Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 6 năm 2016

Update 28 - 06 - 2016
100%

PHẦN I- TIN ĐIỆN BIỂN

* Báo Điện Biên Phủ (19/6): Dự án Bổ sung đoạn tuyến nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu tái định cư (TĐC) Noong Bua, phường Noong Bua, TP.

Điện Biên Phủ (gọi tắt là Dự án Bổ sung đường 60m) là dự án quan trọng, giải quyết nhu cầu bức thiết về giao thông trên địa bàn. Đây là một trong những dự án thành phần của Dự án Di dân, TĐC Thủy điện Sơn La trên địa bàn thành phố phải hoàn thành trước ngày 31/3/2016, tuy nhiên do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn nên đến nay Dự án vẫn còn dang dở.

Dự án Bổ sung đoạn tuyến nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu TĐC Noong Bua có tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, được bổ sung từ tháng 12/2015. UBND TP. Điện Biên Phủ là đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư, trực tiếp tổ chức, quản lý thực hiện Dự án. Tuy nhiên, mãi đến ngày 11/4/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 505/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp giai đoạn I hạng mục bổ sung đoạn tuyến đường nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu TĐC Noong Bua. Theo đó, liên doanh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 và Công ty TNHH Trường Thọ là đơn vị trúng thầu với trị giá gói thầu hơn 118 tỷ đồng.

Đoạn tuyến bổ sung từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu TĐC Noong Bua có quy mô xây dựng mới, đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật gồm: Nền, mặt đường, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh và an toàn giao thông... phù hợp với quy hoạch xây dựng TP. Điện Biên Phủ. Toàn tuyến có tổng chiều dài là 1,58km, trong đó trục chính dài hơn 1,4km, nền đường rộng 60m; tuyến nhánh dài gần 185m rộng 20,5m. Mục đích của tuyến đường này để kết nối trung tâm hành chính TP. Điện Biên Phủ với trung tâm hành chính tỉnh, khu TĐC Noong Bua và các vùng lân cận, hình thành mạng lưới giao thông trong khu vực theo định hướng quy hoạch chung xây dựng TP. Điện Biên Phủ và quy hoạch khu đô thị mới phía đông thành phố, góp phần ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân TĐC Thủy điện Sơn La trên địa bàn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của thành phố. Ngay sau khi trúng thầu, các đơn vị thi công đã tập trung phương tiện, máy móc, thiết bị kỹ thuật triển khai thi công phần mở nền đường. Tuy nhiên hiện nay đơn vị này đang gặp khó khăn do chưa được bàn giao hết mặt bằng để thi công liên hoàn.

Theo ông Nguyễn Viết Sáng, Giám đốc Ban Quản lý dự án TP. Điện Biên Phủ: Tổng diện tích thu hồi đất thi công tuyến đường 60m theo quy hoạch là 10,81ha với 289 thửa đất các loại; tổng số 196 hộ bị thu hồi đất; tiền bồi thường, hỗ trợ đất đai, tài sản toàn dự án trên 122,2 tỷ đồng. Đối với Dự án Đầu tư hạ tầng khung khu đô thị thương mại dịch vụ bám dọc trục đường 60m, tổng diện tích thu hồi đất theo quy hoạch 11,65ha, khoảng cách thu hồi đất mỗi bên trung bình 60m; tổng kinh phí bồi thường về đất trên 52,2 tỷ đồng; bồi thường hỗ trợ TĐC gần 118 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay có 79 hộ bàn giao mặt bằng và mới giải phóng được gần 60ha. Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân gây chậm trong GPMB là do một số hộ chưa đồng thuận về chính sách đền bù và TĐC chưa phù hợp, người dân yêu cầu được TĐC tại chỗ...

* Báo Điện Biên Phủ (19/6): Khẩn trương giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về diện tích rừng đến các cấp huyện, xã

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn tại buổi làm việc ngày 17/6 với UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP; tình hình phát triển cây cao su, mắc ca và vấn đề dân di cư tại huyện Mường Nhé. Tiếp và làm việc với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 823 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có 330 vụ phá rừng trái pháp luật. Lực lượng chức năng đã xử lý 518 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 4 tỷ đồng. Thực hiện kế hoạch chăm sóc và phát triển rừng năm 2016 của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã chăm sóc được 367ha rừng trồng (đạt 84% kế hoạch); giao khoán khoanh nuôi tái sinh 2.529ha rừng (đạt 16% kế hoạch); công tác trồng rừng mới đang triển khai khảo sát, thiết kế và chuẩn bị cây giống.

Thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, tỉnh Điện Biên có 4 nông, lâm trường quốc doanh (1 nông trường và 3 lâm trường). Tỉnh đã hoàn thành chuyển đổi nông trường quốc doanh (Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Cây công nghiệp Điện Biên) thành Công ty Cổ phần chế biến nông sản Điện Biên trực thuộc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, tổng diện tích quản lý theo hiện trạng khi chuyển đổi là 652,06ha; hoàn thành việc chuyển đổi 3 lâm trường thành các Ban quản lý rừng phòng hộ, cụ thể: Lâm trường Điện Biên chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên; lâm trường Tuần Giáo chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo; lâm trường đặc sản Điện Biên chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà.

Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai trồng 5.135ha cao su, trong đó: Công ty Cổ phần cao su Điện Biên trồng 3.766ha; Công ty Cổ phần cao su Mường Nhé trồng 1.195ha và cao su tiểu điền 173ha. Diện tích cây mắc ca trên địa bàn tỉnh là 791,1ha, trong đó trồng tập trung 180,8ha; trồng xen 610,3ha. …

* Báo Điện Biên Phủ (19/6): Nhiều công trình chống lũ chậm tiến độ

Sau trận lũ, lụt lịch sử năm 2015, huyện Tuần Giáo đã triển khai thi công một số công trình cấp bách nhằm phòng chống mưa lũ, hạn chế thiệt hại về hạ tầng, đảm bảo an toàn cho người dân khi xảy ra mưa lũ, thiên tai. 

Tuy nhiên, mùa mưa năm 2016 đã cận kề và được dự báo sẽ có diễn biến phức tạp nhưng đến nay hầu hết các công trình cấp bách phòng chống lụt, bão của huyện Tuần Giáo vẫn chưa hoàn thành. Mùa mưa đến, các công trình đang thi công sẽ phải tạm dừng cho đến khi kết thúc mùa mưa. Điều đó cũng có nghĩa các công trình cấp bách phòng chống mưa lũ của huyện Tuần Giáo phải... chờ đến mùa mưa năm 2017 mới có “cơ hội” phát huy hiệu quả. 

Cứ mùa mưa đến, nước suối Nậm Húa (đoạn chảy qua bản Bình Minh, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo) dâng cao, chảy xiết gây xói lở đất ruộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 20 hộ dân bản Bình Minh và Trường Tiểu học Bình Minh. Ông Quàng Văn Sung, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông cho biết: “Chỉ trong 3 năm trở lại đây, vệt xói lở đã “xóa sổ” gần 12ha ruộng 2 vụ của xã. Mùa mưa năm 2014, mực nước suối Nậm Húa dâng cao, gây sạt lở sâu khiến 4 hộ dân phải di dời khẩn cấp; 18 hộ dân và Trường tiểu học Bình Minh nằm trong diện nguy hiểm”. Trước nguy cơ ngày càng rõ ràng, năm 2014, UBND huyện Tuần Giáo đã đầu tư công trình kè rọ đá bên tả suối Nậm Húa để ngăn xói lở. Tuy nhiên, hiệu quả của công trình này không cao. Cơn lũ năm 2015 đã cuốn trôi kè rọ đá và vết xói lở tiếp tục ăn sâu vào trong cuốn trôi cột điện, nhiều diện tích ruộng và đe dọa cuộc sống của người dân bản Bình Minh và Trường Tiểu học Bình Minh.

Kết thúc mùa mưa năm 2015, để khắc phục triệt để tình trạng này, UBND huyện Tuần Giáo sử dụng nguồn vốn từ ngân sách theo Quyết định số 192/QĐ-UBND, ngày 17/2/2016 của UBND tỉnh để thi công công trình: Kè bảo vệ khu dân cư, trường tiểu học Bình Minh và đất sản xuất nông nghiệp thuộc xã Chiềng Đông, với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng. Đây là công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp IV với tổng chiều dài kè 896,2m. Khi hoàn thành, công trình sẽ góp phần nắn dòng suối Nậm Húa, bảo vệ đất ruộng và khu dân cư, trường tiểu học Bình Minh. Sau khi nguồn vốn được phê duyệt, đến tháng 4/2016, công trình mới bắt đầu thi công. Đến nay, mới chỉ hoàn thành được 30% khối lượng xây lắp và đã dừng thi công đến... tháng 10/2016. Như vậy, công trình phải “chờ” đến mùa mưa năm 2017 mới phát huy hiệu quả và người dân bản Bình Minh tiếp tục nơm nớp lo sợ trong mùa mưa năm 2016. …

* Báo Điện Biên Phủ (19/6): Bài học cho những kẻ kiếm lời bất chính từ ma túy

Trong 3 ngày, từ ngày 17 - 19/4, tại Tòa án Nhân dân tỉnh diễn ra phiên xét xử sơ thẩm đối với nhóm bị cáo thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy liên tỉnh Điện Biên – Lào Cai lớn nhất từ trước đến nay với số lượng trên 1.000 bánh hêrôin. 

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, ngày 24/11/2014, Tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) làm nhiệm vụ tại khu vực bản Huổi Múa B, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông phát hiện 2 đối tượng điều khiển xe mô tô mang biển kiểm soát 27U1- 063.58 có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Tổ kiểm tra yêu cầu dừng xe để kiểm tra và phát hiện thu giữ 1 gói hêrôin có trọng lượng 39,25g do đối tượng Hạng A Thi và Sùng A Sếnh mua về bán với mục đích kiếm lời. Qua quá trình đấu tranh khai thác, 2 đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy của mình cùng với nhiều đối tượng từ năm 2007 cho đến thời điểm bị bắt giữ lên tới hơn 1.000 bánh hêrôin. Mở rộng điều tra đã phát hiện đường dây mua bán trái phép chất ma túy gồm 10 đối tượng, đã bắt giữ 7 đối tượng: Sùng A Minh, Sùng A Chạ, Ly Seo Chư, Vàng Seo Chứ, Hạng A Minh, Hạng A Thi, Sùng A Nếnh, chuyển toàn bộ hồ sơ đến Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, đề nghị truy tố các đối tượng ra trước pháp luật. Đối với 3 đối tượng Sùng A Dua, Giàng Bia Dính, Sủng A Minh do đã bỏ trốn, hiện chưa bắt được, cơ quan điều tra Công an tỉnh đã tách vụ án và đình chỉ điều tra để xử lý sau. Các đối tượng đều là dân tộc Mông, trình độ học vấn hạn chế nhưng lại là những ông trùm ma túy cộm cán với những hành vi, thủ đoạn hết sức tinh vi, lần lượt những chuyến hàng đặc biệt được các đối tượng mua từ Lào tuồn về Điện Biên, Lào Cai tiêu thụ. Với khối tài sản kếch xù, những căn nhà tiền tỷ, sở thích sưu tầm xe ô tô, anh em Sùng A Minh, Sùng A Dua (trú tại xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng) được biết đến như những tay chơi khét tiếng, mức độ chịu chơi được so với ông trùm Tráng A Tàng (Tàng Kang Nam). …

* Báo Điện Biên Phủ (20/6): Người dân chưa mặn mà với xăng E5

Với giá thành rẻ hơn, ít gây ô nhiễm môi trường, xăng sinh học E5 được kỳ vọng sẽ thay thế dần xăng khoáng A92. Tuy nhiên, sau gần nửa năm triển khai bán thí điểm xăng E5, việc thay đổi thói quen của người dân từ dùng xăng A92 sang dùng xăng E5 vẫn còn là bài toán khó ở tỉnh ta.

Xăng sinh học E5 là nhiên liệu được sản xuất từ hỗn hợp 95% xăng không chì A92 với 5% cồn sinh học. Theo các kết quả nghiên cứu, việc sử dụng nhiên liệu sinh học pha vào xăng dầu sẽ góp phần cải thiện ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội.

Ngày 22/11/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 53/2012/QĐ – TTg về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Theo đó, từ ngày 1/12/1015 xăng sinh học E5 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc. Thực hiện theo quyết định trên, tỉnh ta đã triển khai bán thí điểm xăng sinh học E5 tại Cửa hàng Xăng dầu số 3, thuộc Công ty Xăng dầu Điện Biên. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Điện Biên cho biết: Để triển khai bán thí điểm xăng E5, đơn vị đã đầu tư kinh phí để cải tạo và tiến hành xúc rửa bồn, chuyển đổi bể chứa, cột bơm nhằm đảm bảo đưa sản phẩm vào lưu thông an toàn. Bởi đặc tính của xăng E5 là dễ hòa tan với nước nên bồn rửa phải được khép kín, tránh tình trạng nước phản ứng với cồn sinh học làm biến đổi màu sắc và kết tủa, làm hao hụt nhiên liệu. Tại điểm bán xăng, đơn vị đã có thông báo bằng băng rôn để khách hàng dễ nhận biết. …

* Báo Điện Biên Phủ (19/6): Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Mường Nhé sau khi kiểm tra thực địa tình hình quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện việc sắp xếp, ổn định dân cư theo Đề án 79 trên địa bàn huyện Mường Nhé. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, để ngăn chặn triệt để việc phá rừng trái phép, huyện Mường Nhé phải có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng dân di cư tự do vào địa bàn. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, ổn định dân cư theo Đề án 79, tạo sinh kế giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất.

Cùng đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra tình hình phá rừng trái phép tại bản Phứ Ma (xã Leng Su Sìn) - địa bàn đặc biệt phức tạp về phá rừng do dân di cư tự do gây ra, ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: Những ngọn đồi trọc, không một bóng cây này là hệ quả của tình trạng dân di cư tự do. Trước đây, bản Phứ Ma là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Hà Nhì; người dân chung sống hòa thuận, không tranh chấp nên công tác bảo vệ rừng được thực hiện tốt. Tuy nhiên mấy năm gần đây, dưới áp lực gia tăng dân sokhông thể kiểm soát tại bản Cà Là Pá nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực này diễn biến rất phức tạp. Dân di cư không có đất sản xuất nên phá rừng để làm nương. Họ phá hết rừng ở Cà Là Pá rồi chuyển sang phá rừng của bản Phứ Ma. Những khu rừng tái sinh trạng thái IIa xanh tốt nay đã bị đốn hạ, đốt nham nhở chỉ trơ lại gốc.

Như minh chứng cho ý kiến của Chủ tịch UBND huyện, ông Lò Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé trình bày với đoàn công tác bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2014 và bản đồ kiểm kê rừng năm 2015. Chỉ vào bản đồ, ông Thành dẫn giải: “Năm 2014 trở về trước, rừng Mường Nhé chưa bị tàn phá nhiều như hiện nay, trên bản đồ diện tích rừng được thể hiện bằng màu xanh. Tuy nhiên, đến năm 2015, sau khi kiểm kê rừng, phần màu xanh trên bản đồ bị thay thế bằng màu trắng bạc (thể hiện diện tích đất lâm nghiệp không có rừng – PV). Có nghĩa là, chỉ trong hơn 2 năm, rừng Mường Nhé đã bị tàn phá rất khủng khiếp”…

TIÊU ĐIỂM

* Pháp Luật TP.HCM (17/6): Rà soát công tác cán bộ, quy trình nhân sự tại Bộ Công Thương

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ rà soát hồ sơ cán bộ để làm rõ những vấn đề bổ nhiệm nhân lực Sabeco. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ rà soát và báo cáo toàn bộ quá trình tiếp nhận ông Vũ Quang Hải về công tác tại Bộ và quá trình bổ nhiệm, điều động ông Vũ Quang Hải về Sabeco.

Đồng thời, Vụ Tổ chức cán bộ đã có văn bản đề nghị Sabeco báo cáo lại quá trình đề xuất tiếp nhận ông Vũ Quang Hải về công tác tại Sabeco và bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo tại Sabeco. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã có công văn yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo lại quá trình tiếp nhận, bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm tổng giám đốc PVFI và làm rõ những thông tin mà báo chí nêu về kết quả kinh doanh của PVFI trong thời gian ông Hải làm tổng giám đốc tại PVFI.

* Dân Việt (17/6): Vì sao VAFI chỉ lên tiếng khi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nghỉ hưu?

Dư luận đặt ra câu hỏi vì sao Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) chỉ chất vấn ông Vũ Huy Hoàng khi đã nghỉ hưu. Trao đổi với Dân Việt sáng 14/6, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch VAFI đã lý giải rõ nguyên nhân về vấn đề này.

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch VAFI cho biết, không phải tới bây giờ VAFI mới có văn bản chất vấn ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương mà cách đây một tháng, VAFI đã gửi văn bản chất vấn về vấn đề này.

“Tính đến nay, chúng tôi đã gửi 4 lần văn bản, trong đó có cả văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khi ông Tuấn Anh vừa nhậm chức. Ngoài ra, chúng tôi cũng đồng gửi văn bản cho Sabeco chất vấn lý do vì sao chưa niêm yết lên sàn. Tuy nhiên, chúng tôi không nhận được bất kỳ văn bản trả lời nào từ các đơn vị này. Họ cứ chây ỳ không trả lời, sau đó họ có hẹn gặp trao đổi nhưng cũng không giải quyết những đề xuất của chúng tôi”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết thêm, đáng ra ngay sau khi có Quyết định bổ nhiệm Vũ Quang Hải vào HĐQT của Sabeco (Quyết định ngày 4/2 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa ký) thì VAFI cần có chất vấn ngay sẽ hiệu quả hơn rất nhiều vì khi đó ông Vũ Huy Hoàng vẫn còn làm Bộ trưởng Bộ Công Thương.

“Đáng tiếc là thời điểm đó tôi có nhiều việc gia đình không kịp triển khai. Thời điểm đó, nếu kịp chất vấn, chúng tôi có thể hỏi luôn ông Vũ Huy Hoàng vì sao không niêm yết cổ phần của Sabeco để công khai, minh bạch hơn trong khi kinh doanh thua lỗ gây mất lòng tin của nhiều cổ đông”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, ngoài bận việc gia đình, VAFI cũng phải bỏ thời gian để nghiên cứu các quy định về pháp luật hiện hành đối với việc bổ nhiệm Vũ Quang Hải tại Sabeco. Khi có đủ căn cứ về pháp luật, VAFI mới chính thức có văn bản chất vấn.

 * Vietnamnet.vn (17/6): Hậu Giang chưa bầu 1 Phó chủ tịch, không phải không bầu

Ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã không được giới thiệu tái ứng cử tại cuộc họp HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 -2021 sáng nay. Sáng nay, kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Hậu Giang khóa 9 bỏ phiếu bầu lãnh đạo HĐND và các chức danh thuộc UBND tỉnh khóa 9 (nhiệm kỳ 2016 - 2021).

Tham dự kỳ họp này có Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu QH Huỳnh Minh Chắc, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng. Riêng ông Trịnh Xuân Thanh vắng mặt tại kỳ họp là do bận làm việc với công ty TNHH Giấy Lee & Man.

Kết quả bỏ phiếu: Ông Huỳnh Thanh Tạo, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy được tín nhiệm tái đắc cử Chủ tịch HĐND tỉnh với tỷ lệ tán thành 98%.  Ông Nguyễn Quốc Ca và ông Nguyễn Văn Tiến được bầu giữ chức Phó chủ tịch HĐND tỉnh. Về các chức danh UBND tỉnh nhiệm kỳ mới, ông Lữ Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh tái đắc cử với 100% phiếu bầu. 

Tờ trình nhân sự cho chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ mới được ông Lữ Văn Hùng nêu tại kỳ họp giới thiệu 3 người gồm: ông Đồng Văn Thanh, Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp - phòng chống thiên tai và Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch phụ trách giao thông - đô thị.

Ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch phụ trách công nghiệp - thương mại của nhiệm kỳ cũ không có trong danh sách giới thiệu. 

Ba ông Đồng Văn Thanh, Trương Cảnh Tuyên, Nguyễn Văn Tuấn đều tái cử với số phiếu tín nhiệm 100%.

Một ngày trước kỳ họp, ông Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện viết đơn gửi Tỉnh ủy và HĐND tỉnh xin không tái cử vào chức danh Phó chủ tịch tỉnh, khóa 9, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Lý do được ông Thanh nêu đó là do dư luận đang có nhiều chiều xung quanh việc đi xe biển số xanh và dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư,  các cơ quan chức năng đang trong quá trình làm rõ vụ việc này. 

Liên quan đến việc Phó chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Thanh không được giới thiệu tái ứng cử tại cuộc họp HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 -2021, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, do “trục trặc” nên đợt này chỉ bầu 20/21 thành viên UBND tỉnh.

"Kỳ họp lần này tỉnh lấy làm hối tiếc vì trong thành viên UBND tỉnh nhiệm kỳ mới là 21 thành viên. Nhưng do vì điều kiện có những trục trặc, theo gợi ý của TƯ nên tỉnh chưa bầu 1 đồng chí chứ không phải không bầu”, ông Chánh nói.

* Infonet (17/6): “Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ rà soát”

"Công tác cán bộ là công tác cực kỳ quan trọng cho nên bây giờ đề nghị Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ phải rà soát lại tất cả các trường hợp chứ không cứ báo chí nêu lên thì mới xem xét”.

“Do đó, nên xem xét lại tổng thể, còn bộ, ngành nào nữa không, phải chấn chỉnh ngay từ đầu. Vừa rồi vụ việc liên quan đến Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang cũng vậy, cho nên phải xem lại một cách toàn bộ. Hiện chúng ta đang tinh giản bộ máy, biên chế thì nên rà soát lại xem những ai không đúng tiêu chuẩn, quy trình thì nên chấn chỉnh luôn”, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đề nghị.

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, có nhiều công chức giỏi tại Bộ Công Thương hay các Bộ ngành địa phương khác phấn đấu 10 năm cũng không thể "với" được chức Phó Vụ trưởng. Còn Vũ Quang Hải chỉ mới làm công chức được 1 năm không biết hoạch định chính sách, đang chịu án kỷ luật tại PVFI vì làm ăn thua lỗ lại được đề bạt.

Về vấn đề này, bà An cho hay: “Nếu đúng như báo chí đưa tin thì cần phải xem lại quy trình bổ nhiệm và phải giải trình về việc này. Giải trình xem có đúng như thế không, nếu đúng thì phải xem lại. Thứ nhất phải xem thông tin đó có đúng không? Đây mình không quan niệm tuổi trẻ hay già đâu. Nếu trẻ mà người ta đủ tiêu chuẩn thì càng tốt.

Tôi muốn nhắc lại là cần phải xem lại tiêu chuẩn của đồng chí được bổ nhiệm và xem lại thông tin các kênh đưa lên có đúng không? Có đúng đồng chí này làm ăn thua lỗ không? Việc này phải giải trình làm rõ. Còn nếu đúng như thông tin đưa lên thì phải xem xét lại. Vì không thể nào có chuyện quản lý doanh nghiệp thua lỗ ở chỗ này lại đẩy sang chỗ khác được. Điều đó là cực kỳ tối kỵ với bất kỳ một doanh nghiệp nào”.

Thời gian gần đây, dư luận xã hội liên tục được nghe những thông tin không hay về công tác tổ chức cán bộ. Những sự việc này khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng công tác cán bộ của chúng ta đang có lỗ hổng.

Theo bà An: “Ở đây không phải là vấn đề lỗ hổng trong công tác cán bộ nữa mà là có vấn đề trong công tác cán bộ rồi. Đầu tiên là vấn đề quy hoạch, đào tạo, giới thiệu, luân chuyển đều có vấn đề. Tại sao những người như thế, đã làm ăn thua lỗ lại còn luân chuyển, đề bạt lên cơ quan quản lý nhà nước? Tôi kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ phải rà soát lại toàn bộ tất cả những quy trình bổ nhiệm trong giai đoạn vừa rồi xem có cái gì không?

Phải xem lại còn những trường hợp nào tương tự như vậy không? Đừng để báo chí nói ra mọi người mới chạy theo để giải quyết. Như vậy, người ta nói là “mất bò mới lo làm chuồng”. Vì vậy, công tác cán bộ phải đi trước một bước. Quy hoạch và bổ nhiệm phải đúng quy trình. Việc này phải minh bạch.

Nếu không minh bạch không làm được đâu! Phải minh bạch tất cả. Phải minh bạch về tiêu chuẩn, vị trí…. Minh bạch ở chỗ phải để thông tin đến với quần chúng chứ không phải thông tin trong một giới hạn nào đấy. Đối với cán bộ liên quan đến an ninh quốc phòng thì không nói nhưng nếu là cán bộ nói chung thì có thể công bố công khai trên báo chí về việc chuẩn bị luân chuyển những người như thế này vào vị trí này thì mọi người mới giám sát được”, bà An nói.

CHÍNH SÁCH MỚI

* Kênh VTV1 – Bản tin Tài chính Kinh doanh lúc 7h sáng (18/6): Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc

Người sử dụng lao động phải thường xuyên theo dõi, giám sát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc. Đó là quy định trong Luật An toàn, vệ sinh lao động vừa được Chính phủ ban hành.

Bên cạnh đó, phải có người hoặc bộ phận được phân công chịu trách nhiệm về kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; loại trừ các yếu tố này ngay từ khâu thiết kế nhà xưởng và lựa chọn công nghệ, thiết bị, nguyên vật liệu.

Ngăn chặn, hạn chế sự tiếp xúc, giảm thiểu tác hại của các yếu tố nguy hiểm, có hại bằng việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật và áp dụng các biện pháp tổ chức, hành chính; đồng thời tiến hành đánh giá hiệu quả phòng, chống yếu tố có hại ít nhất 1 lần/năm.

* Vietnamplus (18/6): Tuyển dụng vượt kế hoạch, Chủ tịch công ty không được tăng lương

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 51/2016/NĐ-CP quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo nghị định, về quản lý lao động, công ty phải xây dựng kế hoạch lao động hằng năm làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động. Kế hoạch lao động được xây dựng dựa trên kế hoạch sản xuất, kinh doanh, cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại lao động hợp lý (đặc biệt là việc rà soát các đầu mối quản lý, sắp xếp tinh giản lao động gián tiếp) và định mức lao động của công ty.

Tổng số lao động trong kế hoạch lao động hằng năm trong điều kiện sản xuất, kinh doanh bình thường không được vượt quá 5% so với số lao động thực tế sử dụng bình quân của năm trước liền kề (sau khi đã cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại). Căn cứ kế hoạch lao động, Tổng giám đốc, Giám đốc tổ chức tuyển dụng, bố trí, sử dụng lao động, bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động, điều lệ của công ty. Hằng năm, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chỉ đạo Tổng giám đốc, Giám đốc đánh giá việc thực hiện kế hoạch sử dụng lao động, xác định trách nhiệm trong tuyển dụng, sử dụng lao động; giải quyết đầy đủ các chế độ, quyền lợi đối với người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động.

Đối với trường hợp tuyển dụng vượt quá kế hoạch hoặc không đúng kế hoạch, dẫn đến người lao động không có việc làm, phải chấm dứt hợp đồng lao động, Tổng giám đốc, Giám đốc phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phải chịu trách nhiệm trước cơ quan đại diện chủ sở hữu và không được thưởng, không được tăng lương, kéo dài thời gian nâng lương, giảm mức tiền lương. Đây được coi là một nội dung để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý theo quy định tại Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

* Chinhphu.vn (20/6): Hỗ trợ chẩn đoán, tư vấn cải thiện hiệu quả...

Tại dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chương trình hỗ trợ chẩn đoán và tư vấn cải thiện hiệu quả sản xuất cho đối tượng này. Chương trình nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các ngành sản xuất thông qua hoạt động chẩn đoán và tư vấn cải thiện các yếu tố cấu thành năng lực nội tại của doanh nghiệp. Đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Để được hỗ trợ, các doanh nghiệp trên cần đáp ứng những điều kiện sau: Có nhu cầu đánh giá, chẩn đoán về hiện trạng của doanh nghiệp để cải thiện hiệu quả sản xuất, mở rộng thị trường, gia tăng giá trị cho các sản phẩm; cam kết tuân thủ quy trình quản lý chất lượng, quản trị sản xuất sau khi được hỗ trợ; sử dụng mạng lưới chuyên gia tư vấn do Nhà nước xây dựng.

Theo dự thảo, đối với việc chẩn đoán, tư vấn đánh giá năng lực doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa được chuyên gia tư vấn chẩn đoán thông qua việc xem xét, đánh giá, nhận diện các hạn chế nội tại của doanh nghiệp và đưa ra các tư vấn, khuyến nghị để giải quyết. Phạm vi chẩn đoán, tư vấn gồm: Quản trị sản xuất; quản trị tài chính; quản trị nhân lực; năng lực công nghệ, kết nối doanh nghiệp, tiếp cận thông tin, mở rộng thị trường và các lĩnh vực khác thuộc về năng lực nội tại của doanh nghiệp.

Dự thảo nêu rõ, Chính phủ hỗ trợ 100% chi phí chẩn đoán doanh nghiệp và 50% chi phí tư vấn giải pháp cho doanh nghiệp…

* Chinhphu.vn (20/6): Đề xuất Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tại dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, nâng cao lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro trong quan hệ kinh tế quốc tế, góp phần tăng tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường quốc tế.

Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có hoạt động xuất khẩu hoặc cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp đang xuất khẩu. Điều kiện được hỗ trợ được nêu rõ tại dự thảo như sau: Doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo đảm minh bạch trong hoạt động quản lý, tài chính; có sản phẩm mang tính ưu việt, đặc trưng và có lợi thế của Việt Nam trong xuất khẩu và đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Đã hoặc đang xuất khẩu trực tiếp tới thị trường thuộc phạm vi của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); cung cấp trực tiếp nguyên liệu, dịch vụ đầu vào cho doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp tới thị trường thuộc phạm vi của AEC và TPP.

Theo dự thảo, các thông tin hội nhập phục vụ hoạt động hội nhập của doanh nghiệp được cung cấp miễn phí trên các trang thông tin điện tử, các ấn phẩm của các bộ, ngành, địa phương gồm: Các hiệp định, cam kết quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; thông tin về thị trường, quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật khi tham gia thị trường quốc tế; phân tích thị trường tiềm năng và các đối tác tiềm năng. …

* Chinhphu.vn (20/6): Điều kiện DN xuất nhập khẩu được ưu tiên thủ tục hải quan

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, thông tin có liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về hải quan; quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; đại lý làm thủ tục hải quan; tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để thực hiện dự án đầu tư trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi cấp phép đầu tư đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản sẽ được hưởng chế độ ưu tiên như: Miễn kiểm tra chứng từ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; thông quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh; ưu tiên thứ tự làm thủ tục hải quan; ưu tiên trong kiểm tra chuyên ngành; thủ tục thuế; thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ; kiểm tra sau thông quan.

Để được áp dụng chế độ ưu tiên này, các đối tượng trên phải đáp ứng được những điều kiện sau:

Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế, cụ thể, trong thời hạn 2 năm liên tục, gần nhất tính đến thời điểm doanh nghiệp có văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, hải quan tới mức bị xử lý vi phạm về các hành vi sau: Các hành vi trốn thuế, gian lận thuế; buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hình thức, mức xử phạt vượt thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và các chức danh tương đương; 

CHỈ THỊ MỚI

* VTV.vn (18/6): Ngân hàng Nhà nước yêu cầu cắt giảm lãi suất cho vay

Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước có các giải pháp để giảm lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam. Định kỳ vào ngày 20 hàng tháng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo tình hình triển khai các giải pháp theo kế hoạch nêu trên về Ngân hàng Nhà nước. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, qua đó chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.

* Chinhphu.vn (19/6): Phân loại tai nạn lao động

Nghị định quy định rõ, tai nạn lao động làm chết người lao động (tai nạn lao động chết người) là tai nạn lao động mà người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chết tại nơi xảy ra tai nạn; chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu; chết trong thời gian điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y; người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích. Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng (tai nạn lao động nặng) là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong những chấn thương: Đầu, mặt, cổ, ngực, bụng...

Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ (tai nạn lao động nhẹ) là tai nạn lao động không thuộc trường hợp quy định nêu trên.

* Chinhphu.vn (19/6): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần

Điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động

Theo Nghị định 55/2016/NĐ-CP, người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng thấp hơn 2 triệu đồng/tháng, thì mức hưởng được điều chỉnh từ ngày 1/1/2016 đối với người đang hưởng trước ngày 1/1/2016 và tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng đối với người bắt đầu hưởng trong giai đoạn từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2016, mức điều chỉnh cụ thể như sau:

- Tăng thêm 250.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu từ 1.750.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu từ trên 1.750.000 đồng/người/tháng đến dưới 2 triệu đồng/người/tháng.

- Tăng thêm 150.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ 1.850.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ trên 1.850.000 đồng/người/tháng đến dưới 2 triệu đồng/người/tháng.

Tiền lương đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước. Theo Nghị định 53/2016/NĐ-CP quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, tiền lương, tiền thưởng của người lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng của thành viên Hội đồng thành viên hoặc thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên và Kế toán trưởng (người quản lý công ty) gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 51/2016/NĐ-CP quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ vừa được Chính phủ ban hành; Nghị định52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Chế độ tự chủ tài chính của tổ chức KHCN công lập

Theo Nghị định 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, nguồn tài chính của tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên gồm nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết và nguồn thu hợp pháp khác; nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại để chi hoạt động thường xuyên và chi mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị, tài sản phục vụ công tác thu phí;....

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ được trợ cấp một lần. 

Cụ thể, mức trợ cấp một lần đối với người được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là 1.815.000 đồng. Mức trợ cấp một lần đối với người được tặng Bằng khen của cấp bộ, Bằng khen của cấp tỉnh là 1.210.000 đồng.

Tập trung mọi lực lượng tìm kiếm cứu nạn 2 vụ máy bay bị nạn

Tại Công điện về việc tìm kiếm cứu nạn máy bay Su30-MK2 và máy bay CASA 212 của Quân chủng Phòng không-Không quân bị tai nạn ngày 14 và 16/6/2016, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành địa phương liên quan tập trung mọi lực lượng tìm kiếm cứu nạn (Quân chủng Phòng không-Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư) và huy động các phương tiện tàu thuyền của ngư dân để cứu người, tìm cho được những người mất tích, đồng thời xác định cụ thể vị trí máy bay rơi, có phương án trục vớt, cứu hộ để đánh giá nguyên nhân và tổ chức rút kinh nghiệm về sau.

Đẩy nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT

Tại văn bản chỉ đạo về việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và triển khai tin học hóa trong giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trong đó tập trung hỗ trợ cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình đông con, gặp nhiều khó khăn về kinh tế, góp phần tăng tỷ lệ tham gia BHYT của các nhóm đối tượng này....

Kéo dài thông quan vải tươi tại Cửa khẩu quốc tế Kim Thành (Lào Cai)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho phép triển khai thực hiện thí điểm kéo dài thời gian thông quan từ 07h00 đến 22h00 hàng ngày đối với mặt hàng quả vải tươi xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai đến hết ngày 31/7/2016.

Xem xét kết quả điều tra, xét xử vụ án Minh Sâm

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xem xét kết quả việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án Nguyễn Ngọc Minh cùng đồng bọn.

Ưu tiên mua tạm trữ tại địa phương có muối tồn đọng lớn

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc thực hiện nhiệm vụ mua tạm trữ muối niên vụ 2016 của diêm dân, bảo đảm việc mua tạm trữ có tính đến sản lượng muối của từng địa phương và ưu tiên mua tạm trữ tại địa phương có muối tồn đọng lớn.

Khẩn trương khắc phục sự cố vỡ hồ chứa nước đãi titan tại Bình Thuận

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và Công ty TNHH Tân Quang Cường khẩn trương khắc phục sự cố vỡ hồ chứa nước đãi titan tại Bình Thuận.

TIN QUỐC HỘI

* Vietnamnet.vn (16/6): Lấy nợ mới trả nợ cũ, địa phương vô tư “cứ nợ đi'?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lo ngại nếu cứ lấy nợ mới trả nợ cũ sẽ vô tình khuyến khích các địa phương "cứ nợ đi”. Ý kiến Chủ tịch Quốc hội nêu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Theo nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, bội chi là 224.000 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP. Nhưng theo báo cáo quyết toán 2014, bội chi ngân sách Nhà nước là 260.145 tỷ đồng, bằng 6,61% GDP, tăng 36.145 tỷ đồng so với dự toán. Theo Chủ tịch Quốc hội, lâu nay, vấn đề bội chi, vượt dự toán nói rất nhiều nhưng đều cho qua. Nhưng giờ phải chấp hành nghiêm tinh thần Hiến pháp và pháp luật.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Hiến pháp 2013 và luật Ngân sách đã quy định rất rõ, dự toán thu được Quốc hội chấp nhận cho phép thì cơ quan hành pháp phải thực hiện thu đúng thu đủ, dựa vào căn cứ hệ thống pháp luật thuế, phí, lệ phí. Nhưng dự toán chi không mở như dự toán thu mà có giới hạn. “Quốc hội cho bội chi 224.000 tỷ đồng là dứt khoát thực hiện đúng, không cao lên hay thấp xuống được”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo ông, khoản tăng bội chi hơn 36.000 tỷ đồng là khoản chưa có dự toán chi. Đến giờ phút này chưa có dự toán do Quốc hội quyết định nên chưa chấp nhận đưa vào quyết toán 2014. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ có tờ trình báo cáo Quốc hội xem xét. Nếu Quốc hội đồng ý bổ sung bằng một nghị quyết bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước vào năm 2014 hay 2015, 2016 là quyền Quốc hội, phải thực hiện nghiêm.

* Vneconomy.vn (16/6): Phải báo cáo rõ với Quốc hội địa chỉ thất thoát, lãng phí

Phải báo cáo rõ, cụ thể với Quốc hội các tổ chức, cá nhân làm tốt cũng như có sai phạm, gây thất thoát, lãng phí. Đó là yêu cầu được Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đưa ra khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015. Sáng 15/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung này.

Theo báo cáo thì Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công... Nhưng, cơ quan thẩm tra đánh giá, Bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là gánh nặng của chi ngân sách Nhà nước. Tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi đến 67,7%.

Lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản được nhìn nhận là vẫn còn nhiều và chậm được khắc phục. Tình trạng sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước xảy ra trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, gây thất thoát, lãng phí ngân sách, cơ quan thẩm tra khái quát.

Đồng tình với yêu cầu xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga điểm danh thêm một số dự án được dư luận đề cập về lãng phí trong mấy tháng qua. Đó là gang thép Thái Nguyên, đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ hay xăng ethanol ở một tỉnh phía Bắc. Bà Nga cũng cho rằng cần xem xét việc bổ nhiệm cán bộ, xem những người có trách nhiệm tại các dự án có biểu hiện thất thoát lãng phí đã được điều động đi đâu và làm gì?

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu góp ý, cần phân tích rõ hơn những vấn đề cử tri băn khoăn. Và có những vấn đề cần chỉ rõ địa chỉ, nếu chỉ nói chung chung thì đọc báo cáo sẽ trôi đi, không có điểm nhấn. Liên quan đến lãng phí trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hoá Xưởng Phim truyện Việt Nam, theo Phó chủ tịch là câu chuyện rất lớn, dư luận rất quan tâm, nên tập trung làm rõ.

Một số ý kiến khác cũng đề cập đến lãng phí lớn về nguồn nhân lực từ khâu quy hoạch, đào tạo cho đến sử dụng. Cơ quan thẩm tra cho rằng, tâm lý tiêu dùng của một bộ phận nhân dân còn thực dụng, phô trương, hình thức, tiêu dùng vượt quá mức thu nhập bình quân, sính hàng ngoại như: ôtô, xe máy, điện thoại di động, mỹ phẩm và lương thực, thực phẩm, rượu, bia.

Còn tình trạng tổ chức cưới xin linh đình, gây lãng phí và tạo dư luận lớn trong xã hội. Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chưa thực sự đi vào cuộc sống, cơ quan thẩm tra nhìn nhận.

* Pháp Luật TP.HCM (16/6): Phải quy trách nhiệm lãnh đạo các dự án ngàn tỉ “đắp chiếu”

Sáng 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho thấy, việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là gánh nặng của chi ngân sách nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần làm rõ hơn thực trạng, nguyên nhân dẫn đến lãng phí và giải pháp; việc lãng phí trong việc thực hiện chủ trương thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ra sao.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, vừa qua, dư luận có nêu một số trường hợp, cần có báo cáo cụ thể. Chẳng hạn như Nhà máy tơ sợi Đình Vũ ở Hải Phòng; Nhà máy gang thép ở Thái Nguyên; Nhà máy đạm Ninh Bình... Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ báo cáo cụ thể về mấy dự án này, trách nhiệm của chủ đầu tư, người đứng đầu. Đặc biệt, những lãnh đạo của các đơn vị này hiện nay đang ở đâu, trách nhiệm ra sao khi để xảy ra dấu hiệu lãng phí nhiều tại các dự án trên.

 * Vneconomy.vn (16/6): Chính phủ muốn bổ sung thêm 2.100 tỷ đồng cải cách tiền lương

Chiều 15/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về phương án sử dụng nguồn kinh phí còn lại, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2015 và nguồn 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng. Theo phương án của Chính phủ, trong 5.460 tỷ đồng của nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi ngân sách Trụng ương năm 2015, sẽ dành 2.144 tỷ bù đắp số hụt thu ngân sách Trung ương.

1.128 tỷ đồng dành thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho các địa phương. 88 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư trở lại từ số vượt thu tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ cho các địa phương. Đáng chú ý, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung kinh phí chi cải cách tiền lương 2.100 tỷ đồng. Tất cả tính toán của Chính phủ ở phần này đều được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua, dù Uỷ ban Tài chính - Ngân sách còn có những ý kiến khác nhau.

Với 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu Nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng, Chính phủ đã đề nghị cho phép chuyển sang năm 2016. Phương án sử dụng là dành 4.000 tỷ đồng để điều chỉnh chuẩn nghèo.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, nếu không bố trí cho nhiệm vụ này, thì sẽ không có nguồn đảm bảo thực hiện chính sách lớn, quan trọng mà Chính phủ đã ban hành, dẫn đến nợ kinh phí với các địa phương, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng là người nghèo, cận nghèo.

6.000 tỷ đồng còn lại Chính phủ đề xuất tăng chi cho đầu tư phát triển. Gồm: bổ sung vốn đối ứng các dự án ODA trọng điểm, cấp bách 4.000 tỷ đồng và bổ sung vốn đầu tư các dự án khắc phục tình trạng hán hạn, xâm nhập mặn ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long 2.000 tỷ đồng.

Về hai khoản này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình. Tuy nhiên với 4.000 tỷ đồng thực hiện đều chỉnh chuẩn nghèo thì khác. Bởi, nghị quyết của Quốc hội đã quy định tiền bán cổ phần chỉ để cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển.

 * VOV.vn (17/6): Bội chi ngân sách: Kỳ vọng của Bộ Tài chính vênh xa chuyên gia dự báo

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2016, phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước so với GDP là 4,95%. Trong khi một số dự báo khác cho thấy, khả năng năm nay bội chi ngân sách nhà nước của Việt Nam sẽ cao hơn nhiều.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mặc dù các cấp, các ngành đã chủ động tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; cắt giảm tối đa các khoản chi tổ chức lễ hội, khánh tiết, hội nghị, công tác phí trong nước và ngoài nước, các khoản chi tiêu khác chưa thực sự cần thiết; sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội…. thì cả nước tiết kiệm được 37.925 tỷ đồng, tăng 21.542 tỷ đồng (tăng 231% so với năm 2014). Còn bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 là 256.000 tỷ đồng, bằng 6,11%/GDP, cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội.

Trong khi đó, một báo cáo vĩ mô mới đây của Ngân hàng HSBC dự báo bội chi ngân sách của Việt Nam năm nay khoảng 6,6% GDP. Các chuyên gia HSBC giải thích: Ngân sách của Việt Nam suy giảm có thể bắt nguồn từ việc lợi nhuận giảm đều (mặc dù tình trạng thiếu kiểm soát chi tiêu cũng là một vấn đề). Lợi nhuận tài chính suy giảm vì hai nguyên nhân chính: 1) doanh thu dầu mỏ nhà nước giảm, do giá cả hàng hóa toàn cầu sụt giảm mạnh và 2) doanh thu thuế các ngành không thuộc dầu mỏ cũng đi xuống.

Phân tích về giá cả hàng hóa toàn cầu sụt giảm đã hạ thấp doanh thu dầu mỏ nhà nước nhưng thu nhập từ thuế vẫn đang chịu áp lực, HSBC cho rằng, doanh thu dầu mỏ chiếm 4,3% GDP năm 2012 nhưng HSBC ước tính con số này đã hạ xuống mức 1,5% GDP trong năm 2015 dựa trên chuyển biến giá cả hàng hóa. Ngược lại, doanh thu tài chính từ các ngành ngoài dầu mỏ (chủ yếu là thuế) lại tăng mạnh trong những năm gần đây, mặc dù xu hướng này cũng đang chậm lại. Tỷ lệ tăng trưởng của 3 nguồn thu thuế chính tại Việt Nam: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và thuế quan.

Còn theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, xét về hiệu suất thu thuế, Việt Nam đang trội hơn các nước trong khu vực nhưng cơ sở này lại đang dần mai một. Ví dụ, tỷ lệ thuế doanh nghiệp tiêu chuẩn đã giảm từ 25% xuống còn 22% vào tháng 1.2014 và nằm ở mức 20% vào ngày 1/1/2016.

Hơn nữa, vùng kinh tế đặc biệt và một số lĩnh vực ưu tiên cao được áp dụng mức thuế ưu đãi như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, công nghệ cao, phát triển hạ tầng, phần mềm. Trong khi đó, doanh thu thuế quan vẫn chịu áp lực, do Việt Nam đang tham gia ngày một nhiều các hiệp định thương mại tự do. Thiếu nỗ lực mở rộng cơ sở thuế và cải thiện hiệu quả thu thuế, doanh thu tài chính từ các ngành không phải dầu mỏ sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những năm kế tiếp.

Theo HSBC, thâm hụt ngân sách tăng là vấn đề do tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã thực sự cao. Ước tính nợ công Việt Nam (bao gồm nợ nước ngoài và trong nước) đã tăng từ 59,6% nằm 2014 lên 63,3% GDP vào cuối năm 2015. Vấn đề nợ ngày càng trầm trọng hơn do lạm phát chậm lại và đồng tiền Việt Nam mất giá. HSBC dự báo tỷ lệ nợ công trên GDP tăng lên 64,5% GDP trong năm 2016, đạt ngưỡng giới hạn của Quốc Hội đề ra 65%.

Còn theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cán cân ngân sách tiếp tuc xu hướng thâm hụt lớn. Việc sụt giảm trong một số nguồn thu chính buộc Chính phủ phải tăng cường thu từ các nguồn khác nhằm bổ sung ngân sách. Trong khi đó, xu hướng tăng chi tiêu ngân sách vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Cơ quan điều hành không có những quyết tâm cần thiết trong việc cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là chi thường xuyên, và khôi phục lại cân đối ngân sách. Vì thế, năm 2015, thâm hụt ngân sách ước tính bằng 6,34% GDP, lớn hơn nhiều so với mức mục tiêu 5% mà Quốc hội đưa ra.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có báo cáo về triển vọng kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016, 2017 và 2018 lần lượt đạt 6,2%, 6,3% và 6,3%, đặc biệt là Việt Nam sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn. WB cho rằng, một trong những vấn đề của nền kinh tế chính là tình trạng thâm hụt ngân sách ở Việt Nam đã kéo dài trong suốt nhiều năm và dự báo tình hình thâm hụt trong trung hạn cũng như vậy. Thâm hụt tài khóa năm 2014 của Việt Nam là 6,2%, năm 2015 là 6,5% và dự báo các năm từ 2016 đến 2018, Việt Nam sẽ tiếp tục thâm hụt ở mức 5,9% đến 5,5%.

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

* Cantho.gov.vn (18/6): Cần Thơ: Ra mắt mô hình “5 trong 1 về giữ gìn an ninh trật tự”

Sáng 12/6, Ban chỉ đạo 138 phường An Khánh (quận Ninh Kiều) tổ chức ra mắt mô hình "5 trong 1 về giữ gìn an ninh trật tự" tại khu vực 6. Đây là khu vực đầu tiên ở quận Ninh Kiều ra mắt mô hình này.

Mô hình "5 trong 1 về giữ gìn an ninh trật tự" là 5 hộ dân hợp thành một nhóm để giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư. Các thành viên trong nhóm nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức cảnh giác, quan tâm bảo vệ tài sản cho nhau, trao đổi số điện thoại để thông tin khi có sự việc xảy ra liên quan đến các thành viên hoặc địa bàn sinh sống như xuất hiện người lạ có biểu hiện nghi vấn, trộm cạy cửa…, đồng thời nhanh chóng báo tin Công an phường có biện pháp xử lý.

Thượng tá Võ Văn Dũng - Phó trưởng Công an quận Ninh Kiều cho biết: "Với ý nghĩa thiết thực, được người dân đồng tình, ủng hộ, mô hình trên sẽ góp phần hiệu quả vào công tác chuyển hóa địa bàn, thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển mạnh mẽ hơn nữa".

Tại buổi lễ, quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện mô hình (do Chủ tịch phường An Khánh Mai Văn Hiệp làm Trưởng ban) và quyết định ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo đã được triển khai. Đặc biệt, bà con đến tham dự lễ ra mắt mô hình "5 trong 1 về giữ gìn an ninh trật tự" được tặng móc khóa có in số điện thoại tố giác tội phạm của Công an quận Ninh Kiều và Công an phường An Khánh.

* VTV.vn (18/6): Đăk Nông hỗ trợ 300 triệu đồng cho bác sĩ chuyên khoa về công tác

Sở Y tế tỉnh Đăk Nông thông báo tuyển dụng bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế công lập của tỉnh theo chính sách thu hút của tỉnh năm 2016. Theo đó, mỗi tiến sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa II sẽ được trợ cấp một lần số tiền 300 triệu đồng; mỗi thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I được trợ cấp số tiền 250 triệu đồng; mỗi bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi được trợ cấp 220 triệu đồng, loại khá 200 triệu đồng và loại trung bình khá là 180 triệu đồng. Bên cạnh đó, sinh viên đang học 2 năm cuối các trường đại học y công lập nếu cam kết về Đăk Nông công tác sau khi ra trường sẽ được trợ cấp số tiền 120 triệu đồng.

* Tinquangbinh.com (18/6): Quảng Bình: Hiệu quả của một mô hình phòng chống tệ nạn mại dâm

Mô hình “Phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về lây nhiễm HIV/AIDS trong phòng, chống mại dâm” ở phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới đã mang lại hiệu quả cao sau 3 năm thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Lai - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Đồng Phú cho biết: Ngay sau hội nghị ra mắt mô hình, Mặt trận phối hợp với chính quyền, lực lượng công an tổ chức rà soát, phân loại khu dân cư có nguy cơ cao về các tệ nạn xã hội, chú trọng những khu dân cư tập trung nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà hàng, quán ba, sàn nhảy, cơ sở xông hơi-mát xa, karaoke; làm tốt công tác động viên, giáo dục, giúp đỡ gái bán dâm, người lầm lỡ xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, tránh trường hợp quay lại con đường cũ.

Không dừng lại ở đó, Mặt trận phường còn tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên vận động, hướng dẫn hội viên, đoàn viên đăng ký không để con em mắc tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật; phân công đoàn viên, hội viên giúp đỡ người lầm lỡ, động viên, hướng dẫn họ tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội ở cộng đồng khu dân cư.

Mặt trận phối hợp với Ban cán sự tổ dân phố bổ sung các nội dung phòng, chống mại dâm vào quy ước của tổ dân phố; vận động nhân dân tích cực phát hiện, tố giác tội phạm và các tệ nạn xã hội tại cộng đồng; đưa nội dung phòng, chống mại dâm, HIV/AISD vào tiêu chí để bình xét hiệu danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” hàng năm…

Từ những động thái tích cực ấy, tình hình an ninh trật tự nói chung và tệ nạn mại dâm nói riêng ở Đồng Phú đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Vi phạm về các cơ sở nhạy cảm đã giảm đáng kể, qua kiểm tra chưa có phát sinh hoặc vi phạm từ khi triển khai thực hiện mô hình đến nay.

 MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ - HỘI NHẬP

* Báo Chính Phủ Điện Tử (18/6): Đã có đại lộ, “cỗ xe” kinh tế Việt Nam chuẩn bị thế nào?

Các hiệp định thương mại tự do mở ra một con đường, thậm chí là một đại lộ rất thênh thang cho Việt Nam, nhưng vấn đề là "cỗ xe" kinh tế Việt Nam chuẩn bị như thế nào để đi trên con đường này bảo đảm an toàn và tới đích. Đây là nhận định được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đưa ra tại hội thảo “Việt Nam: Nắm bắt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Công Thương tổ chức sáng 15/6.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp, thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động ở Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng. Chính phủ Việt Nam cũng không phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, thuộc thành phần kinh tế nào… mà các doanh nghiệp phải tự đi lên bằng đôi chân của mình.

“Chính phủ Việt Nam đang làm hết sức mình để ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế tổng thể với những vấn đề trọng tâm như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu thu chi ngân sách, bảo đảm bền vững an toàn nợ công, tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… Đây sẽ là điều kiện quan trọng để Việt Nam hội nhập thành công.

Mặt khác, Chính phủ Việt Nam muốn lắng nghe phân tích, dự báo của các chuyên gia quốc tế, các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để liên tục cập nhật, hoàn thiện các vấn đề có tính chiến lược, từ đó có những quyết sách cụ thể cho từng giai đoạn, từng năm và trong dài hạn.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, tại phiên họp đầu tiên sau kiện toàn vào tháng 5/2016, Chính phủ đã thảo luận và quyết định việc sớm trình Hiệp định TPP để Quốc hội phê chuẩn. Song song với đó, Chính phủ sẽ xây dựng và ban hành Chương trình hành động để thực hiện hiệu quả các hiệp định.

* Bizlive.vn (18/6): Forbes: Chi phí quảng bá du lịch Việt Nam chưa bằng 3% Thái Lan

Với mức chi phí 2 triệu USD/năm của Việt Nam trong việc quảng bá du lịch trên thị trường quốc tế, tờ Forbes nhận định con số này là rất thấp và chỉ bằng một lượng nhỏ so với các quốc gia khác đang dẫn đầu về du lịch trong khu vực như Thái Lan, Singapore hay Malaysia. Theo Forbes, ngành du lịch của Việt Nam đang phát triển nhanh hơn các nước láng giềng cùng khu vực trong khi chi phí đầu tư cho việc quảng bá du lịch đến với các du khách quốc tế là rất thấp. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, ngân sách quảng bá du lịch hàng năm của nước ta chỉ ở mức 2 triệu USD. Forbes đánh giá, mức chi phí này là một con số vô cùng nhỏ.

Và đối với việc quảng bá du lịch trên phương diện quốc tế thì sẽ rất khó khăn. Tờ báo này còn lưu ý, mức chi phí 2 triệu USD/năm là không đủ để quảng cáo thường xuyên trên những tờ báo quốc tế nổi tiếng như CNN. Mặc dù, hiện tại du lịch đã và đang trở thành một ngành công nghiệp quan trọng đối với Việt Nam. Lĩnh vực này cũng đã được Ngân hàng Thế giới (World Bank) xác định là mảng quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, Forbes cũng chỉ ra rằng, các quốc gia dẫn đầu về lượng khách du lịch quốc tế trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Singapore và Malaysia. Và đối với các quốc gia này, khoản ngân sách 2 triệu USD/năm của Việt Nam dành cho việc xúc tiến du lịch trên thị trường quốc tế chỉ bằng 2,9% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí mà Malaysia đã bỏ ra ttrong việc tiếp thị du lịch quốc gia.

Vì vậy, ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam rất khó có cơ hội để cạnh tranh với các quốc gia láng giềng “chịu chi”. Tuy nhiên, lĩnh vực du lịch của Việt Nam không hẳn là suy giảm, ngành công nghiệp này đã liên tục tăng trưởng trung bình khoảng 6,5% trong vòng 5 năm qua và sẽ tiếp tục tăng trưởng, Forbes nhận định. Dù vậy, ngành du lịch Thái Lan và Singapore đã tăng lần lượt là 12% và 10% so với cùng kỳ. Thậm chí, lĩnh vực du lịch của Lào cũng đã tăng 15% - gấp đôi tốc độ tăng trưởng của du lịch Việt Nam. Vì vậy, Forbes nhận định, nếu Việt Nam không thể tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên của mình và đầu tư nhiều hơn cho việc quảng bá du lịch đến thị trường quốc tế, ngành du lịch của nước ta sẽ bị vượt qua bởi nhiều nước láng giềng trong khu vực.

QUẢN LÝ

* Người Lao Động (18/6): Hồ sơ Panama: Đã khớp nối được 30 cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam

Tổ công tác liên quan đến Tài liệu Panama đã tiến hành xác minh các thông tin theo kế hoạch đề ra. Đến nay đã khớp nối được các thông tin liên quan đến 30 cá nhân, tổ chức Việt Nam được nêu tên trong Hồ sơ Panama công bố hồi đầu tháng 5.

Thông tin được ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cho biết sáng 15/6 về tiến độ điều tra 189 người Việt có tên trong Hồ sơ Panama.

“Tổ công tác hiện nay mới dừng ở giai đoạn rà soát thông tin, chưa có căn cứ để kết luận gì về việc các cá nhân, tổ chức này có vi phạm gì hay không” - ông Phụng nói. Cũng theo ông Phụng, các thông tin được nêu trong Hồ sơ rất sơ sài, chỉ bao gồm tên tiếng Anh không dấu, sắp xếp trật tự không theo cách đặt tên của người Việt, và địa chỉ kèm theo ở Việt Nam có khi đến xác minh thì lại không có thực.

Để rà soát tìm ra những cá nhân, tổ chức cụ thể, Tổ công tác phải chia thành nhóm nhỏ, nhận diện từng cái tên được nêu trong hồ sơ để khớp nối với các dữ liệu hiện có bằng các biện pháp thủ công. Với cách làm việc như vậy, từ 189 cái tên được nêu trong Hồ sơ Panama, Tổ công tác phải rà soát khoảng 300.000 cái tên do phải lần lượt đảo các chữ trong hồ sơ để ghép thành những cái tên mới. Từ 30 cái tên khớp nối được, Tổ công tác tiếp tục tìm ra những cá nhân, doanh nghiệp có thực hiện giao dịch với những 30 cá nhân, tổ chức này để tìm kiếm…

“Không phải ai có tên trong hồ sơ cũng đều xấu, đều có vi phạm pháp luật về rửa tiền, trốn thuế. Vấn đề này phải được tiến hành một cách rất thận trọng, đảm bảo nguyên tắc tôn trọng pháp luật, đảm bảo sự minh bạch nhưng không tổn hại đến môi trường đầu tư Việt Nam” - ông Phụng nhấn mạnh.

* Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 12h ngày (17/6): "Xây chuồng gà phải xin phép" - Tưởng nhỏ nhưng là chuyện lớn!

Câu chuyện xây dựng chuồng gà ở Cao Bằng tưởng như nhỏ nhưng lại là chuyện lớn bởi nó thể hiện tính nghiêm minh trong quản lý xây dựng, trật tự đô thị. Trong mấy ngày qua, dư luận bàn thảo rất nhiều về câu chuyện ở Cao Bằng là xây chuồng gà phải xin phép, trong khi diện tích chuồng gà chưa tới 2m2.

Trên trang thông tin điện tử thành phố Cao Bằng, UBND thành phố này khẳng định: Sau khi kiểm tra thửa đất, cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều sai phạm về xây dựng, nên Phòng Quản lý Đô thị thành phố đã không cấp phép xây dựng chuồng gà cho ông Hoàng Dương Quý (tức Hoàng Quảng Uyên) trên thửa này.

Nhân câu chuyện trên, dư luận đặt câu hỏi: Tại sao nhiều đô thị lớn khác không làm chặt, làm nghiêm được như Cao Bằng trong quản lý xây dựng khi để lọt nhiều dự án hàng trăm tỷ không có phép. Vấn đề không nằm ở chuyện cái chuồng gà hay một tòa cao ốc, mà nằm ở chỗ trong những trường hợp này, pháp luật đã không được áp dụng một cách công bằng cho tất cả các đối tượng. Nếu đúng luật, có thể xây cả thành phố, nếu sai dù là cao ốc hay cái chuồng gà chưa tới 2m2 cũng phải phá bỏ, đó mới là công bằng, nghiêm minh.

* Kênh VTV9 – Bản tin Thời sự lúc 11h30 ngày (18/6): TP.HCM: Tụt hạng hành chính công, cần nhìn lại công tác cán bộ

Với thực trạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tụt 29 bậc, xếp 47/63 tỉnh thành sau 5 năm, TP.HCM cần nhìn lại công tác cán bộ tại địa phương. ừ vị trí thứ 18 của năm 2011, 5 năm sau, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI hiện nay của TP.HCM đã tụt 29 bậc, xếp 47/63 tỉnh, thành. Điều đó đồng nghĩa, đánh giá của người dân về dịch vụ hành chính công của TP.HCM đã thấp đi rất nhiều.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright), một nguyên nhân khiến cho cán bộ, công chức không làm hết trách nhiệm của mình là do cơ chế thưởng phạt không phân minh.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, có những việc ở cấp thành phố giải quyết tốt nhưng đến cấp cơ sở thì lại có nhũng nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân khiến ở trên rất quyết tâm thay đổi hình ảnh về hành chính công của thành phố nhưng cấp cơ sở lại không thực hiện.

*  Chinhphu.vn (17/6):  Bộ Tư pháp phản đối nhiều giấy phép các bộ đề xuất

Ngày 16/6, Bộ Tư pháp đã bác bỏ thông tin cho rằng một tuần Bộ này thẩm định đến 44 nghị định về điều kiện kinh doanh. Đồng thời cho biết Bộ đã có ý kiến với các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, ví dụ như điều kiện trong Thông tư 20 năm 2011 của Bộ Công Thương. Trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Người phát ngôn của Bộ, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã thông tin chính thức với báo chí liên quan đến công tác thẩm định chùm dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh. Đúng quy định pháp luật.

Để thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư năm 2014, trước tình trạng chậm ban hành các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh của một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 66/TB-VPCP ngày 27/4/2016 về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư nhằm tránh các “lổ hỗng” pháp lý từ ngày 01/7/2016.

Một trong những ý kiến đó là chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ đẩy nhanh tiến độ soạn thảo các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trình Chính phủ trước ngày 30/5/2016 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo quy định tại Điều 75 và Điều 76 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì Bộ Tư pháp đã thẩm định chùm nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.

Quá trình thẩm định, Bộ Tư pháp đều thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan và đại diện của hiệp hội doanh nghiệp, đồng thời có mời Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (trong một số trường hợp có cả doanh nghiệp) tham gia.

Tuy nhiên, trong rất nhiều cuộc họp tư vấn thẩm định, mặc dù được mời nhưng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam không cử đại diện tham dự. Trường hợp có ý kiến bằng văn bản thì gửi muộn nên Bộ Tư pháp cũng không kịp tiếp thu đưa vào báo cáo thẩm định. …

* Chinhphu.vn (19/6): Nhiều địa phương tự ra thủ tục 'hành' DN

          Tại Hội thảo vừa diễn ra ngày 16/6 tại TPHCM, các chuyên gia cho rằng muốn doanh nghiệp tư nhân phát triển, trước hết phải loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ “cố tình” không hiểu quy định, có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp, “làm rầu nồi canh”.

Hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035 phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức; có sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu cả nước và đông đảo doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn TPHCM.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp tại hội thảo, hiện nay, trong khi Trung ương ban hành hàng loạt chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động thì ở một số địa phương vẫn còn tình trạng cán bộ lấy cớ “chưa nắm được”, hoặc “chưa được hướng dẫn” để buộc doanh nghiệp thực hiện những yêu cầu không hợp lý.

Có doanh nghiệp lại phản ánh mới xin giấy phép mở thêm chi nhánh ở một tỉnh miền Trung và bị yêu cầu có hợp đồng thuê mặt bằng mới được đáp ứng. Khi doanh nghiệp thắc mắc tại sao Luật không quy định loại giấy này, cán bộ địa phương lý giải là do trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp bỏ trốn nên phải… linh động. Vì không muốn mất thêm thời gian và chi phí, doanh nghiệp chấp nhận bổ sung bản hợp đồng thuê văn phòng nhưng tiếp tục bị trả về bởi hợp đồng… ngắn hạn.

Một doanh nghiệp khác lại cho hay, cách đây không lâu có tiến hành thủ tục xin phép thành lập chi nhánh cũng ở một tỉnh miền Trung. Đến cơ quan chức năng địa phương, họ đòi phải có biên bản họp cổ đông mới được cấp phép. Khi doanh nghiệp phản ứng là Luật đã bỏ quy định này thì được cán bộ lấy cho xem một bộ “thủ tục” của tỉnh ban hành, trong đó có yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục vừa nêu.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp cũng nói nhiều về những bất cập trong lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh hiện hành. Một doanh nghiệp kinh doanh đồ trang sức cho hay vừa bị Quản lý Thị trường xử phạt vì không đủ điều kiện hoạt động do không có cân trong khi Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định: “Cửa hàng kinh doanh đồ nữ trang không phải dùng cân vì bán đồ theo món trang sức”. Dù bức xúc nhưng doanh nghiệp vẫn miễn cưỡng nộp phạt để tránh ảnh hưởng đến làm ăn về sau.

Chia sẻ với doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao nhận định hiện nay, vấn đề doanh nghiệp đặc biệt lo lắng không phải là thiếu vốn mà họ lo không biết lúc nào sẽ bị xử phạt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp nhỏ không muốn lớn.

 CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

* Kênh VTV1 – Bản tin Chào buổi sáng lúc 6h50 ngày (18/6): Người vi phạm giao thông sẽ nộp tiền phạt tại bưu điện

Từ ngày 15/6, người vi phạm giao thông có thể đến bưu điện tại địa phương để nộp tiền phạt vi phạm giao thông thay vì đến trụ sở đơn vị Cảnh sát giao thông xử phạt.

Theo đó, người vi phạm giao thông có nhu cầu sử dụng dịch vụ này có thể đăng ký trực tiếp với cơ quan công an thông qua hình thức ghi và ký vào mặt sau tờ biên bản vi phạm hoặc cũng có thể đến bưu cục gần nhất có cung cấp dịch vụ này để đăng ký và nộp tiền.

Sau khi bưu điện tiếp nhận và thực hiện các thủ tục cần thiết, người vi phạm giao thông tại các trung tâm tỉnh thành phố sẽ nhận lại tất cả giấy tờ trong vòng tối đa 2 ngày, các địa điểm khác là từ 3 - 5 ngày.

Các giấy tờ sẽ được chuyển về tận nhà người vi phạm. Nếu xuất hiện tình trạng thất lạc, bưu điện tỉnh, thành phố sẽ chịu trách nhiệm với các bên liên quan để làm lại giấy tờ và chịu mọi chi phí.

* Báo Hậu Giang (18/6): Hậu Giang: Đến 2020, mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp đạt 80%

Nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, nâng mức hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, thủ tục hành chính được cải cách cơ bản nhằm đảm bảo tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính, nâng mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt mức trên 80%.

Đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh, 100% các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.

Sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh đạt mức trên 80%.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đạt được mục tiêu 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử…

* Tiền Phong (18/6): Hà Nội đẩy mạnh đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử

Thực hiện cam kết về việc đảm bảo thực hiện 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được giải quyết trong 2 ngày làm việc, UBND thành phố Hà Nội vừa giao Cục Thuế Hà Nội báo cáo tiến độ thực hiện việc cấp mã số thuế tự động đối với doanh nghiệp theo quy định.

Phối hợp, đảm bảo việc cấp mã số doanh nghiệp trong thời gian 4 giờ làm việc kể từ khi nhận được thông tin doanh nghiệp do cơ quan đăng ký kinh doanh chuyển đến.

Giao Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất báo cáo việc miễn, giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp đối với truờng hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng theo hướng: Miễn việc thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng từ 15/6 đến 31/12.

Giảm 50% mức lệ phí đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng từ 1/1/2017 cho đến 31/12/2017.

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

* TTXVN (18/6): Thu Ngân sách Nhà nước hoàn thành 41,6% dự toán năm 2016

Thống kê của Tổng Cục Thuế cho thấy, số thu ngân sách Nhà nước 5 tháng năm 2016 do cơ quan này quản lý đạt 337.105 tỷ đồng, tương đương 41,6% dự toán.

Đại diện Tổng Cục Thuế cho biết, kết quả thu Ngân sách Nhà nước nội địa trong 5 tháng bám sát tiến độ thực hiện dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong số đó, tiến độ các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất - kinh doanh cơ bản đạt khá so với dự toán và cao hơn cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, thu từ khu vực công nghiệp thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 47,8% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,9% dự toán; thu từ tiền sử dụng đất đạt 60,4% dự toán...

Để hoàn thành số thu Ngân sách Nhà nước năm 2016, thời gian tới, Tổng Cục Thuế tập trung vào 9 nhóm giải pháp cơ bản. Trong số này, ngành lưu ý tới việc thanh, kiểm tra, quản lý và cưỡng chế nợ thuế.

Cơ quan này đặt mục tiêu phấn đấu năm 2016 đạt 18% số doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực có dư địa thu lớn, tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao: doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, hoàn thuế.

* Vietnamnet.vn (18/6): Nguồn lợi 19 tỷ USD: Ngân sách sẽ bội thu?

Với một loạt các chương trình, gói ưu đãi được luật hoá, như dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang được lấy ý kiến. Tương lai, ngân sách có cơ hội kiếm nguồn thu thuế mới lên tới khoảng 19,2 tỷ USD. 19,2 tỷ USD chỉ là một trong nhiều con số về lợi ích kinh tế mà chuyên gia kinh tế độc lập Lê Duy Bình nêu ra khi công bố Báo cáo đánh giá tác động (RIA) đối với dự Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Bình cho biết, dự luật sẽ tác động tích cực tới mục tiêu đạt con số 1 triệu DN Việt Nam năm 2020, đóng góp trực tiếp cho quá trình chính thức hoá doanh nghiệp, củng cố và mở rộng khu vực kinh tế chính thức.

Hiện, Việt Nam có 450.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Với mức độ tạo việc làm như của các DN hiện tại, khi có thêm 550.000 DN mới ra đời, nền kinh tế sẽ hấp thụ thêm ít nhất 235.000 tỷ đồng, tương ứng 10,5 tỷ USD vào đầu tư sản xuất kinh doanh.

Kéo theo đó, các DN mới sẽ tạo ra tới 8,5 triệu việc làm mới; trong đó, có 7,5 triệu việc làm từ các DN mới và khoảng 200.000 việc làm từ các hợp đồng mua sắm công.

Nhờ vậy, một nguồn thu thuế mới sẽ được hình thành từ cộng đồng các DN này, với con số được ước tính lên tới 429.000 tỷ đồng, tương ứng mức 19,2 tỷ USD.

"Hiện mỗi năm, các DN tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 200.000 tỷ đồng tiền thuế các loại, bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, tiêu thụ đặc biệt,... Số thuế này cũng chỉ tính trên cơ sở 40% DN có lãi", ông Bình cho hay.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, chia sẻ: "Mỗi DN chỉ cần tạo ra 5-10 việc làm. Với mức lương tối thiểu trung bình 3 triệu/người/tháng thì một năm, thu nhập cho người lao động là 36 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập từ trồng lúa, hoa màu chỉ được 20-30 triệu đồng/năm. Như vậy, mỗi việc làm mà DN nhỏ và vừa của Việt Nam tạo ra là tương đương một ha lúa".

* Lao Động (18/6): Nhiều bộ, ngành thừa hàng chục xe công

Theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Đài Tiếng nói Việt Nam thừa hàng chục xe công. Cụ thể, theo kết quả rà soát tại Bộ NN&PTNT, số xe phục vụ công tác chung theo tiêu chuẩn, định mức quy định của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc bộ này là 276 xe. Đối chiếu với định mức này, số xe hiện có của Bộ NN&PTNT thừa 176 xe, so với báo cáo của Bộ này là 452 xe. Nếu so với số liệu tại cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước là 541 xe thì số xe phục vụ công tác chung của Bộ thừa 265 xe.

Bộ Công Thương đã trang bị thừa 1 xe công phục vụ chức danh cho lãnh đạo, thừa 57 xe phục vụ chung và xe chuyên dùng. Bộ Công Thương chỉ được cấp xe công phục vụ chức danh cho 11 lãnh đạo, bao gồm Bộ trưởng, 6 thứ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng và 3 cục trưởng có hệ số phụ cấp chức vụ là 1,25, nhưng khi xác định định mức, Bộ Công Thương đã tính lên 12 xe, vượt 1 xe so với tiêu chuẩn.Đối với xe ôtô phục vụ chung, so với định mức xe ôtô phục vụ công tác chung (135 xe) thì số xe hiện có của Bộ Công Thương thừa 57 xe.

Đài Tiếng nói Việt Nam (ĐTNVN) sau khi rà soát xe công cũng thừa hàng chục xe công. Theo báo cáo, ĐTNVN có 1 xe ô tô phục vụ chức danh và 47 xe phục vụ công tác chung. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn, định mức, số xe phục vụ công tác chung tại ĐTNVN là 35 xe. Như vậy, so với thực tế, đơn vị đang dôi dư 12 xe phục vụ công tác chung.Với số xe dôi dư này, Bộ Tài chính đề nghị ĐTNVN lập danh sách gửi về Bộ để xử lý theo quy định.

Đối với trang bị xe chuyên dùng, ĐTNVN đã được Bộ Tài chính thỏa thuận là 104 xe, nhưng số xe chuyên dùng hiện có đến nay tại đơn vị mới là 74 xe (chưa kể số xe được điều chỉnh từ xe phục vụ công tác chung sang xe chuyên dùng sau kết quả rà soát). Như vậy, ĐTNVN vẫn còn định mức 30 xe chuyên dùng chưa được trang bị.

PHÁP LUẬT

* Thanh Niên (18/6): Đề nghị truy tố nguyên Trưởng phòng TN&MT thành phố Vũng Tàu

Bộ Công an vừa kết luận điều tra bổ sung vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc An Khang thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 6 bị can.

Đến thời điểm này, cơ quan điều tra xác định đã có 285 người bị hại với số tiền bị chiếm đoạt lên tới 390 tỉ đồng. Trong đó, có 4 bị can làm việc tại Công ty An Khang bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm Ngô Thị Minh Phượng - Chủ tịch HĐQT, Trần Quý Dương - nguyên Phó chủ tịch HĐQT, Đỗ Thùy Linh - Tổng giám đốc và Vương Quốc Hải - Phó Tổng giám đốc); 2 bị can Vũ Quốc Tuấn - nguyên Trưởng phòng TN&MT TP Vũng Tàu) và Nguyễn Trung Quốc - nguyên cán bộ Phòng TN&MT TP.Vũng Tàu bị đề nghị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo kết luận điều tra, năm 2008 Công ty An Khang lập dự án khu trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp Metropolitan tại Phường 11, TP.Vũng Tàu (Metropolitan), có tổng diện tích đất sử dụng 430.000 m2, tổng vốn đầu tư gần 9.800 tỉ đồng. Năm 2010, trong khi chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp tại khu vực dự án, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như giấy phép xây dựng nhưng Công ty An Khang đã huy động vốn của khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng góp vốn, thực chất là hợp đồng bán nền.

Từ cuối năm 2010 đến tháng 6/2013, Công ty An Khang ký hợp đồng với 296 người, thu được 410 tỉ đồng. Trong số những đất nền đã bán có 36 nền chồng lấn đất công và 10 nền chồng lấn đất các hộ dân đang sử dụng hợp pháp. Tiền thu từ khách hàng, Phượng, Dương đã sử dụng 24,3 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng dự án và hoạt động thường xuyên của Công ty An Khang; Dương được chia hơn 116 tỉ đồng và đã sử dụng mục đích cá nhân; Phượng chiếm hưởng hơn 269 tỉ đồng.

Hiện quỹ của Công ty An Khang không còn tiền mặt, trên sổ sách kế toán tồn quỹ hơn 44 tỉ đồng. Đến đầu năm 2014, thời điểm khởi tố vụ án, Công ty An Khang chưa có đất nền để bàn giao cho khách hàng như cam kết trong hợp đồng góp vốn.

* Vietnamnet.vn (19/6): Kỷ luật Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kiên Giang

UB Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang vừa ban hành quyết định thi hành kỷ luật ông Đặng Ngọc Tân, đảng viên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Hình thức kỷ luật ông Đặng Ngọc Tân là khiển trách do vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Theo đó, với vai trò là Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang, ông Đặng Ngọc Tân thực hiện chưa tốt quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ; đề đạt, bổ nhiệm cán bộ chưa minh bạch, rõ ràng, không được sự đồng thuận của ban lãnh đạo. Trong lãnh đạo, điều hành, ông Tân để xảy ra vi phạm quy định của Nhà nước về việc lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu làm chậm tiến độ thi công công trình, gây lãng phí ngân sách nhà nước, tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín tập thể và cá nhân ông Tân.

THẾ GIỚI

* VTV.vn (18/6): Nhật Bản: Thị trưởng Tokyo từ chức do bê bối quỹ chính trị

Đài truyền hình NHK, Nhật Bản đưa tin, Thị trưởng TP Tokyo, ông Yoichi Masuzoe, đã đệ đơn xin từ chức sau những chỉ trích liên quan tới bê bối sử dụng quỹ chính trị. Quyết định từ chức của ông Masuzoe được đưa ra sau khi Hội đồng Thành phố Tokyo dự kiến ngày 15/6 sẽ thông qua một bản kiến nghị bất tín nhiệm đối với ông.

Ông Masuzoe (67 tuổi) nhậm chức vào tháng 2/2014, thay thế người tiền nhiệm Naoki Inose. Ông Inose từ chức vì bê bối tài chính cá nhân sau khi dẫn đầu chiến dịch giúp Tokyo giành quyền tổ chức Olympic 2020. Thị trưởng Masuzoe phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ từ dư luận sau khi những thông tin liên quan đến thói tiêu xài xa xỉ, cũng như chi phí tốn kém trong các chuyến công du nước ngoài của ông được tiết lộ.

* Vietnamnet.vn (20/6): Lãnh đạo đảng Cộng hòa xúi lật đổ Trump?

Lãnh đạo đảng Cộng hòa dường như đang khuyến khích tiến hành một cuộc nổi loạn trong đảng để "lật đổ" Trump, trong cuộc họp toàn quốc của đảng vào tháng sau. Theo kế hoạch, đảng Cộng hòa Mỹ sẽ tổ chức đại hội toàn quốc vào các ngày 18-21/7 ở Cleveland. Tại sự kiện này, ông Trump được cho là sẽ chính thức trở thành ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, đến nay một nhóm thành viên của đảng vẫn đang vận động không công nhận ông Trump vào vị trí đó.

The Guardian đưa tin, hôm 19/6, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói rõ, ông sẽ không ngăn cản bất cứ một cuộc nổi loạn nào chống Trump của các đại biểu tại Cleveland. Là đảng viên Cộng hòa giữ chức vụ cao nhất tại Quốc hội, ông Ryan sẽ giữ vai trò chủ tọa hội nghị của đảng vào tháng 7, khi các đại biểu chính thức đề cử ứng viên Tổng thống đại diện cho đảng.

Ông Ryan nói thêm: "Tôi biết vai trò của mình, chỉ mang tính nghi thức. Hiện ông Trump đang nắm giữ đa số ủng hộ của đại biểu, ông ta chắc thắng nhưng điều cuối cùng tôi sẽ làm là cân nhắc và nói với các đại biểu nên làm gì".

Ông từ chối chỉ trích việc ngày càng có nhiều nghị sĩ Cộng hòa ở lưỡng viện tích cực khích động "nổi dậy", thuyết phục các đại biểu khác phớt lờ kết quả bầu cử sơ bộ hoặc bỏ phiếu ủng hộ một sự thay đổi, nhằm giúp họ rút lại quyết định ủng hộ Trump ở Cleveland. Ryan nhấn mạnh, ông sẽ không đi đầu trong cuộc nổi loạn và ông từng gây sức ép để Trump thay đổi các tuyên bố và tiến hành một chiến dịch mà tất cả các đảng viên Cộng hòa đều tự hào về nó".

Hồi đầu tháng này, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện, nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell, nói ông có thể hủy bỏ sự ủng hộ của mình với Trump. Theo nhận định của các chuyên gia, dù điều gì xảy ra, thì kết quả cũng gây chia rẽ trong đảng Cộng hòa và làm gia tăng cơ hội cho Hillary Clinton giành chiến thắng vào tháng 11./.

Tin mới nhất

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

<< < 1 2 3 4 5  ... > >> 
°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
386 người đã bình chọn