VPUB - Bà con dân tộc Hà Nhì vui tết cổ truyền dân tộc (Khù sự chà) năm 2020 tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé

Update 15 - 12 - 2020
100%

Dienbien.gov.vn - Từ ngày 15 - 16/12, tại bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, UBND huyện Mường Nhé tổ chức Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì cho bà con 4 xã Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải thuộc huyện Mường Nhé - nơi được định danh là “một con gà gáy, 3 nước cùng nghe”, cũng là nơi địa đầu của Tổ quốc có mốc giao điểm Việt - Lào - Trung.

Lãnh đạo HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc Việt Nam huyện Mường Nhé tặng quà 4 xã trong ngày Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì.

Ôn lại truyền thống, ý nghĩa của Tết dân tộc Hà Nhì, ông Pờ Kế - Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé cho biết: “Đồng bào dân tộc Hà Nhì từ trước đến nay luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ vững và phát huy truyền thng yêu nước, giữ gìn lãnh thổ. Người Hà Nhì đoàn kết cùng các dân tộc anh em xây dựng biên cương Mường Nhé vững chắc và ngày càng phát triển. Trong cộng đồng 54 dân tộc, dân tộc Hà Nhì là một trong những dân tộc đón tết sớm hơn so với Tết Nguyên đán. Tết cổ truyền là dịp để giới thiệu mảnh đất và con người các xã đồng bào Hà Nhì nói riêng và đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Nhé nói chung”.

Đ/c Nguyễn Quang Hưng - Bí thư Huyện ủy Mường Nhé làm lễ tại Tá Miếu trong ngày khai mạc Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì.

Tết cổ truyền của người Hà Nhì thường diễn ra 3 ngày, bắt đầu vào ngày Thìn, không kể đầu tháng hay cuối tháng, tùy từng bản, từng xã tổ chức sớm hay muộn. Đêm đầu tiên của tết được coi như đêm Giao thừa. Sáng sớm ngày mùng 1 tết, người Hà Nhì có tục lệ đi lấy nước, dân tộc Hà Nhì quan niệm rằng, việc lấy nước đầu năm là lộc và có nguồn nước mới dồi dào sử dụng ngay từ đầu năm sẽ may mắn trong cả năm.

Cũng như các dân tộc khác, ngày tết phải đầy đủ, đầm ấm và vui vẻ nên người Hà Nhì chuẩn bị rất chu đáo, tươm tất từ trang phục truyền thống đến lương thực, thực phẩm, bánh trái. Đặc biệt là các loại bánh truyền thống (bánh trôi, bánh giầy, bánh chưng) được các gia đình làm nhiều, không chỉ để thờ cúng tổ tiên mà còn chia cho con cháu hưởng lộc ngày tết và làm quà biếu cho khách. Riêng bánh cúng tổ tiên, chủ nhà nặn 3 chiếc to hơn bánh thường và đặt lên tấm lá chuối dâng lên tổ tiên, trình báo năm hết tết đến, mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu và đây được coi là món khai vị ngày tết.

Sau lễ cúng tổ tiên với bánh trôi, bánh giầy là lúc đầu canh ba, nhà nhà thi nhau mổ lợn. Gọi là "thi" vì người Hà Nhì quan niệm nhà nào mổ lợn xong sớm, chọc tiết lợn một lần là được ngay, thì sang năm sẽ phát tài phát lộc, cuộc sống no ấm, con cháu sum vầy. Nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua nhà đó làm ăn được, mùa màng bội thu. Bởi thế, những con lợn mổ tết thường là những con lợn đã được chủ nhà dày công chăm sóc trong cả năm, nhiều con nặng tới hơn một tạ. Con lợn mổ ăn tết, lá gan là thứ đặc biệt quan trọng của người Hà Nhì giống như người Kinh vẫn hay xem chân gà vào dịp tết. Họ nhìn vào lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tắn, mật lợn căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh. Lợn mổ xong, cắt mỗi thứ một ít để cúng tổ tiên. Phần còn lại pha chế thành nhiều món, nhưng không thể thiếu món nộm thịt với vỏ của một loại cây rừng mà họ gọi là “Chù Sa a pó”, đây là món đặc trưng ngày tết vừa ngon vừa bổ, vừa ý nghĩa...

 Thịt lợn là món ăn quen thuộc trong dịp Tết cổ truyền của người Hà Nhì.

Việc thờ cúng ngày tết của dân tộc Hà Nhì cũng rất gọn nhẹ mà có ý nghĩa sâu sắc. Không hương hoa, vàng mã, bày biện, mâm cúng tổ tiên là các sản vật do chính bàn tay con cháu làm ra như bánh giầy, bánh trôi, rượu, gừng, muối ớt, cơm, thịt. Đặc biệt, việc cúng tổ tiên trong ngày tết của người Hà Nhì là do phụ nữ đảm nhiệm. Nơi thờ cúng bên nội của người Hà Nhì được đặt ngay bên trên đầu giường của vợ chồng gia chủ. Nơi thờ bên ngoại được đặt ở góc bếp.

Trong những ngày tết, khắp trong bản ngoài mường, đâu đâu cũng tưng bừng, nhộn nhịp. Những người cao tuổi cùng nhau đi chúc tết các gia đình với những lời tốt đẹp nhất và tình cảm chân thành. Tại bữa tiệc đầu xuân năm mới, người khách quý nhất sẽ được mời một mâm riêng. Con cháu nội ngoại đều đến chúc tết ông bà và cúi lạy bàn thờ tổ tiên, được ông bà chia lộc và chúc phúc rồi quây quần đầm ấm vui vẻ. Bên mâm rượu, họ cùng nhau ôn lại thành quả lao động, những câu chuyện về lai lịch dòng tộc hoặc những công việc trong năm tới và chia sẻ kinh nghiệm mùa màng. Ngày mùng 1 tết, người Hà Nhì rất thích các em bé từ 12 tuổi trở xuống, không kể trai, gái đến xông nhà, vì đó là điều may mắn của  gia đình.

Sôi động nhất là khu vực hát múa cộng đồng, tiếng sáo bay bổng, tiếng chiêng rộn rã như thúc giục lòng người đến với hội ngày càng đông. Các trò chơi dân gian như đánh cù, đá cầu lông gà... được các chàng trai, cô gái thể hiện say sưa nhiệt tình. Trong bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của mình, từng đôi nam thanh nữ tú tay trong tay, ánh mắt, nụ cười, trao nhau cùng cất lên câu ca trữ tình, những làn điệu dân ca, sơn vũ được lưu truyền từ muôn đời cha ông. Đây là dịp để chàng trai, cô gái đua tài khoe sắc và sau một mùa chơi xuân, biết bao đôi trai gái kết duyên nên vợ chồng, xây dựng hạnh phúc trăm năm.

Vào ngày thứ 3, kết thúc Tết “Khù sự chà”, tức là ngày con Dê, các gia đình làm một mâm lễ cúng trời đất để cảm ơn đã ban sức khỏe, phù hộ cho dân bản bình an và cầu mong năm mới mùa màng bội thu, súc vật đầy đàn, bản làng yên vui. Theo quan niệm của người Hà Nhì, đi đâu, làm gì cũng phải có trời đất phù hộ thì mới thành, nên đầu năm mới phải cúng trời đất, cầu mong phù hộ cho cả năm an lành.

Tết của người Hà Nhì ngày nay còn được cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp quan tâm đến chúc mừng, chung vui và tạo điều kiện phát triển về phần hội như các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, thể thao... Sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới đã làm cho ngày tết của người Hà Nhì thêm phong phú, đa dạng mà vẫn giữ được những nét văn hóa cổ truyền từ ngàn đời nay. Trong thời hiện đại, bản sắc văn hóa truyền thống trong Tết “Khù sự chà” của người Hà Nhì vẫn còn nguyên vẹn.

Để công tác bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của đồng bào Hà Nhì nói riêng và các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung được làm tốt, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, Pờ Kế đã bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp chung tay góp sức để bảo vệ, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, coi đây là niềm tự hào và là trách nhiệm với sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, để địa danh A Pa Chải trở thành điểm đến có sức thu hút lớn với du khách. Bên cạnh đó, cần  liên kết với các phong tục tập quán đa sắc màu của đồng bào các dân tộc khác để Mường Nhé trở thành điểm du lịch ý nghĩa nằm trong các tour, tuyến du lịch của tỉnh và của cả nước.

Tham gia Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì năm 2020, các đại biểu được thăm mô hình không gian Tết của 4 xã Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải; theo dõi phần giới thiệu nghi lễ cúng năm mới của các đơn vị và dự bữa cơm ngày Tết tại không gian Tết của các xã. Đồng thời, tham quan thi đấu thể thao giao lưu các trò chơi dân gian cộng đồng (tù lu, kéo co, đẩy gậy) diễn ra từ ngày 15 - 16/12/2020.

 Trò chơi truyền thống của người Hà Nhì.

Thông qua Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì sẽ là khởi đầu cho tinh thần, ý chí, tình cảm của các dân tộc cùng đoàn kết để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh mà Đảng bộ tỉnh Điện Biên và Đảng bộ huyện Mường Nhé đã đề ra./.

Lan Phương

Tin mới nhất

VPUB - Tổng kết công tác phối hợp giữa công an xã và chính quyền địa phương(29/02/2024 11:09 CH)

Giải chạy THACO Marathon vì An toàn giao thông - Điện Biên Phủ 2024 sẽ diễn ra vào ngày 14/4(23/01/2024 2:53 CH)

VPUB - Điện Biên giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo...(13/12/2023 11:29 CH)

VPUB - Họp Ban Tổ chức Lễ hội Đua thuyền đuôi én và Giải vô địch các CLB dù lượn quốc gia năm 2024(13/12/2023 7:22 CH)

VPUB - Mường Lay đăng cai Giải dù lượn Quốc gia lần thứ IV(30/11/2023 7:28 CH)

VPUB - Nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng (30/10/2023 9:56 CH)

VPUB - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8 HĐND...(30/07/2022 11:00 CH)

VPUB - Đồng chí Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban...(23/07/2022 3:31 CH)

VPUB – Kỳ thi THPT năm 2022 diễn ra an toàn, nghiêm túc(21/07/2022 12:00 SA)

VPUB - Điện Biên: Tiếp nhận hơn 1 tỉ đồng thực hiện Dự án “Tăng cường tiêm chủng vắc xin Viêm não...(20/07/2022 11:13 CH)

VPUB - Triển khai cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng...(05/05/2022 3:15 CH)

VPUB - Điện Biên: không xảy ra tai nạn giao thông trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5(04/05/2022 11:33 CH)

VPUB - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến kiểm tra thực địa Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã...(30/04/2022 12:42 SA)

VPUB - Đoàn công tác UBND tỉnh kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Dự án trồng cây Mắc ca tại...(30/04/2022 12:07 SA)

VPUB - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến kiểm tra công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy Chứng...(29/04/2022 11:52 CH)

VPUB - Lễ công bố và trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn...(29/04/2022 6:43 CH)

VPUB – Lễ phát động Tết trồng cây - Đời đời nhớ ơn Bác Hồ(08/02/2022 5:54 CH)

VPUB - Xem xét, cho ý kiến vào Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (25/01/2022 7:56 CH)

VPUB - Điện Biên tăng cường các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trên địa bàn(01/07/2021 9:38 CH)

HƯỚNG DẪN TRA CỨU SẢN LƯỢNG ĐIỆN TIÊU THỤ NGÀY TRÊN TRANG WEB: CSKH.NPC.COM.VN(22/06/2021 5:31 CH)

<< < 1 2 3 4 5  ... > >> 
°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
373 người đã bình chọn