine của hãng Moderna cho những người từ 18 tuổi trở lên.

 

*Dantri.com.vn (18/8): Mỹ bắt đầu chuyển 500 triệu liều vắc xin Covid-19 cho thế giới

Chính phủ Mỹ bắt đầu vận chuyển lô vắc xin đầu tiên trong số 500 triệu liều vắc xin Covid-19 mà Washington cam kết chia sẻ với các nước trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch.

Trợ lý thư ký báo chí Nhà Trắng Kevin Munoz ngày 17/8 cho biết trên Twitter rằng, Mỹ đang chuyển hơn 488.000 liều vắc xin Pfizer cho Rwanda thông qua chương trình COVAX của Liên Hợp Quốc. Đây là lô vắc xin gồm hơn 188.000 liều đầu tiên trong 500 triệu liều vắc xin Pfizer mà chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết chia sẻ với thế giới, 300.000 liều còn lại được trích từ nguồn cung hiện có của Mỹ.

Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm biến nước Mỹ trở thành kho vắc xin của thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19. Ông Biden từng nhiều lần nhấn mạnh, vắc xin được chia sẻ không kèm theo bất cứ điều kiện ràng buộc nào.

Sau khi cung cấp 80 triệu liều vắc xin cho các nước, Mỹ cam kết cung cấp thêm 500 triệu liều vắc xin, trong đó 200 triệu liều sẽ được phân phối trong năm nay, 300 triệu liều còn lại sẽ phân phối vào nửa đầu năm 2022. Khoảng 75% số vắc xin này sẽ được chia sẻ thông qua COVAX, 25% được Mỹ chia sẻ trực tiếp cho các quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngoài ra, Mỹ cũng cam kết đóng góp 2 tỷ USD cho sáng kiến vắc xin toàn cầu.

 

*Vtv.vn (19/8): Singapore thử nghiệm vaccine COVID-19 chống lại biến thể Delta và các chủng khác

Singapore sẽ sớm tiến hành thử nghiệm lâm sàng 2 loại vaccine phòng COVID-19 để chống lại 4 loại biến thể được xếp vào hạng mục đáng quan ngại, trong đó có chủng Delta.

Giai đoạn đầu của thử nghiệm lâm sàng vừa được phê duyệt bởi Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA). Giai đoạn này sẽ đánh giá độ an toàn của các loại vaccine và phản ứng miễn dịch chống lại biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta cùng với khả năng tiêm nhắc lại đối với những người đã tiêm chủng. Các loại vaccine này được phát triển bởi công ty sản xuất dược phẩm Arcturus Therapeutics.

Quá trình thử nghiệm nhắm đến các tình nguyện viên có sức khỏe tốt, bao gồm cả nam và nữ trong độ tuổi từ 21 đến 65. Quá trình này sẽ được giám sát bởi Đơn vị Điều tra Y tế Singapore do Phó Giáo sư Jenny Low chủ trì.

Thử nghiệm lâm sàng này hiện đang trong giai đoạn 1 và 2.

 

*Vtv.vn (19/8): Châu Âu ghi nhận hàng chục ngàn vụ cháy rừng thảm khốc

Từ Hy Lạp đến Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy, Pháp… hàng chục ngàn vụ cháy rừng đã gây ra những thiệt hại lớn chưa từng thấy ở các quốc gia Nam Âu này.

Từ vài năm nay, các đợt nắng nóng thiêu đốt châu Âu dày hơn, dài hơn, nóng bức hơn. Số vụ cháy rừng cũng vì thế mà mỗi năm một nhiều thêm, cháy rộng thêm và khó dập tắt. Chưa thể thống kê được những thiệt hại mà các vụ cháy rừng năm nay gây ra. Những con số đầu tiên vừa công bố luôn kèm theo cụm từ "cao nhất từ trước tới nay". Nắng nóng chưa kết thúc, lửa vẫn có thể bùng lên bất cứ lúc nào tại các nước Nam Âu. Biến đổi khí hậu là một mồi lửa gây ra những thảm họa cháy rừng như đang xảy ra ở châu Âu.

Theo một số nhà khoa học, các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ở cả những nước vốn hay xảy ra cháy rừng, hiện nay cũng không đủ để đối phó với các vụ cháy ngày càng trầm trọng hơn.

Hàng chục ngàn trận cháy rừng đã và đang gây ra những thiệt hại khó có thể bù đắp được. Ước tính từ năm 1980 đến 2019, các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan gây thiệt hại gần 500 tỷ euro cho các nước ở châu Âu.

Nhiều chuyên gia đến giờ không còn giữ được sự lạc quan về tiến độ của các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Họ cho rằng cháy rừng nhiều hơn, các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên hơn sẽ là điều "bình thường mới" của trái đất này.

 

*Vtv.vn (19/8): Ấn Độ có thể thu về 11 tỷ USD từ vaccine ngừa COVID-19

Ngành dược phẩm của Ấn Độ đang tìm kiếm cơ hội thu 10 - 11 tỷ USD dưới dạng cung cấp vaccine ngừa COVID-19, ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu trong 3 năm tới.

Hãng tin PTI trích nguồn tin đánh giá của Cơ quan xếp hạng Care Ratings cho biết thông tin trên. Theo đó, các hãng dược phẩm Ấn Độ sẽ còn dư địa đáp ứng nhu cầu vaccine của thị trường trong nước đến tháng 3/2022 khi nước này hoàn thành phần lớn mục tiêu tiêm chủng.

Khi nhu cầu trong nước đã bão hòa, Ấn Độ sẽ đặt mục tiêu xuất khẩu 1,25 tỷ liều vaccine sang nhiều quốc gia châu Phi và châu Á, nơi tốc độ tiêm chủng còn chậm.

Các nhà sản xuất vaccine Ấn Độ khó có khả năng đặt mức giá tương đương các công ty dược đa quốc gia dẫn đầu thị trường hiện nay, vốn nằm trong khoảng từ 15 - 25 USD/liều. Mức giá trung bình các công ty Ấn Độ có thể kỳ vọng dao động trong khoảng từ 3,25 - 3,5 USD/liều.

 

*Vtv.vn (19/8): Trung Quốc phát triển hệ thống dự báo các hoạt động địa chất và khí quyển

Hệ thống này có thể giám sát đồng thời gần 20 đại lượng vật lý như rung động bề mặt Trái Đất, áp suất không khí, độ cô đặc hạt điện tử ở tầng điện ly...

Một nhóm nhà nghiên cứu đến từ hơn 10 viện nghiên cứu của Trung Quốc gần đây đã phát triển một hệ thống giám sát độ rung, nhiễu trong lòng địa chất, khí quyền và tầng điện ly, có tên gọi là MVP-LAI, nhằm giúp dự báo các hoạt động địa chất.

Theo chuyên gia Chen Jiehong - một thành viên của nhóm nghiên cứu, hệ thống này có thể giám sát đồng thời gần 20 đại lượng vật lý như rung động bề mặt Trái Đất, áp suất không khí, cũng như độ cô đặc hạt điện tử ở tầng điện ly chỉ bằng một trạm quan sát đơn lẻ.

Ông Chen thông báo, hệ thống MVP-LAI có 14 loại thiết bị quan sát, đồng thời cũng cho biết thêm trạm quan sát được đặt tại ngoại ô thành phố Lạc Sơn nằm ở phía Tây Nam của Trung Quốc và các hoạt động địa chất xung quanh khu vực này đang diễn ra tích cực, điều này có lợi cho việc nghiên cứu địa vật lý, động đất, cũng như thảm họa địa chất.

Hệ thống này được nhóm chuyên gia kỳ vọng sẽ cung cấp các dữ liệu cần thiết cho việc nghiên cứu các vấn đề khoa học quốc tế, ví dụ như cơ chế biến thiên theo thời gian và không gian của trường điện từ và cơ chế hoạt động của lớp vỏ Trái Đất trước khi xảy ra động đất.

 

*Dantri.com.vn (19/8): WHO chỉ trích các nước giàu vội vã tiêm mũi vắc xin tăng cường

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích việc các nước giàu vội vã triển khai hoặc sắp triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 mũi tăng cường trong khi hàng triệu người trên thế giới chưa được tiêm.

Giới chức Mỹ cho rằng, vắc xin vẫn có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong do Covid-19, nhưng hiệu quả có thể giảm dần theo thời gian, do vậy họ quyết định cấp phép tiêm bổ sung từ ngày 20/9 cho toàn bộ người Mỹ đã tiêm đầy đủ 2 mũi cách đó 8 tháng. Mỹ trước đó đã cấp phép tiêm mũi tăng cường cho những người suy giảm miễn dịch.

Các chuyên gia của WHO cho biết, hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định tiêm liều tăng cường là cần thiết, đồng thời cho rằng việc triển khai tiêm bổ sung trong bối cảnh nhiều người chưa có vắc xin để tiêm là một vấn đề về đạo đức.

Đầu tháng này, WHO đã kêu gọi các nước giàu hoãn tiêm chủng bổ sung để giảm bớt tình trạng mất cân bằng nguồn cung vắc xin hiện nay, tạo thêm cơ hội cho các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận vắc xin.

Bất chấp những kêu gọi này, nhiều nước đã hoặc sắp triển khai tiêm mũi vắc xin tăng cường cho người dân. Trong đó, Israel bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho người trên 50 tuổi, Mỹ, Anh, Đức dự kiến triển khai từ tháng 9.

Tình trạng mất cân bằng nguồn cung vắc xin càng trở nên đáng lo ngại hơn khi hiện nay thế giới đang phải chật vật đối phó với biến chủng Delta, một biến chủng của SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn và có thể dễ né miễn dịch hơn. Tại châu Phi, theo WHO, hiện chưa đến 2% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Xem chi tiết tại đây

Tin mới nhất

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

<< < 1 2 3 4 5  ... > >> 
°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
358 người đã bình chọn