Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 năm 2017

Update 20 - 10 - 2017
100%

PHẦN I- TIN ĐIỆN BIÊN

* VOV (18/9): Lợi dụng chủ trương, phá rừng đặc dụng để trồng hoa

          Tại hiện trường khu rừng bị phá, ông Trần Lệ đã cho đốt, dọn, cuốc hố và trồng 478 cây hoa Anh Đào.

Ngày 12/7/2017, UBND tỉnh Điện Biên có văn bản cho phép Công ty Cổ phần hoa Anh Đào Trần Lệ phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thực hiện rà soát quỹ đất, mở rộng diện tích trồng hoa Anh Đào trên địa bàn xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Tuy nhiên, lợi dụng chủ trương này, Công ty đã phá hơn 6.500 m2 rừng đặc dụng Mường Phăng với lý do lấy đất để trồng hoa Anh đào.

Rừng thuộc các lô L, K, khoảnh 4, tiểu khu 717b, trạng thái rừng IIb, trên địa bàn bản Đông Mệt, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên bị chặt, đốt cháy với mức độ tác động 80%.

          Báo cáo số 1840 ngày 5/9/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên về kết quả kiểm tra, xác minh vụ phá rừng đặc dụng trái pháp luật xảy ra tại bản Đông Mệt, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên nêu rõ: Trong thời gian từ 15/7/2017 đến 4/8/2017, thực hiện sự chỉ đạo của ông Trần Lệ, Giám đốc Công ty Cổ phần hoa Anh Đào Trần Lệ, bà Mai Thị Thìn và 2 người làm thuê cho ông Trần Lệ là các ông: Lò Văn Láo, Lò Văn Bun đã chặt phá, đốt dọn hơn 6.500 m2 rừng đặc dụng để lấy đất trồng cây hoa Anh Đào.

          Tại hiện trường khu rừng bị phá, ông Trần Lệ đã cho đốt, dọn, cuốc hố và trồng 478 cây hoa Anh Đào. Đồng thời không cung cấp được các giấy tờ liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng đặc dụng sang mục đích khác.

          Ông Nguyễn Cương Quyết, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Điện Biên cho biết: “Sau khi phát hiện vụ việc, đơn vị đã cử một tổ công tác vào trực tiếp kiểm tra tại hiện trường và xác định diện tích, loại rừng, loại trạng thái, loại quy hoạch. Đồng thời chúng tôi báo cáo UBND huyện và chi cục kiểm lâm để xin các ý kiến chỉ đạo tiếp theo.

          Trong trường hợp không xử lý hình sự sẽ bị sử phạt ở mức độ tối đa là cao nhất trong khung xử lý hành chính theo quy định tại điều 20, nghị định 157 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ”.

          Tỉnh Điện Biên dự kiến từ tháng 11 đến tháng 12/2017, tại đảo hoa Anh Đào, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên sẽ tổ chức lễ hội hoa Anh Đào.

          Nếu thành công sẽ tổ chức liên tục trong các năm tiếp theo. Tỉnh cũng đã xem xét thực địa để quyết định đầu tư bổ sung một số hạng mục như: đường giao thông từ bản Xôm vào đảo hoa, bến thuyền trên hồ Pá Khoang, đường dạo, leo núi khu du lịch Pá Khoang... để phục vụ sự kiện này.

          Song qua kiểm tra cho thấy, đến nay Công ty Cổ phần hoa Anh Đào Trần Lệ mới tổ chức trồng hoa Anh Đào, việc tổ chức lễ hội vào cuối năm nay là không khả thi.

 

* TTDL (18/9): Điện Biên có thêm 2 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

          Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL (ngày 11/9/2017) về công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL (ngày 11/9/2017) về công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

          Theo đó, trong số 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục có hai di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Điện Biên được công nhận là: Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên thuộc loại hình lễ hội truyền thống và Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông ngành Mông hoa (Môngz Lênhs), tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà, thuộc loại hình tri thức dân gian. Như vậy, đến thời điểm này, tỉnh Điện Biên có 6 di sản văn hóa phi vật quốc gia được công nhận.

          Từ năm 1986, người Lào xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) đã tổ chức Tết té nước (Bun huột nặm) vào dịp Tết Nguyên đán của người Kinh để thuận tiện cho con cháu đi học, làm ăn xa về đoàn tụ. Từ năm 2015, Tết té nước đã được tổ chức vào đúng thời điểm truyền thống (ngày 14, 15, 16 tháng Tư dương lịch của người Việt và ngày 11, 12, 13 tháng Năm theo lịch Lào).

          Tết té nước của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên được xem là Tết chính của người Lào. Tết té nước diễn ra trong nhiều ngày với những hoạt động có ý nghĩa tín ngưỡng, tâm linh như cúng bản, cúng tổ tiên… nhưng vấn đề cốt lõi là cầu cho mưa thuận gió hòa với hoạt động chính là “té nước”. Té nước có ý nghĩa là để tẩy rửa những điều xui xẻo trong năm cũ. Người dân té nước cho nhau với mong muốn năm tới sẽ có những điều tốt lành. Mục đích chính của té nước là mong muốn tống tiễn mùa khô, cầu mong mùa mưa trở lại để người dân bắt đầu một vụ gieo trồng mới. Phần hội của Tết té nước có các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của dân tộc Lào như: Tấu phắc sá - táu lasa (rùa ấp trứng), Xưa khốp mu (hổ vồ lợn), Ngù kin khiết (rắn bắt ngóe), Phăn viêng (múa bắt chân bắt đầu), Pít mắc tanh (hái dưa chín)…

          Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông ngành Mông hoa (Môngz Lênhs), tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà đã lưu giữ kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong dệt, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống- loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc trong cách tạo hoa văn, phối màu trên các sản phẩm vải để tạo nên những trang phục đẹp, độc đáo, tinh tế, nhuần nhị và mang sự riêng biệt của người phụ nữ Mông. Đó là các sản phẩm: Váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp...Với kỹ thuật thêu, trang trí bằng cách chắp vải màu, vẽ sáp ong với các hình chữ thập, chữ đinh kết hợp với ô hình quả trám, tam giác, các sản phẩm này có kiểu hoa văn phong phú hàm chứa những giá trị đẹp đẽ, sự linh hoạt, khác biệt, không lẫn với các kiểu trang trí của các dân tộc khác.

 

* Báo Điện Biên Phủ (18/8): Điện Biên: 60 học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn được nhận học bổng xe đạp

          Nằm trong các hoạt động của chương trình từ thiện “Cùng em đến trường”, chiều 10/9, Đoàn phượt ba miền chinh phục tứ đại đỉnh đèo và Câu lạc bộ xe đạp Điện Biên đã phối hợp cùng Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi, người mù tỉnh tổ chức trao tặng học bổng xe đạp cho 60 học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường tiểu học trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Mỗi suất học bổng là một chiếc xe đạp trị giá 1,2 triệu đồng.

          Toàn bộ kinh phí được Đoàn phượt ba miền chinh phục tứ đại đỉnh đèo phát động, quyên góp từ các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm khắp ba miền trong cả nước. Với mục đích nhằm tạo nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh, hỗ trợ và đồng hành cùng các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi hoặc gia đình khó khăn, học giỏi được đến trường. 

 

* Báo Điện Biên Phủ (18/8): Sớm đầu tư xây dựng cơ sở điều trị methadone ở Xá Nhè

          Xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) hiện có 104 người nghi nghiện các chất ma túy. Những năm gần đây, các cơ quan chức năng huyện, chính quyền xã và cộng đồng dân cư đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tổ chức nhiều hình thức cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân số người cai nghiện thành công quá ít so với mong muốn. Số người nghi mắc nghiện và nghiện ma túy ít tham gia lao động sản xuất nhưng lại tiêu tốn tiền của gia đình, thiếu tiền chi tiêu cho sử dụng ma túy dẫn đến tình trạng trộm cắp, vi phạm pháp luật, gây phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

          Trước thực trạng trên, chính quyền xã Xá Nhè đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện và gia đình người nghiện tổ chức cho một số đối tượng đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục - Chữa bệnh - Lao động xã hội tỉnh. Mặc dù vậy, do thiếu hiểu biết, các đối tượng trên đã bỏ trốn. Hiện nay, mới có 5/104 người nghi nghiện các chất dạng thuốc phiện của xã đi điều trị thay thế bằng thuốc methadone tại Trung tâm Y tế huyện cách xã 15km. Số còn lại thuộc diện hộ nghèo, không có phương tiện đi lại, hơn nữa sử dụng thuốc methadone theo giờ cố định hàng ngày nên không có điều kiện để đi uống. 2 năm gần đây, xã không được phân bổ chỉ tiêu cai nghiện bắt buộc ở tỉnh.

          Địa phương và gia đình có người nghiện ma túy mong chính quyền các cấp, cơ quan chức năng quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở điều trị thay thế bằng thuốc methadone tại xã Xá Nhè, tạo điều kiện cho người nghiện ma túy được uống thuốc, giảm thiểu chi phí, góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

 

* Báo Điện Biên Phủ (18/8): Sớm giải quyết những tồn tại trong thực hiện Kế hoạch 388

          Thực hiện Kế hoạch số 388/KH-UBND ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh về rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2015 trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo) của tỉnh đã tích cực phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, giao đất, giao rừng theo kế hoạch. Đến nay, công tác giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cơ bản hoàn thành, tạo bước chuyển biến trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao đời sống người dân.

          Tỉnh ta có gần 330.770ha đất lâm nghiệp có rừng và gần 445.900ha đất lâm nghiệp chưa có rừng; rừng ngoài quy hoạch gần 36.700ha. Do đó, công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ dân, cộng đồng dân cư là cần thiết nhằm xác định rõ ranh giới đất sản xuất và đất rừng, đồng thời được hưởng lợi từ diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ.

          Mặc dù quá trình thực hiện Kế hoạch số 388 của UBND tỉnh gặp phải một số khó khăn như: Tranh chấp về địa giới hành chính giữa các xã và tranh chấp về diện tích rừng giữa một số bản; một số xã mới chia tách, thành lập; tình trạng di dân tự do… Song với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các sở, ban, ngành thuộc Ban Chỉ đạo của tỉnh, đến nay, cơ bản hoàn thành việc rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất giao rừng, cho thuê đất, thuê rừng cho các tổ chức, cá nhân và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Toàn tỉnh đã thực hiện giao 324.010,05ha đất lâm nghiệp có rừng. Trong đó: Giao cho 6 tổ chức với tổng diện tích 61.673,67ha; giao cho 3.372 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 8.610,39ha; giao cho 1.135 cộng đồng thôn, bản với 262.249,45ha. Đến nay, 2.939/3.372 hộ, cá nhân và 99% cộng đồng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

          Do tranh chấp về địa giới hành chính giữa các xã và tranh chấp về diện tích rừng giữa một số bản, nên hiện nay sau khi giao đất giao rừng, giữa các bản có sự chênh lệch về tiền dịch vụ môi trường rừng dẫn đến thường xảy ra tranh chấp, khiếu nại, kiến nghị chia lại rừng, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nguyên nhân được xác định là có những cộng đồng bảo vệ diện tích rừng từ lâu đời nhưng quá trình chia tách địa giới hành chính thì diện tích rừng lại thuộc về xã khác. Đây là vấn đề tồn tại của Kế hoạch 388 mà hiện nay các huyện, thị xã, thành phố đang tích cực tìm phương án để giải quyết. Theo ông Hà Công Nghiệp, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nậm Pồ, thì hiện nay huyện Nậm Pồ có 8 điểm tranh chấp đất rừng sau khi chia tách địa giới hành chính và tranh chấp sau khi thực hiện giao đất, giao rừng theo Kế hoạch 388. Về bản chất, đây là tồn tại mang tính khách quan. Bởi vì rừng giao cho cộng đồng dân cư thôn, bản phải nằm trong phạm vi của cấp xã (được quy định tại Nghị định 23/2006/NĐ-CP). Do đó, khi thực hiện giao rừng phải giao theo đúng địa giới hành chính. Hiện nay, huyện Nậm Pồ đang tích cực tuyên truyền, vận động để các thôn, bản vùng tranh chấp hiểu đúng các quy định của Nhà nước, từ đó, cộng đồng trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

 

* Điện Biên TV (18/9): Bao giờ người trồng rừng 327, 661 hết thiệt thòi?

          Sau hơn hai thập kỷ (từ năm 1993) tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng theo Chương trình 327 và Dự án 661 của Nhà nước, lẽ ra bây giờ người trồng rừng phải được hưởng thành quả. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra không như mong đợi, người trồng rừng chưa được hưởng lợi gì, ngay cả tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thậm chí, rừng đến thời gian thu hoạch cũng không được khai thác; nhiều hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

          Chương trình trồng rừng 327 là chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc được thực hiện từ năm 1993 - 1998 và Dự án 661 là trồng mới 5 triệu héc ta rừng, được kế thừa từ chương trình 327. Cả 2 dự án này đều chung mục tiêu là nhằm nâng cao diện tích và độ che phủ rừng, thứ đến tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn được hưởng lợi từ rừng. Sau nhiều năm triển khai, sự thay đổi dễ dàng nhận ra với sự xuất hiện của nhiều cánh rừng xanh ngút ngàn.

          Huyện Tuần Giáo có hơn 150ha rừng trồng theo Chương trình 327, 661 với 130 hộ tham gia trồng rừng. Ði dọc quốc lộ 6, đoạn từ xã Chiềng Sinh đến trung tâm huyện Tuần Giáo chúng ta dễ dàng quan sát những tán rừng xanh mướt. Ông Lường Văn Ngọc, bản Ðông, thị trấn Tuần Giáo là một trong những hộ đầu tiên tham gia Chương trình 327 và 661, hiện đang sở hữu 39ha rừng. Chúng tôi men theo con đường mòn khoảng 20 phút đi bộ đến cánh rừng của gia đình ông. Dưới tán rừng là bầu không khí mát rượi, những cây thông, cây mỡ có đường kính từ 30 - 40cm thẳng tắp, tiếng chim hót líu lo trong nắng. Ông Lường Văn Ngọc tâm sự: “Năm 2001, khi có chủ trương của UBND tỉnh về tham gia trồng, bảo vệ rừng theo Chương trình 327, 661, gia đình tôi đăng ký tham gia đầu tiên. Những năm đầu, cả nhà hầu như ngày nào cũng ăn, ngủ trên đồi để thuê người trồng, chăm sóc và bảo vệ. Thấm thoắt đã 16 năm trồng, bảo vệ rừng, cánh rừng ngày càng xanh tốt nhưng chúng tôi vẫn chưa được hưởng thành quả!”. Giọng ông Ngọc trở nên nghẹn lại khi cho biết đến nay gia đình ông vẫn chưa được hưởng lợi từ trồng rừng, mà thậm chí còn mất thêm kinh phí để thuê người chăm sóc và bảo vệ rừng, bởi theo khế ước nếu làm mất rừng gia đình ông phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, không chỉ gia đình ông Ngọc mà nhiều hộ trồng rừng đã kiến nghị lên cơ quan chức năng. Song câu trả lời họ nhận được lại rất vô tình: Do hồ sơ để quyết toán dự án đến nay đã thất lạc hết nên không thể quyết toán, vì vậy chưa được phép khai thác. Việc chưa thể khai thác đã ảnh hưởng đến chất lượng rừng, bởi cây keo, cây mỡ chỉ có thời gian sinh trưởng nhất định, nếu để quá lâu gỗ sẽ mất chất lượng. Không chỉ vậy, theo tính toán sơ bộ của ông Ngọc, hiện nay để cho rừng keo, mỡ phát triển tốt, mỗi năm gia đình ông phải phát dọn cây phân tán, thực bì khoảng 3 lần, mỗi lần thuê ít nhất 10 người phát dọn trong vòng 10 ngày với mức tiền công là 150 nghìn đồng/người/ngày công. Như vậy, 39ha của gia đình ông Ngọc tính ra mỗi lần phát dọn thực bì, cây phân tán hết khoảng 15 triệu đồng và mỗi năm hết khoảng 45 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc, bảo vệ trong những năm đầu. Nếu như trước đây, khi các loại cây thông, mỡ, keo chưa lớn còn có thể canh tác xen ghép một số loại cây nông nghiệp, từ khi rừng khép tán thì không trồng gì được.

          Không được khai thác, nhưng tiền dịch vụ môi trường rừng các hộ dân tham gia Chương trình 327, 661 cũng chưa được nhận. Theo lý giải của một lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, công tác giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực sông Mã trên địa bàn huyện Tuần Giáo từ năm 2013 đến nay chưa được thực hiện. Do đơn giá chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực sông Mã quá thấp: năm 2013 là 6.024 đồng/ha; năm 2014 là 5.684 đồng/ha; năm 2015 là 6.594 đồng/ha nên đơn vị chưa thể chi trả cho người dân được, bởi mỗi lần tổ chức chi trả thì kinh phí đi lại rất tốn kém, có những chủ rừng được giao bảo vệ 1ha rừng thì 1 năm chỉ nhận được từ 5 - 6 nghìn đồng, trong khi đó từ nhà ra đến trung tâm xã để nhận tiền mất nửa ngày, tiền xăng xe máy còn tốn hơn nhiều nên nhiều chủ rừng không muốn đi nhận tiền.

          Không những không được hưởng lợi từ rừng mà đến nay các hộ dân tham gia trồng rừng theo Chương trình 327, 661 trên địa bàn huyện Tuần Giáo cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do liên quan đến khế ước nhận giao khoán và bảo vệ rừng từ Lâm trường Tuần Giáo cũ (nay là Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo). Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 150ha đất lâm nghiệp có rừng (diện tích rừng Chương trình 327 và Dự án 661), đến nay vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục để giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Kế hoạch 388 của UBND tỉnh. Ông Hoàng Phó Tâm, bản Huổi Hạ, thị trấn Tuần Giáo, cho biết: “Năm 2002 gia đình tôi đã nhận quản lý và bảo vệ gần 27ha rừng từ Lâm trường Tuần Giáo cũ nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giờ muốn có sổ đỏ đi vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế cũng không được. Chúng tôi kiến nghị các cấp, các ngành sớm hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bà con yên tâm chăm sóc, bảo vệ rừng; đồng thời cũng là cơ sở để bà con được vay vốn phát triển kinh tế trong khi chờ đợi diện tích rừng trồng được khai thác”.

          Dự án trồng mới 5 triệu héc ta rừng được Quốc hội phê chuẩn bằng Nghị quyết số 08/1997/QH10, và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện bằng Quyết định số 661/QÐ-TTg ngày 29/7/1998 (gọi tắt là Dự án 661). Theo quy định, sau 7 năm số rừng cây keo, mỡ trồng mới sẽ được phép khai thác, 10 năm những hộ trồng rừng sẽ được quyết toán và hưởng 50% lợi tức từ những diện tích cải tạo rừng nghèo, đất trống, đồi núi trọc. Vậy nhưng đã hơn gấp đôi thời gian 7 năm, rừng keo, mỡ của nhà ông Ngọc, ông Tâm và những hộ dân khác nhận rừng từ Lâm trường Tuần Giáo năm nào vẫn mắc kẹt, không thể khai thác để sử dụng thành quả đã đánh đổi bằng mồ hôi, công sức đằng đẵng bao năm qua!

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

* Thanh Niên (19/9): Vi phạm của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai “đến mức phải thi hành kỷ luật”

Ủy ban kiểm tra Trung ương trong phiên họp chiều 18.9 đã có thông báo kết luận một số vấn đề liên quan đến nhiều sai phạm của ông Phạm Thế Dũng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Đối với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011 - 2016, Ủy ban kiểm tra T.Ư kết luận: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo một số hoạt động của UBND tỉnh. Vi phạm quy định về công tác tổ chức cán bộ, đề nghị quy hoạch, bổ nhiệm một số nhân sự không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không đúng quy định. Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm để UBND tỉnh có nhiều vi phạm, khuyết điểm. Cụ thể: Giao đất, cho thuê đất khi chưa có quy hoạch, không tổ chức đấu giá, vi phạm luật Đất đai, gây thất thu ngân sách nhà nước; Quản lý đầu tư xây dựng một số dự án từ nguồn ngân sách nhà nước vi phạm luật Đấu thầu, luật Xây dựng; Quyết định mở 5 cửa khẩu phụ, lối mở biên giới vi phạm Nghị định của Chính phủ.

Đối với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ủy ban kiểm tra T.Ư kết luận: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Thiếu kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh những vi phạm, khuyết điểm của UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016; gia hạn hoạt động cửa khẩu phụ, lối mở biên giới vi phạm quy định của Chính phủ.

Đối với ông Phạm Thế Dũng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Ủy ban kiểm tra T.Ư kết luận: Chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011 - 2016; Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Tỉnh ủy và Quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm Quy định số 51 và Quy định số 231 của Ban Bí thư về quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy với các đảng đoàn, ban cán sự Đảng. Vi phạm trong chỉ đạo, quyết định giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá và quyết định đầu tư các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, khai thác mỏ; mở các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới không đúng quy định của Chính phủ. Thiếu gương mẫu trong việc đề nghị bổ nhiệm một số người thân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011 - 2016 và ông Phạm Thế Dũng là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc trong cán bộ, Đảng viên và Nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật.

Ủy ban kiểm tra T.Ư yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Võ Ngọc Thành, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc.

 

* Thanh Niên (19/9): Đề nghị Ban Bí thư xem xét kỷ luật Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Nguyễn Anh Dũng và một số cựu lãnh đạo tập đoàn này.

Cụ thể, trong thông cáo báo chí kỳ họp thứ 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa phát đi chiều 18/9, cơ quan này đã đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật đối với nhiều lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Theo thông cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 - 2015 và một số cá nhân như đã kết luận tại Kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, gồm: Ông Nguyễn Anh Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; ông Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty; ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

"Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam các nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 - 2015 và các đồng chí nêu trên là nghiêm trọng", thông báo nhấn mạnh.

Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra T.Ư quyết định thi hành kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Quốc Tuấn; kỷ luật cảnh cáo đối với ông Đỗ Quang Chiêu và ông Đỗ Duy Phi.

Với ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng yêu cầu Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam các nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 - 2015.

Trước đó, tại phiên họp lần thứ 16, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định, ông Nguyễn Anh Dũng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2015; với trách nhiệm người đứng đầu, ông Dũng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ; trong quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của tập đoàn, gây hậu quả rất nghiêm trọng; để tập đoàn và một số công ty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao; thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án DAP số 2 Lào Cai. Chịu trách nhiệm chính về những vi phạm trong việc triển khai dự án đạm Hà Bắc.

 

* Thanh Niên (19/9): Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh kê khai bằng cấp không trung thực

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm.

Chiều 18.9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo kết quả kỳ họp thứ 17 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13 đến 16.9 vừa qua. Cụ thể, tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung chính sau:

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 có các vi phạm, khuyết điểm, như: Chấp hành chưa nghiêm nguyên tắc sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình; vi phạm Quy định số 42 của Ban Bí thư về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy và Quy chế làm việc của Thành ủy, đã ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Ban Thường vụ Thành ủy.

Việc xem xét, quyết định luân chuyển, bổ nhiệm một số cán bộ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng; không nghiêm túc thực hiện Thông báo kết luận số 156-TB/TW của Bộ Chính trị và Thông báo số 558-TB/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong việc khắc phục vi phạm về công tác quản lý, sử dụng đất đai. Đã ra một số quyết định không đúng thẩm quyền, không đúng pháp luật, có nội dung liên quan đến việc cho doanh nghiệp sử dụng đất công sản, triển khai dự án…

Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố, để xảy ra nhiều vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân.

Quyết định chủ trương cho chỉ định thầu 4/6 dự án xây dựng trụ sở các cơ quan, vi phạm luật Đấu thầu. Đồng ý tiếp nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng sai quy định.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng có các vi phạm, khuyết điểm sau: Với cương vị là người đứng đầu Thành ủy, ông Nguyễn Xuân Anh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của ông Nguyễn Xuân Anh đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.

Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm. Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Phó bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có các vi phạm, khuyết điểm sau: Cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020. Với trách nhiệm đứng đầu UBND Thành phố, ông Huỳnh Đức Thơ chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị. Chưa chủ động đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy nhân sự ở một số cơ quan chính quyền thành phố thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý theo quy định.

Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020, ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật.

 

* VTV.vn (20/9): Xem xét, thi hành kỷ luật một số cá nhân thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ

Tại kỳ họp mới đây, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật một số cá nhân thuộc Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của một số cá nhân thuộc Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ như đã kết luận tại Kỳ họp thứ 16 của UBKT Trung ương, gồm: Đồng chí Nguyễn Phong Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực, nguyên Thủ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Thanh Hải, nguyên Ủy viên chuyên trách, nguyên Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Văn Út, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo; đồng chí Lê Thị Thu Hằng, nguyên kế toán trưởng; đồng chí Sơn Thị Quanh Ni, thủ quỹ.

UBKT Trung ương nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của các đồng chí nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, của Ban Chỉ đạo, gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khai trừ đối với các đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Lê Thị Thu Hằng; kỷ luật cảnh cáo đối với các đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Văn Út; kỷ luật khiển trách đối với đồng chí Sơn Thị Quanh Ni.

Đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật đối với đồng chí Nguyễn Phong Quang.

* VTV.vn (20/9): Đề nghị kiểm điểm trách nhiệm nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đăk Nông

Từ ngày 13 đến 16/9/2017, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 17. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.  Tại kỳ họp này, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận:

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đăk Nông có một số vi phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tài chính đảng; buông lỏng quản lý, không chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc đầu tư, xây dựng Kho lưu trữ của tỉnh, để xảy ra vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện.

UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy Đăk Nông nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc; xem xét, xử lý kỷ luật đảng theo thẩm quyền đối với các cá nhân có vi phạm trong quá trình xây dựng Kho lưu trữ. Tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, đề xuất hình thức xử lý theo quy định của Đảng đối với đồng chí Nguyễn Văn Thử, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, báo cáo UBKT Trung ương xem xét.

 

* Pháp Luật TPHCM (20/9): “Vụ Yên Bái dân quan tâm mà mãi sao chưa công bố?”

Đó là câu hỏi của Phó ban Công tác Đại biểu Đỗ Văn Đương đặt ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 19/9.

Theo đó, cho ý kiến về báo cáo phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ năm 2017 tại phiên họp chiều 19-9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó ban Công tác Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng khâu phát hiện tham nhũng kém là do nhiều vụ việc “thanh - kiểm tra xong cứ để đấy” thay vì công khai đúng thời gian quy định để người dân giám sát.

Theo ông Đương, trong khi các vụ do Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm đều đúng thời hạn, chỉ rõ đâu ra đấy, xử lý từng người, tạo sự quan tâm rất đặc biệt, được dư luận đồng tình thì “vụ Yên Bái dân quan tâm mà mãi sao chưa công bố”.

“Nhiều việc ta làm nhiều công sức, nỗ lực nhưng vì cái đó mà người ta cảm thấy có khuất tất, hiệu quả PCTN kém”- ông Đương nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhận định công tác PCTN thời gian qua được Ban chỉ đạo PCTN Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc này rất tốt, được nhân dân ủng hộ.

“Tuy nhiên, nhiều vụ việc phức tạp, thất thoát nhiều tài sản đều do Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện xử lý, còn vụ việc do Thanh tra Chính phủ chưa làm được nhiều…”- ông nhận định.

 

* Dân Trí (20/9): Bí thư Nguyễn Xuân Anh từng nói gì về những vi phạm mới được kết luận?

Từng thừa nhận việc dùng xe doanh nghiệp tặng nhưng Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng quả quyết, nếu ai phát hiện ông có một lô đất nào ngoài căn nhà đang ở, ông sẽ từ chức… Với kết luận vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ về công tác cán bộ, có biểu hiện áp đặt, Bí thư Xuân Anh từng có phát biểu đã tuân thủ theo quy trình, “không ai có thể đứng trên tập thể”. Về việc gây phân tâm, ảnh hưởng đến đoàn kết, Bí thư Xuân Anh từng phủ nhận.

Bí thư Nguyễn Xuân Anh từng có những phát ngôn trực diện về những thông tin liên quan đến cá nhân và gia đình ông.

Ngày cuối cùng của năm 2015, tại buổi họp báo quý IV năm đó, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng nhận chất vấn “nóng” về nghi vấn một hộ nghèo đứng tên mua 12 lô đất ven biển giúp gia đình ông. Khi đó, dư luận nêu ông Lý Phước Cang, được cho là hộ nghèo nhưng lại đứng tên mua 12 lô đất ven biển trị giá hàng chục tỷ đồng. Ông Cang từng lái xe cho nhà ông Nguyễn Xuân Anh nên có thông tin ông Cang đứng tên mua đất cho gia đình Bí thư Đà Nẵng.

Bí thư Đà Nẵng xác nhận ông cũng nghe thông tin đó nhưng khẳng định bản thân và gia đình không có nhu cầu đất ở ven biển. Bí thư Thành uỷ quả quyết: “Cá nhân tôi hoàn toàn không có bất cứ lô đất nào. Nếu ai phát hiện tôi có một lô đất nào ngoài căn nhà đang ở tại số 43 Nguyễn Thái Học, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm, thậm chí sẽ từ chức Bí thư Thành ủy”.

Tháng 2/2017, có thông tin chiếc xe mang biển 43A-29999 phục vụ Bí thư Đà Nẵng sử dụng biển giả. Chiếc xe cũng được định giá 2,5 tỷ đồng, do một doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng tặng.

Về việc này, Bí thư Nguyễn Xuân Anh phản bác: “Không thể có chuyện Bí thư TP. Đà Nẵng lại dùng xe biển số giả. Việc lãnh đạo thành phố đi xe biển giả là chuyện tày trời”.

Tuy nhiên, ông cũng xác nhận nguồn gốc xe là do doanh nghiệp biếu, tặng thành phố. Bí thư Nguyễn Xuân Anh giải thích, không chỉ chiếc xe này, Đà Nẵng sử dụng 8 chiếc xe do doanh nghiệp tặng. Ngân sách thành phố chưa bỏ ra đồng nào để mua xe cho ông cả.

Sau đó, Đà Nẵng đã trả lại 2 doanh nghiệp trong số những xe này, trong đó có chiếc Toyota Avalon mang BKS 43A-29999.

Về những vấn đề này, UB Kiểm tra Trung ương kết luận, Bí thư Nguyễn Xuân Anh còn thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.

Gần đây, giữa tháng 7, tại buổi tiếp xúc giữa các đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9 với cử tri quận Hải Châu (TP.Đà Nẵng) sau kỳ họp thứ 4, các cử tri bày tỏ băn khoăn liên quan đến việc thời gian gần đây có nhiều ý kiến về cán bộ, lãnh đạo Đà Nẵng mất đoàn kết.

Trả lời ý kiến này của cử tri, Bí thư Nguyễn Xuân Anh khẳng định không có chuyện nội bộ mất đoàn kết.

Cử tri đặt câu hỏi, thời gian qua có “đại gia” nào chi phối hoạt động của lãnh đạo thành phố không, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đáp lại: “Xin nói thẳng là không ai có khả năng chi phối lãnh đạo thành phố cả...Tôi là cán bộ trẻ, còn công tác lâu dài nên chẳng có việc gì mà phải thế này thế kia. Tôi không có việc gì mà phải đánh đổi truyền thống gia đình, không ai có thể chi phối…”.

Trước đó, đầu tháng 5 năm nay, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh có cuộc gặp mặt bí thư 56 xã, phường trên địa bàn thành phố, nói về những thông tin nổi lên trong dư luận về tài sản của Chủ tịch Thành phố Huỳnh Đức Thơ, việc lãnh đạo sở hữu nhiều đất ven biển..., Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh: “Trong nội bộ lãnh đạo thành phố, cụ thể là Ban chấp hành đảng bộ, Ban thường vụ Thành ủy cơ bản giữ được đoàn kết, nhất trí, dù có một vài quan điểm cá nhân có thể khác nhau”.

Cũng liên quan đến công tác điều hành trong Ban Thường vụ Thành uỷ, hồi tháng 3, dư luận đặt vấn về việc điều chuyển, bổ nhiệm nhân sự khi Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố được đưa sang làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy. Sau đó, Đà Nẵng xin bổ nhiệm một Phó Chủ tịch khác, nhưng Bộ Nội vụ bác bỏ do chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn…

Đề cập vấn đề bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ tại Đà Nẵng, Bí thư Nguyễn Xuân Anh từng có phát biểu rằng việc luân chuyển cán bộ được tuân thủ theo quy trình và “không ai có thể đứng trên tập thể”.

Ông Xuân Anh nhấn mạnh: “Tôi là Bí thư nhưng cũng không chi phối hết tập thể được. Chúng tôi làm theo quy định, còn vui hay không vui là ý cá nhân. Khi tập thể ban hành nghị quyết thì tất cả phải chấp hành, không ai có thể làm khác được”.

Kết luận chung về trách nhiệm của người ở cương vị đứng đầu Thành uỷ, UB Kiểm tra Trung ương xác định, Bí thư Đà Nẵng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng được cho là đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.

 

* Dân Trí (20/9): Điều gì đã “đưa đẩy” ông Nguyễn Xuân Anh đến tình trạng hiện nay?

Từ khi nhận được thông tin, người viết bài này cứ băn khoăn với câu hỏi, điều gì đã “đưa đẩy” khiến ông Nguyễn Xuân Anh, một người xuất thân từ gia đình có truyền thống (bố ông là ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương), đã từng có những lời nói, việc làm rất ấn tượng bị kỉ luật hôm nay?

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa thông báo kết luận thi hành kỉ luật đối với hai lãnh đạo cao nhất TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ. Theo đó, những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Anh được đánh giá là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Cụ thể, ông Xuân Anh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.

Đây là những quyết định nghiêm khắc, thể hiện quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng đồng thời khẳng định thái độ kiên quyết, “củi khô”, “củi tươi”, “củi to”, “củi nhỏ” đều có thể bị ném “vào lò” bất cứ lúc nào nếu vi phạm.

Từ khi nhận được thông tin, người viết bài này cứ băn khoăn với câu hỏi, điều gì đã “đưa đẩy” khiến ông Nguyễn Xuân Anh, một người xuất thân từ gia đình có truyền thống (bố ông là ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương), đã từng có những lời nói, việc làm rất ấn tượng bị kỉ luật hôm nay?

Nhìn lại con đường quan lộ, có lẽ cũng không loại trừ những lợi thế xuất thân, truyền thống gia đình giúp ông Nguyễn Xuân Anh có những bước tiến khá ngoạn mục. Sau 7 năm làm báo Thanh niên (1999 - 2006), khi mới 33 tuổi (2009) ông Xuân Anh đã là Bí thư Quận ủy quận Liên Chiểu.

Năm 35 tuổi (2011), là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Năm 39 tuổi (2015), là Ủy viên chính thức, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.

Nhớ dạo khi mới nhậm chức (2015), ông đã có những phát biểu dậy sóng. Trong Diễn văn bế mạc Đại hội XI của Đảng bộ Đà Nẵng, ông viết: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc rằng không có quyền lực ngoài pháp luật, phải thượng tôn pháp luật và quản lý TP bằng pháp luật.

Quan hệ xã hội giữa con người với con người rộng mở; quan hệ cấp trên cấp dưới thật sự dân chủ, thân tình… Chức vụ là do Đảng phân công, vì vậy, người lãnh đạo muốn làm việc gì thì phải nghĩ “đây không phải quyền lực mà mình được hưởng thụ cho cá nhân hoặc cho gia đình mà tùy tiện muốn làm gì thì làm...”

Kiên quyết chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực. Đối với công tác cán bộ, tư tưởng chủ đạo là phải đấu tranh không khoan nhượng với nạn “chạy chức, chạy quyền”, kiên quyết chống “thị trường ngầm và thương mại hóa công tác tổ chức cán bộ”, đặc biệt, trong nhiệm kỳ mới này phải tập trung xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc, phải đặt niềm tin trọn vẹn vào thế hệ trẻ, tạo những điều kiện tốt nhất để họ có cơ hội phát triển, sẵn sàng gánh vác trọng trách xây dựng thành phố”.

Trước những lời phát biểu tưng bừng này, ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh niên đồng thời cũng là thủ trưởng cũ của ông Xuân Anh gọi điện. Trả lời phỏng vấn trên Infonet, ông Xuân Anh kể lại:

“Anh Nguyễn Công Khế nguyên là lãnh đạo cũ của tôi, là người đi trước rất quý mến tôi. Sáng sớm nay ảnh gọi điện cho tôi, bảo: “Đọc cái bài anh thấy rất phấn khởi. Xuân Anh à, chú cứ làm y như những gì chú nói. Nếu không làm được như vậy thì đất nước sẽ lộn xộn, nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ chứ không phải không. Bây giờ anh em mình có phải thiếu thốn gì ấy đâu mà phải tiêu cực, phải này nọ. Chú phải làm y như những điều đã nói!”. Tôi nghĩ rất là đúng. Tôi nói với ảnh là: “Anh yên tâm. Em hứa em nói sao em sẽ làm như vậy!”.

Trong 2 năm qua, ông Xuân Anh còn “sở hữu” rất nhiều câu nói ấn tượng khiến dư luận có lúc như… “lên đồng” như: "Không ai có khả năng chi phối lãnh đạo thành phố cả", "Thành phố yên bình gì mà thấy xã hội đen nhan nhản ngoài đường?", "Cả tôi cũng vậy, nếu làm không được thì tôi sẽ xin nghỉ", "Kiên quyết chống thị trường ngầm và thương mại hóa công tác cán bộ", "Cách chức giám đốc Sở nếu tai nạn giao thông không giảm", "Đã đến lúc xây dựng văn hóa từ chức", "Đừng để yêu thương, ghét bỏ ảnh hưởng đến quyết định đối với doanh nghiệp", "Tôi sẽ từ chức nếu có bất kỳ lô đất nào"…

Thế mà giờ đây, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông đã mắc những khuyết điểm ngược hẳn với chính những gì tốt đẹp ông từng nói. Đó là độc quyền, áp đặt trong lãnh đạo, là gian dối về bằng cấp, là biểu hiện lợi dụng chức quyền vụ lợi, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp.

Điều gì đã đưa đẩy ông Nguyễn Xuân Anh từ lời nói đến việc làm trái ngược nhau như vậy? Người viết bài này thấy bất lực nên chỉ xin dùng duy nhất một từ: Chịu! Còn theo các bạn, vì sao vậy?

 

CHÍNH SÁCH MỚI

* Thời Báo Tài Chính Việt Nam (19/9): Hỗ trợ đóng BHXH cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp chuẩn bị nghỉ hưu

          Thông tư số182/2017/TT-BQP mới ban hành của Bộ Quốc Phòng cho biết, từ ngày 18/9/2017, sẽ hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp (DN) quân đội chi trả tiền lương tháng và kinh phí đóng BHXH đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong thời gian chuẩn bị nghỉ hưu .

          Theo đó, hỗ trợ cho các DN) quốc phòng, an ninh trong Quân đội quy định tại Nghị định số 93/2015/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của DN quốc phòng, an ninh; DN kinh tế - quốc phòng có mô hình tổ chức, biên chế của tổ chức quân sự (có cơ quan chính trị, điều tra, thanh tra, tác chiến, huấn luyện quân sự), có nhiệm vụ dự bị động viên, làm nhiệm vụ trên địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, nếu sản xuất kinh doanh bị thua lỗ.

          Các DN trên sẽ được hỗ trợ chi trả tiền lương tháng và kinh phí đóng BHXH, với mức hỗ trợ như sau: 100% kinh phí đối với doanh nghiệp quốc phòng an ninh trong Quân đội quy định tại Nghị định 93/2015/NĐ-CP; tối đa 70% kinh phí đối với DN kinh tế - quốc phòng nếu sản xuất kinh doanh bị lỗ (DN kinh tế - quốc phòng có mô hình tổ chức, biên chế của tổ chức quân sự; có nhiệm vụ dự bị động viên; làm nhiệm vụ trên địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh).

          Tiền lương tháng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu bao gồm: Tiền lương theo cấp bậc quân hàm; loại, nhóm, bậc và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Thời gian hỗ trợ từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 31/12/2020.

 

CHỈ THỊ MỚI

* Báo Chính Phủ Điện Tử (20/9): Chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học

Đầu năm học mới 2017 - 2018, tại một số trường học có tình trạng tổ chức thu nhiều khoản thu không đúng quy định, gây khó khăn cho không ít học sinh, phụ huynh học sinh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các văn bản của Bộ bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật. Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của người, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục của địa phương theo quy định; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm việc thu các khoản thu theo đúng quy định.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm; kịp thời hỗ trợ các trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở giáo dục ở khu vực khó khăn, chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, bảo đảm tất cả học sinh được đi học đầy đủ.

 

* Thanh Tra (20/9): Tháng 11/2017 hoàn thiện phần mềm điều hành tác nghiệp mới

Đó là chỉ đạo của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đặng Công Huẩn tại buổi làm việc với Trung tâm Thông tin và các đơn vị liên quan về phần mềm điều hành tác nghiệp (ĐHTN) của TTCP, diễn ra sáng 19/9.

Tháng 11/2017 hoàn thiện phần mềm điều hành tác nghiệp mới Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn chủ trì buổi làm việc. Ảnh: TTH

TTCP chủ trương đầu tư phần mềm ĐHTN mới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của hệ ĐHTN cũ, đồng thời đảm bảo kết nối liên thông với phần mềm quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ.

Tại buổi làm việc, đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel cũng nêu rõ các bước, kế hoạch triển khai với TTCP đối với hệ ĐHTN mới.

Theo đó, có một số nội dung chính như: Giới thiệu, thực nghiệm luồng quy trình nghiệp vụ xử lý văn bản hệ thống VOffice cho Văn phòng; tiếp nhận chỉnh sửa yêu cầu hệ thống, đánh giá yêu cầu, thời gian; đảm bảo tài nguyên hạ tầng, thông tin kết nối để cài đặt hệ thống; cài đặt môi trường, dựng hệ thống vOffice; cấu hình quy trình nghiệp vụ xử lý văn bản; phát triển và dựng hệ thống liên thông văn bản 4 cấp qua trục liên thông Văn phòng Chính phủ; thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu từ hệ thống cũ; thực hiện chỉnh sửa yêu cầu tiếp nhận; lập kế hoạch dừng hệ thống cũ; cấu hình tên miền vào link hệ thống; triển khai chính thức tại văn phòng bộ; hỗ trợ, đào tạo hướng dẫn khách hàng sử dụng hệ thống...

Phát biểu chỉ đạo, Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn yêu cầu Trung tâm Thông tin chủ trì xây dựng dự án theo đúng quy trình, thủ tục hoàn thành trước khi phần mềm được đưa vào triển khai; giao Trung tâm Thông tin chủ trì, phối hợp với Văn phòng, Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp xây dựng kết hoạch triển khai việc chạy thí điểm, sử dụng, vận hành phần mềm.

Phó Tổng Thanh tra yêu cầu các đơn vị phải hoàn thiện hệ ĐHTN trong tháng 11/2017.

“Cần có một hệ điều hành thân thiện, thông minh để cán bộ dễ dàng thao tác, xử lý thông tin. Phần mềm ĐHTN mới phải chạy song song chương trình cũ đồng thời chạy được trên cả máy tính bảng nên phải được đảm bảo an toàn bảo mật”, Phó Tổng Thanh tra yêu cầu.

Đây là phần mềm chạy chính thức sau này nên đại diện các đơn vị đề nghị Viettel tập huấn kỹ để đảm bảo phần mềm chạy thông suốt.

 

TIN QUỐC HÔI

* VTV.vn (20/9): Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng

Ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Đề cập báo cáo phòng chống tham nhũng, dẫn việc thu hồi tài sản tham nhũng chỉ được một nửa so với kiến nghị, ông Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đề nghị Thanh tra Chính phủ làm rõ nguyên nhân nào, do đối tượng cố tình vi phạm hay là kiến nghị thu hồi không có căn cứ. Ông Đương đề xuất giao quyền cho thanh tra kiến nghị phong tỏa tài sản để trừ dần số tiền kiến nghị thu hồi và thực hiện việc công bố rộng rãi kết luận thanh tra những vụ việc lớn.

Nêu ra những bất cập trong các vụ án tham nhũng vừa qua có điểm chung là ai gây ra người đó chịu, còn cơ quan kiểm tra, giám sát thì vô can, một số thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là kẽ hỡ cần sớm khắc phục mới nâng cao được trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan chức năng.

Một số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để phòng chống tham nhũng hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành nhưng phải gắn trách nhiệm với quyền hạn. Việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa như cải cách cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đặc biệt là việc kê khai tài sản cần được làm thực chất và hiệu quả hơn.

 

* Đại Biểu Nhân Dân (20/9): Dự án Luật Quy hoạch: Dùng một luật sửa nhiều luật

Cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch tại Phiên họp sáng qua, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục băn khoăn về tính khả thi cũng như tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật với những đề xuất sửa đổi các luật có liên quan nếu Luật Quy hoạch được thông qua. Khẳng định quyết tâm chính trị cao của sự cần thiết thông qua Luật Quy hoạch, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét áp dụng hình thức một luật sửa nhiều luật.

Với kỷ lục về đề xuất lên tới mấy chục luật cần sửa đổi, những bản dự thảo Luật trình Quốc hội lần trước đều chưa nhận được sự đồng tình từ phía các đại biểu Quốc hội cũng như cơ quan thẩm tra.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, đồng thời cũng nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật với các hệ thống pháp luật hiện hành, lần này, Chính phủ đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến hoạt động quy hoạch với số lượng luật phải sửa đổi giảm đáng kể. Theo đó, Chính phủ sửa đổi 8 luật đang điều chỉnh hoạt động quy hoạch, có nội dung đơn giản về kỹ thuật. Và việc sửa đổi này sẽ được thực hiện ngay tại Luật Quy hoạch.

Đây là những luật chỉ sửa đổi cụm từ “quy hoạch” thành “kế hoạch”; sửa đổi tên quy hoạch quy định tại các luật hiện hành để phù hợp với tên quy hoạch mới được quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch. Với phương án này, Chính phủ đề nghị bổ sung một điều về sửa đổi, bổ sung các luật quy định về quy hoạch tại Điều 69 mới và chuyển Điều 69 cũ thành Điều 70 mới trong dự thảo Luật Quy hoạch.

Cùng với 8 luật kể trên, Chính phủ đề xuất danh mục 24 luật quy định về quy hoạch cần sửa đổi. Đây là những luật được xác định là có nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch, có chính sách phức tạp hơn các luật đã được đề xuất tại Điều 69 của dự thảo Luật và cần được xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 để bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng bộ với Luật Quy hoạch từ ngày 1.1.2019. Nhưng ngay với đề xuất sửa 24 luật này, thì Chính phủ chưa nêu được sửa khoản nào, điều nào (?).

Khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động quy hoạch trong các luật có liên quan, nhằm bảo đảm sự đồng bộ với các quy định trong Luật Quy hoạch, tránh tạo ra các khoảng trống, xung đột, cũng như những vướng mắc trong công tác lập, phê duyệt và thực hiện hệ thống quy hoạch của cả nước, song Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, muốn bảo đảm tiến độ sửa đổi các luật theo đề xuất của Chính phủ, các luật cần sửa đổi, bổ sung phải được Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2018).

 

* Đại Biểu Nhân Dân (19/9): Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại

          Sáng 18/9, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại.

          Tờ trình dự thảo Nghị định do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho biết, thời gian qua hoạt động đối ngoại của nước ta đã góp phần quan trọng duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước. Cùng với sự phát triển của hoạt động đối ngoại Nhà nước, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh chế độ, chính sách trong lĩnh vực đối ngoại ngày càng được hoàn thiện.

          Tuy nhiên, hiện nay cơ chế quản lý, sử dụng ngân sách cho hoạt động đối ngoại Nhà nước còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp quy. Nhiều văn bản pháp luật chưa bao quát các nội dung đặc thù của cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài… Để khắc phục tồn tại, hạn chế này, việc ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực đối ngoại là thực sự cần thiết.

          Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định theo Tờ trình của Chính phủ. Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo quy định về nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại; lập dự toán, chấp hành, quyết toán và công khai ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại, Thường trực Ủy ban cho rằng, quy định như vậy là đầy đủ và phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cụ thể hóa hơn theo hướng liệt kê các hoạt động đối ngoại, thay vì “một số hoạt động đối ngoại” để tránh sự chồng lấn với đối tượng điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác…

          Thảo luận về dự thảo Nghị định, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị định để hoạt động đối ngoại được triển khai hiệu quả, kịp thời, phù hợp với đặc thù công tác đối ngoại, giúp tháo gỡ tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách áp dụng trong lĩnh vực đối ngoại.

          Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đồng tình với việc ban hành Nghị định bởi lẽ, trong thời bình, đối ngoại được coi là “mặt trận” hàng đầu. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu thực tế, qua đi công tác ở một số nước cho thấy, số Đại sứ quán xứng tầm là cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là không nhiều, còn lại đều đơn sơ về cơ sở vật chất, điều kiện, các anh em rất “tâm tư” bởi khó nhất với họ là kinh phí hoạt động. Do vậy, cần vận dụng một số chính sách cho những người ở các cơ quan đại diện trên cơ sở pháp luật. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga cũng lưu ý, cần có cơ chế kiểm soát để tránh sai phạm.

          Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, về lâu dài, cần đưa nội dung này vào Luật, nhất là khi sửa đổi, bổ sung Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài cần tính đến chính sách với hoạt động đối ngoại và cán bộ ngoại giao. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, có những địa bàn khó khăn, cán bộ ngoại giao có khi cả nhiệm kỳ mới được về phép một lần. Học phí, viện phí cho cán bộ ngoại giao và người thân của cán bộ ngoại giao có nơi được miễn, có nơi không được miễn, những nơi không được miễn lại có mức phí rất đắt đỏ. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ để cán bộ ngoại giao yên tâm công tác.

          Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính nên nghiên cứu thêm chính sách bảo đảm đời sống cho những người công tác tại cơ quan đại diện ở nước ngoài, vì chính sách của Nhà nước mới là lâu dài, bền vững.

 

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY 

* Báo Đồng Nai (19/9): Đồng Nai: Công an thành phố Biên Hòa mở diễn đàn lắng nghe ý kiến người dân

          Công an thành phố Biên Hòa vừa triển khai Diễn đàn “Công an thành phố Biên Hòa lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân” với rất nhiều hoạt động nhằm tiếp thu ý kiến từ người dân về việc đánh giá thái độ, tác phong cũng như hiệu quả tiếp nhận và giải quyết công việc của công an các đơn vị.

          Theo đó, kể từ ngày 10-20/9, cùng với Ủy ban MTTQ thành phố, Công an thành phố Biên Hòa sẽ triển khai thực hiện nhiều hoạt động như: mở hộp thư tiếp nhận ý kiến của người dân tại công an các phường, xã, đồn công an các khu công nghiệp, bộ phận tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính Công an thành phố Biên Hòa.

          Đặc biệt, cùng với chính quyền các địa phương, trong đợt này Công an thành phố Biên Hòa sẽ mở thêm hộp thư để tiếp nhận ý kiến tại bộ phận một cửa của UBND 30 phường, xã trên địa bàn thành phố, nâng tổng số hộp thư lên 65 điểm.

          Điểm mới trong việc triển khai lấy ý kiến lần này là tại các điểm mở hộp thư sẽ để sẵn các phiếu khảo sát. Người dân muốn đóng góp ý kiến chỉ việc điền thông tin, đánh giá của mình vào phiếu in sẵn với rất nhiều nội dung đánh giá về thái độ, tác phong, năng lực…tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính, giải quyết tin báo tố giác tội phạm từ người dân của các chiến sĩ công an.

          Bên cạnh việc tổ chức lấy ý kiến, Công an thành phố Biên Hòa còn tổ chức tọa đàm để trực tiếp lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân. Tại đây, lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa và công an các phường, xã sẽ trực tiếp trả lời, giải đáp các thắc mắc của người dân liên quan đến hoạt động tiếp và giải quyết thủ tục hành chính.

          Với diễn đàn này, Công an thành phố Biên Hòa cũng mong muốn nhận được đóng góp tích cực của người dân để kịp thời chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, gây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an ngày một tốt hơn. Được biết, thành phố Biên Hòa là địa phương được chọn để thực hiện thí điểm diễn đàn này trước khi nhân rộng ra các địa phương khác.

 

* Báo Tuyên Quang (20/9): Tuyên Quang: Mô hình giảm nghèo thiết thực với nông dân

Hội Nông dân tỉnh đã và đang phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai hai mô hình giảm nghèo bền vững là: Xây dựng Tổ Hợp tác chăn nuôi lợn đen sinh sản tại xã Khuôn Hà (Lâm Bình) và Hỗ trợ đầu tư hệ thống bơm tưới nước nhằm thâm canh tăng năng suất chè tại tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè thôn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương). Cả 2 mô hình trên đang phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho các hộ nông dân.

Kinh phí thực hiện 2 mô hình trên là 500 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Mục tiêu của 2 mô hình trên nhằm nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Các hộ hội viên nông dân được liên kết sản xuất phát triển chăn nuôi lợn đen sinh sản, thâm canh tăng năng suất chè theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Theo đó, có tổng số 45 hộ nghèo tham gia mô hình, gồm có 27 hộ ở xã Khuôn Hà được hỗ trợ mua lợn giống và thức ăn chăn nuôi; 18 hộ ở xã Trung Yên được hỗ trợ vật tư lắp đặt hệ thống tưới cho vườn chè.

Ông Ma Văn Dự, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khuôn Hà (Lâm Bình) cho biết, 27 hộ hội viên nghèo ở 3 tổ hợp tác chăn nuôi lợn thôn Nà Hu, Nà Muông, Nà Thom được hưởng lợi từ mô hình giảm nghèo. Mỗi hộ đã được hỗ trợ mua 2 con lợn đen giống địa phương và chi phí mua thức ăn chăn nuôi lợn. Các hộ tham gia mô hình đều qua bình xét từ chi hội đảm bảo dân chủ, công bằng, khách quan.

Trước khi nhận lợn giống, các hộ đều được tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi lợn. Đàn lợn giống được chăm sóc, quản lý tốt, trong đó lợn nái của nhiều hộ đã sinh sản lứa đầu. Qua thực hiện mô hình trên giúp hội phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm 80/122 hộ hội viên nghèo trong năm 2017.

Là một trong những hộ tham gia mô hình giảm nghèo ở xã Khuôn Hà đã có lợn nái sinh sản lứa đầu, anh Vi Văn Thanh, ở thôn Nà Hu chia sẻ, chăn nuôi lợn đen có nhiều ưu điểm, đầu ra ổn định, thức ăn dễ kiếm như cám gạo, ngô, sắn, thân cây chuối, rau lang..., ít mất công chăm sóc, đặc biệt giống lợn có sức đề kháng tốt ít bị bệnh.

Các hộ tham gia mô hình giảm nghèo thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, chia sẻ thị trường tiêu thụ. Anh Thanh nhẩm tính, khi hai con lợn nái đẻ ổn định, mỗi con đẻ 3 lứa/năm, mỗi lứa đẻ từ 5 đến 7 lợn con, lợn con nuôi 4 tháng đạt trọng lượng 20-30 kg được xuất chuồng, giá lợn hơi từ 40 - 100 nghìn đồng/kg, tùy thời điểm. Trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 20 triệu đồng/năm.

Hiệu quả bước đầu của 2 mô hình trên tạo động lực giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đó là những mô hình điểm để các cấp hội, hội viên nông dân các địa phương đến tham quan học tập, nhân rộng.

 

* Đại Đoàn Kết (20/9): Cần Thơ: Hiệu quả từ mô hình “phối hợp 4 bên” trong đào tạo nghề

Bằng cách tạo sự liên kết chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo nghề, doanh nghiệp và các đơn vị quản lý trong thực hiện Đề án “đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) đã tạo nên bước đột phá trong thực hiện Đề án.

Nhằm thắt chặt mối liên kết trong thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, quận Bình Thủy đã triển khai mô hình “phối hợp 4 bên”. Theo đó, các bên gồm: Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Giáo dục thường xuyên, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động và doanh nghiệp đã kí kết thỏa thuận về việc phối hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn quận.

Mô hình “phối hợp 4 bên” được triển khai điểm từ năm 2015 tại Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai, chi nhánh Cần Thơ (Biti’s Cần Thơ), với lớp nghề May công nghiệp được tổ chức mỗi năm 2 lớp, 70 học viên. Với vai trò của mình, Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Giáo dục thường xuyên quận có trách nhiệm thông báo chiêu sinh, lập kế hoạch - chương trình giảng dạy và thực hiện các chính sách đối với học viên,... Về phía phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phụ trách việc đăng ký nhu cầu đào tạo nghề tại doanh nghiệp để tiến hành các thủ tục mở lớp.

Tại các khóa đào tạo, học viên được doanh nghiệp tạo điều kiện thực hành trên chính các trang thiết bị, công nghệ, dây truyền sản xuất,... của doanh nghiệp đang hoạt động. Nhờ đó, các học viên nhanh chóng nắm bắt được các thao tác, kỹ năng nghề nghiệp được đào tạo. Do đó,  kết quả cuối khóa học, các học viên đều đạt loại khá, giỏi.

Chị Phạm Thị Giào (27 tuổi, ngụ tại phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết: “Do được đào tạo trực tiếp trên dây truyền sản xuất của công ty, nên hầu như sau khóa học tôi nắm rất tốt kĩ năng nghề và được doanh nghiệp kí kết hợp đồng lao động. Thu nhập mỗi tháng của tôi hiện vào khoảng 5 triệu. Được sự quan tâm của Công đoàn công ty, cũng như Liên đoàn lao động quận, nên tôi và các đồng nghiệp rất yên tâm về quyền lợi mình tại nơi làm việc”.

Đến nay, đã có gần 200 học viên được đào tạo với hình thức như trên và gần 100% học viên được phía doanh nghiệp kí kết hợp đồng lao động lâu dài, với mức lương bình quân 4.700.000 đồng/tháng.

Ông Phạm Chí Thừng – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Giáo dục thường xuyên quận Bình Thủy cho biết: Mô hình “phối hợp 4 bên” thật sự đang phát huy được hiệu quả tích cực. Nhờ có sự liên kết này, công tác đào tạo nghề có thêm một bước tiến mới, vấn đề cung – cầu lao động trong đào tạo nghề được giải quyết. Ngoài ra, vai trò, trách nhiệm giữa các bên có liên quan đều được thể hiện rất cụ thể, đặc biệt là tranh thủ được sự phối hợp, hỗ trợ của doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo.

 

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

* Kênh VTV1 – Bản tin Tài Chính Kinh Doanh lúc 12h46 ngày (19/9) : Nhiều doanh nghiệp lo ngại sửa đổi thuế tác động xấu đến môi trường đầu tư

          Nhiều doanh nghiệp lo ngại những điểm sửa đổi trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật thuế có thể gây tác động xấu đến môi trường đầu tư.

          Nếu nhìn tổng thể về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật thuế mà Bộ Tài chính đưa ra, thì giới doanh nghiệp, chuyên gia tại hội thảo sáng 13/9 đều có những ghi nhận tích cực về một số đề xuất. Chẳng hạn như trong sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân có nhiều điểm mang tính ưu đãi, có lợi cho người, pháp nhân nộp thuế. Tuy nhiên, trong buổi hội thảo góp ý còn có những vấn đề còn bất cập được cho có thể gây tác động xấu sẽ được mổ xẻ nhiều hơn.

          Lo ngại chung của hơn 150 đại biểu tham dự sáng 13/9 là có những điểm sửa đổi có thể gây tác động xấu đến môi trường đầu tư mà Chính phủ đang nỗ lực để cải thiện.

          Cụ thể, có 2 điểm chính trong dự thảo sửa đổi luật thuế thu nhập doanh nghiệp được giới doanh nghiệp, chuyên gia chỉ ra là có thể gây tác động xấu đến môi trường đầu tư hiện nay là: Quy định khống chế tỷ lệ vốn vay trên vôn chủ sở hữu, hay còn gọi là khống chế đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp ở mức 5/1.

          Hãng tư vấn Deloitte dẫn chứng, các nước bạn như Malaysia, Singapore nhiều năm nay cũng có những đề xuất tương tự những đã phải hoãn triển khai hoặc ngừng triển khai việc khống chế đòn bẩy tài chính này vì lo ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Thứ 2, việc đề xuất đánh thuế 1% hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài được cho là có thể gây tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài, không loại trừ khả năng nếu áp dụng như thế nhiều nhà đầu tư ngoại sẽ rút vốn khỏi thị trường Việt nam vì chi phí sẽ đội lên.

          Mặt khác, đề xuất nâng thuế giá trị gia tăng VAT từ 10% lên 12% nhận được nhiều sự quan tâm nhất tại hội thảo. Phần đông giới doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng tăng thuế này, người chịu ảnh hưởng sau cùng là người dân, người tiêu dùng sản phẩm, chưa phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay.

 

* VTV.vn (19/9): Tăng lương tối thiểu ở Việt Nam nhanh hơn năng suất lao động

          Sáng 18/9, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách cùng Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) đưa ra báo cáo Tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam từ năm 2007 đến nay.

          Theo báo cáo, mức tăng lương tối thiểu/năng suất lao động tăng nhanh từ 25% năm 2007 lên mức 50% năm 2015.

          Khoảng cách giữa tăng lương tối thiểu và năng suất lao động ở Việt Nam giãn rộng và nhanh hơn so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan. Điều này khiến những ngành sử dụng nhiều lao động may mặc, thủy sản, đồ gỗ... sẽ đầu tư nhiều hơn vào máy móc thay thế cho lao động.

          Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động cho rằng cần làm rõ năng suất lao động trong khu công nghiệp với năng suất lao động xã hội để có sự so sánh đúng đắn hơn.

          Một số chuyên gia cũng có ý kiến cho rằng phạm vi nghiên cứu còn hẹp, thậm chí có đề xuất nghiên cứu bỏ lương tối thiểu.

          Hội thảo cũng đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách để đảm bảo người lao động có mức thu nhập đủ sống.

* Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 16h ngày (19/9): Đấu thầu qua mạng giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp

8 tháng đầu năm 2017, cả nước đã thực hiện thành công hơn 5.000 dự án được tổ chức đấu thầu qua mạng. Minh bạch, công bằng và tiết kiệm, đó là những ưu điểm của hình thức đấu thầu này. Đây cũng đang được coi như một xu thế tất yếu nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, giảm việc tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, nảy sinh tiêu cực trong công tác đấu thầu.

Với một máy tính nối mạng, tất cả công việc tham gia dự thầu của doanh nghiệp có thể thực hiện mọi nơi, mọi lúc. Từ việc mua hồ sơ, kê khai và hoàn thiện giấy tờ với khối lượng lớn đều có thể thực hiện thông qua chương trình đấu thầu trên mạng.

Theo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, ngoài tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm nhân lực phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, chủ đầu tư dễ dàng quản lý thông tin nhà thầu, hồ sơ các dự án vì mọi thông tin được lưu trữ trên trang web nên không bị mất dữ liệu.

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng. Cả nước có hơn 3.300 gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng với tổng giá trị gói thầu trên 3.000 tỷ đồng và tổng giá trị trúng thầu trên 2.700 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 9% trong chi tiêu công.

Không chỉ lựa chọn được những nhà thầu đáp ứng đủ năng lực mà đấu thầu qua mạng sẽ triệt tiêu được vấn nạn đấu thầu "tù mù" hay lợi dụng việc " quân xanh, quân đỏ" để trúng thầu. Đấu thầu qua mạng là phương tiện nhanh nhạy, đảm bảo tính khách quan vô tư, khó thay đổi, nếu làm tốt sẽ tiết kiệm được cho chi phí xã hội cũng như kêu gọi được các nhà đầu tư.

 

* VTV.vn (20/9): Tạo điều kiện giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp

Ngày 19/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tổ trưởng Tổ công tác dẫn đầu, đã tới kiểm tra Cục Hải quan TP Hải Phòng và Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng.

Tại Cục Hải quan TP Hải Phòng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nêu ra bất cập trong kiểm tra chuyên ngành. Đó là thời gian kiểm tra dài, tốn chi phí nhưng tỷ lệ phát hiện lô hàng vi phạm lại rất nhỏ, chỉ 0,06%. Nhiều mặt hàng phải chịu sự kiểm tra chồng chéo.

Bộ trưởng cho rằng cần phải xem xét lại khoản phí 1,5 triệu đồng làm hồ sơ, thủ tục đối với doanh nghiệp, bởi việc kiểm tra chuyên ngành hiện chỉ làm thủ tục giấy tờ là chính. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh lực lượng hải quan toàn quốc trước việc các doanh nghiệp, báo chí vẫn phản ánh tình trạng cán bộ trong ngành nhận phong bì của doanh nghiệp.

Đối với Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng nhắc nhở việc địa phương này thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển. Tinh thần là TP phải tiếp tục rà soát, tính toán lại theo hướng tạo điều kiện, giảm phí cho doanh nghiệp.

* VTV.vn (20/9): 8 tháng đầu năm, hơn 85.300 doanh nghiệp thành lập mới

Tám tháng đầu năm, cả nước có hơn 85.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là số liệu được công bố bởi Tổng cục Thống kê.

Đáng chú ý là, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới chỉ tăng 16%, nhưng số vốn đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp này lại tăng tới gần 45%, đạt 822 ngàn tỷ đồng. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 19.000 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng lên hơn 104,5 ngàn doanh nghiệp.

Về ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chiếm 36%, lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đều chiếm gần 13%, lĩnh vực khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác chiếm 7,5%.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng là hơn 45 nghìn doanh nghiệp, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, năm 2016 đã đi vào lịch sử kinh tế nước ta khi là năm đầu tiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới vượt ngưỡng 100.000. Đến nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn đang tiếp tục gia tăng.

 

QUẢN LÝ 

* Tiền Phong (19/9): 25% thời gian của công chức để làm báo cáo

          Không chỉ nặng gánh họp hành, mỗi năm, các cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) trên toàn quốc còn phải tiêu tốn nhiều thời gian, nhân lực, vật lực để thực hiện chế độ báo cáo. Thống kê của Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho thấy, trung bình một năm, các CQHCNN phải thực hiện trên 2 triệu báo cáo, tiêu tốn 25% thời gian thực hiện nhiệm vụ.

          Sáng 12/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ khai thác, sử dụng Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và nghiệp vụ hệ thống hoá, rà soát, xây dựng, thực thi phương án đơn giản hoá chế độ báo cáo.

          Theo ông Mai Tiến Dũng, bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, qua báo cáo rà soát của VPCP cho thấy, thời gian cán bộ, công chức ở các CQHCNN dành thời gian làm báo cáo rất lớn. Cụ thể là ở cấp Bộ, cán bộ, công chức phải bỏ ra 25,4% thời gian, còn ở địa phương là 26,12% thời gian để làm báo cáo.

          Tiêu tốn nhiều thời gian như vậy, nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết chất lượng báo cáo chưa cao, còn nhiều sao chép, nhiều báo cáo trùng lặp không cần thiết. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 để đơn giản hoá các chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước.

          Khảo sát của VPCP cho thấy, số lượng báo cáo mà các CQHCNN trên toàn quốc phải thực hiện trong một năm là trên 2 triệu báo cáo. Tuy nhiên chất lượng các báo cáo còn nhiều hạn chế, những nhận xét, phân tích, đánh giá trong các bản báo cáo sơ sài. Việc đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục tồn tại, nhận định triển vọng, đề xuất kiến nghị trong các báo cáo còn khá nghèo nàn. Bên cạnh đó, đa số các bộ, ngành, địa phương vẫn sử dụng hình thức nhận - gửi báo cáo giấy là phương thức chính. Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện nhận - gửi báo cáo điện tử song chưa triệt để.

          Nhằm khắc phục những bất cập trên, VPCP rằng, việc xây dựng Đề án xây dựng Hệ thống báo cáo quốc gia đồng bộ, thống nhất, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền là hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương giảm gánh nặng hành chính trong tuân thủ chế độ báo cáo tại các cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo tiết kiệm thời gian, nhân lực thực hiện, tiến tới loại bỏ các báo cáo, nội dung báo cáo không cần thiết, cắt giảm số lượng báo cáo và giảm tối đa về tần suất báo cáo.

          “Kết quả đơn giản hóa chế độ báo cáo sẽ góp phần cắt giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, lãnh đạo VPCP khẳng định.

          Đối với hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, đây là nhiệm vụ nhằm thực hiện hóa chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, thay vì quản lý hành chính đơn thuần chuyển sang Chính phủ có nền hành chính phục vụ, lấy đối tượng phục vụ là người dân và doanh nghiệp. Đây kênh tương tác của Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp nhằm mục đích công khai tất cả các công việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ với doanh nghiệp, người dân.

          Đồng thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và xử lý, giải đáp kiến nghị của người dân một cách nhanh chóng và kịp thời nhất.”Những bức xúc của người dân, doanh nghiệp đều được phản ánh đến Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

          Theo lãnh đạo VPCP, đến thời điểm này là gần một năm kênh tương tác Chính phủ với doanh nghiệp đi vào hoạt động. Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp đã tiếp nhận 1.208 ý kiến doanh nghiệp, trong đó đã giải quyết hơn 800 ý kiến. “Qua phản ánh của doanh nghiệp, VPCP có thể có những tham mưu để sửa đổi, hoàn thiện chính sách cho phù hợp hơn”, ông Dũng nói và khẳng định,việc xây dựng hệ thống trả lời tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp cũng là giải pháp căn cơ để xây dựng cơ quan hành chính các cấp tốt hơn nữa, đây cũng là tiền đề xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, xây dựng Chính phủ điện tử.

 

* Kênh VTV1 – Chuyển động 24h lúc 18h30 ngày (19/9) : Băn khoăn cách triển khai quy định xử phạt chó thả rông

          Quy định mới về cách xử phạt chủ không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó tại nơi công cộng đang khiến nhiều người băn khoăn.

          Chỉ còn 2 ngày tới, quyết định xử phạt chủ không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó từ 600.000 - 800.000 đồng sẽ có hiệu lực. Trước khi có quy định này, tại TP.HCM đã có đội bắt chó thả rông, xử phạt các trường hợp chó không tiêm phòng dại. Lực lượng bắt chó cũng sẽ triển khai theo quy định mới nhưng cách xử phạt này đang dấy lên nhiều băn khoăn.

          Mỗi ngày, đội bắt chó thả rông của Chi cục Thú y TP.HCM tuần tra trên các tuyến đường, khi gặp chó thả rông, nhân viên của đội sẽ bắt, lập biên bản mang về. Chủ nuôi muốn mang chó về cần xuất trình các giấy tờ liên quan đến quy định tiêm phòng, nếu không sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, không ít lần đội gặp sự phản ứng quyết liệt của người dân.

          Ghi nhận tại Trạm Thú y quận 3, những ngày qua, lượng người đi tiêm phòng cho thú cưng tăng cao. Trước quy định xử phạt mới, nhiều người băn khoăn về cách bắt chó xử phạt. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, những người như anh Hùng (quận Gò Vấp) bị chó thả rông cắn lại mong sự quyết liệt của chính quyền địa phương khi mỗi mũi tiêm phòng anh phải tốn từ 300.000 - 1 triệu đồng.

          Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 300.000 người bị chó cắn, không ít trường hợp do chó thả rông bị dại cắn dẫn đến tử vong.

          Hai ngày tới, quy định xử phạt sẽ có hiệu lực. Cách triển khai xử phạt như thế nào vừa đảm bảo sự thuyết phục với người nuôi chó, đồng thời góp phần kéo giảm tỷ lệ thương vong do chó cắn đang là bài toán cần giải đáp.

 

* Báo Chính Phủ Điện Tử (19/9): Hoàn thiện Đề án Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp về Đề án Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ công chức cấp xã.

Thông báo kết luận nêu rõ, việc xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý về công tác cán bộ. Việc xây dựng Đề án cần bảo đảm các nguyên tắc, yêu cầu về cơ sở pháp lý, tính hiệu quả, ổn định lâu dài, hiện đại và tiết kiệm.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, triển khai khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương để đánh giá đầy đủ thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức; lưu ý hệ thống trang thiết bị, phầm mềm, đề xuất phương án đầu tư cụ thể, hợp lý trên cơ sở kế thừa tối đa cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục những vướng mắc trong quá trình áp dụng thí điểm thời gian qua. Đối với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đang vận hành hiệu quả, nên hướng tới giải pháp tích hợp và đồng bộ theo quy chuẩn chung.

Đồng thời xác định rõ phạm vi áp dụng của Cơ sở dữ liệu, các giải pháp kỹ thuật, phương án công nghệ bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, tính bảo mật và xác thực, trách nhiệm của các cơ quan tích hợp và chia sẻ thông tin, mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu dùng chung với các cơ sở dữ liệu đang triển khai, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tương thích, tránh chồng chéo, gây lãng phí.

Bên cạnh đó rà soát hệ thống thông tin cá nhân cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm thống nhất, phục vụ yêu cầu công tác quản lý, lưu ý không đưa vào cơ sở dữ liệu những thông tin thuộc bí mật đời tư cá nhân.

Bộ Nội vụ phân tích, thuyết minh tính khả thi khi vận hành Cơ sở dữ liệu, trong đó làm rõ sản phẩm, hiệu quả của Đề án và phương thức vận hành. Việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin thực hiện theo nguyên tắc phân cấp trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí; nên tính đến phương án thuê hạ tầng máy chủ, thiết bị mạng, vận hành cơ sở dữ liệu theo tinh thần Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

 

* Đại Biểu Nhân Dân (20/9): Kiểm tra việc cấp “sổ đỏ” tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức các đoàn kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong số các trường hợp tồn đọng, chỉ có 25% có thể được giải quyết.

Lý do là nhiều trường hợp không đủ khả năng để nộp nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước; một số không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận do đất không có giấy tờ theo quy định, đất đang có tranh chấp, đất mua bán bằng giấy tờ viết tay từ ngày 1.1.2008 trở về sau hoặc hiện trạng sử dụng không phù hợp với quy hoạch, đất đang trong khu vực có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất.

 

* Tuổi Trẻ (19/9): Quảng Nam: Cấm vắt chân, rung đùi khi làm việc

Đây là quy định trong Quy chế văn hóa công sở và Quy tắc ứng xử đạo đức công vụ của cán bộ công chức, viên chức do UBND huyện Tây Giang ban hành.

Ngày 18/9, ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, sau khi UBND huyện ban hành Quyết định về Quy chế nói trên, cán bộ, công chức đã thực hành quen dần và đi vào nề nếp.

Quy chế nói trên được ban hành ngày 21/6, có 9 điều, trong đó nêu rõ các hành vi mà cán bộ, công chức, viên chức bị cấm như: Cấm uống rượu bia, đồ uống có chất kích thích trong giờ làm việc; cấm các hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, nhận các lợi ích hợp pháp từ người đến giao dịch công tác.

Ngoài ra, Quy chế cũng quy định cán bộ, công chức, viên chức không chơi game, uống cà phê, thuốc lá, nói chuyện riêng trong giờ hành chính. Tác phong, trang phục khi đến cơ quan phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, không đi dép lê, không mặt quần jean, áo thun... Khi ngồi làm việc, hội họp, hội nghị luôn giữ tư thế ngay ngắn, nghiêm túc; không ngồi nghiêng ngửa, dang chân, vắt chân chữ ngũ, rung đùi, nói chuyện...

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 

* Infonet.vn (20/9):  Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại Sở Y tế TP.HCM

Thực hiện cải cách hành chính tại Sở Y tế TP.HCM, trong đó trọng tâm là cải cách hành chính trong việc cung cấp các dịch vụ công trong hoạt động cấp phép của Sở Y tế, năm 2016 Sở Y tế đã đăng ký triển khai 18 dịch vụ công trực tuyến.

18 dịch vụ công trực tuyến được đăng ký triển khai bao gồm 15 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong lĩnh vực Dược -  Mỹ phẩm và lĩnh vực Khám, chữa bệnh, đặc biệt đã triển khai 03 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực Trang thiết bị y tế.

Dịch vụ công trực tuyến đã mang lại rất nhiều tiện ích cho các tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia, đặc biệt là tiện lợi trong giao dịch và tiết kiệm về mặt thời gian.

Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng.

Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Còn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến.

Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Mặt khác, thông qua việc triển khai dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 lãnh đạo cơ quan có thể giám sát được quy trình xử lý hồ sơ công việc, thời gian xử lý hồ sơ của từng bộ phận, chuyên viên góp phần làm tăng trách nhiệm của các cơ quan cung cấp dịch vụ cũng như cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ. 

 

* Tin Tức (20/9) : TPHCM phấn đấu 80% người dân hài lòng với dịch vụ công

          UBND TP Hồ Chí Minh vừa giao các sở, ban ngành, UBND quận, huyện tăng cường kiểm tra công tác triển khai thực hiện hệ thống đánh giá hài lòng của tổ chức và người dân đối với dịch vụ công tại cơ quan, đơn vị.

          Theo đó, từ nay đến cuối năm 2017, mỗi cơ quan, đơn vị phải đảm bảo ít nhất có 40% số hồ sơ được tiếp nhận, trả kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, hoặc qua dịch vụ công trực tuyến phải có sự tham gia đánh giá của tổ chức, người dân trên hệ thống. Mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính phải đạt mức trên 80%.

          Ngoài hình thức đánh giá sự hài lòng trên hệ thống đánh giá của tổ chức và người dân đối với dịch vụ công tại cơ quan, đơn vị, UBND TP Hồ Chí Minh còn khuyến khích các cơ quan, đơn vị triển khai công tác đánh giá hài lòng thông qua các hình thức khác nhưng phải đảm bảo thống nhất, tương đồng với các nội dung tiêu chí đánh giá đã được quy định theo hệ thống chung của thành phố.

          Các đơn vị như ngành thuế, đất đai tại TP Hồ Chí Minh đã trang bị hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân với các dịch vụ công.

          Đồng thời, UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu mở rộng phạm vi triển khai hệ thống này đến các đơn vị trực thuộc có giải quyết thủ tục hành chính và UBND phường, xã, thị trấn… Khi có kết quả, các cơ quan, đơn vị cần kiến nghị về chất lượng dịch vụ hành chính công để đề ra các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

          Để việc thực hiện đạt hiệu quả cao, Sở Thông tin và truyền thông phải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành; UBND quận, huyện tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thủ tục hành chính tham gia đánh giá trên hệ thống đánh giá hài lòng của tổ chức và người dân trên địa bàn thành phố. Sở Nội vụ có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện, báo cáo kết quả cho Ban Chỉ đạo cải cách hành chính thành phố và UBND TP Hồ Chí Minh.

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

* Báo Chính Phủ Điện Tử (20/9): Tăng cường kiểm soát chi ngân sách Nhà nước

Kiên quyết từ chối thanh toán các khoản chi bằng tiền mặt do đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đề nghị không đúng đối tượng được phép chi bằng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Kho bạc Nhà nước Trung ương vừa ban hành công văn về việc tăng cường công tác kiểm soát chi năm 2017 nhằm chỉ đạo, quán triệt và hướng dẫn các đơn vị thuộc Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Kho bạc Nhà nước tỉnh) nghiêm túc triển khai thực hiện nhiệm vụ này trong toàn hệ thống.

Đối với công tác kiểm soát chi thường xuyên, công văn nêu rõ cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

Theo đó, việc kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên ngân sách Nhà nước được thực hiện như sau: Các khoản chi ngân sách nhà nước phải có dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đúng nội dung, đúng mục đích, đúng định mức tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Đối với các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa đã bố trí trong dự toán ngân sách giao đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2017 chưa triển khai thực hiện hoặc chưa phê duyệt dự toán hoặc chưa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Kho bạc nhà nước nơi giao dịch tạm dừng thanh toán, đồng thời tổng hợp báo cáo về Kho bạc Nhà nước bằng văn bản trước ngày 03 hàng tháng để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính.

Về kiểm soát chi bằng tiền mặt: Kho bạc Nhà nước tỉnh chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện kiểm soát các khoản chi bằng tiền mặt theo đúng quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư số 13/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN. Kiên quyết từ chối thanh toán các khoản chi bằng tiền mặt do đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đề nghị không đúng đối tượng quy định được phép chi bằng tiền mặt..

Công văn nêu rõ, thực hiện kiểm soát thanh toán các khoản chi mua sắm tài sản nhà nước theo hướng dẫn tại công văn số 2676/BTC-QLCS ngày 28/02/2017 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2017, công văn số 3959/KBNN-KSC ngày 22/8/2017 của Kho bạc Nhà nước hướng dẫn việc kiểm soát thanh toán đối với các khoản mua sắm tài sản nhà nước, mua sắm thuốc theo phương thức tập trung qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Cụ thể, về việc mua xe ô tô chuyên dùng: Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý bao gồm các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch căn cứ vào định mức xe (chủng loại, số lượng) ô tô chuyên dùng do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương ban hành và văn bản thống nhất ý kiến của Bộ Tài chính.

Trường hợp Bộ Công an đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc: Đơn vị không phải gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch văn bản thống nhất ý kiến của Bộ Tài chính.

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý: Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch căn cứ vào định mức xe (chủng loại, số lượng) ô tô chuyên dùng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và văn bản thống nhất ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

Đối với việc mua sắm xe ô tô đối với các chương trình/dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại: Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch không thực hiện thanh toán đối với kinh phí mua xe ô tô từ nguồn vốn vay nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình/dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại (trừ trường hợp dự án đã được quy định mua ô tô trong Hiệp định).

 

PHÁP LUẬT 

* VTV.vn  (19/9): Vụ 213 container biến mất: Bắt tạm giam thêm 1 cán bộ hải quan

          Một cán bộ nữa thuộc Chi cục Hải quan khu vực II, TP.HCM, bị bắt tạm giam để điều tra hành vi "buôn lậu". Như vậy, đã có 3 cán bộ hải quan bị bắt từ vụ việc này. Trước đó, Tổng cục Hải quan phát hiện vào giữa năm 2015 có 213 container của 56 doanh nghiệp vận chuyển quá cảnh qua cảng Cát Lái, TP.HCM để xuất đi Campuchia. Tuy nhiên, số container trên đã không được đưa đến cửa khẩu xuất theo quy định.

          Theo Tổng cục Hải quan, các công chức trên đã tiếp tay cho một số đối tượng lợi dụng chính sách trung chuyển, quá cảnh hàng hóa để nhập hàng cấm từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ.

 

* Pháp Luật TPHCM  (19/9) : Lai Châu: Kỷ luật 2 lãnh đạo huyện Tân Uyên

          Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lai Châu vừa ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách hai lãnh đạo huyện Tân Uyên là Lò Văn Học, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy và Vũ Thế Trang, Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tân Uyên khóa V nhiệm kỳ 2012-2017.

          Hai người này đã có vi phạm như không thẩm định, thẩm tra để Hội Cựu chiến binh huyện không thực hiện đầy đủ các bước quy trình công tác nhân sự đại hội theo hướng dẫn; không triệu tập hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ hội để giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra, các chức danh...

 

* Giadinhvaphapluat.vn (19/9) : Quảng Nam: Nguyên Phó Ban dân vận Huyện ủy lĩnh 6 tháng tù vì đánh bạc

          Ngày 18/9, Huyện ủy Tây Giang cho biết, Tòa án huyện này vừa tuyên phạt sáu tháng tù với ông Đặng Công Thuật - nguyên Phó Ban Dân vận Huyện ủy - về tội Đánh bạc.

          Theo cáo buộc, tối 9/2 ông Thuật cùng 13 người đánh bạc với hình thức xóc đĩa tại nhà một người dân thì bị cảnh sát ập vào bắt quả tang. Tại hiện trường, cảnh sát thu hơn 90 triệu đồng.

          Huyện ủy Tây Giang đã đình chỉ sinh hoạt Đảng với ông Thuật, cho biết sau khi bản án có hiệu lực sẽ xem xét hình thức kỷ luật.

 

* VTV.vn (20/9): Tạm đình chỉ công tác 13 cán bộ, chiến sỹ trong vụ tử tù trốn thoát

Liên quan đến vụ 2 tử tù trốn thoát tại trại giam T16 của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát đã tạm đình chỉ công tác 13 người liên quan từ Giám thị đến Phó Giám thị phụ trách quản giáo, tổ theo dõi an ninh, tổ cảnh sát bảo vệ, các quản giáo, chiến sĩ canh gác.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Công an đã yêu cầu các cán bộ, chiến sĩ của trại giam T16 có liên quan nghiêm túc làm kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Bộ Công an cũng đã bổ nhiệm Giám thị mới của trại tạm giam T16, thay cho Giám thị cũ đang bị tạm đình chỉ công tác. Giám thị mới là một Trưởng phòng thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44, Bộ Công an).

Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ là 2 tử tù được giam chung buồng tại Trại tạm giam T16 của Bộ Công an để chờ thi hành án. Theo xác định của cơ quan Công an, các đối tượng này đã phá cùm, khoét tường buồng giam chui ra ngoài và lợi dụng trời mưa, đêm tối, dùng dây leo qua tường rào trại tạm giam để bỏ trốn trong đêm 10/9.

Lê Văn Thọ sau đó đã bị bắt tại Hải Dương vào chiều 16/9. Đến rạng sáng 17/9, tử tù trốn trại còn lại là Nguyễn Văn Tình cũng bị lực lượng công an bắt giữ tại huyện Mai Châu (Hòa Bình). Hiện 2 đối tượng đã bị di lý về trại giam T16 của Bộ Công an để phục vụ điều tra.

 

THẾ GIỚI 

* Giáo Dục & Thời Đại (19/9): Ba Lan: Kế hoạch cải cách giáo dục gây tranh cãi

          Kế hoạch cải cách giáo dục Ba Lan của chính phủ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa sẽ dẫn tới đóng cửa 7.000 trường học và sa thải 9.000 giáo viên. Chương trình giáo dục mới cũng sẽ tập trung chủ yếu vào những vấn đề quốc nội thay vì mở rộng quốc tế như trước. Kế hoạch này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều…

          Tâm điểm trong kế hoạch cải cách là xoá bỏ hệ thống trường THCS (dành cho học sinh 12 - 15 tuổi). Khoảng 7.000 trường THCS sẽ bị đóng cửa trước năm học tới và học sinh cấp học này sẽ sát nhập vào các trường tiểu học.

          Chính phủ Ba Lan lần đầu tiên thực hiện mô hình trường THCS dưới thời Thủ tướng Jerzy Buzek năm 1999 nhằm thu hẹp cách biệt giữa các trường học Ba Lan với Liên minh châu Âu (EU) và mang lại cơ hội bình đẳng cho học sinh đô thị và nông thôn.

          Kết quả từ Chương trình khảo sát trình độ học sinh quốc tế (PISA) do OECD thực hiện cho thấy hiệu quả từ mô hình này. “Ba Lan đã có tiến bộ to lớn trong 10 năm qua” – Andreas Schleicher, phụ trách nghiên cứu PISA, nhận xét. Thực tế Ba Lan thường nằm trong tốp 10 quốc gia có kết quả cao nhất trong xếp hạng PISA.

          Tuy nhiên, theo quan điểm của chính phủ hiện tại thì hệ thống trường THCS đã cô lập học sinh vào độ tuổi có nhiều biến đổi tâm sinh lí và việc hoà nhập với trẻ em nhỏ hơn ở trường tiểu học sẽ tốt hơn.

          Việc xoá bỏ trường THCS đồng nghĩa đưa hệ thống trường học trở về mô hình cũ vào trước năm 1999 – tức hệ thống giáo dục chỉ có cấp tiểu học (bao gồm cả THCS) và trung học (chỉ có THPT). Với việc xoá bỏ trường THCS và gộp học sinh vào các trường tiểu học, Bộ Giáo dục ngay lập tức đặt hàng chục nghìn hiệu trưởng vào tình cảnh thất nghiệp.

          Hiện Bộ Giáo dục toàn quyền chỉ định hiệu trưởng mới cho các trường tiểu học “mở rộng” khiến cho nhiều người lo ngại việc chỉ định này thiếu minh bạch và có thể phụ thuộc nhiều vào quan điểm chính trị của ứng viên hiệu trưởng.

          Bên cạnh việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ giáo viên, cải cách giáo dục cũng sửa đổi nhiều nội dung trong chương trình giảng dạy, tập trung hơn vào vấn đề dân tộc, quốc gia. Ý kiến chỉ trích cho rằng, chương trình cải cách thiếu sự kết nối giữa nội dung các môn học. Hiện tại, sách giáo khoa các môn khác nhau tương đối liên quan. Ví dụ những chủ đề tương tự được dạy trong môn Tiếng Ba Lan và Lịch sử.

 

* Giáo Dục & Thời Đại (20/9): Trung Quốc cấm thực hiện các dự án xây dựng tại thủ đô

Trung Quốc sẽ ngăn chặn hầu như tất cả các dự án xây dựng lớn tại Bắc Kinh nhằm đối phó với khủng hoảng ô nhiễm không khí trong thành phố vốn được xem là nguyên nhân của hàng ngàn vụ tử vong sớm hàng năm.

Lệnh cấm sẽ có hiệu lực tại 6 quận của Bắc Kinh và khu vực ngoại thành kể từ ngày 15/11 và kéo dài 4 tháng. Đây là thời kỳ chính quyền địa phương cung cấp nhiệt lượng sưởi ấm cho các hộ gia đình trong thành phố. Ủy ban xây dựng và nhà ở của thành phố cam kết sẽ phạt nặng cho bất kỳ vi phạm nào.

Một số dự án như đường sắt, sân bay, nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ được tiếp tục xây dựng nếu được ủy ban xây dựng cấp phép đặc biệt.

Trung Quốc đang ở năm thứ 4 của “cuộc chiến chống lại ô nhiễm” khi nước này đang tìm cách giảm khói bụi vốn thường xuyên đạt mức nguy hiểm ở nhiều nơi và đối phó với nước và đất ô nhiễm nặng.

Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã cố gắng cân bằng giữa bảo vệ môi trường và duy trì phát triển kinh tế và đã tìm cách cải cách các ngành công nghiệp đói năng lượng và gây nhiều ô nhiễm.

Các nhà máy xi măng và đúc kim loại ở Bắc Kinh và một số nơi khác ở Trung Quốc đã được lệnh dừng sản xuất trong mùa đông, trong khi đó các nhà máy thép ở khu vực tỉnh Hebei sẽ bị buộc phải cắt một nửa sản lượng của mình.

Trong tháng 12 năm ngoái, hàng triệu người dân tại 24 thành phố trên khắp vùng đông bắc Trung Quốc được khuyên không nên ra khỏi nhà vì khói bụi xám, dày đặc nhấn chìm cả khu vực. Báo động đỏ đã được đưa ra  khiến cho các trường học phải đóng cửa, giao thông bị giới hạn và các chuyến bay bị hủy bỏ.

Mặc dù có những nỗ lực cắt giảm ô nhiễm, chất lượng không khí ở Trung Quốc vẫn tồi tệ hơn trong nửa đầu của năm 2017. Khoảng 338 thành phố, bao gồm Bắc Kinh đã báo cáo có ít ngày không khí sạch hơn so với năm ngoái và chính phủ cho rằng nguyên nhân là do nhu cầu sưởi ấm của người dân phụ thuộc vào các nhà máy điện đốt than.

 

* VTV.vn (20/9): Nhật Bản giải quyết bài toán phúc lợi cho lao động cao tuổi

Bộ Nội vụ Nhật Bản ngày 17/9 công bố số liệu thống kê cho thấy, những người cao tuổi đang tham gia nền kinh tế nước này ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, trong khi những người lao động cao tuổi đang đóng góp ngày càng nhiều hơn, họ chỉ nhận được một khoản tiền lương ít ỏi, và hầu như không được đóng bảo hiểm, điều đang gây thêm nhiều khó khăn cho cuộc sống của những lao động cao tuổi.

Cứ mười lao động tại Nhật Bản lại có hơn một người trên 65 tuổi. Đây là con số thống kê gây sửng sốt mà Bộ Nội vụ Nhật Bản cung cấp. Lao động cao tuổi đang tham gia thị trường lao động Nhật Bản ở một quy mô lớn chưa từng có trước đây, nhưng đồng thời họ cũng chịu rất nhiều rủi ro từ sự đãi ngộ không cân xứng từ phía các nhà tuyển dụng.

Tình trạng làm việc mập mờ đang tạo ra một nền kinh tế ngầm dẫn đến nhiều rủi ro cho những người lao động cao tuổi. Vấn đề thường gặp nhất là làm việc nhiều giờ liên tục hoặc điều kiện làm việc khắc nghiệt, có thể dẫn đến tâm lý tuyệt vọng và đe dọa sức khỏe của những người lao động cao tuổi. Theo thống kê, tại Nhật Bản hàng năm cứ 100 nghìn lao động trên 70 tuổi lại có 25 người tự sát.

Chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu các giải pháp bao gồm thành lập các trung tâm tìm việc cho người cao tuổi, cung cấp tư vấn miễn phí cho người lao động cao tuổi khi gặp các vấn đề trong công việc với bên tuyển dụng.

Khi ngày càng nhiều người cao tuổi tham gia vào thị trường lao động, Nhật Bản đang đứng trước áp lực phải gia tăng tiền lương và các chế độ đãi ngộ dành cho người cao tuổi, trong khi hiệu suất làm việc không tăng tương ứng thậm chí còn giảm xuống. Ứng phó với một xã hội già hóa vẫn là bài toán khó đối với các công ty, nhà tuyển dụng và Chính phủ Nhật Bản.

 

* Vnexpress.net (20/9): Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng 700 tỷ USD

Thượng viện Mỹ ngày 18/9 đã thông qua dự luật về ngân sách quốc phòng cho tài khóa 2018 trị giá 700 tỷ USD, nhằm ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump về việc xây dựng một quân đội lớn và mạnh mẽ hơn, Reuters hôm nay đưa tin.

Theo đó, dự luật được thông qua với số phiếu áp đảo, 89 phiếu thuận và 8 phiếu chống, phân bổ 640 tỷ USD cho các hoạt động chính của Lầu Năm Góc như mua vũ khí, trả lương và cung cấp 60 tỷ USD để chi tiêu cho các chiến dịch quân sự tại Afghanistan, Iraq, Syria cùng một số nơi khác.

Dự luật cho cho phép tăng lương cho binh sĩ thêm 2,1%, tăng chi tiêu mua sắm các máy bay chiến đấu F-35, tàu chiến, xe tăng M1 Abrams và dành một khoản 8,5 tỷ USD để tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục tiến hành thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo.

Dự luật cũng cấm các cơ quan chính phủ liên bang sử dụng các phần mềm có nguồn gốc từ Nga như Kaspersky nhằm tăng tính bảo mật của hệ thống máy tính.

Hồi tháng 7/2017, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật với mức chi tiêu tương tự và giờ hai viện sẽ phải làm việc để đưa ra đạo luật thống nhất./.

Nguồn: Công báo biên tập

Tin mới nhất

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

<< < 1 2 3 4 5  ... > >> 
°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
373 người đã bình chọn