Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý I và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II/2017 của tỉnh Điện Biên

Update 20 - 04 - 2017
100%

PHẦN THỨ I

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH TRONG QÚY I NĂM 2017

Trong Quý I/2017, các ngành, các cấp đã tập trung hoàn thành công tác giao chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và dự toán ngân sách năm 2017; xây dựng chương trình, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và dự toán ngân sách năm 2017 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ và Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 10/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng thời lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp các ngành triển khai thực hiện kế hoạch ngay từ những tháng đầu năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả triển khai thực hiện kế hoạch quý I năm 2017 trên các ngành và lĩnh vực như sau:

 I. LĨNH VỰC KINH TẾ

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước quý I (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1.639 tỷ 056 triệu đồng, tăng 5,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 264 tỷ 932 triệu đồng, tăng 3,82%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 432 tỷ 196 triệu đồng, tăng 5,08%; khu vực dịch vụ đạt 894 tỷ 816 triệu đồng, tăng 5,85%. Cụ thể:

 1.  Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản

a) Về sản xuất nông nghiệp:

Lúa đông xuân: Đến nay toàn tỉnh đã gieo cấy được  9.034,2 ha, tăng 2,27% so với cùng kỳ năm trước, đạt 99,90% kế hoạch.

Các loại cây hoa màu vụ đông xuân: Dự ước đến hết tháng 3 toàn tỉnh gieo trồng được: Ngô 620,3 ha, tăng 243,8%  so với cùng kỳ năm trước đạt 2,2% kế hoạch; Lạc 199,6 ha, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước đạt 18,1% kế hoạch.

Cây công nghiệp dài ngày: Tổng diện tích cây chè búp 577,36ha, cao su 5.172,6ha, diện tích trồng chè búp, cao su không biến động so với năm trước. Cây cà phê 4.051,8ha, giảm 83,8 ha so với cùng kỳ năm trước.

b) Về chăn nuôi: Dự ước số gia súc, gia cầm trong tháng 3 như sau: Trâu 129.928 con, tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước; Bò 54.147 con, tăng 5,70% so với cùng kỳ năm trước; lợn 378.939 con, tăng 5,01% so với cùng kỳ năm trước; gia cầm 3.701,040 nghìn con, tăng 6,38% so với cùng kỳ năm trước.

c) Lâm nghiệp: Dự ước sản lượng lâm sản khai thác quý I: Gỗ 4.130 m3, giảm 6,97% so với cùng kỳ năm trước.  Trong quý I, công tác trồng rừng mới đang được triển khai khảo sát, thiết kế và chuẩn bị cây giống để trồng rừng vào các tháng mùa mưa, triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh.

d) Về thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có 2.173,65 ha, tăng 101,17% so với cùng kỳ năm trước. Dự ước sản lượng thuỷ sản quý I/2017 đạt 663,41 tấn, tăng 10,86% so với cùng kỳ năm trước.

2. Về sản xuất công nghiệp- xây dựng

Dự ước GTSX công nghiệp quý I theo giá so sánh năm 2010 đạt 534,07 tỷ đồng, tăng 5,01% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 5,52%; công nghiệp chế biến tăng 5,07%; sản xuất phân phối điện, gas tăng 3,43%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 10,69%. Hoạt động sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tích cực. Lãi suất và cơ chế cho vay vốn của các Ngân hàng khá linh hoạt là những thuận lợi cơ bản cho duy trì ổn định sản xuất và phát triển sản xuất của ngành Công nghiệp.

3. Về thương mại - giá cả, dịch vụ và vận tải

a) Thương mại và dịch vụ du lịch: Hoạt động thương mại và dịch vụ trong quý I/2017 ổn định và có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong quý I theo giá hiện hành đạt 2.104,74 tỷ đồng, tăng 10,15% so với cùng kỳ năm trước, đạt 21,52% kế hoạch năm.

Hoạt động du lịch: Lượng khách đến Điện Biên trong quý I ước đạt 161.125 lượt, đạt 28,8% so với kế hoạch năm, tăng 31,3% so với cùng kỳ 2016; trong đó khách quốc tế đạt 25.600 lượt, đạt 26,1% kế hoạch năm, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ hoạt động du lịch theo giá hiện hành ước đạt 197,8 tỷ đồng, đạt 22,2% so với kế hoạch năm, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm trước.

b) Hoạt động xuất - nhập khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn quý I ước đạt 6,2 triệu USD, tăng 11,71 % so với cùng kỳ năm trước và đạt 15,9% kế hoạch năm. Trong đó xuất khẩu hàng hoá địa phương ước đạt 2,9 triệu USD, dịch vụ đạt 1,9 triệu USD, ngoài địa phương ước đạt 1,4 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Xi Măng Điện Biên, vật liệu xây dựng các loại, hàng hóa khác...

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn quý I ước đạt 4,05 triệu USD đạt 25,31% kế hoạch năm. Trong đó nhập khẩu hàng hoá địa phương ước đạt 2,95 triệu USD, ngoài địa phương ước đạt 1,1 triệu USD. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Máy móc thiết bị, Gỗ các loại và các sản phẩm nông sản (bông chít, củ khúc khắc…) và hàng hóa tiêu dùng khác.

c) Chỉ số giá tiêu dùng: Chỉ số giá tiêu dùng quý I/2017, tăng 6,96% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Duy nhất nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,18% còn lại đa số chỉ số giá các nhóm hàng đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước từ 1-5%, cá biệt nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao (tăng 136,43%), do thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

d) Vận tải và bưu chính viễn thông

Dự ước quý I/2017, doanh thu của hoạt động vận tải theo giá hiện hành là 146,38 tỷ đồng, tăng 9,41% so cùng kỳ năm trước; khối lượng vận chuyển hành khách là 304 nghìn lượt, tăng 8,98% so với cùng kỳ năm trước, khối lượng luân chuyển hành khách là 34,18 triệu KH.Km, tăng 8,54% so với cùng kỳ năm trước; Khối lượng vận chuyển hàng hóa là 765 nghìn tấn, tăng 7,15% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa là 31,2 triệu T.Km, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,06%.

Doanh thu bưu chính viễn thông quý I theo giá hiện hành ước đạt 102,57 tỷ đồng (doanh thu bưu chính đạt 14,52 tỷ đồng, viễn thông đạt 88,03 tỷ đồng) tăng 8,79% so với cùng kỳ năm trước. Số thuê bao điện thoại hiện có đến cuối kỳ báo cáo 432.870 thuê bao (thuê bao cố định 11.570 thuê bao; thuê bao đi động 421.300 thuê bao); số thuê bao internet có đến cuối kỳ báo cáo đạt 17.407 thuê bao.

4. Hoạt động tài chính - ngân hàng

Trong quý I đã tập trung triển khai các nhóm giải pháp quản lý tiền tệ, tài khóa theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ; Các ngân hàng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quy định lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay mới ở mức hợp lý. Ưu tiên tập trung vốn hỗ trợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, các dự án có hiệu quả, góp phần ổn định và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đến hết Quý I dự ước đạt 2.033 tỷ đồng (thu ngân sách địa phương ước 182,6 tỷ đồng đạt 18,6 % so với kế hoạch; Thu ngân sách bổ sung từ trung ương dự ước 1851 tỷ đồng đạt 27,1 % so với kế hoạch). Dự ước Tổng chi ngân sách Nhà nước địa phương quý I/2017 ước đạt 1.713,3 tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 22,4% dự toán.

5. Về phát triển doanh nghiệp: Từ đầu năm đến nay đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 34 doanh nghiệp, với tổng số vốn 421,82 tỷ đồng; cấp Giấy chứng nhận hoạt động cho 2 chi nhánh, văn phòng đại diện; đăng ký thay đổi, bổ sung cho 31 lượt doanh nghiệp. Nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 1.101 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 10.629 tỷ đồng và 175 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại địa phương.

6. Về thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Từ đầu năm đến nay đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư 03 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư 377 tỷ 766 triệu đồng; tiếp tục vận động xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực của tỉnh có lợi thế như: thủy điện, khai thác, du lịch.... 

- Tục tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 02/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Qua đánh giá của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016, trong đó chỉ số PCI của tỉnh đạt 56,48 điểm, xếp hạng 53/63 tỉnh, thành phố, các chỉ số thành phần cơ bản tiếp tục được duy trì, một số chỉ số có chiều hướng cải thiện tích cực như: Tiếp cận đất đai 5,67/4,94, tính minh bạch 6,48/5,31, chi phí thời gian 6,57/5,93...

7. Lĩnh vực đầu tư phát triển

7.1. Tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2017:

7.11. Đối với Nguôn vốn NSNN: Đến ngày 31/01/2017 đã giải ngân được 1.741 tỷ 524 triệu đồng, bằng 88,9% kế hoạch vốn giao, trong đó: Nguồn vốn ngân sách địa phương: 617 tỷ 780 triệu đồng, bằng 94,67%; Các chương trình mục tiêu 655 tỷ 862 triệu đồng, đạt 83,27% kế hoạch giao; Chương trình Mục tiêu quốc gia: 279 tỷ 383 triệu đồng, bằng 92,51% kế hoạch vốn giao; Vốn ODA: 198 tỷ 799 triệu đồng, bằng 92,89% so với kế hoạch.

Như vậy, tổng số vốn chưa thực hiện giải ngân đến thời điểm 31/01/2017 của các chương trình nêu trên là 206.940 tỷ đồng. Trong đó: vốn chưa giải ngân thuộc kế hoạch năm 2016 là 111.615 triệu đồng[1]; vốn chưa giải ngân thuộc kế hoạch năm 2015 kéo dài sang 2016 là 95.324 triệu đồng[2], hiện UBND tỉnh đang hoàn tất thủ tục báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục cho phép kéo dài thực hiện và giải ngân sang năm 2017 trong tháng 3/2017.

7.12. Vốn trái phiếu Chính phủ: Đến 31/01/2017 đã giải ngân đạt 244 tỷ 856 triệu đồng, bằng 71,55% kế hoạch vốn giao (bao gồm cả vốn kéo dài). Phần vốn chưa thực hiện giải ngân được phép tiếp tục thực hiện giải ngân đến 31/12/2017.

7.2.Tình hình triển khai và thực hiện kế hoạch năm 2017

7.21. Công tác giao kế hoạch vốn: Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2017 do tỉnh quản lý 1.487.888 triệu đồng, trong đó vốn trong nước 1.172.119 triệu đồng; vốn nước ngoài 315.769 triệu đồng.

- Kế hoạch vốn đã giao chi tiết là 1.054.007 triệu đồng. Cụ thể:

+ Vốn cân đối ngân sách ĐP là: 538.437 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch năm.

+ Các chương trình mục tiêu là: 230.330 triệu đồng, đạt 93,5% kế hoạch năm.

+ Vốn nước ngoài (ODA): 285.240 triệu đồng, bằng 90,3% kế hoạch năm.

- Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là: 433.881 triệu đồng, thuộc các nguồn:

+ Chương trình mục tiêu quốc gia là: 387.392 triệu đồng (Đang thực hiện rà soát danh mục và mức vốn trung hạn của các Chương trình, sau đó sẽ giao kế hoạch vốn của năm 2017).

+ Các chương trình mục tiêu là: 15.960 triệu đồng, bằng 6,5% kế hoạch năm (do một số dự án trung ương phân bổ vượt tỷ lệ tiết kiệm 10%/tổng mức đầu tư theo Nghị quyết 89/NQ-CP);

 + Vốn nước ngoài (ODA) là: 30.529 triệu đồng, (Trung ương chưa giao, do chưa đầy đủ thông tin theo quy định).

Nguồn vốn kế hoạch năm 2017 chưa giao chi tiết, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính xem xét giao chi tiết trong thời gian tới.

7.22. Tình hình thực hiện và giải ngân: Đến ngày 28/02/2017 thực hiện giải ngân vốn CĐNSĐP đạt 112,706 tỷ đồng, đạt 21,61%[3]; Vốn hỗ trợ các chương trình mục tiêu và vốn ODA chưa thực hiện giải ngân. Dự ước khối lượng thực hiện hết quý I/2017 là 231.268 triệu đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm trước; khả năng giải ngân quý I/2017 ước đạt 185.075 triệu đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

- Vốn TPCP năm 2017 Chương trình kiên cố hóa trường lớp học chưa được trung ương giao. Riêng vốn TPCP Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên năm 2016, kế hoạch vốn được giao là 104.018 triệu đồng, đến hết 31/01/2017 đã giải ngân 52.279 triệu đồng (đạt 37,34% kế hoạch vốn). Số vốn còn lại được tiếp tục thực hiện giải ngân trong năm 2017 theo quy định.  

8. Tình hình triển khai thực hiện một số công trình trọng điểm trên địa bàn

a) Dự án Tái định cư thủy điện Sơn La: UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung tháo gỡ khó khăn của 04 dự án thành phần. Trong đó có 03 dự án có khối lượng hoàn thành trên 90%, riêng dự án đường 60m mới triển khai thực hiện mới đạt khoảng 46%; chỉ đạo Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án hoàn thành theo quy định; tổng hợp báo cáo Chính phủ, các Bộ ngành trung ương cân đối bố trí đủ kinh phí để giải ngân thanh toán cho các khối lượng hoàn thành trên địa bàn tỉnh.

- Đối với công tác khắc phục sự cố công trình san nền, đường giao thông, thoát nước khu tái định cư Chi Luông, thị xã Mường Lay: Đã phê duyệt hồ sơ thiết kế xử lý sự cố công trình với tổng giá trị khắc phục sự cố công trình là 252.594 triệu đồng và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành trung ương cân đối, bố trí vốn để triển khai dự án. Đến nay đã thực hiện đào xúc và vận chuyển được khoảng 1.650.000m3 đất đá, gia cố mặt cơ được 17cơ/21cơ, với khối lượng khoảng 1.200m3 bê tông; giá trị hoàn thành ước tính khoảng 130 tỷ đồng, nguy cơ mất an toàn ổn định mái dốc đã được khống chế; đảm bảo an toàn tính mạng con người, công trình kiến trúc và tài sản trong khu vực. Để giải quyết khó khăn trước mắt về nguồn vốn, Tỉnh đã tạm ứng từ ngân sách địa phương 50 tỷ đồng để thanh toán cho công tác khắc phục sự cố công trình.

b) Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m:

- Đã điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách trong công tác bồi thường GPMB, phê duyệt điều chỉnh dự án 60m cho phù hợp với khối lượng thi công thực tế và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khung dọc trục đường 60m trong đó có 5 điểm tái định cư bổ sung theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.

Khối lượng thực hiện dự án đường 60m đến nay đạt khoảng 46%. Đã phối hợp đo đạc kiểm đếm được 102.320m2 của 186 hộ gia đình, 05 tổ chức đạt 96,9%; tính toán lập phương án bồi thường GPMB cho 175 hộ gia đình, 03 tổ chức với tổng diện tích 99.348,1m2 đạt 91% so với diện tích đất phải thu hồi. Tuy nhiên, đến nay, mới có 137 hộ gia đình bàn giao mặt bằng triển khai thực hiện dự án với diện tích là 73.856,8m2.

c) Đề án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé:

Trên cơ sở Thông báo số 105-TB/VPTU ngày 23/02/2017 của Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh đôn đốc các chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới các đối tượng thuộc diện di chuyển lấp đầy các điểm đã được quy hoạch bố trí; tiếp tục soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh, bổ sung các Phương án sắp xếp, ổn định dân cư các điểm bản: Nậm Kè 1, Tiên Tiến, Thống Nhất, Mường Nhé 3 (Đầu cầu Si Ma), Cà Là Pá 1, Cà Là Pá 2, Mường Nhé 1, Mường Nhé 2; Phê duyệt điều chỉnh 7 phương án sắp xếp, ổn định dân cư, (Mường Toong 4, 5, 6, 7 8, 10 xã Mường Toong, Nậm Kè 2 xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé).

Đã chỉ đạo, triển khai Kế hoạch số 420/KH-UBND về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do tại huyện Mường Nhé năm 2017 để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý dân cư và quản lý, bảo vệ rừng và hạn chế, ngăn chặn tình trạng di cư tự do; Chỉ đạo rà soát các quy hoạch, tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến đất quy hoạch trồng cây cao su, thu hồi bổ sung đất tại các điểm bản Hua Sin 1, 2; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, giao đất để thực hiện việc bố trí đất ở, đất sản xuất, đặc biệt là chia đất sản xuất cho các hộ dân tại các điểm bản thành lập mới; bố trí kịp thời kinh phí để giải quyết các chế độ, chính sách cho các hộ dân đã đến ở các điểm đã được quy hoạch.

d) Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới: Đang hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công 2016-2020 và kế hoạch đầu tư năm 2017 để giao chi tiết; Chỉ đạo duy trì kết quả và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã cơ bản đạt chuẩn NTM năm 2016 và phấn đấu có thêm 07 xã cơ bản đạt 15-19 tiêu chí về nông thôn mới năm 2017[4]; rà soát cơ chế chính sách hiện hành liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân của tỉnh để sửa đổi, bổ sung, đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tế (tập trung vào xây dựng đường giao thông thôn, bản; công trình thủy lợi; hỗ trợ phát triển sản xuất); xây dựng cụ thể hóa nội dung hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

e) Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững: Đang hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công  2016-2020 và kế hoạch đầu tư năm 2017 để giao chi tiết kế hoạch vốn; hoàn thiện Quy định tạm thời về cơ chế tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2017-2020; chỉ đạo kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua đối với việc triển khai một số dự án hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn một số huyện.

f. Đường Võ Nguyên Giáp: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thống nhất điều chỉnh phương án thiết kế dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường Võ Nguyên Giáp thành phố Điện Biên Phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục của dự án theo quy định hiện hành để phê duyêt trong quý I .

II. LĨNH VỰC VĂN HÓA XÃ HỘI

1. Về giáo dục - đào tạo giữa năm học 2016-2017

a) Giáo dục: Quy mô học sinh ở các cấp học đều tăng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tăng mạnh ở cấp học mầm non, riêng học sinh cấp THPT giảm nhẹ (giảm 140 học sinh) so với cùng kỳ năm trước. Chất lượng giáo dục tiếp tục được cải thiện, số học sinh đạt giải ở các cuộc thi quốc gia tăng. Số trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học tăng so với cùng kỳ năm trước 24 trường, nâng tổng số trường chuẩn hiện tại lên 272 trường.

Công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được tổ chức thực hiện đảm bảo theo đúng lộ trình. Ngoài việc duy trì vững chắc kết quả xóa mù chữ mức độ 1, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và PCGD THCS mức độ 1, số đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và đạt chuẩn PCGD Tiểu học, THCS mức độ 2 và 3 tiếp tục tăng. Hiện tại có 44/130 đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và 93/130 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2; 56/130 đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn phổ cập GDTH mức độ 3 và 14/130 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3.

b) Về Đào tạo: Các trường cao đẳng đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Triển khai kế hoạch hợp tác đào tạo với 3 tỉnh Bắc Lào năm 2017-2018; tuyển sinh đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên tại Thái Lan. Các chương trình, dự án, đề án đổi mới, phát triển giáo dục tiếp tục được triển khai thực hiện.

2. Về Y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

a) Công tác phòng chống dịch bệnh - tình hình dịch bệnh:

 Công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc, chủ động, tích cực, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát, không có dịch lớn xẩy ra.

Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS được triển khai theo kế hoạch. Tuy nhiên, tình hình nhiễm HIV/AIDS vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tính đến 18/3/2017 6.936 ca nhiễm HIV, trong đó số mắc mới trong kỳ là 92 ca; số nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS tích lũy là 5.221 ca, tử vong do AIDS 3.498 ca; quản lý được 93,1% số người nhiễm HIV còn sống trên địa bàn.

Công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 8 cơ sở cấp phát thuốc và 21 điểm cấp thuốc vệ tinh được tiếp tục duy trì, trong quý I năm 2017 đã cấp phát thuốc cho 2.757 người.

b) Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong 3 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, song có 01 ca ngộ độc rượu;  qua các cuộc thanh, kiểm tra, tỷ lệ cơ sở vi phạm tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2017 tiến hành thanh, kiểm tra có 1.397/1.797 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm 77,7% (cùng kỳ 2016 1.014/1.205 đạt yêu cầu, tương đương 84,1%).

3. Về hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và thông tin - truyền thông: Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai tốt, đúng định hướng, nội dung thông tin phong phú, có chất lượng, phản ánh mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng năm mới 2017 diễn ra sôi nổi, rộng khắp các địa bàn huyện thị, thành phố trong tỉnh, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong đồng bào các dân tộc, tiêu biểu Chương trình nghệ thuật "Mừng Đảng, Mừng xuân Đinh dậu năm 2017". Đã chỉ đạo tổ chức thành công "Lễ hội Hoa Ban năm 2017 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ V"...

4. Về Lao động - Thương binh và Xã hội: Công tác xóa đói giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội thực hiện có hiệu qủa, tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đã tổ chức thăm hỏi tặng quà, hỗ trợ dịp tế Nguyên đán, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều ăn Tết và đón xuân vui vẻ[5].

- Về giải quyết việc làm và đào tạo nghề: Ước trong quý I năm 2017 giải quyết việc làm mới cho 1980 lao động, đạt 23,15 % kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu 05 lao động; cung ứng lao động cho các doanh nghiệp và khu công nghiệp ngoài tỉnh 100 lao động. Tuyển mới và đào tạo nghề cho 795 người.

 III. QUỐC PHÒNG –AN NINH VÀ ĐỐI NGOẠI

1. Về công tác Quân sự - Quốc phòng địa phương

Hoàn thành tốt công tác tuyển quân  năm 2017, Thực hiện tốt công tác quân sự địa phương, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh trên các tuyến biên giới và nội địa được giữ vững, ổn định. Thế trận phòng thủ tỉnh, huyện và cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và các hoạt động văn hóa thể thao diễn ra trên địa bàn tỉnh được đảm bảo an toàn.

2. Công tác đảm bảo an ninh trật tự

Các ngành chức năng tích cực triển khai thực hiện kế hoạch trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, kinh tế, môi trường[6]; Phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, giải quyết các vấn đề lợi dụng tôn giáo, dân di cư tự do, vi phạm quy chế biên giới...phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động tuyên truyền lập "Vương quốc Mông"; triển khai kế hoạch giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do tại huyện Mường Nhé (Theo Kế hoạch 420/KH-UBND ngày 22/02/2017 của UBND tỉnh); tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

3. Hoạt động công tác đối ngoại

Triển khai Kế hoạch đối ngoại năm 2017, duy trì tốt mối quan hệ giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào trên các lĩnh vực; mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, các tỉnh phía bắc Thái Lan. Duy trì và tăng cường mối quan hệ quốc tế với các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế nhằm thu hút, kêu gọi các nguồn viện trợ phát triển cho tỉnh; Tạo điều kiện thuận lợi và tổ chức tốt các cuộc họp với các phái đoàn nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh theo các chương trình, dự án.

IV. CÔNG TÁC XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN

1. Công tác tư pháp

Công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được tăng cường, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành, bảo đảm các văn bản, chương trình, dự án, Kế hoạch do HĐND, UBND ban hành được thực thi nghiêm chỉnh, thống nhất. Đã triển khai thực hiện sơ kết 03 năm thực hiện Luật hòa giải cơ sở, công tác phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện đảm bảo theo yêu cầu, kế hoạch đề ra;

2. Công tác thanh tra, giải quyết KNTC và Phòng chống tham nhũng lãng phí

Trong quý I/2017 đã triển khai 266 cuộc thanh kiểm tra, trong đó 20 cuộc thanh tra hành chính, 246 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua kiểm tra đã phát hiện sai phạm 967,2 triệu đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 165 triệu đồng; đã tiếp nhận và xử lý 31 đơn, thư (23 đơn đủ điều kiện để xử lý) chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai; tiếp 35 đợt công dân, trong đó có 01 đoàn 12 người;

3. Công tác cải cách hành chính

Tiếp tục củng có, kiên toàn tổ chức, cán bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành; kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức hoạt động của các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, thành lập Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh; chỉ đạo xây dựng kế hoạch rà soát biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập và kế hoạch biên chế năm 2018. Tổng kết, đánh giá cải cách hành chính và công tác thi đua năm 2016, xây dựng phương hướng nhiệm vụ và ký giao ước thi đua năm 2017; Tổng kết, đánh giá cải cách hành chính và công tác thi đua năm 2016, xây dựng phương hướng nhiệm vụ và ký giao ước thi đua năm 2017; Ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2017; Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Dự án hoàn thiện, hiện đại hóa sơ đồ, bàn đồ địa giới hành chính cấp tỉnh; thực hiện đánh giá, chấm điểm xác định chỉ số CCHC của tỉnh Điện Biên năm 2016.

 V. ĐÁNH GIÁ CHUNG.

Trong 3 tháng đầu năm mặc dù có những diễn biến bất thường của thời tiết, trong bối cảnh kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi tích cực, nhưng còn không ít những khó khăn thách thức. Song các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã triển khai và tổ chức thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 theo đúng tinh thần Nghị quyết của Chính Phủ và giải pháp chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 của UBND tỉnh, bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, phần lớn các chỉ tiêu kinh tế đều tăng so với cùng kỳ năm trước; Các mặt văn hóa xã hội tiếp tục có sự chuyển biến tiến bộ, đã tổ chức thành công Lễ hội Hoa Ban 2017 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ V với nhiều hoạt động hấp dẫn; Quốc phòng an ninh được đảm bảo, trật tự xã an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại hạn chế và nguyên nhân cụ thể như sau:

1. Tồn tại hạn chế

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp so với kế hoạch năm đã đề ra (kế hoạch 6,8%); một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội dự ước quy I/2017 đạt được còn thấp ở mức dưới 25% kế hoạch năm như: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (đạt 21,52% kế hoạch); tổng doanh thu hoạt động du lịch (đạt 21,52% kế hoạch); xuất khẩu hàng hóa dịch vụ (đạt 15,9%); thu NSNN trên địa bàn (đạt 18,6% kế hoạch);...

Một số chỉ tiêu sản xuất công nghiệp tăng thấp như: Công nghiệp khai khoáng tăng 5,52%; công nghiệp chế biến tăng 5,07%; sản xuất phân phối điện, gas tăng 3,43%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 10,69%.

- Sản xuất Nông lâm nghiệp: Trong quý I/2017, tổng diện tích cây trồng bị sâu bệnh và sinh vật gây hại là 3.312,23 ha trong đó: lúa Đông Xuân tổng diện tích nhiễm 1.964,33ha; Cà phê tập tổng diện tích nhiễm 1.046,9ha; Cây cao su diện tích nhiễm 271ha; trong chăn nuôi còn xẩy ra rải rác một số bệnh ở lợn trên diện hẹp, song được dập tắt kịp thời không gây thiệt hại lớn; Tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vẫn còn tiếp diễn. Đến ngày 15/3/2017, tổng số vụ vi phạm pháp luật trong quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản là 141 vụ. Trong đó: Phá rừng trái phép 56 vụ (diện tích bị phá 28,64 ha); khai thác trái phép 01 vụ; vi phạm quy định về PCCCR là 04 vụ (diện tích bị thiệt hại 3,95 ha); vi phạm về vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép 72 vụ (với lâm sản tịch thu 31,694 m3); vi phạm thủ tục hành chính về mua bán cất giữ lâm sản 08 vụ. Đã xử lý được 93 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách trong quý I là 643,252 triệu đồng.

- Công tác hoàn thiện hồ sơ để triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm của tỉnh còn chậm như: Công trình Cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường Võ Nguyên Giáp; Hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m; Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2017 trong 2 tháng đầu năm đạt thấp (10,88% so với tổng KH vốn giao chi tiết), các nguồn vốn hỗ trợ NSTW và vốn ODA 2 tháng đầu năm chưa thực hiện giải ngân. Kế hoạch vốn năm 2016 và năm 2015 kéo dài thực hiện giải ngân sang năm 2016 nguồn vốn ngân sách nhà nước còn cao giải ngân được 88,9% kế hoạch vốn giao.

- Tình trạng xuất nhập cảnh trái phép vẫn tiếp diễn, nhất là tuyến biên giới Việt - Trung[7]; tình trạng di cư tự do và truyên truyền đạo trái phép và tuyên truyền thành lập “Vương Quốc Mông” vẫn còn tiếp diễn.

2. Nguyên nhân

- Trong quý I, các cấp, các ngành tập trung hoàn tất các thủ tục thanh quyết toán năm 2016 và triển khai thực hiện kế hoạch của năm 2017, một số nguồn vốn chưa được giao dự toán. Mặt khác diễn ra Tết nguyên đán của dân tộc và các hoạt động Lễ hội sau Tết, diễn biến thời tiết bất thường (hầu như không có mùa đông) làm ảnh hưởng đến hoạt đọng sản xuất nông lâm nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Trình độ, năng lực quản lý của một số chủ Đầu tư, tư vấn còn hạn chế; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư một số dự án chưa được tập trung chỉ đạo điển hình như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Thành phố Điện Biên Phủ.

- Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư với các ngành chức năng trong thẩm định phê duyệt các bước của dự án đầu tư chậm, chưa chặt chẽ, dẫn đến kế hoạch vốn không thực hiện được phải kéo dài năm sau, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư của nhà nước.

PHẦN II

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM QÚY II/2017

Các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, Giải pháp chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017; tập trung chuẩn bị tốt các nội dung cho kỳ họp chuyên đề và kỳ họp giữa năm 2017 của HĐND tỉnh. Trên từng lĩnh vực, các ngành, các cấp cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm sau đây:

I. VỀ KINH TẾ

1. Về công tác quy hoạch, kế hoạch

Tập trung triển khai rà soát hoàn chỉnh Đề án rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trình Chính phủ phê duyệt trong quý II/2017. Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Điện Biên đến năm 2025, có xét đến năm 2035

Chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2017. Trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án trọng điểm.

2. Về sản xuất nông, lâm nghiệp

Tập trung chỉ đạo công tác chăm sóc và tăng cường các biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên diện tích ngô, lúa vụ đông xuân; tạo cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đảm bảo khâu thu mua và chế biến nông sản cho người dân; chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ mùa, nhất là đối với việc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp cần thiết phục vụ sản xuất.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng thực chất gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo khắc phục ngay diện tích các cây trồng bị sâu bệnh, sinh vật gây hại và tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, vật nuôi... Chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, kịp thời phát hiện và xử lý dập dịch, không để xây ra dịch lớn trên địa bàn.

Tăng cường các biện pháp bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên toàn tỉnh. Tiếp tục triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2017; Tập trung triển khai thực hiện kế hoạch phát triển cây cao su, cây cà phê, cây chè năm 2017.

Theo dõi và vận hành các hồ chứa, chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng, chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn năm 2017.

4. Về sản xuất công nghiệp - xây dựng

Đẩy nhanh việc xây dựng chương trình phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; chú trọng triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy sản xuất và tăng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Tập trung chỉ đạo các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục các dự án thủy điện đã cho kéo dài thời gian khảo sát, lập dự án; triển khai thực hiện các dự án thủy điện đã cho chủ trương thực hiện, các dự án đang thi công... Xem xét tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuỷ điện...

5. Về tài chính - thương mại

Thực hiện hoàn thành quyết toán ngân sách năm 2016 theo quy định; tiến hành việc kiểm soát chi theo dự toán giao kế hoạch năm 2017. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 01/NĐ-CP ngày 01/01/2017của Chính phủ về tập trung thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh, xã hội.

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đổi mới công nghệ.

Thực hiện công tác dự báo cung cầu, diễn biến giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ thương mại; đẩy mạnh công tác xúc tiến, phát triển thương mại biên mậu; nâng cao chất lượng các dịch vụ vận tải, thông tin liên lạc, tín dụng đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế và người dân.

6. Về Đầu tư phát triển và thu hút đầu tư

Khẩn trương hoàn tất các thủ tục để giao chi tiết kế hoạch vốn chương trình mục tiêu quốc gia trong tháng 4 năm 2017; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để sớm phân bổ số vốn còn lại của Kế hoạch 2017 từ nguồn vốn NSTW, vốn ODA; Kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành trung ương sớm giao kế hoạch vốn Chính phủ năm 2017 để triển khai thực hiện.

Tăng cường kiểm tra thực tế hiện trường khi tiến hành thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án đảm bảo quy mô đầu tư phù hợp với thực tế, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả đầu tư. Tăng cường công tác giám sát và đánh giá đầu tư, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án theo kế hoạch vốn không để phát sinh thêm khối lượng gây nợ đọng xây dựng cơ bản; Các đơn vị chủ đầu tư kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, kế hoạch vốn bố trí đến đâu thực hiện đến đó, không để phát sinh thêm khối lượng gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

Thực hiện nghiêm việc thông báo giá vật liệu; quản lý, cấp phép và công bố công khai các điểm mỏ khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn các huyện đảm tính thống thống nhất, tránh thất thoát, lãng phí.

Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo thuận lợi, đúng quy định; Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Hoàn thiện các thủ tục đầu tư các công trình thủy điện đã cho chủ trương khảo sát lập dự án đầu tư; rà soát tiến độ triển khai các dự án thủy điện đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ.

7. Về chỉ đạo thực hiện Dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh

a) Dự án Tái định cư thủy điện Sơn La: Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đường 60 m; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hoàn thiện hồ sơ thủ tục thanh, quyết toán dự án hoàn thành dứt điểm trong 6 tháng đầu năm 2017. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn của các dự án thành phần còn đang triển khai thực hiện và khắc phục sự cố công trình san nền, đường giao thông, thoát nước khu tái định cư Chi Luông, thị xã Mường Lay.

b) Dự dự án Hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m: Tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB hỗ trợ tái định cư, đảm bảo thi công dự án theo tiến độ đã phê duyệt. quản lý chặt chẽ quỹ đất tạo ra từ dự án theo quy hoạch chi tiết được duyệt

c) Đề án phát triển kinh tế - xã hội, sắp xếp ổn định dân cư huyện Mường Nhé:

- Chỉ đạo, triển khai các phương án bố trí sắp xếp ổn định dân cư theo Đề án điều chỉnh đã được phê duyệt

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động việc sắp xếp, ổn định dân cư ở các điểm sắp xếp ổn tại chỗ và xen ghép. Triển khai đồng bộ, đồng loạt các chính sách hỗ trợ để kiến thiết, từng bước ổn định đời sống, sản xuất ở các điểm bản di chuyển thành lập bản mới; ổn định đời sống, thúc đẩy phát triển sản xuất ở các điểm bản xen ghép và ổn định tại chỗ.

d) Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới

- Tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động phổ biến, quán triệt tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các thông tin về nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới; Triển khai thực hiện, giải ngân nguồn vốn NTM năm 2017.

e) Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững: Tập trung thực hiện mục tiêu Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập nhằm tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo đúng tiến độ dự án được duyệt; khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư đảm bảo đủ điều kiện bố trí vốn cho dự án khởi công mới năm 2017 theo đúng quy định của hiện hành.

e) Tập trung chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện: Dự án cải tạo, nâng cấp đường Võ Nguyên Giáp theo đúng chương trình, phương án thiết kế kiến trúc cảnh quan được duyệt; Hoàn thiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử quốc gia đặc biệt chiến thắng Điện Biên Phủ, gắn với phát triển du lịch đến năm 2025 báo cáo trung ương và triển khai thực hiện khi được chấp thuận.

II. LĨNH VỰC VĂN HÓA - GIÁO DỤC

1. Giáo dục và đào tạo

Tiếp tục thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục các cấp năm học 2016-2017 theo kế hoạch; tổ chức tốt các kỳ thi đánh giá chất lượng cuối năm học, thi THPT quốc gia năm 2017, thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9-10-11 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; duy trì sỹ số học sinh, hạn chế tối đa tình trạng bỏ học, nhất là học sinh vùng sâu vùng xa. Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết và thực tuyển sinh các khối lớp đầu cấp đối với các cấp học, ngành học; tăng cường kỷ cương, nề nếp và phát triển môi trường văn hóa trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường quản lý và đẩy nhanh tiến độ các chương trình, đề án, dự án theo phân cấp; thực hiện có hiệu quả các hoạt động xã hội hóa giáo dục và đào tạo.

2. Về Y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè; tăng cường công tác giám sát dịch tễ, phát hiện sớm và xử trí kịp thời các loại dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Tổ chức thực hiện tốt các hoạt động Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số; Công tác khám chữa bệnh ở các tuyến, đặc biệt KCB cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và đối tượng chính sách, nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh; Đảm bảo cung ứng thường xuyên và đủ thuốc, vật tư hoá chất, sinh phẩm cho công tác khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng quản lý công tác dược tại các tuyến y tế. Tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

3. Về hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và thông tin - truyền thông: Thực hiện xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động kỷ niệm 63 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; thực hiện tốt tuyên truyền và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường quảng bá hình ảnh về du lịch, nâng cấp chất lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch và chất lượng quy mô sản phẩm du lịch.

4. Về Lao động - Thương binh và Xã hội, xóa đói giảm nghèo:

Thực hiện phân bổ vốn để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2017; Hướng dẫn triển khai áp dung quy định tạm thời về cơ chế tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2017-2020

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm: Đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn theo kế hoạch; tập trung thực hiện tốt các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, các chính sách người có công, chính sách xã hội; thực hiện tốt kế hoạch cai nghiện ma túy, phòng chống tệ nạn xã hội, kế hoạch đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ năm 2017.

III. QUỐC PHÒNG –AN NINH VÀ ĐỐI NGOẠI

1. Về công tác Quân sự - Quốc phòng địa phương

Xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch diễn tập phòng thủ  tỉnh theo tiến độ. Các lực lượng Quân sự, Biên phòng, theo sát diễn biến tình hình khu vực và biên giới, chủ động đối phó với các tình huống, diễn biến, không để xẩy ra các tình huống bất ngờ; đẩy mạnh xây dựng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới; chỉ đạo các huyện (thị xã, thành phố) xây dựng kế hoạch, tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ cho xã, phường thị trấn.

2. Công tác đảm bảo an ninh trật tự

Tiếp tục tăng cường phối hợp, chủ động nắm chắc tình hình an ninh, nội địa và diễn biến tư tưởng trong nhân dân; tăng cường cán bộ bám nắm cơ sở; phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; triển khai thực hiện và đánh giá bước đầu để đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng di cư tự do và chặt phá rừng ở Mường Nhé, mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm ... 

3. Công tác đối ngoại

Tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị, thương mại với các tỉnh Bắc Lào, các tỉnh Bắc Thái Lan và tỉnh Vân Nam- Trung Quốc; duy trì các mối quan hệ hợp tác phát triển với các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế.

IV. CÔNG TÁC XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN

1. Công tác tư pháp: Tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành

2. Công tác thanh tra, giải quyết KNTC và Phòng chống tham nhũng lãng phí: Tổ chức triển khai các cuộc thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo chương trình công tác thanh tra năm 2017, chủ động triển khai các nội dung thanh tra việc thực hiện quy định của nhà nước về phòng, chống tham nhũng theo kế hoạch đã được phê duyệt. Kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra; tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, thanh tra chuyên ngành nhất là lĩnh vực dư luận, xã hội quan tâm.

3. Công tác cải cách hành chính

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung vào khâu cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực và đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, kỷ cương kỷ luật hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạp trong công tác quản lý nhà nước; triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính, tư pháp và phòng chống tham nhũng năm 2017.

Tập trung hoàn thiện Chương tình hành động của triển khai thực hiện Nghị quyết lần 4 của BCH Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lói sống nhưng biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ trong toàn tỉnh.

Trên đây là báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng, an ninh trong quý I/2017 và một số nhiệm vụ trọng tâm của quý II/2017 tỉnh Điện Biên./.

­­­­­­­­­­­­­

 

 

 

 

 

 

[1] Vốn thuộc kế hoạch năm 2016 chưa thực hiện giải ngân: Nguồn vốn CĐNS 33.276 triệu đồng; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các vùng 9.656 triệu đồng; Vốn đối ứng NSNN 101 triệu đồng; Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững 21.099 triệu đồng; Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp 1.501 triệu đồng; Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu 396 triệu đồng; Vốn hỗ trợ THCS theo Quyết định 755/QĐ-TTg 9.168 triệu đồng; Vốn Định canh định cư theo QĐ 33/2013/QĐ-TTg 1.198 triệu đồng; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 2.820 triệu đồng; Chương trình 30a 6.293 triệu đồng; Chương trình 293 là 1.347 triệu đồng; Chương trình 135 là 2.415 triệu đồng; Chương trình 135 (Vốn Ai len) 7.146 triệu đồng; Vốn ODA 15.201 triệu đồng..

[2] Vốn thuộc kế hoạch năm 2015 kéo dài thực hiện giải ngân sang năm 2016 chưa thực hiện giải ngân: Nguồn vốn CĐNS 1.480 triệu đồng; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các vùng 216 triệu đồng; Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững 31.485 triệu đồng; Đầu tư theo Quyết định 160/2007/QĐ-TTg ngày 17/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ 466 triệu đồng; Nguồn dự phòng NSTW năm 2015 (Thực hiện và thanh toán đến 31/12/2016) 32.204 triệu đồng; Vốn Định canh định cư theo QĐ 33/2013/QĐ-TTg 1.896 triệu đồng; Đề án 79 là 22.093 triệu đồng; Chương trình 30a là 2.990 triệu đồng; Chương trình 135 là 625 triệu đồng; CT NSVSMTBNT 620 triệu đồng; Chương trình 135 (Vốn Ai len) 166 triệu đồng; Chương trình xây dựng nông thôn mới (TPCP) 706 triệu đồng.

[3]. Tỷ lệ giải ngân vốn CĐNSĐP 2 tháng đầu năm 2017: (1) TP Điện Biên Phủ giải ngân đạt 18,22%KH; (2) huyện Điện Biên 8,06% KH; (3) huyện Tuần Giáo 38,87% KH; (4) huyện Điện Biên Đông 26,84% KH; (5) huyện Mường Ảng 17,01% KH; (6) huyện Mường Nhé 15,88% KH; (7) huyện Mường Chà 13,34% KH; (8) huyện Tủa Chùa 3,85% KH; (9) huyện Nậm Pồ 24,15% KH; (10) thị xã Mường Lay đang thực hiện chuẩn bị đầu tư nên chưa có hồ sơ để thanh toán. 

                        ([4]) 8 xã đạt và cơ bản đạt xã nông thông mới năm 2016: Thanh Chăn, Noong Hẹt, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Xương - huyện Điện Biên,  Ảng Nưa - Mường Ảng, Thanh Minh - TP ĐBP, Lay Nưa - TX Mường Lay. 7 xã phấn đấu cơ bản đạt xã nông thôn mới năm 2017 gồm: Thanh Yên, Thanh An, Pom Lót, Mường Phăng, Thanh Nưa - Huyện Điện Biên, Tà Lèng - TP ĐBP, Sín Thầu - Mường Nhé.

[5] Đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chúc tết cho 3.170 lượt gia đình là đối tượng chính sách, ngời có công cách mạng, trị giá 853,52 triệu đồng; thăm tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn 1.496 suất quà, trị giá 528 triệu đồng; tăng quà cho các đối tượng người nghèo , đói tượng bảo trợ xã hội 11.031 suất quà, trị giá 4.924 triệu đồng; đã trợ cấp gạo cứu đói cho 3.808 hộ (14.931 khẩu), với 120,57 tấn gạo.

[6] Đến hết tháng 02/2017, đã phát hiện, lập biên bản 1.148 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, xử lý hành chính 914 trường hợp, phạt tiền nộp ngân sách nhà nước 463 triệu đồng; số người chết do tai nạn giao thông 8 người. Phát hiện bắt giữ 66 vụ trong đó có 12 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đã điều tra làm rõ 8 vụ, bắt và xử lý 9 đối tượng; bắt 54 vụ, 68 đối tượng phạm tội về ma túy ... ; phát hiện 93 vụ vi phạm về môi trường, xử phạt hành chính 67 vụ với số tiền và tang vật thu giữ là 304,9 triệu đồng.

[7] Các cơ quan chức năng đã phát hiện 84 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; 04 trường hợp người Trung quốc nhập cảnh trái phép vào huyện Nậm Pồ.

°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
386 người đã bình chọn